Louise Glück: Tiểu luận và Thơ

Hoàng Hưng chuyển ngữ

louise gluckNhà thơ Louise Glück (sinh 1943), được giới Thơ Mỹ đánh giá là một trong những tác giả thơ tài năng nhất còn đang viết của nước này, vừa giành Huy chương Vàng về Thơ của Viện Hàn lâm Văn học Nghệ thuật Hoa Kỳ (AAAL) năm 2015. Bà là tác giả của 10 tập thơ, đã từng nhận Giải Pulitzer, Giải của Hội Phê bình Sách Quốc gia, mới nhất là Giải Sách Quốc gia (2014) và nhiều giải thưởng uy tín khác của Mỹ. Bà được Thư viện Quốc hội Mỹ chọn là Thi Khôi Hoa Kỳ (Poet Laureate of America) năm 2004. Huy chương Vàng AAAL bắt đầu được trao từ năm 1909, là một trong nhiều hình thức khuyến khích sáng tạo nghệ thuật với tổng trị giá khoảng 1 triệu đô la một năm của tổ chức này (tổ chức AAAL ra đời năm 1898).

Thơ Louise Glück nhạy cảm và kiệm lời, thường bắt đầu với những cảm xúc nhức nhói về tình yêu, sự sinh nở và cái chết. Các hình ảnh của thơ bà hiện ra tự nhiên nhưng bất ngờ, và dễ dàng đi từ một cảm nhận trực tiếp tới một từ trừu tượng.

Nhân dịp này, xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc Văn Việt một bài viết về Thơ và một chùm thơ của Louise Glück.

H.H.

 

Thơ là phong cách của tư tưởng[*]

