Requiem (Cầu Hồn)

Anna Akhmatova

Thường Quán giới thiệu & chuyển ngữ

Anna_Akhmatova._1922Anna Akhmatova (1889-1966) là bút danh của Anna Andreyevna Gorenko. Chào đời tại Odessa, Akhmatova được biết tới trong không khí của một thôn trang có tên Tsarskoye Selo nằm gần Petersburg và sau đó trong không khí thơ ca của thủ phủ đô hội này. Bà lập gia đình cùng nhà thơ Nikolai Gumilyov, người sáng lập trường phái thơ Acme (Cao Đỉểm) – một cuộc hôn nhân ngắn, đầy bão táp; và là bạn thân thiết nhất với Osip Mandelstam, một nhà thơ Acme khác mà sau này cùng chia sẻ hoạn nạn, đã chết trong nhà tù. Đây là ba tên tuổi sáng giá nhất của trường phái Acme, dẫu rằng đối với nhiều người thì chính những tác phẩm của Anna Akhmatova mới mang trọn vẹn tinh thần của thi phái, thủy chung từ đầu tới cuối – một nghịch lý khi xét tới sự nhấn mạnh cao độ về chất cứng cáp nam tính trong tuyên ngôn thơ ban đầu của nhóm.

Chủ đề lớn nhất trong giai đoạn đầu thi nghiệp của Akhmatova là tình yêu từ quan điểm người nữ, mà theo bà là một tình yêu không diễm lệ, không sướt mướt, tuyệt đối không bị lừa gạt bởi tình cảm bi lụy. Qua những bài thơ vần cô đúc, mang tính truyện cao, Akhmatova nói nhiều tới không-tình-yêu hơn là tình yêu, thứ tình giả như, thứ tình có lẽ đã; những cuộc không-gặp-gỡ của tình nhân hơn là những gặp gỡ (tiếp đầu ngữ “không” xuất hiện khá thường trong thơ bà).

Dẫu rằng năm tập thơ xuất bản trong giai đoạn mười năm từ 1912 đến 1922 đã đĩnh đạc đưa Anna Akhmatova vào trang đầu của thơ Nga hồi đầu thế kỷ thì chính vụ xử tử chồng bà, nhà thơ Nikolai Gumilyov, vào năm 1921 (về tội danh bị cho là mưu toan phản cách mạng) đủ để cấm chỉ mọi xuất bản trong 20 năm sau đó. Trong suốt thời gian này Akhmatova vẫn tiếp tục viết và được giới phê bình ngưỡng mộ tiếp tục nhắc tới – nhưng bà không được phép in thêm một tập thơ nào.

Một sắc thái mạnh nhất trong thơ Akhmatova là tình yêu của bà và sự đồng nhất bản thể, một sự đồng nhất hầu như bí nhiệm, với nước Nga. Dù bà thông hiểu những người rời nước Nga vào giai đoạn kìm kẹp và khủng bố thời Stalin bỏ ra ngoài để được tự do sống và viết thì bà lên án sự bỏ rơi của họ đối với những đồng bào của mình trong cơn hoạn nạn; di cư rời bỏ nước Nga là chuyện không thể có đối với bà, cho cá nhân bà. Cuộc xâm lăng nước Nga của Hitler trong thế chiến thứ hai đã thúc đẩy dòng thơ ái quốc sâu đậm mạnh mẽ ở Akhmatova, một dòng thơ yêu nước khó tìm thấy dù là ở ngôn ngữ nào. Nó chứa đựng tính bi phẫn dữ dội của Milton và “tính cứng cáp, nam tính” mà những nhà thơ Acme khác cũng không sánh được. Tâm niệm mình là công dân thế giới, bà lên tiếng bằng thơ khi London của Shakespeare bị phóng pháo cơ Đức tập kích. Những bài thơ thời chiến của bà được người dân Nga nhớ thuộc lòng, nó khiến cho giới thẩm quyền văn nghệ Liên Xô phải nới giãn, và trong một giai đoạn ngắn bà được in bài vở trở lại. Tuy nhiên, đến năm 1946, khi chiến tranh kết thúc, cuộc tương thân bầu bạn giai đoạn giữa Liên Xô và Tây Phương cũng đóng lại, thì Akhmatova là một cái tên bị đưa ra đầu bảng chịu sự tố cáo (chung với Zoshchenko và Osip Mandelstam – dù đã mất). Qua miệng lưỡi đao thủ của một quan văn dưới trướng Stalin lúc ấy bà bị gọi là một “kết hợp của nữ tu và gái đĩ”.

