Thơ Liêu Thái

 

Đất và Nước

 

Tôi không thuộc lấy nửa câu kinh

Và tôi tin rằng cả Chúa hay Phật đều không thuộc câu kinh nào

Bởi các ngài sinh ra không phải để tụng niệm

Cũng giống như con người sinh ra không phải để thù hận

Cũng không phải để ngợi ca tình yêu…

 

Tôi thương tôi nhìn đâu cũng thấy an ninh

Tôi thương anh nhìn đâu cũng thấy tội phạm…

 

         Bác Ái 

Khi bóng người chăn cừu đi qua

Nắng, cỏ khô, xương rồng và một ít phân vừa héo

Người đàn bà Raglai mang bao tải

Một cái bao nhẹ và rỗng dùng để chứa phân

Mỗi ký phân cừu khô bán cho người trồng cây cảnh

Kiếm được bốn chục ngàn đồng

Tương đương với một ký rưỡi đậu xanh chưa bóc vỏ lụa

Và để có một ký đậu xanh

Người ta phải trồng, chăm sóc nhiều tháng trên rẫy

Cũng như để có một triệu đồng

Người ta phải chắt chiu cả năm dài

Trong khi đó

Việc đi nhặt phân nếu may mắn

Mỗi ngày kiếm được trăm ngàn đồng

Cũng như người được tuyển chọn để chăn cừu chăn dê

Mỗi năm kiếm được mười lăm triệu đồng

Tương đương với mỗi tháng chừng 1,25 triệu đồng

Một số tiền rất lớn sau khi lăn lóc cùng bầy cừu và dê

Và sau một năm lang thang đây đó

Đương nhiên đàn cừu sẽ nở ra gấp rưỡi

*

Giữa xứ khô cằn này

Giấc mơ bị hạn hán

Những vườn nho dọc bờ biển

Như níu kéo sự thơ mộng sót lại

Với chân trời du lịch

Điều đáng sợ nhất của con người

Không phải là giải thể hợp tác xã

Mà cái hợp tác xã khốn nạn một thuở

Đói kém một thuở

Hợm hĩnh và gian lận một thuở

Hống hách và đè nén một thuở

Nó cho người ta niềm tin hơn bây giờ

Chuyện tưởng chừng mâu thuẫn

Bởi cái thời đói kém ấy

Người ta hi vọng sẽ rút chân ra khỏi hợp tác xã

Và lấy lại được phần đất của mình

Người ta hi vọng giải thể hợp tác xã

Và lấy lại con trâu của mình

Mặc dù niềm tin hay hi vọng ấy là không có thật

Nhưng chí ít có cái cớ để người ta tin

Nó khác với hiện tại

Khi vườn nho, vườn thanh long hay những cánh đồng bát ngát

Và cả căn nhà tồi tàn dột nát

Đều không cho người ta niềm tin về tương lai

Bởi mọi thứ bị bao trùm

Bởi một màu trời xám

Nó có thể đổ mưa và gây ngập lụt, chết chóc

Bất kì lúc nào

*

Nơi những người thợ gốm

Và những nghệ nhân miệng dính đầy đất sét

Họ ăn đất sét

Như một ân sủng trong lúc nhai cơm

Với ý nghĩ đầy bột đất

Và nụ cười hiền

Tôi đã nghe câu chuyện về đất

Một thể loại đất phi chính phủ

Những bình gốm chứa giấc mơ

Tổ tiên ngày lập quốc

Tổ tiên ngày điêu tàn

Tổ tiên ngày trở lại

Tổ tiên ngày hoang mang

Những giấc mơ vẽ ra từ đất

Nằm chết vĩnh hằng màu gốm…

 

         Đàn chapi

 

