Nguyễn Thanh Hiện
viết tặng Sài Gòn yêu dấu
Tôi bắt đầu với nơi trú ẩn ký ức của mình bằng tiếng dương cầm từ ngôi biệt thự cổ kính
đổ ra con đường đầy cây cổ thụ,
Sài Gòn những năm 65 67 đêm có tiếng súng vọng về từ phía cửa ngõ tây bắc,
chiến tranh có làm cho Sài Gòn buồn bã,
nhưng vẫn lừng lững những phố thị sang trọng và quyến rủ
Tôi đi trên đường phố Catinat,
đường phố của sách và hoa,
vẻ đẹp của tri thức toát ra từ những cuốn sách và từ những cách sắp đặt màu sắc, hoa là sắp đặt màu sắc,
đường phố chìm xuống những hiểu biết và mơ ước,
chìm xuống những dấu tích, quá khứ, những gã khổng lồ bước đi trên những nền văn hóa,
Sài Gòn lặng lẽ đón tôi đến từ miền quê với những hoài bão,
cháy bỏng những đêm ngày thức với phía trước,
ký ức, những khoảng lặng.
Những năm 65 67
tứ xứ đổ về Sài Gòn, gương mặt sông nước, sáng lên những giọng nói, miền của đa phức.
Tôi đi trên đường phố Pasteur hun hút sự tích,
buổi trưa, tiếng dương cầm từ những ngôi biệt thự cổ kính đổ ra con đường rợp bóng cổ thụ, tiếng dương cầm
va vào nghĩ ngợi,
tôi nghĩ ngợi về tôi, về những rào kẽm gai vây quanh sân bay Tân Sơn Nhất, về giảng đường đại học,
đôi vai Sài Gòn,
những năm 65 67 tôi đứng trên đôi vai Sài Gòn nghe tiếng gà Óc Eo, thăm thẳm, chín lối ra biển, phù sa, gió chướng giữa u minh, sấu cạp bần, đước, chìm trong đất câu hò, cổ kính hơi thở những phiến đất nung,
những người đi mở đất cũng chẳng thể tưởng tượng nồi về sau
lại có Sài Gòn với những phố thị sang trọng và quyến rủ.
Những năm 65 67 tôi đứng trên đôi vai Sài Gòn thấy nhiều,
những nhiều hơn khi chưa có đôi vai Sài Gòn,
ở Milet, những nhà hiền triết đang sửa lại những fragment, nói ít lại,
các nhà dân chủ Athene thấy hụt hẩng về những chuyện cũ,
những trầm tích đã nói được, về cấu trúc trí tuệ và tình cảm
các loài, người ta bắt đầu đánh cắp ngôn ngữ của đá, thề kỷ của
học nhân chùng,
học phâm tâm,
học cổ vật,
có nơi người ta đã đem thơ đổi gạo, chim bồ câu đưa thư ở quê tôi đang thức trắng,
đêm,
nghe như thể tiếng sông nước đang xua tan tiếng súng thường nghe vọng về từ phía cửa ngõ tây bắc,
ký ức,
những khoảng lặng,
còn nguyên.
