Tiểu sử:
Sinh vào cuối tháng 5 – 1942 tại làng Xuân Phong ngoại vi châu thành Phan Thiết, trưởng thành tại Ðà Lạt, cựu giáo chức và sĩ quan VNCH.
Sang Hoa Kỳ theo diện H.O kể từ tháng 11-1989 và hiện cư trú tại vùng phụ cận quận Los Angeles – California.
Đã xuất bản:
Bay Về Đâu Đó Ở Quê Hương, 1992
Hồn Tan Trong Thơ, 1993
Nắng Rớt Vườn Xuân, 1995
Gửi Em Một Đóa Hoa Hồng, 1998
Gửi Bạn Mừng Xuân Người, 1999
Hỏi Sao Không Buồn Cho Được, 2000
Ta Nhớ Người Xa Cách Núi Sông, 2002
Từ Lúc Đưa Em Về Là Biết Xa Ngàn Trùng, 2003
Nếu Bước Chân Ngà Có Mỏi, 2004
Trăm Năm Để Lại, 2005
Thơ Trần Vấn Lệ là tiếng kêu của chim đỗ quyên.
Gần như độc nhất, cách anh xuất hiện đều đặn, nhiều năm, với từ vựng riêng, một chủ đề và chất giọng không thay đổi: chất trữ tình hoài niệm.
Thơ hoài niệm đã bị vượt qua từ lâu.
Nhưng Trần Vấn Lệ không quan tâm đến điều ấy. Anh không chú ý làm mới ngôn ngữ hay nghệ thuật. Một cách không mệt mỏi, không ngừng, kêu mãi hồn nước. Dù là viết về căn nhà cũ, người bạn ấu thời, vài kỷ niệm rải rác đó đây Phan Thiết, Đà Lạt hay California quê người, dù từng câu thơ bảy chữ hay tám chữ hay dàn trải như thơ xuôi. Ngôn ngữ của anh không nhiều biến đổi, thế mà đọc anh những người yêu dòng thơ ấy sẽ thấy lan tràn một áp lực trên bề mặt. Bóng tối, phẫn uất, tình yêu, nỗi căm phẫn được nén lại, lúc nào cũng đầy rẫy trong phạm vi mấy chục câu của một bài. Có cả yếu tố tự sự, và giữa dòng chảy có phần chán nản, vẫn có những đoạn mô tả đầy năng lượng. Sự cam kết và sự nối kết của các bài thơ là rõ ràng, chính xác, thành chuỗi.
Điều kỳ lạ là sự kết hợp giữa một bên, lòng yêu đời chảy đi rào rạt, và một bên, nỗi u sầu tù đọng. Thơ anh không mới, nhiều bài giống nhau, và đó là, tất nhiên, nhược điểm rõ ràng của bút pháp, nhưng ngược lại, đọc câu thơ đầu một số người muốn đọc đến câu cuối, đã đọc một bài, muốn đọc bài thứ hai. Bởi vì trong những kinh nghiệm tăm tối, sự mất mát, sự thua cuộc, hay bỏ cuộc, còn lấp lánh tấm gương phản kháng chiếu sáng trở lại từ một hiện hữu tự do và thanh bình.
Có lẽ là ngoại lệ, khi một giọng thơ (tone) thương cảm và một thức điệu thơ (mode) hoài niệm, cả hai, vẫn bình thản chiếm hữu trang viết của anh, ngày này qua ngày khác, đếm đi đếm lại trong túi xách của mình gia tài của những kẻ mất quê hương. Và của quê hương ấy.
Văn Việt trân trọng giới thiệu.
