Thơ Hoàng Lê

NÓI VỚI CON VỀ NHỮNG CON ĐƯỜNG

Con ạ, những con đường chúng ta đi phía trước là chân trời và phía sau cũng là những chân trời

Chúng ta không có đủ thời gian để đi hết mọi con đường trên thế gian thế nên phải đi cho đúng, không có phép màu nào cho những lầm sai

Nhưng không phải lúc nào chúng ta cũng thực hiện được điều này dù mong muốn

Chẳng bao giờ là quá muộn, con hãy quay trở lại ngay nếu lỡ đi sai đường

Con phải nhớ rằng mọi thứ trên đời đôi khi có thể thuê mướn nhờ vả nhưng riêng đi đường không thể có ai khác làm thay

Cha đã đi những con đường quá khứ có chiến tranh, khói và bom nổ, khổ và đau cùng những mùa xuân

Con hãy tiếp con đường cha đã bước, đích của con là phía mặt trời

Chúng ta và vạn vật có thể còn quay ngược, duy thời gian vĩnh viễn chẳng đi lùi.

 

SUY NGẪM VỀ THƠ NHỮNG THẬP KỶ ĐẦU THẾ KỶ XXI

Ngồi ở thiên niên kỷ thứ 3 suy ngẫm về thơ những thập kỷ đầu thế kỷ XXI

Nhiều điều bối rối

Những năm 30 của thế kỷ trước xuất hiện phong trào Thơ Mới mà Hoài Thanh và Hoài Chân cho là “một thời đại trong thi ca”

Phong trào Thơ Mới bắt đầu với Phan Khôi viết “Tình già”

Và sau đó, cuộc luận tranh gay gắt về thơ mới – thơ cũ

Thơ mới lên ngôi khi cuộc bút chiến chục năm trên văn đàn ngã ngũ, khép lại mấy trăm năm thống trị của thơ Đường

Nhưng rồi theo thời gian liệu thơ mới có còn là “mới” khi mà các nhà thơ không muốn trở thành con rối của chính mình

Thơ tự do không vần

Rồi thơ bậc thang, thơ tượng trưng, siêu thực, thơ văn xuôi, sắp đặt, Rock, Rap…xuất hiện

Có phải là cách tân?

Những năm 90 của thế kỷ XX lại ra đời thêm trào lưu Tân hình thức

Thơ cũ, thơ mới, hiện đại, hậu hiện đại đều dồi dào bút lực khiến người làm thơ như đứng giữa ngã ba đường

Thơ đi về đâu?

Hãy thử trả lời cho thế hệ chúng ta:

– Có người nói làm thơ là cảm xúc, người lại cho là công thức câu từ. Nhưng chắc rằng có một điều nghiêm túc là làm thơ quả thực chẳng dễ dàng

– Những con chữ nhảy múa trước không gian và thời gian như lắng đọng không màng. Hiện thực, tương lai hay quá khứ: một vòng quay kết nối tuần hoàn

– Từ ẩn dụ, hoán dụ hay so sánh, đến gieo vần kết hợp ý sâu xa. Thi sĩ như đang bước vào trận đánh: cuộc chiến nhân tình, thế sự, xót xa…

– Niềm hứng khởi tuôn ra theo ngòi bút bằng văn phong thi pháp riêng ta. Ngôn ngữ văn xuôi nhiều khi bất lực, phải cậy nhờ vào sức bật thi ca.

 

SỢ HÃI VÀ TRƯỞNG THÀNH

Chiến tranh, dịch bệnh, đói nghèo…

Đủ làm chúng ta sợ hãi

Mọi biến cố đau thương của loài người đều xuất phát chủ yếu từ sự vô cảm và ăn thua

Lòng tham chạm đáy

Chúng ta từng tiêu diệt nhau vì những mét đất, con đường

Sự phát triển không đồng đều, sự ăn chia không sòng phẳng, sự phân chia giàu nghèo quá lố…

Tất cả chỉ là ngụy biện cho những sự cố chấp và toan tính thiệt hơn

Một thế giới đại đồng là điều hoang tưởng, ít nhất là trong bối cảnh những thập niên đầu thế kỷ XXI

Hòa bình, hạnh phúc và bình đẳng tỏ ra xa xỉ hơn bao giờ hết

Thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, tai nạn…không biết từ bao giờ trở nên gần gũi thân quen

Khi dân số hành tinh đạt mức tám tỷ người, lần đầu tiên câu chuyện đưa con người lên các vì sao cư trú không bị biến thành trò cười

Chúng ta dễ dàng lấy lý do tạo ra các cuộc chiến với nhau nhưng luôn luôn cố tìm mọi cách lảng tránh những cuộc chiến mà tất cả phải chung tay trên cùng một trận tuyến

Lịch sử chứng minh nhân loại đã trưởng thành hơn sau những nỗi sợ hãi do chính mình mang lại

Và bây giờ cũng vậy.

