BỐN MƯƠI NĂM THƠ HẢI NGOẠI (30): LÂM QUANG MỸ

 

clip_image002[4]  Tên khai sinh : Nguyễn Đình Dũng.

  Sinh tại Nghệ An, Việt Nam.

–  Nhà thơ, dịch giả.

  Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.

  Hội viên Hội Nhà Văn Ba Lan.

  Tiến sĩ Vật lí Viện Hàn lâm Khoa học Ba Lan.

  Hiện sống và làm việc tại Warszawa, Ba Lan.

 

Tác phẩm văn học chính:

  Tiếng vọng (thơ, in song ngữ Việt Nam – Ba Lan, nhà xuất bản Oficyjna, Warszawa Ba Lan, 2004).

  Đợi (thơ, nhà xuất bản Văn hóa Thông tin, Hà-nội, 2005).

  Zatoulana Pisen (thơ tiếng Tiệp do nhà thơ, dịch giả  Vera Kopecka dịch, nhà xuất bản Bromov, Czech, 2008).

  Chiều rơi trên sóng – Evening descends on waves ( thơ, in song ngữ Việt – Anh, nhà xuất bản Hội Nhà Văn, Hà Nội, 2010)

  Tuyển tập Thơ Việt Nam từ thế kỉ thứ 11 đến thế kỉ 19 (bằng tiếng Ba Lan, dịch cùng Pavel Kubiak, nhà xuất bản IBIS, Warszawa,  Ba Lan, 2010).

  Przemija życie…(Life passes on…) (thơ, in song ngữ Ba Lan – Anh, nhà xuất bản Temat, Ba Lan, 2013),

  Tuyển tập Thơ Việt Nam từ 1932 đến 1941 (bằng tiếng Ba Lan, dịch cùng Pavel Kubiak, nhà xuất bản Temat, Ba Lan, 2015).

  Tháng  ngày…(Et la Vie S’en va) Thơ, song ngữ Việt – Pháp , do nhà thơ, dịch giả Athanase Vantchev de Thracy dich, nhà xuất bản Institut Culturel de Solenzara Paris , 2016

 

Giải thưởng Văn học:

  Thơ hay về Mùa Thu do Hội Nhà Văn Ba Lan trao năm 2004.

  Giải thưởng về Thơ và những hoạt động Văn học do UNESCO Ba Lan trao 2006.

  Công dân Danh dự vùng Krasne, quê hương Đại Thi hào Ba Lan Zygmunt Krasinski.

  Hai giải nhất (của ban Giám khảo và của công chúng) cuộc thi Marathon Thơ trong “Liên hoan thơ lần thứ năm Các nước có chung biên giới với Ba Lan” tại thành phố Rzeszow 6-2008.

  Hai “Cành Nguyệt quế  Lớn” về thơ và dịch thơ tại Liên hoan Văn học Quốc tế Galicja Ba Lan năm 2009 và 2011.

  Kỉ niệm chương “Vì Sự nghiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam” do Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam trao tặng tháng 2 năm 2010.

  Giải thưởng Văn học mang tên Klemens Janicki về toàn bộ sáng tác văn học và sự đóng góp vào nền Văn hoá châu Âu, năm 2013.

  Huân chương danh dự về sự đóng góp cho nền Văn hoá Ba Lan do Bộ Văn hoá và Di sản Quốc Gia Ba Lan trao tặng năm 2013.

  Giải thưởng về Thơ và các hoạt động Văn học của UNESCO Ba Lan trao 2016.

 

Lâm Quang Mỹ tiêu biểu cho trường hợp hội nhập thành công vào xã hội mới trong khi không ngừng mang vác trên vai gánh nặng của quê hương.

