Thế Dũng sinh năm 1954 tại Hải Dương. Sau thời gian tham gia quân ngũ, ông theo học tại khoa Ngữ văn Đại học sư phạm Hà Nội và tốt nghiệp năm 1980. Từ 1989, ông sống và làm việc tại Berlin, CHLB Đức. Hiện ông là giám đốc Nhà xuất bản Vipen và là Hội viên Trung tâm văn bút CHLB Đức.
Yêu văn chương và bước chân vào làng văn khi còn rất trẻ, với Thơ, Truyện, Tiểu luận (1974). Từ đó đến nay, Thế Dũng đã cho xuất bản hơn 20 tác phẩm tại Việt Nam và Đức như: Hoa hồng đến muộn (Thơ), Người phiêu bạt (Thơ), Từ tâm (Thơ), Mùa xuân dang dở (Thơ), Lục bát lên đồng (Trường ca), Tiếng người trong đá Giáp Sơn (Tiểu thuyết), Hộ chiếu buồn (Tiểu thuyết), Một nửa lá số (Tiểu thuyết), Giấc mộng Orly (Tiểu thuyết, bản tiếng Đức), Gió đi dưới trời (Tiểu luận và Đối thoại)… Thế Dũng cũng đã chuyển ngữ một số tác phẩm từ tiếng Đức: Biên niên sử của Cách mạng của Hannes Bahrmann & Chritoph Link, Sống hay là bị sống của Christa wolf, Những con bệnh khó chiều của Marcel Rech –Ranicki & Peter Vos…
Với một người viết nhiều như Thế Dũng, Thơ có lẽ là thể loại dễ “làm quen” nhất của ông với bạn đọc. Trong ý nghĩa này, Văn Việt trân trọng giới thiệu một số bài thơ của Thế Dũng.
Ký ức bất chợt
1
Tuổi khăn đỏ trời xanh đầy đạn lửa
Giấy học trò bom Mỹ cháy thành than
Tôi lên mười đất kéo còi báo động
Mũ rơm tôi lũn cũn dọc đường làng
2
Tôi chưa có rừng đã vang vó ngựa
Trăng Tây Sơn bùng nổ một mùa xuân
Thương cô Tấm chỉ vì mơ yếm đỏ
Mà chết đi sống lại biết bao lần
3
Tôi chưa có thì ba lô cỏ úa
Đã nắng sương từ thủa Mẹ lên ngàn
Mười tám tuổi vượt đèo thành binh nhất
Câu thơ rừng hồi hộp với trăng non…
4
Mẹ cơm cà áo vá nước mưa trong
Nhờ hàng xóm bát cơm ngày giáp hạt
Tôi ăn suối ngủ rừng theo binh trạm
Em như mơ như thực ở ngang trời
5
Mẹ đã khóc bao lần hoa đào nở
Những đứa con tuổi Ngựa chẳng hay về!
Trong lửa cháy thành tên mà xanh thắm
Làng ơi làng! Lâu chửa tắm sông quê…
6
Nụ cười này…kỷ niệm ở Ta Lê…
Tháng Giêng ấy…Sư đoàn Ba Mười Sáu
Ký ức cháy miên man. Mắt người nhìn đau đáu…
Bạn sốt rồi… ngủ lại với Suối Mơ!
7
Nhớ Giao thừa canh sắn với Pa Cô
Vách đá dựng sau lưng là Pắc Bó?
Mỗi tấm ảnh – khắc một thời quân ngũ
Xin Mẹ đừng thấp thỏm phía Hà Tuyên
Tưởng nhớ Olga Bergon
(…Và tôi sẽ lại đi đến bờ vực của đời
Để rồi sẽ tìm đường quay trở lại – Olga Bergon 1910-1975)
1
Năm tháng vẫn khó khăn, vẫn đãi cát tìm vàng
Nhiều người vẫn cầu may cho số phận
Nhưng Olga Bergon vốn là người kiên nhẫn
Chị kiếm tìm…Tìm kiếm mặc dài lâu…
2
Hạnh phúc lẫn tai ương như thể có phép mầu
Rừng Nga cháy ngày Olga bảy tuổi
Cung điện nổ -Mùa Đông. Lửa bùng từ bóng tối…
Thế kỷ bắt đầu xuyên thấu ngực nhà thơ
3
Tôi nhớ Olga năm mười bẩy mộng mơ
( Người xa lắc mà tôi thì chưa có!)
