Thơ Heinrich Heine

Phạm Kỳ Đăng dịch

Nhạo báng trong lưu vong và điều ngược lại

Elke Schmitter (1) 
Với một nhãn quan sắc bén vô song, từ Paris, nhà thơ Đức Heinrich Heine (2) đã mổ xẻ hiện trạng tổ quốc của mình (Spiegel)

Heine ở ngoài nước suốt quãng thời gian lâu nhất của cuộc đời có ý thức. Năm 1831 vừa chớm 30 tuổi đầu ông đã sang Paris và ở lại đó cho đến khi mất vào năm 1856. Nước Đức, tổ quốc ông, là đích ông trở về thăm. Ông thâm nhập sâu ở mức nào cứ mỗi lần như vậy, đằng nào cũng khó nói: liệu người con trai của một thương gia, sinh ra đã là người Do thái, dưới áp lực phải thích nghi được giáo dưỡng theo tinh thần Cơ đốc, được rửa tội theo Tin lành vì tham vọng lại có thể hoàn toàn thuộc về nơi ấy sao. Liệu một kẻ đứng ngoài có ý thức về bản thân, một người nhạy cảm mang lòng kiêu hãnh lại thuộc về một xã hội phân biệt đẳng cấp. Liệu một cái đầu tỉnh táo về chính trị không có gì để mất theo đúng nghĩa đen lại có thể vượt qua được thời đại Trùng hưng mà không bị què quặt đi?

