Vũ Thành Sơn – Cơn khát khao từ bỏ

Nguyễn Viện

image

“Tôi đang dựng lại lịch sử của chính tôi từ lịch sử của những người khác.” (tr.92)

Đó không phải là câu mở đầu của tiểu thuyết “Căn nhà giữa những đám mây”, nhưng đó là cách Vũ Thành Sơn đã thực hiện cuốn sách này thông qua những ký ức của nhân vật xưng tôi với những thành viên khác trong gia đình của anh ta.

Một cách điềm tĩnh, Vũ Thành Sơn đã kể một câu chuyện khốc liệt về gia đình như cách “đi tìm thời gian đã mất”.

“Tôi không hề chờ đợi tôi chào đời. Sự có mặt của tôi trên đời chỉ là kết quả của một quyết định của người khác, không phải của tôi, từ sự kết hợp hoàn toàn ngẫu nhiên của một con tinh trùng vô trách nhiệm với một cái trứng phóng đãng…” (trang 82)

Một thành tố của gia đình đã hình thành như thế. Và có thể tất cả mọi thành tố khác của cái gọi là “gia đình” cũng đã xuất hiện một cách đáng ngờ như thế.

Phải chăng, đó là lý do khiến nhân vật xưng tôi ấy đã buộc phải truy vấn về sự tồn tại của mình với những liên hệ vốn được coi là “máu mủ, ruột thịt” kia như một cách biện giải về cái bí ẩn của cuộc sống nói chung, hay những khái niệm ràng buộc như gia đình, tổ quốc…?

Bạn có giật mình không?

Giống như Lâm, người anh bí ẩn của nhân vật tôi, hắn đã lửng lơ, chơi vơi trong cái khát khao từ bỏ cố cựu văn minh, văn hóa để làm một hành trình vô định, vô tăm tích như Lâm, cho dẫu thế, để được sống cuộc đời mình cho mình như phải thế, thay vì cho người khác.

Bởi, “Suy cho cùng cuộc sống vốn rất cần những bí ẩn và nó sẽ mãi mãi thơm tho cho đến khi bạn giẫm lên cứt của kẻ khác.” (tr 94)

Bạn có đồng ý không?

Cho dù, bạn có giật mình hay không, đồng ý hay không đồng ý với tác giả, thì cũng chẳng có gì quan trọng. Bởi vấn đề của tiểu thuyết hay văn chương không là chờ đợi sự đồng thuận. Mà ngược lại, nó có thể tuyên chiến, cũng như khước từ mọi thói quen của người đọc và những mặc định về giá trị của cuộc sống.

“Căn nhà giữa những đám mây” của Vũ Thành Sơn không những văn hay, chỉn chu mà Vũ Thành Sơn còn cung hiến cho người đọc cái vi tế của chữ nghĩa, đồng thời mời gọi người đọc lên đường như Lâm đã ra đi, bỏ lại sau lưng những hệ lụy.

Thách thức quá phải không?

Một tác phẩm rất cá biệt và thành công thuộc loại hiếm hoi trong tình hình chữ nghĩa xô bồ nhưng lại nhạt nhẽo hiện nay. Tuy nhiên, nếu có ai bảo rằng ông Vũ Thành Sơn viết cách tân hay hậu hiện đại gì đó, thì tôi nhất quyết cãi: KHÔNG.

Comments are closed.