Giã 18PM 17.12.2016
dấu vết sông nước cũ
không còn thấy bần, đước, chỉ để lại những ấn tượng, từ gương mặt mới của đất, từ nghĩ ngợi, thư tịch, lời trong dân gian, và nghĩ ngợi, chữ không chở nổi những ấn tượng, lênh láng chiều lục bình trôi con rô con diếc tiếng động hờ trên con nước cũ, Cái Sắn, Cái Răng, hằng ngày tôi ra vào con kênh Thị Nghè, con kênh chảy qua Sài Gòn, không tra cứu thư tịch, tôi cứ để tôi bị quyến rủ bỡi những ý nghĩ về một người, gương mặt thoảng trong nắng sớm Sài Gòn, nhịp điệu của những ý tưởng, lung linh, người đi, làm lại hình thù của đất, tiếng chèo khua giữa hoang hóa, thảng thốt tiếng chim, hằng ngày tôi ra vào con kênh Thị Nghè, con nước cũ chảy qua Sài Gòn, tôi thấy người ấy trong những lưu dân đi mở đất những ngày ngọn khói lam chiều còn giữ lại nơi rừng bần rừng đước, phương nam những dặm dài bùn lầy và lũ, tôi thấy người ấy những ngày mặt trời bị đè xuống con lũ, nước, vẻ đẹp thiếu nữ, thơ không chở nổi ấn tượng, cứ để đọng lại một nét vẻ, vĩnh hằng, hằng ngày tôi nhìn thấy con kênh Thị Nghè, con kênh của nỗi ám ảnh, tôi bị ám ảnh bỡi gương mặt một người, có vẻ minh xác trong nghĩ ngợi, việc trở về thuở trước như tình yêu đa phức, có cả niềm trân trọng lẫn sự rung động, sâu lắng, dữ dội, như lứa đôi hiện hữu, tôi nhìn thấy gương mặt người ấy cả khi soi bóng trên con nước cũ, hằng ngày tôi đi trên đường phố Sài Gòn, con rô con diếc quẫy dưới chân .
giã 16PM 21.12.2016
những ngọn gió thổi dọc sông Sài Gòn
những ngọn gió thổi dọc sông Sài Gòn đến từ biển phía tây, bao nhiêu năm tôi quên những ngọn gió đã thổi qua cuộc đời tôi.
những ngọn gió thổi qua cuộc đời một người cũng giống như những ngọn cỏ trong cuộc nô đùa của tuổi thơ, những sự kiện như những kỳ tích, không phải dể quên.
tôi đi dọc bờ sông Sài Gòn, gió thổi ngược tóc, chỉ còn nhớ, một ít, dường bấy giờ tôi nhìn thấy chiếc cầu bắc qua sông Sài Gòn, một chiếc cầu trên sông, người ta đang sang sông, những người gánh trái cây, gánh phù sa ở phía bên kia sông sang Sài Gòn.
gió ở biển phía tây thổi về sông sài Gòn mang theo vị mặn của biển, ở chợ Cầu Muối, chợ đầu mối trái cây, ở bên này sông Sài Gòn, tôi nghe mùi biển mặn, bao nhiêu năm những ngọn gió mang mùi phù sa và mùi biển mặn thổi dọc sông Sài Gòn lẫn vào đâu đó, không phải tôi muốn lãng quên, những vết khắc vào năm tháng của tôi ai đó muốn xóa đi, sự khắc nghiệt, những cung bậc cuộc sống, có thể khi chiều xuống tôi không còn nhìn thấy những ngọn khói đốt đồng, có thể đêm tôi phải trốn biệt vào các hang hốc để lẫn trốn những cuộc săn tàn nhẫn, những sự kiện đời sống như những lớp trầm tích lặng lẽ chồng chất lên nhau, ký ức chùng xuống, lãng quên như những biến động trần gian không thể ngăn nổi, cho đến hôm tôi bỗng thấy nhớ ánh mắt người con gái phương nam.
tôi theo chân các cô gái bán trái cây vào chợ Cầu Muối, chợ đầu mối trái cây ở phía bên này sông Sài Gòn, tôi muốn vào chợ Cầu Muối để nghe giọng nói các cô gái bán trái cây, những giọng nói nghe rất thật như đất cũ Đồng Nai, Sài Gòn hay Đông Phố, hay đất cũ Đồng Nai, những ngọn gió thổi từ biển phía tây, thổi từ vịnh Hà Tiên, qua miền phù sa Tầm Phong Long, nhập vào cây trái, nhập vào lịch sử các con kênh và lịch sử các hòn cù lao, nhập vào xương cốt lũ cua cá trên ruộng, nhập vào giọng nói các cô gái bán trái cây ở chợ Cầu Muối, bao nhiêu năm những ánh mắt các cô gái bán trái cây ở chợ Cầu Muốn lẫn vào đâu đó trong ký ức tôi, cho đến hôm tôi bỗng nhớ hôm vào chợ Cầu Muối, tôi gặp em, người con gái của đất cũ Đông Phố, em đứng giữa phù sa, những ngọn gió phương nam vẫn còn dày vò tôi.
