TRAO ĐỔI VỀ HỌC VIỆN KHỔNG TỬ (4): HUỲNH THÚC KHÁNG CHÊ ĐIỀU GÌ Ở THUYẾT KHỔNG TỬ?

Lưu Trọng Văn

Chỉ lấy chân lí làm chủ mà không làm nô lệ cho ai.

Trên báo Tiếng Dân ngày 11 tháng 10 năm 1930, cụ Huỳnh Thúc Kháng in bài báo phê phán Khổng giáo gây tiếng vang lớn trong những ai quan tâm tới con đường phát triển đúng đắn cho đất nước, cổ vũ nhiệt thành chủ nghĩa nhân văn, lấy dân làm gốc mà cụ Huỳnh cùng các chí sĩ yêu nước như Phan Châu Trinh, Trần Qúy Cáp… theo đuổi.
Mở đầu bài báo, cụ Huỳnh mở rộng tầm nhìn trên mặt bằng toàn cầu với quá nhiều chủ thuyết, tư tưởng, đạo, giáo. Nhưng theo cụ thì chủ thuyết nào, tư tưởng nào, đạo, giáo nào cũng lỗi thời, thậm chí là có độc hại nếu không hợp với chân lí và sự thực. Cụ viết:

Chúng ta sinh gặp thời đại triết học khoa học thịnh hành này, cần nhất là phải có cái trí não tự do phán đoán, bất kỳ là xưa nay Đông, Tây, điều gì mà hợp với chân lý và sự thực, thì cho là chân chính mà gắng sức học theo; điều gì mà ta thấy chỗ mặc vọng trái với chân lý và sự thực, thì nhất thiết cào bỏ cho sạch. Như vậy thì cõi tư tưởng ta may khỏi bị cái gì ngăn đón che lấp mà được bước lên con đường tự do để làm mẹ đẻ cho sự thực chăng”.

Trong cơn xoáy các chủ thuyết đa dạng, phức tạp, cụ Huỳnh rất tỉnh táo nhận biết những dòng chảy tích cực, cụ khách quan nhận định:

Học thuyết Âu tây nhờ cái mối tư tưởng tự do mà phát đạt rất sớm. Tư tưởng được tự do, nên phàm nhà hiểu biết, sáng lập và phát minh được cái thuyết gì thì làm ra sách vở, công bố cho người đời tha hồ biện bác phê bình. Nhờ lối biện bác phê bình ấy mà chân lý càng bày tỏ ra, không bị cái gì che lấp… Mỗi người đã lập một cái học thuyết thì trong cõi tư tưởng chỉ lấy chân lý làm chủ mà không làm nô lệ cho ai. Bởi vậy nên những điều gì hợp với chân lý thì cơ sở vững bền, không có cái gì làm cho lay chuyển, mà những điều mậu ngộ nhất thiết phải tiêu diệt.”

Trước khi đề cập những gì không hài lòng, mà nói thẳng ra là không thích ở thuyết của Khổng tử, cụ Huỳnh có đánh giá khách quan về Khổng giáo với cái nhìn rất uyên sâu. Cụ viết:

Sang từ đời Hán trở xuống, các nhà đế vương thấy Khổng giáo có những lời tồn cổ trung quân, tiện lợi về đường chánh thế, chuyên chế, nên biểu dương tôn sùng, nêu làm chánh học mà bãi truất các học thuyết khác đi. Nhân đó lần lần bọn tục nho lại theo mà tô vẽ xuyên tạc. Thực ra, chân tướng Khổng giáo đã bị chánh thể uốn vặn một phần, bị nhà nho mấy đời sửa đổi một phần; chính ở nước Tàu là nơi Khổng giáo phát nguyên mà sai lạc đã nhiều, huống ở nước ta học theo văn hóa Tàu lại cách xa một bậc nữa. Ở ta thuở nay ai học chữ Hán tức tự nhận mình là học trò ông Khổng, chứ có mấy ai rõ chân tướng Khổng giáo là thế nào đâu! Những chuyện mạo tên không thực ấy, gần đây đã có kẻ bàn đến, không phải nói nhiều”.

