Bốn mươi năm thơ Việt hải ngoại (41): Thi Vũ

Tiểu sử:

imageSinh năm 1935, chánh quán Thừa Thiên, sinh quán Pha Long trên dãy Hoàng Liên Sơn.

Tác giả của trên 20 cuốn sách bằng tiếng Việt, Pháp, Anh. Trong số này có các tập thơ : Mùa Xuân Xa, Mùa Rêu, Hoa Nắng, Thơ Tình Cho Người Lính, Mẹ, Nos Pas, Je Vous Parle De Ces Jours Absents, Un Ramo d’Incenso, Answer of Fire, Twelve Poems.

Các sách biên khảo hay tùy bút : Tiếng Kêu Trầm Thống Trước Sự Tàn Phá Con Người, Kinh Ruột Tuệ Giác Siêu Việt / dịch bản Tâm kinh chữ Phạn, Nguyễn Trãi, Sinh Thức Và Hành Động, Luận Chiến Nước Ngoài, Gọi Thầm Giữa Paris, Người Trí Thức : Hành Động Và Dẫn Đường, 40 Năm Thơ Việt Nam, War Resistance and War Reality, Religious Freedom in the World / Chapter Vietnam, Human Rights and Asian Values, The Challenges of Democracy in Asia, v.v…

 

Thi Vũ viết đã lâu, có một khối lượng trước tác lớn, bao gồm nhiều thể loại từ sáng tác đến phê bình, nhưng có lẽ thơ vẫn là gốc.

Khuynh hướng xã hội song hành với khuynh hướng tâm linh. Thơ của thời thơ ấu, tất nhiên không phải một đề tài hiếm hoi, nhưng đó là lối đi sâu vào ký ức vô thức, thăm dò cảm giác hạnh phúc và bất an đầu đời. Một thứ ký ức được gợi lên với quyền năng bí ẩn như chiếc bánh ngọt madeleine de Proust.

Có một cân bằng hầu như đạt được, mặc dù không phải bao giờ cũng vậy, giữa sự trống rỗng khắp nơi và cảm giác trách nhiệm, tính thế sự của văn học. Dù bị chìm khuất dưới cái bóng của nhà hoạt động xã hội, phong cách một tác giả vẫn lộ ra từ sớm, ngay từ Tiếng Kêu Trầm Thống Trước Sự Tàn Phá Con Người. Thi Vũ, mặt khác, là cây bút phê bình văn học sắc sảo. Tác phẩm “Bốn Mươi Năm Thơ Việt Nam 1945-1985”, viết những dòng kỳ tuyệt, và có lẽ là sớm nhất trong lịch sử phê bình văn học, về Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng, Thanh Tâm Tuyền, và những người khác, là một trong những khảo luận và tài liệu về thơ không thể thay thế.

Thơ thiền của Thi Vũ là tỉnh thức. Tỉnh thức trong giây lát, giữa bộn bề đời sống, thoắt trở lại với thiên nhiên, bản thể. Sự hiểu biết là con đường ngắn nhất để dừng lại, nhìn thẳng thực tại. Trong giây lát tỉnh thức, quên chính mình. Sự nhận thức thế giới chung quanh không những làm tăng hiểu biết mà còn nhắc nhở chúng ta về bản chất của đời sống, vừa mong manh vừa bất diệt.  Nhưng Thi Vũ cũng là người của hành động. Có một cố gắng mang thơ trữ tình đến gần với các chi tiết đời sống, những kinh nghiệm giản dị và khiêm tốn, cố gắng đi tìm cái bất thường trong những bình thường. Khi thơ không đạt được điều ấy, ngôn ngữ trở nên sáo mòn, ước lệ, thuyết giảng, cũ. Thơ còn nói về cuộc đấu tranh hôm nay, sự khó khăn của một người tự trao cho mình các nhiệm vụ đối với đời sống, sự cô độc và nỗi buồn. Nếu được đọc một cách tinh tế, dòng thơ ấy mang đi nỗi buồn dàn trải trong nhiều bài loáng thoáng mấy mươi năm.

