Bàn tròn Quỷ Vương (4)

Vài ý kiến ngắn của bạn đọc “Quỷ Vương”

Cao Kim Ánh – TS Toán Máy Tính, Hà Nội:

Hôm nay có chút việc lại phải về CX. Đọc một lèo trên xe khách hết 364 trang cuốn tiểu thuyết mới của Vũ Ngọc Tiến vừa mới ra lò. Rất lâu mới có cuốn mình đọc một lèo, lại trong hoàn cảnh không tiện nghi lắm như vậy.

Tư liệu ngồn ngộn, hai tuyến truyện dựng giao nhau hấp dẫn. Dám phê cả “thời Thái Tổ Thánh Tông” nhà Lê, mà phê khá xác đáng.

Mình vẫn hơi cổ điển, quan niệm tiểu thuyết là phải có truyện và số phận nhân vật. VNT dựng cả hai rất giỏi. Tiếc là do cách viết tiểu thuyết giáo trình nên các nhân vật – cả lịch sử, cả hiện đại – diện mạo và phong thái, ngôn ngữ có vẻ còn hơi còn mờ nhạt, vẫn mang nhiều tính “thiết kế” của tác giả, và một số đoạn “kể” hơi ham…

 

Xin chúc mừng công phu và thành quả đáng nể của nhà văn. 70 mà ngòi bút còn sung sức lắm!

Nguồn: FB Anh Cao Kim 31/7/2016

 

Nguyễn Lan Phương, 90 tuổi, con trai cố nhà văn TLVĐ Lan Khai – Thị xã Hà Giang:

Hà Giang những ngày thu tháng Bảy năm Bính Thân- 23/8/2016

Quý mến gửi nhà văn Vũ Ngọc Tiến!

Đến hôm nay mới đọc xong tác phẩm Quỷ Vương bởi hồi này sức đọc của tôi hơi chậm chạp do tuổi già, đang ở ngưỡng cửu thập niên tàn lụi còn gì (!?). May mà vẫn giữ được trí lực, tinh thần tỉnh táo, tay không run, mắt không mờ, thế là hạnh phúc lắm rồi; vậy còn mong gì hơn nữa […]

Rất cảm ơn cuốn sách Quỷ Vương và tác giả VNT! Sách và người viết thời nay (kể cả chuyên lẫn không chuyên) nhiều đến nỗi không sao thống kê nổi số lượng thực khổng lồ so với thời tiền chiến- ngày Pháp thuộc, nhưng tựu chung đủ dạng tả pí lù! Họ viết theo trào lưu kinh tế thị trường như “chiến trường” kiểu “người ăn người” (như nhà văn Sơn Tùng bạn tôi đã viết thư nói với tôi như vậy.) […] Hầu như rất vắng loại sách như Quỷ Vương, nhất là ở trên truyền hình thì thật quá lắm, rõ trơ trẽn, lố bịch qua những buổi tuyên truyền, quảng cáo cho thời đại đã xuống cấp không phanh đến lõa lồ mà người ta không còn biết ngượng […]

Quỷ vương lần này tác giả VNT viết theo phương pháp mới lạ, khác với Sóng hận sông Lô tôi đã đọc – lần này vạch toẹt nó ra mà chẳng cần ngại ngùng ẩn dụ gì hết. (Dũng cảm đấy nhưng thực tế chẳng tác động gì mấy đến những quân cơ hội, phản dân, hại nước đương đeo mặt nạ của “Bồ tát” giáng trần!?)

Bấy lâu, dễ đến ba bốn chục năm qua, tôi luôn quan sát tìm hiểu về thế sự của ta ngán ngẩm đau lòng bởi dân thì u mê vô cảm chẳng còn lý tưởng, bị bọn thống trị đã trấn áp, lừa gạt khiến đa phần họ đâm bạc nhược không còn sức, còn lực mà đấu tranh mà chỉ cốt sao giành lấy ít lợi lộc, ít của cải tầm thường cho bản thân, gia quyến, phe nhóm của mình. Họ làm gì còn tâm địa đọc sách, nhất là sách quý như Quỷ Vương, nay chỉ còn rất ít người tâm đắc với loại sách này mà thôi. Tôi quan sát như vậy và mong tác giả giữ gìn tâm lực để tiếp tục thọ thêm mà đón nhận những tai hòa do bọn cơ hội này mang tới. chỉ cần bỏ công quan sát xung quanh và theo dõi trên vô tuyến hàng ngày đã thấy không biết bao nhiêu thảm cảnh đau lòng xảy ra cho những người lương thiên “bé nhỏ”, thế cô!

Riêng tôi rất cảm thông, trân trọng và rất tiếc cho tâm huyết, trí tuệ, tài năng, công sức và đức độ của tác giả đã sản ra những tập sách như Sóng hận sông Lô, Quỷ Vương để thông điếp gửi gắm tâm hồn mình với dân tộc, với đất nước hiện đương trong bối cảnh mão lòng này. Có ai biết chăng hay chỉ có ta và số ít người như chúng ta mới để tâm cám cảnh thế sự này?!