Akhmatova sống được với công việc dịch thuật, nghiên cứu – vốn liếng của một tư chất thông minh, độc lập. Bà là người khảo cứu Pushkin thấu đáo nhất; bà hiểu đời sống và văn nghiệp của Pushkin như bà là bạn thân thiết đồng thời của nhà thơ cũng từng sống ở thôn trang Tsarkoye Selo này vậy. Phong thái cao nhã của Anna Akhmatova gắn liền với thực chất là bà được sự ngưỡng mộ, không chỉ từ bạn đọc Nga, bạn văn, giới phê bình, mà còn cả ở những quan văn Xô Viết có nhiệm vụ trấn áp bà.

Hai tuyển tập thơ của Akhmatova được xuất bản trở lại vào năm 1958 và 1961, nhưng hai danh tác ở thể loại thơ dài – là Requiem (Cầu Hồn), về giai đoạn chồng mất, con trai bị lao tù, đáy cùng của cuộc Khủng Bố Kinh Hoàng; và Poem Without a Hero (Bài Thơ Không Một Anh Hùng), một quán niệm ký mật về người và vụ việc, đã tới trong đời – thì chỉ có thể xuất bản sau khi Liên Xô sụp đổ. Giữa thập niên 1960 Akhmatova được phép xuất ngoại hai lần: tới Ý để nhận một giải văn học quốc tế, và tới Oxford để nhận một học vị danh dự.

[Tiểu sử từ Tuyển tập Văn chương Nga Thế kỷ Hai Mươi Thu Gọn (The Portable Twentieth – Century Russian Reader), NXB Penguin, 1985, Clarence Brown biên tập.]


Requiem (Cầu Hồn)

Không, không nấp dưới một vòm trời xứ lạ,
Không nấp dưới những cánh che của ngoại nhân
Tôi sống cùng đồng bào tôi trong những giờ khắc đó
Ở nơi mà khổ đau trầm thống đồng bào tôi sống

Trong những năm hãi hùng của trận khủng bố Yezhov tôi đã trải qua mười bảy tháng trời mỗi ngày một xếp hàng chờ trước cửa lao xá thành phố Lengingrad. Một ngày kia trong hàng người ấy một người “nhận diện” ra tôi. Đó là một thiếu phụ đứng xếp hàng kề bên, có đôi môi tím tái. Người thiếu phụ hẳn nhiên chưa bao giờ biết tôi, nhưng bất ngờ chị bước ra khỏi cơn hôn mê – cơn hôn mê rất đỗi thông thường đối với tất cả chúng tôi thời bấy giờ, chị nói thầm vào tai tôi (mọi người ở đó phải nói bằng những tiếng thì thào rất nhỏ): “Bà có thể nào mô tả quang cảnh này không ?” Tôi trả lời: “Thưa được”. Và rồi một thoáng gì như chiếc bóng của một nụ cười lướt nhanh trên mặt phẳng mà một thời từng là khuôn mặt của chị.