Thơ Thi Vũ đi ở khoảng giữa hiện thực và siêu hình, giữa chói lọi mặt trời và ánh sáng hiu hắt của những ngọn nến, giữa ý chí mãnh liệt và ngọn gió hư vô.

Văn Việt trân trọng giới thiệu.

 

THƯỢNG DU

 

Mẹ đi

ngựa gõ

đèo cao

Con nằm bụng mẹ

núi nhào

bồng theo

 

 

TỪ ĐÀM

 

Vết thương

máu giọt thành Sen

Sông thơm

Kinh chảy

xanh men chín trời

 

 

LINH MỤ

 

Bao năm máu suối

bom rừng

Tiếng chuông Linh Mụ

rửa từng vết thương

 

 

HERRADURA

 

Sao em móng phượng để dài

khiến ta đi khuất

còn sai

mộng về

 

 

TIẾNG THIÊN THU

 

Xa nhau nghìn dặm

Tim còn

Tay em khép mở

tiếng         

dòn tịch liêu

 

 

CHIM

 

Chuông khuya

từng giọt

gieo sương

Chim sa nhịp hót

nghe mường tượng

Kinh.

 

 

QUÊ MẸ

 

Con chim

hót một tràng Sông

Nụ Cười bản trạch

thơm nồng cõi xa

 

 

GỬI HUẾ

 

Mặc áo hoàng hôn vào đêm soi trăng

Con sông rùng mình khua hàng vảy trắng

Khi trở về đầu mọc dãy hoa lau

Hỏi quanh trời đâu những giàn hoa nắng

 

Chim của thời hót nhuỵ mướt bên hiên

Cơn gió thổi lá xa cành vĩnh viễn

Tai trông chờ một tiếng đập con tim

Nơi giú đó đã hường chưa bóng hiện

 

Dáng hình em cuối bến dạt xa đò

Ai phơi áo trong sương từng giọt đỏ

Người lớp lớp không người trai năm cũ

Ước thề chi tàn lạnh một bình tro

 

Triêu dương dậy cuốn theo triều vỡ đổ

Thành xưa còn nguyên vẹn giải khăn sô

Xin chớ khóc vì lời ta đã hứa

Đưa trăng về cho núi giữ kinh đô.

 

 

XA NHÀ ĐƯỢC TIN MẸ MẤT

 

Gió lay hoa khế xuống đồi

Nửa khuya trăng rụng mẹ tôi qua đời

Đường xa đất lữ mịt trời

Mù sương lá lệ suối ngời hình xưa

Xé mây một dải khăn thưa

Quấn đầu tang mẹ hồn thừa thãi đau

Tin như sét đánh dồn mau

Mà sao cứ ngỡ trước sau mẹ còn

Mai này đem tấm lòng son

Trở về đẩy liếp mới thon thót người

Vắng sân phòng lạnh một trời

Sụp đè xuống cả mình tôi một mình

 

Ra đi từ thuở bình minh

Một đời kim chỉ nhân sinh rách mòng

Lỗi thề con nước long đong

Mẹ theo cơn bệnh

Phá tròng con xa

Gió lay hoa rụng mưa sa

Lạy ba lần mẹ xin tha tội đời

Kiếp này con mẹ ra khơi

Đem thân chống bão vớt người trầm luân

Nào hay cố thổ bụi trần

Không người vuốt mắt thế bàn tay con

 

Lạy ba lần mẹ

    Lòng con

hóa sen xin đỡ chân son mẹ về.

