Thảo luận mùa hè 2022 (1): Nguyễn Đức Tùng – Tại sao tôi viết?

Vào tháng sáu, Văn Việt bắt đầu thực hiện cuộc Thảo luận mùa hè 2022.

Thời điểm đó, cả nước (và nhứt là Sài Gòn), đã lựng chựng những bước đi đầu tiên, cố “bình thường trở lại” sau những tháng ngày kiệt quệ vì phong tỏa. Những nội dung chia sẻ trong thảo luận là từ trạng thái đó:

“Đang là thập niên thứ ba của thế kỷ 21, và nhân loại vừa ra khỏi một thảm họa cực kỳ khốc liệt khiến mỗi người phải nhìn lại mình và trả lời câu hỏi: Nếu được sống (tiếp) thì sẽ sống thế nào?

Còn các nhà văn thì hỏi: Nếu được sống (tiếp) thì sẽ viết thế nào?

Phải chăng nhà văn đã “chậm chân”, đã bị “bỏ-lại” so với sự phát triển của khoa học và công nghệ, những thứ đã giúp cho một người bình thường, chỉ với bàn phím và mạng xã hội, có thể nối kết cùng cộng đồng và được đón nhận một cách hiệu quả hơn so với trang viết của nhà văn?

Phải chăng sự thiếu vắng những nhà văn tên tuổi mà tư tưởng đủ sức gây ảnh hưởng lên toàn nhân loại khiến những tác phẩm hư cấu giờ trở nên “nhẹ-cân-hơn” ngay cả với thể loại văn chương phi-hư-cấu?

Và anh/chị có thể trả lời các câu hỏi sau hoặc mở rộng vô giới hạn theo ý của anh/chị:

1- Có phải cuộc sống lệ thuộc vào công nghệ đã khiến con người bớt quan tâm tới những vấn đề trước đây là “trọng điểm” của văn chương? Những vấn nạn về triết lý sống/chiến tranh-hòa bình/tình yêu nam nữ… có phải đã thay đổi?

2- Người đọc đang trông chờ gì ở các nhà văn?

3- Nhà văn có thể làm gì để “cập nhật” mình, để không bị “bỏ lại”?

4- Liệu nhà văn Việt Nam có đủ tài năng và bản lĩnh văn hóa/bản lĩnh nghề nghiệp để “chuyển tải/chuyển hóa” những thực tại nhức nhối trong cuộc sống hiện tại vào tác phẩm?

5- Anh/chị có tin rằng văn chương tiếng Việt sẽ khởi sắc, bởi cuộc sống đang đầy xáo trộn cũng đồng thời tạo ra nhiều gợi ý và cảm hứng/thách thức cho nhà văn?

Xin cảm ơn các anh/chị.”

Xin giới thiệu bài đầu tiên, của nhà văn Nguyễn Đức Tùng.

VĂN VIỆT

………………………………………

Tại sao tôi viết?

Nhà văn Nguyễn Đức Tùng

nguyen duc tung (1)_thumb[1]

1.

Thuở bé, tôi không bao giờ nghĩ mình sẽ trở thành nhà văn. Mặc dù thích đọc sách, tôi cũng rất mê những thứ khác như toán, vật lý, lịch sử, câu cá. Sau này khi xa nước, sau nhiều năm sống với tiếng Anh, tôi bắt đầu nhớ tiếng mẹ đẻ. Tôi đọc trở lại, và viết.

Bạn muốn gì nữa?

Bạn đã tốt nghiệp đại học, có công ăn việc làm, có gia đình, có ngôi nhà, có nhiều bạn bè tụ họp. Bạn về thăm quê, dù không còn ai ở đó. Bạn đến Paris, đi Phi Châu.

Thế sao bạn còn phải viết văn cho khổ thân?

Mà lại viết tiếng Việt, thứ không mấy ai đọc.

