40 NĂM THƠ VIỆT HẢI NGOẠI (10): THẾ DŨNG

clip_image002

Thế Dũng, họ

Sinh năm 1954, người Hải Dương. Từ năm 1971 đến 1976 là lính lái xe trong quân đội nhân dân Việt Nam. Bắt đầu in thơ, truyện, tiểu luận phê bình từ 1974. Tốt nghiệp Khoa Ngữ Văn ĐHSP I Hà Nội (khóa 1976-1980). Sinh sống tại Berlin từ 04 năm 1989.

Các tác phẩm chính:

Hoa Hồng Đến Muộn (Thơ 1990, Hội VHNT Hải Hưng)

Người Phiêu Bạt (Thơ, NXB Hội Nhà Văn 1992)

Tiếng người trong đá Giáp Sơn (Tiểu thuyết lịch sử, NXB Văn hóa thông tin Hà Nội 1993)

Từ Tâm (Tập Thơ, Trilce Berlin 1997)

Chuyện tình dở dang (Unvollendete Liebesgeschichte, Tiểu thuyết kịch bản tiếng Đức, Trilce Editionen Berlin, 2000)

Chuyện tình dở dang (Tiểu thuyết kịch bản tiếng Việt, An Tiêm Studio in ở Mỹ năm 2000)

Mùa Xuân dang dở (Tập thơ – bản tiếng Đức do NXB Horlemann tại C.H.L.B. Đức in năm 2003).

Tự vấn (Tập Thơ – bản tiếng Đức do Vipen & Trilce Editionen Berlin in năm 2003)

Hộ chiếu buồn (Tiểu thuyết, NXB Hội Nhà Văn 2003)

Tiếng Người Trong Đá Giáp Sơn (Tập truyện, NXB Hội Nhà Văn 2005)

Từ Tâm (Tuyển tập thơ, NXB Hội Nhà văn 2005)

Tình Cuội (Tiểu thuyết, NXB Hội Nhà Văn 2006)

Thế Dũng là một trong vài đại diện văn chương của thế hệ những người Việt tự do sau khi chủ nghĩa cộng sản ở Đông Âu, với biểu tượng của nó, bức tường Bá Linh, sụp đổ, còn được gọi là những “tường nhân”. Trong dòng văn học Việt xuất phát từ Đông Âu, Thế Dũng vẫn giữ gìn bản sắc và bản lĩnh ấy.

Trong nhiều trường hợp, thơ Thế Dũng có tính chất vần điệu, với vài ước lệ, nhưng có sức công phá nhờ hình ảnh và tưởng tượng đặc biệt. Chính sức cảm và nghĩ đã nới rộng và làm mới ngôn ngữ thơ. Anh có thể sử dụng nhiều thể khác nhau, từ lục bát đến tự do, có khả năng kết hợp hoặc sử dụng riêng biệt tính trữ tình và tính đối thoại.

Những suy tưởng của anh đôi khi lặng lẽ, kín đáo, nhưng thường là vạm vỡ, tâm tình, vang động, gây ảnh hưởng lên người khác: cảm xúc trường ca. Thơ anh có lẽ chưa được đọc nhiều và phê bình một cách đầy đủ, xứng đáng với nó, ở hải ngoại hoặc trong nước, là nơi anh trở về cư trú một thời gian dài.

Lòng yêu nước, tính cách riêng tư mạnh mẽ, sự công bằng lịch sử là các động lực chính của thơ Thế Dũng. Nhưng anh sẽ còn thám hiểm nhiều hơn nữa vào những hiện thực mới và dường như nếu muốn, anh có thể không ngớt làm ngạc nhiên người đọc yêu thơ chúng ta.

Văn Việt trân trọng giới thiệu.

1. Mẹ Việt Nam – Không chỉ nhìn ra biển

Thân yêu tăng đồng bào Việt Nam đã tham gia biểu tình

ngày 09.07.2011 tại Thủ đô Berlin

1

Thưa Bố Lạc Long,

Thưa Mẹ Âu Cơ

Việt Nam – Không chỉ nhìn ra biển

Kia Tam Đảo -Trường Sơn trùng điệp vượt Hoành Sơn

Hùng vĩ Tây Nguyên mái nhà đất nước.

Mấy thủ lĩnh bí cờ xôi thịt đã dính bẫy Boxit Trung Quốc? *

Mẹ đau như xương sống bị đâm, như cột sống bị đè?

Ai đã bán chui biên thùy bằng những mật ước?

Ai đã bán vụng lãnh hải Tổ quốc trong canh bạc độc tài?

Chỉ vì rung chuông Hãy cảnh giác Bắc Triều, bao nguyên khí quốc gia đã bị hủy hoại trong ngục?**

Mẹ Việt Nam – Không chỉ nhìn ra Biển

Đau đớn nhìn những thủ lĩnh tối cao hết đát

Thầm ghi khắc từng dòng bí sử

Trong thâm cung nhơ nhớp một bầy sâu?***

2

Thưa An Dương Vương

Thưa Linh nữ Mỵ Châu

Mẹ Việt Nam – Không chỉ nhìn ra Biển…

Những nẻo rừng hồi, rừng quế Lạng Sơn

Những cánh rừng đầu nguồn đã bị ngoạm,

Bị chiếm bằng những hợp đồng cạm bẫy 50 năm…*

Khác chi nuôi ong tay áo?

Khác chi nuôi cáo trong nhà?

Hốt hoảng nhận ra Trung Quốc đã trúng thầu 30 trọng điểm?

Tiền bịt mắt? – kệ ngoại nhân trấn yểm?

Mặc những địa linh bị phong tỏa âm thầm?

Rồi sẽ như loãng xương và liệt kháng toàn thân?**

Mẹ Việt nam – Không chỉ nhìn ra Biển

Sợ giặc thình lình đứng sững phía sau lưng.

