Xem lại thái độ của Lỗ Tấn đối Đào Tiềm (qua phân tích vài thiên tạp văn của tác giả) “吶喊”者不喜“歸去”人- 也談鲁迅對陶渊明的態度

Lê Thời Tân, Mai Chanh

Tóm tắt:

Một vài thiên tạp văn của Lỗ Tấn cho thấy văn hào này không có cảm tình với thi nhân Đào Tiềm. Lỗ Tấn dường như cố tình lí giải sai thơ văn và nhân cách Đào Tiềm. Phản bác của chúng tôi đối với Lỗ Tấn không chỉ cho ta thấy sự cực đoan và quá khích của ông, quan trọng hơn nó cũng là cơ hội để nhận thức lại chân tinh thần của tác giả bài ca “Quy Khứ” – Đào Tiềm.

Từ khóa: Lỗ Tấn, Đào Tiềm, quá khích, chân tinh thần, “Gào Thét”, “Quy Khứ”

Reconsider Lu Hsun’s attitude towards Tao Yuanming

(“Callers to Arms” do not like “Home Recluses”)

Summary: Some essays written by Lu Xun show that this great writer does not like Tao Yuanming. It seems that Lu Xun has deliberately explained Tao Yuanming’s poems and personality in a wrong way. Our refutation of Lu Xun not only shows us his extreme views but it

also an opportunity for us realize the genuine morale of the author of the ode to “Returning Home”.

Key words: Lu Hsun, Tao Yuanming, “Call to Arms”, “Returning Home”, extreme, genuine morale

1. Nông phu đâu có người hầu

Có xu hướng cho rằng Đào Tiềm ngay từ đầu đã muốn lánh đời và diễn tả việc ông quy điền như là hành động ẩn dật khí tiết. Trong khi không ít người đọc thơ ông như là một thứ thơ điền viên tùng cúc sương mai ráng chiều “ưu tai du tai – an nhàn thảnh thơi”. Cách hiểu đó nếu không nói là hời hợt thì cũng là một lối “mĩ miều hóa” dễ dãi. Một cuốn từ điển thành ngữ tiếng Hán sau khi giải thích thành ngữ “ưu tai du tai” là “an nhàn thảnh thơi” thậm chí đã đặt câu minh họa như sau “Đào Uyên Minh nửa đời còn lại ẩn cư chốn sơn dã, an nhàn thảnh thơi, sống cuộc sống điền viên bay bổng tựa thần tiên”.[1] Cụm từ đó cũng từng được Lỗ Tấn dùng đến khi miêu tả cuộc sống của ẩn sĩ trong thiên tạp văn cùng tên “Ẩn Sĩ”. Trong hoàn cảnh cổ súy hành động cho phong trào Ngũ Tứ đương thời, việc phê bình bộ phận trí thức chọn đường ẩn dật “trùm mền” có thể đã khơi gợi được những đồng tình nhất định. Tuy vậy việc Lỗ Tấn hướng mũi dùi đả kích vào cả Đào Uyên Minh có thể bị xem là một việc vơ đũa cả nắm. Lỗ Tấn viết: “Phàm là ẩn sĩ có tiếng tăm, anh ta vốn đã có cái hạnh phúc “Gượm sống hết đời trong an nhàn thảnh thơi” (Lỗ Tấn dẫn câu từ Tả Truyện左傳-襄公二十一年: Ưu tai du tai, liêu dĩ tốt tuế 悠哉游哉 聊以卒歲). Nếu không thế, sáng đốn củi, ngày cày ruộng, chiều tối nấu nướng, đêm khâu giày thì còn đâu nhàn rỗi để hút thuốc[2] uống trà, ngâm thơ viết văn. Đào Uyên Minh là một bậc đại ẩn danh tiếng vang lừng, một “thi nhân điền viên”. Đương nhiên ông ta không ra báo, mà cũng làm gì mà được tiền “Quỹ tài trợ học bổng”, nhưng ông lại có nô bộc (nguyên văn nô tử). Nô bộc thời Hán-Tấn không chỉ hầu hạ chủ đồng thời cũng cấy cày, buôn bán cho chủ. Đó là công cụ kiếm tiền của chủ. Cho nên dù là Uyên Minh, tiên sinh cũng có chút sinh tài kiếm lợi. Nếu không ông cụ nhà ta không những không có rượu uống mà cũng chẳng có cả cơm mà ăn, chết đói bên bờ dậu phía đông từ lâu rồi” [1].[3] Chẳng cần phải chỉ ra việc Lỗ Tấn đã tầm chương trích cú những câu viết về đề tài ẩm tửu trong thơ Đào Uyên Minh nhằm mục đích phê phán đời sống ẩn dật an nhàn hưởng thụ ra sao. Học giả có người từng chỉ ra Lỗ Tấn khi viết như thế thực ra chỉ căn cứ vào một chi tiết khá mơ hồ trong Đào Tiềm Truyện (Tiêu Thống):

