THÂN TRỌNG SƠN
dịch và giới thiệu.
Nghe như cổ tích chuyện cậu bé Ali Ahmed Saïd Esber, con nhà nông dân vùng Al Qassabina, miền tây nước Syria: từ chỗ nhà nghèo, không được tới trường, sau có cơ hội đi học và đạt trình độ tiến sĩ; từ chỗ thuở nhỏ làm thơ gởi các báo nhưng không bài nào được đăng, sau lại là người sáng lập một tạp chí chuyên về thơ và trở thành ” nhà thơ vĩ đại nhất còn sống của thế giới Á Rập” với bút danh Adonis.
Mọi chuyện bắt đầu khi, ở tuổi mười bốn, được tin vị tổng thống đầu tiên của nước Cộng hoà Syria mới giành độc lập về thăm làng, cậu tìm mọi cách để đến đọc trước mặt tổng thống bài thơ mà cậu viết vào dịp này. Sự tưởng thưởng tổng thống dành cho cậu (theo đúng nguyện vọng) là học bổng để vào học tại một trường của người Pháp ở Tartus. Đỗ tú tài, Adonis học tiếp đại học ở Damascus và tốt nghiệp cử nhân triết học năm 1954. Năm 1956, sau khi ở tù gần một năm vì tham gia vào một đảng phái đối lập, Adonis trốn sang Beirut, thủ đô nước Lebanon rồi trở thành công dân của nước này. Ông đỗ tiến sĩ năm 1973 và trở thành giáo sư văn học Á Rập tại Đại học Lebanon, giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Damascus và nhiều trường đại học ở Pháp , Thuỵ sĩ và Mỹ. Tình hình nội chiến ở Lebanon khiến ông phải rời bỏ xứ này và qua sống tại Pháp từ năm 1985.
Tuy được giáo dục theo truyền thống Hồi giáo, Adonis sớm tiếp thu ảnh hưởng văn hoá phương Tây. Trong thời gian theo học đại học, ông tự học ngoại ngữ và đọc nhiều tác phẩm của Pháp. Ông đã dịch nhiều văn thơ kịch của các tác giả châu Âu, nhất là Pháp (Baudelaire, Henri Michaux … )
Tình yêu đối với thơ ca của Adonis được cha truyền cho từ nhỏ và bút danh này ông ký vào bài thơ đầu tiên được đăng báo lúc 19 tuổi. Thơ của ông là một tổng hợp giữa sự làm mới của chủ nghĩa hiện đại và tính chất huyền bí của Á Rập cổ điển. Vừa là nhà thơ, ông cũng là nhà phê bình văn học, nhà lý thuyết thơ. Ông chủ trương: “Ngày nay, thơ đương đầu với một sự nguy hiểm không do tự chính nó mà do ngôn từ mà nó dẫn tới. Thơ bị che lấp bởi thứ ngôn từ đó. Bây giờ độc giả không đọc chính bài thơ nữa, mà đọc nhà thơ, đọc những thứ liên quan, những xu hướng của nhà thơ. Người ta đọc những gì mọi người phát biểu về nhà thơ và về thơ ca. Đối với nhà phê bình, nhà thơ trở thành một phương tiện để khẳng định sự lựa chọn, để giải bày những lý thuyết, chứ không để tiếp cận bài thơ như nó vốn là thế. Đây là thứ phê bình muốn giải mã thơ ca qua phát ngôn của mọi người. Sự phê bình đích thực hoàn toàn trái ngược hẳn, nó khám phá thế giới thông qua thơ ca. Nó đạt tới sức mạnh của chính ngôn ngữ không bằng phương tiện nào khác hơn chính thơ ca”.
Gần 70 năm sáng tác, Adonis đã xuất bản nhiều tập thơ giá trị, viết bằng tiếng Á Rập và được dịch sang nhiều thứ tiếng. Ngoài Giải thưởng Thơ ca Quốc gia Lebanon (năm 1974), Adonis còn nhận được nhiều giải thưởng cao quý của các nước Nga, Bỉ, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ, đáng kể nhất là giải thưởng mang tên văn hào Goethe của nước Đức ” về toàn bộ tác phẩm ” của ông. Chỉ tiếc là giải Nobel Văn học chưa lần nào xướng tên Adonis tuy đã nhiều lần được đề cử, sớm nhất là từ năm 1988.
Đối với Adonis, sứ mệnh của thơ ca trước sau vẫn là:
“Thơ ca làm cho cuộc sống trên trái đất này tốt đẹp hơn, bớt phù phiếm, bớt khổ đau hơn.”
(NHỮNG BÀI THƠ KHÔNG ĐỀ)
Vào một đêm trăng tròn
Hãy thử chăm chú nhìn lên thiên hà
Bạn sẽ thấy nó là dòng sông
Với đôi tay bạn là sông nhánh
Và khuôn ngực là cửa sông.
—
Hôm nay bầu trời đã viết bài thơ
Bằng màu mực trắng
Và gọi tên là tuyết.