3

Thưa Mẫu Thượng Ngàn

Thưa Hưng Đạo Vương

Mẹ Việt Nam – Không chỉ nhìn ra Biển

Bao dòng sông nhiễm độc đã chết khô, chết nghẹn…

Sông Hồng, sông Lô, sông Thao, sông Chảy

Sông Đà, sông Đáy, sông Mã, sông Hương, sông Thạch Hãn, sông Hàn

Sóng Sài Gòn đau từng cơn triều cường sụt lở

Sóng Cửu Long không đứt mạch Biển Hồ

Mẹ Việt Nam- Không chỉ nhìn ra biển

Thủy long kinh Mê Công đang bị chặt, bị ém…

Những long mạch ở Vientiane, Phnom Pênh cười khóc nghẹn ngào với Bangkok?*

Những tiểu quốc chớ rã rời bạc nhược!

Đông Nam Á có liên minh thành khối?**

Để giữ vững chủ quyền

Mẹ Việt nam – Không chỉ nhìn ra Biển

Chỉ sợ láng giềng mắc mưu ly gián

Có thể giặc bất ngờ tập kích phía ngang hông?

4

Thưa Phù Đổng Thiên Vương!

Thưa Tiên Dung Công chúa!

Mẹ Việt Nam – Không chỉ nhìn ra biển

Bao sử gia cay đắng nhìn trời

Chiến sử Việt –Trung phải được soi sáng

Ngày 19 tháng 01 năm 1974, Trung Cộng lộ mặt cướp Đảo

Thủy quân Việt Nam ở Hoàng Sa mất xác, chìm tầu sau kịch chiến bi tráng

Ngày 17 tháng 02 năm 1979, máu đổ ở Tam Lung, Đồng Đăng, Lạng Sơn

Trung Cộng dã tâm táng tận

Từ ngày 02 đến ngày 28 tháng 04 năm 1984:

Trung Quốc pháo kích nát Hà Giang

Và đánh chiếm bất ngờ cao điểm 1509

Chúng con âm thầm mất máu ở Yên Minh

Mẹ gục ngã bởi hỏa lực gian hiểm

Sau 1800 ngày kịch chiến Lưỡng Sơn

Hơn ba ngàn quân mất xác?

Tới Ải Nam Quan ứa lệ Kỳ Cùng

Thác Bản Giốc văng ra ngoài cột mốc.

Đau chẳng thể kêu! Uất chẳng dám gào!

Ngày 14 tháng 03 năm 1988: Đạn Trung Cộng xả vào ngực Việt Cộng

Máu Việt kết hàng ngang vẫn ngã xuống Đảo chìm

Kẻ thảm sát đảo Gạc Ma phải ra vành móng ngựa?*

Bao Luật gia bất lực với Luật rừng?

Chúng con nhất thiết phải lên tiếng!

Ngày 26 tháng 05 năm 2011, chúng cắt cáp Bình Minh 2

Ngày 09 tháng 06 năm 2011, chúng cắt cáp Viking 2 trắng trợn**

Sao cứ nhận kẻ thù là bạn?

Sao không dám đoạn giao đoạn tuyệt

Trong tư thế ngoại giao đĩnh đạc can trường ?

Mẹ Việt Nam – Không chỉ nhìn ra biển

Để bảo vệ chủ quyền phải bầy trận đa phương!

5

Thưa Bố Rồng

Thưa Mẹ Tiên

Mẹ Việt Nam – Không chỉ nhìn ra biển

Chúng con dầu dãi phiêu lưu Á, Âu, Phi, Mỹ, Úc…

Đứa Tiến Sĩ, đứa công nhân

Đứa học giả, đứa giáo sư

Đứa khôn, đứa dại. Tóc bạc, tóc xanh…

Dù cộng sản hay không cộng sản

Hôm nay, ngày 09 tháng 07 năm 2011

Tất cả xuống đường biểu tình vì Nước

Chúng con dõng dạc hô vang:

Hoàng Sa-Trường Sa: máu thịt Việt Nam

Chúng con ở Mỹ, ở Canada, ở Pháp, ở Bỉ, ở Hàn, ở Úc, ở Nga

Chúng con ở Ý, ở Anh, ở Đức, ở Đông Âu, ở Nhật

Tay trắng tha hương cùng Trời cuối Đất

Không binh lực, không hỏa lực chỉ có tinh lực, trí lực

Chỉ có trái tim trẻ trung yêu nước,

Hơi thở chúng con sinh thành khí lực

Tiếng hát chúng con hóa thần lực dâng Người!

Mẹ Việt Nam – Không chỉ nhìn ra biển

Châu Âu ở Berlin cùng người Việt hô vang:

Biển Đông là Biển Đông Nam Á

Không có Biển Đông của riêng Trung Quốc.

Đả đảo Luật rừng trên Thái Bình Dương.

6

Thưa Mẫu Liễu Hạnh

Thưa Thánh Tản Viên

Việt Nam – Không chỉ nhin ra biển

Nhìn lên Hymalaya đỉnh Everest như Tổ Sơn lẫm liệt

Cuồn cuộn trào tuôn Thiên lực cổ sinh

Truyền Linh khí xuống Hoàng Liên Sơn hiểm trở

Vụt hiện Fanxipan mở thế Thăng Long?

Lừng lững Núi Tản – Sông Đà

Ba Vì như Trấn Sơn

Thâm nghiêm Núi chầu – Sông tụ

Thủa Tô Lịch còn chưa ách nghẽn

Thủy não-Hồ Tây như một tiểu Minh đường

Biển Đông như một Minh đường lớn

Hoàng Sa -Trường Sa là liên châu Trấn quốc

Là giao lộ hải hành bốn biển liên thông

Ngó thế sự Á-Âu-Phi-Mỹ-Úc

Nhìn Mỹ-Trung, Mỹ-Nga, Mỹ-Phi, Mỹ- Nhật, Mỹ-Hàn…*

Việt nam – Không chỉ nhìn ra biển

Ngẫm chín hướng mười phương để lập thế sơn hà!

