BỐN MƯƠI NĂM THƠ VIỆT HẢI NGOẠI (35): Bắc Phong

Tiểu sử

clip_image002[4]Nhà thơ.Tên thật Kiều Duy Phong, sinh năm 1953, tại Bắc Việt. Vào Nam năm 1954. Ðến Montréal Canada năm 1975. Khởi viết cây bút chủ  lực của tạp chí Dân Quyền ở Montréal Canada. Cộng tác với các  tạp chí Làng Văn, Nắng Mới, Vượt Biển, Lửa Việt,  Rạng Ðông, Thế Kỷ 21. Hiện ngụ tại thành phố Toronto, Canada.

Tác phẩm đã xuất bản:

Chính Ca ( thơ, nxb Ðồng Tiến 1986).

bài trên các tuyển tập :

Hội Tuyển Thi Ca (Thanh Niên Hành Ðộng Hội Pháp-1986), Tuyển Tập 23 Người Viết Sau 1975  (Văn Nghệ,   Hoa Kỳ 1988), Tuyển Tập 30 Bài Thơ, 12 Khuôn Mặt (Dân Quyền 1980), Tuyển Tập Thơ Văn Dân Quyền 1978-1982 (DQ1983), Thơ Văn Hải Ngoại Năm 2000 (Việt thường,Văn mới 2000). Luân Hoán – Một Ðời Thơ (nhiều tác giả, Sông Thu, 2005).

Hiện quản thủ hai địa chỉ:

 

http://bacphong.blogspot.ca

http://sangtao.org

Thơ Bắc Phong là ngôn ngữ trực tiếp, chuyển tải ý thức rõ ràng, đôi khi buồn rầu, đau đớn. Trong khi làm nổi bật những quan tâm có tính thời sự về đất nước, anh vẫn diễn tả được một điều gì gần như là tin tưởng hay hy vọng. Khả năng hài hước của anh, như có thể thấy trong nhiều bài, đã giữ thăng bằng cho những hy vọng này.

Những bài thơ trữ tình phảng phất cảm giác lãng mạn và triết học. Âm điệu gần với ca khúc, nhẹ nhõm, vẫn có thể gây ra cảm giác sức mạnh. Anh di chuyển giữa các giọng điệu và các đề tài, sự quan sát của anh tinh tế, nhiều phản ảnh hiện thực. Mặc dù làm nhiều thơ tự do, Bắc Phong vẫn có ưu thế hơn trong những bài thơ hoặc những câu thơ vần, gần với cổ điển. Ngược lại, khi anh cố gắng làm mới ngôn ngữ, hoặc cố gắng diễn tả một điều gì với thể tự do buông thả nhất, anh có những câu thơ chậm chạp như văn xuôi, và do đó làm thay đổi hẳn nhịp điệu của bài thơ vốn thường linh hoạt của anh.

Trong một ý thức chính trị thường trực, người ta có thể nhận ra cái đẹp khác thường của ngôn ngữ. Dù vậy, thơ Bắc Phong vẫn dễ hiểu, dễ đọc. Những chủ đề của anh gần gũi. Trong những bài tiêu biểu, anh dựng nên một ngôn ngữ cô đọng, giàu năng lượng, có khả năng dung chứa nhiều lịch sử và huyền thoại.

Văn Việt trân trọng giới thiệu.

 

 

 

MUỐN THEO MÂY

 

hớp rượu này
trăng cũng nuốt trôi
xuân tha hương
lòng những ngậm ngùi

ta lữ khách
nhìn đời như mộng
sao bâng khuâng
cố quận sầu khơi

người và quê
đành đã chia xa
cuộc vô thường
ảnh sắc phôi pha

ta về đâu
hỡi tên lạc xứ
muốn theo mây
mây cũng không nhà

(1/1990)

 

 

NGẪU Ý

 

đêm khuya giấy bút ngồi trầm mặc

uống nước trà sen nhai kẹo vừng

ngẫu ‎hứng mấy dòng thơ xuân cảm

mở lòng mình như bóc bánh chưng

 

bằng hữu ai quên và ai nhớ

nhân ảnh phôi pha cuộc vô thường

cố quận mịt mù xa cố quận

tha hương buồn sự vụ tha hương

 

bất giác nhớ người đêm trừ tịch

áo tím Gia Long đẹp lạ lùng

chúc em xuân sắc càng xuân sắc

thư dung càng yểu điệu thư dung

 

mười năm chưa giải xong công án

không đánh sao vang chuông đại hồng

thôi cứ chúc mình tâm an lạc

duyên cớ gì nghĩ chuyện sắc không

 

