Đọc “liên văn bản” Trương Đăng Dung qua Những kỷ niệm tưởng tượng

Nguyễn Hữu Sơn

Tập thơ Những kỷ niệm tưởng tượng (Nxb Thế giới, Hà Nội, 2011, 84 trang) của Phó giáo sư, Tiến sĩ, dịch giả, nhà lý luận, nghiên cứu và phê bình Trương Đăng Dung gồm 25 mục bài đã được nhận Giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội, và quan trọng hơn, đã nhận được sự đồng cảm của đông đảo bạn đọc bạn viết. Vẫn biết rằng sáng tác có qui luật riêng mà người có học hàm học vị cao đi chăng nữa cũng chẳng phải dễ dàng gặt hái thành quả. Đọc danh mục những công trình dịch thuật, nghiên cứu chuyên sâu của tác giả ở bìa sách, người ta khó ngờ được sự gắn kết, đúng hơn là sự chuyển hóa, giữa tư duy khảo cứu với những dòng chữ chất nặng suy tư, trí tưởng tượng, cảm xúc, hình ảnh và nhịp điệu câu thơ. Chỉ riêng nhan đề Những kỷ niệm tưởng tượng lấy theo tên một bài thơ trong tập cũng đủ khơi gợi những liên tưởng về nghịch lý giữa “những kỷ niệm” (vốn bao giờ cũng là cái thật, cái thực, cái hiện hữu đã qua) với “kỷ niệm tưởng tượng” (vốn là cái giả định, bịa đặt, hư cấu, hư ảo), rộng hơn là những suy nghiệm liên văn bản về cái toàn thể “những kỷ niệm tưởng tượng” kia thực ra là những ám ảnh hiện sinh về cõi đời sắc sắc không không, về thân phận con người bào ảnh mong manh, về giới hạn hữu hạn mang đầy tính kinh nghiệm của kỷ niệm và khoảng mênh mang bất định hàm chứa những hoài niệm khát khao xuôi theo miền tưởng tượng.

Có những khi Trương Đăng Dung đặt mình vào ngày kết cục, vào cõi hư vô mà nhìn lại những tháng năm quá khứ, nhìn lại cả ngày hôm nay và nhìn lại chính mình. Trong bài thơ mở đầu tập thơ có tên Anh không thấy thời gian trôi được đặt thành câu mở đầu cho cả năm khổ thơ đã tạo nên cảm giác về tính đặc định của thời gian vĩnh cửu, ở đó có một thực tại đang tồn tại:

chỉ thấy những đám mây di chuyển

và những chiếc lá vàng không muốn lìa cây

gió rung, lá rơi còn vẫy vẫy

ở đó có mùa thu và những khoảnh khắc đời người biến động tiếp nối trong một chu trình thời gian rộng lớn:

chỉ thấy mùa thu vừa lạ vừa quen

những gương mặt những nụ cười mới gặp

chưa kịp thân đã thấy khác đi rồi

để rồi cuối cùng thấy sự hiện hữu trước thời gian chỉ là một tồn tại ước lệ:

trong dáng em đi nghiêng nghiêng như đang

viết lên mặt đất thành lời

về kiếp người ngắn ngủi

Có một điều gì đó xa gần tương đồng với căn tính Phật trong quan niệm về kiếp người “Sinh ký tử qui”, về mối quan hệ giữa Hữu và Vô, Thực và Hư, còn và mất trong bài kệ của thiền sư Từ Đạo Hạnh (?-1117):

Tác hữu trần sa hữu,

Vi không nhất thiết không.

Hữu không như thủy nguyệt,

Vật trước hữu không không.

(Có thì có tự mảy may,

Không thì cả thế gian này cũng không.

