Trích đoạn trường ca Đỗ Quyên
Tác giả gửi Văn Việt
Văn Việt: Đỗ Quyên sinh tại Hà Nội (1955). Tốt nghiệp (1977) và giảng dạy (1977-1988) ngành Vật lý Hạt nhân, Ðại học Bách khoa Hà Nội; cộng tác viên Viện Dubna, Nga (1988-1990); lbáo ở Ðức (1990-1995), ở Canada (1995-2009), ở Úc (2004- 2008); học bổng Rockefeller WJC, Mỹ 2001-2002. Hiện ở Vancouver, Canada. Viết thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết, tiểu luận, phỏng vấn…
Đỗ Quyên gửi Văn việt trường ca Sách xanh anh viết về người bạn quý – nhà văn Đà Linh, khi nghe tin bạn qua đời. Trong lời mở, tác giả cho biết: Ai từng đọc Đà Linh sẽ nhận ra tiêu đề các chương mục đều là tên các truyện ngắn của anh và tên các cuốn sách mà anh tham gia biên tập, dịch thuật… Văn việt xin trích giới thiệu Trò chơi tiếp tục [1], Miền hoang tưởng [2], Mẹ và con [3] là ba chương đầu của trường ca này.
Tặng Đà Linh – Nguyễn Đức Hùng (1958 – 2013)
… Từ đất
mỗi cuốn sách
mọc lên…
(Đ.Q.)
I. Trò chơi tiếp tục
Sau khi trồng trên đời
các cuốn sách
xanh
bạn nằm xuống
Ý tôi còn muốn nói
Đẹp xiết bao những nấm mồ người-làm-sách
*
Từ đất
sách mọc lên
Mãi như thế
Tiếp tục các trò chơi
chúng ta vẫn có thể
hữu ích
hay vô tăm tích
theo mỗi cây chữ
Các cuộc chơi viễn liên
đã khác không gian khác thời gian, nay thêm chiều kích thứ ba
gọi nôm hồn vía
Cứ dùng lối nói dân gian thay vì diễn ngôn khoa học
mọi người sẽ hiểu vì sao
Trên đó dễ dàng với chữ hơn
phải thế không
nếu không, vì sao đi vội?
mà thôi tôi sẽ không cố hỏi
(như đang cố sống cố viết, cố ngủ cố thở, cố ăn cố yêu)
Sinh ra từ đất
khó ở chỗ
chữ phải thăng hoa
Những chữ hạnh phúc
lên cao vọi
hoặc ấp ủ lòng người hạ giới
rồi tự hóa thành vật dụng thường
hay tan vào không trung làm nhân cho vì sao tương lai
Nếu chúng trần trụi
lam nham mặt đất
lũ chúng ta trọng tội
những chữ bất hạnh
*
Các nhân vật của bạn
‘tôi vào Đà Nẵng học’[1], ‘Mạnh và Đình đi bộ đội’, ‘Tùng và Bách vào Đại học Bách khoa’
có thể mang thân phận cũ có thể đổi thay tùy nghi
điểm nhìn mới trên đó
Với tôi
không nệ áo khoác thầy tu khi nhằm đích tâm kinh
các nhân vật sẽ không địa chỉ tùy thân
thậm chí còn đánh tráo cho nhau chức năng nghệ thuật
Có quan trọng lắm đâu
chọn lựa thi pháp
Thi pháp là gì nếu không chuyện cái cốc cái ly?
Bạn có đôi bàn tay mượt và
hơi run run nâng ly bia nhấp miệng
lần đầu tiên chúng mình chạm mặt tôi phát hiện (dù đọc biên tập từng biết tay nhau!)
quán đêm Hàng Than
gió sông Hồng phả lên lạnh
Sáng sớm hôm sau gặp lại đôi bàn tay ấy, khác
rắn rỏi, nhà bạn, cùng nhau tỉnh giấc, sang bên kia đường viếng nhạc mẫu Dương quân
Vòng hoa kẻ sĩ sao mà nặng
Các nhân vật của bạn
đứa một đầu cực sành điệu làm giàu bất lương
đứa một đầu cực ngơ ngơ nghèo khó hóa điên
mấy đứa ở giữa xúm xít san bằng xí xóa
Chắc tôi không trong số đó
nên đã làm người dẫn truyện hôm nay
Biết bạn có cặp da đen
nặng những bản thảo xanh
còn thấy bảo đi đâu cũng kè kè cắp giữ
tôi nhìn hoài không thấy
Trong nhà ngoài phố những điệu cười hiền những điệu cười hiền
Các nhân vật của bạn
‘năm thành viên hợp thành một băng, gắn bó suốt những năm phổ thông’
Tôi mỉm cười, buột miệng cha nội lãng mạn
những tưởng
thời bình
hậu hiện đại
hết mô típ “tứ tử trình làng”[2], “năm anh em trên một chiếc xe tăng”[3]
nhân vật văn học thứ dữ, cũng là thứ thiệt, độc lập tung hoành
Thế mà truyện bạn đẩy độc giả vào trận chiến đô la nhà đất
bàn tay người lớn làm đồ giả trong trái tim thật học trò
Về cấu trúc ý đồ, xin khẳng định:
Được!
