Thơ Lê Hoài Nguyên
Tác giả gửi Văn Việt
Người khóc rùa ở HỒ HOÀN KIẾM
Viết tặng anh Nguyễn Dậu
Vắt cuộc đời nhàu nát của anh
Từng giọt nước mắt
Những giọt nước mắt hiếm hoi trong cõi đời
Cho một loài rùa.
Cũng như cho những sinh linh khốn nạn
Những ma cô, gái đĩ, gã buôn mật rắn giả…
Chỉ mong sao họ giữ lại chút người.
Anh đã hứng bao mũi tên mũi dao
Của lũ quan chức thù vặt, vụ lợi, kiếm ăn cả gốc cây, bia đá, hoa văn miếu cổ, ván lát cầu Kiều.
Cứ như bàn tay nào bóp tim tôi
Nó giãy giụa đau đớn như con Nhắng chết vì bầy ăn trộm.
Cả anh, cả tôi, cả những sinh linh khốn nạn
Cả lũ ma cô, quan chức thù vặt vụ lợi
Không còn tồn tại
Nếu như một ngày
Loài tảo xanh ngắt kia chết đi
Những con rùa của tổ tiên để lại chết đi
Hồ Gươm chết
Trước sự thờ ơ…
1989
Nhân xem phim lễ hội rước Mẹ Lúa, Mẹ Nước
Tôi chỉ là hạt lúa
Con của Mẹ Lúa
Tôi chỉ là giọt nước
Con của Mẹ Nước.
Hạt lúa giữa cánh đồng
Giọt nước giữa dòng sông
Nếu không có vòng tạo hóa kia tôi sẽ là gì?
Có ngẩn ngơ chăng giữa những cơn lốc đô thị hóa
Tôi thành kính cúi đầu trước những đàn ông, đàn bà, trẻ em lam lũ đang quỳ lạy trước Mẹ Lúa, Mẹ nước.
Mới hôm kia
Người ta chiếu trên màn ảnh truyền hình
Cảnh nhân dân tiến công vào các cánh rừng cấm quốc gia
1988
Cái chết của rừng cọ
Tặng anh Ngô Ngọc Bội
-Trong bản điều tra về tình hình sản xuất của xã mình đầu năm bẩy mươi tôi có viết:
Để chặt 1000 tàu lá cọ phải mất 27 ngày công. Chở ra đến bến sông bán cho nhà nước được 27 đồng.
Để có gạo ăn trong từng ấy ngày người dân phải mua gạo chợ, 3,6 đồng một ki lô.
Cây cọ quê anh
Từ cổ xưa sinh sôi mãi thành rừng
Trong ký ức làng anh
Tuổi của cây gọi bằng tuổi của người
Trong tiềm thức anh
Một bàn tay xanh che đầu những tháng năm phiêu bạt
-Những linh cảm của tôi sau bản điều tra đã thành sự thật.Tôi phải chứng kiến những người dân quê tôi đau khổ mà đang tay phạt đứt ngọn cây rồi châm lửa đốt rừng, cánh rừng cọ bao đời nuôi sống ông bà, vợ chồng ,con cháu họ.
Không bao giờ tôi quên được những đêm mùa hè nóng nực và ngọn lửa dữ dội thiêu cháy đồi cọ quê tôi dạo ấy.
Hai mươi năm đi qua
Đồi cọ có ngôi mộ tổ họ anh trong bức ảnh tuyệt đẹp treo trên tường chỉ còn là kỷ niệm.
Trên khuôn mặt nứt nẻ của anh,những rẻo ruộng khô, những đồi trọc đá ong, những cái hồ cạn, những con đường sụt lở, những thân cọ chết đứng hiện lên cựa quậy như muốn nói điều gì…
1987
Sau cuộc hỏi cung
Từ ngữ của tôi
Như chiếc búa nhỏ kiên nhẫn
Gõ vào cánh cửa căn buồng đen tối.
