40 NĂM THƠ VIỆT HẢI NGOẠI (3)

THƯỜNG QUÁN

* Nhà thơ tại Úc. Du học từ năm 1974 trong chương trình học bổng Colombo của miền Nam. Tốt nghiệp đại học Monash tại Melbourne, làm việc trong ngành IT. Tác phẩm xuất hiện trên Văn, Văn học, Hợp lưu.

Hiện sống ở Melbourne, tác giả tập thơ Ngoài giấc ngủ do Văn Nghệ xuất bản tại California, năm 1990. Thơ anh xuất hiện trên các tạp chí tiếng Anh như Meajin, The age.

* Là một trong những tác giả quan trọng của thơ Việt hải ngoại và đồng thời của thơ nước Úc, nhưng Thường Quán chưa được nhiều người Việt yêu thơ biết tới, có lẽ vì thơ anh không dễ đọc.
Hai tố chất căn bản của thơ Thương Quán là câu chuyện kể và nhạc điệu. Yếu tố tự sự thường chịu ảnh hưởng của những kinh nghiệm tập thể, lịch sử đất nước, chiến tranh. Những quan hệ và xung đột giữa quá khứ và xứ sở di dân, giữa văn hóa và các xúc cảm trữ tình có thể tìm thấy trong thơ anh, xét ở mức độ sâu xa và tế vi. Nhưng thơ cũng còn là một bài hát, khúc nhạc, được tấu lên bởi tâm hồn, và vì vậy thơ anh đầy nhạc điệu, mặc dù Thường Quán làm thơ tự do, không vần.

Không phải khi nào cũng dễ nhận ra tính chất chính trị trong thơ anh. Đó là một loại thơ hoài niệm có tính phản kháng, đầy rẫy các dấu ấn của thời sự, phả lên giọng điệu trữ tình, một ít rung động bồi hồi pha chất hài hước.

Thường Quán có thể viết bằng tiếng Việt hay tiếng Anh trong nguyên tác, và đôi khi, dù khá hiếm, tự dịch các bài thơ của mình qua ngôn ngữ thứ hai. Hiện nay chỉ có vài nhà thơ làm như vậy: sáng tác bằng ngôn ngữ mẹ đẻ và cùng lúc bằng một ngôn ngữ khác, chứng tỏ sự hòa nhập sâu xa của hai dòng chảy, như một thí dụ tiêu biểu của thơ song ngữ.

Như vậy, có thể nói, thơ anh có hai đời sống.

Văn Việt xin trân trọng giới thiệu.

GHI Ở KHÚC MCFADDEN, BISHOP, OC

Bạn đặt tên giùm đi
khoảnh khắc nhìn ra bắt được
một hơi nắng
      một mùi khói
thấy quen một ai đang băng qua
cùng độ mất hút gì
bất khả.

Trưa như ở một bến xe 
bữa ăn của một người xếp xong va li
giữa những tiếng còi đang đổ về từ Lục Tỉnh
tiếng rì rầm của trăm thứ động cơ khác đang quay, xa hơn
Sài Gòn của những cuốn sách treo ngon trên vỉa hè
bạn đứng đó và đi quanh
chẳng một anh tiên tri nào
          báo động sớm ngày sẽ vất chụm lửa hủy diệt
cúi xuống nhặt một mẩu đá vụn của sở lục lộ
một phần mặt đường đang chắp vá nhựa hắc ín
chưa đủ tầm thấy cú ném đi của đá tới tận cùng một sức nổ
bạn còn trẻ.

Một bộn sách, một thể tích rắn lòng bàn tay ngửa ngửa
như thế bạn đã ngồi xuống ăn bữa cơm bụi trưa cuối cùng
    với một thành phố
giữa những thân me gầy hiển thánh
bầu trời khói vô nhiễm
ngồi xuống một cái cớ để thực sự được nhìn.