Louise Glück


Thiếu chúng ta thế giới vẫn hoàn chỉnh. Một sự thật không thể khoan thứ. Nhà thơ đáp lại bằng cách nổi loạn, muốn chứng tỏ rằng không phải thế. Do lòng tự trọng bị tổn thương, niềm tự hào ương ngạnh hoặc nhu cầu tuyệt vọng, nhà thơ kinh niên tranh cãi với sự thật, và một điều kinh ngạc xảy ra: một sự thật khác được tạo nên, giống như một thành tố mới có phần đối nghịch với điều không thể khoan thứ. Một giọng không thể xoá bỏ, dù không tác động gì tới vũ trụ tới nhân sinh, nhưng làm thay đổi sâu sắc kinh nghiệm của chúng ta về vũ trụ ấy cũng như về thế giới những quan hệ nhân sinh. Đối với tất cả cái gì là cô đơn nhất trong các bản chất của chúng ta, nó là người bạn đồng hành nâng dắt.
Văn chương, một từ khủng khiếp. Nó thiếu hoàn toàn cảm giác về sức sống quyết liệt của giọng. Như một sự trừu tượng hóa, nó biến thành một cái gì đó hồn lìa khỏi xác, một điều đã giải quyết xong, trơ ì và xa cách. Trong khi đó thơ cất lên từ trang giấy lại năng động diệu kỳ: quyến rũ, đòi hỏi, cay đắng, thông tuệ. Nó không cất lên từ quá khứ mà từ ngay hiện tại.
… Thật thú vị khi biết được đôi điều về phẩm chất ấy, bởi vì bài thơ, bất kể nội dung nó nói gì, sống sót không nhờ nội dung mà nhờ giọng nói. Nói giọng là tôi muốn chỉ cái phong cách (style) của tư tưởng, cái đó không hoàn toàn giống như phong cách của lời nói: – những sự ghép mượn, những điệu bộ thành thói quen… Chúng tôi nhờ cậy vào khái niệm giọng (voice) với tất cả những bất túc của nó; ít nhất thì nó cho ta nghĩ tới âm thanh của một hiện hữu chính cống. Dù cho âm thanh ấy có thể dựa vào cách nói thực sự của nhà thơ, nó cũng không phải là bản sao của cách nói. Giọng nói có quyền tự do trích ra, nhấn mạnh, bỏ qua cái gì nó muốn, tự do xuất phát từ những điều kiện mà thế giới thực tại không bao giờ sản sinh ra một cách đúng hệt; không giống như lời nói, nó không chứa đựng một áp lực xã hội tức thời, bởi vì kẻ mà nó cố gắng làm cho hiểu được thì chưa hiện hữu. Bài thơ muốn tạo ra con người đó, trước tiên ở nhà thơ, sau đó ở người đọc. Như vậy, sự trung thành của nó không phải là với thực tại bên ngoài: nó không cần cung cấp một bản sao của cái bên ngoài, hay của những quan hệ xã hội. Chính vì thế mà thời gian thường sẵn sàng đưa đến ý nghĩa chính trị nhiều hơn cho các tiểu thuyết phi chính trị: chẳng hạn những tiểu thuyết lãng mạn thế kỷ 19 đã không nhất thiết được coi là những phát biểu mang tính chính trị, chúng trở thành những phát biểu như thế là dưới ánh sáng của tinh thần đương đại sẵn sàng chính trị hóa các mối quan hệ nam nữ. Đối với nhiều người đọc, tiểu thuyết dường như dễ hiểu hơn một cách lạ thường, vì họ bị tính độc lập của bài thơ đánh đố, cũng như bị đánh đố bởi tính đích thực dễ làm nản lòng của giọng. Sự tin tưởng rằng các bài thơ tất phải là tự nguyện của tác giả (bởi chúng không mô tả) bắt đầu từ đây, nó nằm trong niềm tin của người đọc rằng cái thật và sự thật (the truth) đồng nghĩa với nhau.
Các bài thơ là tự nguyện nhưng đã được gạt bỏ những dấu hiệu bề ngoài của biên niên và bình luận, sự liên tục thay nhau của giai thoại và phụ họa. Hơn nữa, phần chính yếu của tác phẩm có thể thay đổi và phát triển, ít theo phản ứng đối với đời sống bằng theo phản ứng đối với những khám phá trước đó của nhà thơ, hoặc là với những khám phá của các nhà thơ khác. Nếu một bài thơ được khuyếch đại một cách có chọn lọc như thế, hững hờ với sự thật như thế, khiến nó dường như khó nắm bắt, thì chúng ta phải nhớ rằng điều nó quan tâm tới không phải, hoặc không đơn giản là ghi lại cái thật mà là tiếp tục tạo nên cảm giác đắm chìm trong cái thật. Và nếu như, trong sự cố gắng để giải phóng mình khỏi cái tôi giam hãm, cái nhìn của nhà thơ hướng ra bên ngoài, thì nó cũng nhắm vào cái gì ràng buộc hoặc lôi cuốn nó. Những sự lựa chọn ấy tạo nên một chân dung. Ở chỗ cái nhìn dừng lại, thì giọng hay lời đáp bắt đầu. Nhà thơ luôn cảnh giác với những gì xảy ra tiếp sau đó, kháng cự lại giáo điều và thời trang, kháng cự lại nguy cơ còn lớn hơn của niềm tin riêng, niềm tin ấy phải bị nghi ngờ vì nó có vẻ giống như giáo điều.
Những bài thơ làm ta cảm động, thì ta phải bị chúng lôi cuốn như sắt bị nam châm hút. Điều gì khiến việc đó có thể xảy ra, đâu là những đặc trưng của các giọng đầy sức sống có năng lực cười nhạo đá xanh và giấy trắng? Tôi nghĩ không phải bởi chúng đẹp hay nói lên sự thật. Trong hai yêu cầu ấy, thoạt nhìn thì cái thứ hai có vẻ lớn lao hơn và dễ đạt được hơn bởi vì sự thật dễ dàng tự đồng nhất với sự chân thành, trái ngược với sự sáng suốt. Sự thật của nghệ thuật khác biệt với sự bộc lộ lương thiện lòng chân thành cũng như nó khác biệt với sự thật được ban phát ở phòng mạch của bác sĩ. Bài thơ có thể chứa đựng cái sự thật dường như sáng ngời ấy, nhưng điều khiến nó sống động không phải là sự khám phá đã cố định mà là các phương cách khám phá; cái làm nó sống động là trí tuệ.