Heine đã đọc và tiếp đón những người đương thời, những bạn đồng hành nhất thời, đã theo dõi, thậm chí viết tiểu sử của họ nữa, như trong trường hợp Ludwig Börne (3): ở đó không thấy có nhiều điều khích lệ. Bất kể đó là những bạn chơi lâu năm như Rahel Varnhagen von Ense (4) và chồng của bà, hay như đồng chí cùng bè phái dài hạn như Börne hay Arnold Ruge (5), những kẻ thù bền bỉ như August Graf von Platen-Hallermünde (6) hay những người quen xa vời của thời kỳ trước tháng Ba Georg Herwegh (7), Franz von Dingelstedt (8), Ferdinand Freiligrath (9): Trầm tư sâu sắc đổi chỗ cho sự điên rồ nhiệt huyết, nỗi khao khát cách mạng âm ỷ thế vào sự hèn nhát tức thời, những mối huynh đệ riêng tây không bền thay vào những liên minh chính trị vô nghĩa. Và kết cục tất cả bọn họ đều nghĩ và viết ra cái họ nghĩ, dưới điều kiện của chế độ kiểm duyệt.
Có thể điều đó làm hỏng tính chất, nhưng thế đó chắc chắn không làm hỏng phong cách: “Ông ta”, theo lời Heine viết về nhà trước tác (Börne), nhà ủy viên hội đồng và nhà chính khách thất bại miền Frankfurt, “kẻ luôn tự mình chi li rà soát và kiểm tra trong lối viết chỉn chu, đứng đắn và trước đó, trước khi ông hạ bút viết rào trước đón sau và cân nhắc từng âm tiết…”. Trời ơi cái ông chuẩn xác và thận trọng tới mức này, rồi thế đó bị niềm đam mê chính trị bắt mất hồn, trong một sự thống nhất giữa suy tư và ngôn ngữ kết cục nào đã muốn làm điều gì nên tội “Giờ đây cái ông viết tốc ký cho cảnh sát ở Frankfurt am Main đã bổ nhào vào một chủ nghĩa sansculottism (10) của nghĩ suy và biểu đạt, vô song như người ta chưa bao giờ nếm trải tại nước Đức. Trời đất ơi! Cái bổ sung từ mới khủng khiếp làm sao! Những từ chỉ thời gian nó mới phản quốc làm sao! Những danh từ cách bốn mới khi quân làm sao! Những mệnh lệnh từ nữa chứ! Những dấu chấm than bỉ báng cảnh sát làm sao! Những ẩn dụ gì mà cái bóng hắt xuống trần sì của nó đã đáng phải cho 20 năm tù đày nơi biên ải.”
Đó là lời chế giễu của một tác giả tới cái mức đã tự đưa mình vào chế độ cấm tuyệt đối. Tại nước Phổ bắt đầu với Những hình ảnh viễn du II, kế đó tất cả mọi sách in của Heine bị cấm, thậm chí cả những quyển chưa viết ra.
Dạo đó một thời gian dài tại nước Đức, vị thế của ông nhiều nghĩa lý ra sao, cho thấy từ sự thực hiển nhiên rằng tác giả nổi tiếng và đáng sợ ngay sát lúc đi lưu vong còn muốn giành một địa vị làm luật sư hội đồng hành chính Hamburg: Có thể tấm gương của Börne còn sờ sờ ra trước mắt ông, kẻ cực đoan làm vậy nhưng thế đó đã ngó ngàng về một chức vị và muốn hưởng một suất hưu. Có thể sau này điều đó thành ra sự ương bướng muộn màng của chàng sinh viên luật bất đắc dĩ đã một lần muốn được trả lương cho công sức nhọc nhằn của một khóa đào tạo nghiêm túc mang tính chiến lược.
Hẳn nhiên đó không phải là giấc mơ trở thành kẻ tử vì đạo: Cái động thái này là quá đỗi buồn cười đối với ông. Và ông cũng quá tự cao tự đại, để cần một sự đảm bảo danh tiếng về hậu thế theo kiểu này. “Con rút lui khỏi chính trường”, từ Paris ông ngay lập tức viết về cho mẹ. “Xin tổ quốc tìm lấy cho mình một thằng ngốc khác.”
Vừa chưa bén chỗ ở bên ngoài nước, ông đã nhìn về nước Đức với một con mắt tinh anh làm vậy không người thường nào khác có. Ông quen giới tinh hoa của đời sống tinh thần, ông đã từng nghe Georg Wilhelm Friedrich Hegel (11) giảng, ngồi bàn uống chè với Varnhagens. Là sinh viên ông đã từng làm quen với hội chén chú chén anh kiểu Đức và chủ nghĩa bài Do thái của họ và qua người chú người vùng Hamburg giàu có thật ông đã sờ lên thế giới hào nhoáng của tiền bạc. Và, dạo ông còn là chú bé Harry Heine nô đùa trên đường phố Düsseldorf, ông biết tới nhân dân khiến ông yêu thương và không tin tưởng vào họ.
Heine, người mong ước một cuộc cách mạng Đức tới, cũng sợ nó. Ông ngờ vực vào lòng tốt, sự thông thái và cảm nhận của nhân dân. Ông không phải là kẻ khinh bỉ người tứ cố vô thân và không pháp luật hỗ trợ, và tình yêu con người chung chung của ông không phải là một thái độ kiểu cách.”Những người thợ dệt vùng Schlesien”, bài thơ chính trị nổi tiếng nhất của ông, là một phản ứng bột phát về cuộc khởi nghĩa vào năm 1844 của những người thợ dệt trong vùng rừng núi Schlesien. Chưa đầy ba tháng sau bài thơ tản đi như tờ truyền đơn bay từ nơi này đến nơi kia, từng bó được phân phát trong những quán nước, những câu thơ được đọc lên trước công chúng: “một lời hiệu triệu cất lên trong âm hưởng phản loạn và đầy rẫy những biểu lộ tội phạm gửi tới những kẻ nghèo túng trong nhân dân”, vị Bộ trưởng Nội vụ Phổ đã viết như thế.
Nhưng rồi thế đó điều này tỏ ra không đủ cho một sự lý tưởng hóa những người nghèo và vô học, bởi vì họ vốn là như thế. “Có thể đó là ngụ ý một cách hình tượng, nếu như Börne quả quyết; trong trường hợp một ông vua xiết lấy tay ông, dễ ông ấy đưa tay vào lửa, để tẩy sạch; nhưng điều này hoàn toàn không ngụ ý hình ảnh, mà hoàn toàn là giấy trắng mực đen, rằng tôi, nếu như nhân dân xiết chặt tay tôi, tôi sẽ rửa tay sau đó. Trong thời cách mạng thực sự người ta đã phải nhìn nhân dân với con mắt của chính mình, ngửi bằng cái mũi của mình, nghe bằng tai của mình rằng vị vua chuột cống quyền uy đã lên tiếng ra sao, để nhận biết rằng Mirabeau (12) đã bóng gió nói điều gì với câu nói “Con người ta không làm cách mạng với dầu oải hương”.
1830, trước khi rời sang sống ở Paris, Heine còn chứng kiến một cuộc cướp phá người Do thái ở Hamburg. Cả người chú triệu phú Salomon của ông, nổi tiếng vì hoạt động từ thiện, ngay ngày hôm sau đã phải cho lắp lại cửa kính. Heine đã chẳng cần phải học mới biết được, nhân dân có thể trở thành kẻ cuồng bạo. “Tương lai”, như một câu nói ảm đạm của ông về chiến thắng của chủ nghĩa cộng sản, “ngửi ra vị da ngâm, mùi máu, mùi vô đạo và rất nhiều đòn roi.”
Heine thấy dễ chịu trong cuộc đời lưu vong. Dễ chịu tới mức từ nơi đó ông viết trong một bức thư “Nếu ai đó hỏi tôi, thấy trong người ra sao ở đây, ông hãy nói, như cá trong nước. Hay là hơn thế nữa, ông nói với mọi người, rằng nếu như trong biển cả có một con cá hỏi con cá khác về tình hình sức khỏe, thì con kia nói rằng, tôi sống khỏe như Heine ở đất Paris”. Sự lịch thiệp kiểu Pháp vừa lòng ông, sự thoáng đãng trong thành phố này bất chấp Cách mạng và Trùng hưng. Mà tuy nhiên ông không còn trơ thân đơn độc với người Paris. “Tôi bị bao vây bởi bọn gián điệp Phổ, cho dù tôi tránh xa khỏi các vụ âm mưu chính trị, thế đó chúng sợ tôi nhiều nhất”, thời gian ngắn sau khi đến nơi ông đã kể cho đôi vợ chồng Varnhagens nghe. (Tuy rằng gián điệp của một thể chế áp bức không chỉ toàn là người đểu cáng: nếu như Heine đi sang London, hẳn Theodor Fontane (13) đã có thể là bạn đồng hành của ông).
Tương tự, sự xa lánh không giúp gì ông: tác giả châm biếm Heine, nhà thơ trữ tình nổi tiếng và nhà luận chiến là một định chế, một uy tín và một huyền thoại đối với những người Đức bị hắt hủi, những người tỵ nạn và lưu vong chính trị. Năm 1835 ông viết gửi nhà soạn nhạc Giacomo Meyerbeer (14): “Germania, con gấu mẹ già nua đã rũ hết thảy những con rận của nó xuống Paris, và tôi kẻ cùng quẫn nhất đã bị chúng gặm nhấm bền bỉ nhất.”
Ông không muốn để cho họ, những người theo tư tưởng cộng hòa lạm dụng, “rằng tôi phải tuyên bố ủng hộ hoặc chống lại họ, do đâu tôi đã bỏ qua điều thứ nhất vì tin tưởng và cái thứ hai vì thông thái. Tôi không là người đàn ông dễ để cho cưỡng bách”. Trong những nhóm người Đức nhỏ hẹp ở Paris, cuối cùng những người lưu vong phải tác chiến thận trọng hơn là tại Hamburg, Göttingen hay Berlin: Như thế đó người ôn hòa, kẻ chưa bao giờ có điều gì giấu diếm về mối thiện cảm của ông dành cho nền quân chủ Pháp thậm chí còn bị tình nghi làm nội gián cho Klemens Fürst von Metternich (15). Tuy rằng trên giấy bút ông luôn chỉ ra rằng ông không phải là “thằng đểu được trả tiền”, nhưng thực tế đã không đáp ứng được sự cuồng khích của những người bạn nọ, những kẻ người ta những hẳn không mong là kẻ thù của mình.
Khi lưỡng lự, những mối thiện cảm về chính trị, cũng cả về mặt con người đối với ông đã ít quan trọng hơn phong cách, tinh thần, và nói chính xác hơn: sự hóm hỉnh. Chất hài hước của Heine ngay từ đầu đã là con đường đặc biệt Đức: thông qua tư chất, tính vô úy của ông; hóm hỉnh là kết chất của ông. Ngoài ra kinh nghiệm còn bắt Heine chói sáng trên mọi bục chơi: không ai giăng mắc mối liên minh với ông, ông là đảng phái chẳng thuộc một ai và chính vì thế nguy hiểm với tất cả, dĩ nhiên cũng cả với bản thân, bằng tài năng ông tạo ra kẻ thù cho bản thân.
Ông chế giễu nhân dân và chính phủ của họ, phản động và cách mạng, kẻ hèn nhát và người anh hùng. Thêm vào đó ông báng bổ cái lề thói đạo đức, với niềm hào hứng ông chà xát kẻ thống trị, một cách chua cay ông thả nổi kẻ miệng nói lời thiện tâm trôi theo sự đáng cười và phô bày đồng nghiệp một cách không thương xót. Khi những câu thơ của Heinrich Hoffmann von Fallersleben (người Đức cám ơn ông này vì bài quốc ca của họ) cùng với những tác phẩm khác đã trở thành cái cớ ban hành lệnh cấm in ấn toàn diện cho những nhà xuất bản tác phẩm Heine, ông đã chia buồn với Julius Campe (16) bằng một sự tàn nhẫn sát thực: ”Những bài thơ của Hoffmann von Fallersleben (17), những thứ chốt găm Ngài vào tình thế khốn nạn này dở đến mức báng bổ, và xét từ khía cạnh thẩm mỹ, chính phủ nước Phổ hoàn toàn có lý khi nóng nẩy về cái đó: những lời bông lơn tồi để mua vui cho những gã phàm phu tục tử ngồi bên bàn bia và thuốc lá.”
Heine làm việc với mọi phương tiện, từ một chấm phá tỷ mẩn mài giũa cho đến một câu giỡn kiểu học trò; ông cũng hỗn hào bắng nhắng, nếu như cần chọc giận: “Tại Schwaben tôi ngó qua trường lớp các nhà thơ/ Thật đáng yêu những sinh linh như giọt nặn/ Họ ngồi đó trên những ghế bô/ Trên đầu trẻ thơ đội chiếc mũ bồ.” Chẳng có điều gì làm ông ít khó chịu hơn, như người ta nói tới ngày hôm nay, là sự căm giận chuẩn mực về phương diện chính trị.
Điều đó không chỉ là ảo tưởng ông từng chế nhạo. Trước hết đó là sự nhiệt thành của những “con chiền chiện bằng sắt” của nước Đức, không chỉ tố giác sự ngu xuẩn về chính trị, mà qua những lời nói suông còn khẳng định điều này.
Herwegh, anh, con chiền chiện bằng sắt/ Bởi vì anh cất cánh đến trời xanh/ Anh đã mất trái đất trong gương mặt mình/ Và chỉ trong thơ sống xuân đời anh ca hát.
Ông có ít kiên nhẫn với các đồng nghiệp thời trước tháng Ba (1848) ở quê nhà. Bởi vì họ hiện thân cho một truyền thống đã lấy lời nói thay cho hành động: sự hiểu lầm bản thân mang tính duy tâm ở một nền văn hóa chính trị nơi những túp lều hiệp hội đã không thể làm nên nghiệm trải với mối tương quan giữa nguyện vọng, lý thuyết và kinh nghiệm.
Vị thế độc đáo của Heine giữa những thế giới giữa Pháp và Đức, với tư cách người môi giới và nhà báo, là nhà phân tích chính trị và nhà thơ được tôn vinh không quyền thụ hưởng chế độ hưu trí, không liên minh phe phái đã được kiến lập. Sau bài luận nhớ đời về Ludwig Börne vào năm 1940, sự căm thù kẻ không mang chất Đức Heine đã đạt tới đỉnh cao. Trong tờ Điện tín nước Đức ông đã đọc được các câu thơ:
Bọn chúng chẳng bao giờ có được/ Dòng sông Ranh xứ Đức tự do/ Thế đó một thứ bay có được/ Đó chính là cái gã Heine!
Một cách thiết yếu, nước Đức, tổ quốc đã còn lại cho ông đối tượng của giấc mơ và chế nhạo. Sự nhạo báng không vị nể của Heine đã không chỉ mang lại sự bực dọc cho Heine, mà cũng còn phương hại đến tiếng tăm hậu thế của ông. Không bao giờ người Đức có được một nhà bình luận thông minh, hóm hỉnh và tỏ tường hơn, tuy nhiên họ muốn có ông khác đi cơ: trang trọng hơn và có thể lường được, ít cay cú hơn và không cuồng hứng như vậy, về cơ bản ít Heine hơn.
©® Phạm Kỳ Đăng dịch từ nguyên tác tiếng Đức
Nguồn: Spiegel