Ba điều cốt tử trong Khổng giáo mà cụ Huỳnh chê.

Cụ Huỳnh là một Việt nho yêu nước không thể không nói rằng, dù ánh sáng phương tây đã tràn vào Việt Nam những thập niên đầu thế kỷ 20, cụ và thế hệ của cụ vẫn không thể không bị ảnh hưởng nặng nề của Khổng giáo. Nhưng, điều gì đã làm cho cụ Huỳnh cũng như Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu, Phan Khôi… vượt qua và nghiêm khắc phê phán các giáo lí mòn cũ trong đạo Khổng để tiếp cận những ánh sáng mới, đồng thời vẫn nâng niu gìn giữ những tinh hoa của dân tộc cũng như những tinh hoa của nhân loại? Chỉ cần đọc và ngẫm nghĩ những gì cụ Huỳnh phê Khổng giáo sẽ không khó tìm ra được câu trả lời cho câu hỏi trên.

1. Đạo đức chỉ nói với số ít mà bỏ phần số nhiều thông thường:

“… Khổng giáo dạy người đời rành nói chuyện cao thượng, như nói “lo đạo, chẳng lo ăn”, “ăn không cầu no, ở không cầu yên”, “lấy điều ăn cực, mặc xấu làm thẹn, không phải anh học trò” v.v…

Những thuyết tuyệt lục trái thường như thế mà bảo người ta hoan nghênh thế nào được? Không những người thường không thể thực hành, mà dẫu cho trong bọn học trò danh tiếng của Khổng tử cũng chỉ một vài người như ông Nhan Hồi, Nguyên Hiếu làm được. Còn ngoài ra, Tử Cống thì lo việc thực hóa, đi đâu xe ngựa vàng bạc mang theo; Phàm Trì thì lưu tâm việc nông phố; Tử Bá đi sứ thì ngựa sang áo tốt, lại lo kiếm lúa để nhường cho mẹ. Thế là học trò ông Khổng cũng không thể theo cái thuyết quá cao kia rồi… Cái học quá cao ấy, dẫu ở thời đại nào cũng chỉ ở riêng một mình trong rừng sâu núi rậm, đứng ra ngoài vào nhân quần giao tế kia, chớ ở trong xã hội thông thường thì thật là không thích, huống gì là ở thời đại giao thông ngày nay, thì đạo đức tối cao ấy ai làm theo được? Ấy là một điều không thích”.

2. Chánh trị chỉ nói với người cai trị mà không nói đến hạng bị trị.

“Toàn những thuyết của Khổng tử nói về chánh trị thì chú trọng về vua quan mà không nói đến dân, dân chỉ ngồi không mà nhờ người trên sắp đặt lo liệu cho mình mà thôi. Không những dân không cần phải lo việc cho mình mà lại cho dân là hư hỏng không tự lo được nữa không dẫn đâu làm, chỉ xem trong sách Luận ngữ, như nói “khiến dân, trị dân” và nói “dân phục, dân khuyến” thì thấy rõ bao nhiên công việc trị an, đều trách vào người trên mà chỉ nói lý trống như “kính”, “từ”, “tín”. Nói đến dân thì có những câu: “dân là hạng mạt, dân không thể khiến cho nó biết.”. Thuyết chánh trị của Khổng tử, đối với quan tướng mà nói, lại thiên trọng về mặt cảm hóa mà không nói đến qui mô sắp đặt ra thế nào. Như nói: “làm chánh lấy đức, sửa mình lấy kính”, rõ là lời nói hồn hàm, bảo người ta biết bờ gốc ở đâu mà làm theo?… Huống ở thế giới ngày nay, mà đem cái chánh trị của cụ Khổng ra ứng phó, thật không khác gì chèo thuyền nan mà đua với tàu thủy, cỡi ngựa trạm mà chạy theo xe hơi, chỉ mệt nhọc mà không công hiệu gì. Ấy là hai điều không thích”.