 

 

NẰM BỆNH

 

Mái nhà che một vách nứt im câm

Tôi nằm đó thể thân dần tan rã

Giờ chậm chạp gối lên ngày xa lạ

Hư không vào thổi dậy gió hư vô

 

Đã xa rồi thuyền lụa kéo bên sông

Tiếng người vang và rượu rót kêu dòn

Trong đáy cốc vỡ trời phin trinh bạch

Chập chờn chiều tiếng vọng réo thinh không

 

Tôi nằm đó mảnh da vàng lột xác

Cả một thời hoa nắng bỗng lung linh

Rêu cỏ gọi tuyết xưa về xoá trắng

Đêm vô hình mặt nhật cưới xin trăng

 

Vùng đất cũ những bông hồng rướm máu

Cổ chim buồn kêu hót cạnh gương sen

Thần kiên nhẫn trao nụ cười ước hẹn

Giữa đồi sim bầy ó đến xin hàng

 

Còn một đêm còn đêm chót một đêm

Trời bất nhị phất phơ đài nhị nhuỵ

Và rắn nầy ồ đuôi cổ xin khoanh

Làm tâm điểm cho cung tên về điểm

 

Khuya vỡ tiếng phố phường thay giấc thở

Đã bao lần trăng liếc ngó bên hiên

Con rồng trắng chợt rung mình hiển hiện

Tay tuốt kiếm đứng đầu sông gọi biển.

 

 

LÒNG THẲM GIẾNG

 

Giếng ngọt tình thơm.

Ngại chi mưa chiều nước lũ. Mắt chúng ta là những vỉ sao sáng thắp bởi ngọn đèn hồn. Những vì sao của những vì sao trên trời, của trời sao đêm găm đầy mái tóc giếng.

 

Nghiêng mình em nhìn xem lòng thẳm giếng, em sẽ thấy vô cùng bàng bạc ở thẳm sâu.

 

Hoa rụng tròn dư ba. Mặt nước gương lại vẹn toàn phản chiếu.

 

Tội chi ủ dột lòng nước sóng.

Tiếng chân đêm gánh sao về lóng lánh. Giọng hò ngày rực rỡ mở đời ra. Một vài thoáng heo may làm sao giá buốc được cõi đòi ?

 

Nghiêng mình em nhìn xem lòng thẳm giếng.

 

 

KẺ LẠ

 

Ngày dài đêm cũng dài, vì ta sống trong hiu quạnh và cô đơn. Bỗng chiều nay có kẻ lạ đến gõ cửa. Lòng xôn xao chan chứa mừng vui đón kẻ lạ đến từ xa.

 

Một kẻ lạ mà ta đã quen biết. Ta đón mời với tất cả nhiệt tình. Như kẻ hành hương thấy dáng thánh đường. Tựa người lữ thứ trở lại quê hương. Như nước nguồn về biển cả. Mời kẻ lạ chén nước trà và nói năng vồn vã bao nhiêu điều chất chứa từ lâu với kẻ lạ đến từ xa.

 

Chốc chốc giờ reo, đều như nhịp chèo xuôi sông. Kẻ lạ nhếch môi cười rồi ra đi, một nơi nào rất xa.

 

Ngày dài đêm cũng dài, vì ta sống trong hiu quạnh và cô đơn. Vì kẻ lạ đã đi rồi, một nơi nào rất xa.

 

 

BỌT HỒNG

 

Quỳ dưới núi hái mặt trời mới mọc

với hồn tôi trao tặng những cơn đêm

Chào Trang Tử chào Bướm Vàng tiếng khóc

Tôi hóa mình thành vạn cõi thương em

 

Buồn tiền sử gió xếp mùa qua lại

Đêm hay ngày đôi mắt đứng nhìn ngây

Em hết đợi Anh vẫn chờ

 đây Trái

của nghìn sông câu chuyện lá thư Cây

 

Từng sợi tóc đan từng chiều hạnh phúc

thả trôi về đầy mảnh lưới quê hương

Xa nghìn dặm vẫn còn hương đóa Cúc

Tuyết rất buồn mùa tuyết vắng kêu thương

 

Con chim buồn mùa đông không lá hót

Ai không buồn xa mãi nước non xa

Ôi nỗi nhớ cát thầm xin lửa đốt

Mai sau về yên nghỉ giấc Pha lê

 

Tôi mãi hát qua dặm đời trôi nổi

Cõi hoang liêu bầy én dứt thôi nôi

Em giữ đó trái bọt hồng sáu biển

những ngày xanh và trí nhớ hoa Mai

 

