Những người mẹ Việt Nam của thi sĩ Bùi Minh Quốc

Thanh Thảo

Tôi là lớp đàn em của anh Bùi Minh Quốc.
Khi bước chân vào lớp 8 trường Chu Văn An, tôi đã tới Phòng truyền thống của trường là một ngôi nhà bát giác rất đẹp bên bờ Hồ Tây. Và tôi đã gặp ở đây bài thơ Lên miền tây của anh Bùi Minh Quốc. Bài thơ nổi tiếng ấy anh Quốc đã viết năm anh đang học lớp 9 hay lớp 10 gì đó ở ngôi trường rất nổi tiếng này. Và bài thơ này nổi tiếng khắp miền Bắc, rất nhiều thế hệ học sinh và cả sinh viên đã thuộc bài thơ. Thậm chí, đã lên đường ngược miền tây theo tiếng gọi của bài thơ, lên miền tây để dạy học, để mang ánh sáng giáo dục đến với núi rừng tây bắc:
“Xe chạy nghiêng nghiêng trèo dốc núi
Lên miền Tây vời vợi nghìn trùng
Ôi miền Tây! Ở dưới xuôi, sao nghe nói, ngại ngùng
Mà lúc ra đi lửa trong lòng vẫn cháy
Tuổi hai mươi khi hướng đời đã thấy
Thì xa xôi biết mấy cũng lên đường
Sống ở thủ đô mà dạ để mười phương
Nghìn khát vọng chất chồng mơ ước lớn”
(Lên miền tây)
Năm viết bài thơ này, anh Quốc tròn 18 tuổi.
Còn năm học lớp 7 ở trường Học sinh miền Nam, tôi đã được đi thi học sinh giỏi cấp… trường, và bài thơ anh Bùi Minh Quốc là đề thi của chúng tôi.
Nói như thế để thấy tôi cũng có chút duyên với thơ Bùi Minh Quốc. Ngày nhỏ, tên khai sinh anh Quốc là Bùi Trường Đa. Tôi không biết anh Quốc lấy bút danh Bùi Minh Quốc từ khi nào, nhưng đọc mấy bài thơ anh viết từ năm 1962, thấy tay bút thơ của anh đã vững rồi. Đây là một bài thơ ba câu anh Quốc viết ngày ấy, năm anh 22 tuổi:
BAO GIỜ…
Bao giờ sẽ đến ngày mai ấy
Một cánh chim âu hiện cuối trời
Cánh dập dờn bay hết biển lòng tôi?…
(Hà Nội 1962)
Đầy khát khao lý tưởng.
Có cảm giác, nhà thơ họ Bùi này đã trưởng thành. Đúng như thế. Chỉ 5 năm sau, 1967, ở tuổi 27, nhà thơ Bùi Minh Quốc đã tạm biệt vợ anh, nhà văn Dương Thị Xuân Quý, để lên đường vào chiến trường khu Năm ác liệt. Từ năm 1967 tới 1975, anh Bùi Minh Quốc lấy bút danh Dương Hương Ly – tên đứa con gái của anh và nhà văn Dương Thị Xuân Quý. Đó chính thức là bút danh chiến trường của anh Quốc, và rất nhiều bài thơ viết trong những năm ác liệt nhất ở chiến trường Quảng Đà, Quảng Nam, Quảng Ngãi của anh xuất hiện dưới bút danh này. Thơ Dương Hương Ly những năm tháng đau khổ và hào hùng ấy là thơ của người chiến sĩ xả thân vì Tổ quốc, yêu tha thiết nhân dân mình:
Chúng tôi đi qua những gương mặt vừa lạ vừa quen
Bên những căn hầm im lặng
Những bàn tay nắm vội trong đêm
Những bàn tay dịu mềm
Những bàn tay sạm nắng
Những bàn tay xiềng xích còn in
Từng cầm dao đi đoạt chính quyền
Rượt đuổi ác ôn giữa lòng thị trấn
(Qua Điện Bàn)
Chúng ta đã đi qua cuộc chiến tranh chống Mỹ gần 50 năm, bây giờ đọc lại những bài thơ trong chiến tranh của Dương Hương Ly, vẫn thấy trào lên niềm xúc động. Với những ai đã đi qua chiến tranh, thật sự cuộc chiến ấy không thể ra khỏi cuộc đời anh (hay chị), nó ám ảnh và soi rọi cho những gì mình sống tới hôm nay.
Có một bài thơ của Dương Hương Ly khóc vợ mình – nhà văn Dương Thị Xuân Quý, khi chị Quý trong chuyến đi về vùng sâu nhất, ác liệt nhất ở huyện Duy Xuyên, vào tháng 3 năm 1969, chị đã bị bọn lính đánh thuê Nam Triều Tiên sát hại khi chị phải nằm hầm bí mật trong trận càn kéo dài nhiều ngày của chúng. Bài thơ này là đỉnh cao của thơ chống Mỹ, thơ trong chiến tranh. Thơ khóc vợ hy sinh mà ngùn ngụt ngọn lửa tình yêu vợ chồng, yêu nhân dân, yêu đất nước, một tình yêu lớn lao, khôn nguôi, vò xé tâm can nhưng vô cùng cao cả. Hình ảnh nhà văn Dương Thị Xuân Quý hiện lên vừa bình dị vừa lớn lao, quyện vào đất lành Duy Xuyên, mảnh đất chiến trường mà chị Quý khát khao được sống trong lòng nhân dân ở nơi gian khổ nhất, nguy hiểm nhất ấy:
Thôi em nằm lại
Với đất lành Duy Xuyên
Trên mồ em có mùa xuân ở mãi
Trời chiến trường vẫn một sắc xanh nguyên
(Bài thơ về hạnh phúc)
Chị Dương Thị Xuân Quý hy sinh đúng vào ngày 8/3/1969, đó là ngày Hội của phụ nữ toàn thế giới, ngày 8/3. Dám xuống chiến trường ác liệt, dám đương đầu với cái chết, chị Dương Thị Xuân Quý là một nữ nhà văn anh hùng, chị là niềm vinh dự của những nhà văn Việt Nam trong chiến tranh cứu nước. Và bài thơ khóc vợ của nhà thơ Bùi Minh Quốc chính là lời tuyên thệ trước vong linh vợ mình, rằng người chồng sẽ tiếp bước vợ, chiến đấu đến cùng vì lý tưởng cứu nước:
Ôi mũi lê này hôm nay sao sáng quắc
Anh mất em như mất nửa cuộc đời
Nỗi đau anh không thể nói bằng lời
Một ngọn lửa thâm trầm âm ỉ cháy

