Xã hội học thi pháp dòng chảy cuộc đời

Phạm Văn Quang

clip_image002Những năm 1971-1972, Sartre viết tác phẩm ba tập mang nhan đề Kẻ ngốc trong gia đình (L’idiot de la famille), là phần tiếp theo của công trình Các vấn đề phương pháp (Questions de méthode). Ngay trong lời tựa, tác giả đưa ra nghi vấn: Chúng ta hiểu gì về con người ngày nay ? Với cách đặt vấn đề này, Sartre tin tưởng rằng người ta chỉ có thể tìm được lời giải khi nghiên cứu những trường hợp cụ thể. Vì thế ông đã đi vào xem xét quãng đời nhà văn Gustave Flaubert. Nhưng thiết nghĩ câu hỏi này cần được đẩy xa hơn nữa đến hạn từ “tại sao”: Tại sao phải tìm hiểu về con người ngày nay? Quả vậy, nếu như Sartre muốn nghiên cứu từng trường hợp cụ thể, thì điều đó không có nghĩa là ông tách biệt con người cá nhân ra khỏi đời sống xã hội. Hơn nữa, mỗi con người đều mang trong mình dấu vết của cả một thân phận nhân loại, nên không thể phủ nhận rằng số phận cá nhân là cánh cổng mở lối vào thẩm thấu cộng đồng nhân loại, cuộc sống tha nhân và xã hội. Tìm hiểu con người cá nhân nhằm tìm kiếm và xây dựng nền tảng cộng đồng xã hội. Tác phẩm của Sartre là công trình tìm hiểu con người trong tính tổng thể của nó dưới góc nhìn phân tâm học và theo chủ thuyết Marxisme. Điểm quan trọng chúng ta thấy trong tác phẩm vừa mang tính huyền ảo, vừa thuộc phạm vi lí luận này là, một mặt, Sartre không ngần ngại khẳng định rằng mọi con người đều có thể được hiểu biết và thẩm thấu một cách toàn diện, miễn là chúng ta sử dụng những phương pháp thích hợp và có những tư liệu cần thiết; mặt khác, ông nêu ra tầm quan trọng của bước khởi đầu các cuộc điều tra và khảo sát các tình tiết cuộc đời cá nhân. Kẻ ngốc trong gia đình là một “tiểu thuyết chân thực”, như Sartre tuyên bố; tác giả đề cập đến cuộc đời Gustave Flaubert nhưng rõ ràng để nói về chính bản thân mình. Ngay tức khắc, chiến thuật này của Sartre gợi cho chúng ta một thực tế khác: những phương pháp nghiên cứu hiện đại trong khoa học xã hội và nhân văn vẫn còn hạn chế để đạt đến khả năng diễn giải về con người, đặc biệt con người trong quá khứ. Vì thế, người ta trở về tìm kiếm một loại hình “tiểu thuyết chân thực” có khả năng phản ánh cuộc đời. Anh chàng Flaubert trong Kẻ ngốc trong gia đình, như đã nói, chính là hình ảnh của Sartre, và tác phẩm “tiểu thuyết chân thực” này chẳng qua là một cuộc phiêu lưu tự thuật đã từng được gợi mở trong một tác phẩm khác của Sartre: Lời nói (Les mots). Là dư vang của Lời nói, tác phẩm Kẻ ngốc trong gia đình, cũng như những tác phẩm tự thuật khác, thuộc thể loại dòng chảy cuộc đời và trở thành phương tiện ưu việt cho tiến trình nghiên cứu con người. Như vậy, vấn đề ở đây không chỉ dừng lại ở việc xem xét người ta viết/diễn đạt như thế nào trong tác phẩm cá nhân của mình, mà lối viết của tác phẩm cá nhân mà chúng tôi gọi chung là dòng chảy cuộc đời có tham gia vào tiến trình khám phá cá nhân và diễn giải xã hội hay không. Nghĩa là cần xem xét các hình thái diễn đạt của con người cá nhân trong tương quan với bản thân và với xã hội.

Dòng chảy cuộc đời là một cách diễn đạt thể loại hay là một loại hình diễn ngôn, trong đó tác giả kể lại cuộc đời mình hay một giai đoạn cuộc đời mình cho một hay nhiều người khác với hình thức nói hoặc viết. Chúng tôi sẽ quan tâm đặc biệt đến loại hình viết. Sở dĩ Sartre “ẩn mình” dưới bóng Flaubert là vì tác giả sử dụng một chiến thuật có tác dụng làm đặc trưng hóa các dữ kiện của cuộc đời mình. Hình ảnh của nhà văn thể hiện ở chính “cái mình tạo ra”, và cuộc đời được nhìn nhận như một không gian kết nối của các hành trình cá nhân và tương lai cộng đồng, là sự kết hợp của cái riêng và cái chung. Là đối tượng của tri thức, dòng chảy cuộc đời trở thành phương tiện tri nhận tiến trình lịch sử cá nhân và cộng đồng, căn tính văn hóa, tâm lí và xã hội.

