KHÔNG PHẢI THƠ

Liêu Thái

 

1.

Khốn khổ nhất của con người

Là đến tuổi năm mươi

Mới bắt đầu học yêu thương

 

Hắn nói rằng hãy cho hắn mượn màu da

Để hắn dùng làm bộ giáp

Chiến đấu với bọn không màu

Tôi nói rằng gốc của màu cũng là không màu

Không màu hay có màu là ngoài da

Máu ai cũng đỏ và ai cũng mềm yếu

Não ai cũng mềm như đậu hủ, kể cả heo gà trâu bò, voi hay sư tử cọp beo

Và chúng ta bình đẳng với nhau khi còn biết yêu thương

Hắn đã buông Shit!

Rõ dài…

2.

Khi bạn lên tàu

Cho dù để làm phụ bếp

và khi sang tận xứ người

Bạn giữ ấm bằng cục gạch nướng

Hoặc bạn lên tàu với tầng tầng lớp lớp

Những con người đau khổ li hương

Có những lúc bạn phải nhắm mắt

Nuốt thứ gì đó mang mùi đồng loại

Để vượt qua cái chết

Và hi vọng khi mở mắt đã nhìn thấy bờ tương lai…

Thì chúng tôi cũng tầng tầng lớp lớp

Mìn nổ chậm, mìn sót, mìn thối

Cụt chân, mất xác, đời người toang hoác

Đâu phải ai cũng có chiếc thuyền để chạy

Đâu phải ai cũng có bến bờ để trông

Đâu phải ai cũng có tương lai bên ngoài bổn xứ

 

3.

Tương lai của chúng tôi

Chẳng khác nào ông Tư Lanh là mấy

Tên thật của ông ấy là Bốn Kép

Nhưng trong một lần

Vào năm 1978, đứa con trai đầu lòng của ông

Đã cưa trái bom thối vớt từ hục bom

Tiếng nổ phát ra chát chúa sau gốc mít

Ông Tư chạy ra tìm con và cười ha hả

“Thằng lanh thiệt, nó biết bom nổ chạy mất rồi!”.

Đến trưa, rồi chiều, ông Tư gọi thằng con về ăn cơm

Không thấy nó về, ông quay ra lại gốc mít

Nhìn thấy cánh tay con mình treo trên đó

Ông đổ quị mấy ngày

Sau đám tang của con (tìm những gì còn sót lại mà làm lễ an táng) mấy ngày

Ông lại lên rừng để tìm ve chai nhôm nhựa

Bởi ve chai nhôm nhựa giúp cái bụng của ông

và bà vợ điên cùng đàn con nhỏ thở qua ngày

Cái tên Tư Lanh như một lời nguyền

Thay vì niềm cứu rỗi…

 

4.

Khi bạn xếp hàng nhận từng gói mì, hạt gạo cứu tế

Nơi trại tị nạn

Nơi tận cùng của đau khổ

Thì chúng tôi cũng xếp hàng rồng rắn

Nhận từng ký khoai mì lát

Từng ký bắp mốc

Từng ký gạo mọt xông kinh niên

Những đoàn rồng rắn đói ăn và xanh xao

Buồn thê thiết nhưng không dám thở dài…

 

5.

Bạn đến bến bờ tự do

Bạn đi học nghề và cày xới trên cánh đồng nail

Những cánh đồng nail mọc giữa phố người

Bạn đi đánh cá thuê, đi lau sàn nhà

Để nuôi giấc mơ vào ngày mai

Về những chiến tướng, những nhà khoa học và cả những nghệ sĩ, nhà văn…

Chúng tôi len lỏi, cày xới trên những cánh đồng khoai mì và ruộng mạ

Chúng tôi nuốt từng miếng nghẹn để nuôi giấc mơ

Và những người trẻ đã thay thế nhiều thứ

Trong đó gồm cả những giấc mơ bị kẹt

Trong guồng máy thời đại

Chúng tôi những người kế tiếp và kế tiếp

Nuôi giấc mơ từ khốn khó của mình

 

5.

Khi tôi nói, bạn bè tôi nói

Bạn không ngần ngại buông “người Việt trong nước”

Và ai đó đã gọi bạn là “Việt kiều”

Trong khi đó chúng ta đã quên

Hoặc cố tình quên nỗi buồn

Nỗi buồn không có ranh giới trong nước hay ngoài nước

Nỗi buồn không phân biệt màu da

Nỗi buồn không thể xịt nước hoa lấn át

Nỗi buồn không thể thay chỗ ngồi hoặc thay giọng nói

Nỗi buồn không thể thay căn cước

Nỗi buồn hiện lên trong mắt tôi và bạn

Mỗi khi ai đó khóc giọng Việt

Mỗi khi ai đó chửi nhau bằng tiếng Việt

Mỗi khi ai đó hại nhau nhân danh nước Việt

Mỗi khi ai đó tùng xẻo, đấu tố nhau nhân danh dân tộc Việt

Nỗi buồn của chúng ta

Là màu da của chúng ta…

Comments are closed.