Vầng trăng vằng vặc in sông,

Chắc chi có có không không mơ màng)

Đặt mình vào cõi hư vô mà nhìn lại kiếp người, nhà thơ đi “tìm em”, tìm một bản ngã đích thực, một “cái ngoài ta” nhưng nào có thấy đâu. Nhà thơ đặt mình vào cõi ngày mai mà hình dung và giả định:

Thôi em đừng khóc

rồi sẽ qua đi kiếp người ngắn ngủi

một ngày kia hết mọi buồn vui

chui xuống cỏ ta sẽ nằm dưới cỏ

bàn tay ta bất động giữa đất dày

bàn tay ta thôi tìm nhau run rẩy.

(Ảo ảnh)

Có một chút sắc màu linh giác hư vô nhưng lại là một sự thật nhãn tiền, một tất yếu tiền định mà con người không thể vượt thoát, không thể không có những lúc dự cảm, nhập thân, chiêm nghiệm:

Không giữ được đâu em

anh nghe ngày một gần hơn tiếng lũ quạ.

(Anh không còn gì ngoài em)

Âu cũng là tiếng khóc cảm thương muôn kiếp chúng sinh của Nguyễn Gia Thiều (1741-1798) thác lời cung nữ:

Thảo nào khi mới chôn nhau,

Đã mang tiếng khóc ban đầu mà ra…

Trăm năm còn có gì đâu,

Chẳng qua một nấm cổ khâu xanh rì.

(Cung oán ngâm khúc)

Khác biệt với việc diễn tả những sự kiện, cảnh vật và con người đời thường vốn được đo đếm bằng những sáng, trưa, chiều, tối, thời gian trong thơ Trương Đăng Dung cũng mang tính chiết trung, phổ quát, được định lượng bằng chiều kích thời gian cảm giác, thời gian đời người, thời gian vũ trụ. Ông thác thân ngược tìm thời gian ngày gặp nhau trong quá khứ:

Có thể em quên rằng anh đã gặp em

hai mươi ba ngàn năm về trước.

và rồi còn gặp nhau trong cõi vị lai:

Anh không biết dòng sông trôi về đâu

bốn mươi sáu ngàn năm nữa…

Có thể em vẫn nhớ một bóng hình, giọng nói

đã tan trong sương khói

những kiếp người.

(Có thể)

Ông chiêm nghiệm thời gian đời người ba mươi năm bằng sự giãn nở ba triệu năm, cảm nhận bước đi gấp gáp của cuộc sống với “những ngày không đợi”, “không một phút bình yên” đối diện với vẻ tĩnh tại, vĩnh hằng của thời gian vũ trụ:

thăm thẳm trời cao đất rộng

ba mươi năm hay ba triệu năm rồi.

(Ba mươi năm hay ba triệu năm rồi)

Không thể nắm bắt được thời gian, nhà thơ hiểu rằng nhận thức là tương đối và có giới hạn. Tâm thế “bất khả tri” vang lên trong cảm giác mê hoặc uống nước lú ở dòng sông quên:

Anh trở về với bến sông xưa,

em không nhớ thời gian nước chảy

anh không nhớ những ngày thơ bé ấy

(Có thể)

trong tâm thế tương đồng với chuyện Trang Tử có là cá đâu mà biết vui buồn của cá: Số phận và lo toan của kiến làm sao tôi hiểu được? (Những con kiến); rồi đến tâm trạng hoang mang đánh mất ký ức, đánh mất tuổi thơ, “Đi tìm thời gian đã mất” (Marcel Prust, 1871-1922):

Tôi không còn ký ức

những giọt máu cuối trời tuổi thơ.

(Ghi chép hè 2009)

và sự ngơ ngác của thi nhân trước thế gian đã được lũy thừa mà ngay cả thiên khải chúa trời toàn năng cũng đành bất lực:

Điều kỳ lạ là thế giới

tôi lặng nhìn bằng đôi mắt trẻ thơ

Chúa đã ra đi

Chúa không thể nào ngờ

(Chúa đã ra đi)

Trong bản chất, đó chính là phản hạt của tinh thần giả định đặt mình vào cõi “bất khả tri” mà tri giác, cảm nhận, tận hưởng từng giây lát khi còn được hiện hữu giữa cõi đời này.