 

DÙ ĐÊM TRĂNG KHÔNG MỌC

 

Từ biển đêm thăm thẳm
giọng trẻ hát đồng dao
không phải lời hoan lạc
nhưng là tiếng kêu gào

Những câu thơ được hát
trong tuyệt vọng âm thầm
Nhưng chữ là than lửa
ném vào mặt lương tâm

Nên hồn tôi bỏng rát
Trong vật chất âm u
Nên trí tôi thức tỉnh
Trong danh vọng ảo mù

Buồm của anh rách nát
Bởi bao đợt sóng nhồi
thì xin anh hãy vá
bằng những miếng da tôi

Dù đêm trăng không mọc
nhưng mắt trẻ là sao
Trái tim tôi là bến
xin anh cứ bơi vào

Ôi bằng ơn thượng đế
được uống nước mắt nhau
để dịu đi cơn khát
giữa biển đời thương đau

Nếu bút anh đã gẫy
hãy mài nhọn xương tôi
Chấm máu tôi mà viết
về lương tâm con người.

 

 

TẠI SAO CÁC ĐỒNG CHÍ LẠI SỢ NHAU

 

này các đồng chí cán bộ đảng viên
trong những năm xâm chiếm miền Nam
những lúc vượt rừng núi Trường Sơn
dù gian khổ thế mấy các đồng chí cũng hy sinh
chia nhau từng nắm cơm hớp nước
nhường chỗ khô ráo cho nhau nằm
bắn che cho nhau lúc đối diện quân thù
thề không bỏ đồng đội bị thương
không có gì cao cả hơn tình đồng chí
không có gì ruột thịt hơn tình đồng chí
không có gì thiêng liêng hơn tình đồng chí
tại sao bây giờ các đồng chí sợ nhau?

có đồng chí đã từng bị án tử hình khiếm diện
vẫn coi khinh chế độ Sài Gòn cũ
thế mà nay phải đặt vấn đề sợ
với chính những đồng chí cách mạng năm xưa
tại sao các đồng chí sợ nói ra sự thật
vụ khai thác bauxite Tây Nguyên
vụ ngoại nhân thuê rừng đầu nguồn
vụ Trung Quốc khống chế biển Đông
vụ Vinashin…
và hàng trăm tệ nạn xã hội khác
từ tham nhũng khắp các cấp cán bộ nhà nước
đến khủng hoảng văn hóa giáo dục
nền tảng đạo đức suy đồi…

nhiều đồng chí có hàng mấy chục năm tuổi đảng
đã từng lập chiến công hiển hách
ngực đầy huân chương cách mạng
thế mà cũng vẫn sợ
không chỉ khi còn tại chức
mà cả khi về hưu
sợ bị công an theo dõi
sợ bị bắt bớ điều tra
sợ bị gán tội âm mưu với các “thế lực thù nghịch”
sợ bị án tù phá hoại an ninh quốc gia
các đồng chí ấy muốn nói ra sự thật
phải dáo dác nhìn quanh
sợ trần nhà có mắt
sợ vách tường có tai
sợ cả bóng mình
có đồng chí nào dám nói gì gì đi nữa
cũng thường phải nhân danh bác Hồ thế nọ thế kia
cứ làm như bác Hồ là lá bùa hộ mạng

nhiều đồng chí biết cái sợ là vô lý
tại sao các đồng chí đó vẫn sợ
có một nhân sĩ bảo muốn giải thích nỗi sợ ấy
các đồng chí cần vận dụng
sự hiểu biết, lòng trung thực và nhân cách
thật chẳng đơn giản chút nào

mà này sao vẫn có hàng ngàn dân oan
không sợ vẫn lũ lượt kiện cáo
chuyện cướp đất, tham nhũng, hà hiếp dân
của các đồng chí lãnh đạo địa phương?
mà này sao vẫn có những nhà bất đồng chính kiến
không đợi đảng “tự diễn biến”
mà vẫn dấn thân tranh đấu
cho tự do dân chủ cho nhân quyền?
thế thì lý do gì các đồng chí phải sợ nhau?

