Vào tháng sáu, Văn Việt đã bắt đầu thực hiện cuộc Thảo luận mùa hè 2022.
Thời điểm đó, cả nước (và nhứt là Sài Gòn), đã lựng chựng những bước đi đầu tiên, cố “bình thường trở lại” sau những tháng ngày kiệt quệ vì phong tỏa. Những nội dung chia sẻ trong thảo luận là từ trạng thái đó:
”Đang là thập niên thứ ba của thế kỷ 21, và nhân loại vừa ra khỏi một thảm họa cực kỳ khốc liệt khiến mỗi người phải nhìn lại mình và trả lời câu hỏi: Nếu được sống (tiếp) thì sẽ sống thế nào?
Còn các nhà văn thì hỏi: Nếu được sống (tiếp) thì sẽ viết thế nào?
Phải chăng nhà văn đã “chậm chân”, đã bị “bỏ-lại” so với sự phát triển của khoa học và công nghệ, những thứ đã giúp cho một người bình thường, chỉ với bàn phím và mạng xã hội, có thể nối kết cùng cộng đồng và được đón nhận một cách hiệu quả hơn so với trang viết của nhà văn?
Phải chăng sự thiếu vắng những nhà văn tên tuổi mà tư tưởng đủ sức gây ảnh hưởng lên toàn nhân loại khiến những tác phẩm hư cấu giờ trở nên “nhẹ-cân-hơn” ngay cả với thể loại văn chương phi-hư-cấu?
Và anh/chị có thể trả lời các câu hỏi sau hoặc mở rộng vô giới hạn theo ý của anh/chị”.
Xin giới thiệu bài của nhà văn Võ Thị Hảo
VĂN VIỆT
1- Có phải cuộc sống lệ thuộc vào công nghệ đã khiến con người bớt quan tâm tới những vấn đề trước đây là “trọng điểm” của văn chương? Những vấn nạn về triết lý sống/chiến tranh-hòa bình/tình yêu nam nữ… có phải đã thay đổi?
– Tôi nghĩ rằng sự lệ thuộc công nghệ đã khiến con người hiểu biết rộng hơn nhưng cũng hời hợt hơn về nhân sinh và xã hội, trong đó có sự quan tâm đến các vấn đề được coi là “trọng điểm” của văn chương.
Những tác phẩm sâu sắc, công phu, diễn tả những đớn đau, khát vọng của đời sống con người, những “từ điển văn hóa” và nhân sinh đáng giá không chỉ cho ngày nay mà còn cho mai sau đang bị chồng lấn, khỏa lấp bởi “cơn lũ” xuất bản và sở thích chỉ quan tâm đến tính giải trí, tính ứng dụng đơn giản và hiệu quả nhất cho đời sống, đặc biệt là dạng sách dạy làm giàu, dạy kỹ năng sống sung sướng không đau buồn, “quẳng gánh lo đi mà vui sống”, sách văn học ngôn tình dễ hiểu, dạng nhật ký kèm hư cấu của người trẻ với ngôn ngữ thông tục và tính thương mại.
Bên cạnh đó, thế giới game bạo lực, phim bộ giải trí phát liên tục, chen chúc trên mọi nền tảng truyền thông/mạng xã hội gần như độc chiếm thị phần tinh thần của người Việt Nam từ khi biết sử dụng ngón tay trỏ cho đến khi nhắm mắt xuôi tay.
Thêm vào đó, nền văn chương thông tục, tiêu chí là dễ hiểu để đọc lướt ấy lại được các trang mạng cũng như những nhà kinh doanh sách đắp điếm hết cỡ, khoác cho chúng những chiếc áo choàng rực rỡ mà chúng vốn không có. Rõ ràng, mỹ cảm và cảm xúc với văn chương sâu sắc, kỳ vĩ cho tâm hồn con người đã bị che mờ bởi một nền văn chương giải trí và thực dụng.
2- Người đọc đang trông chờ gì ở các nhà văn?
– Đa phần họ chờ đợi nhà văn sẽ giải trí cho họ, làm họ cười, nếu khóc, chỉ khóc nhẹ làm duyên hay đưa đến nhục cảm dung tục.
