Đỗ Trường
Khi tìm đọc, nghiền ngẫm văn học trong nước, cứ động đến thơ của hai thi sĩ: Đinh Thị Thu Vân và Ý Nhi y rằng tôi bị ám ảnh. Sự ám ảnh đó, không hẳn vì nỗi buồn đau chơi vơi của cuộc sống và tình yêu, mà bởi cái tận cùng bao dung trong hồn thơ Đinh Thị Thu Vân, hay những hình ảnh, câu thơ thiên về lý trí trước gian nan, mất mát đó của Ý Nhi. Do vậy, lúc nào cảm thấy nhàn nhạt, trống rỗng tâm hồn, tôi tìm đọc hai thi sĩ này. Trước đây vài năm, tôi đã viết khá kỹ về thi ca Đinh Thị Thu Vân, còn Ý Nhi đọc khá lâu rồi, song dường như vẫn chưa mở ra được hồn thơ ấy.
Hôm rồi, rất ngẫu nhiên, tôi đọc được bài thơ Với Lệ của Ý Nhi, trên thivien.net. Đọc xong bài thơ rất lâu, tôi mới kìm nén được cảm xúc của mình. Cái niềm vui gặp lại bạn tưởng còn nguyên vẹn. Vậy mà cứ chập chờn thực hư, mất còn trong lòng thi nhân. Và hiện thực trở về, buộc nhà thơ phải ủ nỗi nhớ thương, mất mát đó vào những dòng ngũ ngôn, làm cho người đọc phải bâng khuâng bùi ngùi, tiếc nuối: “Năm tháng đã xa rồi/ Lệ đi không về nữa/ Nhớ một thời tuổi trẻ/ Bao nẻo đường mình qua/ Chiều nay mình trở về/ Căn nhà xưa của Lệ/ Tưởng chỉ sau ô cửa/ Là chúng mình có nhau”. Với cái sự đồng cảm ấy, tưởng chừng Ý Nhi đã đưa tôi trở về mái trường sư phạm, trên đồi La San, Buôn Ma Thuột của gần nửa thế kỷ trước. Và ở đó, hằng đêm gió luồn qua vách nứa, nằm nhớ người bạn học vừa đột ngột ra đi. Mộ còn non màu cỏ, nơi nghĩa trang họ đạo, bên rừng thông già, sau khu ký túc xá. Vì vậy, tuy hình ảnh, lời thơ (Với Lệ) thật mộc mạc, trong sáng, Ý Nhi vẫn gây cho tôi khung cảnh ma mị, ám ánh, chờn chờn, rờn rợn, cứ ngỡ đường Đại Từ là con đường đất đỏ Buôn Ma Thuột năm xưa: “Ngỡ như vẫn cùng nhau/ Đường Đại Từ đất đỏ/ Đồi lưa thưa hoa lau/ Rừng ngút ngàn nỗi nhớ…/ Ngỡ Lệ vẫn đang gần/ Áo sẫm màu cỏ úa/ Lớp chúng mình giữa đồi/ Gió lùa qua vách nứa”. Có thể nói, đây là bài thơ ít được nhắc đến của Ý Nhi. Nhưng với riêng tôi, Với Lệ là một trong những bài thơ hay ở thể ngũ ngôn của thi ca Việt. Cũng chính nó đã cho tôi cảm hứng để đi sâu vào đọc, viết về Ý Nhi. Và nó như một chiếc chìa khóa cho tôi mở ra hồn thơ Ý Nhi vậy. Cho nên, đọc những câu thơ rất buồn có hình ảnh tuyệt đẹp này của Ý Nhi: “Trang sách nào đã mở/ Bao mùa thu lá phong/ Trời xanh như nước mắt/ Lối mòn bao dấu chân” làm tôi liên tưởng đến Khi chưa có mùa thu, một bài thơ đầy cảm xúc, chìm vào tiếng khóc nhớ thương bạn của Trần Mạnh Hảo.
Nhà thơ Ý Nhi tên (họ) đầy đủ: Hoàng Thị Ý Nhi, sinh năm 1944 tại Hội An. Năm 1954 bà theo gia đình tập kết ra Bắc. Và sau khi tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Hà Nội, Ý Nhi về Viện Văn học, rồi chuyển qua công việc biên tập cho Nhà xuất bản Hội Nhà văn. Hiện nay, bà đang sống và viết tại Sài Gòn.
Trên nửa thế kỷ cầm bút, Ý Nhi cho in ấn, phát hành mười tập thơ, cùng một tập truyện ngắn. Tuy chưa phải là nhiều, song bà đã chinh phục mọi tầng lớp người đọc bởi trí tuệ, với giọng thơ trầm lắng, giản dị. Có thể nói, với tài năng sử dụng hình ảnh, làm mới từ ngữ, cùng thủ pháp ngắt nhịp (xuống dòng) như những nhát cắt (gián cách) tâm trạng, cảm xúc của tác giả, tạo ra khoảng lặng cho người đọc là đặc điểm chính làm nên hồn vía thi ca Ý Nhi.
