Việt Nam Quốc dân đảng giai đoạn khởi nghĩa Yên Bái trong sách “Tự Lực văn đoàn – Văn học và cách mạng”

Bách Thân

Nhân có cuộc tranh luận về sách (hiện mới chỉ công bố dần dạng điện tử) Tự Lực văn đoàn – Văn học và cách mạng,[1] (sau đây viết tắt là TLVĐ) của tác giả Thụy Khuê; chúng tôi tìm đọc và thấy cần phải làm rõ với tác giả một số chi tiết lịch sử liên quan đến Việt Nam Quốc dân đảng giai đoạn Khởi nghĩa Yên Bái (khoảng 1929-1931). Vì vậy, về căn bản, bài này chỉ khảo nội dung của ba bài (chương?) của sách trên, là: “28- Hoàng Đạo: Vấn đề Cần lao[2], “34- Việt Nam Quốc Dân Đảng[3] và “35- Con đường cách mạng[4]. Ghi chú nguồn trích dẫn từ đây sẽ dùng các ký hiệu chỉ từng chương (28), (34) và (35).

I. Cách chọn tài liệu tham khảo của sách TLVĐ (phần khảo sát)

Thụy Khuê (TK) viết:

“Phần thứ hai này được soạn, phần lớn dựa theo tài liệu chính là cuốn Nguyễn Thái Học (1902-1930) của Nhượng Tống. Tác phẩm được viết để kịp in ra mắt ngày 17 tháng 6 [1945], …

Ngoài ra còn cuốn Lịch sử đấu tranh cận đại 1927-1954, Việt Nam Quốc Dân Đảng (gọi tắt là VNQDĐ) của Hoàng Văn Đào, xuất bản lần đầu năm 1964, tại Sài Gòn, tiếp nối sách của Nhượng Tống: phần đầu dựa hoàn toàn trên cuốn Nguyễn Thái Học, …

Ở đây, chúng tôi ưu tiên sách của Nhượng Tống, bởi ngoài phương diện văn bản gốc, còn là sản phẩm của một nhà văn, phản ảnh được không khí thời đó và chứa đựng mối thâm tình của người bạn đã ở bên Nguyễn Thái Học từ những ngày đầu.

Tập tài liệu thứ ba là Phụ Nữ Tân Văn từ số 41 (27-2-30) đến số 59 (13-7-30) (trích trong sưu tập Phụ Nữ Tân Văn phấn son tô điểm sơn hà của Thiện Mộc Lan, Văn Hóa, Sài Gòn, 2004) cho ta những tin tức đương thời, nhất là về phiên toà xử Nguyễn Thái Học cùng các đồng chí và cuộc hành hình sau đó. Phụ Nữ Tân Văn, chép lại thông tin của báo Pháp được phép có mặt, riêng vụ hành hình có lẽ chính phóng viên Phụ Nữ Tân Văn cũng tham dự; vì họ là nhà báo, không ở trong đảng, nên có thể có cái nhìn khách quan hơn những điều Nhượng Tống ghi chép theo lời các đồng chí kể lại sau này.” (34). Và,

“Báo chí ngoài Bắc lặng tiếng trước tình hình đẫm máu khắp nơi. / Nhưng Phụ Nữ Tân Văn ở trong Nam tường thuật.”(34)

Tài liệu tham khảo của sách biên khảo là một phần cực kỳ quan trọng và một người biên khảo đúng nghĩa phải có phân biệt nguồn sơ cấp (Source principale) và thứ cấp (Source secondaire)… và ưu tiên dùng nguồn sơ cấp; song, TLVĐ không thể hiện điều này. Lý do chọn tư liệu dựa trên “sản phẩm của một nhà văn, … chứa đựng mối thâm tình”, khá xa lạ với việc biên khảo.

Tất nhiên, lựa chọn tư liệu nào, là quyền của tác giả. Tuy nhiên quyền luôn đi cùng trách nhiệm. Mọi sai sót từ tư liệu là thuộc về tác giả; không thể nói rằng, lỗi này do Nhượng Tống hoặc Hoàng Văn Đào, lỗi kia của Phụ Nữ Tân Văn.

Về sách của Nhượng Tống và Hoàng Văn Đào (từ đây, phần các gạch đầu dòng là phản biện của chúng tôi):

– Ra đời rất muộn so sự kiện (1930): sách Nhượng Tống là 15 năm (1945), sách Hoàng Văn Đào – 34 năm (1964).