Việt Nam – Không chỉ nhìn ra biển

Uống Dân chủ-Đa nguyên Thần-Trí sẽ Thăng Hoa

Berlin -Đức Quốc

02-07-2011

Chú thích (của TD):

1*- Mời đọc:

a) Kiến nghị về quy hoạch và các dự án khai thác Boxit ở Việt Nam tại:

www.boxitvn.blogspot.com

b)Bô xít Tây Nguyên – Ông Mạnh, ông Dũng và tướng Giáp – Bài trên Tacke blog được đăng lại trên www.tranhung09.blogspot.com

c) Cát Vàng, Cát Dài – của nhà thơ Viên Linh, 04-04-2009,

Đăng bởi: http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/?a=132899&z=257 ngày 22-06-2011

1** Mời đọc:

a) Hãy cảnh giác Bắc triều – Luật gia Lê Chí Quang (01-10-2001)

Đăng lại: bởi Trang chủ 360plus Ngày 27-06-2011

b) Hiệp định Thương mại & quan hệ Việt Nam Hoa kỳ – Luật gia Lê Chí Quang (19-06-2001)

Đăng tại: www.canhen.de/_private/lechiquang/baiviet/baiviet_LCQ/19-06-01.htm

c) „Luật rừng“ – trong những phiên tòa của Đảng của Đại Nghĩa đăng tại: www.tranhung09.blogspot.com 13-03-2011

d) Thư của Luật sư Cù Huy Hà Vũ gửi Đại Tướng – Chủ tịch nước Lê Đức Anh ngày 23/12/2007

Đăng tại:www.boxitevn.blogspot.com ngày 16-06-2011

e) Từ Lê Chí Quang tới Lê Công Định của Lý Thái Hùng

g) Vụ án Cù Huy Hà Vũ một góc nhìn – Luật gia Trần Lâm

Đăng tại: www.danchimviet.info/archivers/37157

1***: Nguồn gốc của nhóm từ một bầy sâu: Trong dịp bầu cử Quốc Hội vừa qua, ông Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính Trị ĐCS Việt Nam đã tuyến bố: „Trước kia chỉ có một con sâu làm rầu nồi canh. Nay thì nhiều con sâu lắm! Nghe mà thấy xấu hổ“! Không nhẽ cứ để mãi như vậy, mai kia, người ta nói là cả một bầy sâu, tất cả là sâu hết! Thế đâu có được! Một con sâu đã nguy hiểm rồi! Một bầy sâu là chết cái đất nước này!…“ Theo Thanh Thảo, Nguồn: VNE (Vietinfo.eu)-23-06-2011, 03:06

2*Mời đọc:

Thực trạng đất nước và những vấn đề nổi cộm trước mắt – Trung tướng Nguyễn Trọng Vĩnh

Đăng trên www.nguoiviet.de& Tổ Quốc số 110 01-05-2011)

Có còn là một chính quyền nữa hay không? Của Nguyễn Văn Huy

www.thongluan.org/vn

2** Mời đọc:

Hà Nội hốt hoảng thú nhận Trung Cộng Nắm Thầu Hết Các Công Trình Quan Trọng -Saigonecho – Tác giả: Theo SBTN

Đăng trên: www.tranhung09.blogspot.com Thứ Năm, 30 Tháng 06 năm 2011 vào lúc 08:39

Doanh nhân và lòng tự trọng công dân – Bài của Kim Hạnh

Đăng bởi: http://boxitvn.wordpress.com/2011/06/12/doanh-nhn-v-lng-t%el%bb%b1-tr%e1%bb… ngayf 12-06-2011

3*Sông Mê Công chảy từ rặng núi miền Nam Trung Quốc qua Miến Điện, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam trước khi chảy ra biển Đông theo mạch Cửu long giang.

– Mời đọc: Các Thượng Nghị sĩ Mỹ hối thúc bảo vệ sông Mê Công – Các cảnh báo mới về tương lai sông Mê Công

(VOA Tiếng Việt 07-07-2011)

Lào lẳng lặng khởi công xây dựng đập Sayabouri trên sông Mê Công (VOA iếng Việt 03-03-2011)

3** Mời đọc:

Asean mơ tới cộng đồng Đông Á theo khuôn mẫu liên hiệp Âu Châu

www.danchimviet.net

TQ tiếp tục viện trợ cho Campuchia (BBC)

Đăng tại:www.tranhung09.blogspot.com 07-06-2011

4*Mời đọc:

Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa của Việt Nam như thế nào?

http://vnmax.info/2011/05/17/vinh-bi%E1%BB%87t-hoang-sa/

Cuộc chiến âm thầm Việt Nam-Trung Quốc( Mac Lam, RFA):

www.tranhung09.blogspot.com( 10-06-2011)

Cuộc chiến Lưỡng Sơn trong cuộc chiến biên giới Việt Trung của Lê Mai

http://lemaiblog.wordpress.com/2011/02/15/tr%e1%ba%adn-danh-1%c6%b0%e1%bb

Bài nói của Đặng Tiểu Bình 16-03-1979

(Dương Danh Dy sưu tầm và trích dịch từ Club.china.com)

Đăng tại:Trangchủ 360plus Lo Van Zin: 15-06-2011

4** Mời đọc:

Dư âm Hội thảo Biển Đông ( Nam Nguyễn, RFA)-

Đăng tại: http://www.tranhung09.blogspot.com 24-06-2001

6* Mời đọc:

Núi Tổ Ba Vì và Chiến tranh Phong Thủy – Kiến Trúc Sư Trần Thanh Vân

Nguồn Blog Nguyễn Xuân Diện

2. Đau thương hành

Kính tặng Tổ Quốc Việt Nam

I

Tống biệt chưa ghê bằng tử biệt

Tử biệt chưa kinh bằng sinh ly

Sinh ly? – Giời ạ ! – Thật thảm thiết …
Nước nát – Nhà tan – Đành biệt ly?

Biệt ly! – Mười chết, một sống sót
Sinh Nam Tử Bắc huyết lệ nhòa
Vạn xác trẻ già vùi đáy biển

Sinh Bắc Tử Nam máu thành hoa?

Cả hồn lẫn xác đều bị hiếp

Mà vẫn say sưa uống ngẩn ngơ
Tâm thần phân liệt dưỡng ma quỷ
Dương Khí suy tàn hoại Thiên Cơ

Ngót bốn mươi năm liền một dải

Hà cớ chi còn bức tử nhau?
Sợ bị thủ tiêu thà tự tử

Độc đảng! Độc tài!