Viết là việc cực nhọc. Có người nghĩ làm nhà văn là sướng, có người nghĩ là khổ, tôi không bàn đến chuyện sướng hay khổ ấy, nhưng tôi biết chắc rằng đó là một nghề vất vả, cũng như nghề y khoa của tôi. Thế tại sao tôi không thỏa mãn với mình? Cảm thấy bứt rứt, không viết không được? Viết là một công việc khó, nó ảnh hưởng đến đời sống của bạn và gia đình. Nó làm bạn mất ngủ. Nó làm bạn đến các bữa ăn tối trễ hơn người khác. Nó làm bạn bực bội.

Cái gì làm bạn buồn rầu?

Thất vọng về chính mình.

Có một sự trống rỗng lạ lùng trong tâm hồn người viết. Sự trống rỗng ấy là tiếng gọi. Có một nỗi buồn lạ lùng trong lòng người viết. Nỗi buồn ấy là gốc của sáng tạo.

Người ta nói với bạn: muốn làm một nhà văn thì trước hết phải là một người yêu nước, hay một người muốn giúp đỡ người khác. Phải có một trái tim lớn. Người ta bảo rằng viết văn để làm cho cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn, vân vân

Đừng tin vào những thứ ấy.

Không phải vì yêu tổ quốc mà bạn trở thành nhà văn.

Nếu bạn muốn giúp đỡ người khác, bạn có nhiều cách khác: trở thành thầy giáo, bác sĩ, nhà chính trị, phóng viên báo chí, nhân viên viện bảo tàng, nhà khảo cổ học, nông dân.

Hà cớ gì phải viết?

Không có một nỗi trống rỗng trong tâm hồn, không có một nỗi buồn rầu ghê gớm, bạn không nên viết, mà làm một việc gì khác.

Nỗi buồn rầu về những bất hạnh của con người. Nỗi trống rỗng về cái hư vô của tồn tại.

2.

Văn học ngày một bị thu hẹp, trước các bộ môn nghệ thuật và giải trí khác, do những công nghệ mới, tuy nhiên hiện nay nó vẫn còn đủ lớn để chinh phục thế giới. Trong nhiều năm nữa, văn học vẫn là tiếng nói quan trọng của tâm hồn con người, chừng nào họ vẫn còn giữ được tâm hồn.

Sách điện tử đang dần thay sách in giấy. Tôi đọc sách điện tử cũng thấy gần như đọc sách in, tuy không bằng. Những cuốn quan trọng nhất, tôi đều mua bản in giấy vì đọc thích hơn, dễ đọc lại. Các nhà sách sau một vài năm liên tiếp đóng cửa, nay những cửa hàng còn mở có vẻ vẫn sống. Người yêu sách như tôi vẫn còn nhiều. Sách báo điện tử không làm thay đổi bản chất của văn học.

Văn học trên mạng là chuyện khác: việc đọc và việc viết dễ hơn, việc phổ biến mau lẹ hơn. Trong các nước không có tự do xuất bản, đó là phương tiện công bố tuyệt vời của nhà văn. Điểm yếu kém của văn học mạng là ai cũng viết được, không có phê bình, không có phép lượng giá.

Không có gì trên đời không có lượng giá công bằng mà phát triển được.

3.

Nhà văn nào cũng phải đặt câu hỏi cho mình: bạn đứng về phía nào để viết? Phía sự thật hay phía giả trá? Phía kẻ hiếp dâm hay phía người bị hiếp dâm?

4.

Nhà văn Annie Dillard kể, khi bà đi dạy học, có lần một sinh viên đại học hỏi bà rằng liệu anh ta có thể trở thành một nhà văn hay không. Dillard nhìn vào mắt anh, chậm rãi trả lời bằng một câu hỏi:

– Thế bạn có yêu thích câu văn không đã? (Do you love the sentences?)

Câu văn là đơn vị của văn xuôi.

Cũng vậy, một người muốn làm nghề thợ xây nhà sẽ được hỏi: Bạn có yêu thích các viên gạch không?

Một người muốn làm thợ sơn: Bạn có yêu thích các mùi sơn không?

Những người không yêu mến và say mê các câu, nên chuyển qua nghề khác. Cũng vậy, nhà thơ đối với các câu thơ.