có phải quyền lực độc tài đảng trị
làm đa số các đồng chí tha hóa
không còn mang lý tưởng vì nước vì dân
chỉ lo làm giàu bất chính
vơ vét của công làm của riêng
có phải vì muốn bảo vệ ngôi vị
ăn trên ngồi trốc
hưởng thụ bổng lộc, danh vọng, quyền uy
sẵn sàng dùng mọi thủ đoạn đàn áp người khác
mà các đồng chí sợ nhau
sự thật có phải đúng thế không?

nếu đất nước này nhân dân làm chủ
tại sao các đồng chí không sợ chủ nhân dân
mà lại đi sợ mấy thằng đầy tớ khác?

 

 

LƯỠI BÒ NƯỚNG

chiều thứ Bẩy bạn buồn tình

muốn nhậu lai rai

sao không thử món lưỡi bò nướng

lạ, dễ làm,

mà lại rất ngon

bảo đảm ai ăn

cũng phải rung đùi sướng

 

nguyên liệu bạn cần 2 lưỡi bò

2 muỗng canh bột nghệ

1 muỗng cà phê bột thì là

1 muỗng cà phê bột ớt

1 củ hành tây thật to

50 gram tỏi

3 muỗng canh nước mắm ngon

và 3 hay 4 muỗng canh dầu ăn

 

đầu tiên bạn phải làm sạch lưỡi bò

bằng cách trụng sơ trong nước sôi

xong bạn vớt lưỡi bò ra

lấy con dao nhỏ cạo hết lớp màng

cho thật nhiều muối vào xát

xát thật kỹ rồi xả nước cho sạch

sau đó bạn cắt mỏng ngang lưỡi bò

thành ra nhiều miếng

 

rồi bạn xay tỏi với hành tây thật nhuyễn

vắt lấy nước

cho những miếng lưỡi bò vào ướp

trộn cho đều trong nước mắm

và tất cả các gia vị nêu trên

tuỳ theo khẩu vị

bạn nêm muối với đường

muốn lưỡi bò thêm đậm đà

thì cho một muỗng cà-phê bột ngọt

đậy kín ướp độ vài giờ

xong lấy ra bạn dùng que xiên

từng miếng lưỡi bò mang nướng bếp than

 

lưỡi bò nướng chín chấm mắm nêm

bạn ăn với rau sống và chuối chát

uống cốc bia to

chắc chắn mọi ưu phiền quên hết

mà này bạn, món lưỡi bò nướng

phải lưỡi bò Trung Quốc mới ngon!

 

 

TA CHƯA NHẬN RA MÌNH

 

Sáng thức nhận ra – tay còn đấy.
Hỏi nó còn biết viết hay không
Ừ bốn năm chưa quên quốc ngữ
nó viết rằng – Trả nợ non sông.

Mới nhớ từ khi ta bỏ nước,
sống khác gì một đứa vong thân.
Nợ nhà, xe đã quen hẹn trả,
nợ non sông lại cứ khất dần.

Nghe ray rứt những ngày lưu lạc,
áo trận xưa giặt sạch cất rương.
Ta lấy ra mặc vào ngắm nghía,
trông lạc loài tên lính tha hương.

Lại cởi áo nhìn từng vết sẹo,
đưa tay sờ bỗng thấy nhói đau.
Dấu chiến tranh còn trên da thịt,
mặt ê chề sao chẳng buồn lau.

Tin bạn cũ nghe chưa buông súng,
đang âm thầm chiến đấu rừng sâu.
Ta vẫn nhớ trưa nào đội nắng,
bám nhau bơi qua khúc giang đầu.

Muốn trở lại làm tên lính ngụy,
ở bưng biền nhưng sống hiên ngang.
Còn hơn ôm nỗi đau sầu xứ
xa quê hương quên kiếp da vàng.

Đời no ấm nghĩ càng xấu hổ,
vắt đâu ra giọt nước mắt thầm.
Con đầu lòng năm nay chín tuổi,

mà vẫn còn nói ngọng quốc âm.
Sống vật chất làm đời ô uế,
biết bao giờ gội sạch tâm linh.
Ta chỉ biết làm thơ tưởng tiếc,
đọc lên nghe hằn học với mình.

