Pháp Hoan dịch từ nguyên tác Đức ngữ
Bertolt Brecht sinh ngày 10 tháng 2 năm 1989 tại Augsburg, là nhà thơ, kịch tác gia và đạo diễn sân khấu người Đức. Ông từng là nhân viên quân y phục vụ trong Thế chiến thứ nhất. Năm 1922, Bertolt Brecht nhận giải thưởng Kleist cho vở kịch đầu tay “Tiếng trống trong đêm”. Năm 1933, ông di cư sang Tiệp Khắc, rồi đến Pháp, Đan Mạch, Phần Lan và Mỹ (California). Năm 1947, trở về Zurich, Wien và sau đó sang Đông Đức. Ông mất tại Berlin ngày 14. 8. 1956 và được mai táng tại nghĩa trang Dorotheen.
Hãy nhìn xem bầy sếu bay hình vòng cung!
Và đám mây trắng cũng trôi theo cùng
Chung cuộc hành trình từ khi xuất phát
Một cuộc đời đến một cuộc đời khác.
Cùng độ cao và cùng nhịp di chuyển
Dường như chúng đang bay sát bên nhau
Đám mây trắng và sếu ở trên cao
Cùng sẻ chia bầu trời xinh đẹp
Không nán lại chốn này thêm giây phút
Và chẳng thấy gì ngoài thoáng chốc, về nhau
Trong gió lạnh, khi chúng phải đương đầu
Còn giờ đây trong không gian chắp cánh
Gió mang chúng vào mênh mông khoảng trống
Bay cùng nhau không lạc mất hướng đi
Không có gì chạm tới chúng, bất kỳ
Dù dạt qua bao nhiêu vùng đất lạ
Tiếng súng nổ và mưa rơi xối xả
Dưới quầng sáng lạnh lẽo của mặt trời, mặt trăng
Vẫn hướng về phía trước, trong say đắm, âm thầm.
Bay về đâu? – Chẳng về đâu – Trốn chạy ai? – Thế giới.
Chúng đã ở bên nhau bao lâu rồi bạn hỏi?
Vừa mới đây. Sẽ chia cách? – Sớm thôi.
Vì tình yêu chỉ là chốn nghỉ chân của tình nhân trên đời.
Hồi tưởng Marie A
Đó là một ngày trong trăng xanh tháng chín
Dưới bóng mát cây mận, không gian thật yên tĩnh
Tôi ôm lấy tình yêu tái nhợt của tôi
Và trong đôi tay – một giấc mộng dài.
Trên cao kia là bầu trời mùa hè xinh đẹp
Có một đám mây trôi, rất lâu tôi nhìn thấy
Đám mây trắng xóa bay trên bầu trời cao
Khi tôi ngước nhìn lên, mây không còn nữa.
Từ đó đến rồi đi, biết mấy mùa trăng
Đi qua cuộc đời ta, âm thầm, lặng lẽ
Những cây mận có lẽ đã bị đốn ngã
Và em hỏi tôi, tình ta đã thế nào?
Tôi nói: anh không thể nhớ
Nhưng tôi biết rõ em muốn nói điều gì.
Cả khuôn mặt em, tôi quên từ đó
Tôi chỉ biết rằng: tôi đã hôn em.
Và cả nụ hôn, tôi đã quên từ lâu
Nếu không có đám mây trên bầu trời thưở ấy
Tôi vẫn còn nhớ và luôn nhớ rõ
Đám mấy trắng xóa đi qua bầu trời cao.
Những cây mận đã ra hoa thêm bao mùa nữa
Và người phụ nữ đã có bảy đứa con.
Nhưng đám mây trắng nở ra chỉ trong giây phút
Khi tôi ngước nhìn lên, mây đã vỡ tan trong gió mất rồi.
Người hái trộm anh đào
Một sớm tinh sương, thật lâu trước khi gà gáy
Bị đánh thức bởi tiếng huýt sáo – tôi lần đến bên cửa sổ.
Ánh ban mai đang phủ kín khu vườn.
Trên cây anh đào, có một chàng trai
Mặc quần vá, vui vẻ hái anh đào
Nhìn thấy tôi, anh gật nhẹ đầu chào
Rồi hái quả nhét đầy túi áo.
Thật lâu sau đó – khi đã nằm yên trên giường
Tôi vẫn còn nghe thấy giai điệu vui tai
Từ bài ca nhỏ của chàng trai
Cô gái chết đuối
Thân thể cô trồi lên, lềnh bềnh trôi xuống
Từ những con suối nhỏ rồi chảy vào dòng sông
Dòng ánh sáng ảo diệu chiếu xuống từ thiên đường
Như làm dịu đi nét mặt đau đớn
Rong tảo cuốn lấy cô cùng bùn nhầy nhơ nhớp
Rồi từng chút một, xác cô nặng dần lên
Đám cá trong nước lạnh rỉa dọc đôi chân
Thủy sinh bám vào ăn trong chuyến đi lần cuối
Vào buổi chiều tối bầu trời đen sẫm khói
Và những vì sao nở sáng giữa màn đêm
Đến buổi hừng đông nứt rạn cuối chân trời
Cô vẫn còn một ngày, khởi đầu và kết thúc
Thân thể cô xanh xao, giờ đây nằm rữa nát
Trong tâm trí Chúa trời, trôi dần vào lãng quên
Đầu tiên là khuôn mặt, đôi tay, và cuối cùng mái tóc
Khi thịt da cô chìm trong nước, thối rữa, bốc mùi
Để đọc lúc sáng và chiều tối
Có lần người tôi yêu
Bên tai tôi thủ thỉ
Rằng anh ấy cần tôi
Vì thế tôi cẩn thận
Trên bước đường mình đi
Sợ rằng giọt mưa kia
Có thể làm tôi chết
Mặt nạ của cái ác
Trên tường nhà tôi có treo một món đồ gỗ kiểu Nhật
Mặt nạ một Ác quỷ, phết sơn vàng.