Khi Jessenin chết buồn bên cốc vỡ
Olga hát gì trên sông Neva?
4
Và tôi cũng đã yêu mãnh liệt đến không ngờ
Trong ánh hỏa châu trên cổ thành Quảng Trị
Tôi xa xót Nguyễn Du như người xưa đẫm lệ
Olga có kịp về tưởng niệm Puskin?
5
Và tôi đã đam mê trong tín ngưỡng linh thiêng
Cánh buồm đỏ chưa về bao đêm trắng
Hoa cuối mùa sặc sỡ nhiều lo lắng
Thơ sinh thành bí mật giữa chiêm bao
6
Đâu phải một mình tôi từ ấy ước ao
Được vui sống giữa đời không phản trắc
Trái tim tới trái tim-chỉ một đường thẳng tắp
Thẳng tắp đến hãi hùng với kẻ thích quanh co
7
Sâu sắc dịu dàng không giấu mọi buồn lo
Đôi mắt của câu thơ bên bờ vực thẳm
Đời dẫu đổ vỡ nhiều nhưng không hề đứt đoạn
Con người là vô tận đến tương lai!
8
Hạnh phúc có thể rơi bên bờ vực xa vời
Đường trở lại có thể rồi sẽ hết
Tôi có một Olga chân thành và quyết liệt
Đi giữa ban ngày nhận mặt những ngôi sao!
Hoa hồng đến muộn
Thực tình tôi có nhớ
Nhưng không sao đúng giờ
Hoa hồng còn đang nụ
Em chờ hay không chờ?
Chắc là em mong lắm
Dù hò hẹn bất ngờ
Em thành cô dâu thật
Tôi thành người ngẩn ngơ
Mến thương nên thành thực
Lòng cứ nụ vậy thôi
Hoa hồng tôi đến muộn
Đành nở im trong đời
Tên em là nguyên khí! – Việt Nam ơi…
Quý tặng bé gái vô danh & Andre Menras Hồ Cương Quyết 1
1
Sau buổi chiếu phim Hoàng Sa Việt Nam – Nỗi đau mất mát tại Cheb,
có em gái đã trao cho anh Andre Menras một phong thư
và dặn khi nào về Đức hãy mở
Cảm động sao: trong phong thư là một họa phẩm em tự vẽ
với dòng chữ Việt: Kính tặng đồng bào quả cảm tại quê nhà
bút tích đề ngày 10.01.2013
là ngày mà phim của Hồ Cương Quyết trình chiếu tại cộng hòa Séc.
2
Liệu em có còn ở Cheb hay đang ở Warzawa?
Hình như em đã cùng tôi đi biểu tình ở Berlin năm trước
Hồn em thổi những cơn gió muôn phương về biển Đông
Trái tim em trong ngực bồ câu mang hình đảo Cát Dài và Cát Vàng
Hồ Cương Quyết đã mang về Biển Đông bằng lồng ngực Việt – gốc Pháp.
Em đang ở Berlin? ở Budapest? hay Wazsawa?
Em là con lai hay thuần máu Việt?
Tôi đã thấy nhiều triệu trẻ em vẽ chim bồ câu
nhưng chưa thấy cánh chim nào nặng trĩu nỗi nước non
như đôi cánh chim em nhọc nhằn gánh vác hai quần đảo
Thần máu Việt đã nâng Hoàng Sa – Trường Sa lên hồn thơ giông bão
Lên đôi cánh chim câu quả cảm can trường
3
Tôi đã từng ứa nước mắt khi thấy những ngư dân nghèo Lý Sơn
phải nộp phạt nhiều triệu đồng
cho những tờ biên lai dày đặc chữ Tầu ngay trên lãnh hải Việt!
Tôi thấy trong tranh em: một tâm hồn lớn.
Như nhiều người, tôi cũng muốn biết tên em mà không thể
Lẽ nào em cũng sợ bị bỏ tù?
Lẽ nào em cố tình ẩn danh để tránh họa biệt giam?