 

 

THÔI RƯỢU TIỄN NGƯỜI

 

uống chưa xanh mặt tức chưa say
đưa ly đây ta sẽ rót đầy
cạn đi mai sáng người đi mất
ta đến bao giờ chia men cay

ngươi cười ta rót rượu run tay
rượu rót run tay không chết ai
nhưng ngươi xung trận rung tay súng
thì chốn sa trường chết uổng thây

còn được đêm nào như đêm nay
đất trời tịch mịch chỉ còn hai
ta ngươi chia rượu chia đau đớn
tổ quốc bao giờ chiếm lại đây

nhưng chí quyết thì ngươi đi ngay
xá gì gian khổ mặc chông gai
ta cũng chỉ mơ cùng ngươi lúc
đất quê hương đặt lại gót giày

ôi ta vợ con đã một bầy
ta tự trói chân mà không hay
thôi rượu tiễn ngươi ta xin rót
mang hộ tình ta lúc bèo mây

còn chút sầu kia đọng đáy chai
ta rót vào đâu giữa đêm dài
ngươi nghe đây, thơ Nguyễn Bính
Hành Phương Nam, ta đọc đây này

ta giận ta không nhớ trọn bài
nhưng đoạn trường xưa có khác nay ?
đất nước cũng đang hồi nghiêng ngửa
mà kẻ lên đường chẳng mấy ai

ngươi với phong sương với dạn dày
nợ non sông mang nặng trên vai
phải, ta tiễn bạn về quê cũ
như tiễn anh hùng, cảm kích thay

 

 

TRI KỶ

 

trước năm 1975 hắn và nàng

cùng học báo chí đại học Vạn Hạnh

nàng là con gái nhà giầu

thích mặc váy ngắn

được mẹ lái xe hơi đưa đón tận trường

hắn là sinh viên nghèo mạt rệp

đi chiếc xe đạp cọc cạch hay tuột xích

tiền dạy kèm chỉ đủ sáng uống cà-phê

và mua thuốc lá lẻ

nên hắn thường nhịn đói buổi trưa

 

vậy mà nàng thích la cà với hắn

thỉnh thoảng đãi hắn ăn chè trong câu lạc bộ

có bài thơ nào mới hắn đều khoe

nàng ngồi khép đùi chăm chú đọc

khen hắn làm thơ tình hay

dù nhiều bài đọc xong thấy ngượng

vì ngôn ngữ buông tuồng

có lần nàng đề nghị hắn gom lại đem in

nếu thiếu tiền nàng cho hắn mượn

hắn tự ái nói chỉ thoả mãn lúc làm thơ

chẳng nghĩ gì thêm sau đó

 

tình như mây được ba năm

một bữa hắn đánh bạo cầm tay nàng tỏ tình

nàng nhìn sâu mắt hắn từ chối

nói đã có người yêu

là một trung uý nhảy dù đang tác chiến

nhưng vẫn muốn hắn làm bạn

hắn vừa buồn tê tái vừa mặc cảm

trước một kẻ xông pha mặt trận

thất tình hắn thề bỏ làm thơ

nhưng chỉ vài tháng sau

hắn chạy theo một nhan sắc khác

bên khoa học xã hội

không giữ được lời thề

 

sau biến cố 30 tháng tư hắn vượt biên

sang Mỹ học ngành kỹ sư điện tử

năm 1992 nàng sang sau với chồng theo diện H.O.

tình cờ gặp lại nhau ở Little Sài Gòn

mừng mừng tủi tủi vì còn nhận ra nhau

dù mặt người nào cũng in hằn dấu tích

tàn phá của thời gian

sau đó nàng thỉnh thoảng gọi phone

hẹn hắn đi uống cà-phê

hai người lại coi nhau như tri kỷ

chẳng giấu nhau chuyện gì

đôi lúc hắn đọc thơ cho nàng nghe

nhiều bài thơ tình vẫn lãng mạn

như thuở còn sinh viên

 

chủ nhật tuần rồi ở cà-phê Starbucks

hắn kể nàng nghe đêm trước nằm mơ

thấy nàng mới tắm xong

dịu dàng đến bến giường

cởi khăn bông áp vú vào mặt hắn

ngực nàng một bên vú to

một bên không có, kỳ lạ!

nghe xong nàng giận tái mặt

nhưng nghĩ sao lại vén tóc mỉm cười

rồi vừa xoa ngực vừa nói

ông nằm mơ lạ thật

ngực mình đúng như thế đấy

một bên vú cắt vì bị ung thư

ông có muốn xem không?

hay đưa hộ vào thơ cũng được!

