Phỏng vấn Tết Đinh Dậu 2017

Trần Vũ thực hiện

Bùi Vĩnh Phúc

Con đường từ những dòng chữ khắc nên

clip_image002

Sinh năm 1953 tại Hà Nội, dạy Pháp văn và Việt văn tại nữ trung học Nguyễn Bá Tòng Sài Gòn cho đến 1977 sau khi đổi thành trường phổ thông cấp 3 Bùi Thị Xuân. Vượt biên rồi định cư Hoa Kỳ từ 1978. Là thuyết trình viên về ngôn ngữ và văn hoá cũng như về giáo dục và tâm lý-xã hội tại nhiều đại học, Bùi Vĩnh Phúc hiện dạy Anh văn và Ngôn ngữ & Văn hóa Việt Nam cho hệ thống Cal State University và Golden West College. Bên cạnh chuyên luận Trịnh Công Sơn: Ngôn Ngữ & Những Ám Ảnh Nghệ Thuật, Bùi Vĩnh Phúc còn được biết đến qua nghiên cứu Lý Luận và Phê Bình: hai mươi năm văn học Việt ngoài nước, 1975-1995.

Tham gia văn học di dân ngay từ đầu, Bùi Vĩnh Phúc thường xuyên dự phần vào các tranh luận xác định tính cách cũng như danh xưng của dòng văn học này. Cũng là một trong những nhà phê bình đầu tiên phân chia dòng, nhánh của văn học hải ngoại: Một “lưu thủy miên man” qua những “con đường khắc bằng chữ.”

Trần Vũ: Đầu thập niên 90 trên tạp chí Văn Học nhà văn Nguyễn Mộng Giác báo động về tình trạng “cầm chừng” của văn học hải ngoại với sự sa sút phẩm chất của sáng tác. Sau một thập niên 80 sôi nổi với một lớp người viết mới đồng loạt xuất hiện, bỗng dưng từ 92-93 tất cả bỗng khựng lại. Những truyện ngắn trân châu hiếm dần, những tiếng thơ lạ biến mất… Trên các diễn đàn Hợp Lưu, Thế Kỷ 21, Cao Xuân Huy, nhà phê bình Thụy Khuê, cố giáo sư Nguyễn Ngọc Bích, nhà tiểu luận Trương Vũ, thi nhân Trần Mộng Tú, và chính anh cùng tham gia lên tiếng về hiện tượng này. Tựu chung chia làm hai cách nhìn. Một bên xem Văn học Hải ngoại đang thoái trào. Một bên lập luận sách vẫn in, báo vẫn ra, tập san, nguyện san vẫn hiện diện, tức vẫn phồn thịnh. Tôi còn nhớ quan điểm của tôi trong tiểu luận “Những Vòng Tường Ghetto” trên Hợp Lưu không được anh chấp nhận. Phần khác, khi ấy Trần Mộng Tú yêu cầu cần thông cảm các nhà văn nữ vừa đi làm vừa sanh con, vừa đi chợ nấu ăn lo cho gia đình, không nên đòi hỏi thái quá ở người đàn bà Việt cầm bút. Cá nhân tôi không đồng ý, độc giả đọc tiểu thuyết không cần biết nhà văn 1 vợ 5 con, đang làm 2 jobs hay đang thất nghiệp. Khi bỏ tiền mua tác phẩm, người đọc trông đợi phẩm chất của văn bản. Hai thập niên sau, Văn học Hải ngoại điêu tàn. Không nhà xuất bản, không tạp chí giấy in, không sinh hoạt văn học và cũng không còn tác phẩm nào gây tiếng vang hay đánh động dư luận. “Điêu tàn”, là một cách nói văn hoa thay cho tiếng lấp đất của thần chết. Hai thập niên sau, nhà phê bình Bùi Vĩnh Phúc có còn lạc quan?

