14 bài thơ mô hình Trắng Đen Xám

Ngu Yên

Tôi nghĩ: Khó quá!

image

 

Mỗi ngày, tôi dành một số thời giờ tìm hiểu thêm về thơ Mô Hình và những biến dạng của nó.

Đối với người thưởng ngoạn bình thường, thơ là lời lẽ. Lời nói, lời viết mang theo lý lẽ, lẽ phải, hoặc lẽ ra, tức là khám phá được ngụ ý, ám chỉ, ẩn dụ, tượng trưng. Đối với sáng tác, vai trò ngôn ngữ không đóng vai chính nhưng đối với người đọc, ngôn ngữ dẫn đầu.

Người bình thường đọc thơ, muốn biết nhà thơ đang nói điều gì. Và ngay lập tức để sự phê phán hiện ra trong tâm trí. Người có kinh nghiệm đọc thơ, sẽ chọn bài thơ để đọc và đọc nhiều lần. Thưởng thức cảm xúc và kỹ-nghệ-thuật trong bài thơ. Thưởng thức tài năng và những gì nhà thơ đã nói, ẩn sau lưng bài thơ. Trong cả hai trường hợp, thơ Mô Hình cần phải có lời lẽ như thế nào để làm quen với người đọc và ở lại với họ?

Những con chim hót hay không chỉ thỏa mãn tai nghe, mà gợi lên cảm xúc. Âm điệu của tiếng hót không nhất thiết phải trầm bổng, líu lo, mà đôi khi, chỉ vài tiếng kêu thôi, đã tạo ra bàng hoàng.

Có lẽ đã hơn mười năm, nay đã quên tác giả là ai và ở trong sách nào. Chỉ nhớ mang máng ông ta là một thi sĩ giáo sư viết về văn chương. Một câu nói của ông gây cho tôi suy nghĩ nhiều năm: Lời thơ vượt lên trên triết học và văn xuôi ở chỗ tinh tế. Cụm từ “tinh tế” vừa sâu sắc vừa thông minh. “Tinh tế” mang đến tính nhạy cảm, tính kinh ngạc, và sức lóng lánh của ánh sáng.

“Tinh tế” theo tôi hiểu, là cách dùng chữ, ráp câu khi diễn tả, được chọn lọc theo ý nghĩa thâm thúy và thẩm mỹ nổi bật, hoặc được vô thức cung cấp những cụm từ, những lời lẽ khác thường nhưng thuyết phục lòng người. Lời thơ tinh tế làm cho người đọc xán lạn. Đó là mặt bên ngoài, bên trong là hình ảnh, tứ thơ trong một luận lý biến hóa vượt lên khuôn khổ thông thường. “Tinh tế” là loại siêu nhận thức từ kinh nghiệm nhận thức.

“Từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ

Ôi những dòng sông nhỏ lời hẹn thề là những cơn mưa”

(Tình xa. Trịnh Công Sơn)

Một câu rưỡi trước dùng dọn đường cho sự xuất hiện của lời lẽ tinh tế: lời hẹn thề là những cơn mưa.

“Băn khoăn mùi vị chết giống thứ gì

Đến một lúc nào, tôi thả bươm bướm bay

Trả về gió

(Venus’s Flytraps. Yusef Komunyakaa)

Ám chỉ chết như bươm bướm được trả lại cho gió bay, sau bao ngày bị giam hãm trong cõi đời.

“Thế giới

một dòng liên tục đổi thay

và ánh sáng chạm đến thứ gì

thứ đó trở thành ánh sáng

(Monet Refuses the Operation. Lisel Mueller)

Ánh sáng tự nó là sáng hoặc phải có vật bị chiếu mới biết có sáng?

“Tinh tế” theo tôi hiểu, nó thể hiện tính triết học, tính suy tư, tính cô đọng của kinh nghiệm sống, tính khám phá chất lạ trong điều quen, nhưng không diễn tả như triết học, như văn xuôi.

[…]

Dấu hai chấm (:)

hai vịt trời thả nổi

một con lặn bắt ốc sên

[…]

Dấu hoa thị (*)

chim xanh mắt đỏ (1)

bắt hạc bay giữa trời

Dấu phẩy (,)

một lông vũ

giữa sóng nhấp nhô.

Dấu chấm than (!)

chim hồng tước đậu trên hàng rào

rình rập

Hai chấm (:)

vịt mỏ nhọn lội về hướng xoáy nước

nơi cá hồi sáng sớm vẫy vùng

Dấu hỏi (?)

thời gian dài im lặng

sau tiếng kêu chim Lặn lao vào nước

Dấu chấm (.)

quả trứng xanh ở đây suốt mùa hè

bây giờ đâu mất.

(Birds Punctuate the Days / Đàn chim ghi dấu văn phạm lên tháng ngày, Joyce Clement. Trong David Lehman  và Dana Gioia (eds.), The Best American Poetry 2018. New York: Simon & Schuster, trang 15.)