Nụ cười của tôi
Như giọt nước
Cố làm nguội lạnh cặp mắt đầy dục vọng ma quái thù địch
Thời gian
Sẽ cho tôi dọi vào căn buồng đen tối trộn lẫn sự thật và dối trá
Với lương tâm tôi có quyền tin
Với nghề nghiệp tôi có quyền nghi ngờ
Đấy là phép thử khó khăn hơn bất cứ nghề nào.
Bao giờ cũng vậy
Tôi mệt mỏi rời khỏi căn phòng đơn giản và thô kệch
Với ý nghĩ
Tìm kiếm sự thật trong lòng người sao mà vất vả!
1986
Lời cây bonsai
Tôi đứng nghiêng như một cánh chim đã lâu rồi
Nửa thế kỷ
Như đôi chân của người đàn bà Trung Hoa
Tôi đã vặn thân làm nhiều khúc dị tật
Một hình hài nhiều dị tật càng tuyệt vời sao!
Chỗ cao, chỗ thấp, chỗ khô, chỗ nước
Trên gỗ, trên đá, trên đất, trên vôi vữa
Đủ các thế hệ chúng tôi đứng ngồi la liệt
Một thế giới kỳ ảo , một thế giới mất thăng bằng
Loài người đã khen nhau thú chơi kiên nhẫn đến kinh người
Và chúng tôi cũng kiên nhẫn đến kinh người…
1989
Bông hồng nở sớm
Sau mùa giông bão xác xơ
Hàng cây thu mình trong gió rét
Đón anh về sáng nay
Vườn mẹ nở bông hồng.
Màu đỏ thắm chạm vào nỗi đau của mẹ
Suốt một đời mòn mỏi lo âu
Màu đỏ thắm đánh thức nỗi buồn của đất
Bao năm mặt đất khô cằn.
Màu đỏ thắm cháy lên ký ức của anh
Một tình yêu vụt mất hai mươi năm
Bao mộng mơ khao khát âm thầm
Có ai nói với anh
-Ngày mai thôi bông hồng sẽ chết!
Nhưng hề chi
Màu đỏ kiêu sa cứ cháy trong gió rét
Và ở chân trời
Đang thì thầm cơn gió mùa xuân.
1989
Nói hộ Thị Mầu
Hãy nhìn em đây
Bầu ngực thanh xuân trong làn yếm đào đỏ thắm
Màu chói mắt vạt áo mớ ba
Chiếc thắt lưng hoa lý của em
Cái nhìn rạo rực của em
Và cái giọng quyến rũ đầy dự cảm
Nay mười tư mai đã là rằm…
Hãy nhìn em đây
Cái dáng đi như một cơn gió mùa xuân
Cái dáng đi và những đường nét của em, giống như những đường cong để lại trên cỏ cây muông thú.
***
Trong bốn bức tường cắm đầy mảnh chai
Trong thân con gái dậy thì
Tình yêu như một mầm cây khát khao trong sạch
Tình yêu đưa em đến trước cửa chùa
Đưa em vào cuộc đuổi bắt kiếm tìm
Đưa em đến cái ranh giới mỏng manh giữa sự lẳng lơ và sự thiêng liêng
Giữa cái đáng yêu và cái người ta nguyền rủa.
Cái gì ? Cái gì ?
Hãy trả lời em
Cái gì làm cho cuộc đời đau khổ của em người đem giễu cợt
Quả táo ơi
Táo rụng xuống sân đình!
****
Mấy trăm năm rồi
Người ta vẫn gọi em cái tên Mầu Thị
Nhưng cứ mỗi năm mùa xuân vẫn đến
Và bộ ngực yếm đào đỏ thắm làm người ta say đắm
Và người ta chờ tiếng trống Thị Mầu…
1986
Người đốt lửa không ngủ
Sương lạnh không làm đầu ta bớt nhức
Thấp thoáng sau những đám mây mờ mịt
Dòng Ngân Hà ám ảnh hồn ta
Lời Ông già lòng như sao Khuê
Chở thuyền là dân , lật thuyền cũng là dân.
Không thể nào ngủ được
Mỗi khi bắt ta nằm trên giường vua chúa ngày xưa
Vải sa tanh nhớp nháp cả da thịt.
