Thảo luận: Nhà văn trước sự suy đồi của xã hội (bài 1) – Một vài ý kiến xung quanh cuộc thảo luận “nhà văn trước sự suy đồi của xã hội”

Vũ Thành Sơn

Trong những ngày này, khi toàn xã hội đang trải qua nhiều biến động to lớn ở cả bề mặt cũng như ở chiều sâu, một cuộc thảo luận rộng rãi do Văn Việt chuẩn bị tổ chức với chủ đề “Nhà văn trước sự suy đồi của xã hội” tưởng cũng không phải là lạc điệu, nếu không muốn nói là rất đúng lúc.

Tuy cuộc thảo luận chỉ mới ở giai đoạn khởi động nhưng nó đã khơi mào sự bất đồng; bất đồng ngay từ tên gọi: suy đồi. Suy đồi, bế tắc, phá sản, băng hoại hay tươi sáng, hứa hẹn…, không dễ gì có được sự đồng thuận khi sử dụng những hình dung từ đó để nói về thực trạng xã hội Việt Nam hiện thời. Đây là một điều bình thường của xã hội loài người nói chung hay sự thật là, đằng sau nó, bên dưới nó, đang ẩn dấu một vấn đề khác thực sự nghiêm trọng hơn, mang tính đặc thù của xã hội Việt Nam?

Cũng cần nhận thấy một tình trạng được coi là nghịch lý cố hữu của xã hội Việt Nam minh họa cho cảm nhận trên: đó là một mặt, bên cạnh những tiếng nói cất lên từ nhiều phía bày tỏ chính kiến, thái độ (dù bất bình hay ủng hộ) đối với thực trạng của xã hội nhưng trớ trêu thay ở mặt khác, người ta cùng lúc chứng kiến một sự thờ ơ, vô cảm của không ít người. Cuộc biểu tình phản đối chặt phá cây xanh ở Hà Nội năm 2015 là một ví dụ khá điển hình.

Đáng nói ở đây là với tên gọi cuộc thảo luận, dường như những người đề xướng ra nó đã bỏ qua thực tế đó khi chủ ý chỉ thẳng ngón tay vào tâm điểm và cũng là nguyên nhân cội rễ của mọi vấn đề: sự suy đồi của xã hội, như thể cuộc hội chẩn đã chỉ ra được nguồn gốc căn bệnh xã hội và chỉ còn bỏ ngỏ cho việc tìm kiếm phương pháp điều trị. Có thật như vậy không? Khi đề cập đến sự suy đồi của xã hội, người ta ngay lập tức nhìn thấy những hiện tượng đang xảy ra nhan nhãn hàng ngày: luật pháp buông lỏng, đạo đức băng hoại, giáo dục phá sản, mê tín, sùng bái vật chất chiếm địa vị ưu thắng so với những giá trị nhân bản, luân lý…Nhưng câu hỏi đặt ra là vì sao lại có những hiện tượng đó, cái gì là nguồn gốc sản sinh ra? Tại sao nó có ở những xã hội này mà lại không có ở những xã hội khác? Phải chăng người ta cần truy nguyên nguồn gốc sâu xa của sự suy đồi xã hội ở ngay chính nó: xã hội? Ở ngay chính cái làm nên xã hội?

Vì vậy trước hết tôi muốn bắt đầu bằng chính sự định danh có thể gây tranh cãi đó: sự suy đồi của xã hội, với mục đích không phải tìm kiếm một sự đồng thuận (tìm kiếm sự đồng thuận ở một cuộc tranh luận trong nội bộ Việt Nam chẳng khác gì tìm lông rùa, sừng thỏ) và càng không phải để giới hạn hay tìm ra nguyên nhân nhằm giải quyết vấn đề, mà đúng hơn như một cố gắng làm rõ một nội dung quá bao quát để trả lời cho câu hỏi có thật một sự suy đồi xã hội hay không và chỉ có đến khi đó, khi đã có một câu trả lời rõ ràng, mới có thể nói đến thái độ, trách nhiệm cụ thể của mỗi cá nhân, trong đó có nhà văn.