ĐỌC LẠI THƠ TRẦN HUYỀN TRÂN
Xa nhau gió ít lạnh nhiều
Lửa khuya tàn chậm, mưa chiều đổ nhanh
Ôi thơ thế mới thật tình
Ôi thơ thế mới nghe mình thê lương
Có nhiều khi buồn thật buồn
Ngâm câu Lục Bát nghe hồn gió mưa
Cần chi đốt lửa đêm thừa
Chưa mai đã nhớ ngày xưa lắm rồi…
Hôm nay không nói, uổng lời
Dở trang sách cũ, thơ người của ta!
Xa nhau… mấy dặm là xa?
Gần nhau… chuông gắn cửa nhà không reo!
Người đi rồi… bụi bay theo
Cái ta hứng được: trong veo lệ trời…
Hỡi con ngựa tía lưng đồi
Thấy chưa Thu đứng nửa vời khói mây?
Ngó giùm ta hướng trời Tây
Có ai không nhỉ trên cây bưởi bòng…
Xa nhau… là núi là sông
Là Quê Hương với… quê lòng, trời ơi!
Một quê mà chẻ làm đôi
Khác chi trời chỉ một trời… muôn phương!
Hè rồi… Phan Thiết đỏ hoa vông, tôi ở xa xôi nhớ quá chừng! Nhớ chỗ mình sinh, mình được lớn, một thời thơ dại vượt con sông. Con sông đầy xác hoa vông rụng quấn quyện chân cầu không muốn trôi… Mà biết bao nhiêu người bỏ xứ, đi đâu? Có thể cuối chân trời! Phan Thiết của tôi và của bạn, sáng nay ai nói rất buồn hiu. Tôi ngồi với bạn bên hè phố, khuấy cốc cà phê tưởng thấy chiều! Chút khói chiều vương vương hoa vông. Phan Thiết khi không nhớ não nùng. Xe ngựa cọc cà đi cọc cạch, bạn buồn khuấy mãi muỗng coong coong… Đó, hồi Phan Thiết còn xe ngựa, con ngựa đôi khi hí giữa đường. Giờ, giữa đường đây, trời đất khách. Thuốc tàn mấy điếu khói vương vương…
Bạn tôi vừa ném quăng tàn thuốc. Tôi bật diêm mồi điếu của tôi. Thời tiết tàn Xuân nghe bức bức, vung tay tưởng chạm tấm lưng trời…
Hè rồi… Phan Thiết Hè không muộn, chỉ muộn màng tôi nếu trở về: mồ mả Tổ Tiên dời mấy bận, cháu con tản lạc nén nhang khuya! Bây giờ mà gục bên hè phố, ai đỡ giùm ai cái xác tù? Bạn đứng dậy đi, tôi cũng bước, từ nay Phan Thiết nhớ thiên thu! Từ nay hỡi nhánh hoa vông cũ, có nhớ gì ai Phan Thiết xưa? Một chặng thời gian không cắm mốc, tình Quê Hương lấy thước nào đo?
Tình Quê Hương hỡi Cha và Mẹ, con lỡ làng như hoa vông rơi…
CHAO ÔI ĐÀ LẠT KHÔNG CÒN NẮNG
Chao ôi Đà Lạt không còn nắng
Mưa nửa chừng mai, nửa xế chiều
Đêm tối nằm nghe mưa rả rích
Mai, bình minh, dậy, mặt trời ơi!
Mấy bữa em về, Đà Lạt buồn
Hoa quỳ không thấy nữa đầu non
Sâu, xa, thung lũng xanh dòng nước
Nước chảy về đâu, thương, nhớ, thương…
Mấy bữa em về chim mất biệt
Mái nhà sáng dậy nước lanh canh
Là mưa hồi tối qua còn đọng
Là nắng không còn, nắng giống anh!
Đà Lạt ngày xưa kỷ niệm còn
Là cây trụ điện đứng cô đơn
Chỗ ni ai đã từng hiu hắt
Nhớ tóc thề ai trong khói sương?
