DẠY-HỌC NGỮ VĂN TRONG NHÀ TRƯỜNG (18): LẬT LẠI KHÁI NIỆM DẠY VĂN – HỌC VĂN

Nhân ra mắt Sách tiếng Việt và sách Văn lớp 6 của nhóm Cánh Buồm, xin nối tiếp cuộc thảo luận về “Dạy-học Ngữ Văn trong nhà trường” trên Văn Việt bằng loạt bài vừa công bố trên trang mạng của nhóm này, không còn là lý luận mà đã được thực nghiệm có kết quả trong thực tế.

Văn Việt

 

 “Thưa ông, cháu rất thích học Văn, nhưng làm thế nào để tránh những gợi ý, những bài văn mẫu của cô ạ?Cô giáo cháu bảo tả bông hoa là phải đẹp. Nhưng cháu thích tả theo cách của cháu cho sinh động hơn. Cháu không thích khô khan. Xin ông chỉ cách cho cháu”– bé Đinh Phạm Mai Phương, học sinh lớp 6 trường THCS Tô Hoàng hỏi nhà giáo Phạm Toàn. Mọi người trong hội trường đều ồ lên, nhìn về phía em.

Chiều ngày 7/2/2015, trong thời tiết lạnh buốt và không khí gấp gáp đón Tết của Hà Nội, gần 100 chỗ ngồi trong hội trường Heritage Space vẫn kín chỗ. Giáo viên, sinh viên sư phạm, phụ huynh và những người quan tâm giáo dục đã đến tham gia buổi hội thảoTổ chức con dường học Văn cho trẻ em từ 6 đến 16 tuổi của nhóm Cánh Buồm. Nhiều cháu bé cũng đến theo bố mẹ, ngồi trật tự và chăm chú.

* Lật lại khái niệm Học văn – Dạy văn
Nhà giáo Phạm Toàn bắt đầu buổi chia sẻ bằng một thực tế: Có một câu hỏi đã tồn tại nhiều năm nay: Dạy Văn cho trẻ em như thế nào? Riêng nhóm Cánh Buồm đã đặt lại thành hai câu hỏi:

(1) Trẻ em học Văn để làm gì?

(2) Trẻ em học Văn như thế nào?

Ông khẳng định: cách nhìn sư phạm từ góc độ Dạy Văn hoàn toàn khác với cách nhìn sư phạm từ góc độ Học Văn và “chúng ta phải có một nhà trường nghiên cứu việc người học để làm gì khi họ học thì mới có căn cứ để đi tìm phương pháp dạy như thế nào”. Ông liên hệ cụ thể, nếu người thầy không hiểu trẻ em học Văn để làm gì và học như thế nào thì làm sao tìm ra cách thức để dạy chúng?

Triết lý của nhóm Cánh Buồm cho rằng, học Văn trước hết là để có một tâm hồn phong phú. Đó là khả năng của con người thấu hiểu và hòa nhập với thực tại, có cảm xúc và biết đồng cảm. Để phân biệt với sự nhầm lần từ trước đến nay của nhiều người, nhà giáo Phạm Toàn dí dỏm đưa ra ví dụ: Học Văn có phải để có đạo đức không? (Nhiều người giỏi Văn vẫn phạm tội đấy thôi?); Học Văn có phải để yêu nước không? (Trình độ Văn học của Hoàng Hoa Thám bấy giờ không cao, nhưng ông có tới 20 năm trường kỳ chống Pháp).

Học Văn, theo Cánh Buồm còn là để ứng xử tinh tế: tình cảm văn giúp cho trẻ em biết cách ứng xử phù hợp trong từng hoàn cảnh của cuộc sống.

Cuối cùng, học Văn là để có một năng lượng tinh thần. Nhà giáo Phạm Toàn khẳng định, học Văn giúp cho con người có một nguồn năng lượng mang tính xúc cảm thúc đẩy tinh thần trong những hoàn cảnh khó khăn. Đó là cả một quá trình được hun đúc từ bé đến lúc trưởng thành.