Những viên đạn quân thù bắn em, trong lòng anh sâu xoáy
Bên những vết đạn xưa chúng giết bao người
Anh bàng hoàng như ngỡ trái tim rơi
Như bỗng tắt vầng mặt trời hạnh phúc
Nhưng em ạ, giây phút này chính lúc
Anh thấy lòng anh tỉnh táo lạ thường
Nhằm thẳng quân thù, mắt không giọt lệ vương
Anh nổ súng
Hạnh phúc là được cầm súng chiến đấu vì cuộc sống bình dị này:
Những em bé, dưới mưa bom, vẫn đi làm đi học
Những vồng khoai ruộng lúa vẫn xanh tràn
Trong một góc vườn cháy khét lửa Na-pan
Em sửng sốt gặp một nhành hoa cúc

Và em gọi đó là hạnh phúc…

Và bài thơ hạnh phúc trong đau khổ kết thúc bằng một lời thề của người chồng, một lời thề cho suốt một đời:
Anh sẽ sống đẹp những ngày em chưa kịp sống
Sẽ yêu trọn những gì em chưa kịp yêu
Em trong anh là mùa xuân náo động
Từ phút này càng rực rỡ bao nhiêu
(Bài thơ về hạnh phúc)
Đúng là nén chặt đau thương để làm người.
Thơ trong chiến tranh của Dương Hương Ly – Bùi Minh Quốc bao giờ cũng mãnh liệt, yêu hết mình và căm giận cũng hết mình. Và trên tất cả, là yêu nhân dân mình, yêu những người mẹ hy sinh cho mảnh đất quê hương, hy sinh không một lời đòi hỏi:
Mẹ đào hầm từ thuở tóc còn xanh
Nay mẹ đã phơ phơ đầu bạc
Mẹ vẫn đào hầm dưới tầm đại bác
Bao đêm rồi tiếng cuốc vọng năm canh
(Đất quê ta mênh mông)
Đọc đoạn thơ này, lại nghe vang lên bài hát phổ thơ cùng tên của nhạc sĩ Hoàng Hiệp, một ca khúc nổi tiếng không kém gì bài thơ. Cả thơ và nhạc đều đi vào bất tử. Khi những người kháng chiến cũ, những người yêu nước Việt Nam, cả những em thế hệ trẻ bây giờ, những ai biết tự hào vì mình là người Việt Nam, trong cuộc mưu sinh nhiều khi hỗn loạn hiện nay, chợt nghe lại, đọc lại bài hát và bài thơ Đất quê ta mênh mông…, có cảm giác như mình được an ủi. Sự hy sinh của những thế hệ đi trước, những căn hầm mẹ đào suốt cuộc đời mẹ mang lại cho chúng ta niềm tin rằng đất nước sẽ vượt qua những chặng ất ơ, nhân dân sẽ có cuộc sống bình yên và đỡ khổ cực hơn, và những hy sinh ngày ấy không thể, không hề là vô ích. Thơ Dương Hương Ly – Bùi Minh Quốc trong chiến tranh cho tôi niềm tin ấy, ngay tại thời điểm hôm nay.
Có một bài thơ tình của anh Bùi Minh Quốc gửi một người anh yêu tên là Mai Nhung, tôi đọc mà muốn khóc vì sự chân tình, mộc mạc đến thật thà của bài thơ ấy:
Em đã đến với đời anh mất mát, bơ vơ
những tháng năm không hy vọng, đợi chờ
và tất cả những gì còn lại chỉ là THƠ
những dòng thơ tinh quái
vừa ngỡ nắm được rồi đã tuột khỏi tay anh