Đà Lạt em về mấy bữa thôi
Lại đi như bữa bước theo người
Lòng riêng cái tuổi trăng mười bảy
Thả nụ hoa đào cho nước trôi…
Em nhớ mà về, nhớ lại xa
Nhớ con đường cũ, nhớ ngôi nhà
Đường xưa như rộng ra thành biển
Nhà cũ mất rồi những khóm hoa…
Nằm khách sạn nghe mưa rả rich
Ai lau giùm nhỉ lệ em đây?
Anh ơi người Lính đi biền biệt
Đà Lạt theo anh bước đọa đày…
30 THÁNG 4 NĂM 1975
Đó, ngày chớm Hạ tàn Xuân
Người đau vô tận, kẻ mừng vô biên
Buồn, Vui, không phải nhân duyên
Hợp, Tan, nặng một gánh phiền đong đưa…
Tú Xương có một bài thơ
Nói con sông lấp không ngờ mà hay:
“Đêm nghe tiếng ếch bên tai
Giật mình cứ ngỡ tiếng ai gọi đò!”
Tiếng ai, nào tiếng ai mô!
Tiếng giọt mưa rớt trên bờ biển dâu…
Mẹ Cha già vượt rừng sâu
Tìm con mất tích lạ màu cờ bay!
Tìm được cái chân, cái tay
Cầm lên khóc ngất, con ai cũng mình…
Thì ra đó cũng cái Tình
Dựng nên Đất Nước cái hình Việt Nam!
*
Một ngày chớm Hạ tàn Xuân
Chớm vui, lửa tắt; mới mừng, mưa sa…
Nhủ lòng: Tất cả xưa, xa
Sao Nam với Bắc cứ là hai phương?
Khuấy ly đá lạnh mà buồn”
Mặt trời trong đó khéo còn chút trăng…
Người về cái bóng đi ngang
Con trăng dẫu khuyết ánh vàng vẫn xưa…
Nhớ ai lắm, nhớ con đò
Nhớ hoa đào rụng trên bờ vai ai!
Hai chân mấy vạn đường dài
Em ơi Non Nước vẫn ngoài chân mây!
MỘT GIỜ CHAY TỊNH
Ngồi quán cà phê hơn một giờ / mà trời chưa ngớt một cơn mưa / chỉ lòng đã tạnh bao phiền muộn / nhìn thấy đời ai cũng giả lơ!
Ngồi quán cà phê uống một mình. Cà phê đá lạnh bốc hơi lên. Nghĩ đời sương khói, mình sương khói. Thôi chẳng có gì nhớ, hãy quên!
Ngồi quán cà phê, hiên gió, gió / và mưa có tạt, biết là mưa. Được châm điếu thuốc không ai trách, chẳng tiếc chi mình mất mấy đô!
Ngồi quán cà phê, không có bạn, có mưa và nghĩ đến người ta. Một giờ, hơn nữa, bao nhiêu đó, sao chuyện nhân tình chỉ thoáng qua?
Một thoáng qua ôi một thoáng buồn. Cốc cà phê cạn, khói còn vương, mùi thơm còn bốc lên con mắt, cón chút nồng nàn, chắc sẽ tan?
Đứng dậy, tay gom tàn thuốc tắt, bỏ vào thùng rác, bỏ gì thêm? Hỏi chi mà ác, lòng ai xé, thôi bỏ thêm vào nhé trái tim!
VĨNH BIỆT NGUYỄN TÔN NHAN
Sài Gòn báo tin hối hả: “Nguyễn Tôn Nhan đã chết rồi!”. Nó chết là nó hết cười một thuở Sài Gòn vội vã. Người ta đụng nó, nó ngã. Người ta đụng nó bỏ đi, nó thì được khiêng đem về Nhà Thương rồi ra Nhà Xác. Không ai nghe tiếng nước mắt rơi trên hè phố Sài Gòn… Người ta chỉ nghe tiếng chuông của một Nhà Thờ gần đó, dĩ nhiên không dành cho nó… Ơi Nguyễn Tôn Nhan dễ thương. Anh đi như chuyện bình thường hôm nào giòn tan phố Mỹ. Hôm nào là đầu Thế Kỷ, bây giờ là cuối đường xa… Nụ cười của anh như hoa, tôi nói với anh, anh nhớ?