[…]

Chuyên khảo được xây dựng trên hai phần chính. Phần thứ nhất dưới nhan đề Dòng chảy cuộc đời: từ thực hành xã hội đến hư cấu văn học thể hiện hai vấn đề quan tâm. Trước hết, trong chương thứ nhất, chúng tôi trình bày các lĩnh vực thực hành xã hội của dòng chảy cuộc đời như là phương pháp nghiên cứu liên ngành trong khoa học xã hội và nhân văn, cụ thể trong các chuyên ngành nhân học, xã hội học, tâm lí học và sử học. Mỗi lĩnh vực sẽ được xem xét trong tương quan với đời sống văn học. Tiếp theo, chương hai bàn đến khái niệm dòng chảy cuộc đời một cách chuyên biệt hơn ở phạm vi thể loại văn học. Chúng tôi mạo muội đề cập đến các vấn đề xã hội học thi pháp dòng chảy cuộc đời. Nghĩa là thể loại dòng chảy cuộc đời sẽ được quan sát ở góc độ xã hội học, trong tương quan với ý thức hệ, các biến thể xã hội và các trào lưu diễn ngôn đương đại. Chúng tôi đặc biệt nêu ra một số lí thuyết gia đại diện của văn học tự thuật: từ Lejeune, Gusdorf đến Robbe-Grillet. Với những quan điểm khác nhau của các chuyên gia này, chúng tôi xây dựng một cơ sở lí thuyết cho tiến trình xác định và nghiên cứu dòng chảy cuộc đời trong văn học Việt Nam Pháp ngữ.

Phần thứ hai nghiên cứu Các hình thái diễn ngôn dòng chảy cuộc đời trong văn học Việt Nam Pháp ngữ. Chương thứ ba trình bày hiện tượng nở rộ của dòng chảy cuộc đời như một sự khẳng định của chủ thể tính. Chúng tôi phân tích khái niệm chủ thể theo các chiều kích khác nhau trong các tác phẩm cụ thể. Trước tiên phải nhìn nhận vị thế và tầm ảnh hưởng của khái niệm chủ thể và chủ thể tính trong các hình thức diễn ngôn hiện đại thuộc lĩnh vực triết học và trong phạm vi văn học nói chung. Từ đó, chúng tôi phân định các giai đoạn khác nhau của tiến trình chủ thể (nhân vật/tác giả) ứng xử với chính mình. Văn học Việt Nam Pháp ngữ cho thấy ở thời kỳ đầu thế kỷ XX, các nhà văn tham gia tích cực vào tiến trình khẳng định hay thể hiện cá nhân như một chủ thể độc lập – khuynh hướng này được xem như phát xuất từ những ảnh hưởng của văn học phương Tây, đặc biệt văn học Pháp. Tiếp theo, chúng tôi muốn đề cập đến hình ảnh các tác giả trên hành trình khám phá bản thân như một chủ thể suy tư, ẩn mình trong cái tôi đặc thù, cái tôi tự phản tỉnh. Chương cuối của chuyên khảo gợi mở các chủ đề lưu đày, chứng từ và căn cước chủ thể. Đây là phần đặc thù của nghiên cứu dòng chảy cuộc đời trong các diễn ngôn đương đại. Qua các tác phẩm, chúng tôi chứng minh những hiện tượng lưu đày, vô xứ như là một hình thức giải lãnh thổ hóa để tiến đến quá trình tái thiết một căn cước mới hoặc thực hiện một sự nối tiếp. Không gian cho việc tái thiết căn cước có thể là không gian địa lí cụ thể như những quốc gia cư trú. Nhưng không gian xây dựng và tái thiết căn cước cũng có thể là chính tác phẩm, là không gian sáng tác, là lối viết – một “đường thoát” để tái thiết hình ảnh cá nhân và cộng đồng, một không gian tượng trưng và tưởng tượng. Bên cạnh đó, chúng tôi tập trung phân tích các diễn ngôn chứng từ: những lời chứng cho phép cá nhân tìm về cội nguồn theo một cách thức khác, nhưng cũng dẫn đến việc hình thành một căn cước hiện tại trong tương quan với quá khứ và dự phóng tương lai. Lời chứng hay nhiệm vụ của viết dòng chảy cuộc đời là cất lên lời chứng như là một ý chí sinh tồn, vừa mang giá trị lịch sử vừa thể hiện một nhãn quan đạo đức. Cuối cùng chúng tôi dành một phần quan trọng cho các tác phẩm của Linda Lê, một nhà văn ưa thích tìm kiếm ý nghĩa cho tác phẩm và cho cuộc đời ở “nơi khác xa lạ”. Vì thế chủ thể thường gặp trong tác phẩm của bà là “chủ thể siêu vị”.

(Trích “Dẫn nhập”, Xã hội học thi pháp dòng chảy cuộc đời, Phạm Văn Quang, NXB Đại học Quốc gia TP HCM, 2015)

Comments are closed.