“Người thân già cả, nhà lại nghèo. Ban đầu làm Tế Tửu (Tế Tửu của châu đại loại giống như là chức quan trông coi giáo dục hàng tỉnh ngày nay – LTT), không kham được chức quan, chẳng bao lâu bỏ việc về nhà. Châu quận vời làm Chủ Bạ (công việc đại loại tương tự như văn phòng hoặc văn thư ủy ban tỉnh ngày nay), không ra. Tự cày cuốc nuôi nhà nuôi mình, thân mắc tật bệnh. Thứ Sử Giang Châu là Đàm Đạo Tế đến thăm. Đào ốm đói nằm bệt giường đã mấy ngày. Đạo Tế nói: “Hiền nhân xử thế, thiên hạ vô đạo thì ẩn cư, hữu đạo thì ra làm quan. Nay ông sống thời thịnh trị làm sao lại tự làm khổ mình như vậy?” Đáp: “Tiềm tôi sao dám làm người hiền, chỉ là chí hướng không theo kịp vậy”. Đạo Tế biếu tặng lương thực thịt thà. Đào Tiềm khoát tay chối từ. Sau Đào Tiềm làm Chấn Quân, Kiến Uy Tham Quân (chức quan tham nghị luận định việc quân cơ – LTT). Ông nói với bạn: “Những muốn đàn ca dành tiền cất ngôi nhà ẩn thân có nên không?” Quan phương có người nghe vậy cử ông làm Bành Trạch Lệnh (Huyện Lệnh tương đương Tri Huyện về sau – LTT). Ông đến huyện nhậm chức không mang gia quyến đi theo. Đào Tiềm gửi một lực điền (nguyên văn “lực tử” – áng chừng chỉ một người lao động chân tay được thuê mướn – LTT) cầm theo thư về cho con trai cả. Thư viết: “Chi phí tiêu pha hàng ngày tự con khó mà bảo đảm. Nay sai về một kẻ giúp việc, đỡ đần vào việc đốn củi gánh nước. Anh ta cũng là con nhà người ta, con nên đối đãi tử tế.[4] Công điền trong huyện, Đào Tiềm lệnh trồng cao lương, nói: “Để đủ nấu rượu uống vậy.” Vợ con cố xin cho trồng lúa nên mới ra lệnh để hai khoảnh năm mươi mẫu trồng cao lương, năm mươi mẫu trồng lúa (có chênh sai về số công điền trồng cao lương hay trồng lúa trong các thuật kể về Đào Tiềm trong sử truyện – LTT). Năm hết, gặp lúc châu quận phái Đốc Bưu (có học giả cho đây là chức quan trợ lí trực tiếp cho Quận Thú – Thái Thú của quận, cấp hành chính trên huyện. Đốc Bưu đại để phụ trách truyền đạt chỉ thị cấp trên, giám sát thanh tra cấp dưới – LTT) xuống huyện. Sai nha khuyên ông áo mũ cân đai ra đón. Ông than: “Ta há lại vì năm đấu gạo mà khom lưng khúm núm trước đứa trẻ con nhà quê?” Ngay hôm đó treo ấn từ quan, viết bài Quy khứ lai từ. Triều đình vời làm Trước Tác Lang nhưng không nhận. Giang Châu Thứ Sử Vương Hồng muốn gặp nhưng không mời được ông.” [2][5]

Như ta đọc thấy, Đào Tiềm một mình đến nhận chức Bành Trạch Huyện Lệnh, không mang theo gia quyến. Rất có thể trong lần ra làm quan này ngay lúc lên đường ông đã nghĩ đến chuyện sớm về. Rằng phen này cũng chỉ là thử một chuyến nữa xem sao mà thôi. Và sự thực là không đầy ba tháng sau, ông quả đã quay về với tùng cúc vườn nhà. Cầm ấn quan huyện thời gian 80 ngày, không biết công điền lúa đã gặt về đến sân chưa? Còn kẻ “lực tử” kia rất có thể cũng chỉ là một công bộc ở nha môn huyện lệnh. Đào Tiềm lúc đó nhà thiếu người làm (con cả tên Nghiễm bấy giờ mới 13 tuổi) nên mới sai người này về nhà đỡ đần việc nặng nhọc giúp vợ con. Nếu đúng vậy thì khi ông bỏ chức huyện lệnh, người này đương nhiên cũng phải được trả về nha môn. Đọc thư ông gửi các con, ta có thể phỏng đoán nếu người giúp việc đó là người hầu vốn có trong nhà thì ông việc gì phải dặn con như vậy. Mười năm sau khi tuổi qua năm mươi, con cái cũng đã có đứa lớn khôn, ông lại nhắc lại chuyện xưa. Xin đọc một đoạn trong bài Viết dặn các con (與子儼等疏Dữ tử Nghiễm đẳng sớ – Tạm dịch) viết năm 51 tuổi:

Bảo với các con Nghiễm, Sĩ, Phần, Dật, Đồng: Trời đất cho ta sinh mệnh, có sinh ắt có tử. Bậc thánh hiền tự cổ có ai tránh được lẽ này. Tử Hạ nói: “Sống chết cố số, phú quý tại trời”. Bốn đồ đệ của Khổng Tử được người dạy bảo trực tiếp cũng đều nói vậy, đủ thấy bần cùng hay hiển đạt, trường thọ hay đoản mệnh đều không phải mình muốn mà được vậy. Cha tuổi đã qua năm mươi. Hồi nhỏ nghèo khổ, cứ khi trong nhà túng bấn thường phải đôn đáo ngược xuôi. Tính khí cương trực mà tài ứng phó kém vụng, ra đời giao thiệp thường va vấp, bất hòa. Tự nghĩ cứ đà đó nhất định để lại tai vạ ở đời, thế nên gắng gỏi từ quan lánh thân về vườn. Việc đó khiến các con còn nhỏ đã gặp cảnh cơ hàn. Cha thường nghĩ ngợi câu nói vợ ông Nhữ Trọng – “Mình mặc áo bông rách, còn thẹn được gì với con cái nữa?” Đấy là một chuyện. Chỉ tiếc láng giềng không có người như anh em Cầu Trọng Dương Trọng, trong nhà không có vợ hiền như vợ Lão Lai Tử. Ôm nỗi khổ tâm, trong lòng rất thẹn. Tuổi nhỏ học đàn xem sách, tính thích nhàn tĩnh. Mở sách đọc gặp điều tâm đắc phấn khích đến quên ăn. Nhìn thấy cây cối đan cành chung bóng, nghe tiếng chim các loại mỗi mùa mỗi khác mà lòng vui tươi. Ta thường nói: “Tháng năm, tháng sáu nằm bên cửa sổ phía bắc, thỉnh thoảng có cơn gió mát thổi qua cảm thấy mình như dân đời Phục Hy vậy” (cũng giống như lưu dân thung lũng hoa đào trong Đào hoa nguyên kí vậy – LTT). Nghĩ nông tính cạn, tưởng đời có thể giữ được thế mãi. Năm tháng dần qua, mà mình thì lại xa lạ với chuyện bợ đợ khéo khôn. Mong ước được như thủa cũ đã trở nên xa xôi mờ mịt. Từ ngày ta đau ốm đến giờ, người ngày một yếu. Thân thích bạn bè không quyên ta, thường vẫn cho thuốc chạy chữa. Nhưng ta lo mình chẳng sống được bao lâu. Các con từ nhỏ cảnh nhà khốn khó, chặt củi gánh nước có lúc nào được ngơi. Những chuyện đó ta nhớ nghĩ trong lòng mà cũng chẳng biết nói sao ra lời”. [3]