Không có ai tranh cãi về mong muốn có trí tuệ. Câu hỏi đặt ra là trí tuệ tự nó biểu hiện cách nào, sự đầu tư vào sự thật bắt buộc phải bao hàm trí tuệ như thế nào?
Câu hỏi thứ hai trước. Nghệ thuật không phải là sự phục vụ. Hay nói đúng hơn, nó không phục vụ một cách tin cậy tất cả mọi người theo một lối được tiêu chuẩn hóa. Sự phục vụ của nó là nhắm vào tinh thần, từ đó nó giúp ta thoát khỏi sự trơ ì. Nó thực hiện việc ấy bằng cách hội tụ lại một hình ảnh hiện hữu của thế giới; theo nghĩa ấy, nó không phải là tấm gương phẳng mà là kính hiển vi – từ màu trắng phẳng lì của trang giấy, một trường năng lượng trỗi dậy. Tuy nhiên, sự thiếu vắng chức năng xã hội và tính hữu ích xã hội đôi khi đi liền với một khao khát phục vụ, khao khát làm việc tốt trong lòng thi sĩ. Sự thiếu vắng và sức ép ấy dẫn nhà thơ tới tính giáo huấn. Sự dạy bảo, khôn ngoan, đạo lý, cao cả: những cái đó rồi sẽ ru ngủ cái ngã mong manh của nhà thơ bằng cách làm như đưa giọng của anh (chị) ta lên ngang với những giọng lớn lao – những cảm nhận của các giọng ấy đã được thu nhận như chân lý. Nhưng để làm ra thứ nghệ thuật sống động, nhà thơ phải từ bỏ sự biện minh ấy, bởi vì cái mà nó tạo ra là sự lặp lại. Nói thế có nghĩa là, không phải cảm nhận mà chính sự thành kính đã làm giả cái mà nó không thể sinh ra. Không phải mũi tên mà là bộ quần áo đã bạc màu. Và cái thiếu hụt không tránh khỏi của sự lặp lại ấy là cảm giác về tiếng nói xuất phát từ một giọng đặc biệt, có thể nhận dạng được, cái thiếu hụt là cảm giác tức thời, dễ tan biến, những thứ đem đến cho những giọng ấy, một cách nghịch lý, sự bền vững. Bất kể bản chất của những giọng nói ấy là gì, bất kể chúng xuất hiện ở đâu trên con đường giữa cái bất chợt và cái bí hiểm, sự minh thị, như người ta thường nói, xảy đến giống như một biến cố choáng ngợp: hoàn toàn vắng mặt và do đó không thể tránh khỏi. Và điều ấy xảy đến một cách bí mật hoặc là với một vẻ vô cầu, thắc mắc mặc nhiên hay thấu thị.
Ở nơi người đọc, những lúc ấy, một ý tưởng bị tấn công, và sự tấn công làm người ta phấn chấn, ý tưởng cũ chưa được phát biểu nhiều đến mức được chấp nhận âm thầm, trong sự mơ hồ không được thừa nhận cũng không bị bác bỏ, nay bị thay thế bằng cảm nhận. Thế là cái cảm tích cực ào tới thay thế cái không được khảo sát thụ động làm lung lay tất cả những gì xây dựng trên nền đất ấy, và không khí trở nên choáng váng với sự có thể, như thể một lãnh thổ hoàn toàn mới trong tâm tưởng thình lình được mở ra. Không có gì bị phá hỏng mà tiếp tục được lượng giá – đúng hơn là không gian được bổ sung. Những gì bị hy sinh hoặc rơi rụng dường như chỉ mờ đục đi, trở thành sự ngớ ngẩn lờ đờ. Ngay cả khi biến đi cái cảm giác về nỗi cô đơn được chia sẻ, cái còn lại vẫn gợi lên sự phồn thực của nỗi cô đơn.
Còn như đối với nhà thơ: chỉ sự khó chịu, chỉ hoài nghi những ý tưởng bị tiếp nhận thôi thì không thể đủ. Bài thơ phải, ở một mức độ nào đấy, gạt bỏ sự giả định, không chỉ đơn giản bằng cách đối lập với nó, mà bằng cách thao túng sự chứng nghiệm có hệ thống mà nó phụ thuộc vào một cách không tránh khỏi. Nói cách khác: không phải “C sai” mà “ai bảo A tất yếu dẫn tới B?”. Sự nghiêm túc cao độ, trong lốt hóa trang thông thường là sự điềm đạm chán ngắt, là một trong các mục tiêu dễ đạt nhất của trí tuệ.
Bài thơ mà nhầm lời phát ngôn cao cả với cảm nhận, nhầm sự tin tưởng với trí tuệ thiết tha, thì đã chứa sẵn một sự khôn ngoan mà nó muốn trao cho người đọc. Dù cho bài thơ như thế có thể được tổ chức một cách đầy kịch tính và sẽ có vẻ có được khoảnh khắc đỉnh điểm, nó vẫn thiếu kịch tính: người ta nhận ra ngay ý đồ của nó. Những bài thơ như thế đã thay tính từ vào danh từ, chúng cho ta một thế giới bị phủ bởi màn tham khảo có tính huyền thoại. Nhưng do chứa đầy ý chí mà chúng thiếu mất tính định mệnh của huyền thoại, thiếu mất sự kỳ ngộ bất lực huyền thoại với cái mạnh mẽ của thiên nhiên. Thay vào đó, mọi thứ đã được đầu tư vào kết luận, vào sự thật hiển nhiên, vào sự lớn lao hào hùng. Tôi nghĩ rằng trí tuệ thi ca không có sự đầu tư vào kết luận như thế, vì nó cảnh giác một cách tự nhiên với những giả định của chính nó. Nó lấy năng lượng từ một ý nguyện vứt bỏ các kết luận khi đối diện với cái hiển nhiên, trên thực tế là ý nguyện vứt bỏ bất cứ cái gì.
… Giọng nói chưa hề có chỉ có thể xuất phát từ cuộc đời chưa hề có, cuộc đời hoàn toàn trải nghiệm (dù phiêu lưu hay khép kín) và không có sự đơn giản hóa về tình cảm, cái khái quát lâu bền liên tục bắt nguồn từ đời sống cá nhân được chấp nhận.