đau thương thế Việt Nam?
Tang tóc vây quanh đầu xanh ngực trẻ?
4
Ơi bé gái tha hương
Tâm hồn mười một tuổi
Mà non nước hai vai
Đôi cánh chim nặng gánh
Cát Vàng và Cát Dài
Hoàng Sa và Trường Sa
Hồn bồ câu của em là xót xa có thật
Mà em thì giấu tên
Lời bồ câu của em là nỗi đau có thật
Mà em không xưng danh!
Nhưng không hề mất khôn vì quá sợ…
5
Dù đã giữ lại bản gốc bức tranh
nhưng Andre Menras(1) cứ băn khoăn vì không biết tên em!
đây chỉ là phiên bản.
mà tôi sững sờ như được soi gương
và chợt thấy xác thân đầy gió biển:
Họa phẩm em như một điều Hiến định
về chủ quyền biển đảo Việt Nam
Thần hứng em là thần khí Việt
Cội nguồn em là linh khí Việt
Ngữ ngôn em là sinh khí Việt
Em tên là Nguyên Khí! – Việt Nam ơi…
Berlin, 10.02.2013
Ngày Mồng Một Tết Xuân Quý Tỵ
____________________________________
(1) Andre Menras Hồ Cương Quyết, người Việt gốc Pháp: tác giả bộ phim tư liệu Hoàng Sa Việt Nam – Nỗi đau mất mát, đã được trình chiếu nhiều lần ở Đức, ở Tiệp, ở Balan v.v…
Ta mở cho nhau cửa tới vô cùng
Gửi Ngô Nguyên Dũng
I
Làn hương mảnh thắt lòng lữ thứ
Luồng nắng ngời lung lạc nẻo hồn mưa
Mùa đom đóm cỏ may lùa xao xác
Tôi, đôi khi khe khẽ hát bơ phờ…
Dăm ngôi mộ trong hồn… Hoa héo úa
Âm ti cưỡi văng vẳng tiếng đa đoan
Mây như khói tóc ai chiều thu xõa
Liệm làm sao? Dĩ vãng chửa tro tàn!
Ngày tháng mở giùm tôi từng ô cửa
Hốc tâm linh toang hoác một hang buồn
Tôi chưa chín nên tôi còn hăm hở…
Hộc từng cơn!- Thơ vỡ ngực ngậm hờn!
Em đã hết mấy cuộc tình xuất khẩu?
Sao đàn bà mà như thể đàn ông?
Chợ búa mãi… nhầu đêm sương thiếu phụ
Em ôm ai để khóc mấy phương chồng?
Đêm siêu thị mà đời đầy biến loạn!
Kẻ nhỡ tàu, người bị hiếp, bị dâm
Vẫn sợ hãi phải trở về tổ quốc
Phật đành ngồi nghe nhạc Pốp trầm ngâm
Hồi hộp mãi với hoa hồng tỵ nạn…
Tình khước rồi ta như đứa mồ côi!
Những cơn sốt độc hành xuyên tuyết trắng…
Dường như ta tự chôn sống ta rồi!
II
Thời ôn dịch hồn tôi đầy nghĩa địa!
Toàn những thằng đáng sống phải chết non…
Ai truy tặng cho ai? Truy lĩnh làm sao hết?
Quên làm sao cái chết ngậm bò hòn?
Đời thủa ấy, quê hương nhiều giặc giã!
Một nhà chia “Ta- Địch”. Khóc u… oa!
Đốt cả dãy Trường Sơn mà được thế?
Những chiến hào xẻ nát triệu đời hoa!
Đời thủa ấy thịt xương sao lãng mạn?
Cứ hân hoan làm thằng lính đi đầu!
Chỉ vì cuộc dối lừa nhau ý hệ,
Một bầu trời chia cắt mấy đời đau!
Đời thủa nhà ai ngông cuồng quá thể
Mang quê hương làm chợ thử súng gươm!
Hồn thi sĩ thành mấy vùng chiến thuật?
Xác Thi Nhân chia mấy nẻo chiến trường?
III
Thanh Minh ấy tôi kịp về Tảo mộ…
Người đi tìm hài cốt dọc Trường Sơn?