– Độ tin cậy không cao vì, đó không phải là sách khảo cứu, trái lại, có phần là sách tuyên truyền, lại viết vội vã (“được viết để kịp in ra mắt”).

– Sách Hoàng Văn Đào “phần đầu dựa hoàn toàn trên cuốn Nguyễn Thái Học (Nhượng Tống)”; còn Nhượng Tống thì dùng tư liệu của “Louis Marty, …, viết và xuất bản một bộ sách gồm 5 cuốn nhan đề "Góp vào lịch sử chính trị vận động ở Đông Pháp" để lưu hành trong nội bộ. Vì chính biến 9-3-[19]45 (Nhật đảo chính Pháp) sách này bị tung ra ngoài” (34). Như vậy, sách “của Marty” – còn là văn bản gốc” hơn cả (xuất bản năm 1933) – đã xuất bản từ năm 1967,[5] sao tác giả không tham khảo trực tiếp?

Về Phụ Nữ Tân Văn từ số 41 (27-2-30) đến số 59 (13-7-30)

– Tác giả không tham khảo trực tiếp Phụ Nữ Tân Văn mà là lấy tư liệu qua sách Phụ Nữ Tân Văn Phấn son tô điểm sơn hà (Thiện Mộc Lan, 2004); vì vậy, sẽ bị “hố” với việc này (xem phần dưới).

– “Báo chí ngoài Bắc lặng tiếng trước tình hình đẫm máu khắp nơi. / Nhưng Phụ Nữ Tân Văn ở trong Nam tường thuật.” – Viết vô căn cứ và xúc phạm báo giới Bắc kỳ. Chỉ cần đọc hai nhật báo tại Hà Nội – Thực nghiệp Dân báo[6]Hà thành Ngọ báo[7]– trên Gallica sẽ rõ. Phụ Nữ Tân Văn là tuần báo, ở Sài Gòn, không có phóng viên tại Hà Nội, sao có thể “tường thuật” được?

– “Phụ Nữ Tân Văn, chép lại thông tin của báo Pháp được phép có mặt, riêng vụ hành hình có lẽ chính phóng viên Phụ Nữ Tân Văn cũng tham dự;” – Nguồn nào để khẳng định “chép lại thông tin của báo Pháp”? “riêng vụ hành hình” (ý tác giả là vụ ngày 17/6/1930?) thì sự “có lẽ” nói trên chắc chắn là không đúng vì “Đến chứng kiến việc này có đại biểu của các báo Le Matin và báo Petit Parisien…” (Hà thành Ngọ báo 857, 17/6/1930) – Cớ sao khi xét xử đã không cho phóng viên báo Việt dự, mà khi hành hình thì lại ưu đãi Phụ Nữ Tân Văn?

II. Lỗi sử kiện

1. TK viết: “Ngày 18-12-1929, Phạm Thành Dương dẫn Riner, thanh tra mật thám đến vây bắt ba lãnh tụ Nguyễn Thái Học, …” (28). Tác giả chỉ chọn Nhượng Tống và Hoàng Văn Đào, nhưng họ đều ghi ngày khác, vậy là sao?

– Nhượng Tống: “Ngày 25 tháng Chạp, Dương đem một toán lính mật thám lên.” (tr. 86); chắc viết theo Marty: “Ngày 25 tháng 12, Nguyễn Thái Học và đội cận vệ bị kích bởi nhân viên sở mật thám tại vùng Võng la…” (tr. 110)

– Hoàng Văn Đào: “Sớm ngày mồng 8 tháng 12 năm 1929, theo chân Đội Dương, Riner…bổ vây xung quanh làng Võng La,…” (tr. 95)

2. Lê Hữu Cảnh là Trưởng Ban Ám sát?

TK viết: “C. mà Khái Hưng nhắc đến ở đây, chắc là Lê Hữu Cảnh, thành phần cốt yếu của VNQDĐ, Trưởng ban ám sát. Sau vụ khởi nghiã Yên Bái, các lãnh tụ chết cả, Lê Hữu Cảnh sẽ lên nắm quyền lãnh đạo, tổ chức lại đảng” (34).

– Trưởng Ban Ám sát Ký Con, cho tới tận ngày 8/3/1930 mới bị bắt; mà trước đó, hầu hết lãnh đạo VNQDĐ đã chết hoặc bị bắt, làm gì còn người và có tổ chức cuộc họp nào để cử ra “Trưởng Ban Ám sát”? Lê Hữu Cảnh nằm trong số ít người còn hoạt động, đứng đầu nhóm “cải tổ” và làm tất mọi việc: tổ chức lại, ám sát, cướp tiền… và cũng chỉ hơn 4 tháng sau là bị bắt (10/7).