Nguyễn Tôn Nhan không còn nợ, anh đi, thong thả anh đi…
Tôi viết mấy câu gửi về, hỡi ơi lòng tôi đẵm lệ. Một lần gặp nhau, không lẽ chỉ còn tái hội Thiên Thu? Phải chi có trái mù u tôi lăn theo dài ngọn lửa. Anh không được cho nấm mộ, cỏ hoa lỗi hẹn văn chương… Anh nằm trong bình tro xương, không co mà còn chút xíu! Sách vở từ nay nhăn nhíu, từ nay bạc phếch thời gian…
Ơ này anh Nguyễn Tôn Nhan, trên bàn để anh cái cốc, nhớ anh không ai đã khóc, rượu như tình rót cho anh…
Rượu như tình, rót cho anh. Biết nói câu nào cho phải? Gặp nhau, với nhau không ngại. Xa rồi, quan tái, Trời ơi!
NẮNG CUỐI NĂM
Một chút nắng lên rồi tắt ngúm, mây mù chợt đến, sắp mưa chăng? Cả năm chờ đợi mưa không thấy, chút nắng chiều nay: Nắng Cuối Năm?
Chút nắng chiều nay, nắng tạ từ. Ngày Đông vẫn lạnh tự ngàn xưa. Nắng lên như cái que diêm bật, chút sáng bừng lên đủ ngẩn ngơ!
Chiếc xe bus đậu rồi đi tiếp. Đường vắng hoe, thôi, thế đã chiều. Cây đứng dọc đường không có lá, chim về ngơ ngác. Cảnh buồn hiu…
Khép bâu áo lại, đi gài cổng. Thương khóm hoa vàng nở đợi ai. Ai có về đâu! Hoa cứ nở. Bầy chim vừa đậu cũng vừa bay…
Chỉ mây vừa đến, mây không tản, có lẽ mưa trời đã đóng băng, đang vướng đầu non hay cuối bãi, hết rồi xe bus buổi tàn năm…
Chuông Giáo Đường ngân… ngân… ngân nga. Chuông Giáo Đường vang… vang xa xa. Giáng Sinh, sau Lễ, đèn chơm chớp, xanh, đỏ, tím, vàng… con mắt hoa?
Những con mắt hoa chắc cũng buồn? Bây giờ ờ nhỉ giọt mưa tuôn, cuối năm một giọt hay vài giọt, tưởng tượng ai về cuối ngõ thôn…
Tưởng tượng lòng vui không nói được, xếp tư xếp tám bài thơ này, chạy ùa ra ngõ dang tay đợi em tóc thề bay trong gió bay…
Buồn quá! Buồn ơi! Gọi mãi buồn. Bạn bè, sương khói tản muôn phương! Bà con, cô bác, người thân thuộc, còn, mất, lúc nào cũng nhớ thương…
Cũng muốn quên đi từng buổi sáng, từng chiều xế bóng, mỗi đêm khuya. Nhìn ra cây cỏ, tươi rồi úa, nghĩ lại đời như thế, khác chi?
Đó, lúc dỗ mình không nuối tiếc, đời vô thường, có, đó rồi không! Hồi nao cải tạo vằm xương đất bật dậy bao nhiêu uẩn khúc lòng…
Mỗi một ngày qua, một tạ, tàn, một vầng trăng lặn, đám mây tan. Một câu thơ tả người-con-gái, vọng mỹ nhân hề thiên nhất phương!
Xưa, đã không yên một chỗ nào, chỉ cầu, chỉ nguyện ở ngày sau: mình như cây cỏ tươi rồi héo, lại tóc xanh rồi tóc trắng phau!