Chú thích của người dịch:
(1) Elke Schmitter (sinh năm 1961): Nữ nhà báo và nhà văn Đức, từng nghiên cứu Triết học tại Tổng hợp München.

(2) Heinrich Heine (1797-1856): Nhà thơ, nhà văn và nhà báo, tác gia hàng thi hào Đức, đại diện cuối cùng và là người vựợt bỏ trào lưu Lãng mạn, có thi phẩm được phổ nhạc và dịch ra tiếng nước ngòai nhiều nhất. Độc giả Việt Nam biết tới và yêu mến Heinrich Heine ngay từ tập thơ đầu tiên gồm các bản dịch của các nhà thơ Việt Nam, có thể kể Tế Hanh, Hòang Trung Thông, Đào Xuân Quý.

George Sand viết về Heine:

“…Heine nói ra những điều rất độc địa, và những câu chuyện tiếu của ông đâm trúng tim đen. Người ta cho rằng về bản chất ông là người độc ác, nhưng không có gì sai hơn thế. Lòng dạ ông tốt, cũng như miệng lưỡi ông ấy tệ. Ông tính dịu dàng, ân cần, dâng hiến, lãng mạn trong tình yêu, vâng yếu đuối nữa và một người đàn bà có thể thoải mái thống trị ông.”