3. TK viết: “Nguyễn Thế Nghiệp lập kế trốn thoát, sang Tàu tổ chức đưa quân từ Vân Nam về giúp cuộc Tổng khởi nghiã nhưng không kịp.” (34)

– Nguyễn Thế Nghiệp chưa bao giờ viết rằng mình đã tổ chức được một đội quân, thì không thể có chuyện “tổ chức đưa quân từ Vân Nam về giúp cuộc Tổng khởi nghiã”. Xem: Nguyễn Thế nghiệp, Việt Nam Quốc dân đảng ở hải ngoại, Nhật báo Hải Phòng, 1946 (nguồn: Gallica).

image4. TK viết: “…, ngày 30-9-28, Khách Sạn Việt Nam, khai trương tại số 38 phố Hàng Bông Đệm, từ ông chủ [Lê Thành Vị] đến nhân viên, đầu bếp, đều là đảng viên, đoàn viên.” (34)

– Quảng cáo trên Hà thành Ngọ báo ghi: “[Việt Nam Hôtel] mới mở cửa ngày 25 Octobre 1928” (số 453, 9/11/1928, Gallica, xem hình).

5. TK viết: “Cai Hoằng (Ngô Hải Hoằng) chỉ huy chiếm kho quân nhu, tiến đánh Đồn Cao, nhưng phi cơ Pháp, từ Hà Nội bay lên oanh tạc trúng bộ chỉ huy”. (34)

– “Phi cơ oanh tạc” là một chi tiết tưởng tượng. Thời đó máy bay chưa có khả năng tác chiến ban đêm. Máy bay chỉ bay trên bầu trời Yên Bái sáng ngày 10 tháng 2 (1930) sau khi nhận được tin báo vụ nổi dậy kết thúc của công sứ Yên Bái (Thực nghiệp Dân báo 2762, 11/2/1930). Trong toàn sự kiện, chỉ có duy nhất một vụ ném bom tại Cổ-am (Kiến-an) mà thôi.

6. TK viết: “Ký Con (Đoàn Trần Nghiệp, 19 tuổi) chỉ huy đoàn quân cảm tử ở Hà Nội, bị chém đầu trước cửa Hoả Lỏa [Lò] Hà Nội cuối năm 1930, cùng sáu đồng chí.” (34)

– Sai hai chi tiết: Ký Con bị chém sáng ngày 9 tháng Ba 1931 cùng ba đồng chí.(Thực nghiệp Dân báo 3082, 9/3/1931, Gallica)

7. TK viết: “Trần Quang Diệu bị chém ngày 23- 6-1931 ở Hải Dương cùng ba đồng chí.” (34)

– Sai một chi tiết: Trần Quang Diệu bị chém ngày 13 tháng Hai 1931. (Thực nghiệp Dân báo 3066, 14/2/1931, Gallica)

8. TK viết: “13 liệt sĩ đã lên đoạn đầu đài ngày 17-6-1930” – gồm có ảnh và tên 13 người với “Phụ Nữ Tân Văn số 58, ngày 26-6-30.” và “Tên các liệt sĩ được sửa lại theo bản in trong sách của Nhượng Tống và Hoàng Văn Đào

– Trước hết, bàn về tên 13 người: cơ sở nào để chọn, tên này từ sách Nhượng Tống, tên kia từ sách Hoàng Văn Đào? Phải chăng khảo cứu dựa trên cơ sở… cảm tính?

– Về phần ảnh, theo nguyên tắc khảo cứu, phải ghi đúng nguồn gốc (là từ Thiện Mộc Lan, Phụ Nữ Tân Văn Phấn son tô điểm sơn hà, tr. 98) chứ không thể ghi “Phụ Nữ Tân Văn số 58”. Chính vì không trung thực nguồn và không khảo cứu nguồn gốc, TLVĐ đã bị Thiện Mộc Lan lừa dối (cùng toàn thể bạn đọc).

· Trong 13 bức ảnh nhỏ, chỉ có 7 ảnh là đúng (xem hình). Lý do: Phụ Nữ Tân Văn số 58 đưa một số (không đầy đủ) ảnh của 39 người bị kết án tử hình tại Hội đồng Đề hình Yên Bái 2. Sau đó, tổng thống Pháp ân xá, giảm án cho 26 người. Trong số ảnh đã công bố, có 7 người không được ân xá.

