Có nên dạy tiếng Nga, tiếng Trung như ngoại ngữ thứ nhất? (bài 5)

Hãy tập trung vào “trận đánh lớn” cho hiệu quả dạy tiếng Anh trước đã!

Hoàng Hưng

Xin góp mấy lời, với tư cách một cựu học trò được học tiếng Pháp ở trường phổ thông và trở thành dịch giả (tạm coi là chuyên nghiệp) chủ yếu do tự học, vừa dịch vừa học, ở ngoài nhà trường!

Xin thử căn cứ vào Luật Giáo dục mới nhất (2005) trong đó khoản duy nhất nói về dạy ngoại ngữ là khoản 3 điều 7: “Ngoại ngữ quy định trong chương trình giáo dục là ngôn ngữ được sử dụng phổ biến trong giao dịch quốc tế. Việc tổ chức dạy ngoại ngữ trong nhà trường và cơ sở giáo dục khác cần bảo đảm để người học được học liên tục và có hiệu quả”.

Xin bàn về hai khía cạnh trong điều khoản này:

1/ Ngoại ngữ quy định trong chương trình giáo dục là ngôn ngữ được sử dụng phổ biến trong giao dịch quốc tế.

Vậy ngôn ngữ nào hiện nay “được sử dụng phổ biến trong giao dịch quốc tế?”.

Liên Hợp Quốc quy định có 6 ngôn ngữ chính thức (và bình đẳng) được sử dụng trong các văn bản và công việc của LHQ: Anh, Arap, Nga, Pháp, Tây Ban Nha, Trung (theo căn cứ này thì dự kiến chương trình của BGD thừa tiếng Nhật, Đức và thiếu tiếng Arap, Tây Ban Nha!).

Qui định này của Luật Giáo dục cần phải được xem lại. Đúng ra phải xác định là “Ngoại ngữ quy định trong chương trình giáo dục là ngoại ngữ đáp ứng nhu cầu thiết thực của việc xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước, hội nhập với thế giới”.

– Thực tế BGD hình như cũng đã làm như thế khi nhiều năm nay tập trung vào tiếng Anh, vì tiếng Anh rõ ràng là quan trọng nhất đối với những nhu cầu trước mắt cũng như lâu dài của đất nước (có lẽ không ai phản đối điều này).

– Tiếng Nga, tiếng Trung có một thời độc tôn ở miền Bắc (thay ngôi vị tiếng Pháp trước 1954) cũng dễ hiểu, do nhu cầu trước mắt thời đó là tiếp nhận sự hỗ trợ về mọi mặt của hai nước này. Nó cũng đồng thời phản ánh khuynh hướng chính trị hoá giáo dục mà Đảng CS hết sức coi trọng (đặt “hồng” trước “chuyên”).

– Trong tình hình hiện nay, rõ ràng tiếng Nga, tiếng Trung (Tàu) không thể là ưu tiên hàng đầu xét về nhu cầu tiếp thu các thành tựu quan trọng và cập nhật về khoa học kỹ thuật văn hoá nhằm xây dựng và phát triển đất nước. Trong thực tế đời sống, nhu cầu lao động gắn với tiếng Nga, tiếng Tàu cũng thấp (0,6% và 4,5% so với tiếng Anh 30%, tiếng Nhật 10%, tiếng Hàn 4,7% – theo thống kế của tác giả Ngô Nhâm trong bài thảo luận số 4 của Văn Việt ngày 2/10/2016). Điều đáng lưu ý là: mặc dù các công trình của Tàu Cộng chiếm đến hơn 90% số lượng dự án trúng thầu của nhà nước, nhu cầu tuyển dụng lao động biết tiếng Tàu lại thấp, chứng tỏ những ai cho rằng do thực tế làm ăn với Tàu mà người dân sẽ thích cho con cái học tiếng Tàu chỉ là suy diễn chủ quan!

– Nếu BGD nghe ý kiến của công luận, làm cuộc điều tra thực tế nhu cầu học ngoại ngữ trong học sinh và phụ huynh học sinh, có thể chắc chắn tỷ lệ yêu cầu tiếng Nga, tiếng Tàu cũng sẽ phù hợp thống kê nói trên, nhĩa là rất thấp.

