Hội đồng giải Văn Việt do nhà văn Nguyên Ngọc làm Chủ tịch đã nhất trí trao giải Đặc biệt Văn Việt lần thứ hai cho hai tác phẩm Cửu Long cạn dòng Biển Đông dậy sóng và Mekong dòng sông nghẽn mạch của nhà văn Ngô Thế Vinh.
Cửu Long cạn dòng Biển Đông dậy sóng được đăng trên Văn Việt bắt đầu từ 28.07.2014 đến 07.07.2016 với 19 kỳ. Cho đến nay, ngoài việc ra mắt trên mạng, cuốn sách được xuất bản bốn lần: hai lần đầu do nxb Văn Nghệ, California 2000, 2001, lần thứ ba do Việt Ecology Press và nxb Giấy Vụn 2014 và lần thứ tư, bằng tiếng Anh, do Việt Ecology Press, Người Việt Books và Giấy Vụn, 2016.
Cuốn sách là tiểu thuyết vì có nhân vật hư cấu với những chi tiết hư cấu. Nhưng đó cũng là công trình dày đặc tư liệu chính xác và cập nhật. Đầu là Niên biểu, nêu những cột mốc lịch sử đáng nhớ, giữa là hơn 250 ảnh và bản đồ, cuối là Sách dẫn (Index) và danh mục 112 Tài liệu Tham khảo, đúng như cách làm thường thấy của loại sách nghiên cứu. Ngô Thế Vinh muốn đưa ra một thể loại mới, mà anh gọi là “dữ kiện tiểu thuyết” (faction, được cấu tạo bằng cách chập hai từ facts và fiction).
Bằng cuốn sách này, Ngô Thế Vinh không muốn làm văn học, hiểu theo nghĩa mỹ văn (belle lettres). Anh muốn đánh động hay báo động về cái chết của sông Mekong, con sông mẹ nuôi sống không chỉ cư dân Việt, mà hàng loạt quốc gia hạ lưu. Thể loại độc đáo này cho phép tác giả qua 23 chương sách, vừa tung tẩy nhân vật xuôi theo dòng sông từ khởi nguồn ở cao nguyên Tây Tạng cho đến sông Tiền sông Hậu Việt Nam, vừa thỉnh thoảng dừng chân lạc vào văn hóa của cư dân bản địa hay lịch sử của vùng đất. Như vậy, sinh mệnh của dòng sông không chỉ là chuyện địa lý, mà được nhìn một cách tổng thể địa lí – lịch sử – văn hóa.
Mekong dòng sông nghẽn mạch đăng sáu kỳ trên Văn Việt từ 13.7.2016 đến 23.7.2016, đặc biệt có thêm năm kỳ audio từ 24.10.2016 đến 9.11.2016. Trước đó, cuốn sách được Văn Nghệ Mới xuất bản năm 2007 và tái bản cùng năm; cũng năm ấy nhà xuất bản này cho ra mắt bản audio. Năm năm sau, 2012, Giấy Vụn tái bản. Bản tiếng Anh do iUniverse xuất bản năm 2010.
Mekong dòng sông nghẽn mạch là sự tiếp nối của Cửu Long cạn dòng Biển Đông dậy sóng. Lần này, là một ký sự. Ngô Thế Vinh không chỉ tiếp cận vấn đề qua tài liệu, mà còn thực hiện nhiều chuyến đi khảo sát trên thực địa, dọc từ Vân Nam đến Lào, qua Thái Lan, Campuchia, xuống đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam. Vẫn là cái nhìn tổng thể địa lí – lịch sử – văn hóa như cuốn trước, nhưng đầy ắp những cảm xúc và ưu tư của một người quan sát trực tiếp, Mekong dòng sông nghẽn mạch là chứng từ của một trí thức Việt gióng lên hồi chuông nguyện cho dòng Mekong.