Tuân phục tính tự nhiên của thế giới tự nhiên, Trương Đăng Dung đồng cảm với vẻ đẹp bình lặng vĩnh hằng của dòng sông “thanh thản kéo trời/ trôi theo mình lặng lẽ” và bất tử hóa cái thế giới dòng sông bình yên vốn không hề mưu cầu sự bất tử:

Không mang theo những gì để trở thành bất tử

sông chảy vô tư bên những lăng mộ im lìm

những đền đài quạnh quẽ.

(Trên đồi Vọng Cảnh)

Đọc đến đoạn kết:

Anh sợ đến một ngày dòng sông ngừng trôi

đất khô cứng, những giọt buồn hóa đá.

Anh sợ đến một ngày hồn anh từ cõi lạ

trở về đây mà không có dòng sông.

một cái nhìn công lợi xã hội chủ nghĩa sẽ khiến người đọc liên tưởng đến câu chuyện xây khách sạn trên đồi Vọng Cảnh ở Huế mấy năm về trước (xin lưu ý, cuối bài thơ có dòng lạc khoản: Huế, 4-2007) mà nghĩ đến vấn đề bảo vệ môi trường, tiếng nói cảnh tỉnh sự tàn phá môi trường! Với cách diễn giải như thế, bài thơ hoàn toàn có thể được nhận tặng thưởng của Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh sở tại. Theo tôi, trong tinh thần đọc “liên văn bản”, thực chất cấu tứ bài thơ lại rộng mở về phía mối quan hệ giữa thế giới tự nhiên vô vi và thế giới con người hữu vi, giữa quyền năng của tinh thần vô vi thuận theo tự nhiên và tính nghịch tặc của sự hữu vi khuynh tả. Nghệ thuật xếp đặt những “lăng mộ im lìm” và “lâu đài quạnh quẽ” vốn là cái hữu vi đã phải cúi đầu bất lực trước và bên cạnh sự trường tồn của dòng sông sống động mãi “chảy vô tư”…. Đi xa hơn, trạng thái tinh thần “Anh sợ…” này lại có sức lan tỏa, tạo hiệu ứng cho những nỗi sợ vô hình và hữu hình ở nhiều bài thơ khác:

– Sợ bóng tối sẽ tràn vào

– Sợ thời gian rình trong từng sợi tóc…

– Sợ căn phòng trở nên trống rỗng…

– Sợ tiếng bước chân em xa dần.

(Vật chứng)

nỗi sợ những ám ảnh, lo toan bất định:

chúng ta nằm trên cỏ

sợ hãi trước chân trời.

(Chân trời)

nỗi sợ bởi những nghịch lý phản nhân văn hiện hữu giữa cõi đời và trở thành câu hỏi tra vấn trái tim con người:

Có một thời

trẻ con sợ búp bê và không thích sữa…

Có một thời

ta đã sống thật sao?

(Có một thời)

những thổn thức, ngờ vực, âu lo trước mọi thứ giá trị thực và ảo:

Đêm vẫn ôm tôi im lặng

như đất ôm xương người.

Bỗng thấy sợ ngày mai sẽ gặp

những bức tượng người đóng giả.

(Đêm ở Roma)

Có thể nói đó là nỗi sợ của sự khao khát bình yên, những hoang mang bất định cần được giải tỏa, những niềm tin và ước vọng cần được xác lập vững bền.