Nhìn rộng ra, một trong những khó khăn của Văn học Hải ngoại là tiền in ấn với cước phí quá cao khiến giá thành của một ấn phẩm đến tay người đọc gấp mấy lần tô phở. Tôi còn nhớ giá bán tạp chí Hợp Lưu là 10 $, thêm 5 $ cước phí gửi sang Âu châu, là 15 $ mà khi ấy 6 quan Pháp mới bằng 1 đô-la. Internet giải quyết khâu phát hành này. Nhưng rồi, chậm rãi nhiều người viết nhận ra chính Internet đã làm vẩn đục môi trường sáng tác và cũng chính Internet tàn phá văn xuôi VN. Không còn những chủ bút kinh nghiệm, vững tay nghề như Mai Thảo (khi còn sức khỏe), Võ Phiến, Nguyễn Mộng Giác tuyển chọn gắt gao, ngược lại đông đúc các web site vì nhu cầu cập nhật hàng ngày đã rơi vào “chủ nghĩa dễ dãi”. Sáng tác, nhất là thơ, tràn lan đến bội thực. Văn xuôi rơi vào tình trạng sản xuất nhanh, để tiêu thụ nhanh… Thêm tuyệt vọng khi không còn một tập san văn chương giấy in uy tín nào nữa, cả trong lẫn ngoài nước. Là một phê bình gia theo dõi Văn học Hải ngoại từ đầu, Bùi Vĩnh Phúc kiểm nghiệm gì? Một nền văn học khỏe mạnh có nhất thiết phải là một nền văn học giấy in? Có phải Văn học Hải ngoại đã chết thật và sấm tiên tri của Võ Phiến “Mười lăm năm nữa biết có còn ai đọc sách tiếng Việt nữa không…” đã ứng nghiệm?

Bùi Vĩnh Phúc: Xin cám ơn câu hỏi của nhà văn Trần Vũ. Câu hỏi của anh lại kéo tôi về cái thời xa cũ ấy. Cũng trên dưới một phần tư thế kỷ rồi. Nhân tiện, tôi cũng muốn nói rõ lại đôi chút trong phần câu hỏi của anh. Vấn đề không phải là vì nhận thấy sau giai đoạn 1992-1993 trở đi, dòng văn học hải ngoại có vẻ có những dấu hiệu “suy thoái” hay “bế tắc” mà chúng ta có cuộc tranh luận ấy. Cuộc tranh luận có thể nói là đã bắt đầu với bài viết của anh Nguyễn Mộng Giác (“Góp Ý về Một Cách Nhìn”, Văn Học Xuân Tân Mùi, 1991), rồi sau đó là bài của chị Thụy Khuê (“Đập Vỡ Cái Ghetto”, Thế Kỷ 21, tháng 9, 1991), rồi bài viết của anh, Trần Vũ (“Những Vòng Tường Ghetto”, Hợp Lưu, số 2, tháng 12, 1991). Sau đó là bài viết của tôi (“Nghĩ về Huyền Thoại “Ghetto” và Vài Vấn Đề Liên Hệ trong Nền Văn Học Việt Ngoài Nước”, Hợp Lưu, số 3, tháng 1, 1992), cùng với một số bài viết và ý kiến của các vị khác trên một số diễn đàn khác nhau… Nhìn và nghĩ lại những điều đó, tôi thấy lại tất cả tuổi trẻ của mình, của chúng ta. Dạo ấy, chúng ta có những trao đổi thật đáng quý. Thật lòng và thẳng thắn. Tất cả chỉ vì sự tự ý thức của những người cầm bút. Nhìn ngắm và suy nghĩ về chữ viết của mình. Từ đó, về con đường mà những dòng chữ ấy đã khắc vạch nên. Và về cái hướng mà những vết mực kia loang ra, chảy tới (Phải, dạo ấy những người cầm bút của chúng ta chưa có cơ hội để thành những kẻ-gõ-bàn-phím như bây giờ!).