Tôi chưa một lần được gặp gỡ, hoặc liên lạc với nhà thơ Ý Nhi, do vậy không hề biết cuộc sống, và những gì bà đã đi qua. Song sóng gió tâm hồn Ý Nhi đã vượt qua không hề nhỏ trong thơ, mà tôi đã cảm được, khi đọc bà thật chậm. Vì vậy, tôi xin mượn câu thơ: “Em… đã đi qua dòng sông mùa nước lớn” dường như đã tóm gọn chân dung, hồn cốt Ý Nhi để làm tựa đề cho bài viết này:
“Em đã đi qua mảng tường đổ chiến tranh
đã đi qua dòng sông mùa nước lớn
gió đã thổi trên mặt người rát bỏng
bao ưu phiền năm tháng đã dần quen”
(Thư)
Nỗi khát vọng… trước cuộc sống cô đơn, tẻ nhạt
Khi đọc Ý Nhi thường làm cho tôi nhớ đến cái “Tôi” trong thơ Lưu Quang Vũ, hay Đinh Thị Thu Vân. Cái Tôi, một cõi thơ của riêng của Ý Nhi đi ngược với nghệ thuật vị nhân sinh, một thứ văn thơ cúng cụ, minh họa. Do vậy, buồn hay vui, nhà thơ luôn phải đi trên con đường lẻ loi. Thơ Tháng Chạp, là bài thơ mang tâm trạng như vậy của Ý Nhi. Ở đó, nhà thơ mượn cảnh vật, thiên nhiên để bộc lộ, gửi gắm nỗi niềm, cảm xúc. Không có sự so sánh, song dường như ta thấy được cái (hữu hạn) dài ngắn kiếp hoa, hay của một đời người, trong cái qui luật vòng tròn bắt đầu và đi đến kết thúc chăng? Và tiếng còi tàu, hay tiếng lá rơi đêm trong không gian, thời gian ấy, như một thủ pháp nghệ thuật lấy động tả tĩnh của Ý Nhi vậy. Thủ pháp này, tuy không mới, song nhà thơ cũng đủ làm cho người đọc ám ảnh, bởi những hình ảnh cô đơn, quạnh quẽ trong khung cảnh u hoài. Và có điều đặc biệt, không chỉ ở bài Thơ Tháng Chạp, mà nhiều bài thơ khác của Ý Nhi cũng vậy. Nếu không đọc câu cuối cùng: “Bông cúc nhỏ nơi vườn khuya lặng lẽ/ có còn là nỗi nhớ của người chăng” thì có lẽ ta chưa thấy cái tình (sinh tình), mà mới chỉ thấy được cái cảnh (tả cảnh) trong thơ Ý Nhi mà thôi:
“Trên đường xưa người còn lại một mình
hoa đã nở đến những ngày hoa cuối
Ngoài sông vắng gió mùa đã thổi
Nhà bên đồi mái lá đã chờ trông
Tiếng còi tàu đã gọi giữa thinh không […]
đêm đã sâu, tiếng lá rụng ngoài thềm
ngày đã rộng giữa lòng người quạnh quẽ
Bông cúc nhỏ nơi vườn khuya lặng lẽ
có còn là nỗi nhớ của người chăng”
Trước sự nghèo khó về cuộc sống, cô độc tâm hồn, dường như nhà thơ chấp nhận thân phận ấy chăng? Để rồi bà cuộn tròn trong thế giới thi ca của riêng mình. Tôi đã đọc khá nhiều, nhưng có lẽ không có văn nhân thi sĩ nào cô đơn, u buồn hơn Ý Nhi: “tôi sống trong cuộc đối thoại thầm cùng bạn/ chấp nhận cái nghèo/ chấp nhận sự đơn độc/ như người ta chấp nhận khuôn mặt vốn có của mình” (Gửi bạn).
Đọc Ý Nhi, ta có thể thấy, dù thơ tự do, nhưng hồn vía vẫn mang mang hồn cổ phong. Bởi vậy, thủ pháp nghệ thuật tả cảnh ngụ tình đậm nét trong thơ Ý Nhi. Và Ngày thường 1 là một trong những bài thơ như vậy. Một bức tranh chân thực về cuộc sống nghèo khổ, đơn điệu nhàm chán với những hình ảnh đối lập trong xã hội bất an:
“…rau muống đầu mùa lên cao
hoa cuối xuân giá hạ
ai mở phòng tranh trên phố Ngô Quyền
anh bán rắn ngồi ngoài hồ Thuyền Quang
người ngơ ngẩn trước quầy xổ số
người xếp hàng mua thuốc lá Sa Pa.
