“Quỷ Vương” tiểu thuyết hay giáo trình?
TS. Nguyễn Thế Hùng
Viện Vật Lý thuộc Viện Hàn Lâm KHTN Quốc Gia
Tôi đã đọc Quỷ Vương của Vũ Ngọc Tiến đến ba lần. Mỗi lần cách nhau vài tuần. Lần đầu khấp khởi cầm trên tay cuốn sách mới in còn thơm mùi mực, ngắm mãi bộ mặt quỷ trên trang bìa rồi mới đọc. Lần thứ hai lần giở đọc khá nhanh, chỉ dừng lại suy ngẫm những trang về Mạc Đăng Doanh. Lần thứ ba đọc kỹ về những lời giảng của thầy giáo Hạnh và Sư chủ trì chùa Sùng Miên trên dãy Hoàng Liên rồi mới đọc lại toàn bộ cuốn sách. Tôi đã kể lại cho những bạn chưa có cuồn tiểu thuyết này. Nhiều bạn thích lắm, hỏi mua ở đâu, sách có bị cấm không?
Cuốn Quỷ Vương được trang trọng in trên trang bìa là tiểu thuyết lịch sử, do Nhà xuất bản Hội nhà văn ấn hành năm 2016. Lúc đầu tôi đọc sách này như đọc một tiểu thuyết viết về Thăng Long, về Hà Nội, về tỉnh K trên Hoàng Liên Sơn, về biệt thự Hoa Phù Dung, về các cung nữ trong cung thành cổ xưa, về cả các cô gái bán thân trong các nhà nghỉ hiện đại, về các vị Ủy viên đảng Cộng sản đầy uy quyền, về các Đại gia có thể đi khắp Âu Mỹ, … Nhưng sau lần đọc thứ ba thì tôi thực sự tin rằng cuốn sách này không thuần túy là tiểu thuyết với các nhân vật cổ kim lẫn lộn nữa, mà đây chính là một sách nghề nghiệp. Vâng đây là một sách về nghề nghiệp, có thể được biên soạn lại thành giáo trình để dạy cho tất cả những ai muốn thuần hóa Quỷ, như những giáo trình dạy nghề thuần hóa Voi, Ngựa, Chó, Chim, …
Sách Quỷ Vương chỉ ra rằng cách đây khoảng 500 năm, trên đất Kinh Thành Thăng Long đã sinh hai Quỷ dữ là Lê Uy Mục và Lê Tương Dực. Hai Quỷ này đã chiếm được ngai vàng, tác oai, tác quái với tư cách vua nước Đại Việt và được gọi là Quỷ Vương. Thời đó có Mạc Đăng Dung và Mạc Đăng Doanh muốn giúp dân thoát họa Quỷ. Sử gia triều Lê gọi cha con Mạc Đăng Dung là Ngụy Mạc, nhưng vẫn phải thừa nhận trong vài năm dưới Triều Ngụy ấy dân được ấm no giàu có, của rơi ngoài đường không ai nhặt, nhà không phải đóng cửa, trâu bò nuôi ngoài ruộng không phải dắt về chuồng, … Thật là một thời thịnh trị thái bình. Cái thời đẹp đẽ ấy đã hiện hình chỉ vài năm sau khi cha con nhà Mạc diệt được Quỷ Vương sao cứ làm tôi mơ ước về một tương lai gần?!…
Ngày nay Quỷ Vương năm xưa đã hóa kiếp thành vô vàn Quỷ có quyền uy lớn hơn cả vua Lê Uy Mục, Lê Tương Dực cách đây 500 năm. Mà cái cách tái sinh của quỷ kỳ lạ ghê lắm. Quỷ bị chém đầu, bị phân thây, chỉ chết tạm thời. Nếu có một vệt máu khô của quỷ bám vào đâu đó, sau một thời gian, trong những điều kiện phù hợp thì giọt máu ấy sẽ tái sinh thành những con quỷ mới với đầy đủ hình hài, tay chân, tóc tai, diện mạo như người thường. Thậm chí lại còn đẹp trai, xinh gái nữa. Sách Quỷ Vương của Vũ Ngọc Tiến không tả kỹ cái năm Ngụy Mạc diệt Quỷ Vương có vô tình làm vấy máu tung tóe hay không. Chỉ biết rằng theo sách này thì bây giờ Quỷ sinh sôi ghê quá. Hiện nay quỷ hiện hình khắp nơi. Mà thức ăn của quỷ là gì? Chính Vũ Ngọc Tiến trong sách Quỷ Vương đã chỉ ra rằng Quỷ ít thích hoa quả, chuối oản, chúng thèm nhất là quyền uy, sau đến vàng bạc. Còn gái đẹp chỉ là món tráng miệng, nhiều khi chúng gặm dở rồi vứt. Thảng hoặc có cô nào đẹp quá thì chúng cướp, giam vào biệt thự, gặm dần. Quỷ ngày nay không dùng gươm đao, móng vuốt để đánh nhau hoặc giết người. Bây giờ chúng dùng những công nghệ hiện đại nhất có trên hành tinh, thậm chí cả các tia phóng xạ hạt nhân để tranh quyền uy. Theo tôi, những trang viết về vụ dùng nguồn phóng xạ thanh đồng vị Coban 60 diệt nhau của hai con quỷ đầu tỉnh K là những trang hấp dẫn nhất của tiểu thuyết này.