“Heine sagt sehr bissige Sachen, und seine Witze treffen ins Schwarze. Man hält ihn für von Grund auf böse, aber nichts ist falscher; sein Herz ist so gut wie seine Zunge schlecht ist. Er ist zärtlich, aufmerksam, aufopfernd, in der Liebe romantisch, ja schwach, und eine Frau kann ihn unbegrenzt beherrschen.”

Friedrich Nietzsche viết về Heinrich Heine:

“Heinrich Heine đã cho tôi khái niệm cao nhất về một nhà thơ trữ tình. Tôi đã hoài công kiếm tìm trong mọi vương quốc của những kỷ ngàn năm một thứ âm nhạc da diết và ngọt ngào tương tự. Ông có một sự độc địa của thánh thần, thiếu thứ đó tôi nào đâu nghĩ nổi điều hoàn hảo (…).- Và ông ấy xử dụng tiếng Đức ra sao! Sẽ có lần người ta nói, xét cho cùng Heine và tôi là những nghệ sĩ đầu tiên của tiếng Đức.”

“Den höchsten Begriff vom Lyriker hat mir Heinrich Heine gegeben. Ich suche umsonst in allen Reichen der Jahrtausende nach einer gleich süßen und leidenschaftlichen Musik. Er besaß eine göttliche Bosheit, ohne die ich mir das Vollkommene nicht zu denken vermag (…). – Und wie er das Deutsche handhabt! Man wird einmal sagen, dass Heine und ich bei weitem die ersten Artisten der deutschen Sprache gewesen sind.”

(3) Carl Ludwig Börne (1786-1837): Nhà báo, nhà phê bình sân khấu và văn học. Năm 1811 ông nhận chân nhân viên tốc ký cho cảnh sát, năm 1814 bị sa thải, vì thành phố Frankfurt phục hồi lại quy chế riêng nhằm kiểm soát người Do thái, ông nhận tiền hưu 400 đồng Gulden một năm. Từ 1830 Börne sống ở Paris, cổ súy cho dân chủ như tiền đề của tự do. Ở đây ông gặp gỡ lại Heine, sau đó chia tay nhau vì khác biệt quan điểm. Các đoạn văn châm biếm của Heine trích ra trong bài đều nhắm vào Carl Ludwig Börne.

(4) Rahel Varnhagen von Ense (1771-1833): Nhà văn nữ Do thái thuộc thời Lãng mạn, còn là bà chủ của một salon văn chương.

(5) Arnold Ruge(1802-1880): Nhà văn Đức, nghị sĩ Quốc hội Frankfurt ông đại diện cánh Tả trong những năm cách mạng 1848/1849.

(6) August Graf von Platen-Hallermünde (1796-1835): Nhà thơ Đức.

(7) Georg Herwegh (1817-1875): Nhà thơ cách mạng của thời tháng Ba 1848, mang tư tưởng xã hội chủ nghĩa, dịch giả.

(8) Franz von Dingelstedt (1814-1881): Nhà thơ, nhà báo và nhà đạo diễn sân khấu Đức.

(9) Ferdinand Freiligrath (1810 – 1876): Nhà thơ, nhà văn và dịch giả Đức.

(10) Những người không mặc quần chẽn như giới quí tộc, sống bằng công việc chân tay, có ảnh hưởng chính trị lớn, vì họ ủng hộ phái Gia-cô-banh trong Cách mạng Pháp.

(11) Georg Wilhelm Friedrich Hegel (1770-1831): Triết gia, đại diện quan trọng nhất của Chủ nghĩa duy tâm Đức.

(12) André Boniface Louis Riquetti, vicomte de Mirabeau (1754-1792) Chính khách bảo hoàng, một trong những kẻ thù của Cách mạng Pháp.

(13) Heinrich Theodor Fontane (1819-1898): Nhà văn Đức, đại diện quan trọng của chủ nghĩa hiện thực Đức. Ở London, ông bị bắt năm 1870 vì bị tình nghi là gián điệp của Phổ. Thủ tướng Otto von Bismarck phải can thiệp để ông được trả lại tự do.

(14) Giacomo Meyerbeer (1791-1864): Nhà soạn nhạc và nhạc trưởng Đức. Ông viết nhiều tác phẩm được coi là bậc thầy của Grand opéra Pháp.

(15) Klemens Fürst von Metternich (1773-1859): Chính khách người Áo, có ảnh hưởng lớn trong Đại hội Vienna 1814/1815, lập lại trật tự châu Âu sau khi lật đổ Napoleon Bonaparte.

(16) Julius Johann Wilhelm Campe (1782-1867): nhà xuất bản, 1823 ông lĩnh nhận nhà xuất bản Verlag Hoffmann und Campe ở Hamburg.

(17) Hoffmann von Fallersleben (1798-1874): Nhà ngữ văn, nhà thơ, viết bài thơ thành lời quốc ca Đức sau này.

Các bài liên quan

Một chuyện vặt tuyệt vời

Một chàng trai yêu một cô gái

Những vì sao thông minh

Anh đã thấy trong đồng hồ cát

Hãy nói đâu của mi người đẹp

“Hãy nói đâu của mi người đẹp
Mi xưa từng đẹp đẽ ngợi ca
Khi những ngọn lửa đầy phép lạ
Qua tim mi tuyệt ánh chan hòa?”
Những ngọn lửa bùng kia tắt ngấm
Và tim tôi lạnh, tối tăm thôi
Và cuốn sách nhỏ là sành tiểu
Đựng tro tàn của mối tình tôi.
(Khúc LXXXVIII – Trở về – Tập Tình Ca)

©® Phạm Kỳ Đăng dịch từ nguyên tác tiếng Đức

Cô nương bên bờ biển

Cô nương bên bờ biển

Rầu rĩ đứng thở dài
Mặt trời lặn mất rồi
Lòng cô bao xúc động.
“Vui lên nào, cô bạn!
Vẫn vở cũ mà thôi!
Mặt trời lặn đầu trước
Trở lại từ đằng đuôi “.
Xem nguyên tác tiếng Đức và một bản tiếng Anh