Những gì đang lăn qua, chạy vút vụt, linh tính sắp biến mất
những gì sẽ đẩy tới tan nát hơn
như khuôn mặt
lấm tấm
làm dấu ở trán
sớm ngày đi thành vòng tròn
khúc rondo trung cổ
ma trận một lô
té lên nhau, ngớ ra, cuộc vây hãm
nước bị trấn lột, lăng nhục
[tất cả những thứ người gộp chung gọi là chuyện về sau
chuyện không phải riêng của mắt mà của những hốc hố của khuôn mặt].
Bạn bước đi
ngoại ô diêm sinh chân trời chuyển giông
sự kiên trì nhẫn nại của đất và rễ nổi
trên những vùng đánh dấu
vùng bỏ rơi khoanh ngực chới với
tâm điểm 
nắng đột nhiên
bạn chú ý một người đưa tay
trong chiếc bị cói của con người ấy
những trang giấy báo rời, những mẫu tự la tinh nhàu nát
một bài ca chốt lại .

Làm sao nói về trận nắng này
giữa bàn tay con người ấy
và bạn
chiếc nón, mồi lửa, phép thử vừa phải
lóe chớp ngày giông  những xóm lá rụi rạ như chực cháy
mà bạn sắp rời bỏ
người ấy và bạn
những mảng mây mềm tất cả là bây giờ
bầu trời cũ kỹ tháng mười
vỉa hè khô, hơi sạch sẽ, cát vụn chạy rờ rạc
những căn nhà cây trái đang ra non, tròn lẳn
những trái treo đầu những bờ tường thâm thấp ngăn tiếng động
một trạm buýt
những chiếc đầu trần
đầu trần như những chuyến đi biển
những chuyến kêu sớm vào vắng mặt
bạn đứng lại
lọt vào giữa trận
nắng và khói
nắng và sự bất khả
nắng và những chiếc đầu trần cũng là trở lại đẹp đẽ.

Không, sẽ thôi không đòi ở bạn một sự xướng danh nào nữa cả
chỉ trừ mỗi
sự gọi tên những người bạn từng yêu mến.

10/2010

PASTERNAK, THÁNG NĂM, 1960

 
 

Một tốp tới, xầm xì rồi bỏ đi

một ai đó

một người nữa

cuộc ghé nhanh và lặng lẽ bỏ đi

nếu tín hiệu, hẳn đã lạc lệch, hãy để mộ khúc.

Thềm cửa xa, đứng yên những khối mây băng sơn, những khuấy động, suy nghĩ

những váng nước, những dấu nước, run rẩy tan vỡ

những buổi sáng băng ngang đường, dù nơi đâu.

Quay ngược, nghiêm nghị, chiếc màng tang, băng-rôn

đỏ lùng nhùng, bục khán đài

đội hiến binh bồng súng

đại lộ thẳng tắp ngày công nhân

chiếc đầu ngựa, anh, Mayakovski, chiếc đầu động từ đầu mỗi câu

trên hàng lưỡi lê thép – một bậc, hai bậc, ba bậc.

Sự tan trong lòng hồ, màu xanh ấm, xoa xoa tay, buồn buồn

những cộng hòa lá nõn bên mạng sườn

và chẳng phải nước, sự co lại đã bôi xóa những vùng cận sát ngực bạn

Akhmatova, Gumilev ?

Cà phê hầm, chỗ trống từng vùi

ngôi cao, tháp chuông, đỉnh mái

gió, những đường đi vẹt gót tăm tắp trầy thân bạch dương

ốm, khảnh ăn, khăn quàng cố da trời ngày viện

thuốc, khói, độ xanh ngâm, ngấm

ôi ngực sườn! các bạn, sự thèm viết.

Ga phương Bắc nhìn nghiêng đường mũi, gò má, gien Mông Cổ

Khoảng cách, thời gian chiêm ngưỡng nội thành, cửa ngước, khô

Petersburg, khoán tin ngày cho mai động nhớ

Twaang!

Một ai

loạng choạng nhào vào chái bên. Suỵt.

Ai ? Bạn nào ?

Một xô đẩy đông khiếp

và bốt giày đạp

bấy nát một bất kể cả sáu dây

chiếc thùng cầm ghi ta

tiếng rồ to, ‘Thì cho nó được như cậu ấy.’

mũ hiến binh, cầu vai trang kim, khuôn mặt hồng chín

viên sĩ quan, hai tay sau lưng

chiếc vách chái nhà nông trại cuối đồng

như tranh Goya: lỡ rồi, chỗ màu tươi mới bắn.

Đúng là anh, Federico Garcia Lorca, đất mới Andalusia

đất lập lại anh: sau cùng là im lặng.