Độc hành đau!

Tống biệt đôi khi giống tự sát

Tử biệt – Sinh ly dù tai ương

Em thành người mới ta cũng khác

Không biết đau thì không biết thương!

Tự mê tự trói cơ chế ác

Bao nhiêu thủ lĩnh đành ra đê

Sao không đa đảng, đa phương sách

Để tinh hoa dân tộc tự tìm về?

II

Cạn cốc tha hương bên miệng vực

Tưởng đã buông hồn Ngựa Gióng hoang?
Đau đớn cười vang như sấm giật

Càng say… càng cay câu lai căng

Không muốn mà đớn đau cứ đánh
Là người sao cứ nghiện đớn đau?
Cam phận chịu trận hóa lỳ lợm?
Mặc Trung Hoa cắt cáp, cướp tầu?

Tới lúc đau quá hóa tỉnh thức

Hết u mê Bauxite với bạn vàng

Ai khóc Tây Nguyên gẫy cột sống

Cao Biền* có lẽ không dậy non?

Có lúc đớn đau giúp vượt thoát
Lẩy bẩy vong thân cuộc tàng hình
Ta đập vỡ ta thành câu hát

Biến khúc đau buồn… Biển khát phục sinh

Việt Nam tôi đâu? Mẹ không kịp nấc?
Nước mắt Cha hóa bùn đỏ nghẹn lời?
Kẻ du ca không thích hát vong quốc
Không bao giờ Nước hết biển người ơi!

III

Có lúc chợt thoát khỏi ảo tưởng

Mẹ không nhìn ra biển oán Mỵ Châu

Đau và sợ đã làm ta bất lực

Thua cháy tim trong canh bạc chư hầu!

Mượn hơi rượu cười khan tình hối lộ
Mấy chữ vàng đánh úp đảo Gạc Ma?
Ngàn năm cũ bóng đè chưa hết uất

Bút Thanh Nghiên** nấc nghẹn trước sân nhà

Ngày Quốc Tổ bao lần dâng lễ tạ

Giải thiêng từng bùa yểm bọc gian manh

Bao thần tượng đổ ngã sấp mặt

Máu Hùng Vương không gian trá loanh quanh?

III

Chỉ sợ phải nghe vợ con khóc

Mẹ đau buồn vì mất đất kinh niên

Lắm lúc tan nát đến què quặt

Nước mắt ban ngày thắp đuốc đêm

Khốn nạn! – Quanh năm bị theo dõi

Như gió dưới trời hát nghĩa ân

Lúc nào cũng như sắp bị bắt

Đoan trang nhả chữ không thất thần

Họ Đoàn*** nhẫn nại mãi chẳng được

Đã câm, đã nín đã nhịn nhường…
Xin đừng cướp giật nốt nhân cách
Sao cứ đạp dân vào chân tường?

IV

Là Người mà không có Nhân chủ

Dễ bị mất gốc hóa vong thân

Bao nhiêu Nguyên Khí bị bỏ ngục

Mê được làm Người… quên đau thương ! 

Tuổi trẻ tọa kháng chấp vùi dập

Chí Đức, Bùi Hằng**** đuổi u mê

Cha con họ Hoàng**** ngôn luận đắng

Tuổi xuân nước Việt mở hội thề…

Minh Hạnh, Việt Khang, Phương Uyên**** nữa?
Điếu Cày, Duy Thức, Lê Thăng Long****

Cù Huy Hà Vũ, Lê Công Định****…?
Dân Khí Việt Nam vẫn rực hồng

Gắng giữ Hạ Long dù mạt pháp

Để Thần Khí Việt còn cơ duyên

Phục***** đến ? Chấn***** lên ?- Cùng tắc biến

Ai bùa yểm nổi Thánh Tản Viên?

Hiền Đức**** không ghê gì Tử biệt

Tử biệt chưa kinh bằng sinh ly

Sinh ly? – Giời ạ! – Thật khủng khiếp…
Nào đã là Người được mấy khi?

Đau thương hành khúc hóa biệt khúc

Biệt khúc nấc hoài thành tráng ca

Đôi khi ở cuối con đường cụt

Vụt hiện huy hoàng một lối ra

Dân chủ – Tự do đòi bằng được
Dẫu tù dẫu ngục chẳng hề chi!
Có lúc đớn đau thành linh khí

Mặc tình sống mái cuộc Thiên Di!

V

Tống biệt chưa ghê bằng Tử biệt?
Tử biệt chưa kinh bằng Sinh ly?
Sinh ly là sống mà như chết

Nào đã Tự do được mấy kỳ?

Tống biệt chính mình! – Đau đớn lắm…
Đất nước đứng lên cùng quan tài?
Phong Tần**** giã biệt tang oan khúc
Cánh buồm đỏ thắm tự thiêu ai?

Ngót bốn mươi năm liền một dải

Linh Khí bây giờ đã hồi quang

Ngó lên trông xuống muôn dặm biển

Đừng ai lừa dối: Bắc-Trung- Nam!

Thế nước đa phương bầy trận mới,
Mặc các siêu cường cứ chuyển binh
Thác Bản Giốc mềm tận Phú Quốc
Minh đường nước Việt có Cam Ranh!

Độc đảng không gánh hết Tổ Quốc

Dân chủ tự sinh thành đa nguyên

Đa nguyên tự do sinh đa đảng

Sinh lực đa phương giữ chủ quyền!

Cùng vác thương đau gánh vận nước?
Sao cứ chân mây, cứ cuối trời?

Đau thương không vỡ… Không thành sẹo

Mặc những bầy sâu… mầm xanh ơi!

VI

Cầu siêu Phúc lớn: muôn mà một
Không thể điêu tàn Tiên Dung ơi!
Bồ câu trong cỏ! Đau thương thật!

Dã ngoại Nhân quyền giữa ngực tôi?

Không chỉ chiều nay là dữ dội!
Đã mấy trăm chiều chợt lớn khôn
Đau thương hành khúc không sợ hãi
Tống biệt chính mình tự Thâm Tâm!