· Có 6 người phải lên máy chém mà không có ảnh ở số báo đó. Thiện Mộc Lan đã dùng ảnh 6 người khác (có ở số báo trên) để thay thế.

· Chúng tôi công bố tại đây ảnh gốc trên Phụ Nữ Tân Văn số 58 (có thêm phần chú thích).

image

Ảnh: 6 người trong ô đỏ, đã được giảm án.

image

Ảnh Phụ Nữ Tân Văn số 58 (tr. 7), 5 người bị án tử là: Nguyễn Thái Học, Phó Đức Chính, Bùi Tư Toàn, Bùi Văn Chuẩn và Nguyễn An.

image

Ảnh Phụ Nữ Tân Văn số 58 (tr. 8), 2 người bị án tử là: Hà Văn Lao và Nguyễn Như Liên (Ngọc-tỉnh).

III. Nhận định thiếu căn cứ

9. TK viết: “Khi Việt Nam Quốc Dân Đảng quyết định Tổng khởi nghiã, các nhà phân tích lịch sử thường chỉ trích mấy nhược điểm: Không chuẩn bị, không có lý thuyết rõ ràng, bạo động và thất bại. Nhưng họ không hiểu tình trạng này: Việt Nam Quốc Dân Đảng lúc đó mới ở chặng đường đầu, đang cổ động để thành lập các chi bộ trên toàn lãnh thổ. Việc ám sát Bazin khiến nhà đương cuộc Pháp truy lùng để đập tan tổ chức của họ, vì vậy họ phải Tổng khởi nghĩa ngay để gây tiếng vang, nếu không sẽ bị tiêu diệt, dù biết rằng khởi động là chết và họ đã chọn cái chết.” (34)

Nguyễn Thái Học đã nói rất rõ các nội dung mà TLVĐ viết phía trên, ở Hội nghị Đức Hiệp (tháng Năm 1929) và Hội nghị Võng La (tháng Một 1930) cùng câu nói nổi tiếng “Không thành công thì thành nhân” (Hoàng Văn Đào, tr. 91, 103). “Các nhà phân tích lịch sử” kia, chỉ là “sáng tác” của tác giả để minh họa luận điểm của mình.

10. TK viết: “Sau khi ra tù, các bạn chết gần hết, sống sót một mình, lòng u uẩn như có niềm "hối hận" về sự "sống còn, sống thừa" của mình, Nhượng Tống đã…”(34)

– “các bạn chết gần hết” là một nhận định cẩu thả. Không ai biết rõ Nhượng Tống có bao nhiêu bạn nhưng chắc chắc là, số người chết ít hơn rất nhiều số bị tù khổ sai ở Guyane, Côn-lôn…

11. TK viết: “Vi Văn Định kiện toàn việc càn quét,

Nhượng Tống viết: ‘Ngay ngày 17-2-1930, tên Vi Văn Định, Tổng đốc Thái Bình đã về Phụ Dực, khám bên bờ sông, tìm ra một mớ khí giới và bắt 10 người…’” (34)

Vẫn chưa hết, tình cờ chúng tôi tình cờ tìm thấy ở chương trước đó (28) đã có đoạn “Vi Văn Định kiện toàn việc càn quét” chỉ nhấn mạnh hơn: “…càn quét những mảnh vụn”.

– Hai lần nhấn mạnh “Vi Văn Định kiện toàn việc càn quét”, hẳn đó là “niềm vui khám phá” của tác giả nhưng nhận định này rất sai trên nhiều khía cạnh. Tại đây chỉ xin bàn khía cạnh “kiện toàn”.

image· Trung hòa Nhật báo 865 (20/2/1930) đưa tin: “[18/2] Lính khố-xanh ở Hà-nội sắp đi dẹp quân nghịch” (xem hình). Ơ hay, ông Vi Văn Định đã “kiện toàn” từ ngày 17/2 rồi kia mà? Có thể đưa ra hàng chục ví dụ khác để chứng minh sự “viết liều” của tác giả.

– Không hề tìm thấy trên báo chí đương thời tin Nhượng Tống đã dẫn về hoạt động của Vi Văn Định trong ngày 17/2/1930 như trên.