Anh viết thơ ngắn, chỉ thỉnh thoảng mới có bài dài, về nhiều chủ đề khác nhau, từ tình yêu đến lòng nhớ nhà, trách nhiệm xã hội. Thơ tự do của anh không đi quá xa quy luật vần điệu cổ điển. Bài thơ có niềm ngạc nhiên, sự vui thú đời thường được chọn lọc cẩn thận, giữa những hình ảnh được dựng nên bởi ngôn ngữ trong sáng. Anh làm việc và sống lâu ở Ba Lan, sinh hoạt trong môi trường văn học của quốc gia định cư, vì vậy không ít thì nhiều thơ châu Âu, thơ Ba Lan đã ảnh hưởng đến anh. Đó là loại ngôn ngữ trữ tình, tình cảm, giàu yếu tố tâm linh. Nhờ thế, thơ anh dễ hiểu và có thể làm rung động người đọc; đôi khi có tính hài hước và châm biếm, mặc dù đó không phải là đặc tính chủ yếu. Anh tìm thấy sự tương thông và tiếng dội xuyên qua biên giới của các nền văn hóa. Anh quan tâm đến số phận, những xung đột, những bi kịch, và sự thăng hoa trong đời sống. Nhiều bài thơ có âm hưởng như bài hát hay vở kịch nhỏ. Anh diễn tả trong thơ những mối quan tâm sống động, tình yêu, sự cầu nguyện, như một người tin rằng thơ có thông điệp.

Cũng như đời sống của một người lưu vong chia đôi giữa đất nước nguồn cội và quê hương thứ hai, giữa quá khứ và hiện tại, giữa khổ đau thân mật và hạnh phúc xa lạ, thơ Lâm Quang Mỹ bộc lộ nỗi xao xuyến không bao giờ rời bỏ anh giữa hình thức và nội dung, giữa ngôn ngữ và nhạc điệu, giữa lòng tin yêu cuộc sống và những buồn bã lo âu nén lại. Đọc Lâm Quang Mỹ, cần đọc chậm, sống trong những bối cảnh của bài thơ, lúc ấy bạn sẽ nghe được những câu chuyện.

Lâm Quang Mỹ là một trong những tiếng nói của trí thức người Việt Đông Âu quan tâm đến tình hình đất nước và là một người hoạt động văn học sôi nổi trên quê hương thứ hai.

Trên trang mạng của mình, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, bạn thân và đồng hương của Lâm Quang Mỹ, gọi đùa anh là “ngài đại sứ văn học của Việt Nam tại Ba Lan”.

Văn Việt trân trọng giới thiệu.

 

 

 

 

 

 

TÔI VÀ THƠ TÔI

 

Đôi khi thơ tôi

như những sợi gió mỏng manh

còn sót lại sau từng cơn bão

vẫn gợi lên cảnh hoang tàn đổ nát.

 

Đôi khi thơ tôi

như đứa trẻ thơ

hồn nhiên vừa đi vừa hát

thấy của rơi bên đường không dám nhặt.

 

Còn tôi như chiếc lá khô cuối thu

gió đưa lạc về lối cũ

không biết buồn hay vui…

 

 

HOÀNG HÔN

 

Mặt trời trăng trối với ráng hồng,

Dòng nước xanh sẫm lại.

Nỗi nhớ trào thinh không.

Bên rừng kia tiếng ai vọng lên tha thiết

như chất đầy cả thế kỉ chờ mong.

Trên sườn núi vài ánh vàng sót lại.

Lạc tiếng chim khắc khoải gọi đàn.

Lũ cò trắng sải cánh bay uể oải

xa mờ dần giữa thế giới màu than.

Và gượng gạo núi bò thấp xuống.

Im lặng trùm lên, chờ đêm tan…

 

 

KHỐI TÌNH

 

Vệt nắng chiều vương nương bờ cỏ.

Cảm xúc chiều vương nương ý thơ.

Trăng nương mây bạc. Diều nương gió.

Tình treo như một khối bơ vơ

 

 

 

MẸ VÀ QUÊ

 

Cái-chảo-Quê rang bằng lửa gió Lào,

Tấm phản gỗ nóng quăn vỏ đỗ.

