Bảo Cự
Thưa quý anh chị và các bạn, Vừa rồi tôi tình cờ tìm thấy một tư liệu cũ, bài tôi viết với tựa đề “Nhận định về chương trình Việt Văn bậc trung học”. Bài đăng trên tạp chí Giáo Dục, số 57-58, tháng 4-5/1972, cách đây 43 năm, ở Miền Nam Việt Nam. Đọc lại, tôi có một số suy nghĩ như sau: – Có một số điểm nhận định còn chủ quan hạn hẹp hay chưa phân tích rõ nhưng bài viết đã đề cập vấn đề dạy và học Văn ở trung học tương đối toàn diện và căn cơ. – Tác giả chỉ là một giáo sư trung học mới ra trường được vài năm, vẫn còn trong độ tuổi 20 nhưng có tình yêu nghề và trách nhiệm với nghề, qua đó là tương lai dân tộc thật nồng nhiệt (chỉ thua bác Phạm Toàn và các cộng sự trong nhóm Cánh Buồm). – Tinh thần và thái độ phản biện đối với chính sách của nhà nước thể hiện thẳng thắn và táo bạo. – Hiện nay có một số người cho rằng với tình hình giáo dục xuống cấp như thế và hiện trạng sách giáo khoa nhiều bất cập, không cần cải cách gì, chỉ cần sử dụng lại sách giáo khoa của Việt Nam Cộng Hòa là đủ. Bài viết này cho thấy đó là một cách nghĩ cực đoan, cảm tính và thiếu cơ sở. Dù so với nền giáo dục nặng tuyên truyền nhồi sọ hiện nay, giáo dục VNCH với 3 tiêu chí Dân tộc, Nhân bản và Khai phóng có ưu điểm vượt trội nhưng trong hoàn cảnh trước đây, nền giáo dục đó vẫn còn nhiều thiếu sót, nhất là sau 40 năm, ngày nay nền giáo dục đó không thể coi là mẫu mực mà chỉ có thể tham khảo. – Dù đây là một bài viết phê phán triệt để, nặng nề (như gọi chương trình Việt Văn lúc đó là phản động, phản dân tộc) nó vẫn được đăng tải công khai ở một tạp chí chuyên ngành giáo dục, lại là một Viện Nghiên Cứu Khoa Học Giáo Dục do các sư huynh Công giáo chủ trì . (Tác giả không bị công an gọi làm việc như đối với chàng thanh niên cầm bảng phản đối việc đem học sinh, sinh viên làm chuột bạch thí nghiệm đứng trước trụ sở Bộ Giáo Dục vừa qua). Xin kính chuyển đến quý anh chị và các bạn để tham khảo nếu có thời gian và hứng thú. Tiêu Dao Bảo Cự |
Dẫn nhập
1) Những nhận định sau đây về chương trình Việt Văn trung học phát xuất từ nhận thức của một kẻ yêu nghề, yêu mến môn mình dạy, tin tưởng nhiệt thành vào giá trị và hiệu quả của môn Việt Văn trong nền giáo dục quốc gia.
2) Người viết hoàn toàn không tán đồng với ý kiến của nhiều người cho rằng môn Việt Văn chỉ là môn học từ chương, thiếu thực dụng và giáo sư Việt Văn chỉ là những kẻ ba hoa thiên địa, bay trên mây và đưa học sinh bay lượn theo mình một cách tuy ngoạn mục nhưng vô bổ. Ngược lại người viết thấy rõ tất cả hiệu quả thực tiễn lớn lao của môn Việt Văn trong việc đào tạo tinh thần dân tộc và rèn luyện cách sống làm người cho học sinh. Có thể nói không sợ đại ngôn, đó là môn học Dựng Nước và Dựng Người nếu biết phát huy toàn diện năng lực của nó. Bài viết này một phần nào cũng nhắm mục đích chứng minh giá trị của môn Việt Văn.
3) Trong niềm tin tưởng nhiệt thành đó, tin tưởng với tất cả ý thức sáng suốt và tự do chứ không phải cuồng tín, người viết sẽ trình bày nhận định của mình một cách trung thực, nghĩa là thẳng thắn, không sợ sự thật, không tránh né. Do đó những ý kiến đôi khi có thể có vẻ như quá khích, gây va chạm nhưng người viết thiết nghĩ có can đảm đối mặt mới giải quyết được vấn đề. Bằng không tất cả chỉ là trò chơi chữ nghĩa lơ láo của những kẻ hèn nhát, thiếu tinh thần trách nhiệm. Cũng vì thế, tinh thần của bài viết, ngay ở những câu đả kích, cũng hàm dưỡng tích cách xây dựng thành khẩn nhất của một người thiết tha với vấn đề và đã lựa chọn ngành nghiệp mình như một định mệnh trong đời sống.
4) Từ đó người viết muốn viết như một trình bày để đề nghị thảo luận, trao đổi quan điểm, tìm kiếm chân lý, vì ý kiến của người viết có thể được các bậc cao minh vạch rõ cho thấy là chủ quan, thiên lệch, sai lầm hay ngược lại được các bạn cùng nhận thức và thanh khí tán đồng. Dù sao đi nữa đây cũng là bước đầu thiết yếu của những người có trách nhiệm trực tiếp đối với môn dạy của mình để từ đó tiến đến việc vận động cải tổ môn Việt Văn. Bước đầu này cũng là bước đầu của cả một lý tưởng mà một người có thể dùng trọn đời mình để theo đuổi.
5) Chương trình Việt Văn trung học, đối tượng của bài viết này, là chương trình Việt Văn của trung học phổ thông, chương trình đầy đủ và tiêu biểu nhất cho môn Việt Văn ở trung học, do Bộ Giáo dục chính thức ấn định trong cuốn chương trình trung học xuất bản năm 1970.
6) Mặc dù chỉ là một bài viết ngắn, người viết cũng xin sử dụng những con số trong bài viết, trước các ý, để minh định ý tưởng của mình cũng như để tiện căn cứ khi cần thảo luận.
1/ VỀ ĐỊNH HƯỚNG VÀ MỤC ĐÍCH CỦA MÔN VIỆT VĂN
10) Chương trình Việt Văn hiện tại thiếu định hướng và không có mục đích rõ rệt, hợp lý.
100) Mục đích của chương trình do Bộ quy định:
Thực ra trong cuốn chương trình trung học, Bộ Giáo Dục không hề minh định mục đích của môn Việt Văn. Sau đây chúng tôi xin trích ra những đoạn rải rác trong phần gọi là “huấn thị về việc giảng dạy quốc văn” có thể được coi là mục đích:
1000) Mục đích của môn Giảng văn: Mục đích của môn Giảng văn là làm cho học sinh thấu hiểu giá trị về hình thức và nội dung của một tác phẩm hay một đoạn văn để nhờ đó hun đúc tính khí và tâm hồn, mở mang kiến thức về văn học và thâu thái những điều bổ ích cho việc luyện văn. (Chương trình Trung học niên khóa 1970-1971, Bộ Giáo dục ấn hành, trang 7)
1001) Việc đọc sách: Khuyến khích sự đọc sách cho thành một sự đam mê để khi ra đời, học sinh nhờ đó luôn luôn tiếp tục việc học hỏi. (Sách đã dẫn, trang 7)
1002) Văn học sử: Hướng dẫn vào các ngành văn học nghệ thuật ở ban văn chương, mở mang kiến thức phổ thông và đào tạo tâm hồn nhân bản ở các ban khoa học. (Sđd, t.10)
1003) Trần thuyết: Luyện cho học sinh có tinh thần tự học, cầu tiến và nhất là biết nói năng lưu loát, phát biểu ý kiến một cách tự nhiên và rành mạch. (Sđd, t.13)
1004) Chính tả và văn phạm, luận văn: Không thấy nói mục đích.