Giả sử như mục đích học văn của trẻ em là như vậy, thì các em tiến hành công trình học văn của mình như thế nào? Nhà giáo Phạm Toàn nêu câu hỏi, và đưa ra giải đáp của nhóm Cánh Buồm. Ông cho rằng nguyên lý chỉ đạo việc tổ chức công cuộc học Văn của trẻ em: Tổ chức cho trẻ em đi lại con đường mà người nghệ sĩ đã đi. 
Con đường ấy bắt đầu bằng lối sống của một người nghệ sĩ đích thực. Người nghệ sĩ chân chính không sống bê tha để “tìm cảm hứng sáng tác”. Dĩ nhiên, công việc sáng tác nghệ thuật bao giờ cũng bắt đầu bằng cảm hứng. Nhưng người nghệ sĩ phải là người có cảm hứng nhờ đồng cảm với thân phận con người. Vì thế, ngay từ lớp 1, sách Cánh Buồm tổ chức cho trẻ em đi lại con đường thênh thang tự tạo ra cảm hứng của người nghệ sĩ. Sách Văn lớp 1 của dùng trò chơi đóng vai để trẻ em đi tìm sự đồng cảm với thân phận con người như người nghệ sĩ chân chính thường có.

Nhà giáo Phạm Toàn làm yên lòng cử tọa bằng cách hướng dẫn thực hiện công việc khó khan đó bằng những việc làm dễ thực hiện. Sách văn Cánh Buồm tổ chức cho trẻ em lớp 1 thực hiện tuần tự ba việc:

Thứ nhất: Bắt chước;

Thứ hai: Kể chuyện theo ngôi thứ 3;

Thứ ba: Nhập vai bằng cách kể chuyện theo ngôi thứ nhất.

Sau đó các em sẽ diễn với những cảnh theo gợi ý của giáo viên, của cha mẹ, hoặc do chính các em nghĩ ra. Học xong một tiết, trẻ em thu hoạch bằng cách kể lại việc mình đã làm ở lớp, cũng có thể viết một câu hoặc vẽ một bức tranh để “thu hoạch”.  Ta dễ dàng nhận thấy rằng việc dùng sách Văn và tổ chức cách học Văn theo định hướng của nhóm Cánh Buồm có thể trở thành “sân chơi” cho bố mẹ và các em nhỏ. Mỗi buổi tối, bố mẹ có thể cùng học Văn với con bằng cách đóng vai, kể chuyện hay tập tưởng tượng (cách học văn ở lớp 2 theo sách Văn Cánh Buồm). 
 

 

Gần 100 người đã đến dự hội thảo

* Nỗi lo chung
Phạm Toàn nói với gần 100 người tham dự hôm đó: Cảm ơn quý vị đã dành thời gian quý báu đến đây. Tôi cho rằng đó không chỉ xuất phát từ nguyện vọng cá nhân, mà còn là sự biết lo xa, nhìn xa cho nền giáo dục nước nhà.

Một giảng viên trường Đại học sư phạm I góp ý cho nhóm Cánh Buồm nên sử dụng những ý tưởng có sẵn của các trường trên thế giới rồi chỉnh sửa cho phù hợp với Việt Nam, thay vì phải dành quá nhiều công sức như hiện tại. Phạm Toàn mỉm cười đề xuất: Nếu thầy tìm thấy ở trường nào có sách này thì mách cho chúng tôi với. Bởi vì theo kinh nghiệm mấy chục năm của tôi thì, từ ý tưởng đến  kỹ thuật dạy, thành sách thì “trầy trật” lắm đấy. Ngay như ở Việt Nam, 20 năm nay chúng ta hô hào “lấy học sinh làm trung tâm”nhưng đến tân bây giờ đã thực sự “kỹ thuật hóa” được sự tôn trọng học sinh chưa?

 
Nhà giáo Phạm Toàn: “Bao giờ mới có một nền GD thực sự tôn trọng trẻ em?”