– Như vậy, phải chăng việc đưa tiếng Nga, tiếng Tàu vào (hay trở lại) vị trí ngoại ngữ thứ nhất chỉ là muốn trở lại khuynh hướng chính trị hoá xưa kia (tiếng Nga là “tiếng của Lenin”, còn tiếng Tàu là tiếng của “16 chữ vàng, 4 tốt”?) chứ không hề thiết thực? Nếu đúng như vậy, rõ ràng là “phản động” (phản lại xu hướng phát triển, tiến hoá) chứ còn gì!

Rút lại: Tiếng Anh là ngoại ngữ thứ nhất, không có gì phải nghi ngờ! Còn tiếng nào nữa, Nhật, Hàn, Tàu? Xin hãy làm cuộc thăm dò, khảo sát cẩn trọng và khách quan trước khi quyết định. Không thể trở lại lối hoạch định duy ý chí, chính trị hoá, đã gây ra không biết bao nhiêu tổn hại nhân lực, vật lực, thời gian cho đất nước trong nhiều lĩnh vực mà ai cũng biết!

2/ Việc tổ chức dạy ngoại ngữ trong nhà trường và cơ sở giáo dục khác cần bảo đảm để người học được học liên tục và có hiệu quả.

Học ngoại ngữ phải có “hiệu quả”, tức người học phải thực sự sử dụng được ngoại ngữ ấy trong học tập, giao tiếp, làm việc. Ai cũng thấy, tiếng Anh tuy được BGD coi là ngoại ngữ bắt buộc duy nhất trong nhiều năm qua, nhưng hiệu quả vẫn rất thấp: học sinh tốt nghiệp trung học nhìn chung không sử dụng được.

Tuy nhiên, đừng qui hết tội cho Bộ Giáo dục ngày nay! Nếu nhìn ngược lại, thời kỳ ở nước ta tiếng Pháp, tiếng Anh được coi trọng hết sức, thực tế việc học ở trường phổ thông cũng không cho kết quả khá hơn bao nhiêu.

Người viết bài này nằm trong thế hệ cuối cùng của miền Bắc học tiếng Pháp ở trường phổ thông (học từ lớp 3 đến hết lớp 10, từ 1953 đến 1960). Được học các thầy rất thông thạo tiếng Pháp (toàn là những người được đào tạo thời Pháp thuộc, thậm chí có cả người Pháp thứ thiệt như vợ chồng TS Gérard Tongas ở trường Chu Văn An), nhưng phải xác nhận rằng: ngoài một số rất ít có “khiếu” và đam mê cá nhân học thêm ngoài nhà trường, đại đa số học sinh tốt nghiệp trung học không thể đọc, viết, nghe, nói tiếng Pháp! Bản thân người viết cũng nhờ gia đình ảnh hưởng văn hoá Pháp sâu nặng, được đi học thêm nhiều, lại rất hăng hái tự học bằng cách dịch thơ, truyện ngay từ lớp 4, nên về sau mới có thể dịch sách tiếng Pháp!

Một người bạn cùng lứa ở miền Nam, cựu giáo viên tiếng Anh kỳ cựu và uy tín, nay là dịch giả ở Mỹ, cũng cho biết: “Nếu học đàng hoàng thì học hết bộ English For Today (giáo trình chủ yếu dạy ở miền Nam từ lớp 6 đến lớp 12), một học sinh có thể viết khá đúng văn phạm tiếng Anh, có thể đọc các sách truyện viết bằng simplied English mượn từ Trung tâm Văn hóa Hoa Kỳ (tại các thành phố lớn như Huế, Sài Gòn, Cần Thơ). Còn nghe tiếng Anh thì khó lắm, tôi không tin một học sinh hết trung học có thể nghe và hiểu từ 30% đến 50% một đối thoại đơn giản”.

Lý do: Phương pháp dạy tiếng Pháp, tiếng Anh thời đó quá “sách vở”, không thiết thực! Chỉ tập trung học đọc và viết – theo sách (đúng ngữ pháp!) trong khi, cũng theo bạn cựu giáo viên tiếng Anh nói trên, “một tiến trình đúng đắn của việc học tiếng Anh phải theo ưu tiên Nghe, Nói, Đọc, Viết (như tiến trình học tiếng mẹ đẻ)”

Lối dạy “sách vở” kém hiệu quả hình như vẫn kéo dài đến tận bây giờ!