Loay hoay trang sách cũ
lời bình từ năm xưa
thơ cộng tác viên dày cộp
đọc từ mùa nắng sang mùa mưa
quần của con cần xuống gấu
gạo hết, lo xếp hàng…”
Và hai câu kết bật ra cái tứ của bài thơ, cái tình của tác giả cũng như khát vọng đổi thay xã hội của con người: “Lòng chợt ước ao/ một tiếng gõ bất thường sau cánh cửa”.
Nếu Ngày thường 1, Ý Nhi mới dừng ở ước mơ, thì đến Ngày thường 2 nhà thơ đi đến hành động. Thật vậy, sự cô đơn, nghèo khó ấy đã được Ý Nhi đưa lên bàn để cân đo đóng đếm. Với phép so sánh độc đáo này của Ý Nhi đọc lên ai cũng phải xót xa cho thân phận không chỉ riêng văn nhân, thi sĩ. Khi đọc Ngày thường 2 của Ý Nhi, tôi phân vân nên xếp bài thơ vào phần nỗi buồn và khát vọng hay mục hiện thực xã hôi của bà. Bởi, đằng sau phép so sánh này, còn thấy được chí khí của của nhà thơ qua thông qua hình ảnh, từ ngữ ẩn dụ: “Tôi đứng giữa chợ/ Cô độc như nhà thơ/ Đấu tranh cho sự công bằng của giá cả”. Vâng, đó là sự công bằng xã hội đưa đến hạnh phúc, như một thông điệp nhà thơ muốn gửi đến cho mọi người vậy: “chút thức ăn ít ỏi/ Vừa nghĩ đến vẻ đẹp thực chất của bữa ăn/ Niềm hạnh phúc tôi có thể đem lại cho mọi người”. Có thể nói, (Ngày thường 1 và) Ngày thường 2 không hẳn là (những) bài thơ hay của Ý Nhi, nhưng tôi khoái đọc. Bởi từ ngữ dân dã, nhẹ nhàng mà sâu sắc, với nhiều tầng ngữ nghĩa, làm người đọc bật ra tiếng cười – song rất đau:
“Tôi cầm những đồng tiền lẻ
Như nhà thơ cầm giữ từ ngữ
Những đồng tiền nhàu nát
Như những từ ngữ đã được dùng bao thế kỷ
Tôi tính cách tiêu tiền
Khó khăn như nhà thơ tìm tứ thi”
Có lẽ, do ảnh hưởng từ cổ thi, cho nên thơ tự do Ý Nhi luôn có sự kết nối hình ảnh từ ngữ đối lập hoặc song song: “Như người đang đón gặp/ Như người sắp đi xa/ Như người mới trở về/ Ôi Praha! Praha” (Chiều Praha). Và hình ảnh đối lập ấy, đôi khi còn nằm trong những câu hỏi tu từ: “Chị đang giữ kín đau thương/ Hay là hạnh phúc/ Lòng chị đang tràn đầy niềm tin/ Hay là ngờ vực” (Người đàn bà ngồi đan). Và sự thay đổi nhịp điệu dẫn đến hình thức cấu trúc thơ Ý Nhi luôn mới, đưa đến những giá trị, cảm xúc sâu sắc khác lạ, gây bất ngờ cho người đọc. Đó là đặc điểm làm cho thi ca Ý Nhi không thể chìm lẫn vào bất kỳ tác giả nào khác… Từ nền tảng kiến thức này, đã giúp Ý Nhi viết những trang thơ trí tuệ, mang tính triết lý sâu sắc.
Chất trữ tình cùng những trang thơ trí tuệ có tính triết lý sâu sắc
Đi sâu vào đọc, ta có thế thấy Ý Nhi có cái nhìn, quan sát rất tỉ mỉ. Ngay từ những hiện tượng, sự việc nhỏ nhất bà cũng tìm ra quy luật, định lý để có sự lý giải, liên tưởng thật độc đáo: “Con – Sự thăng bằng/ trên sợi dây hạnh phúc cheo leo” (Con). Vì vậy, với tài năng quan sát, cùng sự trải nghiệm cuộc sống phong phú giúp cho Ý Nhi viết Người đàn bà ngồi đan. Một trong những bài thơ hay nhất trong sự nghiệp sáng tạo của bà. Hình ảnh phản chiếu tính cách, nội tâm trong cái tôi trữ tình, có thể nói, được Ý Nhi viết bằng trí tuệ, với tư duy logic của mình. Cả bài thơ là một câu hỏi tu từ (không lời giải đáp). Do vậy, Ý Nhi buộc người đọc phải tự đi tìm câu trả lời bằng những góc độ nhìn, hay nhận thức khác nhau của mình. Nếu Thơ Tháng Chạp, lấy động tả tĩnh, thì ngược lại ở Người đàn bà ngồi đan, Ý Nhi đã lấy tĩnh để tả cái động trong nội tâm mình. Hay nói cách khác, nó như một bức tranh tĩnh có động vậy. Đọc Người đàn bà ngồi đan làm tôi nhớ đến Hộ chiếu buồn những biên cương. Một bài thơ cũng thủ pháp lấy tĩnh tả động được Thế Dũng viết vào mùa thu 1989 khi bức tường Berlin sụp đổ, trong tâm trạng (động) khi ông trở về, người bạn cùng phòng đã ra đi. Căn phòng trống và nhà thơ đã trở thành tĩnh vật.