Hỡi học trò, tôi nhớ các em! Ngày xưa tôi hứng lá bên thềm, có em cười mỉm: “Thầy, Thi Sĩ”. Em, thế nào khi em lớn lên?
Em thế nào, em đã thấy thôi. Tang thương không nỡ trách ông Trời! Tôi mơ Đà Lạt từng đêm mộng, tự hỏi sao tôi lạc xứ người…
Em, các em còn đứng đó không? Trường xưa mái ngói nắng mai hồng, áo dài em trắng bay trong gió, Thầy bạc đầu xanh biếc nhớ nhung…
TUỔI TÌNH YÊU
Thiết tha tôi gọi người xa lắm, xa tựa vầng trăng của tối Rằm – Rằm Chúa Giáng Sinh, Rằm rực rỡ, Rằm hỡi mình ơi Rằm Cuối Năm!
Rằm chót của tôi, Rằm tóc bạc. Bạn bè mả lạng ánh trăng soi. Mười năm chinh chiến tôi chừ đó… một bóng trăng và mây trắng trôi!
Tôi biết tôi không còn Tổ Quốc, tôi còn trăng thôi, tôi còn trăng! Trăng không biên giới nào ngăn cản, tôi lại mỏi mòn hai gót chân!
Tôi thả hồn theo khói thuốc bay. Tôi thả hồn tôi mười ngón tay. Sao là mười nhỉ không là chín, thiếu một… như chừ tôi thiếu ai!
Thiếu một. Thiếu em. Thừa thãi núi. Thừa thãi sông thừa cả biển kia… Thừa tiếng thở dài nên bất tận, con thuyền trôi trôi trong đêm khuya!
Anh em, tôi gọi tên từng đứa. Tôi gọi tôi và tôi lẻ loi! Lau lách gió đưa trăng úp mặt trên vũng lầy ôi nước mắt tôi!
Em ơi em à trăng đêm Rằm, hôm nay tuổi Chúa mấy ngàn năm, tuổi em chắc cũng ngàn năm nhỉ? Ôi tuổi Tình Yêu tuổi Cố Nhân!
SANTA ANA NOEL 2015
Tôi đang Santa Ana, địa danh mang tên Thánh mà nhà nào cũng lạnh: người ta đi Nhà Thờ.
Đêm Noel không mưa. Sao lưa thưa. Trăng tỏ. Trăng Rằm mừng Thiên Chúa, sáng trưng, sáng như đèn. Nhiều người đứng như chen truyền cho nhau hơi ấm. Tôi đến Nhà Thờ, chậm, đứng một mình. Bơ vơ. Không mang giấy làm thơ, nhẩm trong lòng đôi vận…
Trăng sáng ngỡ là nắng
Mặt ai sáng như trăng
Trái đất đâu Địa Đàng?
Nhìn lên trời, tưởng tượng:
Những gì người ước muốn
Những cánh cổng đèn, hoa
Những bước chân đi qua
Đầy đường là hoa nở…
Em à, tôi đang nhớ, em đó, em mà thôi. Những tà áo thắm tươi, những môi cười thơm ngát, những lời ca ý nhạc, những hờn mát không còn…Tôi không thấy ai buồn. Tôi chắc em cũng thế. Tôi đứng đây, đường rẽ, ngã nào, trăng, cũng trăng! Với tôi, em, Giai Nhân; với tôi em là Nguyệt. Tôi biết lòng tôi biết chỉ mình em, muôn năm…
Tôi đang ở thế gian đang mơ màng thế giới: Ngày Mai là Ngày Mới, Hôm Nay là Ngày Vui. Nói với hoa, hoa cười. Nói với trăng, trăng tỏ. Tôi cũng nói với Chúa: Em, Tình Yêu Của Tôi!