—
Giấc mơ của bạn trẻ lại
trong khi bạn già đi
Giấc mơ lớn lên khi tiến bước
Về phía tuổi thơ.
—
Giấc mơ là con ngựa
Chở ta đến chốn xa
Mà không hề dịch chuyển.
—
Mây lang thang hoài cũng mệt
Nó ghé xuống con sông gần nhất
Để giặt áo
Mây vừa nhúng chân xuống nước
Thì chiếc áo rã tan
Và biến mất.
—
Đoá hồng bước ra khỏi giường
Cầm đôi bàn tay của ban mai
Để giụi mắt.
—
Hắn bước đi trên triền dốc mùa thu
Tựa vào cánh tay mùa xuân.
—
Bầu trời cũng khóc
Nhưng lau nước mắt
Bằng chiếc khăn quàng chân trời.
—
Khi cơn mệt đến
Gió trải tấm thảm không gian
Để nằm dài lên.
—
Làm sao diễn tả cho cây
Hương vị của trái
Cho chiếc cung
Công việc của sợi dây?
—
Như một bàn tay
Ánh sáng di chuyển
Trên thân thể của bóng tối.
—
Tôi ký hoà ước với mây
Để giải thoát cho mưa
Và ký hoà ước khác với gió
Để gió giải thoát
Cho mây và tôi.
—
Ký ức – căn nhà khác của mình
Nơi bạn chỉ có thể bước vào
Với thân thể đã trở thành
Hoài niệm.
—
Hắn khoả thân kia rồi
Chỉ còn khoác lên người
Những lời nói.
—
Hắn đã đóng cửa
Chẳng phải để giam nhốt niềm vui
Mà để giải thoát nỗi sầu.
—
Những giấc mơ ban đêm là những sợi chỉ
Ta lấy để đan dệt
Những chiếc áo của ban ngày.
—
Trong bụi bặm tôi chạm vào
Những ngón tay của gió
Trong cơn gió tôi đọc ra
Chữ viết của bụi bặm.
—
Gió thuyết giảng sự lặng im
Tuy vẫn nói không ngưng nghỉ.
—
Cây thích hát những bài ca
Mà gió không nhớ ra được.
—
Có đôi khi
Mặt trời không thể rọi sáng em
Thế mà ngọn nến lại soi tỏ.
—
Tôi đứng trước gương soi
Không phải để nhìn mình
Mà chỉ để tin chắc
Người tôi đang thấy đó
Đúng thực là chính tôi.
—
Mỗi lần tôi tự vấn
Tôi xẻ thân làm đôi
Tôi và một câu hỏi
Câu hỏi tìm câu trả lời
Và tôi tìm câu hỏi khác.
—
Hy vọng có những ngón tay
Chỉ gom nhặt
Những cánh bướm lụi tàn.
—
Ánh sáng không tự vệ
Ánh sáng tấn công
Hoặc đầu hàng.
—
Mây có những tư tưởng
Tia chớp làm chúng bật ra
Cơn sấm chuyển chúng đi xa.
(Trích dịch từ “Chạm vào ánh sáng”, bản tiếng Pháp của Anne Wack Minkowski)
TÌNH YÊU
Con đường và mái nhà đều yêu thương tôi
Người sống và người chết
Và cái chum đất sét đỏ trong nhà
Được nước yêu thương.
Người láng giềng yêu thương tôi
Cách đồng, sân đập lúa, ngọn lửa.
Cũng yêu thương tôi là những cánh tay lam lũ
Làm cho thế giới tốt đẹp hơn
Chẳng được tưởng thưởng gì cũng hân hoan.
Và những mảnh vương rải đây đó
Bứt ra từ lồng ngực còm cõi của anh tôi
Mảnh thịt da khuất sau những gié lúa mùa gặt
Tựa như những viên hồng ngọc
Còn đỏ hơn màu máu đỏ tươi.
Thần yêu thương sinh cùng lúc tôi ra đời
Yêu thương sẽ ra sao khi tôi không còn nữa?
CÂY SẦU MUỘN
Lá đổ ào rồi nằm yên trong rãnh sâu chữ viết
Mang theo đoá hoa sầu muộn
Trước khi ngôn từ trở thành
Âm vang
Giao hoan trong khoảng tối đen.
Lá lạc đường xoay tròn kiếm tìm mảnh đất mê say
Hết cánh rừng này sang cánh rừng khác
Mang theo đoá hoa sầu muộn.
HAI NHÀ THƠ
Giữa âm vang và tiếng động hai nhà thơ đang đứng
Người thứ nhất lên tiếng tựa như
Một mảnh trăng vỡ
Còn người kia lặng thinh như đứa trẻ con
Hằng đêm ngủ nằm ngoan
Trong đôi tay ngọn hoả sơn.