Cái gì ngăn cách ta
Đến nỗi ta thèm đi bộ trên đường
Thèm ngồi dưới một gốc đa
Thèm bát nước chè xanh giữa mảnh sân nhà cha mẹ
Thèm nói một câu với người bạn gái xưa đã thương ta…
Giở trang sách những câu dân giã
Bỗng giật mình :
Làm người có miệng có môi
Khi buồn thì khóc khi vui thì cười
Chân lý không phải tìm trên chín tầng mây
Chân lý ở ngay đây
Từ miệng của nhân dân.
Ta nghe trong gió nhiều chuyện lạ
Bao nỗi oan khiên bao sự suy đồi
Lòng dân đau thành tâm thần chính trị
Dân cô đơn tìm đến thánh thần
Lòng dân buồn lang thang
Cay đắng cười câu tiếu lâm hiện đại.
Ta đã thấy rồi đất nước
Còn những túp lều xiêu vẹo
Những dòng sông khô héo
Những người già dắt cháu ăn xin
Đồng tiền bay như giấy vụn
Bọn cường hào mới
Như những bóng ma lướt trên mặt người dân
Không có cả tiếng quạ kêu nữa rồi
Quạ đi hết vì không còn chỗ sống
Vẫn có những trẻ em bị đánh chết oan
Ôi những ai đau nỗi đau của đất nước
Đã bảy mươi tuổi ta còn lừa ai nữa
Mà không dám gọi đó là nỗi đau!
Bỗng quanh ta
Trẻ con hát đồng giao
Như xưa ta hát cùng bè bạn
Lặc cò cò
Mò cuốc cuốc
Cò chân luốc
Cuốc chân vàng
Sang đây chơi
Ngồi đây hát
Mỏ dính cát
Thì xuống sông
Bùn dính lông
Thì đi rửa
Chân dẫm lúa
Thì phải treo
Cù kheo à ập
Khoan các cháu hát lại
Cho ta nghe cái đoạn này
Mỏ dính cát
Thì xuống sông
Bùn dính lông
Thì đi rửa
Chân dẫm lúa
Thì phải treo
Sáng mai
Ta đốt lửa.
Tháng 12 – 1986
Thế giới đang tồn tại
1+1 = 2
Hình thức kết hợp hiển nhiên của sự vật, điểm khởi đầu kiến thức của tôi. Hôm nay trong bài học mới tôi phải hiểu:
1+1 = 1
0+0 = 1
0+1 = 0
Đấy là bản chất trừu tượng của sự vận động, sự thống nhất của thế giới. Cái công thức vĩ đại đã sinh ra ngành Điều khiển học.
Khi phát minh ra kính thiên văn,ánh sáng các thiên hà đã nuôi khát vọng con người rời mặt đất bay lên.Cuối thế kỷ hai mươi, một nhà khoa học lại thốt lên: Cái tuyệt vời nhất trên trái đất này là vẻ đẹp của cấu trúc AND.
Trái đất mênh mông thời trung cổ đã thành quả cầu bé nhỏ trước mặt con tôi. Trước Ma Gien Lăng không ai dám ra đi về một phía mà lại tin trở về nơi cũ.Ý nghĩ về lực hút từ quả táo rụng của Niu Tơn thật là kỳ diệu. Song con người đã biết làm nên sức đẩy phi thường để chiến thắng sức hút kinh khủng đó…
****
Em và tôi đã đến với nhau trong cái thời ta chỉ coi nhau như những thiên thần.Và ta đã khổ đau vì không thể nào thánh thiện.Vì sự vụn vặt tẻ nhạt đời thường.Vì sự bất lực cô đơn.Chẳng có chiếc đũa thần nào hóa được hai ta là một.Bây giờ thì ta dạy con ta: Các con phải chấp nhận lẫn nhau và cùng tồn tại.Tình yêu không thể nào vĩnh viễn, là sự tìm thấy , đánh mất và tìm kiếm không ngừng.
Tôi không thể mãi là thần tượng của em. Xin hãy bình tâm với cám dỗ của những vòng hào quang tôi trót vẽ cho em. Tôi chỉ là một con
người nhỏ bé trần tục như bao đồng loại khác.
