Thảo luận “Văn chương để làm gì?” (10): Không có “sự phân ly” trong Ban Vận động Văn đoàn Độc lập

Không có “sự phân ly” trong Ban Vận động Văn đoàn Độc lập

Trước hết cần khẳng định một điều: hiện nay không có sự “phân ly” nào cả trong Ban Vận động Văn đoàn Độc lập cũng như trong Văn Việt, như một bài báo đang được phổ biến rộng rãi đã dường như khẳng định. Trong một tổ chức, bất kể là tổ chức nào, huống hồ là trong một tổ chức văn học nghệ thuật, việc có những suy nghĩ và ý kiến khác nhau, thậm chí hoàn toàn ngược nhau về một tác phẩm, một cách viết, một xu hướng hay phương pháp nghệ thuật, cả quan điểm nghệ thuật nữa là hoàn toàn bình thường, hơn nữa là cần thiết, nếu cái tổ chức đó còn muốn là một cơ thể sống đang phát triển chứ không phải một xác chết khô. Cũng có thể nói nghệ thuật phát triển bằng những khác biệt liên tục như vậy, đó là dấu hiệu nó đang sống, nó đang sống khỏe.

Vừa rồi đơn giản chỉ có một chuyện này thôi: một người không thích, không bằng lòng với cách làm thơ của một người làm thơ khác và giải Văn Việt đã được trao cho người đó. Thay vì bày tỏ ý kiến của mình một cách bình thường, hoặc hơn nữa, nếu tự tin ở sự đúng đắn và uyên bác của mình, viết bài phê phán tranh luận, có lý lẽ đàng hoàng, có thể gay gắt, rất gay gắt, đằng này anh ta lại hoàn toàn không làm thế, mà đi chửi toáng lên khắp nơi, chửi đổng, chửi bừa hết, mạt sát không thương tiếc, từ tác giả, Ban Xét Giải, tổ chức Văn đoàn và tất cả những ai không đồng ý với mình, không từ một ai.

Đúng ra còn có mấy người không đồng ý với giải thơ vừa nói, nhưng các anh ấy đều bày tỏ ý kiến rất đàng hoàng, ôn tồn, lịch sự, như trong mọi cuộc trao đổi văn học nghệ thuật bình thường.

Như vậy, chẳng có cuộc “phân ly” nào cả. Chỉ có việc một người trong Văn đoàn đã dùng một thái độ và hành động rất vô văn hóa, đến mức tệ hại nhất có thể, để định giải quyết một việc mà anh ta coi, anh ta tưởng là một vấn đề nghệ thuật, hay thậm chí cả quan điểm nghệ thuật. Chúng tôi không hề “phân ly”. Chúng tôi chỉ thật sự thấy xấu hổ đã từng lỡ có một con người như thế trong tổ chức văn hóa của mình. Vâng, cũng là một bài học vậy.

Trong bài viết về sự “phân ly” kia, tác giả có bảo rằng dường như trong cuộc này ở Văn đoàn chừng nào đó có màu sắc của cuộc tranh cãi Nghệ thuật vị nghệ thuật và Nghệ thuật vị nhân sinh một thời đã xa lơ xa lắc, và trong so sánh đó chắc Văn Việt với việc trao các giải thơ của mình vừa rồi đáng được ghép vào phe thứ nhất, phe suy đồi nghệ thuật vị nghệ thuật. Lẽ ra câu chuyện xưa như trái đất và nay nghĩ lại cũng chỉ là chuyện ấu trĩ, trẻ con một thời ấy, chẳng nên nhắc lại làm gì. Nhưng vi tác giả đã nhắc, thôi thì cũng nên nói một chút: Chính cái tư tưởng sặc mùi dân túy của các vị khăng khăng tự gọi mình là “vị nhân sinh” ấy và chửi bới các tác giả bị coi là vị nghệ thuật chắc cũng chẳng thua gì cái ông ghét cay đắng thơ giải Văn Việt ngày nay, chắc cái tư tưởng tưởng là tiến bộ mà khô cứng ấy rồi về sau đã để lại bao nhiêu hậu quả, nhiều khi đến thê thảm cho suốt bao nhiêu năm văn học nghệ thuật ở ta, kể cả những vụ án văn học thảm hại.

Còn những tác giả rất “vị nghệ thuật”, chẳng có hung hăng đấu tranh gì cả, những “Con nai vàng ngơ ngác” Lưu Trọng Lư, những “Mau với chứ vội vàng lên với chứ, Em, em ơi, tình non đã già rồi” Xuân Diệu, những “… Chị ấy năm nay còn gánh thóc, Dọc bờ sông trắng nắng chang chang” Hàn Mặc Tử…, những “Điêu tàn” bí hiểm Chế Lan Viên, những “Nắng chia nửa bãi chiều rồi…” Huy Cận, và những “… Tây Bắc đoàn binh không mọc tóc… Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm” Quang Dũng… chắc chắn đã góp không nhỏ cho tâm hồn Việt, tinh thần Việt, sức mạnh Việt để dân tộc này đi qua bao thử thách khốc liệt gần thế kỷ qua. Văn học nó thế đấy, không phải cứ hò hét anh hùng mà giục được người ta đứng thẳng dậy và dũng cảm đi tới. Hịch tướng sĩ cũng cần, mà “Đưa người ta không đưa qua sông, Sao có tiếng sóng ở trong lòng…” cũng cần, chưa chắc cái nào hơn cái nào trong từng tâm hồn con người đâu.