Ôi Mai Nhung ngọn gió trong lành
em từ đâu đến vậy
có phải từ miền quê ấy
vùng đất rất nghèo
mà anh yêu
hơn hết thảy những nơi trù phú khác

Ôi em tôi như ruộng đồng chất phác
phảng phất mùi khoai khô dễ thương
của bữa cơm chiều đạm bạc
mà nghĩa tình đầy đặn thảo thơm
(Anh nhớ – 1972)
Trong chiến tranh vẫn có những tình yêu như vậy, tình yêu luôn gắn kết với quê nhà, với “mùi khoai khô dễ thương”, với những gì bình dị mà xanh thăm thẳm như vầng trăng trong hố bom.
Cuộc đời nhà thơ Bùi Minh Quốc lắm thăng trầm. Bạn tôi, nhà văn Thái Bá Lợi đã nói vui: “Ông Quốc không chỉ đa nguyên, ông còn đa thê nữa. Thôi cũng mừng cho ông.”
Quả vậy, anh Quốc luôn được những người anh yêu, những người phụ nữ sống với anh, yêu thương anh, nâng đỡ anh, như ngày chiến tranh anh có những “Bà mẹ đào hầm”, có cả bao tấm lòng từ những người mẹ già và sau này, cả người vợ mà thơ anh gọi là “mẹ hiền yêu dấu”.
Đó là tình yêu thương mà nhà thơ phải suốt đời mang ơn. Như anh đã từng mang ơn nhân dân mình trong chiến tranh. Xin giới thiệu với bạn đọc một bài thơ tình yêu thương anh Bùi Minh Quốc viết ở Đà Lạt, năm anh lên định cư ở xứ sở ngàn hoa này. Và anh Quốc đã gặp ở đó một bông hoa mang tên Hiền Thục, người đã nâng đỡ anh trong nhiều năm tháng không dễ dàng của đời anh:
ANH GẶP NƠI EM…
Cho Hiền

Anh gặp nơi em mẹ hiền yêu dấu
ban cho anh miền êm ái ngày thơ
Ôi mỗi khi ngả đầu trong em
và ngước lên với mắt em cúi nhìn đôn hậu
toả một trời cổ tích huyền xưa
trái tim anh ầu ơ
lời anh bập bẹ

Đời anh bập bẹ.

(Tháng 9.1988)

Tôi còn nhớ, mùa hạ năm 1987, sau khi dự một cuộc hội thảo về văn học hưởng ứng công cuộc Đổi Mới ở Nha Trang, gia đình tôi đã lên Đà Lạt thăm chơi với anh Bùi Minh Quốc, khi anh vừa nhận chức Chủ tịch Hội Văn nghệ Lâm Đồng. Ở đó, tôi đã viết được bài thơ Những cây thông kêu, từ những bức xúc vì chuyện người ta chặt phá những cây thông cổ thụ hàng trăm tuổi của Đà Lạt. Bài thơ đã được anh Bùi Minh Quốc in ngay trên tạp chí văn nghệ Lâm Đồng, và đã khiến anh chịu những cuộc kiểm điểm đầu tiên. Nhưng tôi biết và vui vì anh Quốc cũng đã tìm được một tình yêu mới đủ an ủi anh từ ngày đó:
THĂM THẲM MIỀN EM…

Thăm thẳm miền em mườn mượt cỏ đồi
anh áp mặt
tràn môi
lăn lóc
đất ứa nhựa
ấm nhuyền
từng giọt móc
mườn mượt cỏ đồi
thăm thẳm một em thôi.