101) Phê bình mục đích của chương trình do Bộ quy định.
Xuyên qua mục đích lẻ tẻ của từng môn, đại khái ta có thể thấy chương trình Việt Văn có 3 mục đích:
– Hun đúc tính khí, đào tạo tâm hồn nhân bản.
– Mở mang kiến thức về văn học, hướng dẫn vào các ngành văn học nghệ thuật.
– Rèn luyện vài đức tính và khả năng: tinh thần tự học, cầu tiến, nói năng lưu loát.
Trừ mục đích thứ hai là kết quả đương nhiên của môn học cũng như kết quả tương tự của bất cứ môn nào khác, ta không thấy rõ được Chương trình Việt Văn nhắm đào luyện cái gì nơi học sinh. Thế nào là hun đúc tính khí và đào tạo tâm hồn nhân bản? Tính khí gì? Nhân bản ra sao? Những từ ngữ mơ hồ này đã kéo theo một chương trình mơ hồ và nguy hiểm, có thể có tác dụng rất phản động. Với một lề lối giảng dạy tự do, thiếu ý thức, thiếu tinh thần trách nhiệm và lập trường ba phải khi phê bình tinh thần quốc gia, lập trường chính trị của các tác giả như Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương, Tôn Thọ Tường, Phạm Quỳnh… chẳng hạn, một số giáo sư Việt Văn sẽ hun đúc cho học sinh một tinh thần bạc nhược, vị kỷ, ươn hèn và cả những mầm mống phản quốc nữa (1). Ngoài ra tinh thần tự học và ăn nói lưu loát chỉ là những mục đích phụ quá hạn hẹp, không phát huy được hết tiềm năng phong phú của môn Việt Văn, linh hồn của nền giáo dục quốc gia.
Nhìn bao quát hơn, ta không thấy được định hướng của môn này, không biết môn Việt Văn sẽ đi theo chiều hướng nào trong hướng đi chung của xã hội và lịch sử, có đáp ứng được nhu cầu giai đoạn và vĩnh cửu của dân tộc ta đang nhược tiểu, chậm tiến, luôn phải phấn đấu để sinh tồn và đã trả giá sinh tồn bằng xương máu, nhục nhằn thống khổ của bao nhiêu thế hệ. Đó là khuyết điểm trầm trọng nhất không thể nào chấp nhận và tha thứ.
102) Hậu quả của sự kiện không có định hướng và mục đích rõ ràng, hợp lý.
Vì thiếu định hướng, không có mục đích rõ ràng hợp lý nên chương trình mơ hồ, thiếu sót; thiếu những nguyên tắc chỉ đạo, huấn thị rõ rệt trong sách giảng dạy. Thêm vào đó, phần lớn các giáo sư Việt Văn, đặc biệt ở trường tư và các lớp đệ nhất cấp trường công, không chuyên môn, thiếu tinh thần trách nhiệm, đã góp phần làm sa đọa môn Quốc Văn và không gây được hiệu quả mong muốn nơi học sinh dù đó chỉ là những hiệu quả hạn hẹp nằm trong những mục đích hẹp hòi, thiển cận của chương trình Việt Văn hiện tại.
Để ý nhận xét trình độ và đời sống, ngôn ngữ của học sinh ta có thể thấy điều đó. Hầu hết các giáo sư đều cho rằng trình độ của học sinh nói chung những năm sau này kém hơn những năm trước. Chính người viết đã đọc thấy trong bài thi lục cá nguyệt của một học sinh lớp 11A ở một trường cao nguyên câu như thế này: “Tư tưởng Tây phương du nhập vào Việt Nam từ khi người Tàu sang đô hộ nước ta.” Và ở Hội Đồng Giám Khảo Hội Đồng B4 kỳ thi Tú tài 1 vừa rồi, một giám khảo đã đọc to lên cho mọi người nghe câu “danh ngôn” của một thí sinh: “Văn hào Khái Hưng lên ngôi năm 1945”. Các giáo sư chấm luận của học sinh có thể đan cử trăm ngàn thí dụ đại loại như thế. Ngoài ra, sự đua đòi thiếu ý thức của phần lớn học sinh thành phố về cách ăn mặc theo thời trang, thị hiếu văn chương và âm nhạc theo đuôi Tây phương, đời sống sa đọa với cần sa thuốc phiện – ngoài những lý do xã hội khác – đã tố cáo rõ rệt tính cách phi dân tộc trong chương trình Việt Văn vì Việt Văn là môn chuẩn bị hành trang tinh thần cho học sinh. Từ ngữ “quê” đầu môi của tất cả mọi học sinh để chỉ những gì xấu xí, thô lỗ, cù lần, đáng hổ thẹn cũng biểu lộ điều đó. Từ ngữ “quê” gắn liền với quê hương, quê nhà, đồng quê mang một ý nghĩa thần thánh, yêu dấu, chất phát, trong sạch đã bị đem ra làm trò cười, dè bỉu. Vì thế học sinh bây giờ có thể nói ít người hiểu được vẻ hùng tráng của một ngư phủ lực lưỡng, mình trần, đóng khố đứng trên mũi thuyền vung lưới trong hoàng hôn hay hình ảnh kiêu hùng của một nông dân mình đẫm mồ hôi, đâm sâu lưỡi cày vào lòng đất rắn, dưới ánh nắng gay gắt của mặt trời đổ lửa. Họ chỉ thấy “quê” thôi và thần tượng của họ là những ca sĩ kích động tóc dài, râu ria xồm xoàm, gầy đét như mắm và quần áo lòe loẹt.
11) Điều cần phải làm: Định hướng và xác định mục đích cho môn Việt Văn.
110) Chung quanh vấn đề định hướng xã hội Miền Nam và nền giáo dục nói chung.
Có một điều mà đa số các thức giả vẫn cho là thiếu sót trầm trọng, căn bản nhất, vì sự thiếu sót này không thể nào đặt được bất cứ vấn đề gì khác, đó là sự không định hướng của xã hội và nền giáo dục miền Nam: “Từ sau hiệp định Genève, miền Nam được mệnh danh là vùng đất theo chủ nghĩa quốc gia. Nhưng đây chỉ là một từ ngữ không thực chất và miền Nam đã không có một chủ thuyết nào để dẫn đạo, để định hướng cuộc sống xã hội.
…Cho nên giáo dục là một bộ phận trong cái toàn bộ xã hội không hướng đi đó dĩ nhiên không thể nào có một định hướng. Người ta làm sao biết phải đào tạo một lớp tuổi trẻ như thế nào để họ sẽ chung lưng đấu cật làm gì trong một xã hội một khi cái viễn tượng mới tốt đẹp hơn của xã hội không được thấy trước như thế nào. Chính cái mô thức tiến bộ hơn của xã hội mà mọi người hướng đến sẽ định hướng mọi sinh hoạt quốc gia trong đó có sinh hoạt giáo dục.” (2)
Mặc dù vậy, những người quan tâm đến giáo dục, đã từng suy nghĩ về một định hướng của nền giáo dục, vẫn có thể phát biểu những ý kiến rất gần nhau. Cuộc phỏng vấn của Tổng Hội Sinh Viên Sài Gòn về vấn đề cải tổ giáo dục vào năm 1969 đã chứng tỏ điều đó. Sau đây là ý kiến của cụ Nguyễn Gia Tường trong cuộc phỏng vấn có thể tiêu biểu cho những ý kiến chung đó:
“ Đối với chúng ta là một dân tộc đã từng bị trị lâu đời, nếu biết lấy sự sống còn của dân tộc làm cứu cánh tối hậu của giáo dục thì đường hướng đã sẵn: ấy là phát huy những khả năng và đức hạnh cao quý nhất trong truyền thống, ngõ hầu đối phó hữu hiệu với những thử thách của thời đại. Như vậy những khám phá về khoa học, những thực hiện về kỹ thuật, chúng ta cần biết lựa chọn làm phương tiện; lựa chọn làm sao tránh khỏi những thúc đẩy vào những tham vọng bất nhân bất nghĩa, đối với Tổ Tiên cũng như đối với hậu thế. Coi nhẹ những hi sinh của Tiền nhân vì chính nghĩa đã mất nơi bản thân, đâu còn uy tín mà hướng dẫn con em duy trì sự sống còn của dân tộc.” (3)
111) Có thể định hướng cho môn Việt Văn.