TẤM GƯƠNG CHO MỘT CÂU HỎI
Tôi đã hỏi và họ đã bảo tôi, cành cây
Phủ trong ngọn lửa là chim,
Họ bảo tôi rằng khuôn mặt tôi
Là những đợt sóng,
và khuôn mặt của thế giới là những tấm gương,
Ngọn hải đăng, nỗi buồn chàng thuỷ thủ.
Tôi đã tới, và thế giới trên đường tôi đi
Là mực, mỗi cử chỉ là một câu văn
Tôi không hay rằng giữa chúng ta
Có một chiếc cầu tên là “Tình Huynh đệ”
Tạo nên bằng những bước chân, lời tiên tri và ngọn lửa.
Tôi không hay rằng khuôn mặt tôi
Là con tàu lướt trong một tia lửa.
TẤM GƯƠNG CHO THẾ KỶ HAI MƯƠI
Một quan tài mang khuôn mặt đứa bé
Một cuốn sách được viết bên trong ruột một con quạ
Một dã thú cầm một đoá hoa lết về phía trước
Một hòn đá
Thở trong phổi một người điên.
Chính là nó,
Đó là thế kỷ hai mươi.
TẤM GƯƠNG CHO NHỮNG ÁNG MÂY
Những cánh chim
Nhưng bằng sáp
Và mưa rơi không phải là mưa
Đúng hơn là những con tàu
Chở những giọt nước mắt của chúng ta.
TẤM GƯƠNG CHO MỘT GIẤC MƠ
Hãy lấy giấc mơ của tôi,
May nó, khoác nó vào,
Như chiếc áo.
Bạn đã làm hôm qua
Ngủ trong đôi bàn tay tôi
Dẫn tôi đi loanh quanh
Quay vòng tôi như tiếng rên
Trong những chiếc xe của mặt trời,
Chim hải âu bay vút lên
Phóng từ đôi mắt tôi.
HOANG PHÍ
Không có đường chân trời giữa chúng ta
Cây yêu thương là bụi bặm
Và đêm là toa tàu chở bước tôi đi
Chở hoang mạc về với chính nó.
Không có đường chân trời giữa chúng ta
Giờ khắc phơi bày không che đậy
Và cái chết của tôi là mảnh vải.
Người thừa kế của cát
Mang viên đá đen làm thực phẩm
Mặt trời là dòng nước và bóng mờ của nó.
TRẺ CON
Trẻ con đọc cuốn sách về hiện tại, và bảo,
Đây là thời điểm đang nở hoa
Từ trong lòng những phiến lá tơi tả.
Chúng viết,
Đây là thời điểm chúng ta nhận ra
Làm thế nào cái chết nuôi nấng trái đất
Và làm thế nào nước và nước phụ bạc nhau.
THÍ NGHIỆM
Vâng, tôi sẽ không ngủ
Tôi sẽ nghiên cứu những con đường này và hiểu được điều nhiều người đã biết
Vâng, tôi sẽ gia nhập đám đông này –
Một bước, hai bước, ba … /
Một người chết, một cảnh sát
Một người chết, một cảnh sát
Một người chết, một cảnh sát… /
Và bạn sẽ không là người làm chứng chống lại chúng tôi.
Tôi đây rồi giữa đại dương ngôn từ
Những cánh buồm nổi trôi trên đỉnh
Và tôi hiểu tôi đang lặp lại điều mọi người từng nói
Và tôi hiểu tôi đang ngủ thiếp.
NHỮNG NHÀ THƠ
Không có nơi nào cho họ, _ họ sưởi ấm
Cơ thể trái đất, họ làm
Chìa khoá cho không gian _
Họ không tạo ra
Một dòng tộc hay một mái nhà
Cho những huyền thoại của mình.
Họ viết chúng
Như cách mặt trời viết lịch sử của nó.
Không có nơi nào…
TÌM KIẾM
/ … Một con chim
Giương đôi cánh _ Phải chăng nó sợ
Bầu trời sẽ sập? Hay là sợ
Cơn gió là cuốn sách ẩn trong bộ lông?
Cổ chim
Chèn tới chân trời
Và đôi cánh là chữ nghĩa
Bơi lội trong mê hồn trận.
LỜI AI ĐIẾU (dành cho cha tôi)
1.
Cha tôi là một ngày mai
Lềnh bềnh ập xuống chúng tôi
Là một mặt trời,
Và bên trên ngôi nhà chúng tôi mây bay lên.
Tôi yêu ông, một bí mật khó khăn bị chôn vùi
Một vầng trán lấm bụi.
Tôi yêu ông, những chiếc xương đang phân rã và bùn.
2.
Trên ngôi nhà chúng tôi, im lặng lan toả và tiếng khóc thầm trổi dậy
Và khi cha tôi nằm xuống
Một cánh đồng cạn kiệt, một con chim sẻ chạy trốn.
(Trích dịch từ Tuyển tập Thơ Adonis, bản tiếng Anh của Khaled Mattawa)
[i] Nhà thơ Lebanon – Syria (1930 – )