giã 18PM 23.12.2016
những cú nhảy khỏi Sài Gòn
bao giờ sau giờ tan học tôi với năm ba thằng bạn cũng nán lại ở hành lang trường học, năm ba câu chuyện gẫu, những gì nghe được ở giảng đường đại học như những cú nhảy, vào giấc mơ của Trang Tử, vào cuộc phá phách chữ nghĩa của Niechz, vào cảnh thanh bần của phe Khắc Kỷ, hay vào những canh bạc đươc đặt cược bằng cả một đời người, những cú nhảy khỏi Sài Gòn một nghìn lẻ một cách nghĩ về thế giới, bao giờ sau giờ tan học tôi cũng lang thang ở mấy con đường cây cổ thụ hai bên đường che hết ánh mặt trời, có thể tra cứu thư tịch để biết kẻ thiết kế con đường, nhưng không có thư tịch nào nói về những kẻ trồng cây ở những đường phố Sài Gòn, ai ươm ươn những sao, chò, trắc, những giống cây rừng cao to, và đem chúng trồng ở các đường phố Sài Gòn, là điều bí ẩn, cũng như có bao nhiêu cuộc hò hẹn bao nhiêu cuộc chia ly bao nhiêu cái chết dưới các bóng cây cổ thụ ở các đường phố Sài Gòn, cũng là điều bí ẩn, với những thế hệ sau này việc tôi lang thang dưới các bóng cây cổ thụ nơi đường phố Sài Gòn để nghĩ ngợi đủ thứ chuyện cũng là điều bí ẩn, ở Sài Gòn có bao nhiêu điều bí ẩn như thế, bao giờ sau giờ tan học tôi cũng tạt vào một hiên hè cơm bụi nào đó để dùng bữa, ở Sài Gòn có những nhà hàng bán cơm tây cơm tàu, có những vĩa hè bán cơm đĩa cơm chang, tôi có thể tạt vào một hiên hè nào đó ăn một đĩa cơm đĩa, tức cơm có thức ăn đường hoàng, nếu túi tiền còn kha khá, hoặc ăn một bát cơm chang, tức chỉ có cơm chang nước đồ ăn, nếu túi tiền đã lưng, tiền chu cấp cho tôi ăn học đại học ở Sài Gòn là tiền cha mẹ tôi bán lúa với bán heo gà ở quê, ở sài Gòn, việc ăn uống của tôi là hoàn toàn dân chủ, dù báo chí Sài Gòn đôi khi tỏ ra tức giận vì sao ở Sài Gòn có kẻ ăn cơm tây cơm tàu lại có kẻ ăn cơm đĩa cơm chang, nhưng đấy là những cú nhảy khỏi Sài Gòn chật cứng những nghĩ ngợi về thế giới.
Giã 18 PM 28.12.2016
Prei Nokor, âm vang
Prei Nokor hào hoa
từ đó làm nên cuộc hoành tráng thế kỷ
tôi mường tượng Prei Nokor trên bờ sông Krabei
sông Krabei hay sông Bến Nghé hay sông Sài Gòn
một thời chảy đi vạt nắng vạt mưa chảy đi mênh mông vô định, những nghĩ ngợi buổi sơ khai đôi khi thảng thốt như tiếng gọi rừng của con chim lạc bầy, hơn ba thế kỷ những chữ những từ nằm im trong các thư tịch, Prei Nokor vẫn nằm im trong thư tịch, từ trạm thu thuế miền sông nước phương nam Prei Nokor bỗng làm nên cuộc hoành tráng thế kỷ, thảng thốt Sài Gòn.