Đòn gánh bỏng vai tan buổi chợ,

Mồ hôi lưng Mẹ áo khô dòn.

Giếng làng chắt, một nửa gầu là cát.

Phần đục Mẹ uống rồi phần trong để cho con!

 

 

LÁ CỎ

 

Nhiều khi ta là lá cỏ

Dập dờn xanh mặt nước hồ

Nhiều khi ta là lá cỏ

Nổi chìm bao đợt sóng xô!

 

Nhiều khi ta là lá cỏ

Uống mưa suốt cả đêm dài

Nhiều khi ta là lá cỏ

Khát khô chờ giọt sương mai!

 

Nhiều khi ta là lá cỏ

Đung đưa dưới ngọn gió trời

Nhiều khi ta là lá cỏ

Nát nhàu dưới dấu chân người!…

 

 

NÀO …

 

Phương trời nào tng say

Bàn tay nào vẫy gọi

Bóng chiều nào từng lắt lay

Tâm trí nào từng u tối!

 

Con tim nào từng tội lỗi

Tháng ngày nào từng u mê

Mịt mùng nào sương khói

Nỗi niềm nào tái tê!

 

Con đường nào từng qua

Giấc mơ nào cạm bẫy

Bước chân nào từng run rẫy

Kỉ niệm nào từng xót xa!

 

Dòng đời nào trôi qua

Thuyền Tình nào neo lại

Nhớ thương làm Bến Đợi

Để Ước Mơ quay về

 

Phượng đỏ nào say nắng hè

Đào phai nào hờn đông lạnh

Vần thơ nào chắp cánh

Hương đời nào bay xa…

 

 

BA MƯƠI NĂM

Thân gửi các bạn cùng sang

Ba Lan du học khóa 1965.

 

Rời Đất nước một chiều thu Hà nội,

con tàu đưa ta tới chân trời xa…

Tạm biệt Tổ quốc nghèo

(nhưng giàu những lời ca)

để ước mơ trải dài theo con đường sắt…

Những huyền thoại trong sách học trò

đang hiện lên trước mặt:

Trung Hoa bao la đẹp như khúc Đường thi.

Bai-can mênh mông, bát ngát Xi-bê-ri.

Mat-xcơ-va choáng ngợp hồn thơ dại…

Và Ba-lan, nơi ta dừng lại,

tới tận bây giờ đã ba mươi năm!

 

Ba mươi năm của bao cuộc thăng trầm.

Đã từng say sưa, đã từng day dứt…

Có lúc sống ngay gần kề cái chết,

thật, giả, trắng, đen chỉ khác có ngôn từ.

Ta đã sống nhờ cái khờ dại ngây thơ,

và hay nói những điều mình không nghĩ thế!

 

Ba mươi năm qua đi một thời non trẻ.

Ba mươi năm của ba cuộc chiến tranh.

Bạn có trải qua những đêm lạnh thiếu chăn,

bát mì sợi và đĩa rau muống luộc,

chiếc xe đạp lốp mòn dây chun buộc

lai con đi đạp vội trước hàng quà…

 

Lớp chúng mình „từ gian khổ sinh ra”,

nhưng chẳng chịu để đói nghèo khuất phục,

biết trả giá cho cái vinh cái nhục,

giữ lại cho mình một góc của riêng ta.

 

Ba mươi năm như một thoáng trôi qua.

Trên thảm cỏ xanh rờn bao kỉ niệm

vẫn e ấp những nụ hoa tim tím,

như tình yêu trong trắng âm thầm.

 

Và Em,

Em đã cùng anh đi trong ba mươi năm,

từ cái nhìn ban đầu chao nghiêng vành nón,

bao buổi hẹn hò, bao lần đưa đón…

vẫn một màu Hoa Trắng ấy, ngày xưa…

vẫn cái gì dìu dịu trong mưa;

vẫn cái gì lâng lâng trong nắng…

 

Dưới đáy Đại-dương-thời-gian,

những Hạt Trai lóng lánh

Ba mươi năm, ta vẫn giữ cho mình.