Quy khứ lai từ hề tả cảnh người nhà đón đợi ông quan từ chức về vườn: “Chạy đón chủ năm ba đầy tớ, Đứng chờ ông mấy đứa trẻ con[6] (Bản dịch Từ Long). Đọc những câu ông miêu tả cảnh vườn lúc về mà cứ tưởng như chủ nhân đã xa nhà làm quan cả chục năm trời: “Đi về sao chẳng về đi? Ruộng hoang vườn rậm còn chi không về? [… …] Rầm rì mấy khóm con con, Mấy cây tùng cúc hãy còn như xưa”.[7] Tám mươi ngày làm quan xa nhà đâu đến nỗi vườn tược hoang tàn được đến thế. Chẳng qua vẫn là cái tinh thần quy khứ. Có người nói, đọc khắp thơ văn ông đến đây mới thấy câu có chữ “đồng bộc” (đứa hầu). Mà thực ra thì đó chẳng qua rất có thể cũng chỉ là một cách nói cao nhã trong văn chương mà thôi. Như bạn thân của ông là Nhan Đình Chi[8] cũng từng nói rõ trong Đào Trưng Sĩ lỗi: “Đào Tiềm thuở nhỏ nghèo khổ, cuộc sống không có thê thiếp hay kẻ hầu hạ”.[9] Xin lưu ý bài văn điếu bạn này (lỗi là một thể văn kiểu văn tế, điếu văn) là tài liệu duy nhất được viết bởi một người có đi lại giao du với Đào Tiềm còn lưu lại đến ngày nay. Thử đọc một đoạn trong tác phẩm của Nhan Đình Chi:

Kẻ sĩ từng được vời ra làm quan dưới đời Tấn người đất Tầm Dương – Đào Uyên Minh ấy chính là người ẩn thân nơi vắng lặng dưới chân Nam Nhạc. Tuổi nhỏ không ham chơi đùa, lớn lên một tấm lòng thành thực. Đi học cũng chẳng được thầy ưng ý nhưng văn chương viết ra ý chỉ rất là thông đạt. Giữa đông người mà vẫn không mất dáng cô đơn, nói năng khiêm nhường càng lộ vẻ trầm mặc.[10] Tuổi thiếu niên nhà nghèo lắm bệnh, không thê thiếp người hầu. Gánh nước giã gạo việc nặng sức khó kham, rau cỏ hoa màu cũng chẳng phải là luôn đủ. Mẹ già con nhỏ, dưỡng nuôi thường thiếu. […] Về sau làm huyện lệnh Bành Trạch. Đạo và đời không hòa hợp, bỏ quan để theo việc mình thích. Gỡ bỏ ràng buộc với thế nhân, nuôi chí gác thân ngoài cục thế. Ẩn tích nơi sâu vắng, cách trần ai càng xa. Tưới vườn bán rau lo việc giỗ chạp tế đám; Đan giày dệt chiếu đỡ đần chuyện thóc gạo tiêu pha”. [2][11]

Không phải ngẫu nhiên mà Tiêu Thống đã đưa thêm bài văn tế này vào bộ Chiêu Minh Văn Tuyển (ở quyển 57) như là để dẫn giải thuyết minh thêm về Đào Tiềm – một tác gia đã được ông chọn đưa vào công trình sưu biên danh tiếng của mình. Một điều không khó thấy là toàn bộ các văn bản trần thuật về Đào Tiềm từ Nhan Đình Chi đến Tống Thư, Tấn Thư, Nam Sử cũng như trần thuật của chính Đào Tiềm về bản thân (tác phẩm có tính cách tự truyện Ngũ Liễu Tiên Sinh, bài Tựa của Quy khứ lai hề rồi cả bài Dữ tử Nghiễm đẳng sớ – viết dặn các con) cho chí bài văn tế tự viết lấy (Tự Tế Văn) đều thống nhất với nhau trên những nội dung cơ bản về đời sống, tính cách của Đào Tiềm. Tất cả các trần thuật đó cùng với bản thân thơ ông hoàn toàn đã cung cấp đủ chất liệu để vẽ lên một bức chân dung Đào Uyên Minh với những gam màu cơ bản, hài hòa. Vì vậy chúng ta có quyền băn khoăn không hiểu vì sao Lỗ Tấn lại bộc lộ một thái độ tiêu cực như vậy về Đào Tiềm. Chí ít chúng ta cũng muốn biết Lỗ Tấn rốt cuộc đã căn cứ vào đâu để phán định Đào Tiềm sống được cuộc sống ẩn dật thanh nhàn là nhờ ở bóc lột sức lao động của nô bộc?