Từ những điều trên chúng ta có thể thấy rõ tầm trọng đại của việc định hướng cho xã hội và nền giáo dục cũng như điểm bế tắc và ý niệm khai thông của vấn đề. Ở đây chúng ta không bàn tới việc định hướng cho xã hội và nền giáo dục, điều đó đòi hỏi những công trính nghiên cứu sâu rộng và của nhiều người. Tuy nhiên dù chưa bàn tới hay chưa xác định rõ định hướng lớn này, chúng ta vẫn có thể định hướng cho môn Việt Văn, một phần nhỏ trong nền giáo dục. Chúng ta căn cứ vào chân lý sau đây, một chân lý và là khát vọng đích thực, lớn lao, vĩnh viễn của mọi người Việt Nam: Dân tộc Việt Nam phải sống còn và vươn lên. Đó là một điều hiển nhiên, không ai có thể phủ nhận. Một điều khác, Văn học Việt Nam là linh hồn của dân tộc Việt Nam. Từ đó chúng ta có thể định hướng môn Việt Văn theo chiều hướng sống còn và vươn lên của dân tộc.
112) Đề nghị một định hướng và những mục đích cho môn Việt Văn.
Sau đây chúng tôi xin đề nghị một định hướng và những mục đích cho môn Việt Văn. Đề nghị này là kết quả những trầm tư lâu dài về vấn đề. Dĩ nhiên trong phạm vi bài viết này những đề nghị chỉ có tính cách đại cương.
Trong khát vọng và nhu cầu thường trực dân tộc Việt Nam phải sống còn và vươn lên, chúng tôi thiết nghĩ môn Việt Văn phải chuẩn bị hành trang tinh thần cho học sinh trở thành con người dân tộc đích thực và con người thành công, thành nhân trong đời sống. Trong chiều hướng này, những mục đích của môn Việt Văn có thể thấy dễ dàng vì đã bao hàm trong chiều hướng.
1120) Chuẩn bị hành trang tinh thần cho con người dân tộc đích thực.
a) Xiển dương văn học dân tộc.
Trước hết môn Việt Văn phải đóng vai trỏ xiển dương văn học dân tộc. Từ trước những sinh hoạt văn học, đặc biệt việc dạy Việt Văn ở trung học, vẫn nằm trong những khuôn khổ hạn hẹp. Người ta chỉ nghiên cứu, phê bình mà không phát huy, xiển dương được giá trị Dân Tộc nền tảng của văn học (Xiển dương: làm rõ rệt để phát dương lên). Công việc nghiên cứu, phê bình, giảng dạy chỉ có tính cách tìm hiểu, xác định ý kiến hoặc vay mượn những hình thái trí thức của Tây phương, tách rời khỏi những đòi hỏi thiết yếu và căn bản của Dân Tộc ta đang chậm tiến, nhược tiểu và mất chủ quyền. Người ta chưa làm rõ được những giá trị đích thực của văn học Dân Tộc, chưa khai triển được những giá trị mới trong tương quan với những vấn đề sinh tử của thời đại, chưa minh định và sử dụng được tính chất phục vụ của văn học, chưa làm văn học thực sự trường tồn trong vĩnh cửu…
b) Rèn luyện tinh thần dân tộc.
Xiển dương được giá trị đích thực của văn học dân tộc là tạo được cơ hội rèn luyện tinh thần dân tộc nơi học sinh. Tinh thần dân tộc của người Việt Nam là gì? Là tinh thần muốn làm người Việt Nam chân chính, không vong bản, không ngoại lai, nối tiếp truyền thống bất khuất của tiền nhân. Yếu nhưng kiêu dũng, đầy tâm hồn phản kháng muốn bứt xiềng bẻ xích nô lệ để làm người tự do; ngẩng đầu vươn cao lên mà sống dưới ánh mặt trời. Muốn rèn luyện được tinh thần đó, chương trình Việt Văn phải là cơ hội để xác định, khai triển cá tính đặc thù và giá trị tinh thần của Dân Tộc; tạo mặc cảm tự tôn để tiến lên. Những điều như tinh thần quật cường, sức chiến đấu kiên trì, tình cảm dào dạt… phải được minh chứng và xác định để làm thành niềm tự hào đích thực của dân tộc. Niềm tự hào này sẽ là niềm tin và sự khích lệ vượt thoát khỏi hoàn cảnh bi thảm hiện tại.
(Đây không phải chỉ là ý kiến cá nhân của người viết mà chính là khát vọng chung của cả một thế hệ học sinh. Những người lớn có trách nhiệm đã “cận thị và lãng tai” nên không nghe được những kêu đòi khẩn thiết của thế hệ đàn em mình.
Hãy nghe các câu trả lời tiêu biểu sau đây của một nữ sinh lớp 10C, 18 tuổi trong cuộc phỏng vấn về đề tài cải tổ giáo dục của Tổng Hội Sinh Viên Sài Gòn:
“Điều em bất mãn nhất là những thầy, cô dạy Việt Sử và Quốc Văn mà không khêu gợi được tình tự yêu nước trong lòng học trò.
Tình trạng hầu như mất chủ quyền là một trở ngại rất lớn trong giáo dục nói chung: đôi khi thầy giáo không dám dạy đúng tinh thần bài học.
Em ao ước được học những giờ thần thánh trong đó giáo sư Quốc Văn và Quốc Sử truốc hết là những người yêu nước, biết làm sống bài học một cách can đảm và nhiệt thành… Phần đông giáo sư bây giờ chỉ mới là người bán chữ, hình như thế!”) (4)
1121) Chuẩn bị hành trang tinh thần cho con người thành nhân và thành công trong đời sống.
Con người là con người sống trong hai phương diện Dân Tộc và Đời Sống nên chương trình Việt Văn còn nhắm đến những mục đích sau đây:
a) Xây dựng nhân sinh quan.
“Tôi bất mãn nền giáo dục hiện tại không giúp học sinh tạo cho mình một nhân sinh quan. Học xong không biết đi đâu, như thế nào trong một xã hội và thế giới ra sao.” (5) Đó là ý kiến của một em học sinh lớp 12C, 20 tuổi trong cuộc phỏng vấn nói trên. Giáo dục không phải là nhồi nhét một mớ kiến thức vào óc học sinh một cách nguy hiểm như nhét vào tay một người rất nhiều vũ khí đang đứng trong bóng đêm để hắn quờ quạng chém phải mình và đâm trúng người khác. Giáo dục là đào tạo cho học sinh khám phá chính mình, tìm ra con đường phải đi trong mê lộ đời sống. Điều này môn Việt Văn có thể đảm trách được khi đề cập tới tư tưởng và nhân sinh quan của các tác giả.
b) Rèn luyện óc suy luận.
Con người hơn con vật và người này hơn người kia phần lớn do óc suy luận. Rèn luyện óc suy luận để khỏi làm người máy, biết phân biệt phải trái, biết giải quyết vấn đề một cách hợp lý. Đây là kết quả đương nhiên của những năm học sinh học giảng văn và luận văn đúng cách.
c) Rèn luyện óc sáng tạo.