Bài thơ Người đàn bà ngồi đan được Ý Nhi viết vào năm 1984, khi cả nước đói, bởi chính sách cấm chợ ngăn sông, rồi đến giá lương tiền. Đói và khó khăn đến độ: giá gạo tăng chóng mặt, hoa loa kèn nhiều và rẻ, đến nỗi nhà thơ không còn muốn cắm hoa như lệ thường. Và trong không gian hiu quạnh đó, chợt hiện lên hình ảnh (quen thuộc) người mẹ, người chị, hay chính nhà thơ ngồi đó. Họ đan áo, hay đang khâu lại chính nỗi đau của mình. Vâng, Ý Nhi mượn hình ảnh tương phản và không gian lạnh lẽo, cô đơn ấy, để nói về thân phận cái khốn cùng của con người. Không tương lai, và họ không tự quyết được số phận, hay được làm chủ cảm xúc của mình. Hoặc ta có thể viết, Người đàn bà ngồi đan có bố cục rất mới lạ. Bởi thông điệp tác giả muốn gửi đến người đọc một cách gián tiếp, qua hình tượng nhân vật. Với hình ảnh, từ ngữ tuy mộc mạc, nhưng đa nghĩa như vậy, tôi buộc phải liên tưởng đến thân phận con người, xã hội ở thời điểm đó (1984). Và quả cầu xanh đang lăn, như thân phận con người lăn trong cái vòng tròn khép kín của kiếp sống vậy. Tuy nhiên, sự cảm nhận này chưa hẳn đã đúng. Song tôi nghĩ, một bài thơ hay, dứt khoát không thể tách rời thân phận con người với xã hội mang tính chân thực nhất:
“Giữa chiều lạnh
một người đàn bà ngồi đan bên cửa sổ
vẻ vừa nhẫn nại vừa vội vã
nhẫn nại như thể đó là việc phải làm suốt đời
vội vã như thể đó là lần sau chót
Không thở dài
không mỉm cười
chị đang giữ kín đau thương
hay là hạnh phúc
lòng chị đang tràn đầy niềm tin
hay là ngờ vực […]
Giữa chiều lạnh
một người đàn bà ngồi đan bên cửa sổ
dưới chân chị
cuộn len
như quả cầu xanh
đang lăn
những vòng chậm rãi”
Dường như, thơ của Ý Nhi ít khi được tiết ra từ những cảm xúc bất chợt, mà nó như được trộn cảm xúc ấy vào tư duy của thi sĩ vậy. Cho nên, những hiện tượng của thiên nhiên, cuộc sống luôn được Ý Nhi quan sát, tự vấn để tìm ra những quy tắc nhất định, và gửi gắm tình cảm, nỗi lòng mình vào trong đó: “Trời rét như tê dại/ mà lòng sao không yên/ sao chùm hoa cúc đỏ/ vẫn một màu đỏ nguyên?” (Ngày đại hàn). Và đôi khi Ý Nhi mượn quy luật biến đổi của tự nhiên để miêu tả tâm trạng, (diễn biến tâm lý của nhà thơ) của con người: “Đột ngột đến rồi đi cơn rét cuối mùa/ Cây chanh nhỏ đã bắt đầu tụ quả/ áo con gái đã dần sang mùa hạ/ chỉ chút gì nán níu của ngày đông”. (Tháng Ba)
Viết về chiến tranh, và cái chết, nơi sặc mùi tử khí Quảng Bình, ta vẫn thấy lời thơ mang đậm chất trữ tình toát ra từ cảm xúc trí tuệ của Ý Nhi. Buồn cảm xót xa, nhưng không hề có sự bi lụy ở trong đó. Có thể nói, Quảng Bình là bài thơ tự sự hay, cảm động về chiến tranh, cũng như đất và con người nơi đây, được Ý Nhi viết vào năm 1979. Từ tình yêu ấy của Ý Nhi, khi đọc đoạn kết của bài thơ Quảng Bình, làm tôi nhớ đến hai câu thơ giàu cảm xúc, và trí tuệ của Chế Lan Viên: “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở, khi ta đi đất đã hóa tâm hồn”. Và ở đó còn cho ta thấy được sự trải nghiệm của Ý Nhi, cùng mối quan hệ đồng nhất giữa (tâm hồn) con người với tự nhiên:
“Tôi chợt hiểu giữa cuộc đời ta sống
Có những điều chẳng dễ nhận ra đâu
Có những điều hệ trọng, lớn lao
Bỗng nhận biết khi về miền đất cũ
Khi con tàu đã đi qua, chỉ mình ta ở lại
Và sững sờ, chính đất của mình đây.”
