(Rút từ tập Nỗi Cô Đơn Có Lửa – NXB Văn Học 2021)
NỖI CÔ ĐƠN
CÓ LỬA
Buổi sáng thức dậy tôi thấy tôi cô đơn
Bụng tôi nóng kinh khủng
Lẽ ra buốt lạnh
Cớ sao lại là lửa
Lửa không đốt cháy, lửa không thiêu rụi,
Nỗi cô đơn chưa có ngọn
Cô đơn không có lưỡi, không có miệng,
Không biết khóc cùng ai
Giá như nó cháy được
Rồi biến mất
Giá như nó hát được
Để dỗ dành
thế giới này dở cười dở khóc
Tôi biết là tôi bị bỏ quên
Bỏ quên từ kiếp trước
Tôi một mình
Tôi sờ nắn chính tôi
Tôi – lưu cửu…
VỆT RÊU CHIỀU
Vác cần ra sông câu cá
Khi nghe tin bạn tôi vừa tắt thở
Tôi câu sợi tơ của một linh hồn
Bạn tôi đã ra đồng ra bãi
Con cá trở về nguồn
Tôi ngồi câu một ngày
Tôi ngồi câu một tháng
Tôi câu bóng bạn bóng tôi
Tôi câu tiếng nước chảy buồn
Chỗ bạn tôi nằm đã trỗ hoa đã xanh cỏ
Chỗ tôi ngồi đã vẹt mòn đã bạc lá
Đàn cá đi qua vừa quen vừa lạ
Thời gian đi qua vừa non vừa cỗi
Tôi ngồi câu cái vệt rêu
Cái dấu lặn đã chiều
NHỮNG CHIẾC BÓNG
Lấp lánh / lấp lánh / lấp lánh
Những chiếc bóng lấp lánh
Những bóng người
Những bóng ma trơi
Những bóng đứng lên
Những bóng nằm xuống
Những cánh tay đồng thanh
Những bóng nức nở cười
Những bóng sụt sịt khóc
Những bóng no nê nhai bánh vẽ
Những bóng liêu xiêu say nước lã
Chúng nó ôm nhau
Chúng nó yêu nhau
Quấn tối trời
MẠCH NGUỒN…
Vì xa biển nên anh không thấy biển nhắm mắt như thế nào
Càng không nghe lời giận hờn của sóng
Vì xa biển nên không nghe linh hồn con cá khóc
Linh hồn có nước mắt không
Cá chết có nước mắt không?
*
Như thể từ ngày anh xa sông
Từ ngày anh quay quắt với sông
Không biết sông bên nào bồi bên nào lở?
*
Anh về với bến nước trên đồi cao,
Bến nước trên đồi cao,
Giờ cũng không còn nữa
Tiếng cười giòn của năm nào
Ra đi không từ giã?
*
Cái giếng trong vườn nhà anh
Đêm đêm về lại khóc
Ngày thở những tanh rêu
Đêm thở những mùi buồn
Liệu còn mạch nguồn nào
Trong vắt với chúng ta không?
HÃY ĐỂ TIẾNG ĐÀN
KHÓC THAY EM…
Giá như mang được tiếng vĩ cầm
Về đỉnh đồi – nơi tôi ở
Tôi tin các bạn tôi sẽ say đắm nghe
Đừng chê bạn tôi không biết chữ
Đừng chê bạn tôi không biết vui buồn
Họ đã khóc trong một bài ca ngẫu hứng,
sáng tác ngẫu hứng
Họ đã sẻ chia
những khúc bi thương thật ruột gan mình
Tôi từng ngồi thắp lửa với họ
Từng bồng bềnh với họ
*
Giá như tiếng vĩ cầm
Tôi hình dung tiếng đàn sẽ tạo nên sợi chỉ
Sợi buộc cổ tay
Sợi siết những tình
Con Trâu rừng nằm nghe ngẫm nghĩ
Bụng nó mở cờ – mắt nó rưng rưng
*
Không như lũ bò ở lòng thành phố
Ngỡ chừng văn minh
Lại giẫm đạp đàn
Tiếng vĩ cầm rơi xuống đất
Mặt nhựa như gương lại hóa mặt bùn
Thôi nhé em, em ơi đừng khóc
Hãy để tiếng đàn khóc thay em.
LAU GIỌT MỒ HÔI
· Tặng vợ…!
Chẳng cần tổng kết những ngày tháng làm vợ làm chồng của mình
Có gì ngoài những chuyện vụn vặt đời thường và lặng lẽ
Đói thì ăn khát thì uống
Quê nhà trồng cây không bén rễ thì tha phương
Không chịu được sóng biển thì leo lên tựa núi
Có vui thì cả cười
Có buồn thì cùng chặm khô nước mắt
Ta lau mồ hôi bằng thơ bằng chữ
Vợ lau mồ hôi bằng cách trồng rau trồng hoa
Nhìn bước chân các con đi mà ta rung đùi uống rượu
Vợ hiểu ta làm cho chút mồi
Ngồi chuyện cho ta nhắm
Rượu có hương hoa của vợ
Có vị đắng vị bùi
Có vị cay vị chát…
Giờ lâng lâng lâng ta viết
Ta lau mồ hôi…
CÕI THƠ BAY
Anh đã nhìn thấy vẻ đẹp của người con gái tắm sông
Từ nhiều nhiều năm về trước
Anh còn nhận ra mùi nồng của sen
Mùi nồng của tóc
Cả da thịt đượm chảy
Khói sóng phiêu phiêu bên nếp nhà xưa
Mặt trăng non dát vàng trên lá
“Tiếng gọi đò căng chỉ
Mồ hôi xương”*
Nhễu dài trên ngực nhỏ
Thời gian tự vỡ
Không gian tự xích lại gần nhau
Anh là người của trăm năm sau
Yêu người trăm năm trước
Như trùng trùng núi trùng trùng sông anh đã vượt
Anh yêu
Như trùng trùng anh trùng trùng em
Anh tìm ra bóng nhỏ
Đêm em trở trăn đêm anh không ngủ
Nghe hơi thở căng dài từ em
Nghe giường chiếu em rung
Nghe thơ anh thao thức
Nghe chữ anh trói cột
Nghe tóc em rơi
Nghe thơ anh bay đầy trời
Tóc em kéo thành câu thành sợi
Nghe lời em thủ thỉ
Em nằm trên ngực anh…
*Ý thơ Phùng Cung