Những tác phẩm văn học thường là những tác phẩm sáng tạo. Chương trình Việt Văn là kinh nghiệm quý báu, nguồn hứng khởi và cơ hội gây tập quán sáng tạo văn học nghệ thuật hay bất cứ trong lãnh vực nào khác. Tinh thần sáng tạo này sẽ làm nên nét cá biệt, độc sáng nơi mỗi người và xác định thế dáng riêng của Dân Tộc.
d) Rèn luyện tài ăn nói.
Ngôn ngữ là phương tiện hữu hiệu nhất trong sinh hoạt tương giao giữa con người. Ngôn ngữ dù đôi khi bất lực và là nguồn gốc của ngộ nhận nhưng lại là cách thế trao đổi, cảm thông tương đối toàn vẹn nhất. Lịch sử loài người đã cho thấy nhiều gương sáng về sự thành công nhờ tài hùng biện. Giờ Việt Văn là cơ hội thuận tiện nhất để học sinh phát biểu và trau dồi khả năng ăn nói.
đ) Mở mang kiến thức văn học và hướng dẫn vào các ngành văn học nghệ thuật.
Điều này là một kết quả gần như đương nhiên vì chương trình Việt Văn chính là một kiến thức thiết yếu về văn học bao hàm nhiều quan niệm và khuynh hướng dị biệt về văn học, nghệ thuật qua nhiều thế kỷ.
113) Kết luận về định hướng và những mục đích của Chương trình Việt Văn.
Tóm lại, định hướng và những mục đích trên đây mới nhìn có vẻ ôm đồm quá, gần như quán xuyến hết những điểm căn bản của cả nền giáo dục. Tuy nhiên nếu môn Việt Văn có năng lực phong phú như vậy tại sao chúng ta lại không tận dụng. Vấn đề là chúng ta có quy định được một nội dung chương trình và một phương thức thể hiện đáp ứng được định hướng và những mục đích trên hay không. Vấn đề này có khi còn quan trọng hơn cả vấn đề định hướng và mục đích của chương trình nữa. Lịch sử Việt Nam gần đây đã cho thấy bao nhiêu lý thuyết hay ho mà không có chương trình hợp lý và các bộ phận thực hiện đúng mức đều thất bại. Phần sau đây chúng tôi sẽ bàn đến nội dung học trình về môn Việt Văn, còn vấn đề phương thức thể hiện đòi hỏi một công trình dài hơi hơn xin để dành vào một dịp khác.
2) NHỮNG ĐIỂM PHẢN ĐỘNG VÀ SAI LẦM TRONG NỘI DUNG HỌC TRÌNH
Như đã nhận xét ở trên, chương trình Việt Văn thiếu một định hướng và một mục đích rõ rệt đã kéo theo một nội dung học trình phản động, sai lầm và có những hậu quả hết sức nguy hiểm. Sau đây là những điểm hiển nhiên nhất với những bằng chứng rõ rệt:
20) Tính cách thoái hóa và phản dân tộc.
200) – Điểm này đã là đề tài thảo luận trong buổi hội thảo ngày 2/11/1970 tại Sài Gòn do giáo sư Nguyễn Văn Trung thuyết trình và bản thảo bài thuyết trình được đăng lại trên tạp chí Tự Quyết. Giáo sư Nguyễn Văn Trung đã đặt vấn đề hết sức xác đáng:
“Tại sao trong chương trình Việt sử có học những phong trào cách mạng chống Pháp, có nói đến những Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Nguyễn Thái Học, Huỳnh Thúc Kháng, Ngô Đức Kế mà trong chương trình Việt văn lại bỏ quên không học văn chương của những phong trào nhà văn cách mạng chống Pháp? Văn chương Cách mạng là một nền văn học rất phong phú gồm đủ mọi thể văn, đề tài.
“Chẳng hạn nền văn học cách mạng bằng chữ Hán cuối thế kỷ 19 của những sĩ phu yêu nước có rất nhiều tác phẩm như Nguyễn Thông, Nguyễn Xuân Ôn, Nguyễn Quang Bích, Tống Duy Tân.
“…Ngoài ra văn chương Quốc ngữ hoặc có tác giả hoặc có tính cách dân gian truyền miệng từ ca dao, hò dân ca, đến chuyện vè cũng rất phong phú.
“Về đề tài, thơ văn cách mạng hoặc nhằm chống sự xâm lăng thống trị của Pháp, hoặc đả kích những tay sai bán nước cầu vinh, hoặc phản ảnh những cuộc khởi nghĩa nhưng thất thủ, thất bại, hi sinh hoặc nhằm khêu gợi lòng yêu nước hay tự tình, tự sự khi bị bắt ngồi tù hoặc lưu vong ở nước ngoài.” (6)
Thực ra trong chương trình Giảng văn lớp 9 có ghi phần “Thi ca các nhà ái quốc” gồm hai tác giả là Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh. Tuy nhiên như chúng ta thấy văn chương tranh đấu là một dòng văn chương hết sức quan trọng trong lịch sử văn học nước ta gắn liền với sự chiến đấu chống ngoại xâm liên tục hàng ngàn năm của lịch sử. Hai tác giả trên của chương trình lớp 9 không đủ tiêu biểu cho dòng văn chương này. Người soạn chương trình không thể viện lý do gì để biện hộ cho sự thiếu sót. Nếu bảo rằng có quá nhiều tác giả quan trọng cần học thì tại sao những tác giả như Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương, Nguyễn Khắc Hiếu lại học hai lần ở hai lớp 9 và 11. Trường hợp Đoạn Trường Tân Thanh học hai lần ở hai lớp 9 và 10 còn có thể chấp nhận được vì Đoạn Trường Tân Thanh là một kiệt tác phong phú, một đỉnh cao của văn học Việt Nam, nhưng những tác giả vừa kể có gì quan trọng hơn những tác giả trong dòng văn chương tranh đấu.
201) – Ngoài ra nếu học trong chương trình Giảng văn dịch phẩm Chinh Phụ Ngâm Khúc của Đoàn Thị Điểm tại sao lại không học bản dịch của Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim hai bài “thiên cổ hùng văn” là “Bình Ngô Đại Cáo” và “Hịch Tướng Sĩ Văn”. Hai bản dịch cũng đáng coi là kiệt tác và nội dung hai tác phẩm này mỗi lần nhắc đến không ai không thấy máu sôi lên trong huyết quản và sống lại cái hào khí ngất trời của tiền nhân lúc phất cờ, thúc ngựa, tuốt gươm đuổi giặc.
202) – Tại sao trong chương trình lớp 11, về Tự Lực Văn Đoàn học đến ba tác giả Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo mà bỏ quên những tác giả có tác phẩm hiện thực xã hội như Vũ Trọng Phụng, Nguyên Hồng, Nam Cao…Văn chương tiền chiến không phải chỉ có Tự Lực Văn Đoàn và những tác giả đã tố cáo bộ mặt sa đọa của xã hội “theo mới, hoàn toàn theo mới không chút do dự” một cách vong bản kia không phải kém tài năng hơn những tác giả trong Tự Lực Văn Đoàn. Đó là chưa kể cần xét lại toàn bộ khuynh hướng chính trị của Tự Lực Văn Đoàn và xét xem có nên ca tụng như từ trước đến nay người ta vẫn làm hay không.