5.

Viết để phát hiện. Khi viết văn, viết phê bình, hay khi làm thơ, tôi hiểu hơn về những cảm xúc của mình, về suy nghĩ của mình. Trước khi tôi biết, những cảm xúc, những tư tưởng ấy có thể tồn tại trong tôi nhưng chỉ manh nha mà thôi, không định hình rõ. Không có ngôn ngữ, đời sống tinh thần của một người chỉ ở mức nhỏ bé, tầm thường, nông cạn. Ngôn ngữ như một thân xác, nhờ có thân xác mà linh hồn đậu xuống trần gian, tập bò, tập ngồi, tập đi đứng nói năng, tập khóc, tập cười. Không có thân xác, có thể linh hồn vẫn tồn tại nhưng không có ý nghĩa gì trong thế giới của chúng ta. Càng viết, tôi càng nghĩ sâu sắc hơn, tôi càng cảm xúc chân thật hơn. Càng viết tôi càng nhớ lại. Càng viết tôi càng ghét cái ác và sự dối trá, càng viết tôi càng yêu sự thật và lòng tốt của con người, càng viết tôi càng yêu lịch sử vủa dân tộc tôi.

Và căm ghét nó.

6.

Viết để chia sẻ. Có người khi viết nghĩ đến độc giả, có người không hề nghĩ đến ai khác ngoài mình. Tôi biết có người nghĩ đến chuyện làm sao để mau nổi tiếng sau một đêm. Có người viết để cố giật một giải thưởng, có người viết để có nhiều tiền bạc.

Những chuyện ấy không có gì sai cả. Balzac đã từng hì hục viết để trả nợ và hình như cả Dostoievsky cũng thế. Tôi cũng có thể làm thế nếu không có một nghề nào khác. Có người viết vì ám ảnh chiến tranh. Những động cơ thúc đẩy sự viết ấy không có giá trị gì đối với người đọc. Dù bạn viết một bài thơ trong năm phút hay năm năm thì giá trị thẩm mỹ của nó không thay đổi. Ý định của một nhà văn trước khi ngồi xuống bàn viết khác với cảm xúc thực của anh ta trong khi viết. Đọc một bài thơ, một truyện ngắn, tôi biết ngay cảm xúc của tác giả, nhận ra ngay sự giả dối hay chân thật của anh ta. Tiểu thuyết khó hơn vì thời gian đọc lâu và quá nhiều yếu tố, nhưng tính thật hay giả cũng bộc lộ hệt như ở thể loại khác.

Sự giả dối của văn học có hàng ngàn cách. Sự giả dối ấy có tác hại vô cùng đối với xã hội. Có những người viết theo lương tâm của mình, cũng có những người viết vì ích lợi cá nhân, có người viết vì sự thật thì cũng có người viết để lừa dối người đọc.

Hãy nhìn xem có bao nhiêu tác giả đã từng viết sách ca ngợi Stalin hay Mao Trạch Đông hay đại cách mạng văn hóa? Trong số ấy có cả Jean-Paul Satre và Simone de Beauvoir. Có bao nhiêu nhà văn đã thêu dệt đủ thứ chuyện dành cho đối phương? Đó là những lời nói dối có ý định.

Còn có sự giả dối không có ý thức. Sự sáo rỗng là một.

Bản chất của sự sáo rỗng trong thơ văn là tính bầy đàn xã hội, sự giả dối, a dua.

Tôi không hề nói rằng chân thành là một đức tính của văn học. Phải cẩn thận với điều này. Không phải một nhà văn cứ khăng khăng rằng câu chuyện của anh ta kể thật thì nó mới thuyết phục người đọc, ngược lại có những câu chuyện làm rung động lòng người, thực ra chưa bao giờ xảy ra. Những chuyện chưa hề xảy ra ấy trong đời sống vẫn có tính thuyết phục vì chúng hoàn toàn có khả năng xảy ra.

Văn học là sự mô tả các khả năng.

7.