Đây nghìn xưa vừa đối mặt nghìn sau

Anh đứng giữa hai tay cầm nhật nguyệt

Giấc ngủ yên Em hãy ngậm môi đào

cho điệu múa thiên đường xin hóa thể

 

Hãy về đây thật khẽ mới nguyên tay

Manh áo Cưới đáy mùa đi nhịp dệt

Niềm Chờ Đợi dài muôn cơn tuổi Ý

Hết thu rồi

kinh rụng

hoa bay…

 

 

ĐOẢN KHÚC KIM THANH

 

Như một tiếng kim thanh

tôi lắng vào hạt móc

trên cây cầu tuổi thơ

vắt qua giòng nước

thành phố ngủ trưa

khi em cười sóng sảnh bên cồn

lá đua tay xin giữ

quả chùm mơ


Tà áo em thơm phức

tung cánh vỗ mùa xuân

mặt trời nhìn hoa đếm tuổi

tôi ngừng cuộc phiêu linh


Mùa hè có những hạt mồ hôi

ngọc lăn trên trán

những sợi lông măng nhốt gió

trên cánh tay trần


Tôi trở về

căn nhà trống không

những lá thư vàng lộng gió

heo may

mùa thu xanh mắt người


Như một tiếng kim thanh

tôi gửi cuốn từ điển đời tôi

vào cổ chim

trên sa mạc Úc

tôi gửi bài thơ tôi

vào môi chưa kịp nói

vì biết rằng

mắt em

là kho tàng trí nhớ

em đem dùng

cho những chiếc hôn sau


Bây giờ tôi chỉ còn quê hương

trong lòng

con đò xưa trôi mãi

trong mắt

nước đưa nỗi chết đêm

về tinh hệ bình minh

như tôi đưa em

vào đáy tim


Bây giờ tôi chỉ còn hai lồng ngực

gọi gió Trường Sơn

tôi chỉ còn hai vầng nhật nguyệt

như hai chiếc vú

                              thơm

em cất hoài chưa trả

bàn tay tôi sa mạc


Bây giờ tôi chỉ còn một mảnh trời xanh

cho em lau mặt

tôi chỉ còn tôi

cho em đo những bước ra đi

tôi chỉ còn tiếng trống đồng

ngân khuya trên gềnh đá

gọi em

vàng vang thanh điệu

nằm trong hơi thở

tạc khắc dáng người


Bây giờ tôi chỉ còn em

trang hoàng ngày chủ nhật

hai ba tư năm sáu bảy

một hàng nến thắp

một mặt trời không tắt

con ngựa nhà trời ăn sương trên thảo nguyên


Bây giờ tôi chỉ còn em

— hơi thở

tiếp hơi lồng ngực

Bây giờ tôi chỉ còn em

— đôi mắt

nhìn về nơi sinh

Bây giờ tôi chỉ còn em

— đôi tay

kéo lay nhật nguyệt

Bây giờ tôi chỉ còn em

— đôi môi

vàng thơm tiếng nước

Kim Thanh


Em còn cất giữ không

trong rừng em kín mật

bộ lạc Thơ

tôi chăn dắt nghìn năm


Bây giờ em hãy nói

cho người khát nước trăm năm

buồn đau nô lệ

học nói Tiếng Thơ.

 

 

CHIẾC HÔN

 

Chân mây quê mẹ hiện nguyên hình

Sen nở mùa sen gió trắng tinh

Áo em đâu biết trong màu nắng

Trăm tay xin hái đọt tình xanh

 

Đâu đỉnh đồi xưa một kiếp ngồi

Cho trăng thương nhớ bớt đơn côi

Em tới rồi đi em chẳng biết

Má là nơi đậu của chim môi

 

Xưa đã dần xa nay sắp xưa

Còn lưa trên mắt bóng xa hình

Bình minh gội tóc đêm thành nắng

Sương khói lòng ta vẹn kiếp người

 

Có đêm nào ngủ bỗng cô liêu

Trận gió lùa hương đến tận hồn

 

Em hãy tin rằng ta đến hôn.