3. Tư tưởng trọng về đường tồn cổ mà không có sáng tác.

“Khổng tử sinh gặp cuối đời Chu, trải qua mấy đời, văn vật chế độ đã xu về lối phiền văn mà mất lối chất phác. Ông có ý chữa thói tệ ấy mà xướng cái thuyết tồn cổ… Chính ông cũng nói rằng: “… Ta không phải sinh ra mà biết, chỉ yêu xưa mà siêng tìm đó thôi”. Còn đến việc gì mà so sánh đời xưa với đời nay thì ông Khổng nhất vị cho xưa là hơn… Ông Nhan tử hỏi việc chánh trị, ông có ý châm chước biểu thị ra một cái chế độ mới cho thích hợp ý ông, không bắt chước riêng của triều đại nào, song cũng phải góp của xưa lại mà làm ra của mình, lịch thì dùng đời Hạ, xe thì dùng xe đời Ân, mão thì dùng mão đời Chu, nhạc thì múa nhạc vua Thuấn. Không cái gì mà mình chịu tự sáng tạo ra cả. Ông Khổng đã xướng ra cái nghĩa tùy thời mà bao nhiêu học thuyết các đời phần nhiều xu về tư tưởng tồn cổ. Như ông được bang gia mà thi hành cái chánh sách cơ nguyệt tam niên (nghĩa là trong một ít năm thì thấy thành hiệu) thì chưa biết thế nào, chớ những kẻ học theo thuyết tồn cổ ấy xây thành đắp lũy, ngăn đón con đường tư tưởng mà không có ngả ra, bó buộc cái não tấn thủ mà quân sự thích càng không thích, không phải là ít. Thậm chí cuộc đời xoay chuyển như chong chóng mà lắm kẻ cứ nằm trong giấc chiêm bao, toan muốn đem mão cũ đời Đường đời Ngu, áo rách, sông Thù sông Tứ mà chảy ra giữa thế kỷ 20 tàu lặn máy bay này. Ấy là ba điều không thích”.

Điều nổi bật nhất xuyên suốt làm nền tảng vững chắc cho tư tưởng của cụ Huỳnh vẫn không gì khác là tư tưởng “dân quyền” mà cụ suốt đời theo đuổi, như cụ đặt tên cho cơ quan ngôn luận của mình là “Tiếng Dân”, như cụ từng nói: “Trên địa cầu này, dân chính là vị chủ nhân ông, không ai giành được và không ai cãi được”, như cụ từng khắc sâu tâm khảm: “Cái nghĩa chân chánh chữ dân từ đây về sau như mặt trời mọc, rồi ra không mây mù gì che đậy cả”, như cụ từng đau đáu qua câu thơ: “Dưới đất, trên trời, giữa có dân”. Rõ ràng với cụ Huỳnh thì mọi học thuyết, tư tưởng, đạo, giáo, nếu không bằng hành động, thực tiễn lấy dân làm gốc, không vì lợi ích của con người và thực sự đem lại lợi ích cho con người, thì, đều là ảo tưởng, vô nghĩa. Chính vì vậy khi kết luận bài viết của mình về đạo Khổng cụ Huỳnh nhấn mạnh bài học sống còn mà cụ rút ra cho dân tộc Việt trước trào lưu trỗi dậy của đạo Khổng, là: “Mấy điều khuyết điểm của Khổng giáo lược kể trên, dẫu có ai tôn sùng Khổng giáo đến đâu cũng không thể biện hộ rằng thích hợp với thời thế ngày nay được”. Và cụ nhắc lại cái điều mà cụ cho là chân lí cho bất cứ ai muốn chủ thuyết của mình đeo đuổi thành hiện thực, là: “… những điều gì hợp với chân lý thì cơ sở vững bền, không có cái gì làm cho lay chuyển, mà những điều mậu ngộ nhất thiết phải tiêu diệt”.

Comments are closed.