Thảo luận về dịch qua bài Trần Thiện Đạo phê bình «Những ruồi» (kỳ 2)

Dịch và phóng tác

Thụy Khuê

Mở trang Văn Việt ngày 5 tháng 8 năm 2016 tôi không khỏi ngạc nhiên trước bài viết của ông Tô Thẩm Huy về dịch thuật nhắm vào đối tượng là dịch giả Trần Thiện Đạo. Thoạt tiên, tôi mỉm cười nghĩ đến sự phản hồi sẽ không kém phần lý thú của dịch giả họ Trần, nhưng niềm vui biến mất ngay, khi nghĩ đến tình trạng từ hơn năm nay, ông Trần đã ngưng hoạt động vì tuổi cao, không trả lời điện thoại, không đọc được và không viết được nữa, sức khoẻ lụi dần như ngọn đèn trước gió.

Mấy điều ngắn ngủi này có chủ đích nói lại một số điểm đã được ông Tô đưa ra nhưng ông Trần không còn đọc được, tôi thay lời người bạn vong niên, giải thích với độc giả sự khác biệt giữa quan điểm của một dịch giả (ông Trần là dịch giả chứ không phải học giả) và một nhà phóng tác là ông Tô.

1- Một dịch giả đích thực bắt buộc phải có những đức tính mà Trần Thiện Đạo đã đưa ra và đã thực hành trong suốt cuộc đời dịch thuật của mình và điểm đầu tiên là: Sự khắt khe đối với chính mình và đối với từng chữ mình dịch.

Với việc dịch không thể áp dụng câu ngạn ngữ “chín bỏ làm mười”, thông qua những lỗi “nhỏ“, bởi trong dịch thuật, không có lỗi nhỏ và không có lỗi lớn, chỉ có lỗi mà thôi. Mục đích của dịch thuật là tiến tới một bản dịch tương đối hoàn chỉnh. Vì thế, trong bao nhiêu thế kỷ, đại thi hào Ý, Dante vẫn chưa có một bản dịch tiếng Pháp hoàn chỉnh của Thần kịch (Divine comédie) để những người Pháp không rành tiếng Ý có thể hiểu hết cái hay của Dante. Chúng ta cũng chỉ có những bản dịch Kiều của Nguyễn Du sang văn xuôi tiếng Pháp mà thôi.

2- Dịch không phải là suy diễn:

Trong đề tựa Les mouches của Sartre, chữ Les chỉ có độc một nghiã và độc một vai trò là arcticle défini (định quán từ) tức là chữ đặt trước một danh từ số nhiều (ở đây là ruồi). Ngoài ra chữ les không có nghiã gì khác nữa, và Sartre cũng không dùng nó trong bất cứ nghiã “mới” nào do ông tạo ra.

Còn chữ những trong tiếng Việt có nhiều nghiã:

1- Là chữ đặt trước một danh từ số nhiều, như trong tiếng Pháp.

2- Tới mức: Nó ăn những năm bát cơm.

3- Luôn luôn, hằng: Những mong nàng đoái hoài đến tôi.

4- Như: Tôi tìm ra thức ăn chứ những nó thì nhịn.

5- Bất cứ: Những ai đã dự vào buổi họp này đều…

6- Nhiều lần lập lại: Những là rầy ước mai ao (Kiều).

7- Chỉ: Những nghe nói đã thẹn thùng (Kiều), v.v.

Nguyễn Du, một đại thi hào, dùng chữ toàn diện, tức là dùng chữ trong tất cả các nghiã mà nó có thể có. Vì thế, người ta thường coi các đại thi hào là “mẹ đẻ” của tiếng nói dân tộc họ: Như Dante là “mẹ đẻ” của tiếng Ý, Nguyễn Du là “mẹ đẻ” của tiếng Việt, v.v.

Nguyên Sa, Bùi Giáng, và những nhà thơ khác, đều có cách dùng chữ khác người. Vì sự khác biệt giữa lời nhà thơ với lời nhà văn và lời nói thông thường cho nên ta không thể lấy chữ của nhà thơ, đem vào một bản dịch của một tác giả mà nghiã câu văn đã được xác định.

Muốn dịch chữ les sang tiếng Việt, thì ta phải biết nghiã chữ les trước. Chữ les trong tiếng Pháp chỉ có một nhiệm vụ duy nhất là chữ đặt trước một danh từ số nhiều mà thôi. Vậy ta không thể lấy những nghiã khác trong tiếng Việt để dịch nó, mượn cớ vì Nguyễn Du dùng.

Les mouches, dịch sang tiếng Việt đúng là Những ruồi và là một người đọc, ông Tô hoàn toàn có quyền coi Những ruồitài hoa, ảo diệu, là cái tựa hay tuyệt vời.

Nhưng đến đây, người dịch phải dùng đến kiến thức về tiếng nói của mình, tức là tiếng mẹ đẻ. Từ lúc biết nói, mẹ ta đã sửa cách nói cho ta, sửa bằng cách câu nào ta nói sai, bà bảo phải nói lại cho đúng. Mẹ ta dựa vào đâu để biết: đúng, sai? Bởi có những bà mẹ không bao giờ đi học. Bà dựa vào sự trái tai. Câu nào bà nghe thấy trái tai, là vì ta nói sai. Câu nào bà nghe thuận tai, là ta nói đúng.

Từ thủa cha sinh mẹ đẻ đến giờ, ta chưa nghe ai nói Những ruồi trong tiếng Việt, cũng như Những mèo (khi người ta dịch Les chats của Baudelaire sang tiếng Việt). Mà trong tiếng Việt, chỉ cần nói ruồi, là ta đã hiểu có nhiều ruồi. Chỉ cần nói mèo, là ta hiểu mèo theo nghiã rộng: những con mèo.