* Trẻ em lên tiếng 
Trong phần minh họa cho phương pháp học Văn Cánh Buồm, nhà giáo Phạm Toàn đã đưa ra những bài thơ Haiku do trẻ em lớp 2 làm, khiến nhiều người bất ngờ:

 

Gió heo may
Cây nghiêng mình
Mình ta

Hay như

Một cục bông vàng
Đang đi giữa đường
Ồ không phải
Là một con gà con

Ngoài Haiku, học sinh Tiểu học học theo phương pháp Cánh Buồm còn viết được những câu chuyện tưởng tượng sinh động và ngộ nghĩnh, thậm chí là các đoạn văn nghị luận sắc sảo.

Cháu Đinh Phạm Mai Phương, học sinh lớp 6 trường THCS Tô Hoàng hỏi nhà giáo Phạm Toàn một câu trong phần giao lưu với khán giả: “Thưa ông, cháu rất thích học Văn, nhưng làm thế nào để tránh những gợi ý, những bài văn mẫu của cô ạ? Cô giáo cháu bảo tả bông hoa là phải nói rằng nó đẹp. Nhưng cháu thích tả theo cách của cháu cho sinh động hơn. Cháu không thích chép văn. Xin ông chỉ cách cho cháu”.

Câu hỏi của em khiến mọi người trong hội trường đều ồ lên thích thú.
Vậy là, không chỉ có những người nghiên cứu giáo dục, những thầy giáo cô giáo, những bậc phụ huynh, mà cả một em bé cũng đã đặt ra được những câu hỏi “nhức lòng” đến thế. Và câu trả lời của Phạm Toàn còn khiến người nghe nhức nhối hơn nữa:“Ở Việt Nam bây giờ, vẫn có những thế hệ phải hy sinh cháu ạ. Ông tin rằng, cháu đã có băn khoăn như thế thì nhất định cháu sẽ giải quyết được”. Nhưng Phạm Toàn cũng kịp trấn an em bé bằng câu chuyện nhà bác học “đồ tể” Galien chuyên đi mổ xác những đấu sĩ thởi Cổ La Mã, nhờ đó Galien nhận thấy đàn ông cũng có đủ xương sườn như đàn bà, chứ không thiếu một chiếc để “nặn” ra người đàn bà như người ta vẫn tin. “Cháu thông minh lắm, cháu cứ bắt chước cách làm việc của Galien đi, và ông tin là cháu sẽ rất giỏi”.
Câu hỏi của bé tạm thời được giải đáp, chắc hẳn em vẫn buồn. Nhà giáo Phạm Toàn, sau ba tiếng đồng hồ thuyết trình không mệt mỏi, đã chốt lại chuyện “Dạy Văn hay Học Văn” như sau: “Đã định lấy học sinh làm trung tâm, thì phải tổ chức các hành động học của trẻ em, trong đó có những hành động học văn. Đó là nền giáo dục dựa trên việc làm và tự khám phá của trẻ em.”
Đã kết thúc hội thảo được một lúc lâu nhà giáo Phạm Toàn vẫn tươi cười và tinh nghịch trả lời những người còn nán lại. Tôi ghi nhớ lời nói đùa này: “Phải đeo đuổi công việc nhiều chục năm thì mới đủ sức kỹ thuật hóa một ý tưởng. Không nên cóp nhặt ý tưởng Giáo dục từ nước ngoài, đừng đem bơ sữa hoặc cà phê hoặc kim chi vào bữa ăn Giáo Dục Dân Tộc Việt Nam… Tâm hồn Việt Nam vẫn cần có những cây rau má những lá rau muống những cuộng rau đay ngay cả khi tiến lên hiện đại hóa!“   

 

 

Vẫn có những thế hệ ở Việt Nam phải hy sinh!

 

Tg: Nguyễn Thị Vân

Nguồn: http://www.canhbuom.edu.vn/index.php/growers/518-lat-lai-khai-niem-day-van-hoc-van

Comments are closed.