 

Warszawa, Mùa Thu 1995

 

 

ĐỢI

 

Ta ở trong nhau những ngày trống vắng.

Nhớ buổi tiễn đưa, con đò trong nắng.

Cơn bão tan trong bảy sắc cầu vồng.

Đợi dấu chân ai, cát dài mờ sông…

 

 

ĐỘC HUYỀN CẦM

 

     Độc Huyền Cầm! Độc Huyền Cầm!

Lang thang tìm bạn tri âm cùng trời.

     Ở đâu mưa gió tơi bời,

Độc Huyền Cầm sẽ là nơi êm đềm.

     Ở đâu trăng trải đầy thềm,

Độc Huyền Cầm – bóng hoa đêm hẹn hò.

     Thuyền ai không bến bơ vơ,

Độc Huyền Cầm – một bãi bờ bình yên.

     Dù cách xa đến trăm miền,

Độc Huyền Cầm vẫn nối liền tri âm.

Độc Huyền Cầm! Độc Huyền Cầm!

Mấy ai là kẻ tri âm trên đời!…

 

 

EM VÀ ANH

 

Nếu em là tờ giấy trắng,

Anh xin là những vần thơ.

Trang đời lật theo năm tháng,

Nguồn thơ không cạn bao giờ.

 

Em-đồng lúa vàng trĩu hạt,

Anh-con đê dài ven sông.

Đê vững ngăn dòng nước lũ,

Đồng vui bát ngát hương nồng.

 

Anh là trưa hè nắng lửa,

Cho em làm cánh phượng hồng,

Để ta cháy lên nỗi nhớ,

Để ta khao khát chờ mong.

 

Anh như con thuyền cửa Hội

Em là ngọn gió nồm nam.

Thuyền ra khơi xa vời vợi

Gió vọng câu hò mênh mang…

 

Cửa Hội thu 1969  

                       

* Bài này đã có lúc ghi bút danh Hoàng Tuyết Mai

 

 

  RELAZOWA VOLA

 

Trong vườn Sôpanh

             khúc dạo đầu thánh thót

Từng giọt rơi rơi

             đến chật cả không gian

Là tiếng nhạc

             hay là tiếng khóc

Về sướng vui

             hay đau khổ ngập tràn

             

 

TIẾNG GỌI

 

Nửa đêm choàng thức dậy

ào ào gió bốn bề

Dường như trong bão tố

tiếng gọi từ miền quê

 

Những tiếng như mờ xa

những tiếng như thiết tha

tự ngàn xưa vọng tới

sâu thẳm đáy lòng ta

 

Những kí ức nhạt nhòa

những tuổi thơ rách nát

những tâm hồn phiêu dạt

những bóng ngày trườn qua…

 

Sáng nay trời không nắng

không một tiếng chim ca

Phải đâu là yên lặng

bão nổi trong lòng ta.

 

 

NGƯỜI SỐNG VÀ NGƯỜI CHẾT

 

Nước,

          tràn lên,

                     cuộn chảy,

Lũ ào ào,

         cuốn xuáy,

Cây bật gốc,

                   trôi.

Nhà cửa trôi…

 

Đã bốn ngày trên mỏm quả đồi,

Mẹ ngồi đó, cháu trong tay đói lả.

Nước vẫn cuốn. Trời vẫn mưa xối xả.

Nghĩ tới xóm làng, lòng Mẹ cuộn đau.

Nước trắng trời và tóc Mẹ trắng đầu!

Bỗng mắt Mẹ hoa lên khi vừa nhìn thấy    

                           những cỗ quan tài trôi!

Mẹ run lên, không đứng vững nữa rồi

             để nhảy xuống mà lôi chúng lại.

Sức đâu còn, đã bốn ngày nhịn đói!