Tôi muốn bắt đầu bằng một sự kiện thời sự còn nóng hổi: vụ nhà hát giao hưởng 1.500 tỷ đồng được chính quyền thành phố quyết định cho xây dựng tại khu đất Thủ Thiêm. một quyết định mà chính quyền nói là nhằm để đáp ứng đòi hỏi của người dân nhưng bất ngờ thay, lại dấy lên những phản ứng kịch liệt từ chính những người được coi là đối tượng thụ hưởng của quyết định đó. Có thể nói nó đã tạo ra một “cơn bão dư luận” chống đối lẫn ủng hộ (chống đối nhiều hơn ủng hộ), theo cách nói quen thuộc của giới báo chí, truyền thông; mạnh mẽ không kém, nếu không muốn nói là hơn cả những cơn bão phẫn nộ, âm ỉ chưa tắt từ vụ cải cách chữ quốc ngữ, sách giáo khoa công nghệ giáo dục hay xa hơn một chút, từ Luật An ninh mạng và Luật Đặc khu gần đây vì lần này nó còn kèm theo cả nỗi oan khuất còn tươi rói và nước mắt chưa kịp khô của các nạn nhân.

Một quyết định từ giới cầm quyền như quyết định xây dựng nhà hát giao hưởng dẫn đến sự chia rẽ, thay vì phải là tạo ra cảm hứng, sự chia sẻ, ủng hộ của xã hội, chắc chắn sẽ chịu số phận thất bại như những quyết định khác trước đó, cho dù có được thực thi bằng cách này cách khác. Nhưng quan trọng hơn cả, đồng thời cũng chính là cái mà chúng ta quan tâm ở đây hơn hết, là sự thất bại từ một quyết định đơn lẻ đó, không tránh khỏi sẽ dẫn đến sự thất bại của chính quyền trong mục tiêu tạo ra một sự đồng thuận xã hội, là cái cốt lõi và cũng là lý do tồn tại của mọi hình thức chính phủ trong lịch sử.

Chúng ta chứng kiến gì qua vụ nhà hát Thủ Thiêm và nhiều vụ khác nữa? Chính quyền và người dân, nhìn từ hai phía, được gì và mất gì? Đó là một sự chia rẽ sâu sắc; chia rẽ giữa chính quyền với nhân dân và chia rẽ trong chính nội bộ nhân dân. Tình trạng phân hóa không tìm thấy một tiếng nói chung có thể coi là tình trạng đáng tuyệt vọng nhất và có cội rễ sâu xa nhất của xã hội Việt Nam hiện thời.

Tiếng nói chung là tên gọi khác của cái mà Jean-Jacques Rousseau gọi là ý chí chung (volonté générale). Có lẽ chúng ta cần đọc và đọc lại ở đây luận điểm chủ chốt này của ông để nhận ra ý nghĩa của việc định vị vấn đề của xã hội Việt Nam trong cuộc tranh luận:

“Bất cứ khi nào một nhóm người họp lại và tự xem mình là một đoàn thể duy nhất thì họ chỉ có một ý chí duy nhất hướng về sự bảo tồn và hạnh phúc chung. Trong trường hợp đó, tất cả mọi động lực của quốc gia đều mạnh mẽ và giản dị, và các luật lệ rõ ràng và sáng sủa; không có những rắc rối hay xung đột vì tư lợi; lợi ích chung hiển nhiên ở khắp mọi nơi, và chỉ cần có lương tri là nhận thấy ngay. Hòa bình, đoàn kết, bình đẳng là kẻ thù của những xảo quyệt chính trị.” (Du Contrat Social, Livre 4, Chapitre “Que la vonlonté générale est indestructible”).

Và:

“Nhưng, khi sự đoàn kết xã hội bắt đầu lỏng lẻo và quốc gia bắt đầu suy yếu, khi những quyền lợi riêng tư bắt đầu xuất hiện vì những phe nhóm trong xã hội ảnh hưởng đến xã hội chung, thì lợi ích chung thay đổi và gặp phải những chống đối: không còn có sự đồng ý chung nữa; ý chí tập thể không còn là ý chí của tất cả mọi người; mâu thuẫn và tranh luận xảy ra, và ý kiến hay nhất cũng không được chấp thuận mà không bị tranh cãi.