203) – Sau cùng một điều phản động nữa không thể chấp nhận được là bỏ phần giảng văn về văn chương truyền khẩu ở lớp 10, chỉ học khái quát trong phần văn học sử. Như thế suốt bảy năm trung học, học sinh chỉ được học văn chương bình dân truyền khẩu ở lớp 6. Ở lớp này học sinh chỉ học thuộc lòng vài câu tục ngữ, ca dao và với trình độ lớp 6 cũng không hiểu bao nhiêu những câu đã học. Vì thế sau khi tốt nghiệp xong bậc trung học, vốn liếng và hiểu biết về tục ngữ, ca dao, truyện cổ của học sinh không bằng các bà nhà quê đi bán rau ngoài chợ. Đây là sự thực mà ai cũng có thể nhận xét được.
Như thế người soạn chương trình đã miệt thị và không hiểu được giá trị của văn chương truyền khẩu. Một nền văn chương có số lượng phong phú, phản ánh được dân tộc tính, chứa đựng những điều cao đẹp nhất của truyền thống, phát xuất những tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao tuyệt nhất trong văn học đã bị giản lược còn lại vài câu tục ngữ ca dao cho trẻ con học. Đáng buồn thay!
204) – Từ những nhận định trên, về tính phản động của chương trình, chúng ta chỉ có thể đi đến những kết luận sau đây như giáo sư Nguyễn Văn Trung:
1- “Chương trình Việt văn hiện tại ở bậc trung học có tính cách thoái hóa, phản dân tộc và do đó phản giáo dục.
2- Chương trình đó chỉ nhằm đào tạo một số người cầu an, đầu hàng, hèn nhát, khuất phục ngoại bang. Nó phải được phê phán và sửa đổi tận gốc rễ.
3- Các nhà viết Văn học sử như Dương Quảng Hàm trước kia và hiện nay ở Miền Nam vô tình hay cố ý gạt bỏ nền văn chương cách mạng và yêu nước ra khỏi chương trình Việt văn đã phạm một sai lầm nghiêm trọng; dù vô tình hay cố ý thì sai lầm cũng có tác dụng ru ngủ, chống lại quyền lợi dân tộc và đất nước. Im lặng trước những lỗi lầm trên là một đồng lõa không thể nhân nhượng được.
4- Văn chương cách mạng, tranh đấu không đương nhiên có giá trị nghệ thuật, nó phải được tiếp thu một cách phê phán nhưng phải nhận rằng nó có đó và rất quan trọng chứ không thể phủ nhận hoặc làm ngơ như các nhà soạn thảo chương trình Việt văn hay biên soạn văn học sử.
5- Trong phạm vi văn hóa, yêu nước và phải tranh đấu cho nền văn học Cách Mạng là phải sưu tầm, phổ biến và đòi giảng dạy trong chương trình trung học và đại học nền văn chương Cách Mạng của dân tộc.
6- Không thể chỉ dạy văn học một cách thưởng ngoạn hay với thái độ vô thưởng vô phạt, nhằm cung cấp một vài kiến thức để thi cử, nhưng phải coi văn học như một phương tiện giáo dục, khêu gợi, nuôi dưỡng lòng yêu nước, ý chí quật cường, truyền thống bất khuất của dân tộc qua việc khai thác, đề cao văn chương cách mạng và qua những việc tố cáo, phơi bầy tính chất phản dân tộc, thoái hóa của văn chương công khai tay sai đồng lõa.” (7)
21) Tính cách mơ hồ có tác dụng nguy hiểm.
210) Không xác định văn trích ở các lớp đệ nhất cấp.
Về phần kim văn, tại sao Bộ Giáo Dục không cho sưu tầm và ấn định những bài kim văn kiểu mẫu nhất để các giáo sư giảng dạy nhất loạt như nhau. Điều này có lợi là học sinh chắc chắn sẽ được học những bài thực sự có giá trị mà người soạn chương trình đã muốn học sinh phải học thuộc lòng để luyện năng khiếu. Trong thực tế, để tùy sự lựa chọn của những giáo sư không chuyên môn và thiếu khả năng là một điều nguy hiểm vì học sinh có thể học và bắt chước những bài không đáng có giá trị kiểu mẫu.
Về cổ học, việc lựa chọn những bài trích giảng của các tác giả lại càng quan trọng hơn nữa. Chúng tôi xin đan cử một ví dụ sau đây để chứng minh điều đó. Về Nguyễn Khuyến, ở chương trình lớp 6, giữa hai bài “Cuốc kêu cảm hứng” và “Hội Tây” cùng nói về lòng ái quốc, chúng ta nên chọn bài nào. Với bài Hội Tây, giáo sư có thể đưa ra những hình ảnh khôi hài khêu gợi ngay sự chú ý của học sinh:
Bà quan tênh hếch xem bơi trải
Thằng bé lom khom nghé hát chèo
Cậy sức cây đu nhiều chị dún
Tham tiền cột mỡ lắm anh leo
Dĩ nhiên không phải chỉ đem những hình ảnh này làm trò cười, giáo sư sẽ phân tích tiếp thái độ vô ý thức của những người tham dự cuộc vui đó. Lý do người Pháp có nhiều dụng ý trong việc tổ chức các cuộc vui: để ta ham vui mà quên đi cái nhục vong quốc, để chứng tỏ ngưuời Việt có hợp tác thân thiện với người Pháp và cũng để mua vui cho bọn thực dân xa nhà. Như thế thái độ của những người tham dự thật đáng trách. Từ đó giáo sư có thể đặt câu hỏi rộng hơn về thái độ chung của người Việt trong thời kỳ vong quốc rồi phân tích ba thái độ tiêu biểu: chống đối, cầu an và hợp tác với bọn ngoại xâm. Sau cùng trở về với nỗi tủi nhục riêng của Nguyễn Khuyến khi chứng kiến sự vô tình ngu dốt của dân chúng và thâm cảm nỗi bất lực của chính mình.
Thực ra, tất cả những điều trên, nếu giáo sư đặt khéo léo đặt câu hỏi gợi ý, học sinh sẽ tự tìm ra câu trả lời và những bài giảng văn tương tự như thế này là cơ hội quý báu để rèn luyện tinh thần dân tộc nơi học sinh. Chính chúng tôi khi giảng bài Hội Tây ở lớp 9 đã đặt câu hỏi: Nếu sau này chúng ta ở trong một hoàn cảnh tương tự hòan cảnh vong quốc, khi các em chọn thái độ quyết liệt chống đối mà một số bạn bè các em lại hợp tác với ngoại xâm, các em sẽ đối xử với những người bạn đó như thế nào? Câu hỏi đó được đặt ra cho 3 lớp 9 tôi phụ trách Việt Văn và học sinh cả ba lớp đều đồng thanh gầm lên: “Giết! Giết!”. Chúng tôi nhìn thấy ánh lửa cuồng nhiệt trong mắt các em và nói với cả lớp: “Bọn ngoại xâm và bọn tay sai bán nước nghe được tiếng gầm đằng đằng sát khí của các em, chúng sẽ bỏ chạy hết.” Và chúng tôi thấy rõ, chỉ với một câu hỏi đúng lúc, đúng chỗ đó thôi có giá trị hơn bao nhiêu giờ giảng loanh quanh, dài dòng khác.