Bao nhiêu hào kiệt trót khờ dại

Vận Nước – mạng Mình không buông lơi!
Đau thương nhiều lúc thành đuốc sống…
Cho ta biết ta còn là Người!

Mặt đường khát vọng không buồn được!
Bồ câu dã ngoại? – Trắng trong ơi…

Đau thương có lúc biết xấu hổ

Để ta nhận ra Đường Con Người!

Quốc Hoa? – Giời ạ! – Tang thương quá

Còn hoa xấu hổ còn Tử Sinh

Đau thương hành khúc thành ánh sáng

Để ngàn Chí U thành Chí Minh!

Berlin, 09/05/2013 – Ngày Đàn ông tại Đức quốc

Chú thích: (của TD)

*Cao Biền: Truyền thuyết từ xa xưa cho rằng Cao Biền là một viên tướng kiêm thầy Phong Thủy của phương Bắc đã nhiều lần trấn yểm các vùng Địa linh Nhân kiệt của nước Việt nhằm làm cho Dương khí của đàn ông Việt Nam ta suy vong bại hoại. Tuy nhiên truyền thuyết cũng khẳng định họ Cao đã phải ngừa mặt lên Trời mà than vì đã không trấn yểm nổi Linh Khí của Thần Tản Viên ở vùng núi Ba Vì.

**Phạm Thanh Nghiên, Nữ chiến sĩ chống bành trướng Trung Quốc, nhà hoạt động dân chủ xả thân đấu tranh bảo vệ Nhân quyền.

***Họ Đoàn: Anh hùng Đoàn Văn Vươn
***** Quẻ Địa Lôi Phục trong “Dịch kinh”, trên là quẻ “Khôn”, dưới là quẻ “Chấn”.
***** Quẻ Thuần Chấn trong “Dịch kinh”, hai quẻ “chấn” chồng lên nhau.
****Tên tuổi những nhà hoạt động dân chủ, đấu tranh chống Trung Quốc vi phạm chủ quyền biển, đảo Việt Nam, xả thân bảo vệ quyền Tự do ngôn luận và quyền Con người.

3. Ký ức bất chợt

1

Tuổi khăn đỏ trời xanh đầy đạn lửa

Giấy học trò bom Mỹ cháy thành than

Tôi lên mười đất kéo còi báo động

Mũ rơm tôi lũn cũn dọc đường làng

2

Tôi chưa có rừng đã vang vó ngựa

Trăng Tây Sơn bùng nổ một mùa xuân

Thương cô Tấm chỉ vì mơ yếm đỏ

Mà chết đi sống lại biết bao lần

3

Tôi chưa có thì ba lô cỏ úa

Đã nắng sương từ thủa Mẹ lên ngàn

Mười tám tuổi vượt đèo thành binh nhất

Câu thơ rừng hồi hộp với trăng non…

4

Mẹ cơm cà áo vá nước mưa trong

Nhờ hàng xóm bát cơm ngày giáp hạt

Tôi ăn suối ngủ rừng theo binh trạm

Em như mơ như thực ở ngang trời

5

Mẹ đã khóc bao lần hoa đào nở

Những đứa con tuổi Ngựa chẳng hay về!

Trong lửa cháy thành tên mà xanh thắm

Làng ơi làng! Lâu chửa tắm sông quê…

6

Nụ cười này… kỷ niệm ở Ta Lê…

Tháng Giêng ấy… Sư đoàn Ba Mười Sáu

Ký ức cháy miên man. Mắt người nhìn đau đáu…

Bạn sốt rồi… ngủ lại với Suối Mơ!

7

Nhớ Giao thừa canh sắn với Pa Cô

Vách đá dựng sau lưng là Pắc Bó?

Mỗi tấm ảnh – khắc một thời quân ngũ

Xin Mẹ đừng thấp thỏm phía Hà Tuyên

4. Tưởng nhớ Olga Bergon

(…Và tôi sẽ lại đi đến bờ vực của đời

Để rồi sẽ tìm đường quay trở lại – Olga Bergon 1910-1975)

1

Năm tháng vẫn khó khăn, vẫn đãi cát tìm vàng

Nhiều người vẫn cầu may cho số phận

Nhưng Olga Bergon vốn là người kiên nhẫn

Chị kiếm tìm… Tìm kiếm mặc dài lâu…

2

Hạnh phúc lẫn tai ương như thể có phép mầu

Rừng Nga cháy ngày Olga bảy tuổi

Cung điện nổ – Mùa Đông. Lửa bùng từ bóng tối…

Thế kỷ bắt đầu xuyên thấu ngực nhà thơ

3

Tôi nhớ Olga năm mười bẩy mộng mơ

(Người xa lắc mà tôi thì chưa có!)

Khi Jessenin chết buồn bên cốc vỡ

Olga hát gì trên sông Neva?

4

Và tôi cũng đã yêu mãnh liệt đến không ngờ

Trong ánh hỏa châu trên cổ thành Quảng Trị

Tôi xa xót Nguyễn Du như người xưa đẫm lệ

Olga có kịp về tưởng niệm Puskin?

5

Và tôi đã đam mê trong tín ngưỡng linh thiêng

Cánh buồm đỏ chưa về bao đêm trắng

Hoa cuối mùa sặc sỡ nhiều lo lắng

Thơ sinh thành bí mật giữa chiêm bao

6

Đâu phải một mình tôi từ ấy ước ao

Được vui sống giữa đời không phản trắc

Trái tim tới trái tim-chỉ một đường thẳng tắp

Thẳng tắp đến hãi hùng với kẻ thích quanh co

7

Sâu sắc dịu dàng không giấu mọi buồn lo

Đôi mắt của câu thơ bên bờ vực thẳm

Đời dẫu đổ vỡ nhiều nhưng không hề đứt đoạn

Con người là vô tận đến tương lai!

8

Hạnh phúc có thể rơi bên bờ vực xa vời

Đường trở lại có thể rồi sẽ hết

Tôi có một Olga chân thành và quyết liệt

Đi giữa ban ngày nhận mặt những ngôi sao!