Người sống không cứu được mình,

Biết làm sao cứu được người chết!

 

                   Hướng về miền Trung Tổ quốc

                                       Warszawa, 11-1999

 

 

 NHỮNG CƠN BÃO

 

Nắng

        thiêu đốt những hiền hòa. minh mẫn,

        nhen nhóm những dữ dằn, căm hận;

 

Sấm chớp

               lóe ngang trời hy vọng, khát khao;

 

Rồi những hạt mưa rơi

                                    ve vuốt tuyệt vời sao!

 

Và chúng ta chẳng biết gì độc hại

                   trong những giọt mưa-nước thải

                   từ bầu trời bị ô nhiễm cực kì!

 

Rồi gió

           ban đầu cho cảm giác mê li

           – sự mát mẻ của mồ hôi ráo

           dần dần trở nên hung bạo,

                              tàn phá tơi bời…

 

Phải chăng bạn ơi

           chúng ta đang sống sau,

           hay trước nhũng cơn bão ấy?

 

 

TIẾNG VỌNG ƯỚC MƠ   

 

Dội vào mỏm đá lô nhô

con sóng tan thành bọt trắng.

Lặn vào trái tim tôi

sự cô quạnh lan đến trời xanh.

Bọt nước tung lên lại về với sóng

cô đơn tim tôi chơ vơ chốn mông mênh…

 

Đảo làm giá đỡ cho tôi

nhưng đảo vẫn ngập trong biển lệ,

Nước mắt hành tinh có bao giờ vơi!

Đảo làm nhân chứng cho tôi:

Sự đơn độc choán đầy tâm thức,

không thể nhận thêm và chẳng thể cho thêm!

 

Chiếc-thuyền-dảo nhỏ nhoi giữa biển

lầm lũi ngàn năm chẳng tới bờ

Tôi-người thủy thủ gửi hồn theo sóng

Để đón về tiếng vọng những ước mơ…

        

                 Đảo Maiorca,Tây-ban-nha, 199

 

 

TƠ LÒNG

 

   Nắng phơi khô bạc đất đồi,

Cây Ô-liu vẫn đâm chồi non tơ.

   Vườn thung cam đã vàng mơ,

Quả sà xuống thấp ý chờ tay ai.

   Cọ xanh chải mượt nắng mai.

Màu hoa giấy tím gợi hoài nhớ thương.

   Vịnh xa mặt lặng như gương.

Tơ lòng giăng những sợi vương mây trời.

   Đảo cô đơn giữa biển khơi

Tôi cô đơn giữa biển đời không em!

 

                          Mallorca, hè 1999

                                   

 

GỬI BẠN

 

Lại gửi Thành đây Thành ơi Thành,

Trong những ngày này cảng Gơđanh,

Thu đến rồi sao, trời ren rét,

Gió tự phương nào, cây bớt xanh.

 

Thôi chớ bước trên những lá buồn,

Hãy về với tớ, cát đường thôn,

sương sớm thu sang càng mát dịu.

Quê tớ độ này chắc vui hơn.

 

Ta sẽ lướt trên sóng sông Lam,

Ghé bến Tiên-điền chuyến đò ngang,

Nghe câu ví dặm say dòng nước,

Như thuở chàng Kim say giọng đàn.

 

Bến Chế * chắc Thành cũng muốn thăm

Lê Thánh Tông xưa với Tao-đàn,

Đá vẫn cùng thơ chồng lớp lớp,

Lao xao tùng bách, nắng mơn man .

 

Ta sẽ trèo lên đỉnh non Hồng**

Phóng tầm mắt rộng, ngắm biển Đông

Chín mươi chín ngọn lưng trời thẳm,

Bền vững bao đời chí cha ông!

 

Rồi trở về nhà tớ Thành ơi.

Đón ta, mẹ tớ ướt mắt cười.

Mẹ sẽ xoa đầu từng đứa một:

-„Ở tận đâu về các con tôi?”

