Thảo luận “Văn chương để làm gì?” (2): Sự khác biệt trong văn chương (về vụ mới ở Văn đoàn Độc lập)

Inrasara

Trong sáng tạo văn chương nghệ thuật, sự dị ứng với cái mới, cái khác lạ ở đâu và thời nào cũng có. Khác nhau là ở mức độ. Riêng Việt Nam, dị ứng biến thành thù ghét. Thù ghét đến tan đàn xẻ nghé. Vụ ông Lê Phú Khải tuyên “giải tán” [Ban vận động] Văn đoàn Độc lập là một.

Làm thế nào để giải tán nỗi thù ghét kia?

1. Thành phần chữ nghĩa và văn chương

Không phải hễ có học, nhiều chữ nghĩa, hay mang danh trí thức là rành văn chương. Lỗi ở thiết kế chương trình văn học ở Việt Nam đã cho ra đời không ít trí thức mù-chữ-về-văn-chương” (chữ của Nguyễn Hưng Quốc). Có sinh linh không mù, còn nhà thơ hay nhà phê bình có hạng nữa, do thiếu kiến thức về hệ mĩ học văn chương mới, đã không thể cảm nhận được sáng tác mới kia, là điều không lạ. Cũng có người hiểu cái mới, do gu thẩm mĩ khác nhau, nên không thể chấp nhận loại thơ khác mình.

Trích: Song thoại với cái Mới (NXB Hội Nhà văn, 2006):

“Tại sao các thế hệ thơ [thuộc hệ mĩ học khác nhau] không thể chấp nhận nhau, dù họ đều là trí thức hàng đầu ở thời đại họ, nhà thơ hàng đầu nữa? Huỳnh Thúc Kháng ứng xử với Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu và Tố Hữu với thơ Nguyễn Đình Thi. Nhà thơ Trần Mạnh Hảo kêu thơ Nguyễn Quang Thiều là “thứ thơ tây giả cầy”, thơ dịch, mà là dịch tồi! Đinh Linh là nhà thơ Việt hải ngoại sáng giá, thế mà không ít nhà thơ cho chữ nghĩa anh không phải là thơ. Cứ thế, tiếp tục chương trình…”

Tại sao thơ phải chịu thảm trạng ấy?

2. Tính khó hiểu của thơ

Chấp nhận “tính khó hiểu” là yếu tố quan trọng của tinh thần sáng tạo. Lĩnh vực nào thì còn mong có thể chấp nhận được, chứ thơ thì… cực khó!

Một học sinh lớp 9 không hiểu toán lớp 10, hắn chấp nhận mình dốt mà không chút xấu hổ. Một tiến sĩ xem tranh trừu tượng không hiểu, anh bước qua không phát ngôn nửa lời, sợ mọi người chê mình dốt. Còn một giáo sư đại học, thậm chí một anh công nhân mới qua tiểu học đọc thơ không hiểu, dứt khoát ấy cho do nhà thơ… bất tài.

Bởi thơ sử dụng kí hiệu ngôn ngữ, mà ngôn ngữ thì ta cũng chứa đầy bụng như ải như ai. Đọc thơ không hiểu, hứng lên là nhào vô bàn, chả ngán.

3. Về Ban giám khảo

Giám khảo thơ là thứ nhiêu khê nhất trần đời.

Tôi nằm trong Ban giám khảo Giải Sách Hay [mục sách nghiên cứu] của Viện IRED gồm 5 người. Chúng tôi không tham khảo ý kiến nhau, nhưng thường nhất trí khá cao. Ngược lại, ở món thơ thì khác. Phó Chủ tịch Hội đồng Thơ của Hội Nhà văn gồm 9 người. Đề cử tác phẩm lên Ban Chấp hành xét giải, có 3 trường hợp xảy ra:

Tôi đề cử tập thơ này, nếu đa số bỏ phiếu cho cuốn khác, tôi chấp nhận cuộc chơi: Chiều theo đa số. Có bạn thơ nằm trong Hội đồng, lại mang tác phẩm mình ra thi thố; tôi phản đối thái độ này, còn khi tác phẩm kia được đa số, tôi vẫn chịu. Có tập thơ chỉ được 2 phiếu ở Hội đồng, trong khi 2 tập khác được 7-8 phiếu, vậy mà Ban Chấp hành cho tác phẩm bị loại kia được giải duy nhất của năm, tôi phản đối quyết liệt, trên báo trong nước lẫn RFA. Bởi đó là thái độ thiếu tôn trọng Hội đồng chuyên môn do chính BCH đề cử.

4. Vụ giải Thơ của Văn Việt

Văn chương vô bằng cớ, ở đó nẩy ra nhiều khác biệt, là chuyện miễn bàn. Chính điều đó biểu hiện sự phong của tâm hồn con người, và ngược lại, làm cho đời sống tinh thần nhân loại giàu sang lên.

Nếu Hội Nhà văn Việt Nam luôn nhất quán ở một hệ mĩ học [hay vài hệ mĩ học tương cận], Văn đoàn Độc lập muốn làm khác: Tìm kiếm và tôn trọng sự khác biệt. Hội đồng giải thưởng mỗi vụ mỗi thay phiên, cũng là cách để tạo ra sự khác biệt. Đó là cách làm đáng khích lệ.

Thế rồi cái MỚI, cái KHÁC LẠ kia va chạm với ba thành phần chữ nghĩa trên. Và có chuyện. Va chạm, hay phản đối – được lắm! Chẳng được tí nào là ở thái độ. Xin nhắc lại: Đam mê cái khác lạ, chấp nhận “tính khó hiểu” là yếu tố quan trọng của sáng tạo.

Sáng tạo thử nghiệm có thể thành công nhiều hay ít, thậm chí có thể thất bại – không vấn đề! Dám, đã là một dũng cảm. Trường phái Dada trong hội họa, trào lưu Tiểu thuyết mới trong văn xuôi, hay trào lưu siêu thực trong thơ chưa cho ra lò được tác phẩm vĩ đại nào để đời, mà đã chết. Bù lại, chính chúng đã làm nên cuộc cách mạng trong văn học nghệ thuật, để lại dấu ấn lớn ảnh hưởng đến hôm nay.

5. Thái độ với văn chương chữ nghĩa

Không hiểu, tạm chấp nhận cái đã, tìm hiểu sau – mới là dân biết điều. Kinh nghiệm từ từ bộ óc vĩ đại nhất thế kỉ XX: Einstein cũng là bài học đáng ôn tập. Ông không chấp nhận, cạnh đó còn nhạo báng thuyết lượng tử, cuối cùng là…

Không hiểu, phản bác quyết liệt – cũng tốt nốt. Để thiên hạ có cơ hội nói lại, còn sự nói lại đó có đả thông được hay không là chuyện khác. Chứ mới ngó thấy cái khác mình, không cần tìm hiểu mà đã xúc phạm, mạt sát nhau cho dứt tình anh chị em, thì hỏng to rồi.

Cái hỏng to kia, tiếc là diễn ra với các trí thức tôi rất yêu quý!

Chakleng, 30-7-2019

Comments are closed.