Cuối cùng, khi quốc gia, trước ngưỡng cửa của sự suy vong, chỉ còn là một hình thức, hão huyền và vô ích, khi trong tâm trí mọi người mối dây liên hệ xã hội đã bị đứt, khi quyền lợi đê tiện nhất đã trơ tráo mang tên cái danh thiêng liêng: “lợi ích công cộng,” thì ý chí tập thể im tiếng: mọi người đều bị hướng dẫn bởi những lý do thầm kín, không còn phát biểu ý kiến của mình với tư cách là công dân nữa, làm như là quốc gia không bao giờ hiện hữu; và những sắc lệnh bất công chỉ phục vụ cho quyền lợi riêng tư được thông qua như là những luật lệ” (idem)

Với những dòng trích dẫn đó Jean-Jacques Rousseau đã cảnh báo chúng ta về một nguy cơ có thật mà các thực thể xã hội luôn phải đối mặt: sự tan rã.

Sự tan rã mà Jean-Jacques Rousseau chỉ ra bắt đầu khi mối liên kết xã hội vốn được duy trì bằng một ý chí chung bị đứt gãy; khi đó, quốc gia chỉ còn là một cái vỏ hình thức, bị thao túng, lũng đoạn và trục lợi bởi những phe nhóm, băng đảng thế lực.

Cũng trong vấn đề này, bằng sự phân tích phân tâm học, Cornelius Castoriadis (có thể kể thêm Slavoj Žižek) cung cấp cho chúng ta một góc nhìn cận cảnh hơn. Ông gọi tình trạng mô tả ở trên là hậu quả của một cuộc khủng hoảng ý nghĩa xã hội (significations sociales, đầy đủ hơn sẽ là significations imaginaires sociales) và khi cuộc khủng hoảng này trở nên toàn diện, sẽ đưa đến cuộc khủng hoảng tiến trình đồng nhất hóa (crise du processus identificatoire).

Theo Cornelius Castoriadis, mỗi xã hội đều tự tạo ra cho nó một thế giới riêng bằng việc tạo ra những ý nghĩa hoàn toàn đặc thù; ví dụ trật tự Nho giáo đối với xã hội Trung Quốc cùng với những ý nghĩa xã hội kèm theo, hoặc tất cả những ý nghĩa tập hợp dưới tên gọi polis của Hy Lạp…

Ý nghĩa xã hội giữ ba vai trò (hay chức năng):

Thứ nhất, nó tạo ra cấu trúc biểu tượng về thế giới của xã hội. Chẳng hạn người của xã hội Hy Lạp cổ nhìn cái cây biết ở đó có vị thần cây trú ngụ, trong khi con người hiện đại chỉ thấy đơn giản đó là gỗ.

Thứ hai, nó định ra mục đích cho mọi hành động; những gì được làm, những gì không; những gì tốt, những gì không tốt. Như phải kính Chúa; rèn luyện sức khoẻ là để xây dựng và bảo vệ tổ quốc …

Và cuối cùng, ý nghĩa xã hội thiết lập những loại cảm xúc đặc trưng cho mỗi xã hội. Với xã hội tư bản, chẳng hạn, Marx mô tả cảm xúc riêng có của xã hội đó là sự thay đổi, sự khát khao cái mới và nhu cầu tạo ra những thặng dư.

Nhưng trong các ý nghĩa thiết lập cho mỗi xã hội nói trên, không nghi ngờ gì nữa cái quan trọng nhất là ý nghĩa liên quan trực tiếp đến chính xã hội đó. Mỗi xã hội đều tự coi mình, tưởng tượng mình là mt cái gì đó (điều này giải thích lý do vì sao Cornelius Castoriadis coi ý nghĩa xã hội có tính chất hư cấu – imaginaire). Người Việt Nam coi mình là dòng giống của con rồng, cháu tiên; người Trung Quốc coi họ là trung tâm văn minh trong khi bốn phương còn lại của thế giới chỉ là Man, Di, Nhung, Địch…, một thứ quy chiếu để cho mỗi cá nhân đồng hóa mình với một giá trị chung không thể hủy hoại mỗi lần họ nói Chúng Tôi, Chúng Ta khi đối diện với cá nhân thuộc cộng đồng khác.

Cornelius Castoriadis nhấn mạnh là một cộng đồng xã hội chỉ không thể bị hủy hoại khi những giá trị, ý nghĩa mà cộng đồng thiết lập được sống trọn vẹn trong tính cách chúng không thể bị hủy hoại bởi chính các cá nhân trong cộng đồng ấy.