II. Miền hoang tưởng
Anh được tới với em trong một chương
bản trường ca khóc bạn
Chúng ta có các trang dài
những chữ những chữ đầy
Để cười tháng ngày xa biệt
và để khóc nỗi buồn gánh chịu
lẻ loi
Bạn anh – sự chết đến và đi, như một lần lật khuôn sách ngỏ
Chuyện cũ
em biết ít nhiều
Có lão nhà văn suốt đời cặm cụi
xây tòa nhà bằng trang báo trang văn
gió vào cửa này lão dựng cửa kia
cứ thế, đúng là gió lùa nhà chữ
Em sẽ cười vuốt tóc anh, nhại, miền hoang tưởng của các ngài là những trang mơ
Em có nhớ nhân vật vừa nuôi lợn vừa làm thơ
thơ chảy xanh khúc sông phân đục
lợn nuôi người
thơ hại người thơ
người không bỏ thơ
người bỏ lợn
Viết đến đây, ngưng, ra tìm khoảng sân con con miền hoang tưởng của mình
có khóm hồng chờ trong lạnh cuối thu
Vầng trăng, anh không thể hy vọng, biết bao kẻ khác mỏi mòn trông, từ những toán bác sĩ trong đêm chữa trị nạn nhân bão Haiyan cho tới con mèo hoang nhớ chủ
Làm thơ, chỉ cần hưởng hương khuya
lấy hồn em và xin vía
các thi nhân của những đóa hồng
Heine, Nguyễn Đức Sơn
hai ta chung đọc có lần
Đừng tiếc, bạn anh không viết về hoa
bận lắm với những ‘mẹ con’, ‘dòng sông’, ‘ngôi nhà’ và ‘bàn tay sáu ngón’
đấy miền hoang tưởng của chàng
trên kia sẽ còn bận mãi
Thơ viết giữa hai bước chân một của ánh điện một của ánh đêm
giữa hai bàn tay một về người âm một về người dương
vượt miền hoang tưởng này sang miền hoang tưởng nọ không thị thực
bởi anh, thi sĩ đời em
Giữa khe hở sự sống cái chết, tìm lại nhau
chương mục của bản trường ca dành cho chúng ta nhích dần tới dòng kết
Đừng lo
khoảng trống thi ca là của ái tình
Không bài ca nào đặc những nhạc, lời
trừ các tử ca thủ tiêu thi tính
Tiến về Hà Nội theo phiên bản đời thường trẻ trung[4]
anh nghe trọn khi viết chương đầu
trùng dịp 90 năm ngày sinh nhạc sĩ
Chương này tất nhiên hòa trong Bésame Mucho[5] em thích
Mẹ và con – chương tiếp, dự tính Thương về miền Trung[6] (của chàng)
Khó nhất, anh lo, chương chót
Điệu van xơ Wiener Bonbons[7] cuốn hút hay thê thiết Bèo dạt mây trôi[8]?
Quá giang trường ca viếng bạn
đường lối trữ tình không thể riêng tư
thi tứ đến sau vần điệu
và dằn vặt đâu còn hiển lộ như xưa
Chỉ thoáng nghĩ về em
là bầu bạn giang hồ văn chương chạy lại
mọi đồ vật, sự việc hết muốn thành thơ
chẳng được như Đỗ Phủ, Tchekhov mong đợi
Viết xong chương này
thân xác chưa trọn ngàn con ong kéo đến
trái tim thiếu đầy ngàn con bướm đậu lên
anh mất phần thi sĩ, một đêm nay
Chóp nhà cao ngày nao trong bài thơ tiễn biệt
kia, vẫn ngã tư trung tâm của những mùa thu ướt
ngó xuống bản thảo cười nhạo
em có thấy
em có thấy không
Thu phong
từ thơ Tản Đà lá hàng xóm rơi ngang Hà Thành thế kỷ trước tới Vancouver hôm nay
Em,
anh từng viết, mùa thu đến trên những bàn chân lá
tiếp, qua những mắt lá
mùa thu ra đi
Em,
chúng mình còn đây sao như
một người – hoặc anh hoặc em – hết sống trước một người
Có những khi
anh đã thơ như kẻ không được thơ, đã thở như người không được thở
nghĩ về em đang nhớ anh mà không thể nghĩ về anh
Rồi nơi chốn hai chúng mình lại đổi
Trái đất tròn lắm lúc cũng vuông vuông
Trái đất tròn lắm lúc vuông vuông
để cho những nhà văn nhà thơ khốn khó
miền hoang tưởng dài mãi sâu thêm
Trái đất tròn lắm lúc vuông vuông
để cho những kẻ thương yêu nhau khốn khổ
miền hoang tưởng không rộng cao hơn
Trái đất tròn lắm lúc đã vuông vuông.