Những suy nghĩ ban đêm

Trong đêm tối tôi nghĩ về nước Đức
Cứ giật mình trằn trọc mãi thôi
Không sao ngủ, mắt trơ trơ chẳng nhắm 
Và tuôn bao giòng lệ nóng sôi.
Những năm tháng đến rồi qua mãi
Từ ngày tôi vắng bóng mẹ yêu thân
Mười hai năm trôi qua đằng đẵng
Niềm nhớ nhung đòi hỏi cứ lớn dần
Nỗi nhớ nhung đòi hỏi cứ lớn dần
Bà cụ ám ảnh tôi trong mệnh số
Tôi nhớ nhung bà cụ khôn nguôi
Ôi bà cụ, cầu lạy trời phù hộ!
Bà cụ hiền thương yêu tôi lắm
Và trong thư bà cụ viết cho tôi
Tôi nhìn thấy bàn tay bà run rẩy
Tôi đã day trái tim mẹ, hỡi trời.
Mẹ tôi vẫn luôn hiện lên trong trí
Mười hai năm đằng đẵng trôi qua
Mười hai năm ròng phôi pha tàn lụi
Từ dạo tôi chẳng được áp ngực bà.
Nước Đức sẽ trường tồn mãi mãi
Xứ sở đây sức khỏe tuyệt vời
Với những cây sồi, cây bồ đề lực lưỡng
Tôi sẽ về thăm lại đấy thôi
Tôi cũng chẳng quá vội về nước Đức
Nếu mẹ tôi chẳng ở nơi đây
Tổ quốc chẳng bao giờ mất được
Bà cụ thì có thể chết đi.
Từ ngày tôi bỏ biệt mảnh đất này
Bao nhiêu người đã vùi sâu dưới huyệt
Bấm đốt tay tính những người thân yêu
Tim tôi rỏ máu nhiều đến chết
Và không tính sao đây? Với từng con số
Nỗi khổ đau càng dấy mãi trong tôi
Như người chết đang lăn qua ngực
Phúc đức sao, họ tránh xa rồi!
Phúc đức sao! Từ cửa sổ phòng tôi
Lọt tia sáng rỡ ràng nước Pháp
Vợ tôi đến, xinh tươi như bình minh
Nụ cười xua những nỗi lo nước Đức.
Người dịch dựa vào và chỉnh sửa bản dịch của Hoàng Trung Thông
Nguyên bản tiếng Đức và một bản tiếng Anh

Em đã chót hôn môi anh nứt nẻ

Em đã chót hôn môi anh nứt nẻ
Thì hãy hôn lành lặn lại đi
Nếu đến tối em chưa xong được
Cũng chẳng cần vội vã mà chi.
Em còn có – người nhất đời yêu dấu –
Suốt một đêm cho tới sáng bình minh
Trong đêm đó người ta có thể
Mãi hôn nhau và hưởng thái bình.
Xem nguyên tác tiếng Đức

Anh mơ thấy cảnh trong mộng trước

…Anh mơ thấy cảnh trong mộng trước:
Đêm tháng Năm bóng mát kia nơi
Đôi ta dưới gốc đoan ngồi
Thuỷ chung nêu chuyện thề bồi trăm năm.
Cứ thề thốt liên chi hồi điệp
Cười nhăn răng, hôn hít, vuốt ve;
– Để anh nhớ lấy câu thề
Nhè tay em cắn anh tê điếng người.
Ôi cô gái trong veo đôi mắt
Hỡi người yêu nanh nả, xinh tươi
Thề thốt thì hợp lẽ đời
Cắn người ta thật thừa ơi là thừa.

Xem nguyên tác tiếng Đức

Trên đôi cánh của lời ca

Trên đôi cánh của lời ca
Người yêu ơi, anh đưa em xa
Anh biết bình nguyên trải lối
Miền tươi đẹp nhất sơn hà.
Nơi đó vườn đỏ rực bông
Nằm im trong ánh trăng trong
Những bông hoa sen ngóng đợi
Người chị thân thiết của mình.
La lan nô cười nũng nịu
Ngước nhìn lên các vì sao
Ghé tai, hoa hồng thầm kể
Truyện cổ tích hương ngạt ngào.
Sơn dương tinh anh ngoan đạo
Nhảy qua và vểnh tai nghe
Ngòai xa rì rào sóng nước
Của dòng thần thánh sơn khê.
Nơi dưới bóng dừa ta ước
Chúng mình hạ cánh xuống đây
Và uống tình yêu, tĩnh lặng
Và mơ một giấc mộng đầy.
Xem nguyên tác tiếng Đức và bản tiếng Anh

Đôi mắt – đẹp chết người những vì tinh tú

“Đôi mắt – đẹp chết người những vì tinh tú”
Dẫu từng như khúc hát nhỏ ngân nga
Xưa ở xứ Tos-ca-na tôi đã
Dừng chân bên bờ biển, nghe ca.
Ca lời hát một cô hầu nhỏ
Mạng lưới chài bên sóng đại dương
Cô chăm chú nhìn tôi, tới lúc
Tôi ghì môi vào miệng son hường.
Thể nào tôi chẳng nghĩ về khúc hát
Về đại dương và lưới cá cho xem
Khi anh thấy em lần đầu tiên ấy –
Thế nên giờ anh cũng phải hôn em.
Xem nguyên tác tiếng Đức