Xin thật thà thưa thốt: đa số dịch giả tiếng Pháp, tiếng Anh trong nước, kể cả “lổi tiếng” dịch văn bản thì OK, chứ viết thì… nghe, nói lại càng… (trong đó có bản thân!). Trong khi ai cũng từng chứng kiến các em nhỏ đánh giày ở bờ biển Nha Trang, các “me mí nhò” (bé người H’Mông) ở Sapa tán chuyện tiếng Anh như gió với khách Tây!

Nói thế để rút ra: Tập trung cho hiệu quả thực sự của một ngoại ngữ quan trọng nhất (tiếng Anh) đã đủ “hết hơi” (đúng ra lại phải làm một “trận đánh” hay “cuộc cách mạng” về tiếng Anh!), nay lại bày ra soạn giáo trình tiếng Nga, tiếng Trung, rồi đào tạo giáo viên, v.v. thì chắc chắn việc học sẽ chỉ “có tiếng, không có miếng!”. Chưa nói đến số mấy chục phần trăm ngân sách trăm tỷ ngàn tỷ cho việc này chỉ chờ chui tọt vào túi những ai ai!

Tóm lại, tôi đề nghị:

– Tiếp tục khẳng định tiếng Anh là ngoại ngữ thứ nhất duy nhất và tập trung nỗ lực nâng cao hiệu quả dạy-học môn này!

– Khảo sát, thăm dò nhu cầu học tiếng Nhật, Hàn, Trung… trong xã hội để xác định ngoại ngữ thứ hai có thể đưa vào trường phổ thông.

– Ngay cả sau khi đã xác định được ngoại ngữ thứ hai, cũng không tổ chức soạn sách giáo khoa cho tốn kém (và chưa chắc đã ra gì!), mà để xã hội tự cân đối cung – cầu. Các cá nhân, nhóm tác giả độc lập sẽ thừa sức soạn sách. (Thời xưa, chỉ một quyển “English for Today” của Lê Bá Kông cũng đủ dùng cho khoảng hai thế hệ học sinh Hà Nội, Sài Gòn, Huế!)

Tham khảo: Lingua Franca là gì?

Từ lâu tiếng Anh đã được coi là Lingua Franca của toàn thế giới. Lingua Franca được UNESCO (1953) định nghĩa là “ một ngôn ngữ được dùng theo thói quen của những người có tiếng mẹ đẻ khác nhau, nhằm làm dễ dàng trong giao tiếp giữa họ”. W.J. Samarin (1968) đã thống kê được 04 loại Lingua Franca gồm:

  1/ Ngôn ngữ thương mại, như tiếng Hausa ở Tây Phi hay tiếng Swahili ở Đông Phi;

  2/ Ngôn ngữ (có được do) tiếp xúc như Koinê HiLạp ở thời kì thế giới cổ đại;

  3/ Ngôn ngữ quốc tế, như tiếng Anh hiện đang sử dụng phổ biến trên thế giới;

  4/ Ngôn ngữ phụ trợ, như Esperanto và tiếng Anh cơ sở (Basic English).

Trong phần giải thích, tác giả cho rằng, tiếng Anh hiện đại đang được coi là Lingua Francacủa nhiều nơi trên thế giới với các mục đích khác nhau như: là tiếng mẹ đẻ, ngôn ngữ thứ hai, ngoại ngữ, ngôn ngữ của du lịch, ngôn ngữ của thương mại, ngôn ngữ của các mối quan hệ quốc tế. Ngày nay, kéo theo sự xuất hiện của Global “toàn cầu” là sự xuất hiện của Globish “tiếng Anh toàn cầu”(viết tắt của Global English). Điều này được khẳng định bằng  vị thế của tiếng Anh trên thế giới ở hai phương diện quan trọng: vai trò của tiếng Anh trong giao tiếp trên toàn cầu và sự xâm nhập của các yếu tố tiếng Anh vào các ngôn ngữ trên thế giới. Theo thống kê sơ bộ, tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức của  trên 70 quốc gia  và vùng lãnh  thổ trên thế giới,  trong đó có khoảng 337 triệu người sử dụng  tiếng Anh với tư cách là ngôn ngữ thứ nhất, 235 triệu người sử dụng tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai; 85% thông tin  trên thế giới được chuyển tải  bằng tiếng Anh (trực tiếp hoặc từ ngôn ngữ khác chuyển sang).

GSTS Nguyễn Văn Khang

http://nguvan.hnue.edu.vn/Nghiencuu/Ngonngu/tabid/100/newstab/705/Default.aspx

Comments are closed.