Bàn tròn Quỷ Vương (2)

Ba lần đọc Vua Quỷ

Nguyễn Khôi

(Hội viên Hội Nhà văn Hà Nội – nguyên Chuyên viên cao cấp, Phó Vụ trưởng Văn phòng Quốc hội)              

(Về cuốn tiểu thuyết lịch sử “Quỷ Vương” của Vũ Ngọc Tiến, Nxb HNV 6/2016)

 

Trước hết cần định nghĩa lại: Đây là cuốn tiểu thuyết lịch sử – chính trị thời sự bởi những vấn đề chính trị ngày xưa qua các “bài giảng” về lịch sử (lời tác giả Vũ Ngọc Tiến) và chính trị thời nay thông qua các hình tượng văn chương xuất lộ, đan quyện vào nhau. Bởi thế thiết nghĩ, đọc Quỷ Vương không thể chỉ qua một lần là có thể tìm ra hết những mạch ngầm tư tưởng trong đó. Người viết đã bị hút hồn đọc đi đọc lại ba lần mới chỉ viết ra vài nhận xét nhỏ, nói văn vẻ khôi hài như Nguyễn Quang Lập là những “ý nghĩ vụn” mà thôi…

Lần 1 (7/7/2016): Đây là tiểu thuyết lịch sử viết theo lối hiện đại (không theo chương hồi, lớp lang sự kiện như thông lệ). Về đại thể, tác phẩm dựng lên được lịch sử thời Lê mạt đan cài với “Vương quốc Bil-Kel” thời nay ở tỉnh K heo hút vùng biên.

Phần đầu đậm chất tiểu thuyết (có văn).

Phần giữa tái hiện cổ sử có cảm tưởng như Đại Việt thông sử tân biên, nặng về sự kiện “khứ” sử, hơi nghèo về chất tiểu thuyết. Vẫn biết tác giả muốn thử nghiệm loại hình tiểu thuyết giáo trình nên phải trần thuật lại lịch sử nguyên vẹn như nó vốn có, song đã là văn chương vẫn cần sự uyển chuyển, hư cấu thêm vào. Ở đây thiếu tả cảnh, tả tình, độc thoại nội tâm nhân vật, kể cả thiếu đan cài lý số, định mệnh luân hồi của các nhân vật xưa và nay… tạo thêm sự cuốn hút.

“Xuân Tây Thi xuất ngoại” là chương đọc thích thú, khá hấp dẫn, cổ – kim đan cài, nhân vật miêu tả sinh động, có nội tâm sâu sắc lại khéo lồng vào việc phê phán một xu hướng đua nhau xây đền – chùa thật to, hao tài tốn lực rất thời sự hiện nay.

Chương “Quỷ quan tranh bá” khá sinh động, tái hiện được sự thật bi thảm của lịch sử trong 30 năm sau khi Lê Thánh Tông băng hà.

Chương “Triết gia trong chùa Sùng Miên” cũng là một chương khá hấp dẫn, thuyết pháp về “Tam giáo đồng nguyên”, chỉ tiếc có hai chỗ viện dẫn lời của triết gia Kim Định chưa thật thuyết phục – thực chất đây phải là thời mạt pháp kéo dài sự tao loạn từ Lê mạt đến tận thời hiện đại. Dẫu sao đọc chương này ta cũng lờ mờ nhận ra cái thực trạng đất nước hôm nay: Về tư tưởng độc tôn, căn cốt vẫn là một mớ hổ lốn giữa Khổng giáo giai đoạn suy đồi với chủ nghĩa Mácxít – Lêninnít cũng biến tướng dần qua Staline, Mao Trạch Đông, Pôn Pốt mà thôi. Cái gọi là “người người bình đẳng” thực chất vẫn là quan hệ quân/thần, quan/dân nặng nề còn hơn cả thời phong kiến… Về Phật giáo, nhìn bề ngoài cứ ngỡ là đang được phục hưng, nhưng thật ra rất hời hợt về đạo pháp, nặng nề nghi thức, ham hố xây chùa to để cầu tài cầu lộc… Về Lão giáo, chưa vươn tới cái lẽ vi huyền của Lão Tử trong “Bản thể luận”. Tóm lại dường như ta đang sống trong một xã hội không có tư tưởng. Tất cả chỉ là lũ lưu manh cũ/mới. Một xã hội chỉ sùng bái quyền lực và tiền bạc, ích kỷ, tư lợi. Một đất nước không có tình thương con người, nặng về tàn sát, kể cả tàn sát môi trường vì lợi ích nhóm. Ta như cảm nhận được một ốc đảo giữa hành tinh này chìm đắm trong ly loạn, chiến tranh, lọc lừa, tham nhũng triền miên suốt mấy trăm năm lịch sử. Ngẫm mà đau!… Quỷ Vương làm ta nhớ Mac-két trong Trăm năm cô đơn

Vài đính chính nhỏ giúp tác giả:

– Bài thơ của Đỗ Mục là Tặng biệt, không phải Tống biệt.