1 tháng tư 1957
Leningrad

Trân Tặng

Trước nỗi bi phẫn này núi cúi đầu,
Sông dài ngưng chảy.
Những người tù mòn mỏi chết dài đêm thâu.
Những then khóa đóng băng lùng lạnh.
Còn một ai đó có thể còn phân biệt được ngày với đêm
Gió trời còn thổi cho người đó.
Nhưng chúng ta không biết tới, chúng ta không thoát khỏi nỗi ám ảnh
Chúng ta chỉ nghe tiếng nện giày đinh, trầy trụa
Những chìa khoá cào rách da thịt.
Choàng dậy cho kịp hồi lễ sớm đầu ngày,
Đi qua thủ đô của bầy thú dữ làm chúng ta khiếp hãi.
Gặp gỡ, cạn kiệt hơi thở hơn kẻ chết, cảng Neva mù sương, mặt trời xuống thấp.
Đằng trước hy vọng ca hát cứ mãi hoài lẩn tránh.
Án lệnh đập xuống! Và giờ là lúc sau cùng lệ đổ trào tuôn
Nàng vẫn nghĩ chỉ những năm tháng vừa trôi qua là cô đơn
Nàng đã gieo mình xuống như một khối đá.
Trái tim ngưng đường máu.
Nhưng rồi vặn trở, lê lết, nàng còn có thể bước đi.
Những bè bạn của hai năm dài đó tôi đứng
Trong địa ngục – ôi những bạn tình cờ gặp, đã mất
Ngoài vòng tròn trăng, tôi khóc
Vào những cơn bão tuyết của vạn niên băng giá:
Giã từ. Giã từ.

Mở

Ở những năm tháng ấy chỉ có người chết là mỉm cười,
Hài lòng được an nghỉ.
Thành phố Leningrad vặn trở như khúc ruột thừa vô dụng
Cuối những dãy nhà tù.
Những sân ga bây giờ thành nơi gối đầu của đám người mất trí.
Cộc ngắn, những bài ca giã từ của những đầu máy xe lửa.
Những ngôi sao của thần chết đứng im
Trên đầu chúng ta.
Và nước Nga ngây thơ vô tội
Dưới những gót giày đinh vấy máu
Dưới những vòng bánh xe an ninh.

1.
Họ kéo con đi vào rạng ngày
Nửa choàng thức, như đang trong đêm canh thức, ta bước theo
Trong buồng tối trẻ con bị đánh dậy, khóc
Trong hòm kiếng nến tàn khơi rãnh.
Ở đôi môi con, băng giá một dấu thánh
Một giọt mồ hôi lạnh chết ở chân mày
Mẹ sẽ đi lê lết tới chân tường tru gào của chúng ta
Mẹ sẽ đi tới những tháp Điện Cẩm Linh của họ

2.
Vẫn êm đềm chảy sông Đông hiền hoà
Ánh trăng vàng nâng dậy thềm đá lát ngỏ,

Nâng dậy những mặt đá và thôi ngạc nhiên
Khi nhận ra khối bóng đổ

Của một thiếu phụ nằm đau
Của một thiếu phụ ngã dài cô độc

Đứa con trai trong cũi sắt, người chồng dưới lòng đất.
Nguyện cầu. Nguyện cầu.

3.
Không, không phải là ta đâu, một ai đó khác.
Làm sao ta có thể khứng nỗi những điều đó.
Và tai ương gì mà đã ập tới,
Hãy để họ quấn phủ mang đi với những lớp vải đen
Rồi mang đi những ngọn đèn bão… Đêm.

4.
Ai đó nên nói cho con biết, ôi con –
Kẻ ham thích bông đùa chòng ghẹo nhỏ bé,
tên tuổi trẻ hiền lành làm mềm lòng ta,
kẻ mang tội hào phóng chân chất, can đảm,
có đôi mắt cười nói – họ nên báo cho con biết
rồi con sẽ tới đâu:
Người thứ ba trăm trong hàng tù nhân dài,
Con phải đứng ra sao trước cửa nhà lao,
Với nước mắt nóng bỏng
Đốt qua đêm đầu năm.
Bao nhiêu mạng người đang chấm dứt ở đó!
Nhưng, nhưng tất cả đều im lặng, câm điếc,
Ngay cả lũ bạch dương khám đường
Khi trở mình theo gió
Cũng trú trớ lưỡi
Trong miệng câm.