Những gì trong thư tịch thật khó nhìn thấy nơi đây, những đường phố hằng ngày vẫn ngang qua đất cũ Prei Nokor, ngang qua những làng mạc chỉ còn những tên gọi lãng đãng, Bến Nghé hay Bến Thành hay Bàu Cát hay Đầm Sen vẫn cứ lẫn mất vào cuộc hoành tráng Sài Gòn, những đường phố Sài Gòn tự lúc nào đã mang trong mình những hiệu buôn vải vóc, những hiệu buôn vàng bạc, những hiệu cơm, hiệu phở, ở ngả tư Phú Nhuận những năm 65 67 tôi có thể tạt vào bất cứ quán bún phở nào ở bên đường để ăn tô hủ tiếu Mỹ Tho hay hủ tiếu Nam Vang, trong khi ngồi ăn đặc sản của các miền đất khác tôi không hề hay biết mình đang ngồi giữa kinh đô một thời của chúa Nguyễn Phúc Ánh lúc chưa là vua, thảng thốt Sài Gòn.
Dường tất cả ở đây, Sài Gòn, đều phải bắt đầu từ Prei Nokor, buổi sơ khai Prei Nokor thuộc Phù Nam thuộc Chân Lạp, biên cương các xứ sở buổi sơ khai theo các nhà chép sử cũng mơ hồ như sương khói chiều hôm, chỉ có điều rất thật, vạt đất hình chữ V bắt đầu từ miền đất đỏ Đồng Nai bao bọc bỡi các biển phương nam vốn là đất của lũ sấu dưới sông và của lũ chim ngủ rừng tràm rừng bần, hằng ngày tôi vẫn bước đi trên vạt đất một thời ngủ yên đưới vòm trời phương nam, bỗng những bàn chân lưu dân làm thức dậy một Prei Nokor.
Một điều nữa, cũng rất thật, dẫu người ta có chia lại quận huyện, xóa đi thành quách cổ xưa, xóa đi những tên gọi, mỗi khi trở lại Sài Gòn, trở lại miền đất cũ Prei Nokor, là tôi lại đứng giữa mênh mông, tiếng gà Óc Eo vẫn còn làm mới một vùng sông nước.
Giã 10AM 1.1.2017
một thời tôi mang phương nam trên vai
đứng nơi gác trọ Sài Gòn trông về cố xứ
mây giăng mắc đường chim bay
một thời phương nam hành trang cuộc lang bạt của tôi
một thời tôi mang phương nam trên vai và cũng chẳng biết cuối cùng có nhìn thấy được khoảnh trời tôi mơ ước
làng quê tiễn tôi, cánh cò chao trên ruộng lúa, bờ tre vẫy tôi, con đường bũn bịn rịn tôi, bầu trời trên đầu tôi gọi tôi, mẹ tôi đứng che mắt nhìn theo tôi
đằng đẵng những ngày tháng
chữ nghĩa ở đại học làm tôi thấy nhớ chén cơm ở quê
đêm nằm nơi gác trọ thấy nhớ con chim bịp ở quê
thảng thốt một tiếng gọi khuya
ở Sài Gòn có con đường mỗi lần ngang qua tôi lại thấy nhớ con chim bịp
đường không phố ngang qua những nhà vườn hun hút lặng lẽ
thảng hoặc nhìn thấy bóng dáng người đi giữa những vườn cây trái um tùm
hoặc nghe thấy tiếng động một thứ vật thể nào đó
tiếng kéo cánh cửa sổ, hay tiếng va chạm những chiếc cốc pha lê
thảng thốt một Sài Gòn lặng lẽ và quí tộc
những lúc như thế tôi lại nhìn thấy hình ảnh mẹ tôi đứng che mắt dõi theo tôi
giã 16 PM 02.01.2017
những mảnh Sài Gòn cứ làm dấy lên trong trí nhớ tôi
tặng Dân Văn
