Có nên dạy tiếng Nga, tiếng Trung như ngoại ngữ thứ nhất? (kỳ 2)

Khánh Phương

Tôi chỉ xin nêu một vấn đề khác về việc dạy-học ngoại ngữ: Quan niệm của những người lãnh đạo VN về dạy học đã ảnh hưởng đến dân chúng như thế nào. Dì ruột tôi vốn là một cô giáo dạy tiếng Nga, sau này khi nhà trường VN đưa tiếng Anh vào dạy, dì tôi phải đi học đại học tại chức môn tiếng Anh và dạy học trò tiếng Anh với cách phát âm nằng nặng lơ lớ kiểu tiếng Nga. Suốt những năm học phổ thông tôi đã phải học tiếng Nga, mà những người thành đạt nhất trong việc học tiếng Nga là những người được du học Nga, để học thì ít mà ra phơi đầu ngoài chợ trời thì nhiều, để mua bàn là, chậu nhôm, tủ lạnh, nồi áp suất Liên Xô, gửi về cho gia đình bán cải thiện kinh tế. Tôi thi đậu vào chuyên ngữ ĐHSP 1 HN nhưng nhất quyết không chịu học vì kinh sợ cái viễn cảnh chợ trời nước Nga. Khi tôi vào đại học, lại bắt buộc phải học tiếng Nga để cho các thầy cô giáo tiếng Nga “are available”. Thầy giáo ở đại học của tôi, một người giỏi tiếng Nga đến nỗi các GS đại học của Nga cũng phải kinh ngạc, sau vài năm sang làm luận án tiến sĩ về văn chương ở Nga đã tự vẫn bằng cách bước ra khỏi cửa sổ lầu 13, bởi vì những gì thầy chứng kiến ở Nga và nước XHCN đàn em là VN nó trái ngược quá mức với những gì sách vở tiếng Nga đã nói. Vì đâu nên nỗi? Vì những người chủ trương đưa bất kỳ thứ tiếng nào vào dạy ở nhà trường XHCN Việt Nam đều chủ trương dạy với tính chất thực dụng, lượm lặt. Dạy-học để đi làm thuê cho Nga, Mỹ, Trung quốc… chứ không phải dạy-học để hiểu biết về con người và văn hóa, để đứng ngang hàng với các quốc gia lớn. Chính từ quan điểm nô dịch này mà dẫn tới cách thức vô trách nhiệm, biến con em mọi người dân thành chuột bạch thí nghiệm mà cộng đồng mạng đang xôn xao hiện nay. Đó là chưa kể theo đúng chu kỳ vài năm một lần, một đề án “cải cách” giá vài ngàn tỉ VNđ lại được quan chức Bộ trình nhà nước thông qua, mà có Trời mới biết số tiền đó được chi ra làm sao. Nếu con em chúng ta được học ngoại ngữ để hiểu và đứng ngang hàng với các nước lớn, thì ngoại ngữ nào cũng tốt. Nếu con cháu chúng ta học ngoại ngữ không phải để nuôi sống các dự án tham nhũng thì hãy nên tin tưởng vào hiệu quả của việc học. Ngoài tiếng Anh là “quốc tế ngữ” bây giờ, các con có quyền chọn học thêm tiếng Trung, Nga, Nhật, Nam Hàn, Ý, Hishpanic… tùy ý!

Nguồn: https://www.facebook.com/khanhphuong.phuongkhanh/posts/10208846098722775

Comments are closed.