Không rõ, bài thơ Chùa trong phố được (Ý Nhi) viết từ khi nào? Song đọc nó, ta thấy phảng phất triết lý Phật giáo trong hồn thơ Ý Nhi. Tuy chịu ảnh hưởng của cổ thi, nhưng sở trường Ý Nhi là thơ tự do. Và bà có nhiều bài thơ hay, cảm động ở ngũ ngôn thơ. Một thể thơ dễ làm, nhưng khó hay. Và Chùa trong phố, Ý Nhi lay động được người đọc, bởi tài năng sử dụng từ ngữ, hình ảnh đối lập trong thơ. Mà ở đây, hình ảnh (có tính so sánh) đối lập giữa cái động (sự buồn phiền ưu lo): “Phố như thể cuộc đời/ dài xa và náo động/ mỗi bước chân người đi/ mưa dầm rồi nắng bỏng” với cái tĩnh (của mái nhà chở che nơi cửa Phật): “Chùa như thể bóng cây/ giữa tháng ngày vất vả/ người mệt mỏi dừng chân/ dưới màu xanh che chở”. Tuy đối lập, song ở đó, ta vẫn thấy, mối quan hệ đồng thuận (không thể tách rời) giữa đạo và đời. Và mối quan hệ (vĩnh cửu) ấy, như nằm trong quy luật của tự nhiên vậy: “Dẫu bao năm tháng nữa/ cuộc đời rồi đổi thay/ chùa vẫn còn bên phố/ và người còn qua đây”.
Từ ngữ giản dị, mang đậm chất triết luận, suy tưởng, do vậy dường như ta không thấy có bài thơ dở, hoặc quá dở của Ý Nhi. Tuy nhiên, với đặc tính này, ít có bài thơ nào của bà sáng vụt lên bất chợt, như các nhà thơ viết nghiêng về cảm xúc khác.
Tình yêu – Quê hương đất nước
Tình yêu đôi lứa, một đề tài dường như như văn nhân thi sĩ nào cũng thử bút qua. Nó thường gắn liền với tình yêu, cuộc sống thực nhất thuộc hiện tại, hay quá khứ của các nhà thơ. Và Ý Nhi cũng vậy, ký ức thời gian đã mở ra cái nhí nhảnh, hồn nhiên của cái tình yêu đầu đời. Viết về tình yêu mà lời thơ Ý Nhi vẫn mộc mạc, giản dị. Sự chân thực đó, không chỉ sưởi ấm tâm hồn già cỗi, mà còn rung động trái tim tuổi trẻ, khi đọc. Tuy nhiên, với đặc tính này, nếu không có sự ngắt nhịp (nhịp điệu), có lẽ đây chỉ là những câu khẩu ngữ, văn xuôi mà thôi. Và đó cũng là một trong những đặc điểm làm nên hồn vía thi ca Ý Nhi: “Cho đến buổi chiều đầy hoa cúc và gió may/ Khi chờ anh/ Giữa phố phường Hà Nội/ Em mới hiểu rằng em đã chờ anh từ thuở xa nào/ Thuở mặc áo rộng thùng thình/ Tết tóc đuôi sam/ Qua phà Bính/ Đi xe ngựa về Thủy Nguyên/ Hát bài hát buồn/ Khi chưa biết nỗi buồn”. Và tình yêu đầu buộc phải ném vào chiến tranh. Vì vậy, những hoài niệm dù nhớ thương, da diết ấy của thi sĩ cũng làm người đọc phải rờn rợn, trước hình ảnh so sánh hư ảo ngọn đèn đêm, hay một nén tâm hương (nguyện cầu): “Thuở yêu lần đầu/ Người vừa ra trận/ Thắp ngọn đèn qua đêm chiến tranh/ Như thắp một nén hương” (Em đã chờ anh từ thuở xa nào). Đọc Tìm về Chiêm Hóa của Ý Nhi làm tôi nhớ đến hai câu thơ của Đinh Thị Thu Vân: “nếu có kiếp sau, em xin làm bậc cửa/ làm thềm rêu, lặng lẽ đợi chân người”. Bởi, cùng tình yêu, sự khát khao ấy, Đinh Thị Thu Vân và Ý Nhi đều sử dụng biện pháp so sánh để gửi gắm, bộc lộ tâm trạng của mình. Vì vậy, hiện lên những hình ảnh, câu thơ gợi cảm thật đẹp, rất sâu sắc của Ý Nhi: “Em đã đợi chờ anh suốt cuộc đời mình/ Như đá xám chờ tay người tạc tượng/ Sông khô cạn chờ mùa mưa lớn/ Cây giữa rừng đợi ánh mặt trời lên” (Tìm về Chiêm Hóa).