CALIFORNIA MÙA ĐÔNG
Phía Bắc thì tuyết ngập, phía Nam thì cháy rừng. California mùa Đông, nóng, lạnh, thời tiết đó, giống như hai dòng gió, một ngược và một xuôi…nhưng chỉ một câu thôi: Trời ơi ai xui khiến?
Đường ranh giới không biến, Nam Bắc không một nhà – đó, đất nước người ta và người mình, một cảnh: miền Bắc mình thì lạnh, miền Nam mình nắng nung. Lịch chỉ một mùa Đông, lòng hai mùa phân biệt. Nước Mỹ và nước Việt giống nhau chỗ chia lìa?
Thắp ngọn đèn giữa khuya, nhìn những dòng nến chảy. Cái tim nến thì cháy mà lệ nến nghẹn ngào. Lệ nến đọng thành ao. Bay cao cao là khói. Cái gì cũng vời vợi: những vì sao xa xăm, và trăng… nửa bóng trăng nằm khuất mờ sau núi. Chẳng cái gì gần gũi… Tại sao em cũng xa?
Ngày hôm qua, đã qua; ngày hôm nay đang tới. Sân ga nhiều người đợi, sân ga nhiều người đi. Người ta tay nắm tay rồi rời ra ở đó. Cõi đời chỉ còn gió. Anh nhớ tóc em bay, không ở sân ga này mà quê nhà, xưa lắm. Hai tay mình từng nắm… vậy mà như giấc mơ!
“Thoáng hiện em về trong đáy cốc”, câu thơ của Quang Dũng nằm trong ly nước mắt. Mong phía Bắc, em, bình yên; phía Nam, anh, nghiêng – nghiêng cái ly đầy gió. Dẫu đất trời kia có chia bao nhiêu nửa, trái tim người còn nguyên vẹn, còn thương! Phải chi đây Đơn Dương, anh hái hoa quỳ thổi về Đà Lạt, nơi anh nghe em hát bài đầu tiên, Tình Xa.
BỞI EM LÀ ÁNH SÁNG
Ngày đầu tuần, không gió. Hoa nở cũng hơi nhiều. Tôi trải chữ Tình Yêu trên thảm vàng trước ngõ…
Lát, em sẽ ngang đó, em bình minh hay trăng? Hỡi trăng vàng thương nhớ vương tà áo dài xưa, Dran vàng như mơ hoa quỳ vàng bên suối… Hỡi em, năm học cuối, mình xa nhau vì sao? Mình xa nhau, đi đâu? Trăng vẫn vàng trước ngõ, hoa vẫn vàng… nhớ thương! Lúc đó, anh Trường Sơn, em thì ra biển cả, hoa núp mình trong lá, mình núp mặt hai tay – hai bàn tay đầy mây… Hai bàn tay còn đây! Hai bàn tay ướt át mây và sương Đà Lạt, mây và khói K’ Loon… Lòng nào nát như tương, lòng nào nương ngọn sóng? Chuông Chùa không còn vọng, hồi đó trăng ngẩn ngơ…
Sáng đầu tuần, bài thơ, tôi nhớ về quá khứ. Một quá khứ nào nữa cho thơ buồn tới mai?
Lát nữa, em ngang đây, ôi hoa vàng, anh đợi. Mặt trời cười hay nói, chào em, em hỡi em! Anh hỏi đóa hoa duyên, hoa quỳ thành thạch thảo mọc trên đá được sao? Những giọt mưa hôm nào lẽ nào đây giọt lệ… Hôm nào vầng trăng xế thành trăng Rằm, không em? Ban ngày, anh nhắc đêm, bởi em là ánh sáng. Lòng anh là chạng vạng bao ngày anh vắng em…
Vạt áo dài bay lên, nhớ quá tà áo nắng. Ở với nhau không đặng, nhớ thương hoài nhớ thương… Hồi anh ở Trường Sơn, nhìn mây mà nói thế. Trước cõi đời dâu bể, trước bể dâu, nghẹn ngào…
Anh cũng nhớ cây đào Ba trồng cho em ngắm. Cũng nhớ khi gió lặng, Mạ mừng lá không rơi…
CHIỀU CUỐI NĂM
Bạn đến thăm chào buổi cuối năm, hai bàn tay bắt nói như thầm: “Sang năm vui nhé, hơn năm ngoái!”. Hai đứa cười… hở mười cái răng!