Vậy, với Les mouches của Sartre, khi dịch là những ruồi, ta nghe thấy trái tai, vì thế ta gạch chữ những đi, chỉ để ruồi là đủ. Dịch giả Trần Thiện Đạo không nói gì ngoài những điều mà tôi vừa diễn tả.

2- Sự khắt khe đối với chữ nghiã, lại được dịch giả họ Trần áp dụng lần thứ nhì, khi ông chỉ ra cái sai của Phùng Thăng, khi dịch mouche à viande (mà ông Tô viết lầm thành mouche a viande) là ruồi ăn thịt.

Vì không có sự khắt khe này, nên Phùng Thăng đã dịch-từng-chữ -một (mot-à-mot) mà không để ý đến vấn đề thành ngữ. Cụm từ mouche à viande, nghiã là ruồi nhặng, đồng nghiã với mouche bleue nhặng xanh, chứ không phải ruồi ăn thịt. Dịch như thế này chứng tỏ Phùng Thăng yếu cả tiếng Pháp nữa.

Cũng vì không có sự khắt khe này, nên trong một đoạn văn ngắn mà ông Tô đã viết tới bốn lần chữ mouche a viande, và một lần chữ mouche a merde, với chữ a không có dấu huyền.

Chắc ông Tô quên đánh dấu, nhưng ông quên tới năm lần tức là ông không cẩn thận. Vì ông không cẩn thận, cho nên người đọc có thể hiểu là ông đã nhầm chữ à (liên từ) với chữ a (ngôi thứ ba, số ít, của động từ avoir, nghiã là . “Mouche a viande” nghiã là: “Ruồi có thịt“). Sự bất cẩn này cũng chỉ là một “lỗi nhỏ” vì vô ý (bởi một dấu huyền thì có nghiã lý gì) nhưng có thể làm cho độc giả hiểu lầm là người viết không sành tiếng Pháp, vậy khó mà có khả năng phân biệt đâu là dịch đúng, đâu là dịch sai.

3- Dịchphóng tác là hai việc làm khác nhau: ông Trần là dịch giả, còn ông Tô biện hộ cho sự phóng tác.

Một dịch giả có bổn phận phải trung thành với nguyên tác. Cho nên Trần Thiện Đạo viết:

“… hắn [dịch giả] chỉ tự do trung thành, tuyệt đối trung thành, nghiã là phải bám sát gót, đặt chân mình vào đúng dấu chân của tác giả, không chệch choạc, chệch đường, chệch hướng (…) [trung thành] không chỉ dáng dấp bên ngoài mà còn cả nội tâm”

Sau khi trích lại đoạn văn có câu trên của Trần Thiện Đạo, ông Tô viết thêm: Tôi kính trọng cái quan niệm tuyệt đối trung thành ấy của ông. Nhưng câu hỏi đặt ra là trung thành với cái gì? Và ông Tô trả lời: “Dịch là công việc diễn tả lại cảm xúc riêng tư của mình [đối với tác phẩm] qua một phương tiện khác, bằng một ngôn ngữ khác. Không thể nghĩ là ai khác cũng rung động, cảm xúc giống mình. Dịch vì thế không phải là nô lệ mà là sáng tạo.”

Những điều này ông Tô viết cũng không sai, nhưng chỉ đúng với những người “cảm nhận” tác phẩm nghệ thuật, tức là người đọc, người phê bình, hoặc người phóng tác, vì họ không dịch nên họ không có bổn phận phải trung thành với nguyên tác.

4- Khi Bùi Giáng dùng chữ dịch thì cũng giống như ông dùng chữ đười ươi, chuồn chuồn … gì đó. Và khi ông gọi việc làm của ông là dịch, thì ta cũng nên hiểu là ông… rỡn đấy thôi. Không một dịch giả đứng đắn nào lại bắt chước Bùi Giáng cả.

Dịch Sartre là một việc làm khó khăn và cần có sự khắt khe đối với chữ nghiã và đối với chính mình. Vì Sartre là người viết rất chính xác và cẩn trọng. Ở Sartre, không có rỡn, không có chuồn chuồn, châu chấu, cũng không có chỗ cho Bùi Giáng “lang thang phôi pha tháng ngày đìu hiu đi dạo”.

Bài của Trần Thiện Đạo in tháng 12 năm 1967 tại Sài Gòn, trên báo Văn là tờ báo chủ trương phát huy việc dịch và giới thiệu các tác giả ngoại quốc, với chủ bút là dịch giả Trần Phong Giao và với sự cộng tác của các dịch giả nghiêm túc như Nghiêm Xuân Hồng, Mặc Đỗ… Trần Thiện Đạo phê phán việc dịch của Phùng Thăng, gọng có khắt khe, nhưng đúng cả, nên không ai phản bác, và bài viết đã có tác dụng tốt cho việc dịch thuật thời ấy.

In lại bài Trần Thiện Đạo phê bình Phùng Thăng, nhà xuất bản Tri Thức đã làm một việc có ý nghiã: nhắc những bạn trẻ sắp bước vào nghề dịch phải lấy sự khe khắt với chữ nghiã và với chính mình làm đạo đức nghề nghiệp. Sai một ly đi một dặm, như ta vừa thấy trong trường hợp chữ aà trong tiếng Pháp đã nói ở trên.

Vì vậy, không thể dịch bừa, dịch nhanh lấy cốt truyện, mà còn phải, như lời dịch giả họ Trần: “Một bản dịch hoàn hảo phải tiến tới sự đồng nhất tinh thần và bút pháp giữa dịch giả với tác giả”.

T. K.

Les Issambres, ngày 6/8/2016

Comments are closed.