Chung quanh vấn đề “văn mẫu” (kỳ 7): Chấm dứt nạn “văn mẫu”

Chu Hảo

Chấm dứt nạn “Văn mẫu” là lời kêu gọi của Bộ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo trong bài phát biểu tại Hội nghị Tổng kết niên học 2020-2021 của ngành Giáo dục. Lời kêu gọi này có thể đã hé lộ một chủ trương đúng đắn là Học thật-Thi thật để bắt đầu cuộc chấn hưng nền Giáo dục nước nhà, như một đòi hỏi cấp bách của toàn xã hội xã hội từ cuối Thế kỷ trước, mà nhiều nhà hoạt động Khoa học và Giáo dục đang hy vọng. Có thực đó là ý đồ của Bộ trưởng không? Và dù muốn làm thì đã chắc gì làm được? Đó còn là một câu chuyện dài, nhưng còn hy vọng tức là còn có sức sống vượt lên.

Chúng ta có lý do để hy vọng vì nhìn thấy cuộc Cải cách Giáo dục (CCGD) của nước láng giềng Campuchia mới xảy từ năm 2014, mà nay đã có những thành tựu đáng nể. Cuộc CCGD ấy không căn cứ vào “Nghị quyết Trung ương” (NQTW) nào cả, mà chỉ bằng một quyết sách cụ thể là Triệt để cấm gian lận ở kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học, do tân Bộ trưởng Bộ Giáo dục – ông Hang Chuon Naron – trực tiếp chỉ đạo thực hiện. Tất cả xã hội ủng hộ, rất nhiều tình nguyện viên tham gia. Kết quả là tỷ lệ học sinh tốt nghiệp đang từ 80% (còn kém Việt Nam xa!) vào năm 2013 giảm xuống còn 25,7% năm 2014, và năm 2015 lên 56%, sang năm 2016 là 62% và năm 2017 là 63,84%[1]. Thi thật đi trước rồi Học thật tự động đi theo. Và từ đó nền Giáo dục của Campuchia đã tiến bộ vượt bậc, một vài mặt đã qua mặt Việt Nam hàng chục năm. Chúng ta mừng cho nước bạn, đồng thời ngậm ngùi cho thân phận nước mình! Nhưng biết đâu tân Bộ trưởng của chúng ta cũng đã có sẵn những bước đi giống như ông Naron, bắt đầu từ loại bỏ các loại “Văn mẫu” trong Giáo dục, nhất là sau khi Thủ tướng Phạm Minh Chính hô hào “Ngành giáo dục phải ‘học thật, thi thật, nhân tài thật’[2].

“Văn mẫu” không phải chỉ là vấn nạn của môn Văn, mà là vấn nạn của toàn bộ ngành Giáo dục. Trước hết “Văn mẫu” là biểu tượng của nền Giáo dục không nhằm đào tạo những con người Tự do – Nhân bản mà nhằm tạo ra những con người công cụ, chỉ biết phục tùng và vô cảm. “Văn mẫu” là phương tiện thực hành hiệu quả nhất để nhồi nhét kiến thức vào trí não học sinh như chất củi vào kho, để phục vụ các kỳ thi lấy bằng cấp “rởm”. “Văn mẫu” còn là biểu hiện của tình trạng trì trệ trong tư duy và căn bệnh chuộng thành tích của cả hệ thống Giáo dục từ những năm 80 thế kỷ 20 cho đến nay. Như vậy bắt đầu từ chấm dứt một cách thực sự nạn “Văn mẫu”, biết đâu lại là khâu đột phá mà chúng ta đang tìm.