Trí tuệ, tình yêu và trải nghiệm là thế, song đọc Thơ tặng, ta vẫn thấy cái gì đó thật mong manh trong hồn thơ Ý Nhi. Và ở đó, không chỉ có khó khăn, sóng gió, với nghị lực sống của thi nhân, mà bài thơ còn như một lời thỉnh cầu vậy:
“Căn nhà của hai ta như con thuyền giữa sóng
con đường mỗi ngày ta qua như bước trên cát bỏng
gió ào ào thổi hết những đêm thâu […]
Nhánh cây nhỏ em sẽ trồng trên cát
sẽ canh giữ ngọn đèn qua suốt đêm sâu
và cánh cửa căn phòng mỗi ban mai em sẽ mở
Xin anh giữ lòng trắng trong, thơ nhỏ
sự can trường của kẻ đã phong sương
để cùng em đi hết một con đường”.
Thành thật mà nói, tôi mới chỉ đọc 60 bài thơ của Ý Nhi trên thivien.net, và một một số quanh quẩn đâu đó trên các báo mạng. Có điều ngạc nhiên, tôi chỉ tìm được một bài duy nhất viết về mẹ: Kính gửi mẹ của Ý Nhi. Đọc Kính gửi mẹ cho tôi nhiều cảm xúc. Và ở đó thấy được tình yêu, tình cảm lớn lao của mẹ, và sự dằn vặt trong tâm hồn thi nhân. Tuy nhiên, xét về nghệ thuật, với tôi đây không phải là bài thơ hay của Ý Nhi. Bởi, lời thơ thiếu vắng hình ảnh, câu hoặc cụm từ mới. Thật vậy, đoạn trích dưới được cho hay nhất của bài thơ, bởi hình ảnh ẩn dụ (ở mấy câu đầu), còn lại vẫn nặng về kể lể:
“Con đã đi rất xa rồi
Ngoảnh nhìn lại vẫn gặp ánh đèn thành phố
Sau cánh rừng, sau cù lao, biển cả
Một ánh đèn sáng đến nơi con
Và lòng con yêu mến, xót thương hơn
Khi con nghĩ đến cuộc đời của mẹ
Khi con nhớ đến căn nhà nhỏ bé
Mẹ một mình đang dõi theo con”
Rời Hội An, khi Ý Nhi tròn mười tuổi. Vì vậy, hình ảnh quê hương với những kỷ niệm tuổi thơ in đậm trong trái tim (dường như vẫn còn non nớt) của bà. Tôi không rõ, Ý Nhi viết bài Quê hương khi nào, nhưng chắc chắn ở thời điểm bà chưa một lần được trở về Hội An, kể từ ngày ra đi (1954). Rồi ta về (thật ra: rồi ta sẽ về) một loạt câu mệnh lệnh, hay lời tự nhủ từ trái tim của Ý Nhi trải dài suốt cả bài thơ. Quê Hương không chỉ là bài thơ tiêu biểu về tình yêu quê hương, mà nó còn tiêu biểu cho cá tính kiệm từ, một đặc trưng trong thơ Ý Nhi. Với thủ pháp này, đôi khi gây hụt hẫng, song cũng buộc người đọc phải suy nghĩ, sáng tạo cùng tác giả: “Rồi ta về/ ngày thơ ngây/ trái mận, trái mơ/ con giống đêm rằm/ đèn trung thu sáng nến/ phượng nở âm thầm trên mái rêu…/ Rồi ta về/ tìm qua ô cửa/ một chút gì bóng dáng đời ta/ một chút gì/ như đốm nắng trên tường vôi cũ/ một chút gì như tiếng chim khuyên/ nơi vườn hoang”.
Và rồi, con tàu chở ước nguyện của Ý Nhi về lại quê hương. Cả bài thơ tuyệt nhiên không từ ngữ nào về nó, song người đọc vẫn thấy con tàu, bởi hình ảnh thoắt ẩn, thoắt hiện màu xanh của biển: “xanh lạ kỳ nước biển miền Trung/ Thoắt biến đi thoắt lại hiện bên đường”. Vâng, đó là tài năng miêu tả, sự liên tưởng với từ ngữ, hình ảnh hoán dụ của nhà thơ. Và chuyến tàu đó, gây cho bà cảm hứng để viết: Biển miền Trung. Một trong những bài thơ hay nhất của Ý Nhi ở mảng đề tài này. Xanh, đẹp là vậy, song vẫn gợi lên trong lòng nhà thơ nỗi u buồn trước bóng tối của ngày mai: “Thoáng chút gì như nỗi ưu tư/ khi ngày hết trong bóng chiều sẫm tối”. Sự nghẹn ngào, xót xa trước nghèo khó, cơ cực đất, và người miền Trung, như lời kết bài thơ trong tình yêu thương, sự cảm thông của tác giả vậy. Có thể nói, đoạn kết bài thơ cảm động. Tuy nhiên, tôi hơi bị ngạc nhiên, bởi Ý Nhi là người có cá tính kiệm từ, vậy mà sáu câu thơ bà sử dụng đến bốn từ (số nhiều không xác đinh): những. Ở đó, ta có thể lược bỏ, hoặc thay bằng từ khác, câu thơ sẽ hay hơn nhiều lắm, và thông điệp không hề thay đổi:
“Lòng cảm động nghẹn ngào trước đất
đất khổ nghèo cay cực miền trung
những cây cằn những ruộng nắng cháy lưng
những đồng hẹp bãi cát dài loá mắt
củ khoai gầy với căn nhà mái thấp
con đường dài giữa những cánh đồng hoang”.
