Chung quanh vấn đề “văn mẫu” (kỳ 8): Trao đổi tiếp về chuyện văn mẫu

Vũ Ngọc Hoàng

Tôi xin được tham gia trao đổi tiếp về chuyện văn mẫu. Qua các ý kiến trong tuần vừa rồi, cho thấy đã có những cách hiểu và quan điểm giải quyết khác nhau về chuyện văn mẫu. Thế là bình thường. Và càng thảo luận càng thấy hay. Đây là công việc thuộc khoa học giáo dục. Cần có trao đổi qua lại và tranh luận để cùng tiếp cận chân lý. Như thế sẽ nhận thức sâu sắc, đầy đủ và có ích hơn.

Tôi ủng hộ quan điểm của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn. Chấm dứt việc dạy văn mẫu càng sớm càng tốt, cũng không cần phải từ từ từng bước, đó là chủ trương đúng và rất cần thiết, dù phải bỏ đi những tài liệu đã in ra định bán mà nay không thu được lợi. Tôi hiểu dạy văn mẫu nói ở đây không phải là việc thầy cô giáo đưa ra một bài văn nào đó để cùng đọc hiểu, phân tích, cảm nhận và tư duy (là việc cần thiết trong quá trình giảng dạy) mà là nói đến một cách dạy cách học áp đặt theo khuôn mẫu, giáo điều, bắt học thuộc và làm theo mẫu, chủ yếu là để thi lấy điểm, hạn chế sáng tạo của học sinh và hạn chế luôn sáng tạo trong cách giảng dạy của các thầy cô giáo. Văn mẫu ở đây tôi còn nghĩ theo nghĩa rộng hơn, bao gồm cả lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, kể cả triết học và khoa học về lý luận chính trị nữa. Nhưng lần này chỉ bàn trước cho kỹ về học môn văn.

Cũng xin được mở ngoặc nói thêm: Nói đọc để HIỂU ở đây chủ yếu là hiểu câu, từ… (như giáo sư Trần Đình Sử và một số anh chị nhà văn, nhà thơ đã có nói trên mạng). Còn việc hiểu về mục đích, ý nghĩa, chủ đề của tác phẩm thì không đơn giản. Nhất là đối với những tác phẩm có tầm về nghệ thuật và tư tưởng. Không thể bắt người đọc chỉ được hiểu một cách giống nhau, càng không thể bảo người ta phải hiểu đúng như thầy, vì người đọc chẳng ai giống ai về rất nhiều phương diện. Tuyệt đối không được quy chụp tác giả về quan điểm thế này, thế kia một cách tùy tiện. Tôi có nghe nói về chuyện một ông nhà văn nổi tiếng có lần viết giúp cho con gái bài văn phân tích về một tác phẩm của chính ông. Kết quả bài văn ấy bị cô giáo (hay thầy giáo) phê là lạc đề. Vậy nghĩa là thầy giáo và chính tác giả đã hiểu rất khác nhau về một tác phẩm của ông ta.

Trở lại vấn đề. Tôi chưa nói việc chọn mẫu có thể sai do nhận thức, cách nhìn, tầm tư duy, hạn chế lịch sử, chưa có cái nhìn đầy đủ, hoặc do lợi ích của người chọn. Tôi còn thấy có những bài văn rất hay (chưa nói lĩnh vực khác) nhưng vì không ưa, không thích tác giả do có ý kiến khác nhau nên người ta không chọn, trong khi những bài ấy không chỉ riêng của tác giả mà còn là sự phản ánh về văn hóa của cả một cộng đồng, của một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc. Bỏ đi tác phẩm đó là gạt bỏ một phần giá trị văn hóa của đất nước mình.

Cứ cho là chọn mẫu lúc nào cũng đúng (cái mà không thể có) thì mẫu ấy cũng chỉ đại diện cho một bộ phận tới thời điểm đó, không thể đại diện cho tất cả và luôn cho mọi thời kỳ tiếp theo. Vậy thì cái mẫu đó cũng chỉ là ngắn hạn, thế mà định giam giữ đầu óc con người ta trong suốt cuộc đời của họ hay sao. Dạy mẫu chẳng qua là dùng một tác phẩm của quá khứ để chuẩn bị cho học sinh lấy đó mà sống trong tương lai. Mà tương lai thì không phải là quá khứ vì đời sống xã hội vận động không ngừng.

Trên mỗi lĩnh vực định chọn mấy đề tài và trong mỗi đề tài định chọn bao nhiêu mẫu? Chắc mỗi lĩnh vực cũng chỉ chọn ít đề tài và trong mỗi đề tài cũng không thể chọn nhiều mẫu. Nhiều mẫu thì đồng nghĩa với không còn là mẫu. Mà mẫu dù cho rằng không phải một thì cũng không thể đại diện được cho cuộc sống đa dạng muôn màu mà các em sẽ đối diện.