Đi tìm sự chân thực, Trương Đăng Dung chắt chiu và đặt niềm tin vào sự sống, tình yêu, niềm hoan lạc về cái tự nhiên trong cõi tự nhiên. Các bài thơ Anh chiếm chỗ bóng đêm, Ánh sáng này, Vật chứng, Không đề, Anh không còn gì ngoài em… thể hiện như một sự phản hồi, khắc phục những giới hạn bằng cách biết tận hưởng từng phút giây lạc thú, từng sát na hạnh phúc tình yêu trong kiếp sống con người. Nhưng ngay cả ở những bài thơ tưởng chừng đậm đặc sắc màu tình ái thanh – tục, tục – thanh:

Em đừng xếp lại chăn

em đừng chải lại tóc

em đừng tô lại môi

cứ để nguyên áo quần trên ghế

cứ để nguyên hiện trạng căn phòng

(có phần giống như người tình trong thơ Tagor: Em thế nào thì cứ thế mà đến/ Chớ có băn khoăn sửa soạn áo quần – Người làm vườn) thì ý thơ vẫn trầm tư mặc tưởng truy tìm và khẳng định sự hiện diện bản ngã con người:

Anh cần vật chứng

trước thời gian.

(Vật chứng)

Câu chuyện lạc thú tình yêu mang màu sắc hiện sinh này trong thực chất lại chuyển tải thông điệp về sự tồn tại của những thoáng hạnh phúc mong manh, cái lý để con người bám víu, nương tựa, hy vọng, nguyện cầu.

Thấu hiểu kiếp người là hữu hạn, Trương Đăng Dung cảm nhận từng giây phút đang dần qua và miếng da lừa thời đang dần co ngắn lại. Ông nghe được tiếng kêu ma quái và tiếng vỗ cánh ghê rợn của đàn quạ báo hiệu niềm hạnh ngộ rồi sẽ qua đi:

không giữ được đâu em

anh nghe ngày một gần hơn tiếng lũ quạ.

(Anh không còn gì ngoài em)

ngay cả sự hiện hữu “những bức tường” phi nhân tính kia rồi cũng trở nên vô nghĩa bởi sự hủy diệt nghiệt ngã của tiếng quạ – thời gian:

Đêm đêm anh vẫn nghe lũ quạ

cười nói huyên thuyên trên những bức tường này.

(Những bức tường)

ngay cả sự sinh nở cũng mang tính tương đối, sự tồn tại cũng giả tạm, ai cũng đi qua khúc quanh cõi người và chấp nhận trong tầm đón đợi:

Đã lâu rồi quạ cũng bay đi,

có lẽ một ngày kia chúng sẽ trở về mang theo

nhiều xương ống

(Những kỷ niệm tưởng tượng)

Đó là những suy tưởng giả định tạo nên ý nghĩa thanh lọc cho mỗi con người, rằng sẽ phải sống sao đây khi biết kiếp người là mong manh hữu hạn; rằng sẽ phải sống sao đây khi ta còn được sống giữa nhân gian, trước khi lũ quạ kia cất tiếng?

Thơ Trương Đăng Dung đậm chất hiện sinh và hiện đại bởi những suy tư về thực tại, ngờ vực thực tại, gián cách với thực tại để hình dung về chính thực tại bằng nhiều giả định khác nhau. Ông muốn làm chúa tể, kẻ thống trị, kẻ chiếm hữu “Anh chiếm chỗ bóng đêm” và trở thành hiện hữu của thực tại; thấy “Thành phố phía chân trời” và những chuyến tàu không bao giờ vào ga; thấy “Chân trời” đầy những ảo ảnh xô bồ, kỳ hình dị tướng; thấy “Những bức tường” hữu hình và vô hình giăng bủa khắp nơi; thấy sự “Thỏa thuận” của những kết nối hỗn độn và một trật tự hỗn độn; thấy cái sự thấy “Tôi lại nhìn thấy họ” trong mơ hồ những chúng sinh lầm lũi, hoang mang, bất định; thấy “Giấc mơ của Kafka” trong sự đồng cảm đồng điệu bởi những biến số, biến thân, biến ảo và sự bất lực của tha nhân trên hành trình tìm lại gương mặt thật con người:

những tiếng kêu

phát ra từ miệng những người không có cổ

những bàn chân

càng bước càng lún sâu vào đất.