Chiếc lò sưởi cũ

Ngoài kia kéo qua chùm tuyết trắng
Suốt đêm trường, bão tuyết ào ào
Trong sảnh nhỏ nơi này khô ráo
Ấm áp, cô đơn và gần gũi làm sao.
Trong ghế bành tôi ngồi nghĩ ngợi
Lò sưởi bên củi lách tách nổ đều
Ấm nước sôi rin rít đang kêu
Ca điệu nhạc từ lâu đã tắt.
Một chú mèo ngồi ngay bên cạnh
Giơ chân hong bên lửa rực hồng
Và ngọn lửa leo lét bốc lên không
Thật tuyệt thú, lòng tôi thêm hăng hái.
Mờ tỏ hiện lên thời xưa trở lại
Đã từ lâu quên lãng vùi xa
Như mặt nạ sặc sỡ diễu qua
Với mờ phai ánh huy hoàng sót lại.
Đàn bà đẹp với nét mặt thông thái
Ngoắc vẫy tay vẻ bí mật ngọt ngào
Bầy quỷ ha-lơ-kin nhảy múa hát ngao
Xen màn trò, nói cười vui vẻ.
Thánh tượng cẩm thạch từ xa chào đón
Đứng ở bên họ, đẹp như mơ
Hoa lá nở như trong cổ tích
Lá vờn bay trong ánh trăng mờ.
Đôi ba lâu đài xưa nhiệm màu thần chú
Ngả nghiêng qua, rồi bồng bềnh trôi
Từ sau kia kỵ mã giáp sáng ngời
Đang phi tới, cả thiếu niên hậu trạm.
Và tất cả kéo dồn qua trước mặt
Hắt bóng chen nhau quá mức vội vàng
Ối trời! Ấm đun trào nước bắn vọt sang
Con mèo ướt nước ngoao lên hét.
Xem nguyên tác tiếng Đức

Bông hồng già

Là một nụ hồng nàng đã
Khiến tim tôi bốc lửa say
Thế đó lớn lên, tuyệt diệu
Nàng bừng xuân sắc tràn đầy
Thành bông hồng đẹp nhất nước
Và tôi muốn ngắt nụ hồng
Thế mà nàng biết châm chích
Nhức tôi bằng những gai chông
Bây giờ úa cành nát cánh
Bị gió và mưa chê cười
“Heinrich cưng nhất”, là tôi
Nàng săn đón tôi, ve vuốt.
Sau Heinrich, trước Heinrich
Nay thánh thót âm ngọt ngào;
Có gì ở cằm người đẹp
Giờ như một gai đâm vào.
Trên cằm thật quá là cứng
Nốt ruồi điểm xuyết râu ria
– Bé yêu, hãy vào tu viện
Hoặc là em hãy cạo đi.
Xem nguyên tác tiếng Đức

Những năm tháng đến rồi đi

Những năm tháng đến rồi đi
Các dòng tộc đi xuống mộ
Tình yêu trong tim thế đó
Tôi giữ chẳng bao giờ phai
Chỉ muốn thấy em một lần
Và trước mặt em quỳ gối
Nói với em lời hấp hối:
– Thưa phu nhân, tôi yêu bà!
Xem nguyên tác tiếng Đức

Như anh

Như anh rên rẩm, cười và ấp ủ
Như anh đang quay cuồng mệt lử
Như anh không yêu được lấy mình
Mà tuy nhiên cảm thấy ghen tình
Thì bông hồng rực đỏ thơm ngát
Anh không muốn hôn và ngửi hoa
Không! Anh hít hà ở những gai sắc
Cho đến khi mũi rách toác ra.

Xem nguyên tác tiếng Đức

Trò bắng nhắng

Từng điên rồ, làm trò ngớ ngẩn
Tôi luôn còn làm trò dại cho xem.
Làm vào ban ngày và cả ban đêm
Trò ban đêm tệ hại ghê hơn nữa
Tôi làm ngoài trời cũng như trong sảnh
Ở dưới nước cũng như trên đất liền
Thậm chí bằng lý trí tôi làm nhiều trò điên
Những trò này còn ngu hơn hẳn.
Xem nguyên tác tiếng Đức

Thế ra nàng chưa bao giờ biểu lộ

“Thế ra nàng chưa bao giờ biểu lộ
Về tâm tình anh đã đắm say?
Trong mắt nàng anh không thể đọc
Dù một lần đền đáp ngất ngây?
Trong mắt ấy anh nào có thể
Đã bao giờ đào tới hồn nàng chưa?
Trong những chuyện thường ra như thế
Bạn thân yêu, anh đâu phải con lừa.”
Xem nguyên tác tiếng Đức

Ô chỉ hôn thôi và đừng thề thốt

Ô chỉ hôn thôi và đừng thề thốt
Anh chẳng tin thề thốt của đàn bà
Lời em ngọt, mà thế ngọt hơn là
Nụ hái được, anh vừa hôn chụt
Anh có rồi, cũng tin vào đó ngay
Lời nói thì đỏng đảnh gió sương bay.
Ôi em yêu hãy thề thốt tiếp
Anh tin em vào cả lời suông
Nơi ngực em anh thả mình buông
Và anh nghĩ rằng mình thư thái
Người yêu dấu, anh tin em mãi mãi
Và còn dài lâu hơn, nếu em yêu anh.
Xem nguyên tác tiếng Đức

Ở đâu

Đâu là chốn cuối cùng an nghỉ
Của mai sau người mệt mỏi lữ hành?
Ở phương Nam dưới những tán cọ?
Dưới gốc cây đoan miền sông Ranh?
Tôi rồi đâu trên một sa mạc
Để một bàn tay lạ vùi chôn
Hay yên nghỉ ở bờ duyên hải
Trong cát vùi của một đại dương.
Dẫu sao! Đây cũng như đó sẽ
Bọc lấy tôi Trời của Chúa vời cao
Hằng đêm như đèn canh người chết
Trên đầu tôi lơ lửng muôn sao.
Xem nguyên tác tiếng Đức
Đêm nay người ta có hội

Đêm nay người ta có hội
Và ngôi nhà ánh chói chang
Đó bên cửa sổ sáng choang
Một bóng người in thấp thoáng.
Em không thấy anh trong tối
Ở đây đứng dưới một mình
Còn ít hơn, có thế nhìn
Sâu vào tim anh tăm tối.
Yêu em trái tim tăm tối
Yêu em, tim anh vỡ tan
Và vỡ tan, và run bắn, máu tràn
Nhưng em, em nào có thấy.
Xem nguyên tác tiếng Đức và một bản tiếng Anh
Những con mắt xuân xanh biếc