 

MỘT CUỘC THI

Thời gian rủ không gian chạy đua

Không gian nhận lời

Họ chạy đua vô cùng mải miết

Thời gian lao đi nhanh nhất có thể bằng tốc độ ánh sáng

Không gian mở rộng hết cỡ đến mức vũ trụ không thể ngừng giãn nở

Cuộc tỷ thí cứ thế kéo dài hàng tỷ hàng tỷ năm tưởng chừng không hồi kết

Cuối cùng thời gian gục ngã đúng lằn ranh thắng – bại trong cái ngày mà không gian cũng đã mệt nhoài khiến cho vũ trụ ngừng giãn nở vĩnh viễn.

 

ĐẤNG CỨU THẾ

Khi câu thơ của tôi có nguy cơ bị chết đuối giữa dòng sông

Chẳng có ai thiện tình ra cứu

Cứu làm chi một thứ đáng bỏ đi

Khi câu thơ của ai đó đang vùng vẫy tuyệt vọng trên một dòng sông khác

Tôi cố gắng giúp đưa vào bờ nhưng cũng đành bất lực

Chưa kịp hà hơi thổi ngạt câu thơ đã yểu mệnh mất rồi

Tôi nghiệm ra một điều

Những câu thơ nhân bản dễ dãi

Chẳng thể nào đủ sức đứng vững trong những dòng chảy ngay cả cho dẫu trời yên biển lặng

Không có đấng cứu thế nào cho những dòng thơ.

 

BẬC THANG, XÚC XẮC VÀ RUBIK

1. Bậc thang

Những bậc thang

Đưa ta lên đỉnh cao

Những bậc thang

Chứng kiến ta ngã nhào

Những bậc thang vô tri

Luôn luôn vững vàng bình thản

Ta đủ giác quan

Sao cuộc đời vẫn cứ lao đao?

 

2. Xúc xắc

Xúc xắc có sáu mặt

Mỗi lần đổ ra cho ta một con số

Trong trò chơi cá ngựa

Thường ai cũng mong xắc vào mặt Sáu

Vào mặt Một bất đắc dĩ ngậm ngùi

Nhưng đôi khi ngựa cần thêm một nước

Cầu mặt Một mà chịu cứng người chơi.

 

3. Rubik

Rubik cũng là một khối lập phương

Mỗi mặt là mỗi màu sắc khác nhau

Trên mỗi mặt có chín ô vuông nhỏ

Buộc người chơi phải xoay trở tài tình

Khi các mặt đồng màu người chơi thắng

Ta từng chơi và thường thua là chính

Một đời xoay như rubik lập phương.

 

GÃ HÀNH KHẤT, SƯ THẦY VÀ NHÀ THƠ

1. Gã hành khất đi lang thang trên đường

Phong trần, bụi bặm, gió sương

Không quản ngày đêm mưa nắng

Đôi chân vô định hành trình

Đời là manh chiếu rách

Giang sơn bốn bể là nhà

Chẳng mấy ai chú ý đến anh ta ngoài lũ trẻ con hiếu kỳ.

 

2. Sư thầy đi khất thực

Áo nâu sồng đạo mạo chân tu

Đời là bể khổ

Niềm tin là ánh sáng

Người xuất gia dứt nợ hồng trần

Đạo và đời song hành cõi giới

Nhưng mấy ai để ý đến thầy ngoài những tín đồ.

 

3. Nhà thơ dạo bước giữa dòng người

Thâm trầm và bé nhỏ

Nghệ thuật vị nhân sinh

Cái cũ là tử lộ

Cái mới là vô hình

Cái đẹp tìm đâu ra?

Câu và chữ đối đầu

Chữ với nghĩa xung khắc

Sau mỗi lần sống sót và bước ra từ trường văn trận bút

Hình ảnh đầu tiên nhà thơ nhìn thấy là những ánh mắt ái ngại của nhân gian.

 

H.L

Comments are closed.