Ngay cả ngữ pháp là cái phải theo quy chuẩn khá nghiêm ngặt, nhưng cũng chưa hẳn đã bao quát được đầy đủ mọi cách thể hiện đa dạng và rất phong phú trong thơ văn nói riêng và trong đời sống xã hội nói chung. Ngôn ngữ cũng không phải đứng yên mãi, mà qua thời gian và thực tiễn của cuộc sống, nó sẽ được bổ sung và điều chỉnh để hoàn thiện, dần dần và liên tục. Trong thực tế tôi thấy có những đoạn văn, những câu thơ không viết đúng ngữ pháp như lý thuyết nhưng lại rất sáng tạo, người đọc vẫn hiểu đúng, vẫn cảm nhận được và thấy rất hay, độc đáo. Văn còn là một nghệ thuật sắp xếp từ ngữ. Mà nghệ thuật thì chỉ có thể cảm nhận chứ không thể làm theo y vậy.

Văn là sự suy nghĩ, tình cảm và cách diễn đạt của một người cụ thể, không ai có thể làm mẫu cho ai. Ngay như Truyện Kiều của Nguyễn Du hay vậy, nhưng cứ cho là có người nào đó học rất kỹ mẫu của Nguyễn Du, làm ra một tác phẩm thơ tương tự như thế, gần giống như thế, là Truyện Kiều (b), Truyện Kiều (con) thì liệu tác phẩm mới ấy có còn hay và có giá trị gì không?

Còn bảo học ngoại ngữ thì nhất định phải học cách chia động từ, dùng trọng âm và ngữ pháp phải giống như mẫu của họ mới có kết quả chứ không thể sáng tạo, rồi lấy đó để nói rằng cần phải có mẫu, thì đó là cách biện luận không có cơ sở khoa học. Học ngoại ngữ là tiếp cận văn hóa của dân tộc khác, tức là tiếp cận chính cái do họ đã tạo ra, chứ không phải là tiếp cận cái khác nó – do ta sáng tạo ra.

Còn nữa, nếu nghĩ rằng trước tiên là phải học và làm theo mẫu đã, rồi sau đó mới nói đến sáng tạo. Cách tư duy này cũng đã có từ khá lâu rồi, nhưng tới nay nó không còn phù hợp nữa đâu. Ngày nay cuộc sống thay đổi rất nhanh, quá trình sáng tạo cũng rất nhanh, đừng để mất thời gian năm tháng của cuộc đời vào giai đoạn chưa được sáng tạo. Cách dạy kích thích sáng tạo vẫn rất cần ngay từ lúc bé.

Kể cả triết học với tư cách là khoa học về phương pháp luận, thường mọi người vẫn nghĩ là nó chỉ phù hợp với lớp lớn chứ không ai mang vào dạy cho các lớp còn nhỏ. Nhưng cũng không phải thế, rất cần đưa vào dạy cho các em từ lớp một để chuẩn bị phương pháp luận khoa học cho các em từ lúc còn rất trẻ. Việc này cũng giống như chuẩn bị những con chim ưng không thể bắt đầu từ những con vịt ở giai đoạn còn nhỏ. Chỉ có điều học sinh nhỏ tuổi không thể và không nên học theo ngôn ngữ thuần túy của triết như kiểu người lớn, mà học theo cách của chuyện ngụ ngôn và người thầy giúp cho các em phương pháp tiếp cận bằng việc tự suy nghĩ, tôn trọng và khuyến khích tư duy độc lập, cùng với sự tò mò muốn khám phá thế giới.

Tại một trường tiểu học của Anh Quốc ở thành phố Hồ Chí Minh, đối với học sinh lớp một, nhà trường quy định và thực hiện trong năm có một buổi tất cả thầy trò đều mang đôi tất ghép từ hai chiếc tất có màu sắc khác nhau. Năm vừa rồi, hôm đó, thầy hiệu trưởng đã mang tất như thế và ra đứng ở cổng trường buổi sáng để chào đón các em học sinh đến trường. Tôi thấy hôm đó học sinh rất thích. Tôi hỏi để làm gì vậy. Người ta trả lời là để nhắc và giúp các em quen dần với việc tôn trọng sự đa dạng, khác nhau trong cuộc sống. Tôi nghĩ như thế là họ đã dạy triết học cho trẻ em 5 tuổi (chương trình của Anh lớp một sớm hơn ta một năm).

Quảng Nam, ngày 12.9.2021

Comments are closed.