Bàn tròn Quỷ Vương (7)

“Quỷ Vương”: Tiểu thuyết Bóng và Hình

Trương Văn Dân, Tp HCM

 

Tiểu thuyết “Quỷ Vương” của nhà văn Vũ Ngọc Tiến do Nhà Xuất bản Hội Nhà văn ấn hành vào tháng 6 năm 2016 là tiểu thuyết lịch sử đồng hiện, trong đó các nhân vật lịch sử, các vấn đề chính trị, xã hội, thời sự… vào thời Lê mạt và trong “Vương quốc Bil-Kel” ở tỉnh K thời nay xuất hiện đồng thời, hóa thân đan quyện vào nhau…

Có thể xem đây là tiểu thuyết “ảo/thật hay bóng/hình” vì mọi diễn biến được triển khai song song, mạch truyện ở quá khứ và hiện tại cùng xuất hiện sự thật lịch sử hơn 500 năm trước và hiện thực ngày nay quyện vào nhau, cùng phản chiếu trong gương như bóng và hình. Quá khứ soi sáng hiện tại còn hiện tại giải thích những bí ẩn về suy thịnh hưng vong của lịch sử: Một bên là triều đình nhà Lê với những rối ren từ Quỷ vương và Trư vương cùng các quỷ quan; bên kia là tỉnh K, với Quyền và Uy trong vương quốc của tập đoàn kinh tế Bil-Kel.

Khi nói về Quỷ vương, Trư vương và quỷ quan, tác giả đã dựng lại thời nhiễu nhương và đau khổ của dân tộc. Thời vua không ra vua, quan không ra quan, mà là những kẻ tham lam, ích kỉ, độc ác nên đã gây ra loạn lạc và dân chúng chịu lầm than. “Cuối thời Lê sơ đạo đức xã hội suy vi, kỷ cương triều đình mục nát đến thối rữa nên ngồi trên ngai vàng là một thứ “Quỷ Vương”, quan chức trong triều nhung nhúc loại quỷ”. Quỷ vương (Uy Mục) là kẻ mắc chứng bạo dâm, cứ mỗi lần phá trinh một phi tần hay cung nữ vua đều nghĩ ra những trò quỷ quái để hành hạ trước khi ân ái. Đa nghi, tàn ác vua từng bắt giam và tra tấn khổ hình đến chết gia quyến chú ruột, đánh anh đập em, giết bà nội bằng thuốc độc, đốt cung Trường Lạc… Kế đó là Trư vương (Tương Dực) cũng vô cùng dâm loạn, gian dâm vô đạo với hết lượt phi tần của các đời vua trước và giết hại 15 vị vương công mà không cần xử án. Trư còn bày ra nhiều trò tiêu khiển điên rồ, độc ác hay sai Vũ Như Tô xây cung điện 100 nóc, xây Cửu trùng đài nguy nga tráng lệ… trong lúc ngân khố nước nhà cạn kiệt, dân chúng đói khổ, lầm than… Ở phố thị đời sống bon chen vì các phe nhóm tranh giành quyền lợi, tiêu diệt lẫn nhau, còn ở làng quê cái ác lộng hành, người sống lẫn với quỷ ma, có khi chỉ một con gà, con chó bị bã thuốc hay mất cắp người ta cũng xúm lại đánh hội đồng kẻ ăn cắp đến chết. Một thời đại mà đời người khổ như súc vật. Mạng sống không bằng một con chó.

