Bàn tròn Quỷ Vương (8)

Vũ Ngọc Tiến giải mã cái ác qua tiểu thuyết lịch sử “Quỷ Vương”

Nhà văn Hoàng Quốc Hải

 

Nhà văn Vũ Ngọc Tiến vào nghề văn bằng một loạt các truyện ngắn, bút ký in rải rác trong nhiều năm, rồi sau đó in thành tập.

Ông nhập làng tiểu thuyết lịch sử từ năm 2001 với tác phẩm “Khói mây Yên Tử” khá chững chạc. Theo dòng lịch sử, các năm kế tiếp ông cho xuất bản “Quân sư Đào Duy Từ”, “Giao Châu tụ nghĩa”, “Ba nhà cải cách”.

Khoảng sáu, bảy năm sau ông xuất hiện với tiểu thuyết “Sóng hận sông Lô” (2013). Lại ba năm sau (2016), tiểu thuyết lịch sử “Quỷ Vương” đến với bạn đọc. Với sáu đầu sách viết về lịch sử, phải xem nhà văn Vũ Ngọc Tiến là nhà tiểu thuyết lịch sử lão làng.

Nghe đâu ông còn một tập truyện ngắn in chung với nhà văn Lê Mai do nhà xuất bản Đà Nẵng ấn hành năm 2008 nhưng bị thu hồi. Thấy nói có nội dung “nhạy cảm” vì đã phản ánh hiện thực cuộc kháng chiến chống quân bành trướng Trung Hoa xâm lược vào tháng 2 năm 1979.

Chẳng biết lệnh từ cái đầu mốc nào phát ra chứ năm 1979 là cuộc kháng chiến chống xâm lược cực kỳ oanh liệt, có quy mô lớn, thiệt hại về máu xương và tài vật không hề nhỏ. Vậy tại sao ta lại phải câm họng để cho quân xâm lược mặc sức thét gào.

Máu của các chiến sĩ đổ ra để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ sự sống còn của cả dân tộc không phải là thứ nước lã nhiễm khuẩn. Bởi vậy, Tổ quốc phải ghi công, và cả dân tộc phải tri ân, phải đền ơn đáp nghĩa tới muôn đời sau nữa.

Trở lại tiểu thuyết “Quỷ Vương”. Tiểu thuyết lịch sử này viết theo bút pháp đồng hiện. Đồng hiện không phải là thi pháp mới, mà các nghệ sĩ đã sử dụng nó từ rất lâu. Nguyễn Dữ (thế kỷ 16) là bậc thầy về thể loại này khi ông viết “Truyền kỳ mạn lục”; William Shakespeare (1564 – 1616) cũng sáng tác ra vô vàn tuyệt tác phẩm kịch bằng bút pháp này.

Tuy nhiên thi pháp chỉ là thao tác kỹ thuật, còn giá trị tác phẩm lại thuộc về tài năng của tác giả.

Khác hẳn với các vị tiền bối và các đồng nghiệp đương đại sử dụng cùng thi pháp, nhà văn Vũ Ngọc Tiến tạo ra một tác phẩm sinh đôi hết sức độc đáo và vô cùng sinh động.

Cái tài tình của tác giả là ở chỗ, tiền kiếp và hậu kiếp của từng nhân vật, được tái hiện và thể hiện song hành rất sinh động. Nếu ta tách phần quá khứ có thể in thành một tập tiểu thuyết lịch sử đúng nghĩa. Và tổng hợp phần hiện tại cũng in thành một tập tiểu thuyết mang tính đương đại hợp chuẩn. Và nói theo ngôn ngữ hiện đại là chuẩn không cần chỉnh.

Điều thú vị là “Quỷ Vương” không phải là cái tựa sách mang tính biểu tượng như “Hầu vương”, “Xà vương” … trong các truyện dân gian. Mà nó là đứa vương bằng xương bằng thịt, trị vì cả một đất nước mà cha ông nó là những bậc anh hùng cứu nước, cứu đời vừa làm một kỳ tích chống xâm lăng và xây dựng đất nước thật là sáng giá như Lê Lợi, Lê Thánh Tông.

