Saigon bây giờ – Thơ của Nguyễn Viện và lời bình của Vũ Thành Sơn

Nguyễn Viện

SAIGON BÂY GIỜ

Chúng ta đang sống và chúng ta đang chết

Bỏ chạy hay ở lại, chúng ta cũng đều sợ hãi và khốn cùng

Ở đâu, chúng ta cũng chết

Đi đâu cũng chỉ là con đường một chiều

Của khoảnh khắc và vô tận

Của bèo bọt và hư không

Chúng ta đớn đau và chúng ta hy vọng

Bỏ chạy hay ở lại, chúng ta cũng đều bơ vơ và cùng quẩn

Ở đâu chúng ta cũng phải sống

Đi đâu cũng là một con đường chông gai

Của bất chợt và bất biến

Của ngày dài và đêm thâu

Chúng ta như những xác chết và chúng ta như những hồn ma vật vờ

Chúng ta nằm bẹp hay chúng ta lê lết

Mặt trời vẫn mọc

Và chúng ta chẳng còn cách nào hơn mong mỏi một ngày gió sẽ cuốn đi tất cả

Sóng sẽ chôn vùi đi tất cả

Và thế giới được rửa sạch

Cho dù khi ấy chúng ta đã đứng ở phía bên kia sự sống.

6/8/2021

SAIGON BÂY GIỜ của Nguyễn Viện

Vũ Thành Sơn

Bài thơ bắt đầu bằng câu:

Chúng ta đang sống và chúng ta đang chết

Có thể với những nhà thơ khác câu thơ ấy sẽ không là câu mở đầu, nó nằm đâu đó ở đoạn giữa hay, tại sao không?, là một câu kết. Nhưng với Nguyễn Viện, trung thành với phong cách cố hữu của mình từ trước tới nay, đã sổ toẹt ngay từ đầu. Chính vì thế nó có âm hưởng như một tiếng kêu, hoặc mạnh mẽ hơn, là một lời kết án, như cái cách Nguyễn Viện đã từng kết án thực trạng xã hội qua những trang viết của mình trước đây. Nhưng có thể không hẳn, không phải vậy; nó, đúng hơn, là một sự thật buồn bã.

Câu hỏi đặt ra ở đây là: sự thật chúng ta đang sống như thế nào và đang chết như thế nào?

Những ngày phong toả và cách ly này chúng ta sống trong cùng một lúc hai đại dịch: đại dịch corona virus và đại dịch sợ hãi. Cả hai đều có sức lây nhiễm và tàn phá khốc liệt. Nhưng virus thì vô hình, còn sợ hãi là có thật, được người ta cảm nhận sự kinh hoàng của nó mỗi ngày không phân biệt một ai. Mỗi một ngày tin tức, các con số bị nhiễm F0, F1; hình ảnh và các clip những trường hợp tử vong ở các khu cách ly, bệnh viện; các chốt chặn; các ngõ giăng dây;… làm chúng ta sợ hãi. Chúng ta sợ hãi đám đông, sợ hãi với bất kỳ ai đối diện. Chúng ta sợ những cái bắt tay và cái hôn giữa những cặp tình nhân chỉ còn trong tiểu thuyết hư cấu. Chúng ta không còn cơ hội làm tình, chúng ta chỉ thủ dâm trong bóng tối hoặc trước màn ảnh porno. Dưới sự chuyên chế của sợ hãi “chúng ta như những xác chết và chúng ta như những hồn ma vật vờ, chúng ta nằm bẹp hay chúng ta lê lết”.

Chúng ta sợ thiếu ăn và trong lúc số đông vẫn còn vật lộn cho từng bữa thì chúng ta hài lòng khi nhìn thấy nhà mình tích trữ đầy đủ gạo, dầu, rau, cá, thịt. Chúng ta lo lắng theo dõi chương trình tiêm chủng vaccine và trong lúc số đông đang chết dần, chết mòn vì trông đợi thì chúng ta hả hê được chích trước, chích vaccine tốt (Pfizer hay Moderna chứ không phải là Sinopharm); trên facebook chúng ta hả hê khoe khoang một cách khiếm nhã đến mức không thể kiềm chế được điều cần giữ tế nhị. Chúng ta dễ dàng trở nên ngoan ngoãn và phục tùng, thực hiện mệnh lệnh giãn cách, 5 K, đánh đổi tự do để được sự an toàn. Rồi sẽ có một ngày nào đó, ngoái nhìn lại, chúng ta hẳn không khỏi bàng hoàng khi nhận ra ngày ấy sao hạnh phúc của chúng ta lại có thể bé mọn đến nhường vậy.

Cuộc sống chúng ta hiện thời đang bị tối giản đến mức chỉ để thoả mãn bản năng gốc, phục vụ cho nhu cầu sinh tồn.