Ghi:

(1) Verio một loại chim đa số có lông xanh. Con đực điểm thêm lông vàng. Việt Nam chưa có tên gọi.

Bài thơ này thuộc thể loại Tân Hài Cú. Như vậy, những lời thơ đánh thức người đọc, hóa tâm trí bừng sáng về một điều gì, là lời thơ tinh tế.

“Tinh tế” thể hiện trên ngôn từ và cú pháp của thơ Mô Hình, theo tôi nghĩ, nên theo thời đại. Thời đại nào cũng có cách diễn tả, sử dụng ngôn từ, thi triển cú pháp theo một nhịp sống riêng. Nhịp sống, những đòi hỏi mới, những thói quen đang thành hình trong xã hội, tâm lý và nhu cầu con người đương đại phải tìm thấy trong thơ đương đại.

[…]

Nghe đây

Ma túy, bắn

Cướp bóc, bắn

Cầm súng, bắn

Giựt đồ, bắn

Chọn đi. Dù sao, bị bắn chỉ được chọn một lần

Lời khuyên của thầy giáo cho học sinh trẻ

Dán nhãn hiệu người nhện vào hộp ăn trưa

[…]

Nơi đến cuối cùng của tôi khác với nơi tôi muốn đến

Vì tôi sẽ bắn ngôi sao trên trời để bị bắn lại

Một phát.

(One Shot. Tariq Trotter aka Black Thought. https://lyrics.az/tariq-trotter-aka-black-thought/-/one-shot.html)

Chim hót, chim kêu, tạo nên cảm xúc, không chỉ vì âm điệu, nhưng vì bối cảnh đã sửa soạn lòng người để cảm nhận âm thanh. Buổi tà dương, tiếng chim thường nghe thê lương. Cũng tiếng hót đó trong bình minh gây cảm khoái. Nỗi băn khoăn được suy diễn là bối cảnh tạo thêm cảm xúc cho lời thơ hoặc lời thơ tạo thêm cảm xúc cho bối cảnh?

Mô hình của thơ là mô hình thiên nhiên và mô hình nhân tạo, hoặc mô hình kết hợp cả hai. Dù là mô hình nào, đã là mô hình phải chứa đựng ký hiệu, ý nghĩa, ẩn dụ, tượng trưng, ngữ cảnh, ngữ mỹ và ngữ nghĩa. Giá trị, ý nghĩa và cảm xúc của thơ gia giảm hoặc thay đổi tùy thuộc vào mô hình mà bài thơ xuất hiện. Hầu hết người đọc thơ đều có kinh nghiệm: Cùng một bài thơ, đọc trong hoàn cảnh khác nhau, thời điểm khác nhau, tạo cảm xúc và mỹ cảm khác nhau. Kinh nghiệm này cho thấy tầm quan trọng của mô hình xác định hoặc mô hình di động đối với bài thơ thể hiện trong mô hình.

Mô hình không phải chỉ là kiểu mẫu, công thức, hình thể, khoảng trống, khoảng chứa, mặt bằng, mặt không gian… Mô hình còn là phương tiện, điều kiện ắt có, bạn đồng hành với bài thơ. Thơ luôn luôn xuất hiện trong mô hình. Mô hình thơ là toàn thể hình thức, nội dung và sự sinh hoạt trong đó.

Như vậy, mô hình thơ không phải là điều gì mới mẻ, chỉ là khám phá cụ thể hơn về sự chưa nhận dạng trước đây. Trước đây, thơ hiện diện trên trang giấy, mô hình là hình thức trang giấy và nội dung bài thơ. Thơ xuất hiện trên lưới, mô hình là khoảng không gian chứa thơ và nội dung bài thơ. Sự khám phá mô hình thơ, cho phép bài thơ được chú trọng đến nơi chốn, vị trí nó xuất hiện và kết hợp. Cho phép sáng tạo thể hiện thẩm mỹ, ý nghĩa, giá trị, và cảm xúc bao bọc ba chiều chung quanh bài thơ. Khái niệm này cho thấy thơ ở ngoài bài thơ, ở sâu bài thơ, ở vượt bài thơ.

Trong một bài thơ, nhiều câu thơ bình thường làm phụ cảnh hoặc bàn đạp cho những cụm từ hoặc những câu thơ tinh tế. Tôi tự hỏi, phải chăng điều sáng tác cần làm là tuyển chọn những cụm từ, những câu thơ tinh tế để đưa vào thơ Mô Hình? Những lời thơ rời, những đoạn thơ mảnh, phù hợp với sự không mạch lạc và độc lập của các mô hình trong một bài thơ.

Có lẽ, nên đề nghị, lời thơ Mô Hình còn cần nhiều nghiên cứu nhưng trong tạm thời, lời thơ phải tạo cơ hội gây tỉnh ngộ, khoái chí hoặc suy tư cho người thưởng ngoạn?

Khó quá!

Ngu Yên. Houston tháng 10 năm 2019.

image

image

 

image

image

 

image

 

image

image

 

image

 

image

image

 

image

image

 

image

 

image

 

image

Comments are closed.