Hoa hồng đến muộn

Thực tình tôi có nhớ

Nhưng không sao đúng giờ

Hoa hồng còn đang nụ

Em chờ hay không chờ?

Chắc là em mong lắm

Dù hò hẹn bất ngờ

Em thành cô dâu thật

Tôi thành người ngẩn ngơ

Mến thương nên thành thực

Lòng cứ nụ vậy thôi

Hoa hồng tôi đến muộn

Đành nở im trong đời

5. Đến Bây Giờ Ta Vẫn ở Bên Nhau

1

Đến bây giờ ta vẫn ở bên nhau

Đêm ấy đếm sao trời quên ngủ

Nắc nỏm nghe con tắc kè tập hát

Được mấy tiếng bổng trầm gió sóng sánh đầy trăng

Ôm chặt nhau chuyện quê kiểng rì rầm

Đạn đau thế mày chỉ kêu hơi nhức

Còn cứ chối là không tức ngực

Ba lô nặng è chẳng chịu để tao mang

Ngày đó đã yêu iếc gì đâu

Hoa phơ phất bầy ong nào thương mến

Hớp ngụm rượu bản Lào trước giờ qua trọng điểm

Vòng cua bay. Pháo sáng. Bụi tung trời…

2

Đến bây giờ vẫn nhớ tuổi hai mươi

Cặm cụi bòn tàu bay mỏi mắt

Được một nắm lo lèn không chặt bụng

Rủ nhau đi bẫy chột nướng thơm lừng

Cây ghita còn mỗi một dây thương

Năm giây nhớ lên ghềnh tìm chẳng thấy

Chúi mũi gẩy bập bùng hồn nhiên vậy!

Hát bâng quơ thương nhớ bỗng lên mầm

Cô gái ấy yêu mày mày chẳng biết bâng khuâng

Cầm thư hộ tao trách mình xấu số

Dầu cây dương cuối cùng bom phạt đổ

Em vẫn đợi anh về. Em toàn nhớ anh thôi.

Mày thì cứ ngơ ngơ ngượng ngượng chẳng nên lời

Bom nổ có ù tai mày cũng không quên nổi,

Ký ức ngọt ngào cứ dâng lên… tiếc nuối

Ai bảo cứ vô tư trước những chuyện vô bờ !

3

Ôi con đường tuổi ấy quá ngây thơ

Đom đóm múa cứ tưởng là tinh tú

Phấp phỏng chờ nhau bao lần tim muốn vỡ

Ngóng vệt đền gầm như ngóng bình minh

Ngủ trong lửa Trường Sơn nghe thác réo tên mình

Tiếc chỉ có một thời trai trẻ

Phù Đổng quá ! Ôi những ngày đánh Mỹ

Mắt chúng mình ừng ực uống sông Ngân

4

Mắt chúng mình xanh ngắt nước Cửu Long

Càng giông bão sóng sông Hồng càng đỏ

Dẫu củ chuối, lương khô và nước lã

Đã yêu sông phải lên tận Kỳ Cùng

Kẻ hiểm độc đây rồi. Máu đỏ đất Tam Lung

Chúng trắng trợn hiện nguyên hình tàn bạo

Cởi trần mà bắn thôi! Trời xanh kia là áo!

Đã trả kiếm cho Rùa Vàng mà vẫn không xong.

Và bây giờ lưng lại tựa vào lưng

Rê gươm lửa vùi thiêu quân bội phản

Ôi lá cỏ như buồm bên khe ngắm

Nhận kiếm của Rùa Vàng ta vạch sáng biên cương

Chúng kéo đến ùn ùn, xấc láo bất lương

Chúng cứ tưởng Đồi Không Tên vô chủ

Hãy tỳ súng lên vai. Lại có nhiều chuyện thú

Đến bây giờ ta vẫn ở nhau

Dẫu bao giờ ta vẫn ở bên nhau.

03.1979

6. Cổ Loa Thành Bi Tráng Một Thời Vua

Khúc dạo:

Bao hưng phế trên hành trình dân tộc

Nên thơ tôi âm vọng tiếng bi hùng

Giữ đất nước có trai làng Phù Đổng

Đổ Loa Thành tại cả một triều vua

Với Nàng Mỵ Châu

Năm tháng ấy tan hoang và thua trận

Cánh tay em buông thõng. Không ngờ…

Tượng cụt đầu nhưng hồn em còn đó

Nhắc bao điều tôi muốn nói. Ngày xưa…

Ngày xưa,

đâu có biết thâm mưu em chỉ hết lòng yêu

Trắng trong ơi! Đời em đang tuổi ngọc

Đừng ấm ức, nhân gian dành giếng nước

Đêm thế nào ngọc cũng sáng mà em…

Mỵ Châu ơi dẫu máu chảy ruột mềm

Loa Thành đổ em có phần nặng tội

Lòng nông nổi dứt chi hoài áo cưới

Lông ngỗng bay ngơ ngác nẻo đường cùng

Tim em rung cờ nghĩa những Bà Trưng

Máu lênh láng xói mòn mơ với tưởng

Năm tháng ấy cả tin và hẹn ước

Đổ Loa thành không tội một mình em…

Với An Dương Vương:

Ôi đường gươm tuyệt mệnh! Nói chi thêm?

Thế đất ấy xoáy bao vòng sóng cuốn?

Rùa thông thái thủy chung đành nuốt giận

Vì thủa ấy thường dân phải ở quá xa thành

Thành Cổ Loa đồ sộ một trời xanh

Trách cung nỏ quá nhiệm màu để đến nỗi lòng người không thiêng nữa

Nhìn những mũi tên đồng như bầm nguyên máu ứa

Tôi biết người không kịp trở tay!

Cổ Loa Thành quấn quýt cuộc tình say

Trọng Thủy thế! Trách gì không xuống giếng …

Những nham hiểm tàng hình trong lịch sử

Khéo khôn ngoan hôn những nụ hôn vờ!

Không được nhìn dung nhan Thục Vương

Người phút ấy gươm lia như chớp mắt

Xé ruột chém con để còn hồn của nước!