Tên Quỷ Vương này có hiệu là Uy Mục đế. Về công tích đứa vua này, “Đại Việt sử ký toàn thư” ghi: “Vua thích uống rượu, hay giết người, hiếu sắc, làm oai, giết hại người tôn thất, giết ngầm tổ mẫu, họ ngoại chuyên quyền, trăm họ oán giận, người đời gọi là Quỷ Vương” (ĐVSKTT tập II trang 494).

Ở một đoạn khác lại chép: “Vua từ khi lên ngôi, đêm vào cung cùng với cung nhân uống rượu vô độ, ai say thì giết… Phàm các quan người nào khi trước không muốn lập mình thì giết đi. Lại mật sai nội nhân là Nguyễn Đình Khoa đi dò xét các chú và anh em cả thảy 26 thân vương, mà Kinh vương là chú thì ẩn trốn không biết đi đâu, duy có Giản công là con chú bác bị giam vào ngục trốn đi thoát được” (ĐVSKTT tập II trang 505).

Lê Uy Mục ở ngôi được 5 năm thì triều thần và thân vương nổi lên giết chết. Trong bài hịch kể tội Uy Mục có câu “Nhân dân nhức óc, cả nước đau lòng”.

Uy Mục là cháu nội của vua Lê Thánh Tông. Ông lên ngôi chỉ sau khi Lê Thánh Tông, một vị minh quân bậc nhất triều Lê mất có 8 năm. Cơ nghiệp nhà Lê huy hoàng là vậy, công lao xây đắp đất nước gần trăm năm, thế mà rơi vào tay kẻ ngu đần, ác hiểm nắm giữ, phút chốc nó làm cho chao đảo, rồi nát cơ hồ dẫn đến sụp đổ chẳng bao xa. Đây tôi chỉ lược trích vài đoạn sử chép, nhưng trong tiểu thuyết “Quỷ Vương” nhà văn Vũ Ngọc Tiến vừa diễn dịch vừa giải mã các tội ác của tên quỷ đội lốt vua này, ta mới thấy kinh tởm khi quyền tối thượng rơi vào tay kẻ ác, khiến dân chúng điêu linh, thế nước rối bời, nhân luân rữa nát.

Cái vương quốc của Quỷ Vương Lê Uy Mục biến thành vương quốc Bil-Kel rất ngoạn mục. Nghĩa là nó cũng tập hợp được những kẻ gian manh, mánh lới câu kết với nhau thành nhóm lợi ích. Nó cũng âm mưu, thủ đoạn, tước đoạt, cướp đoạt với đủ thứ mưu ma chước quỷ. Nó cũng dựa vào các thế lực mà đi lên bằng con đường mua chuộc, đút lót. Thủ đoạn không mới, gái, tiền, thủ tiêu đối phương, bịt đầu mối, chuyển tiền, chuyển con cái ra nước ngoài, cảm thấy bất an thì chạy trốn ra nước ngoài kiểu như Trịnh Xuân Thanh. Mã số mật của bọn lưu manh này là leo cao, càng cao càng tốt. Bởi chỉ có quyền lực cao mới có khả năng tước đoạt tài sản quốc gia một cách trắng trợn hơn và hợp pháp hơn, hoặc bán hợp pháp từ các chân rết, các sân sau như vòi bạch tuộc hút hết tài nguyên quốc gia và máu mủ dân lành.

Karl Marx đã nhầm khi ông nói quyền lực thuộc về kẻ chiếm hữu tư liệu sản xuất, điều đó có thể đúng ở phương Tây, còn phương Đông kẻ có quyền mới có tất cả. Một khi quyền lực thuộc về một cá nhân, một giai cấp hay một tập đoàn thì mọi thứ trên thế gian đều thuộc về nó. Cho nên kẻ nắm quyền lực sẽ biết cách khai thác triệt để các nguồn lợi, và chúng sẽ đi đến tận cùng của sự tàn bạo, tức là cái ác sẽ bộc lộ hết khả năng dã thú của nó.