Cuộc sống của những con người khốn khổ không lối thoát, bị vùi dập, bị tuyệt vọng bởi chính trị, đại dịch và suy thoái kinh tế, bởi vô số kiểu bạo lực, bởi oan khuất… đương nhiên sẽ rất ít được quan tâm. Báo chí đưa tin về các vụ giết chóc, đặc biệt các vụ giết người thân và tự sát, nhưng không đề cập việc phải làm gì để có thể cứu họ, sự quan tâm đến tầng lớp khốn khổ trong xã hội quá ít và quá hời hợt. Báo chí và người viết hầu hết không thực sự quan tâm đến họ, không ai chất vấn/đặt vấn đề với nhà chức trách về tình trạng đó nên ngày càng nhiều người ôm con nhảy lầu hoặc nhảy sông… Quan chức thì quá nhiều kẻ mua chức rồi sau đó tham nhũng và trộm cắp…
Chúng ta vẫn còn, dù hiếm, những nhà văn viết không vì bạn đọc chờ đợi, mà viết vì xúc cảm và lương tâm của chính mình. Những người viết đó tự nhận “khổ nạn”, như những kẻ lì lợm nhất định không buông “cây thập giá” đầy gai góc, tiếp tục lên đường và tiếp tục đơn độc.
3- Nhà văn có thể làm gì để “cập nhật” mình, để không bị “bỏ lại”?
– Nhà văn thực sự luôn cần có thời gian và “độ lùi” để nghiền ngẫm sự kiện, lắng đọng và viết ra được những điều mà nền văn chương giải trí hời hợt không làm được.
Nhà văn vốn không phải là một nhà viết phóng sự báo chí nên không dễ để kịp cập nhật hiện thực nóng đang xảy ra. Và thế là lạc hậu.
Bởi thế, tôi phải làm một lúc hai việc: dành cho tiểu thuyết và truyện ngắn một khoảng lặng, không bức bách thời gian ra mắt, để kịp trau chuốt và tự xây “lâu đài” nhỏ theo mình. Bên cạnh đó, tôi phải lên mạng viết bình luận, theo các sự kiện nóng về chính trị – xã hội, bênh vực dân oan… để bản thân mình đỡ bị giày vò vì cảm thấy bất lực trước hiện thực xã hội.
Tôi quá nhỏ bé, việc làm chỉ như muối bỏ biển nhưng cũng chỉ có thể làm đến thế thôi.
Nhà văn khác cũng có thể làm rất tốt việc này, khi Facebook và Youtube đã cung cấp cho chúng ta phương tiện để mỗi người có thể mở cho mình một tờ báo mạng và một kênh truyền hình, để không phải bỏ rơi công chúng.
Việc cập nhật công nghệ phổ biến tác phẩm: văn học mạng, sách điện tử.. là điều khó khăn đối với nhà văn “đầu óc đi mây về gió”.
Do đó, khả năng phổ biến tác phẩm văn chương ngày càng hạn chế. Nhà văn rất dễ bị “lỗi thời” với thời cuộc.
4- Liệu nhà văn Việt Nam có đủ tài năng và bản lĩnh văn hóa/nghề nghiệp để “chuyển tải/chuyển hóa” những thực tại nhức nhối trong cuộc sống hiện tại vào tác phẩm?
– Có chứ. Nhưng thực sự quá ít người muốn làm và làm nổi điều đó. Vấn đề là có quá nhiều những hời hợt, sợ hãi, ích kỷ. Có văn hóa sống quá thấp trong hàng ngàn người viết hiện nay.
Sống sao thì viết vậy. Đó là chưa kể đến việc người nói, viết lên sự thật thì bị đàn áp, tù đày…
5- Anh/chị có tin rằng văn chương tiếng Việt sẽ khởi sắc, bởi cuộc sống đang đầy xáo trộn cũng đồng thời tạo ra nhiều gợi ý và cảm hứng/thách thức cho nhà văn?
– Tôi chẳng tin đâu, ít nhất là trong khoảng một vài thập niên nữa.
Bao giờ con người chán sự hời hợt và bạo lực?
Nền giáo dục này, báo chí truyền thông này đã bị buộc phải chối bỏ hoặc đã hân hoan mà chối bỏ giáo dục thẩm mỹ và lương tâm cũng như cách chung sống cho con người từ đầu đời đến cuối đời.
Nơi nơi đạo Phật bị lợi dụng bởi những kẻ ru ngủ méo mó, nhằm thu lợi bất chính qua những kẻ đội lốt con Phật mà kinh doanh đền chùa miếu mạo…
Bao giờ đa phần những người Việt Nam chơi Facebook chán việc khoe ảnh cá nhân, khoe cảnh ăn uống/ăn diện và hời hợt khen nhau những câu giả dối, ngoái đầu giả lơ dù biết rõ có ai đang sắp chết đâu đó…?
Kẻ nào vật vã ngược dòng để tự học và nghe lời khiển trách của lương tâm? Quá ít, lấy đâu để khởi sắc?!
Và, như mọi khi, phải nói một câu quá nhàm: Dù ít nhưng vẫn còn, và sẽ không từ bỏ hy vọng.
Văn chương cao quý luôn là của hiếm và càng đặc biệt hiếm ở Việt Nam.