Đầy thương hại tôi nhìn
Những đường gân gồ lên trên trán, chứng tỏ
Làm ác thật nhọc sức dường nào.
Bài ca sông Moldau
Dưới đáy sông Moldau sỏi cuộn theo dòng
Ba hoàng đế yên nghỉ ở đô thành Prag
Ngôi lớn thành ngôi nhỏ, trật tự giờ đổi khác
Đêm có mười hai giờ, rồi sẽ đến bình minh
Thời thế cứ vần xoay, bóng tối dần chuyển mình
Những thế lực hùng cường đã đến hồi kết thúc
Như gà trống giẫy mình, máu tuôn không dứt
Ngay cả bạo quyền cũng trên đà diệt vong
Dưới đáy sông Moldau sỏi cuộn theo dòng
Ba hoàng đế yên nghỉ ở đô thành Prag
Ngôi lớn thành ngôi nhỏ, trật tự giờ đổi khác
Đêm có mười hai giờ, rồi sẽ đến bình minh
1940
Thằng con trai tôi hỏi: Con có cần học Toán?
Để làm gì, tôi muốn nói. Rằng hai lát bánh mì thời hơn một
Đó là điều sớm muộn gì mày cũng rõ
Thằng con trai tôi hỏi: Con có cần học tiếng Pháp?
Để làm gì, tôi nghĩ. Đất nước này đã đến hồi sụp đổ.
Mày chỉ cần xoa tay lên bụng mà rên
Và điều mày muốn nói, người nào cũng tỏ
Thằng con trai tôi hỏi: Con có nên học Sử?
Để làm gì, tôi muốn nói. Hãy học cách cắm đầu xuống đất
Thì may ra mày có thể sống sót
Đúng rồi, phải nên học Toán, tôi bảo
Và cả Pháp văn, cả thêm Lịch Sử
Giải Pháp
Sau cuộc nổi dậy ngày 17 tháng Sáu
Ông thư ký của Hội nhà văn
Cho rải truyền đơn trên đại lộ Stalin
Truyền đơn nói rằng, nhân dân
Đã để mất niềm tín cẩn của chính phủ
Và chỉ qua lao động gấp đôi
Mới có thể lấy lại được. Như thế chẳng phải
Sẽ đơn giản hơn, nếu chính phủ
Giải tán nhân dân
Và bầu ra một nhân dân khác?
Đại tướng, xe tăng của ngài là chiếc xe thật mạnh mẽ
Nó làm rạp cả cánh rừng và nghiền nát một trăm người.
Nhưng nó có một khuyết điểm:
Nó cần một người lái.
Đại tướng, máy bay ném bom của ngài thật mạnh mẽ.
Nó bay nhanh hơn một cơn bão và mang nặng hơn một con voi.
Nhưng nó có một khuyết điểm:
Nó cần một thợ cơ khí.
Đại tướng, con người thời rất hữu ích.
Hắn có thể bay và hắn có thể giết.
Nhưng hắn có một khuyết điểm:
Hắn biết nghĩ.
Khi các nhà lãnh đạo nói về hòa bình
Dân thường biết rõ
Rằng chiến tranh đang đến
Khi những nhà lãnh đạo nguyền rủa chiến tranh
Thời lệnh huy động đã được viết ra
Đêm đã đến
Những cặp đôi vừa mới kết hôn
Nằm ôm nhau trên giường.
Những người đàn bà trẻ
Sẽ mang trong mình những đứa bé mồ côi
Cuộc chiến đang đến
Không phải là cuộc chiến đầu tiên
Đã từng có
Những cuộc chiến trước đó.
Khi cuộc chiến cuối cùng đến hồi kết thúc
Có những kẻ chinh phạt và những kẻ bị chinh phạt
Giữa những kẻ bị chinh phạt.
Thường dân chết đói
Giữa những kẻ chinh phạt
Thường dân cũng chết đói
Đốt sách
Khi Chế Độ ra lệnh phải đốt sạch
Những cuốn sách nguy hiểm một cách công khai
Những con bò bị người ta cưỡng bách
Kéo những chiếc xe chất đầy sách đến chổ thiêu,
Một nhà thơ lớn lưu vong kinh hoàng phát hiện
Rằng những tác phẩm của mình đã bị bỏ quên
Khi xem qua danh mục những cuốn sách bị đốt.
Trong cơn phẫn nộ ông chạy về bàn viết
Biên xuống một lá thư gửi cho đám cầm quyền
Hãy đốt tôi! ông viết với ngòi bút rực lửa, hãy đốt tôi!
Đừng làm thế với tôi! Đừng loại tôi ra!
Chẳng phải tôi luôn nói lên sự thật trong những cuốn sách của mình?
Và giờ đây các ông lại đối xử với tôi như một tên dối trá
Tôi ra lệnh cho các ông, Hãy đốt tôi!