Nhưng như vậy không còn là sống nữa. Như vậy chỉ là tồn tại. Như vậy chỉ là sống một đời sống ở dạng phác thảo. Bởi vì, “Người ta sống chẳng phải chỉ nhờ bánh mà thôi” (Mat 4:4). Chúng ta không còn sống nữa, chúng ta đang chết. Chúng ta đang chết cái Con Người bên trong mình và chỉ tồn tại như một con vật, hay chỉ tồn tại như một nỗ lực làm Người thất bại.

Đã đến lúc chúng ta cần đặt lại câu hỏi Con Người là gì? Slavoj Žižek có lý khi phát biểu: Lần nữa, giả thuyết của tôi là đại dịch Covid-19 mở ra một thời kỳ mới mà chúng ta sẽ phải suy nghĩ lại mọi thứ, kể cả ý nghĩa căn bản của việc làm người – (Again, my hypothesis is that the Covid-19 pandemic announces a new epoch in which we will have to rethink everything, inclusive of the basic meaning of being human – Slavoj Žižek, PANDEMIC! 2 Chronicles of time lost, p. 116).

Tình trạng này sẽ kéo dài bao lâu? Chẳng có một cơ quan thẩm quyền nào vào lúc này có thể đưa ra một câu trả lời khẳng định. Dịch đang bùng phát lại ở một số nước mà tỷ lệ chích vaccine đã đạt đến đa số. Israel và Đức đang bắt đầu tiêm mũi thứ ba tăng cường, trong khi vaccine chỉ có hiệu lực, theo các nhà sản xuất, chỉ vài tháng mà corona lại biến thể khó lường. Saigon có ngày đã lên đến hơn 6000 ca nhiễm và chưa có dấu hiệu dịch bệnh đang được khống chế. Chúng ta chỉ biết hy vọng. Hy vọng sẽ trở lại như cũ. Hy vọng sẽ trở lại bình thường. Nhưng vấn đề là trở lại cái Cũ nào và cái Bình Thường nào? Covid-19 đã làm mọi thứ đảo lộn, chắc chắn trong tương lai sẽ là một cái Cũ mới và sẽ là một cái Bình Thường mới. Đã đến lúc chúng ta cần phải suy nghĩ về và xây dựng lại cái Bình Thường mới đó (new Normality). Mỗi sáng chúng ta sẽ được tiếp tục ngồi uống cà phê ở Au Parc trên Hàn Thuyên, chúng ta hy vọng vậy, nhưng sẽ là một Au Parc khác và những buổi sáng màu sắc khác.

Còn Nguyễn Viện? Ông hy vọng gì?

Và chúng ta chẳng còn cách nào hơn mong mỏi một ngày gió

sẽ cuốn đi tất cả

Sóng sẽ chôn vùi đi tất cả

Và thế giới được rửa sạch

Cho dù khi ấy chúng ta đã đứng ở phía bên kia sự sống

Khác với triết học xây dựng những khái niệm trừu tượng của mình từ quá khứ trong khi văn chương có thể bắt mạch và cho toa thuốc cho tương lai. Nhưng cái toa thuốc Nguyễn Viện “mong mỏi” để cứu con người qua khỏi đại dịch Covid-19 này, éo le thay, lại nằm trong tay của Thiên Chúa. Đó là một nhãn quan tận thế (apocalytic vision), thuần tuý tôn giáo và bất lực, vì tôn giáo ngay từ bản chất của nó đã là một sự bất lực. Người ta tín thác vào một Đấng Cứu Thế những vấn đề của con người, do chính con người gây ra. Cái bất hạnh và có lẽ khốn cùng của con người là ở chỗ đó, không thể yêu cuộc sống ngay ở sự bất toàn nhất của nó mà cứ mải đi tìm kiếm một cách tuyệt vọng sự hoàn hảo ở một thế giới khác.

Tôi không thích thái độ chối bỏ, chạy trốn đó. Tôi thích thái độ của Slavoj Zizek hơn khi ông đề nghị một chính phủ mạnh mẽ trong một thế giới đoàn kết, hợp tác mạnh mẽ, tương tự như một thứ hình thức Cộng Sản toàn thế giới (Communism), hay đề nghị của Peter Sloterdijk về tiêm chủng cộng đồng có tổ chức (Co-immunism), kêu gọi nhân loại cần có một sự cộng tác và tình liên đới toàn cầu để vượt qua đại dịch, cho dù Từng thử. Từng thất bại. Thử nữa. Thất bại nữa. Thất bại rực rỡ (Ever tried. Ever failed. Try again. Fail again. Fail better – Samuel Beckett).

Tôi không hoàn toàn tán thành lập trường khá lãng mạn của hai nhà tư tưởng thời danh này, nhưng tôi thích thái độ của họ. Thái độ tích cực, dấn thân, lên đường, để sáng tạo ra một đời sống mới. Bằng mọi giá Sisyphus phải tiếp tục đẩy hòn đá tảng lên tận đỉnh núi. Bởi vì một lẽ hết sức đơn giản: sống không giờ có nghĩa là sống sót.

Comments are closed.