Viết để xem xét lịch sử và bộc lộ sự thật. Lịch sử một cá nhân, một gia đình, lịch sử một đất nước. Tôi muốn biết cha tôi và mẹ tôi đã gặp nhau như thế nào, đã yêu nhau ra sao. Tôi muốn biết cha tôi đã chọn lựa như thế nào trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Khi tôi sinh ra đất nước đã chia đôi. Khi tôi lớn lên chiến tranh vừa xảy ra. Tôi muốn biết cuộc chiến tranh xảy ra như thế nào. Ai đúng, ai sai? Hay cả hai bên cùng đúng? Hay cả hai bên cùng sai? Tôi không vội tin.

Tôi nghi ngờ những kẻ sẵn sàng tin vào các chân lý được rao giảng, bọn chúng không phải là trí thức, càng không phải là nhà văn. Nhà văn phải tự đánh thức lương tâm mình, công bố những phát hiện, chia sẻ chúng với người khác, để hướng tới công bằng lịch sử. Sự công bằng là căn bản của mọi đoạn kết dân tộc.

Tôi tin vào đoàn kết dân tộc. Việc ấy chỉ bắt đầu khi chúng ta có nhận thức công bằng.

8.

Tôi từng hy vọng về những người viết trẻ hôm nay. Tôi không nhìn thấy tài năng của họ ở đâu cả. Những người Việt dưới ba lăm tuổi, họ ở đâu bây giờ?

Tôi không nhìn thấy những câu văn hớp hồn của họ. Những câu thơ lóng lánh làm lay động lòng người.

Những tình cảm chân thực, trong một ngôn ngữ tài hoa, chúng ở đâu?

Xin chỉ cho tôi một bài thơ hay truyện ngắn của người viết trẻ dưới ba mươi lăm tuổi khiến tôi, một người viết phê bình, phải ngẩn ngơ?

Ngoài ra, cũng có những tài năng trẻ vừa phát lộ thì lại sớm tắt ngóm, bằng nhiều cách.

Thời nhỏ, khi đọc những dòng mô tả cô Mai trong truyện Nửa chừng xuân của Khái Hưng, đứng chờ em trai trước cổng trường bảo hộ, nhìn dáng cô lủi thủi ra về, trơ vơ một mình trên cánh đồng, buổi nói chuyện với người lão bộc trong căn nhà cũ dưới ngọn đèn tù mù bàn chuyện bán nhà, tôi ứa nước mắt.

Lớn lên tôi không khóc nữa, nhưng cảm giác khi đọc những tác phẩm nghệ thuật, tiểu thuyết, thơ ca, bút ký, phê bình, không hề thay đổi trong tôi: sức mạnh của một tác phẩm. Muốn viết, tôi phải đọc thật nhiều. Từ Nguyễn Tuân, Võ Phiến đến Bùi Ngọc Tấn, Nguyễn Xuân Khánh, Vũ Thư Hiên, Eric Nguyen, Phong Nguyen, từ Flaubert, Pamuk, Tom Paulin đến Anne Carson, Carol Ann Duffy, Bary Lopez, Kay Ryan.

Một nhà văn viết là viết cho một người đọc. Anh ta viết từ cuộc đời của mình để gửi đến một người đọc trong cuộc đời của người ấy.

Tập viết một câu văn thật hay. Một câu thôi. Hãy chọn một cái nhan đề chết người. Hãy viết một câu cuối cùng cho truyện ngắn của mình khiến cho người đọc phải thẫn thờ cả buổi. Khi đọc cái nhan đề của Ray Bradbury, There will come soft rains, tôi liền cắm cúi đọc. Vừa đứng vừa đọc một mạch, kỳ hết.

Mưa dịu dàng sẽ tới.

Trong nguyên tác, đó là một câu văn đảo ngược, e rằng có người không kịp nhận ra.

9.