Vấn đề của chúng ta ở đây là những ý nghĩa mà Cornelius Castoriadis nêu ra; cái ý nghĩa xã hội mà mỗi cá nhân đều được dự phần; cái ý nghĩa mà qua đó mỗi cá nhận tạo lập cho mình một thế giới quan và một ý nghĩa của cuộc đời, thậm chí của cả cái chết riêng tư, chúng ta đều thấy thiếu vắng, hoàn toàn hay hầu như, trong xã hội Việt Nam hiện thời. Kể cả một thiết chế tưởng như miễn nhiễm như tôn giáo, trong vai trò gầy dựng ý nghĩa xã hội theo một ý nghĩa rộng rãi nhất, cũng đã và đang tự đánh mất mình, cũng đã và đang là nạn nhân của chủ trương lũng đoạn và tha hóa.

Từ những góc nhìn đó, thiết nghĩ chúng ta đã có cơ sở để có thể trả lời cho câu hỏi đặt ra từ đầu bài viết này: có hay không một sự suy đồi xã hội ở Việt Nam?

Vấn đề tiếp theo là vai trò của cá nhân, đặc biệt vai trò của nhà văn, trước một thực trạng xã hội như vậy.

Một lần nữa ở đây chúng ta lại va phải một sự mơ hồ: nhà văn. Nhà văn chứ không phải văn chương, sản phẩm của ông ta.

Nhưng nhà văn trong câu hỏi thảo luận được xem xét như là một nghệ sĩ sáng tạo hay như một công dân, hay như một con người nói chung?

Một con người bình thường đứng trước cái ác, cái xấu sẽ có thái độ, phản ứng khác với ngay chính người đó khi đứng trên bình diện trách nhiệm công dân, chịu sự ràng buộc, quy định bởi những luật lệ, khế ước của xã hội và tất nhiên, lại càng khác với một nhà văn trong tư cách một người sáng tác tự do.

Vậy thì nhà văn ở đây, có lẽ, cần được xem xét trong mối tương quan không tách rời với sản phẩm sáng tạo, đồng thời cũng là lý do, điều kiện tồn tại, của của chính ông ta trong tư cách một nhà văn, đó là văn chương. Văn chương có thể/không thể làm được gì đối với hiện thực xã hội? Khả tính của văn chương là gì? Chúng ta lại chạm đến một vấn đề khác nữa: quan niệm văn chương.

Để minh họa cho vấn đề trên đồng thời cũng để kết thúc bài viết, tôi xin lấy câu chuyện vốn được lưu truyền ở nước Nga Xô Viết do triết gia Slavoj Žižek kể trong một tác phẩm của ông: Vào thế kỷ thứ XV khi nước Nga bị Mông Cổ chiếm đóng, một người nông dân Nga cùng vợ đi trên một con đường làng bụi bặm. Một tên lính Mông Cổ cưỡi ngựa đi qua, dừng lại nói nói với chàng nông dân: “Tao muốn hiếp vợ mày. Nhưng mà đường bẩn quá, mày phải giữ hai hòn dái của tao để cho nó không được lấm bụi.” Chàng nông dân ngoan ngoãn thi hành mệnh lệnh. Khi đã xong chuyện, gã lính Mông Cổ bỏ đi, chàng nông dân nhẩy cẫng lên sung sướng. Cô vợ ngạc nhiên, hỏi chồng: ”Sao anh có thể vui được? Anh không thấy tôi bị cưỡng bức trước mặt anh hay sao?” Đáp lại, chàng nông dân nói với vợ: ”Ta đã chiến thắng, ta đã làm cho hai hòn dái của nó dính bụi.”

Câu chuyện buồn này chỉ nói lên tình trạng tuyệt vọng của những tiếng nói phản kháng xã hội, trong đó có văn chương. Trong lúc những con người đại diện cho lương tâm, lương tri xã hội hả hê với chiến thắng nhỏ mọn của mình thì cường quyền vẫn tiếp tục hiếp dâm nhân dân, hiếp dâm xã hội.

Vậy thì nhà văn với văn chương của mình sẽ tiếp tục công việc nâng niu tinh hoàn này hay phải hành động triệt để hơn là thiến, hoạn?

Vũ khí phê phán có thể thay thế sự phê phán bằng vũ khí?

Comments are closed.