Tôi đã nghe tiếng đàn này

Và hoàn toàn thất vọng về một ca khúc

Bởi nó quá đẹp, du dương, bay bổng

Kỳ thực đây là âm thanh uất nghẹn

Nó nhốt bốn mùa đau khổ

Và thân phận nhỏ nhoi của một kiếp người

Từng là thứ dân dưới các vương triều Chămpa

Họ mãi là một tộc người phụ họa

Cho đến hôm nay

Họ vẫn không mơ màng gì lắm về giấy khai sinh

Những đứa bé ra đời

Vẫn mang họ mẹ đến trường

Vì họ nghĩ rằng không có lý do gì để đăng ký kết hôn

Tài sản không có

Chồng về ở rể

Bỏ nhau thì thôi

Có gì để chia mà sợ kiện tụng

Trong căn nhà trình tường tạm bợ

Hay nhà sàn ọp ẹp

Dưới cái nóng hâm hấp vành đai xích đạo

Những mái tôn như lò thiêu

Họ ăn, ngủ, làm tình, đẻ con và đào thải

Như đàn thú tự do

Mang theo giấc mơ rừng xanh

Trong tiếng chapi nghèn nghẹn

Họ cầu mong đất mau tăng giá

Để đổi đời

*

Họ nói rằng mình biết

Khi đất và nước trở thành mối họa

Anh em bằng hữu hay ruột thịt trở mặt nhau

Vì đất và nước

Một cái ao giữa hai nhà cũng thành chuyện lớn

Thì huống chi cả một biển Đông

Khi giấc mơ bị thác vào đất

Người ta hi vọng bằng đất

Mơ bằng đất

Ăn bằng đất

Ngủ bằng đất

Cười bằng đất

Khóc bằng đất

Vác dao rượt nhau bằng đất

An tâm bằng đất…

Không còn thứ gì mang nhiều cơ hội như đất

Nhân loại như tổ mối đất

Quẩn quanh mặt địa cầu

Đất như một định mệnh

Để người ta cấu cào…

 

         Q. hãy ngủ yên!

 

Con trai tôi nói: "Ba ơi, thầy Q. đã đi tới cõi vĩnh hằng rồi, thầy Th. nói vậy!"

Tôi ngờ ngợ: "Chữ vĩnh hằng nghĩa là sao, con biết không?"

Chàng bảo: "Dạ, vĩnh là vĩnh biệt, hằng là tên cô Hằng nào đó, thầy chết rồi đó ba, thầy vĩnh biệt cô Hằng rồi đó!".

Tôi không thể cười được

 

Thầy Q. đã chết

một thầy giáo ốm yếu, nhút nhát và buồn

da hơi xanh và thầy luôn phải nợ tiền trọ

thầy tốt nghiệp cử nhân sư phạm

thầy dạy hợp đồng dưới xuôi

đó là cơ hội của những giáo viên miền núi

nhất là một giáo viên thuộc tộc người thiểu số

K’Dong giống như thầy

sự khốn khó như một thứ tín chỉ nghề nghiệp

 

tôi nhớ ngày người K’Dong đã chết

bởi sạt lở núi, lũ quét

chỉ mới đây thôi

dáng bộ của Q. vốn hom hem càng thêm buồn

Q. liên tục gặp khó khăn

Q. bước lên cầu thang không nổi

phải dừng thở ở các sảnh chờ

tiền quĩ lớp, Q. cũng phải mượn để đi khám bệnh

ba triệu đồng, Q. chỉ còn vỏn vẹn một triệu để trả lớp

trước khi chia tay với trường

bởi các học sinh không hiểu thầy dạy gì

thầy nói khó nghe và hay dừng giữa giờ học để ngồi thở

Q. hứa sẽ thanh toán nốt khoản nợ của quĩ lớp

khi lành bệnh

 

tôi chỉ cầu mong sao thầy lành bệnh

và bằng cách nào đó chia sẻ với thầy một chút

bởi tôi biết giữa cõi người buồn bã

thầy sẽ thấy vơi đi chút cô quạnh

 

nhưng điều tôi nghĩ chẳng bao giờ đến

thầy được bác sĩ cho về nghỉ ngơi

ở một bệnh viện miền núi

sau khi trải qua cơn đau mất việc và nợ nần

và thầy chết

nói theo cách của con tôi và thầy Th. là đi về cõi vĩnh hằng

nhưng tôi sẽ không giải thích với con mình

về việc thầy có vĩnh biệt một cô Hằng nào đó hay không

 

tôi nhớ lần ấy, cách đây ba năm

thầy bị tai nạn xe

do một học trò phóng xe từ hẻm ra đường

thầy Q. và đứa bé ngã lăn

lúc đó thầy Q. đứng dậy không nổi

mặt tái mét

còn đứa bé thì khóc toáng lên

mọi người khuyên can cha mẹ đứa bé

lúc ấy tôi mới gặp Q. lần đầu

tôi nghĩ rằng Q. sợ vạ nên làm vậy

sau này tôi gặp Q. vẫn dáng bộ nhút nhát cố hữu

tôi nghĩ Q. trẻ mà kiêu căng

 

vài năm sau, khi nghe cô Hiệu trưởng kể về Q.