Núi Sông như vương miện ở trên đầu…

Thành tan nát bởi lòng người chia lẻ

Những bầy tôi trung – Vương đã đuổi đi đâu

Người cao đẹp bởi đường gươm tỉnh mộng

Đã vỡ lòng cho trận thắng mai sau !

Vĩ Thanh:

Cổ Loa Thành! Bi tráng một triều Vua…

Phòng tuyến mới bây giờ xây đã khác

Những thế trận Bạch Đằng dâng sóng cọc

Nước non mình, muôn thủa có Nhân dân!

Đã tên lửa! Quên sao ngày lẫy Nỏ?

Sa cơ kia! Xin nhớ, dẫu bao giờ…

Những Binh nhất đang trở thành Tư lệnh

Vỡ lòng mình trên kiếm máu năm xưa!

1979

7. Nơi tôi khóc cũng là nơi tôi hát

Trường ca

1

Tôi đã phải lòng em từ ngày hoa phượng vỡ trong mưa

rào mây trắng vô tư

Cứ ngỡ em đã say đắm ai ai… Tôi sững sờ nhìn em như là lãnh đạm!

Ơi nỗi nhớ nhung hỗn độn dịu dàng, thầm kín và dễ vỡ…

Tuổi mười sáu, mười lăm lũ học trò quỷ sứ cũng đã biết yêu đương

Bao nhiêu phiêu lưu vụng dại, trong ngần…

Tôi đã ném rụng bao trái bàng vàng ối…

Phố Quang Trung xanh ngắt mộng mơ

2

Quê hương – ngày lập xuân…

Bao lần hò hẹn dứt ngang

Bao lần tiễn đưa, bao lần tống biệt

Em không biết nụ cười em gieo hạt

Để hồn tôi lẳng lặng ủ mầm!

Quê hương – nơi tôi và em bắt đầu nhập cuộc:

– Một lớp học trò gái trai tươi tốt, đứa thì phổng phao đứa

thì còi cọc cũng ba lô quân phục, lương khô!

Mẹ ta nhiều lúc cắn răng… Người chẳng dám mong các

con có thể trở về đông đủ…

Những bãi bom từ đường Một, đường Mười, đường Mười

Sáu nổ vào ngực Mẹ đêm đêm…

May sao ta không dính đạn như Phước, như Lai như

Thành như Nghĩa!

Ta cũng chẳng ngờ có ngày tái ngũ máu ta lại đổ ở phía

rừng hồi, rừng quế Lạng Sơn…

3

Quê hương bão mưa…

ngày lòng em có đôi điều sụt lở

em đã nghĩ tôi thành người xa xứ

biết bao người bỏ quê di tản không có dịp về tảo mộ tổ tiên

em tích hợp liên miên bóng tối và ánh sáng mà đôi lúc

vẫn quên những nghịch lý hiền minh…

Em tù túng và em như bị trói trong không gian trời đất

định cho mình

4

Quê hương – nơi tôi hát, có ngày tôi đã khóc!

Con ngựa xanh nghẹt thở…

Và hoa Quỳnh thắt cổ giữa chiêm bao!

5

Mùa thu –

Nơi tôi hát có là nơi em khóc

Trở về với chính mình chẳng còn sợ cô đơn

nhắc chi nữa ngày ly hôn, ly biệt

Chân dung em tôi nhận cả đời mình

mà tên đất tên người trên môi ai vẫn còn lạ lẫm

Phố phường ngổn ngang rêu phong trầm mặc

sao người chưa đặt đúng tên

6

Quê hương…

Thâm tâm tôi lẽ nào lại từ chối

một dòng sông cuồng nhiệt dịu dàng

biển trong mắt có gì mà huyền thoại

chỉ sợ làng trong phố bị bỏ quên

từ thủa xa vời biển đã hát trong em

những cơn lốc trong tim không địa chỉ

xứ Đông còn bao vũ nữ dâng hoa

trong mắt em: mọi ngôn từ vỡ vụn lại ngân nga…

7

Quê hương…

sao nỡ để đường Thanh niên của em khúc khuỷu gồ ghề,

hốc hác?

Em đã yêu như quên cả tên mình…

hoa ướt hết mà tôi không cầm được…

nước mắt đàn ông chỉ bóng đêm chịu nổi

Tôi yêu em ban ngày nước mắt vỡ như sương!

8

Quê hương ngày Lập đông

Em đã hy sinh và chịu đựng đủ điều

Mỗi gió bấc trào dâng từ tình em tôi xin nuốt cạn…

Em yên tĩnh mà bão giông

Em bao dung mà hạn hẹp

Tôi như thế nào sẽ trở thành như thế

Em thảo hiền mà nghiệt ngã giữa đời tôi!

9

Quê hương mưa nguồn chớp bể…

Ký ức em ngày ngày mở thêm buồng tối

và những tấm chân dung tân cổ hiện hình thành dương

bản trắng đen

Chưa kịp sống qua một ngàn vẻ mặt

tôi xin dâng từng hơi thở đời mình

Thời gian thực là Người thật ra rất hiếm

lẽ nào hờ hững với Thiên nhiên?

10

Quê hương!

Nơi nhang cháy tàn đêm cho một bài tứ tuyệt

cho canh bạc đỏ đen…

Ngày mưa xuân em không chịu nổi chiếc hôn của một kẻ

bỗng dưng gọi em bằng tên người khác!

Sự thật nhiều khi đau xót

Em cần một người gọi được hồn em bằng chính tên em

11

Quê hương…

ngày giáng sương!

Em khao khát được là em đích thực

Em tự nguyện đắm mình vào quá khứ phì nhiêu màu tinh dòng

Em cả gan giã biệt với quá khứ lụi tàn nhưng chưa chịu xuống ngôi…

Cuộc chia ly âm thầm gay gắt

Một mình em đối diện hoa Mai

Giọt nước mắt nhịp đôi thành điệu hát…

12

Quê hương ngày Xuân phân…

tôi với em từng đêm hy vọng

Chuyện mưa – chuyện gió – chuyện nắng – chuyện buồn…

ta bình yên đôi khi trong bão cơn của hương

trong cuồng nhiệt của làn môi như sóng

thương tình ái như thương trẻ nhỏ

đất trời nào, mẹ cha nào nỡ mắng nụ hôn!