Đời sống của Việt Nam có biết bao nhiêu là câu hỏi, bi kịch và hài kịch. Bao nhiêu là sự đểu cáng khốn nạn làm ta căm giận và bao nhiêu lòng tốt làm ta ngẩn người. Đề tài bất tận. Cách đây mười năm khi tôi có việc về Hà Nội, ở gần Hồ Gươm, mỗi buổi chiều tôi đều ngồi uống cà phê trong quán nhỏ bên đường, lắng nghe mọi chuyện, mọi thứ ngôn ngữ bình dân và sang trọng, và tôi ngạc nhiên: tiếng Việt ngày nay đẹp quá, tình tứ quá, xấu quá, thô bạo quá.

Tôi muốn viết lại những chuyện ấy. Những câu chuyện tự nó mang lại ý nghĩa. Mang lại ý nghĩa cho đời sống là cốt tủy của văn học. Là một trong những nhiệm vụ của văn học.

Bạn có thể kể những câu chuyện bằng câu văn dài, bằng câu văn ngắn, bằng lối viết nghiêm khắc, bằng lối viết hài hước. Câu song song, câu đảo chữ. Viết không có dấu chấm phẩy, viết với nhiều dấu phẩy. Còn các dấu chấm phẩy ( ; ) ngày nay đi đâu hết rồi? Viết và sửa lại. Hai lần, ba lần, mười lần. Mỗi khi sửa lại, không những câu văn của tôi khác đi mà cảm xúc của tôi cũng khác đi, mà tình yêu của tôi cũng khác đi.

Tình yêu đối với cái gì?

Người yêu dấu, gia đình, con người, đất nước, sự thật.

Trong mỗi chi tiết được mô tả trong truyện ngắn, tiểu thuyết, thơ và kịch đều có một lý thuyết ngấm ngầm bên dưới. Mỗi lý thuyết bên dưới một hòn đá. Dưới một chiếc ghế, một con dao.

Tôi yêu các lý thuyết. Chúng đến rất gần sự thật.

10.

Một nền văn học phát triển cần hai điều kiện cốt lõi:

– Tài năng

– Tự do

Thiếu một trong hai cái cái ấy thì không thể có một nền văn học phát triển, chứ đừng nói là đỉnh cao. Ngoại lệ: một vài tác giả xuất chúng vẫn viết được khi bị vây hãm, nhưng đó chỉ là ngoại lệ. Tự do tạo ra tài năng nhưng tài năng không tạo ra tự do. Chỉ tạo ra lối thoát hiểm.

Thơ Trần Dần, Lê Đạt, Đặng Đình Hưng sau Nhân Văn Giai Phẩm là những thoát hiểm ngoạn mục.

Nhưng hãy xem phong trào Thơ mới những năm 1930. Hãy xem Tự lực văn đoàn những năm 1930. Đó mới thật là kỳ vỹ. Nước nhà không có độc lập nhưng xã hội có tự do, ít nhất là những tự do tối thiểu cho sáng tác và xuất bản.

11.

Tôi viết cái gì? Tôi không quan tâm lắm. Cứ ngồi xuống là viết. Tất cả cảm xúc và ý tưởng trào ra tự nhiên. Đề tài tự nó đến. Vì vậy trong một vài ngày, tôi viết dễ dàng. Nhiều ngày khác, hoàn toàn không thể viết. Giữa hai lần ngồi xuống để viết, bao giờ tôi cũng viết im lặng trong tâm trí, chỉ có điều không ghi xuống.

Trong thể thao như bóng đá người ta gọi là playing out of the field, chơi bóng bên ngoài sân cỏ.

Cần có kỷ luật. Cần có đơn đặt hàng. Thư hỏi xin bài của một thư ký toà soạn mà mình kính mến là một thứ đơn đặt hàng mà không nhà nước nào có được.

12.

Ý nghĩa trước hết của việc đọc và viết văn chương là mang lại lòng can đảm. Can đảm sống cuộc đời mình sao cho xứng đáng, dù bạn là kỹ sư hay nhà văn, công nhân hay người làm vườn. Can đảm đi tìm sự thật. Chống lại thói a dua, dù bạn đứng về phía này hay về phía khác.

Văn chương làm bạn can đảm lên, đọc khác đi, nghĩ khác, viết khác đi. Sống khác đi cuộc đời của mình.

Comments are closed.