12. TK viết: “Nhưng có điểm này chắc không sai:

‘Mỗi lần có việc rối loạn gì trong nước, thì chánh phủ đều phong cho một vị đại thần ta làm chức Khâm sai, đem lính đi đánh dẹp. Như hồi ông Phan Đình Phùng ở Hà Tĩnh, thì nhà nước giao cho ông Nguyễn Thân đề binh đánh dẹp, hồi ông Đề Thám ở Bắc Giang, thì nhà nước cho ông Lê Hoan làm Khâm sai.

Lần này cũng vậy. Chánh phủ đã cử ông Vi Văn Định, Tổng đốc Thái Bình đem một đại đội binh mã, lo việc tuần tiễu và đánh dẹp quân nghịch’. (Phụ Nữ Tân Văn số 41, 27-2-30)” (34).

– Chúng tôi thực sự ngạc nhiên trước thông tin trên của Phụ Nữ Tân Văn số 41. Sự so sánh giữa vai trò của Nguyễn Thân và Lê Hoan (thế kỷ 19, khi chưa có thống sứ, công sứ nắm quyền) với Vi Văn Định (thế kỷ 20, chế độ “bảo hộ” giả, người Pháp trực tiếp nắm quyền) là méo mó và khiên cưỡng.

· Báo chí đương thời tại Hà Nội và Bắc Kỳ (nơi có cuộc nổi dậy), nhất là các nhật báo như đã nêu; hàng ngày đưa tin rất chi tiết cái mà họ ghi là, tin “cuộc biến động” hoặc “cuộc khởi loạn”, nhưng không hề thấy một tin nào về Vi Văn Định. Tại sao một tờ báo, xa cả không gian lẫn thời gian (tuần báo Sài Gòn) lại đơn độc đưa tin này (ít nhất theo sự khảo của chúng tôi tới nay).

· “Chánh phủ đã cử ông Vi Văn Định”, là chính phủ nào? Thống sứ Bắc Kỳ (người duy nhất có quyền) dĩ nhiên là không. Ông Vi Văn Định chỉ là Tổng đốc một tỉnh mà thời đó, quyền mỗi tỉnh Bắc Kỳ nằm trong tay một viên công sứ; vậy thì ông ta có quyền gì với một vùng nổi dậy nhiều tỉnh? Chắc chắn đó là tin bịa đặt.

IV. Lời cuối

Khi công bố bản thảo trên mạng, có lẽ tác giả cũng muốn nhận được phản hồi của bạn đọc để sửa chữa, điều chỉnh… nhằm có một cuốn sách tốt nhất khi ra đời; bài của chúng tôi là một trong những phản hồi hướng tới điều đó.

Chúc tác giả thành công./.

Tài liệu tham khảo

1. Nhượng Tống, Nguyễn Thái Học (1902-1930), Việt-Nam Thư-xã, 1945.

2. Hoàng-Văn Đào, Việt Nam Quốc-dân-đảng, Sài Gòn, 1970.

3. Thiện Mộc Lan, Phụ Nữ Tân Văn Phấn son tô điểm sơn hà, tp HCM, 2004.

4. Tuần báo Phụ Nữ Tân Văn (Sài Gòn) (các số liên quan)

5. Sở Mật thám Đông Dương, Việt-Nam Quốc-dân-đảng (1927-1932), Long-Điền dịch, Sử địa số 6 (1967), tr. 96-123.

6. Các nhật báo Hà Nội: Thực nghiệp Dân báoHà thành Ngọ báo; báo tuần 2 số: Trung hòa Nhật báo (Hà Nội). Nguồn: Gallica và Thư viện Quốc gia Hà Nội, Việt Nam.


[1] http://thuykhue.free.fr/

[2] http://thuykhue.free.fr/TLVD/TLVD-28-VanDeCanLao/28-VanDeCanLao.html

[3] http://thuykhue.free.fr/TLVD/TLVD-34-VNQDD/34-VNQDD-NhuongTong.html

[4] http://thuykhue.free.fr/TLVD/TLVD-35-ConDuongCachMang/35-TLVD-ConDuongCachMang.html

[5] Sở Mật thám Đông Dương, Việt-Nam Quốc-dân-đảng (1927-1932), Long Điền dịch, Sử địa số 6 (1967) tr. 96-123.

[6] https://gallica.bnf.fr/ark:/12148/cb32877449m/date.item

[7] https://gallica.bnf.fr/ark:/12148/cb32785460p/date&rk=21459;2

Comments are closed.