Nếu đọc sách của Vũ Ngọc Tiến với tư cách là giáo trình diệt quỷ có thể lờ mờ nhận thấy trong các điều kiện thuận lợi nào thì quỷ có thể biến hóa. Nhưng vì thiên về văn học nên ông chưa trình bày kỹ các điều kiện đó. Tuy vậy, có thể nêu mấy điều kiện sau. Nếu cả thiên hạ ngủ im trong một luồng tư tưởng, không ai đòi tự do, không ai nói tiếng phản biện thì một sợi máu quỷ bé tí, thậm chí một vệt ADN quỷ cũng có thể biến thành một con quỷ khổng lồ. Ví dụ thời Lê Sơ, nhân dân quá sợ hãi sau vụ án tru di tam tộc Nguyễn Trãi, sau đó lại quá bị ru ngủ vì các bài thơ trong Tao Đàn của Lê Thánh Tông, rồi lại bị khép cứng trong tư tưởng Tống Nho, bầu không khí xã hội lúc đó im ắng lắm. Vậy nên sau khi Vua Lê Thánh Tông chết, mấy con Quỷ lớn đã sinh ra ngay tắp lự, tiến đến ngôi Vua Quỷ. Thời nay, sau vụ Nhân Văn 1958, bầu không khí tư tưởng cũng trầm hẳn xuống, lại bị học thuyết Mác-Lê nhập lậu làm u mê, xã hội hiện tại cũng đã hội đủ điều kiện cho sự sinh sôi nảy nở của quỷ. Thực vậy, ngày nay nhìn đâu cũng thấy quỷ. Nhiều con say sưa ôm quyền lực gặm nhấm ngon lành, gầm gừ khi con khác nhăm nhe đến gần. Quỷ đời nay khôn lắm. Quỷ con đút cho con quỷ lớn chút vàng bạc. Quỷ lớn nhả cho quỷ con chút quyền lực, rồi quỷ con tự nuôi trồng quyền lực ấy cho sum suê và ngồi đớp hít say sưa. Trong sách Quỷ Vương, Vũ Ngọc Tiến chưa giảng kỹ về phép diệt quỷ. Điều đó là đương nhiên. Bí kíp không thể rao giảng lung tung. Bí kíp cũng như đại đao, người không có sức khỏe không nhấc nổi, không dùng được.
Nhưng đối với đa số quần chúng và các bạn yêu văn học, Vũ Ngọc Tiến đã thành công khi chỉ ra rằng quỷ không đáng sợ. Quỷ mê thích quyền uy thì quyền uy phải được phân lập ra cho nhiều bộ phận trong xã hội nắm giữ và kiểm soát. Chừng nào nhân dân ta chung sức xây dựng một xã hội mà quyền uy không để lung tung, quyền uy được giam giữ kỹ trong các bộ luật thì quỷ hết đất sống. Quỷ thích nhân dân bị ru ngủ, thì nhân dân hãy chuẩn bị kèn trồng thanh la, khi nào thấy quỷ đớp quyền lực thì cùng nhau khua đập hô hoán hỗn loạn lên là chúng sợ. Đây là cách tự phát như nhân dân trong các buôn làng vùng cao vẫn dùng để dọa hổ. Tuy vây, các bậc trí giả cần phải suy ngẫm để xây dựng các phương pháp diệt quỷ hiệu quả và bền vững hơn. Và đó chính là nhiệm vụ của các vị ấy hiện nay. Vũ Ngọc Tiến đã ý thức được thiên chức của mình, nên ông đã thử nghiệm viết Quỷ Vương nửa như tiểu thuyết nửa như giáo trình lịch sử mà hóa ra lại là giáo trình diệt quỷ, đặc biệt là chương “Triết gia trong chùa Sùng Miên”…
Hà Nội, 3/9/2016
NTH