 

 

BỌN BÁN NƯỚC ĐI BẰNG ĐẦU GỐI

 

tôi nhận e-mail của chị Nguyễn Thị Thanh Bình

rủ chơi trò phơi mình đề thơ đòi tự do

lòng vừa thấy ngần ngại

vừa thấy hay hay

đêm nay trong lúc ngồi suy nghĩ

không biết nên chọn phần thân thể nào tốt để phơi

và đề thơ cho xứng

thì tôi nhớ khoảng giữa tháng chín

mình có đọc một tin thời sự nóng

viện lý do chính phủ Nhật hành động khiêu khích

khi quốc hữu hoá quần đảo Senkaku mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư

mấy chục ngàn người dân Trung Quốc

thủ sẵn gậy gộc gạch đá và vỏ chai

rầm rộ xuống đường ở Bắc Kinh

và nhiều thành phố lớn khắp Hoa lục

họ mang rợp ngũ tinh hồng kỳ

hình lãnh tụ Mao Trạch Đông và biểu ngữ

hô hào khẩu hiệu đả đảo nước Nhật

và ký tên đòi chiến tranh

 

các cuộc xuống đường rõ ràng có tổ chức

đa số người dân Trung Quốc đi biểu tình là giới thanh niên quá khích

họ đấm tay hò hét đốt cờ Nhật

toan tính tấn công toà đại sứ và các toà lãnh sự Nhật không xong

lại kéo nhau đi đập phá đốt cháy các cửa hàng

và phá huỷ xe hơi mang thương hiệu Nhật

trong khi cảnh sát Trung Quốc mang khiên và dùi cui lập rào chắn

phun nước vòi rồng và bắn khói cay giải tán biểu tình

giới truyền thông nhà nước lại đổ dầu và quạt lửa

ca ngợi đám biểu tình côn đồ là yêu nước

sẵn sàng hy sinh bảo vệ chủ quyền quốc gia

 

lúc đó tôi không khỏi chua chát khi nghĩ đến

những người dân Việt Nam ở Sài Gòn và Hà Nội

tự phát đi biểu tình bất bạo động

chống Trung Quốc xâm chiếm Hoàng Sa và Trường Sa

ngang ngược vẽ đường lưỡi bò phi lý

mưu toan nuốt trọn biển Đông

thì lại bị công an thành phố rào đường chận bắt

buộc tội gây rối trật tự công cộng

một số báo chí nhà nước còn gán ghép trắng trợn

những người đi biểu tình là tay sai các thế lực thù địch

hỏi thế có nghịch lý và đáng phẫn nộ hay không?

 

đêm nay tôi chạnh nhớ nụ cười hiền lành của blogger Điếu Cày

trong tấm hình ông đội nón bảo hiểm với hàng chữ khẳng định

Hoàng Sa & Trường Sa là của Việt Nam

lòng lại thấy bất bình khi nghĩ đến các bản án trả thù khắc nghiệt

chế độ Cộng Sản Việt Nam giáng xuống ông và hai nhà bất đồng chính kiến khác

AnhBaSG Phan Thanh Hải và chị Tạ Phong Tần

sau khi gán cho họ tội phá hoại an ninh quốc gia

bất giác tôi nổi xung

muốn chửi tục hữu nghị cái con c.

thực sự từ sau hội nghị Thành Đô

bọn bán nước Cộng Sản Hà Nội luôn đi bằng đầu gối

thảm hại nhục nhã và hèn hạ vô cùng

trước lũ thiên triều ngạo mạn Bắc Kinh

 

 

CÔ ĐƠN

 

chồng mất đã ba năm

nàng sống một mình trong căn hộ

sáng nào nàng cũng thức giấc

với tiếng chim bồ câu lao xao

đập cánh ngoài ban-công

 

vẫn mặc áo ngủ mong manh

nàng hay gắt yêu:

chờ chút!