Và ai dám bảo những lời thơ trên là không “chính trị”? Khi nó khiến người ta yêu quê hương, yêu con người đến tận đáy tâm hồn.

Chúng tôi đặc biệt kinh ngạc vì lời kết tội sau đây trong bài viết của tác giả sau khi cho rằng có sự phân ly trong Văn đoàn và ngụ ý chúng tôi có vẻ thuộc phe cải lương, muốn đứng ngoài chính trị, liền viết tiếp: “Một trí thức, một nhà văn mà tuyên bố xa lánh chính trị thì chính là một sự lựa chọn chính trị, là hữu ý hoặc vô tình giúp cho cái Chính trị hiện hành được tự do tiếp tục kiềm tỏa mọi mặt của xã hội. Trí thức mà xa lánh Chính trị chính là đầu hàng Chính trị, ủng hộ cái Chính trị hiện hành một cách giấu mặt mà thôi.”

Nếu anh bảo đấy là anh bàn chung về thế sự thôi, thế thì tại sao anh lại nhấn mạnh nó vào đây trong một bài viết đang tập trung nói về việc anh cho là có phân ly trong Văn đoàn? Những người thấy mình bị xúc phạm nặng nề vì chưa từng nghe ai dám nói với mình những lời đó, thấy cần một sự nói lại cho thật sòng phẳng, đàng hoàng, minh bạch của người đã nghĩ và nói nó ra.

Cho nên, nói dấn thân xã hội, dấn thân chính trị, với văn học cần biết nói cách khác, do hiểu sâu xa cách khác. Nếu không thì rất dễ ghép người ta vào “cải lương” lắm, cũng dễ độc đoán trong phán xét chẳng khác gì những kẻ ta vẫn coi là đám độc đoán toàn trị. Ở đây, chắc không cần nhắc lại sự “dấn thân” của nhiều thành viên và tập thể Ban Vận động Văn đoàn với tư cách công dân trong nhiều hoạt động xã hội chính trị, như các cuộc “biểu tình trên mạng “ và “biểu tình trên đường phố” trong suốt 5 năm qua.

Nhân đây cũng cần nói đến Phan Châu Trinh, con người hầu như hoàn toàn cô độc về tư tưởng và đường lối trong thời của ông, bị kết cái tội bị coi là rất nặng, “cải lương”, suốt sinh thời của ông, và còn đến tận bây giờ, tới mức tuy không dám công khai chửi bới ông nữa, nhưng người ta cũng còn rất ngại, rất tránh nhắc đến ông. Hoàng Xuân Hãn nói rất chính xác về điều đặc sắc của Phan Châu Trinh đối với những người cùng thời với ông và cả sau ông: “Phan Châu Trinh là người đầu tiên và duy nhất đi tìm và đã tìm ra nguyên nhân mất nước, dân tộc sa vào vòng nô lệ thảm khốc, là ở trong văn hóa, trong sự lạc hậu quá xa về văn hóa của ta so với đối thủ mới của mình.” Cho nên ông không chỉ đặt vấn đề độc lập, ông đặt vấn đề xa hơn, căn bản hơn: phát triển, cho văn minh bằng thiên hạ.

Văn đoàn Độc lập còn nhỏ bé và yếu ớt, còn đứng trước vô vàn khó khăn, nhưng nhận thức và mục đích, tham vọng của nó là đi theo con đường của Phan Châu Trinh, còn dở dang do những eo nghiệt của lịch sử. Chính vì vậy mà chúng tôi nói rõ chúng tôi luôn có mặt cùng nhân dân trong cuộc đấu tranh gian nan hằng ngày hôm nay, song mục tiêu xa hơn của chúng tôi là góp phần cho một nền văn học tự do và nhân bản, của một dân tộc văn minh cùng thiên hạ.

Một nền văn học như vậy tất phải luôn mở rộng cho những tìm tòi, khám phá mới mẻ. Mà trong văn học và nghệ thuật, nói cho cùng cuộc vật lộn khó nhọc, kiên nhẫn, kiên định và cũng là sinh tử hằng ngày là tìm ra ngôn ngữ mới để khám phá những thực tế mới của sinh tồn. Milan Kundera khẳng định: “Một cuốn tiểu thuyết không nói thêm được một điều gì mới (về cuộc nhân sinh) là một cuốn tiểu thuyết vô đạo đức”.

Văn đoàn, Văn Việt phấn đấu cho một nền văn học có đạo đức như vậy.

TM. BVĐVĐĐL

Nguyên Ngọc

Comments are closed.