2. Ai cấm kẻ nghèo làm thơ

Lỗ Tấn thậm chí không tin trong cảnh bần hàn mà lại có thể sáng tác văn chương. Trong một thiên tạp văn nhan đề “Bàng bích” chi hậu ông lại nhắc đến Đào Tiềm như là một dẫn chứng phản diện tiêu cực:

“Tôi ngày thường vẫn hay nói với các bạn sinh viên trẻ: Lời của cổ nhân “cùng sầu tác thư” (sầu muộn bần cùng ngồi viết sách. Xem trong Sử kí – Ngu Khanh truyện: “nếu không lâm cảnh cùng sầu thì cũng không thể viết sách để lưu hình bóng mình lại cho hậu thế” – LTT) thực không đáng tin. Nghèo rớt mồng tơi, sầu đến chết người, còn đâu nhàn tình dật chí mà viết văn? Chúng tôi chưa từng thấy một kẻ chết đói chờ việc nào ngâm thơ bên khe núi. Tiếng nói phát ra dưới roi vọt của kẻ tù đày chẳng qua chỉ là tiếng la hét. [… …] Cao giọng ngâm nga “Đói khát xô xui ta ra khỏi nhà” như ông Đào Trưng Sĩ chắc lúc đó hoặc là đã có ý say rồi!”. [4][12]

Lỗ Tấn cố tình dẫn câu thơ “Đói khát xô xui ta ra khỏi nhà” của Đào Tiềm và phỏng chừng tác giả của nó đã say rượu. Mười năm sau, trong một bài tạp văn nhan đề 病 后 雜 談 (Bệnh hậu Tạp đàm, đăng Nguyệt San Văn Học số 2 quyển 4 tháng 2/1935 gần như cùng một thời gian với bài Ẩn Sĩ đề cập trên) Lỗ Tấn dẫn lại câu này với một giọng khá cay độc và khinh bạc. Thiên tạp văn mỉa mai hạng người mà nhà văn gọi là “nhã sĩ”. Lỗ Tấn nói đại ý – muốn “nhã” thì cũng phải có địa vị và tiền bạc. Chẳng hạn như Đào Uyên Minh có chút chức quan huyện lệnh thì mới nhã được.

Liền đó tác giả A Q Chính Truyện ngồi đặt tình huống Đào Tiềm giả sử ngày nay sống lại, nhận nhuận bút bèo bọt hiện thời mà thuê nhà có hàng rào hoa cúc để dạo hái thì mỗi tháng cần phải viết bao nhiêu trang? Đấy là chuyện ở, như cơm ăn thì – xin dẫn nguyên văn Lỗ Tấn: “còn phải nghĩ thêm cách khác nữa. Nếu không thì ông ta đành chỉ biết “Cơ lai khu ngã khứ, Bất tri cánh hà chi” (Đói khát xô xui ta ra khỏi nhà, Không biết đến đâu đã là đâu,… Hai câu mở đầu của bài thơ Xin ăn – Toàn bài thơ xem dưới)”. (hết dẫn).

Lỗ Tấn chắc phải biết Đào Uyên Minh ghế quan huyện ngồi không đến ba tháng và ngôi nhà có hàng rào trồng cúc của họ Đào không phải là được tậu hay thuê từ “thu nhập” nghề quan. Mà thực ra, kẻ bỏ huyện đường về vườn đó cũng không tự xem việc nhẩn nha hái cúc bên rào (thái cúc đông lí hạ) ngôi nhà nhà mình là cao nhã. Đọc thiên tạp văn của Lỗ Tấn, độc giả không hiểu vì sao mà Lỗ Tấn đang từ chuyện nhà ông ông ở, vườn ông ông cuốc lại kéo nhập vào chuyện thuê nhà có hàng rào trồng hoa cúc như vậy? [5]

Độc giả đều biết câu thơ của Đào Tiềm mà Lỗ Tấn dẫn trên chính là câu mở đầu của bài Khất Thực nổi tiếng. Đọc một lượt bài thơ này ta thấy khó mà nói đó là lời của một “người say”: “Cơ lai khu ngã khứ, Bất tri cánh hà chi; Hành hành chí tư lí, Khấu môn chuyết ngôn từ; Chủ nhân giải dư ý, Di tặng khỉ hư lại; Đàm hài chung nhật tịch, Thương chí triết khuynh bôi; Tình hân tân tri hoan, Ngôn vịnh toại phú thi; Cảm tử Phiếu Mẫu ý, Quý ngã phi Hàn tài; Hàm trấp tri hà tạ, Minh báo dĩ tương di.” (Đói khát xô xui ta ra khỏi nhà, Không biết đến đâu đã là đâu; Bước lần tới ngôi làng, Gõ cửa rồi mà không biết nói sao; Chủ nhân biết ý ta, Mang đồ ra cho khiến cho việc đến xin không uổng công; Nói chuyện tương đắc quên ngày sắp tối, Rượu rót đầy cốc cốc liền vơi; Vui mừng vì thêm người bạn mới, Tức cảnh viết thành bài thơ; Cảm cái ý Phiếu Mẫu cứu khốn của người mà thẹn ta không có có cái tài của Hàn Tín; Mang ơn không biết cảm tạ ra sao, Chỉ biết cầu quỷ thần báo đáp!) [3][13]