Trong khi đó, với bài “Cuốc kêu cảm hứng” chúng ta sẽ giảng như thế nào? Dù bài này có nghệ thuật rất cao, cách dùng chữ tài tình, âm điệu trầm buồn quyến rũ và hình ảnh thê thiết:
Năm canh máu chảy đêm hè vắng
Sáu khắc hồn tan bóng nguyệt mờ
… Đêm đêm dòng dã kêu ai đó
Giục khách giang hồ dạ ngẩn ngơ
Nhưng hình ảnh và ý tưởng có vẻ trừu tượng xa xôi quá đối với trình độ học sinh lớp 9. Chúng ta sẽ rất khó nói về lòng ái quốc một cách cụ thể. Về phương diện này, hình ảnh thê thảm của con cuốc thua xa những “bà quan tênh hếch, thằng bé lom khom…”
Trong ý hướng đó, chúng ta nên cho học sinh học thuộc lòng bài “Trong ngục Quảng Châu” của Phan Bội Châu với những câu:
Vẫn là hào kiệt vẫn phong lưu
Chạy mỏi chân thì hãy ở tù
Đã khách không nhà trong bốn bể
Lại người có tội với năm châu
Bủa tay ôm chặt bồ kinh tế
Mở miệng cười tan cuộc oán thù
Hay cho học những câu thơ trơ tráo của Trần Tế Xương:
Vị Xuyên có Tú Xương
Dở dở lại ương ương
Cao lâu thường ăn quỵt
Thổ đĩ rặt chơi lường
Qua những nhận xét trên, ta thấy việc chọn bài giảng đóng vai trò quan trọng như thế nào trong việc đào luyện tâm hồn học sinh. Do đó lối quy định chương trình một cách mơ hồ như hiện nay “trích giảng một hai bài tiêu biểu, trích nhiều hơn” mà không xác định rõ bài nào và phó thác cho giáo sư cũng là một điều phản động hết sức nguy hiểm.
211) Thiếu sách giáo khoa chính thức.
Nếu người ta thấy những sách giáo khoa chính thức về ngoại ngữ là cần thiết và đã bắt buộc giáo sư phải dạy theo sách ấn định, tại sao người ta không thấy được sự cần thiết tương tự đối với môn Việt Văn. Nếu không chọn được trong số những sách hiện có của tư nhân làm sách giáo khoa chính thức, Bộ Giáo dục phải thành lập Hội đồng soạn thảo sách giáo khoa để soạn những sách đó. Trong văn học Việt Nam có quá nhiều vấn đề còn mơ hồ như xác định dịch giả, thời điểm sáng tác, tác phẩm ngụy tạo… cần phải được một cơ quan có uy tín và chính thức minh xác để các giáo sư có mấu chốt giảng dạy và kiến thức học sinh được thuần nhất.
Có một điều mà nhiều người phê bình từ lâu và Bộ Giáo Dục cũng phải công nhận là vấn đề chính tả, văn phạm nhưng qua bao nhiêu năm vẫn chưa có một cải tổ nào. Trong lời dặn của cuốn Chương trình Trung học về môn này vẫn ghi: “Về chính tả tạm thời nên căn cứ vào bộ “Việt Nam tự điển” do Hội Khai Trí Tiến Đức biên tập và quyển “Đại Nam Quốc Âm tự vị” của Huỳnh Tịnh Của. Trong thực tế, bao nhiêu năm qua, đến 99% giáo sư Việt Văn không có hai cuốn này và không biết phải tìm đâu. Về văn phạm, chương trình những niên khóa trước vẫn ghi “vì lý do cần thống nhất danh từ và quy tắc giáo khoa nên tạm thời phải dùng sách “Việt Nam văn phạm” của Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim, tuy sách này vẫn có khuyết điểm”. Có lẽ đến niên khóc 1970-1971 người ta mới thấy sách đó không những có khuyết điểm mà quan niệm của hai tác giả trên cũng đã quá lỗi thời nên không ghi lời dặn đó nữa và cũng không ghi lời dặn nào khác. Như thế Bộ đã mặc nhiên chấp nhận cho giáo sư tha hồ “múa võ rừng” trong môn này.
Ngoài ra, lập trường khi phê phán lòng ái quốc và khuynh hướng chính trị của các tác gia cũng cần được minh định. Nếu không, với lối phê phán ba phải, lập lờ như các sách giáo khoa hiện nay, chúng ta chỉ hun đúc cho học sinh thành những kẻ ba phải, bạc nhược, sẵn sàng phản bội như đã nhận định ở trên.
Soạn sách giáo khoa chính thức chính là cách cụ thể hóa, thống nhất hóa và hữu hiệu hóa môn Việt Văn, kéo nó về với thực tại, tận dụng năng lực, phát huy tính chất phục vụ đích thực và chính đáng của nó trong nền giáo dục quốc gia.
22) Về chương trình Hán tự.
Từ lâu, trong bất cứ cuốn chương trình năm nào cũng có ghi phần chương trình Hán tự với những mục đích hết sức hay ho:
“Phần Hán tự trong chương trình không phải là một phần biệt lập mà là một phần có liên hệ mất thiết tới môn Việt văn.
Sở dĩ phải dành mỗi tuần một giờ Hán tự cho các lớp đệ nhất cấp là vì muốn gây cho học sinh một căn bản trí thức Hán Việt cần yếu cho việc trau dồi Việt văn. Căn bản đó sẽ đem lại cho học sinh hai thứ lợi ích: Thực dụng và tinh thần.
Về mặt thực dụng, học sinh đã thấu hiểu những thành ngữ Hán Việt nhan nhản trong ngôn ngữ ta để có thể sử dụng một cách thuần nhã.
Về mặt tinh thần, học sinh có thể thưởng thức được cổ văn Việt Nam với cái phong vị đặc biệt và kỳ thú của nó để duy trì những giá trị cổ truyền của dân tộc.” (8)
Thực tế, cách đây mười mấy năm, các trường có mời một số cụ đồ già đến dạy Hán tự và những giờ đó thường là những giờ vui cười khi các cụ vừa giảng bài vừa thọc tay với những móng dài vào quần ta gãi háng soàn soạt. Từ đó đến nay không ai dạy nữa nhưng chương trình vẫn ghi một cách lạnh lùng thản nhiên như giữa sự có và sự không không có gì khác biệt. Với lề lối giảng dạy của các trường Sư Phạm những năm đã qua, ngay cả giáo sư tốt nghiệp bậc đệ nhị cấp, đa số vẫn không đủ khả năng để dạy Hán tự. Ngoài ra trong chương trình Hán tự có ghi những sách để trích bài dạy như: Ấu học quỳnh lâm, Mông học tạo cú thật tại dị, Luận thuyết khải ngộ tập sơ biên, Sơ học tác văn tiệp quyết… không biết các khóa Sư Phạm khác ra sao, chứ riêng khóa chúng tôi tại Đại Học Sư Phạm Huế từ 1963 đến 1967, suốt bốn năm giáo sinh không hề thấy hay nghe ai nhắc đến những cuốn sách trên.
Trước thực tế bi thảm đó, tại sao Bộ không dám nhìn vào sự thực để thay đổi mà vẫn cố bám víu một cách tuyệt vọng vào một chương trình không tưởng, viết để làm cảnh trong sách chương trình trung học. Chúng tôi thiết nghĩ học sinh trung học đệ nhất cấp chỉ cần thấu hiểu những thành ngữ thông dụng trong ngôn ngữ ta thôi, còn “thưởng thức được cổ văn Việt Nam” thì bậc thầy của chúng vẫn còn chưa đủ sức. Như thế thay vì dạy Hán tự, nên dành giờ hướng dẫn học sinh đọc và tìm hiểu bản dịch của những tác phẩm Hán văn cổ của ta như: Lĩnh Nam chích quái, Việt điện u linh tập, Hoàng Lê nhất thống chí, Thượng kinh ký sự… vừa thú vị lại vừa hiểu biết thêm về thành ngữ Hán Việt, quan tước, lễ nghi, sinh hoạt xã hội… của nước ta thời trước. Ngoài ra cũng có thể hướng dẫn đọc bản dịch của những danh tác Trung hoa như Tam quốc chí, Đông Châu liệt quốc, Hán Sở tranh hùng, Tây du ký… mà những nhân vật, những bài học xử thế… đã đi sâu vào tâm hồn quần chúng Việt Nam như một thứ vốn liếng chung cho cả Đông phương.