5.
Suốt mười bảy tháng trời ta gọi con trở về
Ta cầu khẩn
– Ôi con ta, nỗi khiếp đảm ta!
Ta lăn lộn
Dưới chân tên đao phủ
Tất cả đều lẫn lộn tới tận cùng sâu thẳm, tới mức ta không còn có thể nhận ra
Ai là người
Ai là thú.
Ngay cả thời gian chờ đợi giờ hành quyết
Ta cũng không còn biết.
Chỉ còn thuần những hoa bụi cát,
Những lò hương reo, những đường hằn vết bánh xe
Từ một đồng trại xa dẫn tới một sa mạc tuyết
Không ai biết.
Và khắp nơi con mắt tỏ mừng
Của một ngôi sao khổng lồ
Còn vặn xiết.

6.
Những tuần lễ bay đi hụt hẫng,
Những gì đã xẩy ra ta không thể nào khứng nổi .
Như con yêu ơi những đêm trắng đầu tiên
Nhìn con trong lao xá
Với bọn họ lại nhìn xuống, như thế
Bằng cặp mắt xếch diều hâu ấm máu
Và ta nghe họ nói
Về chuyến đi của con
Về sự chết.

7.
Bản án

Rồi thì án-lệnh-đá đó đã giáng xuống
Trên ngực ta còn đập thở, còn hơi ấm.
Không sao đâu, ta chuẩn bị cả rồi,
Ta sẽ tùy thuận cả, bằng mọi cách.

Cảm ơn Trời, ta có quá nhiều điều để làm hôm nay
Ta cần giết, và lại giết
Trí nhớ ta.
Ta cần biến tim ta thành đá,
Và tập tành những sở trường lâu rồi sét rỉ, hư dụng,

Thí dụ như Sống …
Rồi thì như bao giờ mùa Hè,
Mùa Hè gọi kêu áo khăn Hắc Hải
Vâng, lâu lắm rồi ta đã biết ngày này:
Một ngày loé sáng, và căn nhà này bỏ trống.

8.
Gởi Thần Chết

Thế nào rồi mi cũng tới, sao không tới ngay đi?
Cuộc sống cùng quẫn quá rồi: ta đang chờ mi tới.
Ta đã tắt đèn, mở toang cửa ngõ chờ mi,
Đơn giản ghê chưa
Tới dưới mô dạng nào tùy mi cả.
Sao không bổ ào tới như một viên đạn tẩm độc,
Hay lén lút bò vào như kẻ cướp với găng tay thép,
Hay như trùng khuẩn sốt rét truyền nhiễm,
Hay như chuyện hoang đường chính mi bịa đặt ra
Bị bọn chúng cướp lấy và lập đi lập lại một cách hãi hùng,
Ở nơi mà ta có thể thấy, sau lưng mi, ngay ngưỡng cửa,
Chiếc nón công an và gã gác cửa mặt tái?
Ta bất cần cách nào mi tới .
Sông Yenisei đang cuồng xoáy,
Sao bắc đẩu lung linh.
Và những cặp mắt ta yêu đang phóng lớn tới gần
Trong giờ kinh hoảng cuối.

9.
Lưỡi hái cuồng điên đã quét sạch rồi
Qua tâm hồn ta những nhát chém;
Ta uống giọt rượu bỏng cháy của nó
Và chìm xuống thung lũng của người mù.
Ta thua rồi, lưỡi hái cuồng điên của mi đã thắng:
Không còn thời gian, không còn chỗ đứng
Trừ lời cầu xin cuối
Cho lắng yên thôi cơn kinh sốt – dẫu lạ lùng.
Rõ ràng rồi ta phải ra đi
Hai tay trắng, không một phần nhỏ gia tài nào cả.
Ôi gia tài ta: khuôn mặt đá, hai trũng sâu hố mắt
Của con qua những trận gia hình
Những vòng ngăn khép kín của kẻ chết
Trong giờ thăm tù;
Ôi gia tài ta: đôi tay rượi mát thân yêu của con,
Và những lời dỗ dành ta lúc con từ biệt
Như bóng hàng chanh bên đường trói vặn,
Mờ dần vào cõi âm thanh mất hút.