những ngày tôi ở xa Sài Gòn, hóa ra, những dấu vết Sài Gòn vẫn còn thật nhiều, những ngõ ngách trí nhớ vẫn còn giữ được tiếng rao đêm của người chị bán khoai sắn, ở đâu đó, quanh Sài Gòn, miệt vườn, những người trồng khoai không thể mường tượng khi vào tới Sài Gòn khoai sắn lại mang vóc dáng khác, vóc dáng cuộc tồn sinh, chiếc nồi nấu khoai bắc trên lò than hồng, ngọn đèn cháy bằng ắc qui, tất cả là thuộc về chuyến xe đêm trên phố Sài Gòn, chuyến xe mang vóc dáng Sài Gòn đêm, vóc dáng sử thi, người chị bán khoai sắn đạp xe giữa Sài Gòn đêm, giọng rao Sài Gòn như vừa bước ra từ các thư tịch, khoai sắn đánh động cuộc sống Sài Gòn, như khởi lên một cuộc tình, những ngõ ngách trí nhớ vẫn còn giữ được tiếng vỗ cánh của con chim thuộc loài chim phương nam tôi chưa hề biết tên, con chim cất cánh bay lên từ miền đất ngoại ô phía tây Sài Gòn, tôi muốn đi tìm một chút dấu vết cũ Sài Gòn nơi miền đất ngoại ô phía tây, nghe tiếng chân tôi con chim giật mình bay lên, tôi cứ lặng lẽ đứng nhìn theo con chim, nhìn theo khoảng trống trải dài về phía tây như sự hoang tưởng của cuộc sống, hóa ra, những ngày tôi ở xa Sài Gòn một chiếc lá rụng trên đường phố Sài Gòn vẫn còn nhìn thấy được nơi trí nhớ tôi, có thể, ai đó không nhịn được cười khi tôi ngẩn ngơ trước cô gái bán trái cây ở chợ Cầu Muối, ở quê tôi một chục mười cái, nhưng ở chợ Cầu Muối một chục mười một cái, tôi cứ ngẩn ngơ khi cô gái bán trái cây ở chợ Cầu Muối giao cho tôi một chục mười một quả mảng cầu, một chục mốt ở Sài Gòn giống như chuyện cổ tích, có thể, trong lúc tôi mua trái cây ở chợ Cầu Muối, những người đi chợ Bà Chiểu đang bỏ những đồng xu vô thùng phước sương ở lăng Ông Lê Văn Duyệt, và các bác đạp xích lô có thể đang chụm nhau trước nhà thờ Đức Bà đọc nhật trình, chiến tranh có vẻ lan dần tới Sài Gòn, giá gạo giá rau đang tăng, những xóm nhà nghèo gần cầu Ông Lãnh, áo ai phơi hiên gác gỗ gió sông Sài Gòn đang thổi lại, Sài Gòn mưa bay, Sài Gòn gió chướng, ở Sài Gòn có những con đường không phố không nhà có vẻ yên ả dưới những tàng cổ thụ trồng hai bên đường, từ náo nhiệt có thể dễ dàng bước sang lặng lẽ, những cung bậc tồn sinh, một chút nắng rọi qua con hẻm đang len giữa cuộc vội vã, niềm vui không thể tính theo bậc thềm hay độ cao ngôi nhà, sự giận dữ của lòng kiêm ái trước cách chia chác chỗ ở nơi mặt đất, các tư tưởng vẫn diễn giải theo chiều hướng công lý, những cơn bão lịch sử vẫn cứ thồi qua Sài Gòn, ngả ba Ông Tạ hay ngả tư Chú Ía hay ngả năm Chuồng Chó, những mảnh Sài Gòn cứ làm dấy lên trong trí nhớ tôi, nghĩ ngợi.
giã 10AM 05.01.2017
tôi bỗng nhìn thấy ngọn hải lưu
gửi Ngàn.