Làm được như vậy, học sinh sẽ bỏ thói quen đọc truyện chưởng, gián điệp nhảm nhí vì những truyện trên kia cũng hấp dẫn không kém và đã làm say mê thế hệ học sinh mười mấy năm trước dù họ chỉ được đọc những cuốn sách in chữ nhỏ, tối tăm của nhà Tín Đức thư xã và bản dịch có hành văn rất quê kệch.
23) Thiếu hợp lý trong cách phân phối giờ dạy.
Sự phân phối giờ dạy ở các lớp đệ nhị cấp là một sự phân phối kỳ lạ:
– Ở các lớp 10 và 11C có: 5g Việt Văn, 12g Sinh ngữ, 1/2g Vật lý, 1/2g Hóa học, 1g Toán, 1g Vạn Vật.
– Ở các lớp 10 và 11AB: 3g Việt Văn, 8g Sinh ngữ, 6g Toán (B) 3g Toán (A), 3g Vật lý, 1/2g Hóa học, 1g Vạn vật (B).
Như vậy ở đệ nhị cấp, môn sinh ngữ ở bất cứ ban nào và Toán ban B quan trọng hơn gấp đôi môn Việt Văn. Vì thế học sinh các ban khoa học đều khinh thường môn Việt Văn, cho môn này dễ, không quan trọng và học sinh đi học thêm các “cours tư” chỉ học Toán, Lý Hóa, Sinh ngữ chứ không ai học Việt Văn, ngay cả học sinh ban C. Do sự khinh thường này mà có sự kiện đã kể trên kia, học sinh đi thi Tú tài đã lầm tư tưởng Tây phương do người Tàu mang lại và cho văn hào Khái Hưng lên ngôi năm 1945. Trong hiện tại còn biết bao nhiêu học sinh đi thi Tú tài viết câu Việt ngữ bất thành cú, không biết làm một bài luận thế nào cho mạch lạc, không hiểu được một câu nói ý nhị bóng gió, kể tên không quá 10 tác giả trong văn học sử, biết không tới 10 điển cố trong văn chương…
Có sự kiện đó không phải vì học sinh được học ít. Trái lại: “Tôi bất mãn cái chương trình chắp vá nặng nề hiện tại, chỉ làm ngu tôi thêm sau những kỳ thi. Làm ngu là làm tôi tưởng đậu Tú tài là thành thánh trong khi thực ra chỉ là kẻ ăn bám xã hội.” (9). “Điều đáng buồn nhất là người ta bắt chúng ta học thuộc bài nhiều quá. Thành ra có nhiều chị tưởng chiếm vị thế cao ở lớp là tất cả vấn đề học vấn. Tối ngày lo học bài đến nỗi không biết nấu cơm.” (10) Đó là ý kiến của một nam sinh 12B và một nữ sinh 11A trong cuộc phỏng vấn về giáo dục của Tổng Hội Sinh Viên Sài Gòn nói trên. Ở ban C người ta vẫn còn cố gắn thêm những cái đuôi cụt tun hủn là 1/2g Vật lý, 1/2g Hóa học, 1g Toán, 1g Vạn vật và ở ban B 1g Vạn vật. Ôi những giờ cực hình và thê lương của cả thầy lẫn trò. Người ta đã cố nhét vào bao tử học sinh (bao tử chứ không phải óc) những kiến thức vô bổ và chúng nó đã lộn mửa ra hết sau kỳ thi. Thực ra chỉ có một số ít học sinh “gạo cội” là cố gắng học để thi còn đa số chỉ ngó phớt qua những cuốn sách, cuốn vở ma quái ghê gớm kia. Cứ nhìn những lớp học giờ phụ rộng thênh thang và đìu hiu vì học sinh trốn học, những trang giấy thi môn phụ trắng tinh khiết hoặc nguệch ngoạc hươu vượn người ta mới hiểu được những giờ phụ có hiệu quả như thế nào.
Tại sao không bỏ những giờ đó đi để tăng cường giờ những môn chính, đặc biệt môn Việt Văn và Sử – Địa, linh hồn của chương trình trung học. Nuối tiếc làm chi những cái đuôi cụt thun lủn không còn ngo ngoe gì được mà chỉ thêm vướng víu nợ nần.
Ngoài ra, ngay trong môn Việt Văn, cách phân phối giờ cũng thiếu hợp lý và không rõ rệt: môn trần thuyết ở các lớp 6,7 ghi 1/2g một tuần, các lớp khác không ghi. Tha hồ cho các giáo sư vô trách nhiệm cho trần thuyết suốt tuần để ngồi chơi, cho làm luận tại lớp liên miên để không chấm hoặc ngược lại không bao giờ cho trần thuyết, làm luận cả mà không ai bắt bẻ gì được. Có thể chấp nhận sự tự do đó trong giáo dục chính thức của quốc gia không?
24) Vấn đề không có Quốc Văn ở lớp 12.
Tất cả học sinh cũng như giáo sư liên hệ đều công nhận chương trình Việt Văn lớp 11 và Triết lớp 12 quá nặng nề. Hai lớp này lại là lớp thi nên suốt năm thầy trò ráng sức chạy đua với thời gian để thanh toán chương trình một cách vất vả. Vì thế mục đích của người dạy và người học đều nhắm vào việc có đủ bài cho kỳ thi, không ai nghĩ đến việc “hun đúc tính khí, đào tạo tâm hồn” gì nữa. Nhiều học sinh lớp 12 rất thích môn Triết đã nói với chúng tôi rằng dù thích cũng không dám học Sư Phạm Triết vì sợ sau này đi dạy sẽ tổn thọ. Dạy quá nhiều, hành hạ bộ phổi một cách tàn nhẫn mà vẫn không hết chương trình. Đó là thảm trạng khá bi đát cho hai môn học này vì nó hoàn toàn phản bội lại tinh thần của môn học.
Riêng môn Triết, chỉ trong vòng một niên khóa, lần đầu tiên biết tới môn học mà học sinh đã bị nhồi nhét quá nhiều kiến thức mới lạ nên không sao tiêu hóa nổi và kiến thức về Triết của học sinh lớp 12 quả là một kiến thức bội thực. Do đó chúng tôi có ý kiến nên san sẻ chương trình Triết xuống lớp 11 và đem Quốc Văn lên lớp 12. Chúng tôi không dám bàn vào chương trình Triết vì không chuyên môn nhưng chúng tôi thiết nghĩ những khái niệm căn bản về Triết có thể đem giảng dạy ở lớp 11 được. Trong thực tế nhiều học sinh lớp 10, 11 cũng đã tìm đọc sách Triết và vì không được hướng dẫn nên đã trở thành những triết-gia-non hay những triết-gia-quái-thai như hiện tượng đã xảy ra những năm trước đây lúc triết học hiện sinh được phổ biến mạnh mẽ ở Việt Nam. Hơn nữa học Triết để suy tưởng và sống triết lý chứ không phải thuộc lòng triết. Nếu học với tinh thần thuộc bài đi thi như đa số học sinh hiện nay thì Triết có thể dạy ở bất cứ lớp đệ nhị cấp nào vì những môn Lý Hóa, Vạn Vật cũng khó thuộc không thua gì Triết.
Hơn nữa khi học Triết, học sinh cần biết đến những trào lưu triết học Tây phương tại sao không cần biết những vấn đề văn học tổng quát hoặc các trào lưu văn học Tây phương là những vấn đề có tương quan mật thiết với văn học Việt Nam. Đây là những vấn đề có thể dạy ở lớp 12. Có như vậy học sinh học xong trung học mới có đủ kiến thức phổ thông về văn học Việt Nam và các vấn đề văn học tổng quát. Chương trình Triết phân cho hai lớp cũng sẽ nhẹ đi và giáo sư có thể giảng dạy đúng tinh thần triết hơn.