Cố GS Hoàng Tụy là một trong những người tâm huyết nhất và nói thẳng thắn và sâu sắc nhất về những bất cập của nền Giáo dục nước nhà từ rất sớm. Vào năm 1997 Thủ tướng Võ Văn Kiệt tổ chức một Hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo Bộ Giáo dục – Đào tạo và chín người làm công tác Khoa học và Giáo dục với tư cách cá nhân (không đại diện cho cơ quan nào hết) về những bất cập của ngành Giáo dục vào thời điểm đó. Tôi may mắn được tham gia buổi làm việc ấy cùng các GS Hoàng Tụy, Phan Đình Diệu, Hoàng Xuân Sính và một số vị khác. Tại đây GS Hoàng Tụy và hầu hết chúng tôi đã phản ảnh với Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo và tất cả hội nghị thực trạng rất đáng báo động của nền Giáo dục, đặc biệt nhấn mạnh sự không cân đối, không liên thông trong Hệ thống Giáo dục Quốc gia, vấn đề chương trình và sách giáo khoa, vấn nạn thi cử, nạn dạy thêm học thêm, khó khăn của giáo viên, chất lượng rất kém của học sinh phổ thông… Các bộ đề thi và giải đáp đang rất thịnh hành vào lúc đó đã được mang ra phê phán như là một công cụ làm thui chột trí thông minh sáng tạo của học sinh và là nguyên nhân trực tiếp của việc phát triển các lò luyện thi. GS Hoàng Tụy và nhiều người trong số chúng tôi đã cho rằng nền Giáo dục của chúng ta đã bắt đầu bước vào khủng hoảng, đã khủng hoảng thì phải tiến hành một cuộc Cải cách toàn diện và triệt để. Thủ tướng lắng nghe và chất vấn cả hai phía, nhưng chưa có kết luận gì cụ thể. Chúng tôi chờ đợi ông tiếp tục, nhưng vài tháng sau thì ông hết nhiệm kỳ, và sự việc trôi đi… Nhưng thật bất ngờ: không biết ai quyết định và được thực hiện thế nào mà từ đấy các Bộ đề thi và Giải đáp biến hết, không xuất hiện bộ nào mới, và cách ra đề thi cũng khác dần đi. GS Hoàng Tụy và chúng tôi có chút vui mừng và lại hy vọng.

Từ đấy cho đến nay không biết bao nhiêu là sự cố xảy ra trong Giáo dục, nhưng ai cho là khủng hoảng mặc ai, còn Bộ Giáo dục – Đào tạo và lãnh đạo đảng và nhà nước vẫn khẳng định: trong Giáo dục thành tích (qua các đầu việc và các con số thống kê của chính Bộ Giáo dục – Đào tạo) là chủ yếu, còn bất cập chỉ là các thiếu sót cần khắc phục (bằng các Đề án Đổi mới do Bộ Giáo dục – Đào tạo tiến hành hối hả và chồng chất). Cái sự vênh này xem chừng khó đồng thuận để đi đến một NQTW về CCGD. “Cái nước mình nó thế” như lời của GS Hoàng Ngọc Hiến, có NQTW còn chưa chắc đã đưa được vào cuộc sống, còn nếu không có NQTW thì không thể làm nên việc gì.

Vì thế vào năm 2004 GS Hoàng Tụy lại tập hợp 23 nhà khoa học – văn hóa -giáo dục trong và ngoài nước, soạn thảo kiến nghị về CCGD gửi cho tất cả các cấp lãnh đạo[3]. Tiếp theo có bốn kiến nghị về CCGD lần lượt được công bố của: Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (2005)[4]; nhóm các nhà khoa học và cựu lãnh đạo Bộ Giáo dục – Đào tạo do bà Nguyễn Thị Bình chủ trì (2008)[5]; nhóm 11 trí thức người Việt trong và ngoài nước (2008)[6]; nhóm của Viện IDS do GS Hoàng Tụy chủ trì[7]. Mỗi bản kiến nghị này đều có sắc thái riêng, cách tiếp cận có thể khác nhau, nhưng đều nhất trí với nhau về đánh giá thực trạng, vạch rõ nguyên nhân, và đề xuất phương án tiến hành CCGD. Chúng tôi hằng mong muốn có một NQTW để tiến hành một cuộc CCGD để chấn hưng nền Giáo dục nước nhà, nhưng các cố gắng của chúng tôi đều “như đấm vào bị bông”. Cho đến tận hôm nay cả năm kiến nghị đó đều không được bất cứ cấp lãnh đạo nào của Đảng và Nhà nước có ý kiến phản hồi, dù là một thông báo chứ chưa nói đến một lời cám ơn, theo phép lịch sự thông thường!