III. Mẹ và con
– Trong tầm 1185 chữ
khuôn mẫu Tchekhov
truyện ngắn của bạn vừa thiên hạ bàn tay
Khó, ngần ấy thôi Alice Munro kịp phác phác nhân vật chính
là cùng
Ừ thật vô lường
một hạn định chữ chạy đúng một vòng tròn truyện
ngắn
– ‘Ông ấy hơn ba tôi khá nhiều tuổi’
‘sống ở căn nhà bên’ ‘cùng người mẹ rất già’
‘cửa nhà’
‘thường xuyên đóng kín’
‘Ngược lại nhà tôi’
‘khá đông’ ‘ba, mẹ và ba chị em tôi’, ‘tiệm điểm tâm’
‘nên gần như mở cửa cả ngày. Tôi là chị đầu, giống mẹ’
‘hai đứa em pha trộn’
– Tài, ngay cửa truyện
các từ khóa đã được dẫn bày
‘Ông ấy’
‘đóng kín’
‘Ba tôi’
‘mở’ ‘cả ngày’
‘Tôi’
‘giống mẹ’
Chuyện đàn ông đàn bà
đã thành
chuyện con chuyện mẹ
– ‘Hồi còn nhỏ, tôi không ít lần thắc mắc rằng ba mẹ tôi luôn nói’
‘ông ấy là nghệ sĩ’
‘thực sự’
‘không thấy điều gì’ ‘dáng dấp’ ‘nghệ sĩ’ ‘ngoại trừ’
‘một dấu ấn tình cảm’ ‘theo lời kể của ba mẹ’ ‘khi gia đình tôi chuyển về’
‘đó thì ông ấy trồng một cây bàng giữa hai nhà’
‘tự ông xây bờ bảo vệ’
‘cẩn thận’
‘ông ấy đã nói’
‘để kết giao tình xóm giềng’
– Mọi nghệ sĩ đều vậy
cây si không trồng ở nhà hàng xóm
thì cũng mọc theo các nhà hàng xóm của nhà hàng xóm
cứ thế nơi nơi
nảy nở sinh sôi
Chủ đề mẹ con, ẩn dụ
nếu tôi đổi tên truyện thành Nghệ sĩ
hẳn bạn không càm ràm
Tôi chịu các từ ‘dấu ấn tình cảm’, ‘bảo vệ cẩn thận’, ‘tình xóm giềng’
hé lộ mô típ cô-hàng-xóm một cách tự tin
vào tay bạn không sến sáo trên nền cổ điển
– ‘Cây đó lớn bao nhiêu, tôi chừng đó tuổi’
– Và kịch tính bắt đầu từ đấy
cho tới khi bước qua xác hai nhân vật chàng nàng
vài lần xuống dòng
văn bút bạn kể ra cũng thuộc loài sát chữ
– ‘Sắp đến sinh nhật của tôi và cây bàng trước cửa’
‘ba tôi bảo’ ‘đã đến lúc đặt tên cho hội quán này tôi thực sự’
‘băn khoăn’ ‘nếu đặt là nghệ sĩ‘
‘ông ấy sẽ nghĩ gì’
‘nhỉ?’
– Truyện có hậu và trong
giọng thỏ không còn non
những độc giả cáo vẫn muốn bị lừa
Ngoạn mục.
Chú thích
[1] Trong phần thơ của trường ca này, các câu, chữ giữa ngoặc đơn ‘ ‘ là trích từ những tác phẩm đã dẫn của ĐL.
[2] Truyện ngắn của Hồ Anh Thái.
[3] Bài thơ của Hữu Thỉnh.
[4] Bài hát của Văn Cao do Tạ Quang Thắng, Bảo Trâm và Sinh viên Tuổi 20 trình diễn.
[5] Tình ca Mexico của C. Velázquez.
[6] Ca khúc của Duy Khánh.
[7] Bản nhạc Áo của J. Strauss II.
[8] Khúc dân ca quan họ Bắc Ninh.
.