– Huyện Đông Ngàn thuộc phủ Từ Sơn, trấn Kinh Bắc.

– Vua Khải Định khi chưa lên ngôi gọi là Bửu Đảo.

Tóm lại, với Quỷ Vương Vũ Ngọc Tiến đã tạo sự đột phá về cách viết tiểu thuyết lịch sử đan xen xưa – nay, hình tượng nhân vật sống động, ăn nhập, ẩn/hiện – hóa thân của nhân vật cổ/kim liền mạch. Tác giả có những cống hiến độc đáo như khẳng định xã hội Việt Nam từ thời Lê đến nay không tư tưởng (mất đạo), chỉ còn lại một thứ đạo Khổng biến tướng, hủ lậu kéo dài suốt mấy trăm năm, e còn lâu mới khá lên được nếu không thoát Trung. Thành công của Quỷ Vương ở chỗ có nhân vật, sự kiện xưa/nay đều cuốn hút, khiến ta đọc một mạch chưa hả, lại muốn đọc thêm nữa, trăn trở thêm nữa…

Lần 2 (17/7/2016) – Tồn tại và bày tỏ:

Tôi cứ lăn tăn, ấm ức rằng, tác giả dùng “Quỷ Vương” cấp quốc gia đối xứng soi chiếu với “quỷ quan” cấp địa phương tỉnh K heo hút miền biên viễn như vậy là hơi vênh, chưa tương xứng? Tác giả e ngại điều gì thế nhỉ? Hay vì viết thì phải lách như lẽ thường tình ở xứ An Nam ta ư?

Nếu Nguyễn Huy Thiệp tập trung đả kích chế độ phụ quyền, bạo hành gia đình của những đứa con giết cha… thì Vũ Ngọc Tiến lại phơi bày cái loạn kỷ cương phép nước kết tinh ở “Quỷ Vương” xưa, “quỷ quan” nay đã tàn phá non sông đất nước, gây loạn ly, xáo động xã hội triền miên. Như vậy, tác phẩm vô hình chung như một hồi chuông cảnh báo (SOS) cái nguy cơ tụt hậu trước sự bành trướng xâm lược của các thế lực thù địch đang lăm le ngày đêm với Tổ quốc ta.

Xin cảm ơn nhà văn rất đáng trân trọng!

Lần 3 (25/7/2016 ) – Nhưng chưa phải lần cuối:

Tiểu thuyết lịch sử Việt Nam xưa nay chưa có tác phẩm nào sánh với “Tứ đại danh tác” của Trung Quốc (Tam quốc diễn nghĩa, Thủy hử, Tây du ký, Hồng lâu mộng). Trước năm 1945 có hai cuốn đáng đọc:

Hoàng Lê nhất thống chí viết theo lối tiểu thuyết chương hồi (kiểu tiểu thuyết “chí” của Trung Hoa). Gọi là thứ “cây nhà lá vườn” thì phải đọc chứ đọc hẳn Đại Việt thông sử của Lê Quý Đôn có khi còn thích hơn!…

Cuốn Tiêu sơn tráng sĩ của Khái Hưng viết theo lối tiểu thuyết hiện đại đầu thế kỷ 20 lãng mạn, thi vị hóa mối tình Phạm Thái với nàng Trương Quỳnh Như là tác phẩm văn chương đọc khá cuốn hút.

Có thể nói sau hai tác phẩm nói trên, cuốn Quỷ Vương của Vũ Ngọc Tiến được tạm xếp sánh ngang tầm bởi có đậm chất sử, lóng lánh chất văn chương, có tính thời sự cấp báo. Quỷ Vương như Trần Mạnh Hảo nói trên FB không ngoa rằng, nó là kính chiếu yêu giúp ta soi thấy bóng dáng lũ vua quỷ, quan quỷ thời hiện đại mà vẫn sống động, hấp dẫn, có tính tư tưởng. Nó là một tác phẩm đậm chất chính trị – thời sự có tính phúng dụ cao…

(P/S: Phúng dụ theo từ điển tiếng Việt là mượn một chuyện khác, thơ hoặc văn để nói thác, khiến cho người tỉnh ngộ, biết sửa đổi cái sai lầm…)

Hà Nội 7/2016

Nguồn: http://trannhuong.net/tin-tuc-41336/ba-lan-doc-vua-quy.vhtm

Comments are closed.