(tựa như Cao Bá Quát năm nào cất lên bài ca ngắn đi trên bãi cát: Bãi cát dài! Bãi cát dài!/ Một bước lại như lùi – Sa hành đoản ca). Mới hay ở thời nào và phương trời nào cũng có những câu hỏi trăn trở khôn cùng về kiếp người và hạnh phúc con người.

Nghiêng về tâm tưởng hiện sinh, thơ Trương Đăng Dung không nhằm hướng tới phản ánh những đề tài, chủ đề, con người và hiện thực đời sống theo một hệ hình quen thuộc. Hình ảnh “những người mẹ bị thương ruột lòi ra”, “những cánh tay trẻ thơ bom hất lên cành cây vắt vẻo”, “những người mẹ chết vẫn ôm con”, “những người vợ suốt đêm vá lưới”,… dường như đều thuộc về một cộng đồng người ước lệ:

những người tôi mới gặp lần đầu

những người tôi chưa từng được gặp.

(Tôi lại nhìn thấy họ)

và chỉ là những biểu trưng duyên cớ cụ thể trong sự suy tư suy tưởng khái quát về thân phận con người trong xã hội loài người rộng lớn. Có thể vì thế mà hình ảnh thơ trong thơ Trương Đăng Dung thường đặc biệt ấn tượng, độc vị, có phần tự nhiên chủ nghĩa:

các nữ y tá nhìn ta

kinh nguyệt chảy màu máu còn tươi rói

không có bông, họ lấy tà áo choàng lau vội.

(Những kỷ niệm tưởng tượng)

Một “ta” hài nhi trong tưởng tượng nhìn ra nỗi đau đất nước đói nghèo, khổ ải, túng thiếu đến tận cùng. Tôi chưa thấy ở đâu những câu thơ phơi bày sự thật tàn khốc đến như thế – Những kỷ niệm tưởng tượng nằm ngoài sự tưởng tượng. Và chính điều này đã tạo nên những sở trường sở đoản rõ nét trong thơ Trương Đăng Dung. Những khi rời khỏi miền suy tưởng, ông khó đứng vững trên mặt đất với lục bát bình dị và cũng khó làm quen với “lẽ phải thông thường” của dòng sông quê, con thuyền nhỏ, ánh trăng vàng, tiếng ru tình à ơi, câu khẩu hiệu bắt vần thành tiếng hát. Vậy nên khi Viết cho con chính là lúc ông trở về mặt đất hiện thực với những khuyên nhủ đời thường, những lo toan thông thường và cả những ước vọng bình thường, hiển ngôn: bố chỉ mong trái tim con đừng bao giờ lạc lõng/ trước mọi vui buồn bất hạnh của thời con

Trong bản chất, thơ Trương Đăng Dung bay xa trong “Những kỷ niệm tưởng tượng” tựa như những giây lát thăng hoa, trút xác, gián cách với cõi trần để nhìn lại hình hài, thân xác phàm trần. Bởi lẽ những giây lát gián cách trong trí tưởng tượng ấy cũng chính là một phần của sự sống trên hành trình nhận thức về con người và thế giới con người. Nhà thơ bay xa để rồi trở lại cõi đời hiện thực, trở lại với những trăn trở, lo toan thường ngày: ở đâu đó bao người ngã xuống/ mắt nhắm rồi chưa một bữa ăn no (Anh không còn gì ngoài em); và trong cách đọc “liên văn bản”, khi được hỏi vì sao sau này ông không tiếp tục dịch những tác phẩm nổi tiếng của Việt Nam sang tiếng Hung nữa, nhà thơ của chúng ta ngơ ngác: “Tại sao ư? Tại vì tôi không có điều kiện vật chất, thời gian và sức khỏe để tiếp tục làm công việc đó khi mà vợ chồng tôi sau lễ cưới phải ngủ trên bàn làm việc cơ quan, khi mà chúng tôi không có tiền mua sữa cho con” (Văn nghệ, số 25, ra ngày 23-6-2012)…

Hà Nội, tháng 7-2012

Nguồn: http://vanhoanghean.com.vn

Comments are closed.