[*] Trích đoạn từ lời nói đầu tập “Những bài thơ hay nhất của Mỹ năm 1993″. Đầu đề của ND.

 

CAM DỎM

 

Không phải là trăng, anh biết chứ.

Đó là những bông hoa

đang chiếu sáng cả sân nhà.

 

Tôi ghét chúng.

Tôi ghét chúng như tôi ghét tình dục,

miệng gã đàn ông

bịt chặt miệng tôi, tấm thân

tê cứng của gã đàn ông –

 

và cái tiếng kêu luôn luôn buột ra,

cái tiền đề thấp kém, nhục nhã

của sự liền một thịt 

 

Trong tâm trí tôi đêm nay

tôi nghe thấy câu hỏi và câu trả lời tiếp đó

hòa thành một âm thanh

dâng lên dâng lên và rồi

phân thành hai bản ngã cũ kỹ,

những đối nghịch mỏi mệt. Anh thấy không?

Chúng ta bị lừa phỉnh.

và cái mùi cam dỏm ấy

trôi giạt qua cửa sổ.

 

Làm sao tôi có thể nghỉ ngơi?

Làm sao tôi có thể vừa lòng

khi vẫn còn

cái mùi ấy trên đời?

1985

 

 

NÚI

 

Các sinh viên nhìn tôi chờ đợi.

Tôi giảng cho họ rằng đời nghệ thuật là một đời

lao động không ngừng. Nét mặt của họ

hầu như không thay đổi; họ cần biết

thêm chút nữa về sự lao động không ngừng.

Vậy là tôi kể họ nghe câu chuyện chàng Sisyphus

đã phải chịu số phận của mình ra sao, phải

vần một tảng đá lên núi như thế nào, biết rằng cố gắng

chẳng đi tới đâu

nhưng vẫn làm đi làm lại

không bao giờ ngừng. Tôi bảo họ

có niềm vui trong đó, trong đời sống của người nghệ sĩ,

vốn bất cần

phán xét, và trong lúc tôi nói

chính tôi cũng đang bí mật vần tảng đá,

âm thầm vần tảng đá lên triền dốc

đứng của một trái núi. Vì sao tôi

nói dối bọn trẻ kia? Họ có nghe đâu,

họ chẳng bị lừa, ngón tay họ

gõ gõ mặt bàn gỗ –

Thế là tôi kể lại

huyền thoại ấy; bảo rằng chuyện ấy xảy ra

dưới địa ngục, rằng người nghệ sĩ nói dối

vì anh ta bị thành công ám ảnh,

rằng anh ta coi đỉnh cao

là cái nơi anh ta sẽ sống mãi mãi,

cái nơi sắp bị

biến đổi vì gánh nặng của anh ta: từng hơi từng hơi thở,

tôi đang đứng trên đỉnh núi ấy.

Cả hai tay tôi rảnh rang. Và tảng đá đã thêm

độ cao cho trái núi.

1985

 

 

NHỮNG CÂY DU

 

Cả ngày tôi cố phân biệt

nhu cầu với dục vọng. Giờ đây, trong tối,

Tôi chỉ thấy cay đắng buồn cho chúng ta,

những thợ xây thợ bào,

vì tôi đã nhìn

không rời mắt những cây du kia

và đã thấy tiến trình tạo thành

cái cây quằn quại, đứng nguyên một chỗ

là nỗi dằn vặt, và đã hiểu

nỗi dằn vặt ấy chỉ có thể tạo ra những hình thể vặn vẹo mà thôi. 

1985

 

 

 

Comments are closed.