Tôi nghĩ, để công bằng với các tác giả hơn, có lẽ chúng ta phải đọc lại và xét nội dung của những đóng góp, tranh luận ấy trong toàn bộ các văn bản của nó, hơn là chỉ đưa ra một cái nhìn tóm lược trong một hay hai câu văn. Riêng phần tôi, trong bài thảo luận, chia sẻ cái nhìn của mình, có nhiều điều tôi đồng cảm với cách nhìn nhận của nhiều tác giả mà anh đã nêu tên trong câu hỏi của anh (dù là những tác giả đó đã bênh vực cho những cách nhìn nhận hay đánh giá trái chiều nhau), chỉ có điều là tôi không đồng ý với cách dùng từ “ghetto” với nội hàm mà tôi cho là có phần tiêu cực trong bài viết của những người đã đặt vấn đề. Và khoét sâu vào nó. Tôi đã gọi đó là một “huyền thoại”, một “huyền thoại” thời mới. Tôi đã nói khá kỹ về vấn đề đó trong bài viết của mình. Bây giờ, tôi vẫn bảo lưu những ý kiến ấy. Về vấn đề “suy thoái” và/hay “trì trệ”, từ đó, qua phân tích của các tác giả thượng dẫn, có nguồn gốc từ một số yếu tố tiêu cực có mặt trong cộng đồng người Việt ngoài nước, hoặc từ đó, đưa đến một số kết quả đáng phàn nàn trong đời sống cộng đồng ấy, tôi cũng đã có ý kiến. Bài viết của tôi khá dài và kỹ, với mục đich nhìn toàn bộ vấn đề để đưa ra những ý kiến đóng góp, phản ánh cái nhìn và cảm thức của mình. Tôi chỉ muốn tóm nó lại vào một vài ý chính ở phần cuối bài viết ấy mà tôi xin phép trích lại ở đây:

“(…) Hoàn cảnh riêng của những nhà văn ngoài nước đã dự phần rất lớn (khi thì tích cực, khi thì tiêu cực) vào việc sáng tác của họ. Ngoài ra, nếu thực sự có sự khựng lại, sự khựng lại đó có thể đến từ một bế tắc thẩm mỹ. Sự bế tắc này có thể xảy ra cho bất cứ một nhà văn, một nghệ sĩ nào, không phân biệt giới tuyến, màu da hay sắc cờ, sắc áo. Nó cũng có thể bủa vây cả một lớp nhà văn, một lớp nghệ sĩ, trong một giai đoạn nào đó. Sự tìm tòi cho ra một cái mới, một cái đẹp, một cái thật, có khi đòi hỏi cả nhiều năm trời. Báo động để ta theo dõi, chú ý hầu kịp điều chỉnh, điều hướng là tốt. Ta không nên—chỉ vì thấy sự ngưng đọng, hay có vẻ ngưng đọng, trong một, hai, ba năm của một nền văn học—lo lắng quá đáng để đi đến việc gán ghép những yếu tố không thực có thật hoặc không thực hợp lý vào bản cht của một hiện tượng vốn đòi hỏi nhiều suy nghĩ và tìm tòi cẩn trọng, cũng như đòi hỏi một thời gian dài hơn để kiểm chứng những suy nghĩ và tìm tòi của mình. (…)

Dòng văn học Việt ngoài nước cùng với những sinh hoạt của nó trong vòng 16 năm qua, ngoài những điểm tích cực mà ta nhìn rõ và hãnh diện về chúng, còn có những mặt tiêu cực mà tất cả chúng ta, những người quan tâm đến đời sống của nó, phải tìm cách sửa đổi để làm cho đúng, cho đẹp hơn. Dù sao, chúng ta không nên chỉ vì một số những mặt còn kém, còn xấu, mà bỏ quên hoặc bôi xóa đi hết những mặt tốt, những cố gắng của biết bao nhiêu người đã góp tim, góp lửa để tô bồi, vun đắp.Ta nhìn rõ và hãnh diện, đồng thời tự tin, về những gì ta đã làm được và những gì ta đang cố gắng thực hiện. Cùng lúc, đừng quên rằng bao giờ ta cũng phải để ý đến những nọa tính, quán tính, do lòng tự mãn hoặc do sự thờ ơ, mệt mỏi, buồn chán mà đời sống này gây ra. (…)”

Nhìn lại tất cả mọi sự, nhìn lại những áng mây đã trôi qua đời mình, những dòng nước đã cuốn chảy đi những ngày quá khứ, và nhìn tới, thấy những ngọn sóng mới đang ập đến, những bè mây mới đang xây thành, tôi thấy tất cả đều có cái thời của nó. Tất cả đều đã đi đúng với nhịp tiết, với cái dòng lưu thủy miên man và luôn thay đổi của cuộc sống.