Bạn đến thăm hỏi xin câu thơ, thì câu thơ đó, khỏi mong chờ. Mời vào, bia lấy ra khai hội, bọt trăng như màu tóc bạc phơ!
Mới bốn mươi năm, bốn thập niên, đường trần gian đẹp chắc nhờ duyên? Duyên con gái tặng cho con gái, duyên của lính tàn: nhớ chẳng quên!
Bia cứ uống đi, rồi uống nữa. Cuối năm hiu hắt đám mây chiều. Một bàn, hai đứa, mà vô tận cái nỗi buồn… không lẽ bấy nhiêu?
Có cái gì không biên không cương bỗng dưng lại hóa ra bình thường! Tú Xương mạt rệp nhờ cơm vợ, đêm ngủ “đù cha cái giát giường!”.
Ờ nhỉ, tụi mình sao sống sót? Già rồi, còn sống để làm chi? Bạn tôi nhếch miệng cười… vui vẻ: “Để đến gặp mày uống hết bia!”.
Bia hết. Năm tàn. Năm cũng hết. Mai, ngày năm mới, nói gì đây? Nói với cành hoa hay bụi cỏ? Với mình, thôi? Không nói với ai?
Bạn đến thăm mình… rồi bạn về. Nhìn đường đi bạn, nhớ đường quê. Chiều xanh rồi xám từng khung cửa, từng mái nhà xanh dưới tán tre…
Ôi áo dài ai trên dốc phố? Tôi nghe Đà Lạt gió mơ hồ. Cây đào trước ngõ nhà em nở… nên gió bay về như Tết xưa?
VĨNH BIỆT PHẠM CÔNG THIỆN
Mày hơn tao một tuổi mà mày đã “xong” rồi!… Chết mà được, hỡi ơi, đời không buồn thêm nữa!
Hôm qua không mưa gió. Mày đi. Đi thản nhiên. Mày chắc nhớ chưa quên cái thời trên Đà Lạt…
7, Trần Bình Trọng, cỏ rạp mày đi qua, đi qua. Ở đó, Hoàng Vĩnh Lộc, ở đó, Bùi Giáng, sống chưa hết tuổi già…
Con Mộng Ngân hít hà: “Ôi mấy cha nội đó, nhiều khi như mưa gió, ồn muốn nát nhà tôi”.
Tao cũng đó một thời, khi mày về Yagut, số 12 dưới hụp, một phòng đầy văn chương…
Mày bỏ xuống Nha Trang, mày đi tu đạo Phật, mày là người giỏi nhất: thuộc bảy hai vạn Kinh!
Nhiều năm tao hỏi mình: Phạm Công Thiện đâu nhỉ? Ông Giáo Sư Lê Phỉ, nói: “Nó đã về Trời”.
Hồi đó, mày, mày ơi, mày sống mà, chưa chết, Con Rắn còn bò miết trên Đồi Cù đấy thôi!
Tao giận mày một thời, tu chi hai đường Đạo – con đường nào Sáng Tạo Con Rắn Cho Trần Gian?
Mày không ở Tiền Giang, tỉnh mày viết Ý Thức. Mày làm ong hút mật trường Vạn Hạnh lêu nghêu…
Thiện ơi có một chiều, mình gặp nhau ở Mỹ. Mày nhìn tao hỏi khẽ: “Đà Lạt giờ vui không?”.
Hăm mốt năm trôi sông, bây giờ thì mày chết. Bảy mươi mốt tuổi, mệt, Thôi, mày đi bình an!