 

                         Gdańsk,  8-1966

 

*Làng Chế bên sông Lam, cảnh rất đẹp.Trong

 bài thơ “Vịnh làng Chế”của Lê thánh Tông

(1442-1497), người đứng đầu Tao-đàn nhị

thập bát tú, có câu: „Cảnh đẹp bằng đây họa

có hai!”

**Núi Hồng-lĩnh ở Nghệ-Tĩnh có 99  ngọn.

 

 

HOA TRẮNG

 

Nhớ chăng những chùm hoa nhỏ ấy,

Nở trắng bên đường, trắng tuổi thơ.

Trên những Con-Đường-Hoa-Trắng ấy,

Ta vẫn đi về suốt trong mơ!…

       

                      Warszawa, một đêm Hè 1994

                       

  

GIÀ

 

Ngày đi trong thanh bình.

Đêm ngược chiều bão tố.

Ngày như đứa trẻ nhỏ.

Đêm đã ngoài sáu mươi.

 

            Tết năm Con Khỉ 2004

               

 

ĐỘC THOẠI TRÊN BIỂN

 

Êm ả một vùng Ban-tích

Ầm ầm sóng dậy biển Đông.

Mắt thấy màu xanh ngọc bích

Lòng hun ngàn ngọn lửa hồng!

 

 – Hãy nhìn trong từng giọt nước

có giọt nào từ Cửu Long

đượm mùi rễ dừa rễ đước,

rễ ngô rễ mía sông Hồng?

 

 – Có giọt nào từ quê ta

từ những luống cày thấm ra

cùng máu mồ hôi nước mắt

của bao thế hệ ông cha?

 

 – Có giọt nào mang hôi tanh

của loài mặt người dạ thú?

Giọt nào chắt chiu ấp ủ

đậm đà sâu nặng nghĩa tình?

 

– Ơi biển khơi xa trong xanh…

 

                    Gdynia, thu 1990

 

     

SÁNG CHIỀU ĐÊM

 

Sáng đi có trăm đường

Chiều chỉ về một lối

Có lúc nào tự hỏi:

– Đêm nay mình nơi đâu?

 

 

THÁNG NGÀY

 

Rã rời anh cố níu cánh hè

Xao xác em thu chầm chậm về

 

Thẳm sâu đáy mắt thuyền không đậu

Một chút buồn gieo bóng mây qua

Còn gì chờ ta

Bên trời nẻo xa…

 

Heo may dựng tường ngang nẻo dài

Dưới vệt xe lăn đá mệt nhoài

 

Sóng tan bóng núi về phương cũ

Một tiếng hò xa nhớ nguôi ngoai

Còn ai chờ ai

Tháng ngày phôi phai…

 

 

TRỞ LẠI LODZ  (*)

   ( Sau nhiều năm xa cách)

 

Đến Thuyền mà không thấy biển

Gặp ánh mắt ai lúng liếng

Soi trời đầu xuân Ba-lan.

 

Dập dìu khúc hát điệu đàn

Để lòng ta say nỗi nhớ

Quên cả phút đầu bỡ ngỡ

Ngất ngây bóng dáng Xuân qua…

 

Đâu rồi những cô thợ dệt?

Còn không những mối tơ dăng?

Con thoi ngày xưa vẫn giữ?

Dấu in tay người còn chăng?

 

Bàn tay dệt nên cuộc sống.

Năm tháng có phai sắc màu?

Niềm vui dăng thành sợi dọc;

Sợi ngang dệt bằng khổ đau?!…

 

Đến Thuyền mà không thấy biển

Chỉ nghe sóng lòng dội bến

Buồm xa chở gió về đâu?…

 

(*) Lodz (Łódź) – tên một thành phố lớn của Ba-lan, từ cổ xưa

 đã nổi tiếng về nghề dệt.

   Tiếng Ba-lan chữ “łódź” có nghĩa là chiếc thuyền.

Comments are closed.