Huống nữa, thực tế là không cứ “cùng đáo thấu đỉnh, sầu đắc yếu tử đích nhân” (nghèo rớt mồng tơi, sầu đến chết người) thì chắc chắn không còn “nhàn tình dật chí lai trước thư” (có nhã hứng sáng tác). Sự thực thì bao kẻ nhàn tình dật chí mà không hẳn đã muốn cầm đến cây bút.[14] Ngược lại biết bao trước tác để đời lại thường được viết ra trong cảnh “cùng đáo thấu đỉnh, sầu đắc yếu tử”. Hàn Dũ trải cảnh cùng, viết văn làm thơ và nói “bất bình tắc minh”, Tư Mã Thiên gặp cảnh sầu muộn soạn Sử kí để Lỗ Tấn há chẳng biết đó chính là những điều mà tiền nhân gọi là “bất bình tắc minh”, “tàng chi danh sơn,… truyền chi kì nhân”. Tô Đông Pha đi đày nói thơ văn “cùng tắc hậu công” (窮而後工). Có thể nói hàng loạt những tác phẩm lớn của tác gia Trung Hoa từ Sử kí của Tư Mã Thiên, Nho lâm ngoại sử, Hồng lâu mộng đều là tác phẩm của những kẻ lâm cảnh cùng quẫn sầu đau cả. “Bàng hoàng” và “Nột hám” của chính Lỗ Tấn há chả phải cũng là sản phẩm của cảnh huống tương tự?

Thực ra việc Đào Tiềm cày lấy thóc ăn khác chi việc Lỗ Tấn sống bằng ngòi bút. Khi cuộc vận động Ngũ –Tứ bắt đầu cũng là lúc văn hào từ biệt thôn trấn chuyển hẳn cả đại gia đình lên Bắc Kinh sống đời công chức. Kể từ đó quê nhà của ông – dùng đúng đầu đề một thiên truyện nổi tiếng của ông – đã trở thành “cố hương”.[15] Chỉ đến mười năm cuối đời Lỗ Tấn mới không còn thu nhập từ tiền đi dạy hay lương công chức (Lỗ Tấn từng đảm nhận một số chức vụ quan trọng – không muốn gọi ông là “quan” thì cũng phải thừa nhận ông từng là viên chức cao cấp của chính quyền thời Dân Quốc) hoàn toàn sống bằng ngòi bút. Mười năm cuối đời (1926-1936) Lỗ Tấn chuyển tới Thượng Hải và sống trong một tô giới lớn (Shanghai International Settlement, thành lập khoảng những năm 40 thế kỉ XIX). Môi trường hành chính-chính trị đặc thù của tô giới bảo hộ việc viết lách cũng như an toàn nhân thân cho Lỗ Tấn. Từ một góc độ nào đó mà nói, ấy cũng là ẩn cư và cuộc sống của ông lúc đó khá phong lưu.[16] Thực tế như ta thấy đời ông là một cuộc tị nạn từng chặng một. Bỏ Thiệu Hưng đi Nam Kinh, Bắc Kinh. Rời Bắc Kinh đi Quảng Châu rồi bỏ ra Thượng Hải.[17] Rốt cuộc Lỗ Tấn đâu có trụ lại ở Bắc Kinh hay Quảng Châu – những nơi được xem là đầu sóng ngọn gió của phong trào hành động lúc bấy giờ.

Tất nhiên, hai thiên tạp văn thể hiện tập trung hai nhận xét của Lỗ Tấn về Đào Tiềm mà bài viết đã tập trung phân tích trên đây viết cách nhau cả mười năm trời (1925-1935). Và dĩ nhiên đó không phải là toàn bộ ý kiến của Lỗ Tấn về Đào Tiềm. Trong quãng thời gian đó ta còn thấy ông nhắc đến Đào Tiềm trong vài ba lần khác. Chẳng hạn trong bài nói chuyện học thuật tại Quảng Châu (tháng 9 năm 1927) nhan đề “Mối quan hệ giữa dược liệu, rượu và văn chương cùng phong độ Ngụy- Tấn”[18] [6], Lỗ Tấn cho rằng Đào Tiềm có phong cách tự nhiên, trọng yên bình. Đồng thời Lỗ Tấn cũng nhắc nhở các nhà phê bình nên chú ý thích đáng tới tinh thần quan tâm chính sự, xã hội trong thơ Đào Tiềm. Theo ông, chính khuynh hướng “tầm chương trích cú” phiến diện của các nhà phê bình đã khiến cho người đời có ấn tượng sai lạc rằng Đào Tiềm là thi nhân “siêu thoát” yêu chuộng nhàn tĩnh mà quên đi rằng Đào Tiềm cũng bộc lộc trong thơ tâm tư ưu thời và phê phán thế cuộc tích cực.[19] [5] Và đó cũng là điều khiến cho Đào Tiềm trở nên vĩ đại. Chúng ta có thể dễ dàng đồng ý với Lỗ Tấn về điểm này. Và chúng ta cũng có thể cho rằng nhận xét của Lỗ Tấn về Đào Tiềm như vậy cũng không phải là hoàn toàn tiêu cực. Bài viết này không dám phủ nhận điều đó nhưng trước sau chỉ muốn chỉ ra rằng, trong phần phê phán Đào Tiềm, Lỗ Tấn đã tỏ ra quá khích ra sao. Chí ít, ta cũng đã thấy trên những phê phán cụ thể về Đào Tiềm, Lỗ Tấn thực tế cũng đã cố ý “tầm chương trích cú” ra sao. Thực tế thì, so chuyện cuộc đời hai con người cách nhau hàng thế kỉ kể cũng có phần khập khiễng. Huống nữa tục ngữ Trung Quốc cũng có câu – tạm dịch “Mỗi nhà đều có cuốn kinh khó đọc” (gần ý “Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh” của tiếng Việt)! Tri nhân luận thế, luận thế tri nhân – ấy đều là việc không tránh được ít nhiều tình cảm chủ quan. Lỗ Tấn có nói đại ý Đào Tiềm có vẻ “tĩnh mục” (an tĩnh hiền hòa của Bồ Tát) mà cũng có vẻ “nỗ mục” (trừng mắt căm giận của Kim Cương). Và điều đó làm khiến cho thi nhân này trở nên vĩ đại. Chúng ta không ngại bổ sung rằng sự vĩ đại cũng còn biểu hiện ở chỗ chừng mực, không dễ dãi hiền hòa mà cũng không căm giận thừa thãi. Đánh giá tiền nhân dĩ nhiên còn khó ở chỗ giữ được chừng mực vậy.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]《且介亭雜文二集》trong《鲁迅全集》人民文学出版社, 1981.