Mẹ vẫn khóc!- Chín tầng đời sụt lở!
Dân tộc mình trả giá để Cô Đơn?
Vâng, người ạ: chỉ còn mươi năm nữa…
Thế kỷ này lừa lọc đến thế thôi!
Tôi mong ước giữa Thanh Thiên Bạch Nhật:
Những cuộc thoát y thành thật của Hồn Người!
Đừng khép cửa! – Cô Đơn dânh thành quách…
Uổng công què để gỡ bãi mìn xưa!
Thời “cải tổ” gái trai toàn đi Bụi…
Tiếng đàn ông khóc nấc !- Nát Giao thừa…
Tôi nhẫn nại bỏ tù tôi!- Đểu thật…
Bị dại khờ sập bẫy chẳng kêu ca!
Cánh Hạc vỡ giữa đường, bay quằn quại…
May! – Chưa hề lạc mất giấc Mơ Hoa!
Ta nương tựa vào ta?- còn ai khác?
Ai ngoài ta xương cốt được đời ta?
Hỡi tử thần có vẻ mặt Đào Hoa:
Ta định được cái chiều ngươi đập cửa!
Và Tim óc vẫn chơi trò Sinh Tử!
Mặc tương tàn thảm khốc của Tình Yêu…
Những Ngũ Uẩn miên trường hiển lộ!
Cõi âm- Dương lõa thể vẻ yêu kiều…
Hồn vô thuỷ vô chung chuyền nhau Lửa…
Mặc không ngoan đóng mở thật khôn lường!
Mặc đôi lúc U Minh hờn sập cửa…
Để mù loà gào xé mãi tang thương!
Cứ mềm yếu hồn nhiên như nước chảy…
Cứ trần truồng mãnh liệt yêu thương!
Người cũng thế?- Cũng khoả thân Bạch Lộ…
Ta mở cho nhau cửa tới vô cùng!
Nói với con trong tuyết ở Berlin
Gửi V.H.A
1
ở đâu đó- nơi con ngồi, nước xiết…
Gió xoáy đau ngõ vắng phút xa lìa
Cha bảng lảng tìm về nơi đò đắm
Gặp mặt hờn ba tuổi giữa cơn mê!
2
Con có lúc vùi quên vào nhã nhạc?
Quỷ hay Người? mưa nắng cũng cười thôi!
ở đâu đó con nằm- cha thấp thỏm
Sợ môt ngày… con biết mặt Đơn Côi!
3
Cha khúc khuỷu sinh lộ đầy biên ải
Ngậm Nhã Ca- Bát Quái kiếp tơ tằm
Ôm Thi Thiên mong mỏi ngày tháng lụa
Con có thở dài vì mấy chuyện trăm năm.
4
Đêm “Cyclo” mắt tóe đom đóm máu
Gặp du hồn hu hoạ tuổi mười năm…
Cha lấp xoá tuổi thơ buồn sao nổi?
Lòng tha hương rượu xót nẻo trăng rằm.
5
Lông ngỗng máu mấy Loa Thành tiền kiếp?
Bao người tình ngằn ngặt nấc tầm xuân
Khi con cầm cờ lau viếng Cổ thành Quảng Trị
Thì cả Hoa Lư lẫn Thăng Long đã hết loạn quân thần?
6
ở đâu đó- một thời con đã sống:
Trong ngôi nhà khoá trái- cụt Anten
Sầu xuyên quốc nửa đêm oà khóc mộng
Những Tin Lộ đoản dòng chết cứng giữa buồng tim.
7
Trầm mặc uống- đêm Berlin tuyết sáng…
Chợt thấy con 18 tuổi phong trần
ở đâu đó – một thời con không thể:
Nói thật lòng, dốc dạ với song thân?
8
ở đâu đó con bơi- vùng nước đọng….
Hồn viễn du khao khát những kỳ thành
vẫn day dứt nỗi sầu riêng của Mẹ
Cha xin thề sống thật hết trời xanh!
9
Nghe con nói đáy lòng- cha hạnh ngộ:
Máu thịt mình lên tiếng với Mùa Xuân?
Dăm năm nữa chung nỗi niềm đa quốc
Cha con mình đứng trước mấy xa luân?