Thảo luận mùa hè 2022 (10): Vũ Thư Hiên – Nếu nhà văn sống như mọi người chung quanh đang sống, viết về những ưu tư của chính mình thì tức là anh ta nói được những điều mà mọi người muốn nói.

Vào tháng sáu, Văn Việt đã bắt đầu thực hiện cuộc Thảo luận mùa hè 2022.

Thời điểm đó, cả nước (và nhứt là Sài Gòn), đã lựng chựng những bước đi đầu tiên, cố “bình thường trở lại” sau những tháng ngày kiệt quệ vì phong tỏa. Những nội dung chia sẻ trong thảo luận là từ trạng thái đó:

”Đang là thập niên thứ ba của thế kỷ 21, và nhân loại vừa ra khỏi một thảm họa cực kỳ khốc liệt khiến mỗi người phải nhìn lại mình và trả lời câu hỏi: Nếu được sống (tiếp) thì sẽ sống thế nào?

Còn các nhà văn thì hỏi: Nếu được sống (tiếp) thì sẽ viết thế nào?

Phải chăng nhà văn đã “chậm chân”, đã bị “bỏ-lại” so với sự phát triển của khoa học và công nghệ, những thứ đã giúp cho một người bình thường, chỉ với bàn phím và mạng xã hội, có thể nối kết cùng cộng đồng và được đón nhận một cách hiệu quả hơn so với trang viết của nhà văn?

Phải chăng sự thiếu vắng những nhà văn tên tuổi mà tư tưởng đủ sức gây ảnh hưởng lên toàn nhân loại khiến những tác phẩm hư cấu giờ trở nên “nhẹ-cân-hơn” ngay cả với thể loại văn chương phi-hư-cấu?

Và anh/chị có thể trả lời các câu hỏi sau hoặc mở rộng vô giới hạn theo ý của anh/chị”.

Xin giới thiệu bài của nhà văn Vũ Thư Hiên.

VĂN VIỆT

VU THU HIEN

* Có phải cuộc sống lệ thuộc vào công nghệ đã khiến con người bớt quan tâm tới những vấn đề trước đây là “trọng điểm” của văn chương? Những vấn nạn về triết lý sống/chiến tranh-hòa bình/tình yêu nam nữ… có phải đã thay đổi?

– Cuộc sống không bao giờ yên chỗ. Nó thay đổi xoành xoạch, nhiều người theo không kịp bên những người chẳng buồn chạy theo nó. Cái là vấn nạn hôm trước không còn là cái vấn nạn hôm sau. Triết lý sống cũng vậy. Người ta sống không cần triết lý sống. Công nghệ IT có làm cho người ta thay đổi, nhưng nó không loại bỏ được các vấn nạn hiện hữu.

* Người đọc đang trông chờ gì ở các nhà văn?

– Người đọc không chờ đợi gì ở các nhà văn. Văn là món điểm tâm với người này, món tráng miệng với người kia. Nó không phải là thứ dằn bụng trong cơn đói. Người đọc thời hiện tại, theo tôi thấy, không còn quan tâm nhiều đến các sản phẩm văn chương. Người còn quan tâm thì không quan tâm tác phẩm viết về CÁI GÌ, mà chú trọng phần tác giả viết THẾ NÀO, nói cách khác là tác phẩm để họ bỏ thời giờ đọc HAY hoặc KHÔNG HAY.

* Nhà văn có thể làm gì để “cập nhật” mình, để không bị “bỏ lại”?

– Nhà văn không cần “cập nhật” mình để không chạy theo thị hiếu hay cái gì khác. Chạy theo để không lỗi thời là sự phụ thuộc vào người tiêu dùng văn chương, tựa như việc sản xuất hàng hoá cần được bán chạy. Tác phẩm văn chương là sự bộc bạch nỗi lòng, là sự giải toả những bức bách trong tâm hồn. Chỉ có thế mới là tác phẩm mà người đọc chờ đợi. Nói như Prishvin: “Tôi chỉ là một cái lá trong hàng triệu cái lá của cây đời, và nói về một cái lá thì cũng là nói về những cái lá khác”.

* Liệu nhà văn Việt Nam có đủ tài năng và bản lĩnh văn hóa/nghề nghiệp để “chuyển tải/chuyển hóa” những thực tại nhức nhối trong cuộc sống hiện tại vào tác phẩm?

– Nhà văn không thể tự túm tóc mình để nhấc lên cho mình cao thêm. Nếu anh ta sống như mọi người chung quanh đang sống, viết về những ưu tư của chính mình thì tức là anh ta nói được những điều mà mọi người muốn nói. Văn học phản ánh thực tại. Nó phải THẬT, không tô vẽ cho dù anh ta có muốn theo cái gọi là “hiện thực xã hội chủ nghĩa” khuyên nhà văn phải miêu tả sự vật “trong chiều hướng đi lên” của nó.

* Anh/chị có tin rằng văn chương tiếng Việt sẽ khởi sắc, bởi cuộc sống đang đầy xáo trộn cũng đồng thời tạo ra nhiều gợi ý và cảm hứng/thách thức cho nhà văn?

– Tôi tin văn chương Việt rồi sẽ khởi sắc, nhanh hay chậm phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó yếu tố quan trọng nhất là tự do. Tự do là không khí để con người được là chính mình. Trong bối cảnh hiện tại, khi một đảng, tức là một nhóm người, tự chiếm quyền cai trị một đất nước thì không thể có thứ sang trọng đó.

Comments are closed.