Còn khi nói về hiện tại ở tỉnh K chủ yếu là vương quốc Bil-Kel và tình hình chuẩn bị nhân sự cho nhiệm kì quan chức, tác giả cắt nghĩa nhân vật Quyền thăng tiến nhanh chóng và tập đoàn kinh tế của anh em ông ta phát triển mạnh mẽ là nhờ hối lộ và cung phụng mỹ nhân cho các nhân vật có thế lực. Tham lam. Tàn ác. Để có được quyền uy các nhóm lợi ích không từ bỏ một thủ đoạn nào. Để nắm giữ đặc quyền, lợi nhuận… chúng sẵn sàng mua chuộc chính quyền bằng mọi giá và xem quyền lợi chính đáng, thậm chí đến sinh mạng của người dân như cỏ rác. Khinh bỉ phụ nữ. Xem gái đẹp chỉ là công cụ tiêu khiển hay chỉ là món quà khai vị để dâng lên giới có chức quyền, vì tò mò và ham của lạ, có khi chỉ cắn thử rồi ném văng long lóc. Và chỉ khi nào có thích thú thì chúng mới đánh bắt, mua chuộc, giam vào biệt phủ để thỏa mãn khi có nhu cầu. “Quỷ” ngày nay không dùng gươm đao, móng vuốt để đánh nhau tranh giành thế lực. Chúng tinh vi hơn, biết dùng những công nghệ hiện đại nhất, từ ám sát, tai nạn giao thông đến chất phóng xạ.

Theo tác giả, cuốn “Quỷ Vương” được viết theo lối “tiểu thuyết giáo trình” dùng tiểu thuyết để giảng lại một phân kỳ lịch sử. Nhưng không chỉ dựng lại lịch sử, nhà văn Vũ Ngọc Tiến còn muốn lí giải tại sao nhà Lê, sau cái chết của ông vua văn võ song toàn và nổi tiếng hiền minh trong lịch sử là Lê Thánh Tông thì chỉ toàn xuất hiện những ông vua hèn kém và triều đình ngày càng mục nát. “Mất đạo trước, mất nước sau, ngai vàng quyền lực còn đâu”. Tác giả cho rằng vì quyền lợi của triều đại, vì ngai vàng quyền lực của họ Lê, chính Lê Lợi đã bãi bỏ tư tưởng giáo dục “tam giáo đồng nguyên” tiến bộ của thời Trần, để chỉ độc tôn Nho giáo. Hơn nữa là Nho giáo phản động của Tống nho chứ không phải nguyên thủy của nó thời Tiên Tần. Ông cho rằng “Độc tôn một hệ tư tưởng tất sẽ dẫn đến độc quyền chân lí, con người dễ bị mê lạc, cái ác lấn cái thiện, thói kiêu căng và tự mãn, ích kỉ và gian dối sẽ lộng hành trong xã hội”. Ngoài ra tác giả còn khẳng định xã hội Việt Nam từ thời Lê đến nay kéo dài suốt mấy trăm năm là không tư tưởng, chỉ có một thứ đạo Khổng biến tướng, hủ lậu.

Về tiểu thuyết lịch sử, trước đây Vũ Ngọc Tiến đã có bốn cuốn sách cùng thể loại. Nhờ hiểu biết sâu sắc về nhà Lê, về đạo Phật cùng với những năm dài nghiên cứu về đạo Nho, đạo Lão, về chế độ thi cử và giáo dục của quá khứ… ngòi bút uyên bác của ông cung cấp cho người đọc những kiến thức giá trị và đảm bảo sự thành công của thể loại lịch sử mà ông rất đam mê. Với quyển tiểu thuyết lịch sử “Quỷ Vương”, nhà văn Vũ Ngọc Tiến còn tạo sự đột phá về cách viết đan xen, thực – ảo, bóng – hình, hình tượng – hóa thân của nhân vật cổ/kim liền mạch. Người đọc thú vị theo dõi tiến trình thăng trầm phức tạp của thời Lê sơ, biết thêm về sự độc ác của các loại vua quỷ, quan quỷ ngày xưa và xem như một hồi chuông chuông cảnh báo nguy cơ tụt hậu của đất nước và đoán định tương lai. Tác phẩm “Bóng và Hình” đậm chất sử, lóng lánh chất văn chương, và còn có tính thời sự cấp báo. Đó là một cuốn sách không thể thiếu trên giá sách của những người yêu văn và sử.

Sài Gòn 10-2016

TVD

clip_image002

Nhà văn Trương Văn Dân cùng vợ – TS văn khoa Italia Elena Trương – với bạn bè ở Hà Nội. (Từ trái qua phải: Trần Nhương, Vũ Ngọc Tiến, Trương Văn Dân, Elena Trương, và Đàm Khánh Phương)

Comments are closed.