Ý Nhi đã sống và đi qua khắp các tỉnh thành, nhưng có lẽ Hải Phòng, Hà Nội, Thái Nguyên để lại cho bà nhiều kỷ niệm sâu sắc nhất. Xa Hải Phòng, xa hàng phượng vĩ giữa chiều đông, luôn làm Ý Nhi bâng khuâng tự hỏi: Thành phố sớm mai này có đơn đợi tôi chăng? Một câu hỏi, có lẽ dẫn Ý Nhi đi tìm cái tứ của bài thơ chăng. Như một lời giãi bày, một tình yêu rất đỗi thân thuộc: “Tôi về đây biết đã bao lần/ Quen đến vết gạch mòn trên lợi phố/ Sao lòng vẫn lo âu bỡ ngỡ/ Trước con đường Cầu Đất Tràng Kênh/ Tôi đã quen đến tiếng khép cánh buồm/ Mà lòng vẫn bơ thờ bên sóng nước” (Hải Phòng tháng 11 năm 1979). Vẫn lời thơ tự sự, Ý Nhi mượn tiếng còi tàu đêm rời bến để nói về tình yêu, cùng lời giã từ Hải Phòng. Hình ảnh, từ ngữ rất mộc mạc, song đọc nó ai cũng cảm động, bùi ngùi: “Vẫn lý chuyến tàu đêm/ Hồi còi ngắn giã từ/ Thôi chào nhé đôi bờ cây phượng vĩ/ Lời tôi trong tiếng gió đến bên người”. Và Ánh mắt này, một hình ảnh hoán dụ về Hải Phòng, để ta thấy được sự bao dung, chở che của đất và người nơi đây đối với thi nhân:
“Ánh mắt này như ngọn lửa nghiêng soi
Sẽ theo khắp những dặm đường tôi đến
Ánh bền bỉ, sống trong, thương mến
Sẽ suốt đời an ủi, chở che tôi”.
Có thể nói, tình yêu và quê hương đất nước là những trang thơ rất quan trọng góp phần làm nên sự nghiệp thi ca Ý Nhi. Ở đó, ta không chỉ thấy cái giá trị tình yêu đất nước và con người, mà còn thấy giọng điệu mới, với những hình ảnh so sánh, hoán dụ đặc sắc của nhà thơ Ý Nhi. Và cái tư tưởng được toát ra từ tình yêu đã làm nên giả trị hiện thực trong thi ca Ý Nhi.
Tư tưởng và giá trị hiện thực
Dường như, ít khi Ý Nhi bộc lộ tư tưởng tình cảm một cách trực tiếp, mà thường thông qua nhân vật, hay cảnh vật thiên nhiên nào đó. Thuở ban đầu, Ý Nhi viết về họa sĩ Dương Bích Liên cũng như bộc lộ tư tưởng của mình vậy: “đã vượt qua/ mối vướng bận vinh quang/ đã vượt qua nỗi lo sợ âm thầm/ khi phải đứng/ riêng về một phía”. Vượt qua được sợ hãi đó, Ý Nhi đã viết Nguyễn Du 1813. Một bài thơ có thể nói là hay, tiêu biểu nhất về tư tưởng, và xã hội của Ý Nhi. Ở đó, Ý Nhi đã mượn Nguyễn Du để gửi nỗi cô đơn, sự giam hãm tâm hồn: “Không ai trói buộc/ không ai gông cùm/ không ai đánh đập/ không ai chửi mắng/ sao ta sống như trong lồng”. Lời thơ thâm trầm với nỗi u hoài, ngòi bút Ý Nhi vẽ nên chân dung Nguyễn Du, hay tự họa chính mình. Một khuôn mặt mệt mỏi, buồn phiền và dường như lạc mất cả linh hồn: “Khí lạnh ban đêm dồn hết vào một người/ chiếc khăn thâm nhỏ hẹp sổ tung/ tóc bạc bơ phờ trước gió/ suốt đời/ chỉ một mối u hoài”. Thế sự nhiễu nhương, dẫn đến cuộc sống nghèo khổ, và bế tắc. Sự chán chường ấy, buộc kẻ sĩ (lỡ thời) rời xa chốn quan trường, để giữ đạo tâm hồn. Và tôi nghĩ, cùng với Người đàn bà ngồi đan, Nguyễn Du 1813 là bài thơ toàn bích nhất trong sự nghiệp sáng tạo của Ý Nhi:
“ta lênh đênh góc bể, chân trời
ta là người bệnh không có thuốc
kẻ đói không có cơm
dùng sách làm gối tựa khi đau yếu
uống rượu cho bớt vẻ xanh xao […]
Những bạn bè cũ đã cáo quan
ăn măng trúc măng mai ngồi câu bên sông vắng
làm thơ thưởng hoa
làm thơ vịnh nguyệt
coi cuộc đời như phù vân”.