 

 

CHÚNG KHÔNG THỂ NÀO GIẾT ĐƯỢC

 

Nếu chúng giết anh

Chim vẫn hót rền vang mỗi sáng

Nếu chúng giết anh

Hoa hồng vẫn nở gói bình minh

Nếu chúng giết anh

Mặt trời vẫn lung linh vàng nắng

Nếu chúng giết anh

Trăng vẫn vằng vặc sáng đêm hè

Nếu chúng giết anh

Trong làng trai gái vẫn yêu nhau

Nếu chúng giết anh

Sông vẫn nghìn năm xanh biếc chảy

Nếu chúng giết anh

Non vẫn bạt ngàn mây trắng bay

Nếu chúng giết anh

Loài người càng thương nhau tha thiết

Nếu chúng giết anh

Bài thơ anh thành tiếng hát loài người

 

Và dòng máu anh rưng rưng đỏ thắm

Sẽ khô đen ghi mặt thú giết người.

 

 

THÍCH HUỆ THÂU

 

Biệt trời cuồn cuộn

Cửu Long

Ruộng đồng không giới tuyến

Mây trắng hớp hồn

 

Không nhánh nghỉ

cò bay

 

Tròng mắt đỏ lừ

mệt lả

hắt ráng hồng hoang

lên chiều nắng

Người nông dân

gánh gánh thuế nặng nề

trên giường đê trơn ướt

 

Ngày xưa bom dội

Ngày xưa pháo kích

Máu tím

ứa đắng da măng cụt

Con cá ngáp

hạt nước khô giữa bùn

Mẹ ôm con

quay lưng đỡ đạn

Nông dân lìa đất lìa trời

chạy về thị trấn

khói xăng

 

Ngày nay

Những trái mìn nổ chậm

không báo giờ

đặt giữa lòng dân Nam bộ

Những trái mìn công an

Những trái mìn tỉnh uỷ

Những trung ương

chính trị bộ

Ngọc Hoàng

 

Những giường đê

chân đất chạy về

xứ trầm hương Tinh xá

Cây vú sữa ra hoa

điềm đạm một Người ngồi

 

Cây diêm thứ nhất bật lên

đốt lệnh truy người trốn thuế

Cây diêm thứ hai bật lên

thiêu đốt bóng vô minh

Cây diêm thứ ba bật lên

thành hoa sen dâng cúng

Chúng sinh

 

Mặt trời thức dậy lúc ba giờ

lặng lẽ trong đêm

nhìn Ánh sáng

Đại bi tâm.

 

 

ẢO ẢNH

 

Sóng triều xưa không nhìn

nhìn môi em

Nắng trời xưa không nhìn

nhìn mắt em

Mây trời xưa không nhìn

nhìn tóc em

 

Biển cả đưa hồn ta ra xa

Gió dìu hương lòng em xa ta

 

Sóng chiều nay ta nhìn

môi em không còn nữa

Nắng trời nay ta nhìn

mắt em không còn nữa

Mây trời nay ta nhìn

tóc em không còn nữa

 

Trông một người giông giống

đến gần chẳng phải em.

 

 

WE TWO FORM A MULTITUDE

 

Những mái nhà quê hương bỗng nhiên thành đôi mắt

khóc dầm dề nước mắt lửa khôn nguôi

Bao kẻ thân yêu bao người lối xóm

sống không nhà

chết không nơi chôn

Những kẻ thân yêu bay cùng trời chộn rộn

giữa vũ trụ không cùng của trái tim tôi

Hãy bay đi bay đi giữa lòng tim không biến đổi

nhà chưa cất nhưng rừng xanh vòi vọi

những con đường lần chuỗi đá cầu an

nỗi buồn và cô độc

sẽ được nghe được hiểu

Hãy nằm yên

ta đắp em chiếu chăn thơm phức

hoa hồng và hỗ phách ấm hơi

tay mặt trời dẫn nụ cười em đi dạo

mưa xuân về khi em khóc hỏi han

thu sẽ tới này đây trái chín

em vào đông lót ổ giú cành mai

 