xong lấy khoanh bánh mì ra xé

những mẩu nhỏ cho chim ăn

nhìn chúng mổ bánh tranh giành

nàng luôn vui miệng bảo:

từ từ chứ!

ai cũng có phần mà

 

người quen hôm nọ hỏi:

sao nàng không có bạn

không thấy cô đơn sao?

nàng mỉm cười bảo:

có quá nhiều bạn đi chứ

sáng nào không mời cũng đến

còn chầu chực đòi ăn

 

nhưng không hiểu sao sáng nay

cho chim ăn xong nàng thốt:

bay, bay!

bay đi chim, bay đi!

xong nàng ôm mặt khóc

 

 

TRONG PHÒNG NGỦ

 

anh bắt quả tang nhé

sao em lại thọc tay vào quần

 

chứ nằm đó chờ anh

tối ngày Internet

 

ra ngoài uống cà-phê coi phim không?

 

không em chỉ muốn nằm

lạ quá tháng này em chưa có

 

chắc là trễ… giống tháng trước

anh vừa thấy hình ông Đoàn Văn Vươn

trong tù… đầu cạo trọc

 

em không muốn mang bầu

 

có con thì nuôi

anh ta cạo đầu mà trông vẫn hiền thật

 

anh không có việc thì làm sao nuôi con?

 

mình có con thì anh phải có việc

đừng lo!

 

 

CHÂN ĐẤT XUỐNG ĐƯỜNG 

 

cách đây mấy năm ở Miến Điện

hàng trăm nhà sư đầu trọc

mặc áo cà sa

đi chân đất

bất kể trời mưa giông gió

đường sá lụt lội

bất kể dùi cui hơi cay cảnh sát

lũ lượt xuống đường biểu tình

chống chính phủ độc tài quân phiệt

không phải để đòi quyền tự do tôn giáo

mà vì họ thương xót

các tầng lớp dân chúng đói khổ

do quyết định bất ngờ của chính phủ

cho tăng vọt giá dầu

khiến mọi thứ vật giá leo thang

làm đời sống người dân nghèo cùng quẫn

lại càng thêm cùng quẫn

 

các nhà sư chọn hình thức đấu tranh

ôn hoà bất bạo động

họ úp ngược bình bát không xin ăn

chấp nhận bị cảnh sát đánh đập dã man

các cuộc xuống đường bộc phát của họ

cùng với những người dân

mỗi ngày một lan rộng

cho đến khi đám lãnh đạo quân phiệt

bất chấp dư luận thế giới bên ngoài

ra lệnh thiết quân luật

cho binh lính bao vây chùa chiền

bắt nhốt chư tăng

và dùng súng bắn đạn thật

vào người đi biểu tình

ở Việt Nam có một nhà thơ

cảm động trước cung cách khiêm hạ

của những nhà sư

đi chân không xuống đường tranh đấu

ông ta muốn ghi lại những ấn tượng sâu sắc

trong tâm thức của mình

vì đã từng có tác phẩm bị tịch thu

do các nghị quyết giả trá của nhà nước

nên ông ta chọn không nói bằng ngôn ngữ thi ca

mà bằng ngôn ngữ của đất sét và lửa

nặn đúc lại những bàn chân không

 

khi nhìn hình các tác phẩm bằng đất nung

 

 

tôi hiểu rằng sự đau khổ và hy sinh của những nạn nhân

bị chế độ quân phiệt độc tài sát hại

đã vượt qua mọi biên giới

không phải vì chúng ta đang sống trong thời đại Internet

mà vì chúng ta đều có thể nghe

tiếng nói chân thực của lương tâm

tôi cũng nghĩ khi nào xã hội còn bất công

thì lửa từ bi sẽ vẫn nung

và những bàn chân đất vẫn có thể xuống đường

với những lý lẽ và động lực của con tim

mà bọn lãnh đạo các chế độ bạo quyền

không bao giờ hiểu nổi

 

 

VĨNH BIỆT NGƯỜI DU CA

 

có ai từng sống hăng say

hoạt động xã hội những ngày đôi mươi

không nhớ tiếng hát tiếng cười

vang vang ngạo nghễ của người du ca

 

với lòng yêu nước thiết tha

mỗi nhịp bài hát cũng là nhịp tim

khơi động tâm thức thanh niên

hát trong hy vọng vươn lên quật cường

 

đi tới bằng cái tầm thường *

dù bao gian khó và đường còn xa

tự quyết số phận dân ta

cùng nhau xây đắp lại nhà Việt Nam

 

cuộc đời có hợp có tan

người du ca đã ôm đàn ra đi

bạn tôi nước mắt tràn mi

nói thương anh ấy hát vì quê hương

 

 

THƯ CHO C. VỀ AI CẬP

 

C. ơi, C. có theo dõi

tình hình chính trị bất ổn ở Ai Cập không?