10.
Đóng Đinh

Thiên sứ trổi nhạc cho giờ linh tuyệt
Cõi trời tan rã thành lửa hồng
Vọng về Cha: “Sao Cha bỏ con trơ trọi…!”
Nhưng với Mẹ: Xin đừng khóc cho con…”

Magdalina đấm ngực ròng rã
Những tông đồ thiết thân như hóa đá đứng quanh.
Nhưng còn Mẹ, chỗ nào Mẹ đứng trong yên lặng,
Có ai dám nhìn con can đảm thế không.

11.
Kết

Nơi đây tôi học được mặt người bị xé nát ra sao
Nét sợ hãi dưới hốc mắt nhìn ra hoảng hốt thế nào,
Những đường cày rách nát trên mặt người nhàu khổ đau
Sâu tới đâu.
Nơi đây tôi học được bằng cách nào chỉ qua đêm
là tóc đen, tóc nâu đổi màu trắng bạc,
Những nụ cười mờ dần từ những người nghèo đói ở linh hồn
Tiếng ho khô của tai biến.
Và tôi cầu nguyện không chỉ cho tôi
mà cho tất cả những người đứng đấy
Trong băng giá ê chề, hay trong cái nóng tháng bảy,
Dưới bức tường nhà lao đỏ mù loà.

Kim đồng hồ lại tiến sát gần tới giờ
Một giờ không thể nào bôi xoá khỏi ký ức.
Tôi nhìn, nghe, sờ thấy

Tất cả anh chị: những phế nhân họ phải cấp dưỡng
Đớn đau, cho đến cuối đường; những người hấp hối;

Và người thiếu nữ khẽ lắc chiếc đầu xinh xắn nói:
“Em tới đây quen như đã là nhà”.

Tôi muốn gọi tên tất cả
Nhưng họ đánh mất rồi bản kiểm danh …

Tôi đã dệt cho họ một khăn tang cực lớn
Bằng những ngôn từ nghèo nàn của bọn họ mà tôi vô tình nghe

Tôi sẽ ghi nhớ bọn họ mãi mãi, mãi mãi dù bất cứ nơi đâu
Và nếu họ bóp nghẹn chiếc miệng bị tra tấn của tôi,

Mà qua đó một trăm triệu đồng bào tôi rên khóc,
Thì cũng nên để bọn họ nhớ rõ tôi …

Và giả như trên đất nước này có bao giờ họ muốn
Xây cho tôi một bia tượng

Thì tôi sẽ đồng ý
Nhưng chỉ với điều kiện:

Họ sẽ không dựng nó trên bờ biển nơi tôi chào đời
Nơi mà những mạch nối sau cùng lâu rồi cũng đã bị cắt lìa đứt,

Cũng không phải cạnh gốc cây trong Vườn Hoàng Gia,
Nơi một bóng tối trẻ trung không an ủy nổi đang chạy kiếm tìm tôi

Mà là ở nơi đây, nơi tôi đã đứng trong ba trăm giờ đồng hồ
Nơi họ đã không bao giờ mở cửa, bất kể bất kể

Không chừng trong cái chết được ban ân tôi sẽ quên
Tiếng rú rền đay nghiến đoàn âm binh của họ

Quên chiếc cửa kêu lanh lảnh ác độc,
Người thiếu phụ rú khóc như một thân thú bị trúng thương.

Xin những bông tuyết tan nhỏ giọt như nước mắt
Từ đôi mí mắt hoá đồng bất động của tôi,

Với những cánh chim câu nhà tù gù trên đầu
Và những manh thuyền chậm trôi xuôi giòng Nê-va.

Anna AkhmatovaThuong Quan_photo

[Thường Quán chuyển ngữ từ bản Anh ngữ của D. M. Thomas (Anna Akhmatova, You Will Hear Thunder, ed. D.M. Thomas, NXB Oxford University Press, 1976). Bản dịch này đã in lần đầu tiên trên tạp chí Nhân Văn (San José, California), xuân Bính Dần 1986]

 

 

Comments are closed.