Thả Giới Đình Tạp Văn Nhị Tập in trong Lỗ Tấn Toàn Tập, Nhân dân Văn học Xuất bản xã, 1981

[2]《昭明文選》上海古籍出版社, 1986.
Chiêu Minh Văn Tuyển, Thượng Hải Cổ tịch Xuất bản xã, 1986
[3] 王瑶编注《陶渊明集注》人民文学出版社, 1957.
Vương Dao biên chú, Đào Uyên Minh Tập Chú, Nhân dân Văn học Xuất bản xã, 1957
 [4]《华盖集》trong《鲁迅全集》人民文学出版社,1981.
Hoa Cái Tập in trong Lỗ Tấn Toàn Tập, Nhân dân Văn học Xuất bản xã, 1981
[5]《且介亭雜文》 trong《鲁迅全集》人民文学出版社, 1981.

Thả Giới Đình TạpVăn in trong Lỗ Tấn Toàn Tập, Nhân dân Văn học Xuất bản xã, 1981

[6]《集外集拾遗补编 》trong《鲁迅全集》人民文学出版社, 1981.

Tập Ngoại Tập Thập Di Bổ Biên in trong Lỗ Tấn Toàn Tập, Nhân dân Văn học Xuất bản xã, 1981

[7] Lê Thời Tân, “Đọc Lâm Ngữ Đường nghĩ lại Đào Uyên Minh”, Tạp chí Khoa Học (Social Sciences&Humanities), ĐHQGHN, Tập 28, Số 3/2012.


[1] Dẫn từ 金山词霸, xem www.iciba.com (mục từ ưu tai du tai). Nguyên văn câu dẫn làm ví dụ giải thích cho thành ngữ này: 陶渊明的后半生隐居在山野之中,优哉游哉,过着飘然若仙的田园生活.

[2] Bạn đọc có thể lấy làm ngạc nhiên khi thấy Lỗ Tấn đang mỉa mai ẩn sĩ xưa mà lại nói chuyện “thuốc lá”. Chuyện trà thuốc còn được nhắc đến lần nữa ở cuối bài viết này. Đương thời độc giả đều biết Lỗ Tấn viết bài này ẩn ý mỉa mai Chu Tác Nhân và Lâm Ngữ Đường – những kẻ “ca tụng sự nhàn, thuốc lá và trà” (Chu Tác Nhân là em trai Lỗ Tấn. Quan hệ bất hòa giữa hai anh em dường như đã bắt đầu từ dạo ở chung nhà tại Bắc Kinh).

[3] 隐士 (Ẩn Sĩ) đăng lần đầu trên quyển 1 kì 10 bán nguyệt san Thái Bạch (Thượng Hải, 20/2/1935. Gom in lại vào trong且介亭雜文二集《鲁迅全集》人民文学出版社 第6卷 1981). Lỗ Tấn mỉa mai hạng “ẩn sĩ” chỉ “đốn củi” “câu cá” trong thơ không phải là không đúng. Vấn đề là Đào Tiềm có đúng thuộc hạng đó không. Lỗ Tấn có ý cho rằng “ẩn” chẳng qua cũng chỉ là một cách kiếm cơm mà thôi. Và ông dường như không tin là Đào Tiềm có thực sự cày ruộng cuốc vườn thật sự.

[4] Nguyên văn: 送一力子给其子,书曰:“汝旦夕之费,自给为难。今遣此力助汝薪水之劳。此亦人子也,可善遇之。Về sau trong Hán ngữ, hai chữ “củi nước – tân thủy” chỉ nhu yếu phẩm, sinh hoạt phí hoặc lương bổng. Sử sách cho thấy Hán trở về trước quan lại được trả lương bằng thóc gạo, vải… Từ Đường về sau mới trả lương bằng tiền bạc.

[5] Tống Thư宋书》được xem là bộ quốc sử đầu tiên kí tải chuyện Đào Tiềm. Tiếp theo là Tấn Thư晋书》 rồi Nam Sử 南史》. Các thiên “Đào Tiềm Truyện” trong các bộ sử nội dung đại đồng tiểu dị, câu chữ tường lược khác nhau. Chẳng hạn liên quan tình tiết “không thể vì năm đấu gạo” Tấn Thư chép: “Tiềm thán viết: Ngô bất năng vi ngũ đấu mễ chiết yêu, quyền quyền sự hương lí tiểu nhân” (潜叹曰:吾不能为五斗米折腰,拳拳事乡里小人邪). Trong lúc Tống ThưNam Sử lại chép: “Ngã bất năng vi ngũ đấu mễ chiết yêu hướng hương lí tiểu nhân da?” (我不能为五斗米折腰,向乡里小人). Cũng câu đó Đào Tiềm Truyện của Tiêu Thống lại chép: “Ngã khỉ năng vi ngũ đấu mễ chiết yêu hướng hương lí tiểu nhi?” (渊明叹曰:我岂能为五斗米折腰?向乡里小儿). Cũng có câu được chép như nhau trong các bộ sử nhưng không thống nhất về cách hiểu, chẳng hạn “Liêu dục huyền ca, dĩ vi tam kinh chi tư, khả hồ?” (聊欲弦歌,以為三徑之資,可乎?) thường được hiểu là “tạm ra làm quan kiếm ít tiền về cất ngôi nhà ở ẩn”. Thế nhưng như Lâm Ngữ Đường chẳng hạn lại hiểu Đào Tiềm ở đây thực là đang nói chuyện đi đàn hát dạo kiếm tiền. (Trong chương 5, mục 5 A lover of life – YuanMing sách The Importance of Living: “Oneday he asked his relatives and friends, “Would it be all right for me to go out as a minstrel singer in order to play for the upkeep of my garden?” Nguyễn Hiến Lê dịch từ bản dịch Pháp văn có tham khảo bản dịch Trung văn: “Một hôm ông nói với thân thuộc bạn bè: Nếu bây giờ tôi đi đàn ca dạo để có tiền sửa sang vườn tược thì có nên không? Một người bạn nghe được lời đó, tiến cử ông làm chức tri huyện Bành Trạch” – Sống Đẹp, Nxb.Văn Hóa, 1993, tr.92).