Trong câu hỏi, anh viết: Hai thập niên sau, Văn học Hải ngoại điêu tàn. Không nhà xuất bản, không tạp chí giấy in, không sinh hoạt văn học, và cũng không còn tác phẩm nào gây tiếng vang hay đánh động dư luận. “Điêu tàn” là một cách nói văn hoa, thay cho tiếng lấp đất của thần chết.” Tôi thích cách nói của anh. Mạnh bạo. Hay, dùng từ Hán Việt cho ấn tượng hơn: Bạo liệt. Đó là cách viết, là cái giọng đặc thù của anh, của nhà văn Trần Vũ. Dù sao, tôi có suy nghĩ khác. Tôi nghĩ là cái gì cũng có cái thời của nó. Trong khoảng một phần tư thế kỷ qua, anh nghĩ công nghệ thông tin, giải trí, các thói quen nghe nhìn của con người trên thế giới đã thay đổi như thế nào? Đây là thời đại của kỹ thuật số, của Internet, của FaceBook và của các diễn đàn xã hội. Cuộc sống bây giờ không còn như xưa. Con người vui chơi, giải trí, thậm chí là giao tiếp, học hỏi, làm việc theo một cung cách khác. Chúng ta nói riêng, và con người thế giới nói chung, đã thay đổi cả một hệ hình, một mô thức (paradigm) sống, suy nghĩ và làm việc. Đời sống hiện tại đã trình hiện, trình xuất trước mắt ta một hệ hình mới. Nhiều tờ báo (in) có tiếng trên thế giới, và từng có mặt cả năm, bảy chục năm trước, cũng đã không còn nhiều độc giả và người mua như trước đây nữa. Có những tờ báo đã phải đóng cửa sau năm, bảy chục năm hoạt động. Mọi sự đã thay đổi trong một bầu khí quyển văn hóa mới. Báo chí của người Việt hải ngoại cũng chỉ nằm trong cái lưu vực đang trong cơn co giật và bị thu hẹp đó.

Internet, như anh cũng nhận thấy, đang là một trong vài thủ phạm chính gây ra “cái chết” (hay, ít ra, sự “suy thoái”) của văn học Việt ngoài nước. Đúng là trong thời gian gần đây, chúng ta không còn thấy có những tác phẩm nổi bật như vào giai đoạn trước, trước khi các sáng tác được đăng lan tràn trên các diễn đàn mạng. Đúng là ngoài những lý do mà tôi đã thử nêu ra ở trên, vốn nảy sinh từ thời đại thông tin kỹ thuật số này, số lượng người Việt ngoài nước còn viết và đọc tiếng Việt mỗi ngày lại mỗi teo tóp đi. Phẩm chất các sáng tác cũng có thay đổi, còn về phần lượng thì lại có vẻ gia tăng. Nhưng chính vì sự gia tăng, và thậm chí “tăng tốc”, của các “sáng tác”, cái “phẩm” trong văn học chúng ta đã giảm sút. Nhưng, cũng có thể chính vì sự tự do, sự “mở cửa” trong khía cạnh in ấn này, mà Internet hiện đang cho phép người cầm bút thực hiện các “phép thử” của mình trên đủ mọi mặt. Trong tương lai, một số “kỳ hoa dị thảo” sẽ có cơ hội phát triển và làm thay đổi cái “gu” thưởng ngoạn của người đọc chăng? Dù sao, cũng như anh, tôi yêu cái thời ngày xưa ấy xiết bao! Cái giai đoạn 1975-1990 đó. Nếu ta có cơ hội làm một cuộc “khảo cổ học về thời gian đã mất” (“archaeology of time past”), như Proust đã làm trong văn chương với À la Recherche du Temps Perdu, có lẽ sẽ rất thú vị. Và hạnh phúc nữa!

