Thơ Đặng Tiến (Thái Nguyên)

TÔI KHÔNG THẤY…

(Ghi lại những gì nghe được đọc được. Có thể là sai. Nhưng biết cái gì là đúng, bây giờ!)

 

Tôi không nhận thấy trên gương mặt họ

Nét thanh quý

Sự bình thản

Vẻ nhân từ

Những gì tôi mong có nơi nhà thơ

Tôi không nhận ra

Trên những dòng chữ

Chảy tràn lan

Dày đặc các phép tu từ

Ánh sáng Tự do

Khát vọng Tự do

Mà tôi vẫn tin Thơ cần phải có

Tôi không nghe thấy

Trên nhiều trang

Được gọi là thơ

Nỗi oan ngập đất

Nỗi đớn đau uất nghẹn

Của con người

Mà tôi tin Thơ cần phải có

Nhà thơ hỡi

Nhà thơ đi đâu?

Nhà thơ ở đâu?

Trong tháp ngà (?) cũ rích

Hóa thân vào tùng trúc cúc mai (?) cũ rích

Nhà thơ đang ở đâu?                                

Đã bán mình hay đang mưu tính bán mình?

Nếu có

Cũng không lạ

Nhà thơ hỡi!

Hình như triết gia Cổ đại từng hỏi tất cả

Những người được coi là có chữ nghĩa

Chúng ta không lên tiếng thì sẽ là ai?

Sẽ là ai?

Người chết oan tù rạc chăng?

Người hành khất chết gục bên đường chăng?

Người đàn ông đỡ đẻ cho vợ bên vệ đường ngày tháo chạy chăng?

Những em bé chết thảm chăng?

Những bệnh nhân chết trong cô đơn chăng?

Những xác chết trong phòng lạnh chờ đến lượt vào lò thiêu chăng?

Những người bị nước lũ cuốn, bị núi đè chết mất xác chăng?

Những đứa trẻ khốn khổ bị vây bủa bởi nền giáo dục ngu dân nghiệt ngã chăng?

Những người dân làm thuê trên chính mảnh đất cha ông để lại chăng?

Chúng ta không nói thì ai nói?

Chúng ta không nói thì ai nói?

Ai nói?

Hỡi nhà thơ?

Hỡi nhà thơ!

Tôi hỏi

Có nghe thấy chăng?

 

 

 

NHÂN NGÀY QUỐC TẾ NHÂN QUYỀN NGHĨ VỀ VÀI THỨ QUYỀN KHÔNG PHẢI CỦA CON NGƯỜI…

Tạm gọi là ở những nơi

Có tên gọi TRẠI SÚC VẬT hay QUẦN ĐẢO TÙ NGỤC hay NGÔI NHÀ BẰNG SẮT

Những nơi ấy nhi nhúc những giống loài

Nhang nhác người, hao hao người, giông giống người

Vẻ bề ngoài

Cũng đầu thì có tóc

Cũng chân thì đi dép đi giày nhưng quen đi chân đất

Cũng vui thì cười và buồn thì khóc

Cũng nghiêm trang hát thánh ca

Cũng hào hứng đọc thánh thư

Cũng xây đắp tượng đài hoành tráng

Cũng có triết gia văn nhân nghệ sĩ

Cũng có khoa học gia vùi đầu sách vở trước tác đẳng thân

Có tất cả

Chỉ là hao hao người, nhang nhác người, giông giống người…

Ở những nơi ấy

Miếng ăn là vĩ đại nhất

Miếng ăn là thiêng liêng nhất

Miếng ăn là kì diệu nhất

Miếng ăn là nên thơ nhất

Miếng ăn là tươi sáng nhất

Miếng ăn là Đạo đức

Miếng ăn là Mĩ học

Miếng ăn là Triết học

Là tất cả MIẾNG ĂN

Cái Máng trở thành Biểu tượng ngàn năm

Lãnh tụ tối cao thường dụ khị bằng quà cáp

Đại thủ lĩnh tay luôn cầm củ cà rốt và những biến thể như bánh bao bánh mì và kẹo mút

Các đại trí thức thì dụ khị bằng bánh vẽ

Văn nhân nghệ sĩ tôn vinh Miếng Ăn và Bánh Vẽ

Chúng dân cúi đầu nhận phần trong yên lặng uy nghi….

TRẠI SÚC VẬT… QUẦN ĐẢO NGỤC TÙ… NGÔI NHÀ SẮT…

Với không ít hao hao người, giông giống người… thì đó là Thiên-đường-nơi-mặt-đất

Tất cả đều bình đẳng trừ một nhóm được bình đẳng hơn

Số đông bình đẳng

Trong đói nghèo

Trong sự biết ơn

Trong nhẫn nhục cam chịu

Trong niềm hứng khởi biến nhục thành vinh

Biến nước mắt thành niềm hạnh phúc

Biến máu xương thành vinh quang chiến thắng

Hô vang trời theo một cái vẫy tay

Khóc ròng ròng khi nhìn thấy mặt đại lãnh tụ

Như nhìn thấy mặt trời

Ảnh lãnh tụ trôi trong nước lũ

Phải cứu bằng mọi giá kể cả phải chết người

Một khi lãnh tụ muốn bơi

Thì có nghĩa phải có hàng trăm trai tráng chết sặc nước

Và được gọi là hi sinh cao cả

Khi đại lãnh tụ phẩy tay

Những kẻ bị hành hình tung hô vạn tuế vạn vạn tuế

TRẠI SÚC VẬT… QUẦN ĐẢO NGỤC TÙ… NGÔI NHÀ SẮT

Những nơi ấy

Không có Ngày hôm nay – Quốc tế Nhân quyền.

 

Comments are closed.