Những con mắt xuân xanh biếc
Từ đồng cỏ ngước mắt trông
Đáng yêu ấy loài hoa tím
Lựa tìm tôi kết chùm bông.
Tôi hái hoa và nghĩ ngợi
Và bao ý nghĩ dâng trào
Trong tim tôi đang thầm thào,
Chim dạ oanh ca vang tiếng.
Vâng chim hát điều tôi nghĩ
Om lên, dội lại khắp nơi;
Bí mật dịu dàng của tôi
Khắp cả khu rừng đã biết.
Xem nguyên tác tiếng Đức

Như sinh ra từ con sóng bạc đầu

Người tôi yêu rạng ngời nhan sắc
Như sinh ra từ con sóng bạc đầu
Bởi nàng được tuyển làm cô dâu
Của một gã đàn ông xa lạ.
Tim ơi, tim tôi ơi nhẫn nại
Chớ sôi lên bởi sự bội tình
Hãy rán chịu, chịu và tha thứ
Việc làm người rồ dại đẹp xinh.
Xem nguyên tác tiếng Đức

Tim tôi, tim tôi buồn bã

Tim tôi, tim tôi buồn bã
Mà tháng Năm rạng vui cười
Tôi đứng thẳng người tựa gốc
Cây đoan trên ụ pháo đài.
Dưới đó dòng xanh hào lũy
Trôi trong lặng lẽ bình yên
Một cậu bé chở con thuyền
Đang buông câu và huýt sáo.
Bên kia nhô lên bé xíu
Dáng vẻ sặc sỡ, tưng bừng
Lầu khách, con người, vườn tược
Bò bê, thảm cỏ, cánh rừng.
Các nàng hầu gột rũ áo
Và nhảy trên cỏ bờ mương
Bánh xe nước rắc kim cương
Tôi nghe rì rào xa vắng.
Bên ngọn tháp già màu xám
Một chòi vọng gác đứng yên
Một cậu choai choàng áo đỏ
Hết đi xuống lại đi lên.
Gã giỡn chơi với khẩu súng
Lóe lên đỏ ánh mặt trời
Bồng súng, nhô vai – Tôi muốn
Gã bắn mình chết quách thôi.
Xem nguyên tác tiếng Đức

Bài ca anh bị đầu độc

Bài ca anh bị đầu độc
Sao nào có thể khác không?
Vâng em đã tưới độc dược
Vào cuộc đời anh nở bông.
Bài ca anh bị đầu độc
Sao nào có thể khác không?
Anh mang trong tim nhiều rắn
Và em yêu của riêng lòng.
Xem nguyên tác tiếng Đức và một bản tiếng Anh

Trên dòng Ranh, sông xinh đẹp

Trên dòng Ranh, sông xinh đẹp
Nơi gương sóng nước soi lên
Thành Köln kỳ vĩ, thiêng liêng
Cùng tòa thánh đường vĩ đại.
Trong tòa đây bày bức họa
Vẽ trên da, ánh vàng soi
Đã từng chiếu tia rạng rỡ
Vào hoang dã của đời tôi.
Ở bên Đức Bà yêu quí
Thiên thần, hoa lá bay quanh
Mắt, má và môi in hệt
Như em yêu dấu của anh.
Xem nguyên tác tiếng Đức và một bản tiếng Anh

Trong ánh trăng ngự yên biển cả

Trong ánh trăng ngự yên biển cả
Những con sóng thầm thĩ êm đưa
Tim tôi sợ hãi và trĩu nặng
Tôi ngẫm về điệu hát cổ xưa

Bài ca cổ hát cho ta biết
Về những thành phố mất còn đâu
Nơi còn vang lên từ đáy biển
Tiếng chuông ngân và tiếng nguyện cầu –

Chuông ngân và kinh cầu, biết chứ
Chẳng ích chi cho những thị thành
Bởi những gì từng chôn lấp một lần
Cái đó không thể nào trở lại.

Xem nguyên tác tiếng Đức

Hoa đoan nở, dạ oanh thánh thót

Hoa đoan nở, dạ oanh thánh thót
Vầng dương cười thích thú vui tươi
Em hôn anh, tay em ôm lấy
Em ghì anh vào ngực bồi hồi.

Lá rơi xuống, quạ kêu ầm ĩ
Mặt trời chào, ánh mắt chán chường
Ta nói với nhau lạnh băng: “Vĩnh biệt!”
Em lịch sự nhún chân hết mực nhún nhường.
Xem nguyên tác tiếng Đức

Xuân nghiêm trang và những giấc mơ

Mùa xuân nghiêm trang, và những
Giấc mơ buồn, mỗi bông hoa
Vẻ đớn đau, âm thầm nỗi
Đau buồn trong tiếng oanh ca.
Ôi người đẹp xin đừng chúm chím
Em đừng cười như thế tươi vui
Ôi khóc thì hơn, giọt lệ kia anh thích
Được hôn từ gương mặt em thôi.
Xem nguyên tác tiếng Đức

Nàng Lo-re-lei

Tôi chẳng biết nghĩa chi nên nỗi
Lòng tôi mang vậy mối u sầu
Khiến tôi một truyện từ đâu
Thời xa xưa mãi trong đầu vấn vương.
Không khí lạnh trời buông bóng tối
Dòng sông Ranh tuôn lối chảy êm
Đỉnh cao ngọn núi lóe lên
Trong vừng ánh nắng điểm thêm chiều tàn.
Nàng trinh nữ dung nhan đẹp nhất
Ngồi ở trên cao ngất, tuyệt vời
Đồ trang điểm ánh vàng soi
Nàng chải mái tóc vàng tươi kim vàng.
Nàng chải mái tóc bằng chiếc lược
Vàng kim, khi hát một khúc ca
Bài ca tuyệt diệu thiết tha
Ngân lên giai điệu vọng xa khắp miền.
Người lái ở trong thuyền nhỏ bé
Lặng người vì tê dại đớn đau
Không nhìn vách đá chen nhau
Chỉ trông lên đỉnh núi cao mịt mùng.
Tôi tin chắc cuối cùng sóng cuốn
Dìm mất ngươì lái với con thuyền
Nguyên do tiếng hát nàng tiên
Lo-re-lei đã làm nên tội tình.