Tôi thì hầu như mỗi ngày

xem TV, đọc báo, vào Internet

Hôm qua tôi vô cùng xúc động

khi đọc một bài tường thuật

về những người dân biểu tình trên đường phố Cairo

Họ vừa hô to các khẩu hiệu

vừa ôm hôn lính

vừa xịt sơn trên xe tăng

các dòng chữ chống chính phủ Mubarak

đòi chấm dứt chế độ độc tài chuyên chính

đòi thiết lập nền tự do dân chủ thực sự

 

 

MƯỚT MÁT SÔNG TÔ

Diễn ý “Khi về đã lạnh vườn xưa”, một truyện văn như thơ của Trần Vũ.

 

nằm dưới đáy dòng sông Tô Lịch

vì Cao Biền trấn yểm âm binh

hai đứa tôi không may thọ nạn

cõi nhân gian oan khuất hồn linh

 

ban ngày thành Đại La ôm móng

đêm trồi mặt nước giỡn tắm sông

bao niên tuế tang thương dâu bể

tóc Tiểu Khanh mướt mát xuôi dòng

 

một hôm thấy thầy An quầy quả

linh thức biết đã gặp người hiền

em bảo là ma nhưng thầy thấy

vì nhìn ra nghiệp chướng oan khiên

 

thầy gọi chúng tôi quì trên sóng

được thầy thương thâu nhận môn đồ

xong thầy thảo trên sông đại tự

giải hồn oan thoát đáy sông Tô

 

thầy dạy chúng tôi học đạo Khổng

trau giồi cần mẫn những sử kinh

tôi vẽ chân dung em mỗi bữa

dù kiếp ma vẫn đắm say tình

 

chúng tôi sống những ngày lễ hội

thành Thăng Long như hưởng hồng ân

cho đến đêm thầy An thịnh nộ

thảo sớ xin chém bẩy nịnh thần

 

vì vua Trần đắm say nhan sắc

nghe gian thần nịnh hót siểm tâu

chúng tham ô mặc tình vơ vét

hành hạ dân khổ sở cơ cầu

 

trên mái ngói chúng tôi chứng kiến

thầy quất từng roi chữ lên không

rồi nhúng mực thảo trên giấy sớ

tội chúng xong thầy đóng triện hồng

 

chữ thầy viết rắn rỏi như thép

nét mặt thầy giận như lửa nung

biết vua Trần sẽ nghe gian nịnh

nhưng thầy làm vì đạo hiếu trung

 

thất bại thầy rời Quốc Tử Giám

áo the thâm những bước não nề

thầy chẳng tiếc quan quyền bổng lộc 

lòng thanh liêm thầy bỏ về quê

 

thầy An vui cảnh nghèo dạy học

danh tiếng thầy vang đến nghìn sau

nêu gương sáng cho hàng hậu bối

là sĩ phu phải sống ngẩng đầu

 

chúng tôi gánh sách bao niên sử

sống cõi dương lang bạt hồn âm

vẫn nhớ trong tim lời thầy dạy

ở thời nào cũng sáng cái tâm

 

C. ơi, họ can đảm thách đố

xịt sơn những khẩu hiệu đó trên xe tăng

Thế mà quân đội vẫn để yên

Lúc được phóng viên ngoại quốc hỏi tại sao

thì một người lính điềm tĩnh trả lời:

Chúng tôi không nổ súng cản ngăn

vì đó là ý kiến

là nguyện vọng người dân

 

C. nghĩ sao? Tôi thấy đây đúng là

một trường hợp ngoạn mục

tiêu biểu cho diễn biến hòa bình

Thử tưởng tượng chuyện này xảy ra

trên đất nước chúng ta!

 

 

Comments are closed.