Và anh, Titsian Tabidze

đất vỡ ngực, những con se sẻ không bao giờ quay lại đầu chái nhà anh, kể từ

cuộc xử bắn

ngôi sao tự treo nó lên xanh, không dây

như một khúc dạo đầu

thú: một thân lẽo đẽo

trật trịa lưng đèo

đeo toòng teng gói gì

cái lưng ướt đầm đìa mồ hôi như đã vượt hết mấy ngày Tsibili hạ vực.

R e e ng –

bạn đứng chờ đó nhé

– Thưa ai kia ? Tôi đây. Bạn có nhầm số?

– Không. Này!

[… một khoảng ngắt, bị tẩy trắng, không nhớ…]

– Chẳng sao. Hỏi sự này. Chuyện Thơ cả: Nghe rõ chứ? Về Osip Mandelstam

– Osip Mandelstam…

– Đúng. Nghe rõ không? tôi muốn nghe anh, Boris Pasternak, nhận định:

Osip Mandelstam vẫn đầu bảng thơ chứ ? vẫn số một chứ?

– Thưa Đồng chí Joseph Vissarionovich Stalin: nhà thơ Osip Mandelstam là một người tốt

– Vậy thôi à!

– Vâng, thưa Osip Mandelstam là một con người tốt.

– Tốt. Chào nhé!

*

Bị hất ngược xuống ghế, nằm ngó trân rầm trần loang lổ.

Osip Emilyevich, chết! chết thực, mình có đã nói được cái gì đâu

tôi hỏi anh

anh có thấy tôi rách, rách, đáng tội tôi thế không ?

Có đã đi vào câu chuyện đâu.

Tất nhiên tôi sẽ không hé môi về

sự ngưỡng mộ của những thành phố những góc tim kín thở cho anh

nhưng, một cái nói bình thường về phẩm chất tuyệt vời của anh

sao tôi đã không làm được, đã bị đốn ngang, chôn lửng, tệ đến vậy?

Cái dằng máy xuống hơi mạnh tay, phải không?

Quả quyết? Thỏa mãn? Chứng cứ đã đủ, phải không?

Hãy nói, anh đã đi qua những đâu,

Những vòng băng tuyết nào, Osip?

tôi thù ghét tôi làm sao, hãy tha thứ

*

Và em, một vùng ngực thấp hơn, một hành lang, một buổi qua trưa sắp sửa

chiếc cầu vai, khuôn mặt trong tối, không nhìn thấy

cái dáng đi nhanh, không ngoái đầu,

giữa họ,

ánh nắng rọi đúng vào góc bẻ ngoặc

sau lưng, căn phòng những năm, những cuốn tự vị

những trang rời bỏ quên, trong dày kín đó, như vĩnh viễn

chiếc bàn máy đã trùm lên, tấm vải màn ngăn bụi.

Em, sau các bạn, sau tất cả, em sẽ

bôi xóa tôi thế nào

những mái tàu đơn rây sớm đi tan tuyết chảy dọc.

MỘT LẦN MỘT

Ngẫu nhiên mà họ tới, ngã lưng vào bức tường
dưới ánh đèn chụp nhỏ vừa đủ sáng để chứng thực đêm
tuần tự, yên lặng, trong trật tự.

Có lẽ họ có nói với nhau, nhưng sự im lặng của da nâu bóng,
những chiếc gùi bắp thuôn thẳng, con trẻ đeo trước ngực
sự ẩn nhẫn cao nghều là ngôn ngữ duy nhất khua động.

Một người đi lấy vé tàu cho tất cả, ông ta là chiếc trán gợi nhắc đá.
Bây giờ ông nhắm mắt ghè lửa vào chiếc tẩu cỏ
và đi ra ngồi một chỗ riêng cuối hàng người.

Người xếp ga ở bên kia tường và một thứ sổ sách ǵ,
giấy tờ, bụi bặm, chiếc đèn măng-xông, cuốn lịch, dấu xóa, loạn xạ vệt gạch,
những chiếc ghế ngắn dài mời mọc không hành khách nào ngoài kia tha thiết tới.

Sự tĩnh lặng tự nhiên được giàn xếp bởi
những người yêu đêm tối, cứ là ngó mông vào đêm tối
những ai trên đường chuyến tàu tới sẽ lặng lẽ bước lên.

Đêm mùa hè nó tới một lần một,
con mắt đứa trẻ theo dõi.
Những con cào cào trong chiếc lon đục những lỗ nhỏ.