Với tất cả các mưu ma quỷ kế qua thời tiền kiếp cộng với sự ma giáo tinh vi của kẻ sinh ra trong thời công nghệ cao, tập đoàn Bil-Kel đã cài cắm người vào được cơ quan công quyền và từ đó leo cao. Chúng leo đến đâu thì của cải, tài nguyên và mọi tiềm năng của xã hội được chúng tận thu đến đó. Bất cứ một manh nha nào nhằm chống lại nó đều bị thủ tiêu bằng mua chuộc, bằng đầu độc, bằng ngộ sát, bằng ám sát. Từ nhà báo có lương tri đến những người có lương tâm.

Quỷ Vương” không nhằm giải thích một vấn đề cụ thể, một cá nhân cụ thể mà tiểu thuyết này nhằm giải mã cái ác truyền kiếp như là định mệnh của dân tộc, nói rộng ra là của nhân loại. Và muốn cải biến nó, nhân loại phải nhận thức lại chính mình, từ đó định ra phương hướng phấn đấu đi về hướng NHÂN VĂN.

Trong tiểu thuyết, tác giả luôn nhắc nhở điều ám ảnh sự tồn vong của dân tộc, luôn bị đe dọa từ bóng ma phương Bắc, nó chập chờn như hồn ma bóng quỷ từ tiền kiếp đến tận hôm nay. Ngàn năm trước đã vậy, đến thời vua Quỷ, vua Lợn cũng vậy: “Tin triều đình nhà Lê ổn định do bọn gian thần cài cắm ở Đông Đô truyền về phương Bắc, hoàng đế Minh Vũ tông là Chu Hậu Chiếu đùng đùng nổi giận cho gọi lũ sứ thần Nhược Thủy, Hi Tăng về triều trách mắng:Đại Minh ta đang có nội loạn của thân vương Chu Chí Phiên nên trẫm chưa muốn mang quân chinh phạt nước Nam Man. Mấy năm qua triều đình tốn bao nhiêu ngân lượng, năm lần bảy lượt cho hai ngươi đi sứ là để thăm dò bọn chúng, dùng mạng lưới gian tế chia rẽ triều đình nhà Lê, khuynh đảo chính trường, làm mọi cách để bọn chúng suy yếu chờ thời cơ đánh chiếm, biến Nam Man thành quận huyện của Đại Minh. Vậy mà lũ ngươi chịu thua một thằng trẻ ranh Lê Oanh, tội này đáng chém” (“Quỷ Vương”, trang 122 – 123).

Cái dã tâm của phương Bắc với dân tộc ta chưa hề có lúc nào, thời nào chúng lơi lỏng. Ngày nay nó đang thực thi với mưu toan hiểm độc gấp cả triệu lần cha ông chúng. Gần đây báo chí Trung Quốc, đặc biệt là Hoàn cầu thời báo – phụ bản của Nhân Dân nhật báo Đảng Cộng sản Trung Quốc còn rộ lên sự nuối tiếc rằng sao chúng không đồng hóa được Giao Chỉ – Đại Việt. Nếu việc đó làm xong thì Biển Đông không có sự tranh chấp như ngày nay, không kẻ nào dám ho he với Đại Hán (Trung Quốc). Chao ôi, thế mà cũng tận ngày nay, lắm kẻ mơ hồ còn tin vào “Láng giềng hữu nghị”.

Với “Quỷ Vương”, tác giả Vũ Ngọc Tiến đã có ý như Mahatma Gandhi từng nói: “IM LẶNG LÀ HÈN trong những lúc đòi hỏi chúng ta phải nói lên sự thật”.

Ngày 24 tháng 12 năm 2016

Comments are closed.