Không ồn ào, đao to búa lớn, ngòi bút Ý Nhi đi sâu vào tận cùng nỗi đau của con người. Và Hai người là một bài thơ (có tính) thế sự, song lời thơ tự sự sâu sắc như vậy của Ý Nhi. Hình ảnh, thân phận người lính tàn phế, mù lòa sau chiến tranh hiện lên rất chân thực, qua góc nhìn nhân bản, và đồng cảm của nhà thơ. Do vậy, dù là đau đớn, Ý Nhi vẫn cho người đọc một cảm giác nhẹ nhàng. Bởi, sự liên tưởng, và tài năng sử dụng hình ảnh hoán dụ trong thơ của Ý Nhi. Và không một lời trách móc, nhưng đằng sau con chữ của thi nhân, dường như ta vẫn thấy được bản án dành cho những kẻ gây nên cuộc chiến này:
“Và có thể
Chị đã từng bị phản bội
Chị đã mất những đứa con chị đáng được có trong đời
Đã phải bước qua con đường không định trước
Đã từ lâu rồi, chỉ còn lại trong anh khoảng đen vô tận
Đã từ lâu rồi chị nhìn mọi điều với ánh nhìn hơi khép lại
Không phải để tránh những đau thương
Mà để che giữ trước bao nhiêu ánh nhìn
Nỗi đau thương của chị”
Đọc Ý Nhi, cho tôi một cảm giác: Tâm hồn và thi ca, Ý Nhi luôn luôn tự lột cởi, gột rửa hết những tanh tưởi, bụi bặm, để trở về như chính lúc mẹ sinh ra. Vì vậy, ngòi bút của bà trong sáng luôn đứng về lẽ phải, công bằng. Tôi không rõ, bài thơ Tự Do được Ý Nhi viết bao giờ, và trong hoàn cảnh nào, nhưng đọc nó ta thấy được cái giá trị thực của tự do. Tôi đã đọc phạm trù tự do của John Locke, của Kant, và của Marx, song có lẽ cái món “phạm trù” Tự Do này của Ý Nhi cho tôi khoái cảm hơn cả. Bởi, từ ngữ, hình ảnh so sánh rất mộc mạc, gần gũi… để từ ông trí thức đến bà nông dân cũng có thể hiểu, và tự nhận ra: Tự do vô giá, và luôn luôn là khát vọng của con người:
“…đã lường trước cái chết
nhưng chỉ đến khi
đứng sau song sắt nhà tù
chị mới hiểu tự do […]
Lúc no
người ta không nhớ tới cái ăn
lúc khỏe người ta quên thuốc
trong hạnh phúc
người ta sẽ thôi nghĩ về sự may mắn
Nhưng với chị
ngay cả khi không còn tù ngục
tự do vẫn như một ám ảnh
một giày vò
một khát vọng.”
Có thể nói, cuộc sống và thi ca Ý Nhi luôn ở trạng thái cô đơn, ít có sự sẻ chia. Thơ của bà thiên về hoài niệm mang nỗi buồn, hay nhớ thương da diết. Với kiến thức, ảnh hưởng từ cổ thi, nên khi đọc thơ Ý Nhi dù ở thể loại nào, ta thấy có sự pha trộn. Do vậy, thơ của bà đường nét sang trọng, kể cả khi từ ngữ, hình ảnh góc cạnh, dân dã. Tuy nghiêng về trí tuệ, tưởng chừng thô ráp, song hồn thơ Ý Nhi vẫn sâu thẳm nội tâm. Trên đây là những cảm nhận chủ quan của tôi, khi đọc mấy chục bài thơ của Ý Nhi trên thivien.net. Dù đúng sai, hay dở, tôi cũng chỉ muốn nói đến sự kính trọng nhà thơ của (kẻ) hậu bối mà thôi. Và tôi xin mượn bài thơ: Gửi một người bạn của chính Ý Nhi về nỗi buồn cô đơn, cùng sự can đảm, giàu nghị lực sống, tô đậm chân dung bà, cũng như để kết thúc bài viết này: “Tôi làm ra bài ca/ Tự mình tôi hát/ Tự mình khổ đau/ Tự mình hạnh phúc/ Tôi một mình lặng lẽ/ Bước tới trùng khơi”.
Leipzig ngày 7-9-2024