Ta yêu đương như là được tắm

Ta uống tình em như uống nước tận nguồn….

13

Quê hương- ngày hoa niên

Lúc tôi hẹn nở hoa trên sa mạc thì Thâm Tâm đã hát

Tống Biệt Hành…

Có ngày nào mà ta không đưa tiễn một cái gì trống rỗng

một ai đó bạc tình?

Hình như em ra đi để suốt đời ở lại

Khắc khoải tiếng còi tàu hú buồn

lòng ta đầy gió thổi:

Tái tê…Tóc rối tay mềm…

Trong mắt trong ta thấu tiếng hồn câm

Đang nhỏ máu cho nhau từng giọi sống!

14

Quê hương- ngày mưa ngâu!

Nơi em hát có lần tôi đã khóc

Hạnh phúc cho em không chỉ hư ảo như bát cơm manh áo

như mồ hôi ròng ròng da thịt

Hạnh phúc cho em như hương thơm thấm đẫm cả giấc

mơ ngắn ngủi

vĩnh huyền…

15

Quê hương- ngày Thanh Minh…

Có những cuộc tình vỡ đôi vỡ ba để tìm trọn vẹn suốt đời…

Có những đôi tình nhân xa nhau đằng đẵng!

Có những cặp vợ chồng như có như không…

Những đôi mắt Tiên Dung từ thời hoang vắng vẫn đi về

trên bãi biển Tự nhiên

Tôi mỉm cười xót xa vì một thời lầm lỗi

tôi đã tự hoại môi trường, đã tự trói tâm tư và hoang phí…

Tiên Dung tắm ngày nào em nhớ không em?

16

Quê hương có một ngày khô úa…

Có một thời hoa cẩm chướng đi xa

Hoa sim tím vào thơ mà mắc tội

Nơi em hát có ngày em đã hối?

Bao người lính chở về đành xoè tay hứng bụi

Còn trẻ thế mà thản nhiên làm điếm?!

mà cười nhạt tháng ngày hư hỏng

mà thành thật buông xuôi bán mình?!

Dăm ba kẻ tật nguyền còn tự trọng đã sẵn sàng một vốc GacDiNan

cho giây lát không thể không tự sát!

May sao còn có Hoa Hồng…

17

Quê hương – ngày nóng nực…

Nơi ai hát nửa chừng, nơi ai cười nửa miệng!

Em sụt lở mấy cao tầng ảo vọng?

Em bảo toàn bao huyền sử thiêng liêng

Em ứ đọng mấy ao hồ rác rưởi?

Tội lỗi nào bằng khi ta thiếu muối cho người đang sống, đang yêu…

18

Quê hương – ngày nắng nhạt …

Người ta được em như người trúng xổ số!

Em quả thật cũng đẹp người đẹp nết!

mà sao chưa hết đau buồn?

Kho sách cũ của em đã bị chia năm sẻ bảy?

Điệu múa cũ của em đã bị đắm chìm lạc phách?

Tôi gọi hồn lời lẽ cứ ngô nghê…

Em vẫn hát giọng trầm trong ngõ vắng

trong cơn mưa của những mối tình đầu

tôi thấy hết những quãng đời đứt gãy!

ai có thể giả vờ làm như không biết mãi …

19

Quê hương ngày mát mẻ…

Sân khấu ây của em, nhà hát ấy của em sao em không múa được

thanh sắc chỉ có giờ, tài năng thường dễ chột!

vì không đủ phông màn hay biên kịch chưa xong!

tôi vỡ lẽ hoá ra không phải vì đất lệch!

Người chưa kịp biết em em chưa kịp biết mình…

Em dâng hiến tới tận cùng sao được…!

20

Người ta bảo quê hương là nơi sinh tụ, là đất cuội nguồn…

Em cứ thành tâm khiêm nhường cầu phúc

Mùa Hạ lên đền Cao – mùa Thu về Kiếp Bạc…

Mùa Xuân về đền Chử dự hội rước Rồng rồi tới Côn Sơn

Cầu phúc cho con ta mỗi năm một lớn

ta chẳng dám lãng quên bổn phận

Ly rượu thề vừa ngọt lại vừa cay!

21

Quê hương – Tôi cứ nghĩ em suốt đời trinh nữ!

Trong mưa xuân em thích đứng hay ngồi?

Đền làng Sượt không còn trò đánh Bệt

hội đu làng Hàn đã dứt từ lâu

Quãng đê ấy có nhiều cây xấu hổ

Có con đò thiếp ngủ giữa cỏ may…

Em thích lên thuyền hay chúng mình bay?

22

Quê hương! – Dù ngày ba tháng tám vẫn luôn có nhiều điều thơ mộng…

Không biết yêu thì làm sao sống nổi

Dù chiếc hôn chịu mấy lần mất điện

Ta thương nhau bằng khuôn mặt đèn dầu

Bằng ánh sáng những vì sao bè bạn

Ngón tay em dịu dàng trong tóc!

Em suốt đời trinh nữ dịu dàng ơi…

23

Quê hương – Nơi tôi hát có là nơi em khóc?

Tôi hát vì hoa cúc với mùa thu…

Em hồi hộp vì mầm, tôi bồn chồn vì nụ!

Ai nỡ cấm tôi thở dài vì hoa hồng héo, vì chim én chưa về…

Con ta vừa xong lớp một…

những cánh buồm đẫm hương giữa hồn ta lại điềm tĩnh ra khơi…

24

Quê hương bốn mùa Tiết khí…

Tôi thu hết tâm em vào trong lồng ngực

Sao không mấy khi tôi được ngồi nhìn gương mặt em dịu sáng

bình yên khi ngủ…

Người ta bảo còn sống còn yêu!

Nhưng tôi với em còn Yêu là Sống…

Nơi tôi khóc sẽ là nơi em hát!

Nơi tôi khóc cũng là nơi tôi hát!

Mùa hạ 1988 – Mùa thu 1988

Mùa Đông Berlin 1989

Comments are closed.