lần này tôi trở lại Sài Gòn, một chút buồn vui, một chút băn khoăn, những con đường, những ngôi nhà cổ kính, những hàng cổ thụ, những ngả tư, ngả năm, tôi bước đi cùng Sài Gòn trong trí nhớ của tôi, dường đang lẩn vào sự quen thuộc những yếu tố như những sắc màu dị dạng bỗng khỏa vào dòng chảy nguyên sơ, tôi đang đứng nơi đây, Sài Gòn vẫn còn trong trí nhớ tôi, trần thế, những nẻo đường giao nhau trên vạt bình yên, lặng lẽ bên dưới bầu trời hòa quyện giữa trắc trở và nuôi dưỡng, nắng, gió, những thách thức, những trăm năm có kẻ chết đi cho cuộc vận hành vẫn trôi giữa bão táp lịch sử, ở bên này hay bên kia con đường, những tọa độ, điểm nhìn, mấy trăm năm có cùng con mắt dõi về phía phù sa, mấy trăm năm cuộc hoành tráng Sài Gòn như đang đứng đó với những nghĩ ngợi, có thể em cũng đang nghĩ về Sài Gòn, tôi mường tượng, ở đó, em và những bông tuyết trắng trên sân, gió bắc cực đang thổi nhiều, người quét tuyết với khăn san và niềm cô độc, những chuyến đi trong đời một người tựa vết cắt vào da thịt thời gian, để đó, rồi quên, rồi lại nhớ, tôi nhớ buổi chiều băng qua đại lộ Sài Gòn, gió sông Sài Gòn vẹt áo em, một chút nắng cuối ngày còn đậu nơi mái vòm ngôi biệt thự cổ kính, tôi và em trở lại Sài Gòn như một thể nghiệm về lòng trắc ẩn của năm tháng, có phải Sài Gòn đã không nhận ra tôi và em khi nhìn thấy những tấm thông hành với những ngôn ngữ diễn đạt vừa tân kỳ vừa rối rắm, tôi một mình trở lại Sài Gòn, một chút buồn vui, một chút băn khoăn, người giúp tôi sang bên kia đại lộ chật cứng xe cộ bỗng nhìn tôi với ánh mắt lo lắng làm như thể là tôi thuộc về những kẻ đang mang lại bất an, tôi bỗng nhìn thấy cuồn cuộn chảy một dòng hải lưu trên cạn, cuồn cuộn một cuộc phù vân, tôi nhìn thấy ngọn nước cuộn về phương nam những kẻ đi chân đất áo vải nón lá, lớp lưu dân tiền nhân, đi khẩn đất, nghìn thư tịch không nói hết, một Prei Nokor, hình dáng Sài Gòn, hiện ra nơi mặt đất, người đi cứ nhớ cố hương, để cho Prei Nokor thành cuộc hoành tráng, ngọn nước lại cuộn về phương nam ông vua, hay kẻ thất thế, cát cứ, và trận mạc, Sài Gòn bỗng như câu chuyện cổ tích, có những năm tháng ngọn nước lại cuộn về phương nam những yếu tố lảng đảng, đến từ khắp chốn, người đến mang theo những phác vẽ phố thị, người đi mang đi bao sản vật của một miền đất nước, Sài Gòn bỗng trở thành viên ngọc quí, có những năm tháng ngọn hải lưu như ngọn sóng lớn cuộn chảy về phương bắc, cuộn chảy về phương nam, cuộn chảy về phía mặt trời mọc, về phía mặt trời lặn, trôi giạt, lại vào Sài Gòn, lại ra Sài Gòn, Sài Gòn bỗng mang trên mình niềm u hoài lận đận, có thể em cũng đang nghĩ về Sài Gòn, tôi mường tượng, ở đó, em đang tìm kiếm trên tấm bản đồ mặt đất, một nét thân quen, không có em, một mình tôi trở lại Sài Gòn với chút nghĩ ngợi, tôi nhìn thấy ngọn hải lưu đang cuộn về phương nam, người ta đang đổ về Sài Gòn, tôi một mình cỡi gió sông Sài Gòn để nhìn lại một chốn thân quen.
Giã 1999-2017