Một lần nữa trân trọng cảm ơn tác giả VNT và cuốn Quỷ Vương tôi đã đọc!…

TB: Cố gắng viết hết bức thư tâm tình này đấy, mệt và đau gáy lắm!…

NLP – 142 đường Nguyễn Thái Học- Hà Giang

P/S: Những chỗ […] là di lược bớt vì dài và không liên quan đến nội dung cuốn Quỷ Vương

 

Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu – nguyên Cục trưởng Cục Chính sách, Bộ Quốc phòng:

Tôi quen Nhà văn Vũ Ngọc Tiến và vợ anh – chị Minh Thi – từ năm 2010. Đó là khi chúng tôi cùng tham gia với vai trò tư vấn cho Trung tâm Ma Rin (tên đây đủ là Trung tâm tư vấn và trợ giúp pháp lý gia đình Liệt sĩ) . Anh Tiến và chị Thi dã tham gia từ nhiều năm trước.
Ngần ấy năm, qua nhiều lần tiếp xúc, trong mắt tôi, anh Vũ Ngọc Tiến – một chàng trai tuấn tú chính tông Hà Nội của mấy chục năm trước, mà nay vẫn giữ được phong độ trí thức đa tài, đàng hoàng, khiêm cung, lịch lãm. Với thể hình và gương mặt đẹp. Tóc bạc phơ. Da dẻ căng mịn, hồng hào. Có thể nói, ngày trước anh thuộc loại điển trai và bây giờ là đẹp lão.
Ngày 20 tháng 7 năm 2016, tại buổi họp báo NGÀY TRỞ VỀ của Trung tâm Ma Rin, tôi được Nhà văn Vũ Ngọc Tiến tặng cuốn tiểu thuyết Quỷ Vương. Đây là cuốn sách thứ hai tác giả tự tay trao tặng. Trước đó, năm 2013, anh đã tặng tôi cuốn tiểu thuyết Sóng hận sông Lô – cũng là tiểu thuyết lịch sử.
Tôi đang chờ đến ngày đi dự buổi giới thiệu tiểu thuyết Quỷ Vương theo lời mời thân tình của tác giả – kế hoạch là ngày 6 tháng 8 năm 2016) – thì bỗng dưng trước đó vài ngày anh Vũ Ngọc Tiến thông báo rằng, buổi giới thiệu sách phải hoãn lại do cơ quan có chức năng thẩm quyền chưa đồng ý với nội dung một vài câu ở một trang viết. Tôi hỏi ở trang nào. Anh Tiến nói ở trang 213.
Tôi nghiệm ra một hiện tượng nghịch lý : Xưa nay hễ cuốn sách nào “có vấn đề”, thì lượng độc giả tìm đọc nhiều hơn. Điều đó có phần kích thích tính hiếu kỳ. Nhưng theo tôi, cái chính là, độc giả muốn kiểm chứng đối chiếu giữa nhãn quan, nhận thức của mình với nội dung tư tưởng, nghệ thuật của tác giả và chính kiến của cơ quan kiểm duyệt.
Tôi có thói quen đọc sách là: Mở sách đọc ngay vào nội dung để tiếp nhận thông tin trực tiếp; chưa đọc bât cứ lời giới thiệu, lời bình nào – bởi tôi không muốn sự cảm thụ của mình lại thông qua lăng kính của người khác, dễ bị nhiễu loạn thông tin. Đọc xong sách rồi, tôi mới đọc đến lời bình, lời giới thiệu, để có sự so sánh đối chiếu nhận thức của mình với những người khác khi cùng đọc một cuốn sách.
Tôi đọc khá kỹ cuốn tiểu thuyết Quỷ Vương. Thậm chí tôi còn phát hiện ra vài chỗ in sai.
Đã có người viết giới thiệu khá hay, khá kỹ về tiểu thuyết này.
Với tôi, tôi nhận thấy rằng: Đây là một cuốn tiểu thuyết lịch sử với nội dung phong phú. Phải chăng, đây là một phương pháp dạy lịch sử dưới hình thức văn chương có hiệu quả. Tác giả dùng phương pháp đồng hiện câu chuyện lịch sử cài đan với câu chuyện của thời nay. Tiểu thuyết dựng lên những câu chuyện lịch sử trong một cung đoạn suy tàn của Vương triều Lê sơ – từ vua Lê Uy Mục (Quỷ Vương) đến vua Lê Tương Dực (Trư Vương), cho đến khi cha con Mạc Đăng Dung – Mạc Đăng Doanh soán ngôi vua, dựng lên Vương triều nhà Mạc. Đồng thời, tác giả dựng lên câu chuyện của thời nay – một câu chuyện dù là hư cấu nhưng không hiếm, đã và đang diễn ra với đầy tính bi kịch.
Với lối viết hấp dẫn, đầy ắp thông tin trên nhiều bình diện, góc cạnh; tác giả kể lại, tả lại với nhiều tình tiết sống động, lôi cuốn người đọc; Đồng thời qua đó, tác giả đưa ra những lời bình có tính triết lý khách quan. Đó như là những thông điệp mà tác giả muốn gửi đến người đọc.
Tôi đọc một mạch tiểu thuyết Quỷ Vương. Nhưng khi gấp sách lại, một nỗi buồn man mác không tên xâm nhập cõi lòng tôi!

Nguồn: FB Mạnh Đẩu Nguyễn 22/8/2016

Comments are closed.