Xem nguyên tác tiếng Đức, bản tiếng Anh và tiếng Pháp

Trên đỉnh Brocken

Đã rạng dần lên trời phương đông
Qua mặt trời nghi ngút chấm lửa hồng
Những đỉnh núi nhấp nhô dài rộng
Trong biển sương dâng.
Nếu tôi có đôi hài vạn dặm,
Với hối hả của gió tôi lao
Qua đỉnh núi nọ
Về ngôi nhà của bé dấu yêu.
Bên chiếc giường, nơi nàng thiu thiu ngủ
Tôi khẽ tay kéo tấm rèm
Khẽ khàng tôi hôn lên trán
Làn môi hồng ngọc của em.
Và khẽ khàng hơn tôi muốn
Thì thầm vào tai nhỏ hoa ly:
– Em hãy nghĩ trong mơ, hai đứa
Yêu và chẳng bao giờ lạc mất nhau đi.
Xem nguyên tác tiếng Đức

Đứng trong giấc mơ tăm tối

Đứng trong giấc mơ tăm tối
Tôi nhìn trân trối ảnh hình
Và gương mặt nàng yêu dấu
Bắt đầu lặng lẽ hồi sinh.
Quanh khóe môi nàng chúm chím
Một nụ cười mới tuyệt xinh
Như tự sầu thương dòng lệ
Sáng ngời đôi mắt long lanh.
Và tôi trên đôi má cũng
Những giọt nước mắt tuôn rơi
Ôi chao, không sao tin được
Rằng anh đã mất em rồi.
(Khúc XXIII – Trở về – Tập Tình Ca / Heimkehr – Buch der Lieder)
Xem nguyên tác tiếng Đức

Từ những giọt lệ

Nhiều bông hoa tươi thắm trổ
Từ những giọt lệ của anh
Những tiếng thở dài anh sẽ
Thành dàn hợp xướng dạ oanh.
Nếu em yêu anh, cô bé
Anh tặng em khắp trời hoa
Trước cửa sổ nhà em hẳn
Vang lừng khúc dạ oanh ca. 
Xem nguyên tác tiếng Đức và một bản tiếng Anh

Là tấu vĩ cầm, và sáo

Là tấu vĩ cầm, và sáo
Kèn trumpet dội vào trong
Người tôi dấu yêu trong lễ
Kết hôn, nhảy điệu vũ vòng.
Là vang ngân và rền dội
Của dàn trống đánh và kèn;
Chính lúc thiên thần thương mến
Rên dài, nức nở đan xen.
( Khúc XX – Lyrisches Intermesso – Tập Tình Ca)
Xem nguyên tác tiếng Đức, ND lấy câu đầu làm tên bài thơ.

Thoái hóa

Heinrich Heine (1797-1956)

Có thật chăng Tự nhiên cũng tồi tệ
Và tiếp thu lầm lỗi của con người ?
Tôi ngờ ngợ, nay cỏ cây, muông thú
Cũng dối gian như mọi kẻ trên đời.

Tôi chẳng tin vào tiết trinh hoa huệ
Con bướm đang hú hí cùng hoa –
Gã đỏm đáng hôn hoa và phơ phất
Cuối cùng mang trinh tiết lượn xa.

Tôi coi sự bình dị của hoa tím
Đáng là bao, bông hoa nhỏ hiền lành
Quyến rũ bằng phấn hương điệu bộ
Rồi âm thầm khao khát nổi danh.

Tôi ngờ cả chim dạ oanh đang hót
Lời ca lên có cảm nhận được chi?
Lúc huênh hoang, lúc nỉ non, thánh thót,
Cũng vì quen lặp lại, chứ gì.

Sự thật biến đi khỏi mặt đất
Cả trung trinh, chuyện đã qua nhanh
Chó vẩy ve đuôi, còn bốc lên mùi khẳm
Chứ còn sao, chúng hết cả trung thành.

Xem nguyên tác tiếng Đức

Tôi ở đâu, xung quanh vây bủa

Tôi ở đâu, xung quanh vây bủa
Bóng tối sao dày đặc, nhá nhem
Kể từ khi không còn lấp lánh
Ánh sáng ngời đôi mắt của em.
Với tôi, vẻ vàng kim rực rỡ
Của ngôi sao tình ngọt, đã tắt rồi.
Vực thẳm hoác ra mở tới chân tôi
Đón lấy tôi, hỡi đêm nguyên thủy.
Xem nguyên tác tiếng Đức

Cái chết ư, là đêm lạnh

Heinrich Heine (1797 – 1856)

Cái chết ư, là đêm lạnh
Cuộc đời là ngày oi nồng
Trời tối rồi, mắt trĩu căng
Ngày đã làm tôi mỏi mệt.

Giường tôi, một cây vút mọc
Dạ oanh non hót líu lo
Hát về mối tình rộn rã
Tôi nghe trong cả giấc mơ.

Xem nguyên tác tiếng Đức, ND lấy câu đầu làm tên bài thơ

Gương mặt em sao đáng yêu và đẹp

Heinrich Heine (1797 – 1856)

V.
Gương mặt em sao đáng yêu và đẹp
Anh thấy trong giấc mộng mới đây
Sao hiền dịu và như thiên thần vậy
Mà bơ phờ và nhợt nhạt đắng cay.

Chỉ đôi môi, làn môi em đỏ thắm
Nhưng Thần chết sắp hôn nhợt rồi
Rồi sẽ tắt đi ánh sáng tự trời
Ánh lên từ đôi mắt sùng đạo.

Xem nguyên tác tiếng Đức

Anh không tin vào trời

Anh không tin cả vào trời,
Như Thầy Cả thường nói tới
Anh chỉ tin vào mắt em –
Của anh ánh trời chiếu rọi.
Anh không tin vào Thượng đế
Như Thầy Cả nói về Ngài
Tin vào trái tim em thôi
Anh có Chúa Trời nào khác.
Anh không tin vào kẻ ác
Địa ngục, đau đớn trần gian
Anh chỉ tin vào mắt em
Và trái tim em độc ác.
Xem nguyên tác tiếng Đức

clip_image002

Comments are closed.