Đà Lạt mình vội vàng sống một thời tạm bợ. Nước Mỹ không muôn thuở… mà mày đành Thiên Thu!
TẾT ĐƠN DƯƠNG
Xe đậu trước nhà. Hai cánh cổng
Ba kìa, Ba đó, Mạ kìa, kia!
Cháu ôm cứng ngắt Ông Bà Ngoại
Ôi Tết! Ông Bà mắt đỏ hoe…
Cha mẹ đã già, mong cháu con
Đứa ra tận Huế, đứa Sài Gòn
Đìu hiu năm tháng ngôi nhà cổ
Mái rạ buồn hiu mấy nắng sương!
Em ở Sài Gòn, về Tết sớm
Mạ chờ Ba đợi… vẫn nôn nao
Cầm tay Ba Mạ thương chi lạ
Em đẹp như xưa, má ửng đào!
Hai đứa cháu không rời bước Ngoại
Chỉ mây trên núi, bụi bên đường
Nói quê mình đẹp, hoa quỳ nở
Chúng nói gì nghe cũng muốn hôn!
Em nói gì, anh nghe cũng nhớ…
Quê nhà xa quá, nhớ càng xa
Nghe phone em kể về chơi Tết
Tưởng tượng mùa Xuân trước cổng nhà!
Em ở Dran lên Ngoạn Mục
Nhìn giùm anh với mây Cà Beu
Nhìn giùm anh với trăng Tùng Nghĩa
Hái hộ giùm anh mấy ý thơ!
Em có thăm ai bên Filnôm
Hãy đi xe ngựa để nghe giòn
Giòn tan những tiếng chào năm mới
Có tiếng anh chào thăm Cố Hương!
Em nói gì, anh nghe cũng nhớ
Nhắc cho anh nhớ nhé hoa quỳ
Nhắc cho anh nhớ hồi xưa lắm
Anh gặp em, mừng, không bước đi…
Em ơi anh nhớ hai cây đào
Trước ngõ nhà em, hoa lao xao…
Quỳ chen nhánh nở bên bờ giậu
Em, áo vàng phơi… nhớ biết bao!
TỐNG BIỆT TRÙNG DƯƠNG
Xưa, Thâm Tâm làm Tống Biệt Hành
Sương chiều, mây, giá, nắng long lanh
Tiễn người, không tiễn qua sông Dịch
Tiếng sóng trong lòng nghe thất thanh!
Nay, ta tiễn một người thương lắm
Không tiễn người về lại Cố Hương
Mà một bình tro về biển lớn
Tiếng lòng thảng thốt tiếng trùng dương…
Ôi xưa nay cũng cùng đưa tiễn
Chí cả nằm trong giọt lệ tròn
Mẹ, Chị ba năm còn nức nở
Ta ngàn năm nuốt vị tân toan!
Biết tống biệt là không trở lại
Ba năm thì cũng giống ngàn năm
Chiều nay ta dạo trầm hương tỏa
Cắn cọng cỏ sầu tê buốt răng…
Đưa người ngựa tía vù qua núi
Một chút mơ hồ mây mênh mang
Một tiếng thơ ngầu hay tiếng khóc
Một lòng băng giá dễ gì tan!
Em! Em! Trôi giạt năm châu lục
Dài ngắn vì sao nhúm tóc mai?
Trong đục vì sao mưa bán dạ
Trăng còn nửa mảnh, nửa trăng bay…
Em! Em! Sông biển nằm trong mắt
Con mắt từng mờ mây Ban Mê
Con mắt thủy triều Hương Vỹ Dạ
Bình tro trong đó có tàn y…
Xưa Thâm Tâm làm Tống Biệt Hành
Chắc chàng cắn nát chéo khăn xanh?
Nay, ta cũng có đôi dòng tiễn
Em có nghe lòng ta thất thanh?