Tôi nghĩ, “văn học hải ngoại”, cũng như nhiều khuôn mặt khác của đời sống người Việt ngoài nước nói riêng, và cư dân thế giới nói chung, đang trong giai đoạn “thay da đổi thịt”. Mọi thứ đều phải thay đổi để thích ứng với những “hiện sinh” mới. Nói chung, tôi không tin là “văn học giấy in” sẽ mất đi. Chắc không bao giờ! Nếu có thể, xin xem thêm cuộc trò chuyện rất …“lan man”, rất “cà kê dê ngỗng”, nhưng cũng rất thông minh, sâu sắc và đã được in thành sách của Jean-Claude Carrière và Umberto Eco về đề tài này (Sách mang tựa đề “N’Espérez pas vous débarrasser des livres”/“Đừng mơ chuyện bỏ qua sách in”). Dù sao, đúng là báo chí và sách vở Việt ngoài nước đang trong tình trạng èo uột. Nhưng văn học Việt ngoài nước có thể có hoàn cảnh và cung cách tồn sinh riêng của nó! Tôi không bi quan để nghĩ rằng văn học hải ngoại đã chết. Các diễn đàn văn học mạng, dẫu mang một phẩm chất và một khuôn mặt khác so với các tập san văn học, văn chương trước đây, vẫn chứng tỏ, ở một số khía cạnh nào đó, sự tồn sinh của nó. Và, bây giờ, ở thời điểm này, ta khó mà còn nói được về một “dòng văn học hải ngoại” (nguyên chất) nữa. Bây giờ, có thể nói, cả người viết lẫn người đọc Việt, dù là ở trong nước hay ở ngoài nước, đều đang hiện diện bên nhau (và đang đọc nhau, đang “theo dõi” nhau) trên rất nhiều diễn đàn văn học, văn chương (đặc biệt là các diễn đàn mạng) trên khắp thế giới, kể cả tại Việt Nam. Và, trong nước, qua một số nhà nghiên cứu, phê bình, ta có thể thấy đang có những cố gắng tốt đẹp (dù chỉ mới là ở những bước chập chững, khởi đầu) để nhìn văn học Việt Nam trong cái nhìn toàn vẹn và cần thiết của nó. “Văn học hải ngoại”, ở một mức độ nào đó gần như “Văn học miền Nam”, đang được để ý, đọc và đọc lại, trong toàn bộ quá trình phát triển của nó. Những gì đang viết, sẽ viết và đã viết sẽ không mất đi. Đối với văn học, ở trong cũng như ở ngoài, “thác là thể phách, còn là tinh anh”. Tôi tin là vậy.

Như thế, dù cho hiện tại có đang chứng kiến những thay đổi tận gốc rễ của cái mà chúng ta coi là “văn học hải ngoại”, “văn học ngoài nước”, “văn học ngoại vực”, tôi tin là nó sẽ tiếp tục được đọc. Và đọc lại. Nếu như nhà văn Võ Phiến có nói, ở đâu đó, như anh đã viết trong câu hỏi của mình, về sự lo lắng của ông cho chữ nghĩa Việt (ngoài nước), tôi nghĩ cái lo hay cái buồn ấy là một “cảm thức lưu vong”. Nó là một ý thức tự vấn. Có thể nó là cần thiết. Cũng có thể nó chỉ là một nỗi sầu thân thế. Như Nguyễn Du xưa đã tự hỏi, “Bất tri tam bách dư niên hậu…”

Tôi tin chữ nghĩa Việt cũng là thể phách và tinh anh của con người Việt. Dù chúng ta sống ở đâu đi nữa, sống ở thời nào đi nữa. Và đã là thể phách và tinh anh, nó sẽ không thể mất đi.

Trần Vũ thực hiện qua điện thư áp Tết 2017

Bản giấy in trên Đặc San Tết Đinh Dậu của tuần san Trẻ Texas

clip_image004

Comments are closed.