tôi vỡ lẽ và thấy mình có lỗi

vì đã nghĩ sai về Q. nhiều năm

tôi nghĩ đến nỗi buồn của một anh chàng miền núi

vượt qua mọi khó khăn để đi học

để rồi được tới đồng bằng dạy học

điều ấy như một tín chỉ bảo chứng

về khả năng dạy sau khi quay về làng

làm người gõ đầu trẻ

 

và chuyện ấy mãi mãi không diễn ra

bởi Q. bôn ba dạy học đồng bằng

và trở về núi rừng với một ít buồn tủi, một ít khốn khó, một ít vô vọng và một ít chết chóc

 

làm một người tử tế và thật thà

làm một người hưởng lương không vụ lợi

làm một người tự do nơi đồng bằng

thật quá khó cho Q.

và Q. trở về quê với cơn trụy tim

Q. không có bảo hiểm

bởi Q. dạy hợp đồng

và bị cắt hợp đồng do phụ huynh lên tiếng

về chất lượng dạy của Q.

 

tôi mường tượng những dòng suối

nơi con hoẵng con nai hay con chồn con sóc

thả tiếng kêu rừng sâu

nơi hoa rừng rưng rưng tháng chạp

nơi lũ trẻ chưa biết kem ốc quế dâu là gì

nơi thần tiên trên núi reo ca

trong điệu lá của đại ngàn thinh lặng

trong tiếng dế thở than đời ủy mị

trong tiếng rừng trầm thống liêu trai

 

Q. hãy ngủ yên

một tuổi trẻ buồn

một tộc người buồn

một đời rừng buồn

không âm vọng

 

Q. hãy ngủ yên!

 

         Đồng Tâm

 

Em ở Đồng tâm hỏi Đồng Tâm

Chiêm bao tôi bước nhầm đại hội

Tháng chạp cá ngáp nguồn bóng cội

Thù triền miên khắc dấu mả vôi

 

Tôi tới Đồng Đăng lại nhớ trăng

Cái đêm mười bảy tháng hai ấy

Rùng mình gió chết mang hơi mặn

Đào đỏ máu đào lung linh cây

 

Tôi hỏi trời Đông với trời Tây

Trăm năm tóc bạc hỏi bóng ngày

Người dừng bên ải Chi Lăng đó

Khóc một rừng xưa rũ xương gầy

 

Em ở Đồng Tâm hỏi Đồng Tâm

Tôi từ vô lượng đau xanh mầm

Đứng bên đồng chiều hăng gai thép

Mạ kẽm hồn mình một chữ Câm

 

Một năm đã cũ người đã cũ

Xương đã thành hoa đau tỏa hương

Người dõi mắt buồn gọi mười phương

Chỉ nghe im lặng cây bên đường

 

Một năm bất tận đèn sáp trắng

Năm xuôi tháng hạn buồn trống vắng

Trẻ con thêm tuổi người thêm lịch

Duy chỉ điệu buồn trơ bóng trăng…

Em ở Đồng tâm hỏi Đồng Tâm

Tôi về tụng niệm một chữ Câm…

 

         Ở một góc thiên đường

 

Dưới tán cây mùa hạ

Đám mây xốp ngủ quên lòng hồ

Thi thoảng vài con cá nhỏ

Đớp bóng ngái ngủ

Và người đàn bà ấy đi về

Bên giếng cạn

Mùi phấn son thanh xuân

Cụm rêu thành gạch cổ

 

Nàng hỏi: “Giả sử mình tự đứng

cách xa mình để tự quan sát

liệu mình có thấy được nỗi đau

của mình giống như đang thấy người khác?”

một câu hỏi hóc búa mi cũng đôi khi cũng tự hỏi như vậy

bởi mọi thứ là một cơn mưa phùn

không đi qua thành phố như một bài hát lãng mạn

nơi có những đôi tình nhân và bóng cây

bờ hồ và những chiếc thuyền đạp vịt

hay những dòng sông đen từng đi vào thi ca

mọi thứ theo mưa

ngấm vào lòng đất

những cổ thụ già trăm năm

đứng phơi mình dưới nắng độc

và những trái ngọt có thể gây chết chậm

theo thời gian đi vào võng mạc

đọng thành vết đục thủy

thế giới lướt mờ cuộn phim chiếu chậm

 

làm sao có thể quan sát nỗi đau của mình?