[6] Bản dịch Từ Long; Nguyên văn: 僮僕來迎,稚子候門 (Đồng bộc lai nghênh, Trĩ tử hầu môn).

[7] Nguyên văn: “歸去來兮,田園將蕪胡不歸?… … 三徑就荒,松菊猶存” (Quy khứ lai hề, Điền viên tương vu hồ bất quy? … …Tam kính tựu hoang, Tùng cúc do tồn). Phan Võ dịch: “Tùng cúc mấy khóm lơ thơ hãy còn”. Diễn xuôi của Trần Trọng San: “Về đi thôi hề, ruộng vườn sắp hoang vu, sao không về? … …Ra lối nhỏ đến vườn hoang, tùng cúc vẫn còn đây”.

[8] Quan hệ giữa Nhan và Đào thấy được thuật kể trong sử truyện. Ngoài Đào Tiềm Truyện trong Tống Thư, còn có thể xem ở Tấn Trung Hưng Thư. Tống Thư quyển 93 Đào Tiềm Truyện chép chuyện Nhan Đình Chi hồi còn làm quan ở Tầm Dương (dưới thời Tấn) thường hay lui tới nhà Đào Tiềm. Hai người giữ mối giao hảo lâu dài. Tống Thư còn chép chuyện sang đời Tống (năm Tống Vũ Đế thứ ba, công lịch 422) Nhan Đình Chi trên đường biếm quan xuống làm Thái Thú Sử An (Quế Lâm ngày nay) tạt vào Tầm Dương thăm lại Đào Tiềm: “Ngày ngày họp mặt ở nhà Đào, mỗi lần đến chơi đều uống kì say. Trước lúc chia tay để lại hai vạn tiền, Uyên Minh đem gửi quán rượu uống dần”. Tấn Trung Hưng Thư (tác giả Hà Pháp Thịnh, đời Tống) cũng chép: “Đình Chi nhận chức ở quận Sử An, đường đi ngang qua Tầm Dương, thường vào thăm nhà Uyên Minh. Mỗi bận như thế lại uống rượu từ sáng cho đến tận chiều. Tiềm mất, Đình Chi soạn bài lỗi tế bạn”. Nhan Đình Chi cảm chuyện Đào được vời ra làm quan mà chối nên gọi Uyên Minh là Đào Trưng Sĩ. Lại đặt thụy hiệu cho Đào là Tịnh Tiết Tiên Sinh (靖節徵士). Hậu nhân vẫn thường gọi Đào theo cách của Nhan để tỏ lòng kính trọng đức thanh cao của một bậc hiền nhân.

[9] Nguyên văn câu “少而贫苦, 居无仆妾” (Thiếu nhi bần khổ, cư vô bộc thiếp) trong bài 陶徵士诔 (Xem phần tiểu dẫn của bài lỗi này).

[10] Đào Tiềm cũng tả mình trong Ngũ Liễu Tiên Sinh Truyện: “Tiên sinh không rõ người ở đâu, tên họ gì; Bên nhà có trồng năm cây liễu, nhân đó đặt tên hiệu. Nhàn tĩnh, ít lời, không màng vinh hoa lợi lộc” 先生不知何許人,不詳姓氏,宅邊有五柳樹,因以為號焉。 閑靜少言,不慕榮利 (五柳先生傳)。

[11] Chúng tôi tạm dịch. Nguyên văn: 有晉徵士尋陽陶淵明,南嶽之幽居者也。 弱不好弄,长实素心。弱不好弄,長實素心。 学非称师,學非稱師, 文取指达。文取指達。 在众不失其寡,处言愈见其默。在眾不失其寡,處言愈見其默。 少而贫病,居无仆妾。少而貧病,居無僕妾。 井臼弗任,藜菽不给。井臼弗任,藜菽不給。 母老子幼,就养勤匮。母老子幼,就養勤匱。 远惟田生致亲之议,追悟毛子捧檄之怀。遠惟田生致親之議,追悟毛子捧檄之懷。 初辞州府三命,后为彭泽令。初辭州府三命,後為彭澤令。 道不偶物,弃官从好。道不偶物,棄官從好。 遂乃解体世纷,结志区外,定迹深栖,於是乎远。遂乃解體世紛,結志區外,定跡深棲,於是乎遠。 灌畦鬻蔬,为供鱼菽之祭;灌畦鬻蔬,為供魚菽之祭; 织絇纬萧,以充粮粒之费。織絇緯蕭,以充糧粒之費。(陶徵士誄並序)。

[12] “Bàng bích” chi hậu (“碰壁”之后) đăng lần đầu trên tuần báo Ngữ Ti, kì 29, ngày 1/6/1925. Sau in gom vào trong Hoa Cái Tập (华盖集).