Tiếng nổ rền vang

lòng ta không nát

đất trời kia nào của riêng ai

Hãy ở yên trên xóm mới thanh bình

có nguyên trinh tạo dựng

tóc em bay đưa mùa ủ hồn thơm ấm áp

tình sử ghé môi

tôi thấy mình lớn đẹp

tựa nàng tiên

gặp bóng đáy hồ xanh

 

Hoàng lạp muôn hàng ta thắp lên đây

chiếu soi niềm oan ức

giữ trối trăn chưa kịp thốt nên lời

 

Với ánh sáng này và ánh sáng trăng sao

em hãy cùng ta tạc tượng

những tảng đá thương đau sẽ phục hồi sinh khí

hình hài sương

giờ ngấn ngọc phương phi

 

Hãy trời cao đất rộng

Hãy rừng xanh câu hát

Hãy lúa mật hoa hương

Hãy là người

đứng bên cạnh con người

khước từ tiêu huỷ.

 

 

ĐÊM CALIFORNIA

 

Đêm Cali

có Mai Thảo rượu say chửi đổng

có Ngọc Minh đùa tục

và hát hay trên bục Làng Văn

có Y Vân nói năng không dấu

— vung lay chung ta —

là vũng lầy chung

hay

vùng lay ta đứng dậy ?

 

Đêm Cali

có Lê Uyên rẽ thuý

cặp mắt buồn mùa hải động hồ tinh

rót tai tôi

chùm hoa thiên lý

nhung một trời và biếc lá tim reo

có Thanh Thuý nơi phòng trà chưa đến

mỗi đêm về

hái rụng những chòm sao

đời mộng ảo

bỗng thêm mờ cố lý

giấc ngủ yên trăm dãy mộng chờ ngân

và Khánh Ly

Duy Quang còn hát

những tình xưa trộn lẫn tình nay

những nôi đời em bé ngủ say

nơi đại dương gầm thét

và đâu rồi nhạc sĩ Phạm Đình Chương ?

 

Họ từ đâu

những người ngồi

khi chiều lên bóng tối

cốc ly thừa

nước ngọt cũng phôi pha

Nguyễn Thượng Hiệp cho tôi cà phê đặc

thức tôi ngồi nói mãi phút tâm tư

mặc Phạm Duy uể oải ra về

Ngày theo đêm

quay bồ chữ tung hê

Đỗ Ngọc Yến ngủ vèo

nơi trống dậy

Nguyễn Anh Tuấn nói một chiều hùng hổ

có ai nghe và biết có ai thương

Cao Đông Khánh

Ngô Xuân Hậu

những nhà thơ

Người rất trẻ rất hiền Bùi Vĩnh Phúc

nói xôn xao

bên Nguyễn Mộng Giác đăm chiêu

cây thông đứng réo mây trời kiêu bạc

và Nhật Tiến

đem tôi ngồi một chỗ

trong lòng anh

bên bờ mép quê hương

Rồi một sáng tin Võ Phiến mổ tim

tôi đến thăm

nụ cười vui đứng dậy

cành vẫn cao và trúc vẫn xanh

còn Tuấn

                Phượng

                            Hải

                                    Phú

còn Nguyên Sa

Nghi Thụy

Bác sĩ Ninh

Phạm Quốc Bảo…

biết bao người chưa biết đến tên

mới gặp gỡ

đã quen hình

thấy bóng

giữa đường quê

Ngày sẽ tới

họ đứng đầu chiến luỹ

thơ một dòng

xé biển Thái Bình đi

 

Trong quán hẹp

Du Tử Lê ăn phở

Thái phu nhân cười thoảng đám mây hồng

người mặt ngọc

mắt trong

chim chóc đậu

quán Doanh Doanh

Thái Tú Hạp làm thơ

— trưa ngã nắng đâu những người xưa cũ —

Đầu ngón tay

một bầy sông áo lụa

những nàng Tiên vẫy nón đón Nguyên Khai

 