Chúng đã bớt nhảy loạn, khua khoắng.
Chúng đang được thả ra.
Côn trùng học đang đi ra, gió thay thế nó.

Những kẻ đi lên với chiếc lưng thẳng, chiếc cổ cao [cây rừng]:
nhân chủng học ngẫu nhiên
đang thay thế nó.

 

TRẠM

Chuyến xe đỗ xuống. Chúng ta bị tách ra

như những phạm nhân hai bè giới tính

tôi sẽ thức dậy cạnh những ông già (mốcthảm hại)

và em, biết đâu mãi mãi

tôi sẽ không gặp lại

sau chừng ấy tháng năm (hết cả cuộc đời tôi).

Căn nhà hoang tàn rộng lớn

chặng cuối chuyến đi vòng hành tinh đã trả vé hẳn hoi.

“Kết thúc sẽ bất ngờ.” Người bán vé chẳng đã cảnh báo?

Tôi sẽ không còn em, không còn thế giới

căn phòng nhỏ như một cabin, trần thấp, phòng trọ ngày Van Gogh

chiếc giường gỗ đơn, giảm trừ bàn viết.

Người quản gia Thanh Giáo sẽ cho tôi thêm một thau xanh rửa mặt

để hứng những trận tuyết

giữa hè.

TRỞ LẶI

Tráng lên mặt gỗ, bụi, một trải đều, phẳng, những ngày đi vắng
Căn phòng, chiếc cửa, màn mành, một nửa,
Những tờ tin cũ, thế kỷ nhật trình—
Đã đi qua lúc nào? Góc bàn những trầy xước, móng
Của một khách tạm trú, một gã mèo rình rập
Trong bóng tối đêm, những đêm, khum lại mắt rợn xanh nhìn ra lưỡi kiếm liễu cong.
Những chiếc răng non, đứa trẻ quay lưng, nó thơ thới gặm nhấm, giấy,
Mùi dâu trên chiếc đĩa con, tiếng còi ga muộn, trong bó bản thảo kề bên
Đã tránh được cú vồ chụp, đã để lại những vụn phân bông đùa
Đã thoắt một cái chạy hình chữ chi, như tránh đạn.
Thế là mười mấy năm? Có gì còn đáng để tâm? Tiếng buột thốt bất ngờ
Như bị trúng một hình ảnh:
Một đám mây hình nấm
                một chiếc dép trên đá sạm
        một album vuông vuông như bánh lá gói, giữa tro tàn
Hay một người đàn bà ngồi im, một đắm chìm như thể
Ba sinh không lìa bước đã thấy ở một quán nước bên Vườn Bách Thảo Tokyo.
Trở về trong ánh sáng, đặt chiếc chìa khóa, cạnh ngòi bút rong, hư dụng
Hút một ngòi mực, gạch xuống những đường thẳng, không quá nặng tay
Có thể đứng, năm phút thôi, tia nắng mùa Đông đầu tiên sẽ tới từ hướng núi
Có thể để chiếc kim trên vòng đĩa một khúc dạo rè
Hay ngồi xuống,  gọi không khí
Cho chiếc tách, cũng bụi, cũng cần một lau sạch
Và bắt đầu trở lại, như bên ngoài, một ngày.

GIÓ

gió vẫn thổi
người vẫn đi dưới bầu trời
suy nghĩ
về những người đã rời bỏ
họ
một hôm nào đã gởi đi
một địa chỉ rời trên trái đất
một lời tử tế thân ái
không thể  có
không thể  đến
từ Thần hay Trời

NGƯỜI BẠN

năm tháng hay sự keo lòng đau đớn gì, niềm gì dày vò
chúng trở lại mang khuôn mặt người bạn
chúng tôi đứng nói chuyện ngoài trời
ngoài một căn phòng chắc là còn trẻ, nhiều tiếng giọng
anh ta hỏi, về cái gì
điều có thể làm, chuyện gì ngoài tầm sức
sự thất vọng
người sống kẻ chết
một danh sách dài
ngang bằng sự thất vọng
sự kiệm lời
cái vỗ vai nhẹ tử tế
khuôn mặt khoảng cách dày, tối
nó nằm trong bóng đêm, dưới tán cây ngoài những căn phòng
của loài người.

Comments are closed.