Chưa bao giờ có những cuốn sách đầy tính chất tiên tri như Cửu Long cạn dòng Biển Đông dậy sóng và Mekong dòng sông nghẽn mạch. 17 năm trước, Cửu Long cạn dòng Biển Đông dậy sóng đã dự báo những hệ quả khủng khiếp: Biển Hồ “như một trái tim thiếu máu phải ngưng đập và đồng thời tạo ra một chuỗi phản ứng suy thoái dây chuyền […] trên toàn hệ sinh thái sông Mekong”; đồng bằng sông Cửu Long trở thành khu rừng ngập mặn; dòng sông bị ô nhiễm mà Campuchia và Việt Nam là hai nước chịu hậu quả nặng nề nhất; cá, nguồn cung cấp chất đạm cho cư dân, sẽ ngày càng ít đi, trong đó có nhiều giống cá quý bị tiêu diệt. Mekong dòng sông nghẽn mạch xuất bản sau 7 năm, chỉ rõ bước suy thoái của dòng sông diễn ra nhanh hơn dự kiến của nhiều người. Nay, những dự báo của Ngô Thế Vinh đã có nhiều dấu hiệu cho thấy là có xu hướng thành hiện thực.
Hai tác phẩm trên không những lên án Trung Quốc như một kẻ tham lam, khai thác tối đa dòng sông, bất kể tai họa cho các quốc gia hạ lưu, sử dụng dòng sông như một công cụ địa chính trị, mà còn phê phán tất cả các quốc gia trong vùng, trong đó có Việt Nam, cũng do tham lam, đang đẩy dòng sông mẹ vào chỗ chết. Kết thúc Mekong dòng sông nghẽn mạch là một dằn vặt: “Và không biết một trăm năm sau, liệu có còn không một Đồng Bằng Sông Cửu Long và một Nền Văn Minh Miệt Vườn?”. Nhưng Ngô Thế Vinh cũng chỉ ra cơ hội để cứu vãn và cũng để cảnh báo: “Nói tới sông Mekong và Đồng Bằng Sông Cửu Long trước nguy cơ là còn thời gian phấn đấu để “giảm thiểu tổn thất” nhưng đó là khoảng thời gian chúng ta phải chạy đua với vòng xoay của chiếc kim đồng hồ. Thời gian ấy chính là cơ hội nhưng sẽ không kéo dài mãi mãi” (Mekong dòng sông nghẽn mạch, Lời dẫn cho kỳ tái bản 1). Và thống thiết kêu gọi: “Hãy cứu lấy dòng sông” (Cửu Long cạn dòng Biển Đông dậy sóng, Thay lời kết).
Trong một bài báo đăng trên Văn Việt, Inrasara đánh giá Cửu Long cạn dòng Biển Đông dậy sóng là “tác phẩm khủng” và “mươi năm qua chắc chắn nó là tác phẩm xứng đáng nhất”. Thế nhưng “[…] không đâu vinh danh nó […] Trong nước: không; hải ngoại: cũng không. Chúng ta ưa nói đến giải thưởng từ sự đón nhận của độc giả; rồi ngay cả ở đây càng không nốt. Bởi Cửu Long cạn dòng Biển Đông dậy sóng không in, không bán trong nước, thế nên tuyệt đại đa số người đọc quốc nội không biết đến nó” (“Giải thưởng nào cho Cửu Long cạn dòng Biển Đông dậy sóng?”, Văn Việt, 3.9.2016). Trao Giải đặc biệt cho hai tác phẩm Cửu Long cạn dòng Biển Đông dậy sóng và Mekong dòng sông nghẽn mạch của Ngô Thế Vinh là để ghi nhận giá trị của hai tác phẩm này, và cũng để giúp đồng bào ý thức hơn hiểm họa sinh thái do lòng tham của con người và đặc biệt do âm mưu của Trung Quốc muốn sử dụng sông Mekong như một công cụ để khống chế các quốc gia hạ nguồn.
Đó cũng là một cách để hô to cùng một nhịp với Ngô Thế Vinh: Hãy cứu lấy dòng sông!