[13] Chúng tôi tạm diễn xuôi. Nguyên văn: 飢來驅我去,不知竟何之;行行至斯里,叩門拙言辭;主人解余意,遺贈豈虛來;彈諧終日夕,觴至輒傾杯;情欣新知歡,言詠遂賦詩;感子漂母惠,愧我非韓才;銜戢知何謝,冥報以相貽 (乞食).

[14] Văn học sử truyền tụng chuyện Lỗ Tấn tự kể việc nhân vì xem phim kí sự cảnh đồng bào mê muội đứng xem quân thù chặt đầu dân mình mà ngộ ra rằng y trị tâm bệnh cho quốc dân cấp bách hơn chạy thuốc cho thể xác người dân nên đã bỏ học y để chuyển sang cầm bút. Vậy mà không ít người cảm thấy khó hiểu khi không đọc thấy sáng tác gì đáng kể trong suốt thời gian Lỗ Tấn bỏ học y ở Sendai năm 1905 lên Tokyo sống tự do cho đến 1909 rời Nhật Bản về nước. Những tưởng bỏ học y ở Tiên Đài ông sẽ về nước để dùng văn chương y trị tinh thần cho quốc dân nhưng thực tế ông lại lên Tokyo và ở đó suốt bốn năm trời mà không có hoạt động gì lớn cả. Ngay cả khi đã về nước dạy học rồi lên Bắc Kinh sống cuộc sống viên chức cấp cao của Bộ Giáo dục trong thời gian gần mười năm, người ta vẫn chưa thấy ông thực sự thực hiện tâm nguyện cấp tốc chữa trị tâm bệnh cho quốc dân bằng văn nghệ – cái tâm nguyện đã đột khởi từ thời thanh niên như là một cuộc đại giác ngộ. Phải mãi đến khi phong trào Ngũ Tứ bắt đầu gợn dậy những ngọn sóng báo hiệu thời đại mới thì ông mới lần đầu tiên trình làng bút danh Lỗ Tấn khi công bố Cuồng Nhân Nhật Kí (5/1918).

[15] Việc này có thể thấy loáng thoáng trong Cố Hương – một đoản thiên có màu sắc tự truyện. Nhân vật chính trong truyện Nhuận Thổ gọi nhân vật Tôi – người kể chuyện là “anh Tấn”.

[16] Xem陳明遠,魯迅一生掙多少錢 (新語絲電子文庫www.xys.org) Trần Minh Viễn, “Một đời Lỗ Tấn kiếm được bao nhiêu tiền” (Lê Thời Tân dịch), Khoa học Xã hội&Nhân văn Nghệ An, số 2, 4/2011.

[17] Một đoạn trong Tự Truyện (in trong集外集拾遗补编Tập ngoại tập Thập di Bổ biên) của chính Lỗ Tấn cho ta thấy điều đó: “Năm 1912 sau cách mạng Tân Hợi tôi đảm nhiệm chức vụ hiệu trưởng Trường Sư phạm Thiệu Hưng. Thế nhưng thủ lĩnh quân cách mạng ở Thiệu Hưng vốn xuất thân là trộm cướp. Tôi bất bình với hành động của ông ta. Ông ta nói phải giết chết tôi. Thế là tôi đi Nam Kinh công tác ở Bộ Giáo dục. Kế đó lên Bắc Kinh đảm nhận chức Trưởng Phòng thứ hai thuộc Vụ Xã hội Giáo dục. Năm 1918, cuộc “Cách mạng văn học” bắt đầu. Tôi bắt đầu dùng bút danh Lỗ Tấn viết truyện đăng trên tờ Tân thanh niên. Tôi thường gửi đăng truyện ngắn và các bài tạp văn bình luận ngắn. Đồng thời tôi cũng lên lớp cho sinh viên tại các giảng đường Đại học Bắc Kinh, Đại học Sư phạm Bắc Kinh, Đại học Sư phạm Nữ sinh Bắc Kinh. Là vì viết bình luận cho báo nên kẻ thù cũng nhiều lên. Trần Nguyên – giáo sư Đại học Bắc Kinh viết bài chỉ rõ tôi chính là tác giả Lỗ Tấn trên báo. Vì thế mà Đoàn Kì Thuỵ (người đứng đầu chính phủ lúc đó) đã đuổi việc đồng thời còn muốn bắt bớ tôi. Tôi đành phải rời Bắc Kinh, xuống làm giáo sư Đại học Hạ Môn. Được khoảng nửa năm lại xung khắc với hiệu trưởng và mấy giáo sư khác nên dời xuống Quảng Châu làm giáo vụ trưởng kiêm giáo sư văn khoa tại Đại học Trung Sơn. Lúc đó các chiến dịch Bắc phạt của Quốc dân Đảng tiến hành khá thuận lợi. Một số giáo sư ở Đại học Hạ Môn cũng đến Quảng Châu. Không bao lâu Quốc dân Đảng bắt đầu việc thanh trừng nội bộ. Trong đời tôi chưa từng thấy cảnh người ta giết người như thế. Tôi liền từ chức quay lên Thượng Hải, tính chuyện sống nhờ vào việc dịch thuật. Lại nghe tin Quốc dân Đảng đang phát lệnh truy nã vì tôi tham gia “Tự do Đại đồng minh” nên phải tìm đường ẩn tránh”. Xem thêm Lê Thời Tân, Lỗ Tấn là ai ? Chuyên san KHXH&NV, số 3/2012.

[18] Xem《魏晋风度及文章与药及酒之关系》in trong 《而已集》,人民文学出版社, 1981.

[19] Xem bài tạp văn “Mạt định đề thảo 7” (“題未定”草(六至九)) đăng lần đầu trên Nguyệt san Hải Yến (kì 1, tháng 1/1936) tại Thượng Hải. Sau gom in trong Thả Giới Đình Tạp văn Nhị tập.

Comments are closed.