(Tháng 9.1988)
Tôi cứ nhẩn nha đọc những bài thơ từ thời chiến tranh rồi lấn sang hòa bình của anh Bùi Minh Quốc, và xin nói thật, một nhà thơ như thế không bao giờ phản bội lại chính cuộc đời chiến đấu của mình, phản bội lại những người mẹ những người vợ của mình. Đừng bao giờ nghi ngờ một cách vu vơ những con người sống đầy lý tưởng như vậy.
Nếu có nghi ngờ, hãy nghi ngờ, và trên cả nghi ngờ, khinh bỉ, căm giận những kẻ đầu hàng giặc trong chiến tranh, những kẻ phản bội lại nhân dân trong hòa bình. Tôi đọc lại bài thơ ngắn Ở đây, ngày hôm qua, một bài thơ tiên báo về sự xuất hiện của những kẻ đầu hàng trong chiến tranh, những kẻ phản bội trong hòa bình:

Ở ĐÂY NGÀY HÔM QUA

Ở đây ngày hôm qua
Vừa có kẻ đầu hàng phản bội
Hắn là huyện uỷ viên
Không ai ngạc nhiên
Cuộc chiến đấu đang hồi quyết liệt
Những thử thách không chừa ai hết
Thước đo lòng trung thành
Không dài hơn cho tôi hoặc ngắn bớt cho anh.
(Rừng căn cứ Đak Nghêu, 12 tháng 9.1970)
Đúng như thế. Thước đo lòng trung thành với nhân dân với Tổ quốc không phải bằng những câu sáo ngữ, mà phải bằng máu của mình trong chiến tranh, bằng sự lương thiện ngay thẳng của mình trong hòa bình.
Tôi có nghe chuyện vì bài thơ ngắn này mà anh Bùi Minh Quốc phải bị kiểm điểm tới ba ngày ba đêm liền. Cứ làm như trong chiến tranh không có kẻ đầu hàng, và bây giờ, trong hòa bình không có kẻ phản bội (?). Bài thơ là lời cảnh báo nghiêm khắc ngay ở ngày hôm nay, cho tới cả ngày mai.
Và tôi xin tạm dừng bài viết đã hơi dài này bằng bài thơ anh Bùi Minh Quốc tặng sông Trà quê hương tôi. Bài thơ này ngay trong thời điểm khốc liệt nhất của cuộc chiến tranh (Mùa hè đỏ lửa 1972) đã được những người bạn kháng chiến đồng hương Quảng Ngãi với tôi như anh Mai Hoàng, anh Lê Văn Diêu… thuộc nằm lòng, khi anh Bùi Minh Quốc về cùng đội công tác tiền phương với các anh ấy áp sát thị xã Quảng Ngãi, và nhiều lần vượt sông Trà trong đêm.
Người Quảng Ngãi vẫn nhớ anh đấy, anh Bùi Minh Quốc ạ!
HÁT VỚI SÔNG TRÀ

Ô lạ, sông Trà! Em đấy ư?
Không gian bỗng dịu quá, dường như…
Có cặp mắt nào in đáy nước
Thấm mát hồn ta buổi giã từ.

Tôi đứng như mơ… Bờ bãi đó
Quân thù cày trụi, vẫn đâm chồi
Nghi ngút khói chiều ai đốt cỏ
Bồi hồi luống đất mở tinh khôi.

Đánh trận về, em ra bến tắm
Gội sạch hơi bom khét mái đầu
Ôi nước sông Trà kỳ diệu lắm
Tóc em chiều nay thơm rất lâu.

Dòng sông như thể một người thương
Dày dạn bao năm lửa chiến trường
Mà vẫn tấm lòng trong trẻo ấy
Cho đời ta tìm đến soi gương

Chiều nay ta hát với sông Trà
Gửi tâm tình theo sóng đi xa
Chan chứa niềm vui ngày thắng Mỹ
Sông ơi sông hãy hát giùm ta…

Xuân Phổ, Quảng Ngãi, tháng 3.1972

Nguồn: Bùi Minh Quốc, Mẹ Việt Nam, thơ, nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 2024

Comments are closed.