Tiếng hát đêm

mắt đui

đèn đỏ vàng xanh tím

Trăng xa khơi

trăng nhạt

trăng chìm

Đêm Cali

khác chi thời thịnh trị

trận ăn uống suốt đêm cười vỡ cháo

có bàn xoa

cho kẻ đã quên đời

Tôi ngồi ngó gọi xin ly rau má

 

Đêm Cali

còn chi

khi từ giả

mai đi rồi để nắng lại quanh năm

người gọi rằng xưa

nay biệt lối

còn kẻ mới

ôm mối sầu rượu độc

 

Đêm Cali mười năm qua vẫn thế

ngôn ngữ đêm

là môi em vồn vã

tiếng hát ngày là mắt

chốn mây qua

Và có tôi

khua tiếng cồng du mục

suốt rừng nho qua sóng biếc ghềnh xa.

 

 

TAJ  AURANGABAD

 

Ngọn dừa rót lá vào đêm

đường khuya tay nắm

dốc đá hoa cương

hương mogra

mòn hơi thơm em

 

Rồi chân em dài thon trên tôi

rồi vai em mòn vơi

khu vườn nắng

phượng đỏ ngang trời

tôi nhỏ dần dưới bóng tuổi thơ

 

Tôi về mười thế kỷ sau

không người đón

nắng cháy choàng vai

hàng phượng chói

Hỏi dòng sông đâu

núi trả lời bằng đá

lệ khô thành mắt

nhìn rừng không nhánh lá

chờ mưa

 

Dòng máu dẫn tôi đi

trên tay trên chân trong tim.

 

 

NGỌN ĐUỐC BÌNH MINH

TRONG ĐÊM DÀI NÔ LỆ

 

Viếng Hương linh Đồng Xuân Lê Thị Tuyết Mai

 

Hoa Ưu Đàm nghìn năm mới nở

Nhưng mỗi ngày người con Phật theo dân

 

Từ thuở Hai Bà Trưng dựng cờ chống xâm lược

Sư Bà Thiều Hoa

   mộ năm trăm quân ứng chiến

Nữ tướng Tiên La cùng nhân dân Phật tử

theo Hai Bà bảo vệ non sông

 

Rồi Đinh Lê Lý Trần Lê

Những Thiền sư cầm quân chống giặc

Không giết người

mà truy kích xâm lăng

— những xâm phạm vào lẽ sống con người

vào tự do tự chủ tự quyền

 

Từ hội nghị Diên Hồng

  hội nghị Bình Than

rồi Thiền sư Nguyễn Trải

vào thành giặc vỗ an bằng đạo lý

giặc quy hàng nhận lỗi xâm lăng

bao nhiêu Phật tử âm thầm dựng Nước

hai nghìn năm đất Việt huy hoàng

vai gánh Trường Sơn vai gánh Biển

cho quê hương an lạc thái bình

 

Và hôm nay

Lê Tuyết Mai thắp đuốc

cùng bình minh soi sáng hình hài

Vì không còn được nói

dưới chính thể Nhà Hồ

Chỉ còn lại trái tim

chứa vô lượng Từ bi

chỉ còn một ý chí

như thanh gươm Trí tuệ

Ôm chúng sinh mà hát lửa hiến dâng

cho Quyền sống Quyền dân Quyền người tối thượng

 

Đây địa ngục trần gian

Ta thề

            xin vào trước

bao lâu còn một tù nhân vì lương thức

một tù nhân vì chính kiến tự do

một con người vì tương thân tương ái

bị giam cầm đày đoạ ngục A Tỳ

 

Trên tuyết trắng một hoa mai vừa nở

báo xuân về mùa tự chủ tự do

mùa đạo pháp như kim cương bất hoại

mùa dân tộc xua nghìn quân quỹ dữ

lăm le vào thôn tính Việt Nam.

 

Này Đại Hán

     hãy quay về cố quốc

Ô Mã Nhi, Tôn Sĩ Nghị còn kia

Đất trời Nam là của dân Việt hiên ngang.

 

 

 

Comments are closed.