Ngoài ra đề nghị này còn giải quyết được vấn đề lấp lỗ hổng Việt Văn ở lớp 12, giáo sư Triết có thể dạy nhiều lớp, nhiều giờ hơn về môn của mình chứ không phải quơ quào dạy thêm các môn công dân, sinh ngữ… để đủ số giờ ấn định, học sinh cũng không thể coi thường môn Việt Văn vì Việt Văn không đáng dạy ở lớp 12 và Triết hết là một môn ghê gớm, cao siêu phải lên lớp 12 mới học nổi.
Đề nghị này chỉ là một gợi ý cần có sự thảo luận của các giáo sư Triết. Chúng tôi không dám lạm bàn nhiều vào lãnh vực không chuyên môn của mình.
3) TÓM TẮT NHỮNG ĐỀ NGHỊ
Như đã nói trong phần dẫn nhập, ngay ở những câu đả kích có vẻ cay đắng vẫn bao hàm khía cạnh xây dựng, do đó những nhận định trên đã hàm dưỡng những đề nghị sửa đổi. Sau đây chúng tôi xin tóm tắt những đề nghị đó:
30) Cần định hướng và xác định những mục đích rõ rệt cho môn Việt Văn.
300) Chương trình Việt Văn phải chuẩn bị hành trang tinh thần cho con người dân tộc bằng cách:
– Xiển dương văn học dân tộc
– Rèn luyện tinh thần dân tộc
301) Chương trình Việt Văn phải chuẩn bị hành trang tinh thần cho con người thành công và thành nhân trong đời sống:
– Xây dựng nhân sinh quan
– Rèn luyện óc suy luận
– Rèn luyện óc sáng tạo
– Rèn luyện tài ăn nói
– Mở mang kiến thức văn học và hướng dẫn vào các ngành văn học nghệ thuật.
31) Sửa đổi nội dung học trình hiện tại vì học trình này phản động và sai lầm:
310) Đưa các tác giả, các tác phẩm thuộc dòng văn chương tranh đấu và khuynh hướng hiện thực xã hội vào chương trình. Phân phối các tác giả hợp lý hơn cho các lớp. Đặc biệt văn chương bình dân truyền khẩu phải được dạy kỹ ở đệ nhị cấp.
311) Ấn định văn trích ở các lớp đệ nhất cấp, chú trọng các bài có giá trị nghệ thuật kiểu mẫu và nội dung đề cao tinh thần quốc gia dân tộc. Soạn thảo sách giáo khoa chính thức trong đó giải quyết các nghi vấn văn học sử, theo những quan điểm tiến bộ nhất về chính tả, văn phạm và xác định lập trường chính thức khi phê phán các tác giả và trào lưu, giai đoạn văn học.
312) Bỏ chương trình Hán tự, thay bằng chương trình đọc bản dịch các tác phẩm Hán văn cổ của ta và các danh tác Trung hoa.
313) Bỏ các giờ phụ vô ích ở các lớp đệ nhị cấp. Tăng thêm giờ và hệ số cho môn Quốc Văn. Đặt môn này đúng vào tầm trọng đại của nó.
314) Phân phối chương trình Triết xuống lớp 11, đem Việt Văn lên lớp 12, giảng dạy thêm các môn văn học tổng quát.
KẾT TỪ
1) Trên đây là những nhận định về chương trình Việt Văn của một người trẻ, yêu nghề sau 4 năm dạy Việt Văn tại hai trường công lập ở cao nguyên và đã may mắn được (hay thiếu may mắn bị) dạy tất cả các lớp từ 6 đến 11. Những ý kiến được trình bày, như đã nói trong phần dẫn nhập, bao giờ cũng trung thực, nhiệt thành và xây dựng vì chúng tôi thiết nghĩ có như thế mới tìm thấy sự thật và giải quyết vấn đề.
2) Người viết thành khẩn kêu gọi các bậc thức giả và đặc biệt giáo sư Việt Văn trên toàn quốc góp ý thảo luận gây thành một phong trào vận động cải tổ môn Việt Văn theo chiều hướng hợp lý và tiến bộ chứ không phải chỉ thay đổi, vá víu như từ trước người ta vẫn làm. Người viết cũng xin đặt thẳng vấn đề với những vị có trách nhiệm về chương trình trong Bộ Giáo Dục và thỉnh cầu quý vị công khai bày tỏ quan điểm về những vấn nạn của bài này trên mặt báo. Ngoài ra người viết cũng thỉnh cầu Bộ Giáo Dục triệu tập một Đại Hội Giáo Sư Việt Văn Toàn Quốc để thảo luận về vấn đề cải tổ môn Việt Văn chứ không phải chỉ giao phó cho một Hội Đồng Chương Trình thu hẹp và không được đa số giáo sư Việt Văn tin cậy. Hội Đồng Chương Trình này chỉ có thể giữ nhiệm vụ thuyết trình trước Đại Hội Giáo Sư Việt Văn Toàn Quốc.
3) Còn một số vấn đề hết sức quan trọng như lập trường soạn sách giáo khoa Việt Văn, phương thức đào tạo giáo sư trung học, phương thức giảng dạy môn Việt Văn cần được các giáo sư Việt Văn trung học nghiên cứu và thảo luận rộng rãi. Về phương thức đào tạo các giáo sư Việt Văn trung học, Trường Đại Học Sư Phạm phải tham khảo ý kiến và kinh nghiệm của các giáo sư trung học hành nghề lâu năm và có ý hướng cải thiện nghề nghiệp. Có thể nói không sợ ngoa ngôn, giáo sinh sư phạm khi đi học là bay trên mây và lúc ra trường là rơi xuống đất. Học xong bốn năm nghề đi dạy mà ra trường không áp dụng được điều gì, phải mò mẫm tự tìm kiếm lấy đường lối và năm đầu phải bù đầu soạn bài (Ý kiến này ít ra cũng đúng cho Ban Việt Văn khóa chúng tôi 1963-1967 và vài khóa kế tiếp tại Đại Học Sư Phạm Huế).
4) Lời sau cùng, người viết bao giờ cũng tin tưởng một cách nhiệt thành vào giá trị Dựng Nước và Dựng Người của môn Việt Văn trong nền Giáo Dục Quốc Gia. Rất mong rằng niềm tin này sẽ soi đường đúng cho người viết trên hành trình theo đuổi lý tưởng và đưa dẫn đến gặp những bạn tâm huyết đồng chí hướng.
Bảo Cự
Chú thích:
(1) Nếu có dịp chúng tôi sẽ trở lại vấn đề này một cách kỹ càng, chi tiết hơn khi bàn về lập trường soạn sách giáo khoa Việt Văn.
(2) Huỳnh Phan, Câu chuyện thầy trò, Trí Đăng xuất bản, Sài Gòn 1970, trang 76.
(3) Tạp chí Đất Nước, số 16, tháng 12/1969, trang 60.
(4) Tạp chí Đất Nước, số đã dẫn, trang 81, 82.
(5) Tạp chí Đất Nước, số đã dẫn, trang 82.
(6) Tạp chí Tự Quyết, số 4, tháng 11/1970, trang 22 và 23.
(7) Tạp chí Tự Quyết, số đã dẫn, trang 28, 29.
(8) Chương trình Trung học 1970-71, trang 15.
(9) Tạp chí Đất Nước, số đã dẫn, trang 75.
(10) Tạp chí Đất Nước, số đã dẫn, trang 79.