****
Tuổi bốn mươi đã đưa ta đến gần kề giới hạn của đời ta. Hy vọng và đau khổ. Thành đạt và tan vỡ. Ta hiểu cái cần có và cái không thể có, cái có thể của ta…Ta biết giữ cái mà ta đang có.
Thế giới gồm cả cái giới hạn và cái không giới hạn. Chạm vào cái có giới hạn thì giản đơn. Hình dung ra giới hạn của cái không giới hạn thì đầy gian khổ. Cũng như đen và trắng, cao thượng và thấp hèn, thiện và ác, xấu và đẹp, chỉ là những phạm trù tương đối trong lịch sử.
Người ta đã trả giá. Một tuổi thanh xuân, một đời người, một thế hệ,một thiên niên kỷ để hiểu ra cái giản đơn giữa bao mê cung rắc rối: Con người…Cái tưởng như sắp diệt vong thì chưa thể chết. Cái tưởng bất biến thì lại đang biến hóa. Cái tưởng không gặp nhau lại có thể gặp nhau…
Loài người đi tìm chân lý, mà chân lý còn đang tiến lên phía trước không ngừng…
Bi kịch cho những dân tộc chỉ tin vào những tín điều chật hẹp và không tưởng. Hãy xem họ đang thần thiêng hóa các pho tượng của mình.
****
Cắt thế giới ra từng đoạn từng khúc ư. Hay để nguyên nó mà trầm tưởng mà chiêm ngưỡng.
Tôi là một phần không chia cắt khỏi thế giới.
Tôi hiểu:
Cần phải đối xử với thế giới như nó đang tồn tại.
1988
Con và cha
Có thể
Con rất chóng quên những điều cha chẳng lúc nào quên
Con lại nhớ những điều cha không đáng nhớ
Cái đối với con như là bọt bể
Lại là cái cha mang nặng một đời
Con giản đơn trong sáng đến rạch ròi
Cha như mớ chỉ vò rối rắm
Con ào ạt băng đi không chờ không đợi
Cha đắn đo ở mãi khúc quành
Nhưng dù sao
Con đã có cái mà cha chưa có.
1993
Viết cho một người đàn bà
Từ phương Bắc em lại bay về phương Nam. Giã từ tuyết lạnh em rơi vào khoảng trời ngợp nắng. Giã từ cuộc phiêu lưu này, em lại nhập cuộc phiêu lưu khác.
Trong cuộc hành trình bất tận kiếm tìm. Những buổi chiều giông bão. Những đám mây đen ám ảnh chân trời. Trái tim em không bình yên. Trái tim run rẩy. Những hạt bụi trần tục cuộc đời chạm vào làm em đau đớn.
Em đi tìm người đàn ông lý tưởng. Họ cho em những mảnh vụn của đàn ông. Có những kẻ trí tuệ không đáng một xu. Có những kẻ nhân cách không đáng một xu. Họ đã quỳ dưới chân em. Bố thí cho họ xong ,em sằng sặc cười hắt rượu vào mặt họ.
Đập phá, đập phá, em đã đập phá. Bất chấp tất cả những lời ngợi khen cũng như những lời diễu cợt. Đấy là một cách tuyên chiến với thần tượng giới tính của người đàn bà. Nhảy qua giới tính ư? Hay làm cho nó giới tính hơn? Rốt cuộc em không thoát được ra ngoài định mệnh. Tiếng kêu của em là tiếng kêu thương, tiếng kêu của con chim trong lồng thèm khát bầu trời xanh tít tắp.
Em
Cô bé gái chân trần cầm đóa giành giành chạy dọc bờ suối bưởi Nga My. Người con gái thì thầm với những bông cúc biển trong một đêm hè đầy sao như của Đô Đê. Người đàn bà nức nở , giọt nước mắt lần đầu nhỏ xuống chiếc bình tan vỡ.
Một cái chấm nhỏ không mờ.
Trên đoạn khởi đầu đường đời nặng nhọc của tôi.
Matxcova 1989