người nông phu hỏi bằng hạt lúa

bằng những giọt mồ hôi muối

bằng nước mắt mặn chát hạnh phúc

vì cánh cửa đại học mở trước ngõ

người tu hành quan sát bằng tiếng chuông

và những núm vú treo ngược trang kinh

người thầy dạy học quan sát bằng bữa cơm

của đứa học trò nghèo quen ăn cơm nguội tới lớp

người thầy thuốc ngắm qua cửa sổ

những giường bệnh tự phát dưới gốc cây

với ống truyền, người nằm và tiếng chim gọi bạn

 

mọi thứ lướt qua lờ mờ

nhưng rất thật

giống như cơn mưa phùn mang độc tố

ngấm dần mặt đất nuôi cây trổ trái

vòng tuần hoàn nỗi đau không hạn định

người ta chỉ có thể đứng từ xa

 

nhưng không phải để ngắm mình

mà ngắm một nỗi đau khác mang bóng dáng

của những ngày người ta chưa kịp thấy mình đau

giống như bài thơ về đất nước

tung hê, tụng ca và oán trách

các nốt ruồi son trên vai nhà lãnh đạo

không liên quan đến số phận đứa bé nghèo

không phải tại thế giới lãnh cảm

tại đứa bé không chịu nổi cái lạnh…

 

đó là thứ luật chơi mới

giúp người ta tự xua tan cơn đau

sau khi làm tình và ăn một bát cháo lòng

lúc 0h ở một quán ven đường

ở một nơi mang dáng dấp thiên đường

không dành cho những người sợ lạnh

 

         Tháng Tư

 

Nàng bảo xứ này sính ngày cá tháng tư

Bởi khi sự thật luôn gây tổn thương và không tìm thấy

Người ta ký thác giấc mơ của mình vào sự nói láo

Nói láo nhưng một cách tự massage não trạng

Trong những ngày nắng muốn vỡ tung hộp sọ

 

Có những chiếc thuyền đã nói láo về điểm đến

Có những bài học đã nói láo về tương lai

Có những con đường đã nói láo về hướng mặt trời

Có những con người đã nói láo với nhau một cách thành thật

Ngay cả khi ngủ mơ

 

Tôi luôn thầm cảm ơn các anh công an

Bởi chính các anh đã thúc giục tôi

Hãy viết… viết… viết…

Hãy đi… đi… đi…

Bởi bất kì giờ nào trong ngày

Tôi cũng có thể bị mời cà phê, mời làm việc hoặc

Tôi bị chặn xe giữa đường, buộc quay về bằng đi bộ

Tất cả những điều đó đã xảy ra

Mặc dù tôi luôn nghĩ trí nhớ của mình đã nói láo

Tôi thương tôi nhìn đâu cũng thấy an ninh

Tôi thương anh nhìn đâu cũng thấy tội phạm

 

Chúng ta cứ nói láo với nhau bằng lời rất thật

Về một con đường nhiều hoa hồng và cỏ cú

Về một con đường không có cứt bò và mèo hoang

Về một tương lai không còn người ỉa vất

Và người ăn mày được trao kỉ lục

Trong vinh dự bảo tồn

 

Tôi yêu đất nước này

Bởi mỗi khi người ta ngợi ca

Tôi nhìn thấy một vết thương sâu hoắm

Đang mọc lên một bông hoa máu

Nơi góc thư viện cổ

Hay gác chuông nhà thờ

Những đôi trẻ yêu nhau và cầu nguyện

Về một tương lai nào của riêng họ

Tôi chắp tay cầu nguyện

Tôi không thuộc lấy nửa câu kinh

Và tôi tin rằng cả Chúa hay Phật đều không thuộc câu kinh nào

Bởi các ngài sinh ra không phải để tụng niệm

Cũng giống như con người sinh ra không phải để thù hận

Cũng không phải để ngợi ca tình yêu

 

Tình yêu như những bông cỏ dại

Thả những đốm trắng theo gió tháng tư

Trong sắc nắng cưu mang niềm hi vọng

Làm một khách đường dài đỉnh núi cao

Cánh chim bằng thả mình gió chướng

Khúc điệu vi vu đường chân trời

 

Tôi nói mớ bóng cây ngủ trưa

Những thằng bạn bị ghẻ lạnh ngồi khóc

Bóng của nó rũ xuống ao chuôm và mặt đất

Cành đêm buồn lả lả lời ca

Tôi gắn đời mình trên trí nhớ

Có người yêu nói mớ về trăng

Chim khách ngoài vườn kêu hấp hối

 

Tháng Tư thác đổ trời dựng nhớ

Triền sông hiu quạnh một bóng cây

Đò ngang đò dọc trang thơ trắng

Diều gió theo mùa thương nhớ mây…

Comments are closed.