Mãi đến năm 2013 mới có NQTW về Giáo dục, nhưng tiếc thay không phải về CẢI CÁCH Giáo dục mà là ĐỔI MỚI Giáo dục. Ở xứ mình chữ nghĩa trong các văn bản công rất là “tinh tế”. Những người soạn thảo và ký văn bản này đều hiểu rõ rằng: trong hoàn cảnh cụ thể của nước ta và trong văn cảnh cụ thể ý nghĩa của chữ CẢI CÁCH (thực chất là cuộc cách mạng để vượt qua khủng hoảng) khác xa chữ ĐỔI MỚI (chỉ là các sửa đổi chắp vá trên cơ sở không thừa nhận có khủng hoảng). Tuy vậy có vẫn còn hơn không, và quả thật trong nghị quyết này đã có nhiều điểm tiến bộ. Thế nhưng sau gần 10 năm nhìn lại nghị quyết này đã không được thực hiện nghiêm chỉnh, có những điểm còn làm hoàn toàn ngược lại. Chữ ĐỔI MỚI ở đây dường như có hàm ý khuyến khích các Đề án Giáo dục đầy tai tiếng từ năm 2000 đến giờ là đúng hướng, cứ ung dung mà tiếp tục. Còn xã hội cứ tiếp tục bức xúc, phụ huynh cứ tiếp tục hoang mang, và học sinh cứ tiếp tục như bị trời hành… Đặc biệt về Giáo dục Đại học gần đây Ngân hàng Thế giới đã công bố một bản báo cáo hết sức khách quan và xác đáng. Đọc kỹ mới thấy thảm hại làm sao! Không chừng chỉ trong vòng mơi năm tới chúng ta phải đồng loạt nhìn lên để học tập cách làm Giáo dục của Campuchia.

Sinh thời GS Hoàng Tụy đã từng trăn trở: “Nền giáo dục của chúng ta không phải là đã lạc hậu, mà đang lạc đường!”. Lạc đường thì còn hòng đuổi kịp ai? Hẳn chúng ta ai cũng nhớ lời nhắn nhủ của Nelson Mandela: “Để phá hủy bất kỳ quốc gia nào không cần đến bom nguyên tử hoặc tên lửa tầm xa, chỉ cần hạ thấp chất lượng giáo dục và cho phép gian lận trong các kỳ thi của sinh viên”. Ấy vậy mà mới gần đây Bộ Giáo dục – Đào tạo đã toan làm một “thử nghiệm” hạ thấp tiêu chuẩn bậc Tiến sĩ. Đáng lo thay!

Các tiếng nói phản biện lúc nào cũng còn và xã hội chưa bị “chết lâm sàng” như GS Ngô Bảo Châu lo ngại. Nhưng hình như quyền được phản biện một cách công khai đàng hoàng cứ ngày càng trở nên xa xỉ, những tiếng nói xây dựng trái chiều ở tầm chiến lược vĩ mô chạm vào tầng “nhạy cảm” cứ rời rạc dần đến độ gần như lạc lõng. Mặc dầu vậy, ít nhất trong phạm vi Hệ thống con là Giáo dục, thì chúng ta nên tiếp tục đồng lòng lên tiếng mạnh mẽ để hỗ trợ cho ý tưởng CCGD bắt đầu bằng Học thật – Thi thật với đột phát khẩu là Chấm dứt nạn “Văn mẫu” mà tân Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn vừa lên tiếng! Biết đâu lại có sự bất ngờ…

[1] https://tuoitre.vn/bo-truong-thuc-tam-giao-duc-campuchia-cai-cach-thuc-chat-duoc-quoc-te-cong-nhan-20200927083401627.htm

[2] https://tuoitre.vn/thu-tuong-pham-minh-chinh-nganh-giao-duc-phai-hoc-that-thi-that-nhan-tai-that-20210506194216744.htm

[3] Kiến nghị về chấn hưng giáo dục của GS Hoàng Tuỵ: https://vietnamnet.vn/giaoduc/hoso/2004/11/344286/

[4] VUSTA: Một số biện pháp nhằm tiến tới cải cách triệt để và toàn diện nền giáo dục Việt Nam: https://tuoitre.vn/mot-so-bien-phap-nham-tien-toi-cai-cach-triet-de-va-toan-dien-nen-giao-duc-viet-nam-78246.htm

[5] Luận cứ khoa học cho việc đề xuất chủ trương, chính sách phát triển giáo dục phục vụ sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu và đầy đủ – chủ nhiệm đề tài Nguyễn Thị Bình: Văn Việt kỳ 1, kỳ 2, kỳ 3, kỳ 4, kỳ 5.

[6] Đề án cải cách giáo dục Việt Nam – Phân tích và đề nghị của nhóm nghiên cứu giáo dục Việt Nam: https://www.tapchithoidai.org/ThoiDai13/200813_NhomNghienCuu.htm

[7] Kiến nghị Cải cách, hiện đại hóa giáo dục của Viện Nghiên cứu Phát triển IDS: http://niemtin.free.fr/kiennghigiaoduc.htm

Comments are closed.